Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay và trước yêu cầu khắc phục những nghịch lý thế kỷ, đạo Phật không thể đứng ngoài hay đứng trên cuộc đời. Tiếp nối truyền thống nhập thế, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang nhập vào dòng sống dân tộc, trở thành một nhân tố của cuộc sống, có tác động mạnh mẽ trên mọi bình diện của đời sống xã hội, trong đó không thể không kể đến vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển kinh tế.

Đạo Phật là một tôn giáo tâm linh. Đạo Phật có vai trò gì đối với sự phát triển kinh tế? Đa số các nhà nghiên cứu nghi ngờ mối liên hệ giữa Phật giáo và kinh tế. Họ cho rằng sự phát triển kinh tế phương Đông đi đôi với những giá trị Nho giáo hơn là Phật giáo. Phật giáo có vai trò giáo dục đạo đức, giải thoát tinh thần hơn sự phát triển kinh tế. Thực tế, không ai phủ nhận những điều trên. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu xem xét vấn đề trong những mảnh vụn của sự tách rời, cô lập một cách siêu hình. Tách rời sự phát triển kinh tế với sự phát triển đời sống đạo đức, tâm linh đang là một sai lầm của thời đại chúng ta. Trong thời đại ngày nay, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được khi dục vọng của con người được kích thích. Đó là điều phần lớn các tôn giáo (trong đó có Phật giáo) đều muốn đề kháng lại. Hoạt động kinh tế cực đoan, vô hình chung làm tổn thương đến những giá trị đạo đức, văn hóa toàn nhân loại. Mặt trái của nền kinh tế thị trường biến mọi cái trở thành hàng hóa, đồng tiền thành thước đo vạn năng cho mọi giá trị. Dục vọng trở thành động lực chính- thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng dục vọng lại đi liền với thất vọng và bất mãn, bởi vì con người không xác định được điểm dừng cho những nhu cầu ngày càng tăng của mình. Nghệ thuật quảng cáo dưới mọi hình thức lại càng tăng tối đa những nhu cầu giả tạo của con người. Lòng tham trở nên vô độ. Con người bằng mọi phương tiện hoạt động để đáp ứng cho lòng tham không giới hạn ấy. Lòng tham, khiến con người xa rời lối sống quân bình, đối nghịch với thiên nhiên và đồng loại, dẫn tới hành động tàn phá môi sinh, đây là nhân tố mà chính mình dựa vào để sinh tồn và phát triển. Đối nghịch giữa người với người, xuất phát từ lòng tham, mà sâu xa là sự đối địch trong lợi ích kinh tế. Thánh Gandhi đã nói: “Trái đất có thể cung ứng cho nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng không thỏa mãn đủ lòng tham của tất cả mọi người”.

Về điều này, Đức Phật đã chỉ rõ: Cổ vũ cho dục vọng là đi ngược con đường trí tuệ, làm cho con người ngày càng thêm chấp thủ vào của cải, bởi sợ hãi kẻ khác cướp đi tài sản của mình. Càng giầu có càng phấp phỏng lo âu và bất an. Vậy giảm thiểu nhu cầu là giảm sự căng thẳng có thể gây ra sự xung đột giữa các cá nhân và chiến tranh giũa các quốc gia. Phật giáo không xem tư hữu là xấu xa, vì tư hữu không ít thì nhiều có liên hệ tới nghiệp của mỗi cá nhân và miễn là các tài sản này được tạo ra bởi những cách thức chính đáng, hợp pháp. Nhưng Đức Phật cũng khuyên không nên giữ lấy tài sản để rồi nô nệ cho tài sản..

Thủ, tức lại rơi vào vòng luân hồi. Xả, tức là giải thoát. Làm giàu bằng mọi cách chỉ khiến cho con người mãi mãi luẩn quẩn trong vòng Tam độc: tham-sân-si. Đức Phật đã khuyên chúng ta đừng có ngu ngốc bám giữ khư khư tài sản của mình mà không vì người khác. “ Tài sản của anh sẽ ở lại khi anh chết, họ hàng và bạn bè sẽ theo anh đến tận mồ. Nhưng chỉ có những hành động tốt, xấu mà anh đã làm trong suốt cuộc đời sẽ cùng anh sang thế giới bên kia”.

Chính mệnh là một trong Tám khâu mấu chốt trong giáo lý Bát Chính Đạo của Phật giáo đưa tới giải thoát. Trong thời của Đức Phật chúng ta thấy, nền kinh tế khá giản đơn, tuy nhiên Đức Phật đã khuyến cáo các đệ tử không được làm một số nghề như sát vật, bán thịt, bán vũ khí, bán rượu…Trong nhiều đoạn kinh, đức Phật còn nhắc nhở một cách chi tiết làm thế nào để có một cuộc đời hạnh phúc đó là: Phải tiêu dùng của cải vật chất một cách hợp lý, coi cuộc sống vật chất chỉ là phương tiện để đạt tới đời sống tâm linh giải thoát. Một cuộc sống an vui giải thoát chỉ đạt được khi con người thực hiện được những giá trị chân- thiện-mỹ và hạnh phúc của người này đạt được, không có nghĩa là giẫm đạp lên hạnh phúc của người khác, loài khác. Và hạnh phúc đó chỉ có nghia khi “đem lại sự sống an vui đến cho muôn loài”.

Có thể vận dụng được gì những quan niệm trên vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường hiên nay ở nước ta?

Mục đích của đạo Phật là sự bình an trong tâm thức. Mục đích của xã hội nói chung, trong đó có kinh tế là đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu vật chất và tinh thần của người lao động, đảm bảo cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bởi thế điều quan trọng không phải là giảm thiểu nhu cầu, triệt tiêu dục vọng mà là xác định nhu cầu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước để phát trển sản xuất. Vì vậy, chỉ có thể xác định giới hạn cho phép của những nhu cầu chính đáng và đấu tranh với những nhu cầu bất chính, vi phạm tới lợi ích của đa số người dân lao động. Cuộc sống và sự phát triển của mỗi người không thể đạt được bằng nỗi bất hạnh của người khác, loài khác. Phát triển kinh tế phải đồng thời với ý thức về giá trị bình đẳng của sự sống xuyên suốt không gian và thời gian, bao trùm cả muôn loài. Phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của mỗi chúng ta hôm nay, không thể song hành cùng với việc cướp mất điều kiện sống và cơ hội phát triển của người khác và của con cháu chúng ta mai sau.

Quan niệm của Phật giáo cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại những được mất của con người trong nền kinh tế thị trường để điều chỉnh nhu cầu tạo ra sự hài hòa, cân bằng đời sống vật chất, tinh thần. Thuyết trung đạo-con đường giải thoát của Phật giáo vẫn là bài học lớn đối với chúng ta trong hiện tại. Nếp sống khổ hạnh của thời bao cấp tới nay đã quá xa lạ với cơ chế thị trường. Đức Phật cũng đã từng xác nhận rằng, không thể đi tìm giải thoát tâm linh nếu tâm linh ấy chứa đựng trong một thể xác quá ư bạc nhược, ốm yếu về thể chất, tức (tu khổ hạnh). Nhưng ngược lại, nếu con người quá mải mê theo đuổi những nhu cầu hưởng lạc vật chất, thì đời sống tâm linh sẽ bị xao nhãng, chệch hướng. Đây cũng là lời cảnh báo cho một nghịch lý của thế kỷ hôm nay. Thực tế chúng ta thấy, giữa một xã hội tiêu dùng với một khối lượng của cải đồ sộ mà con người phương Tây vẫn phấp phỏng lo âu, cô đơn trong hiện hữu. Bởi thế, duy trì nếp sống quân bình như lời Phật dạy là một điều cần thiết hiện nay. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, phải bảo vệ môi sinh và con người, để con cháu chúng ta còn được “những gặt hái của mùa màng ngày mai”. Nếu ta chỉ biết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không có sự tái tạo trở lại, là đồng nghĩa với sự hủy diệt môi sinh, phá vỡ cân bằng sinh thái, bởi sự phát triển kinh tế “nóng” như hiện nay, thì làm sao có được nền kinh tế phát triển bền vững như mong muốn.

Như chúng ta thấy, Thế giới hiện nay đang bất ổn, thiên tai dồn dập, bạo lực khắp nơi. Các cường quốc luôn ỷ mạnh hiếp yếu, muốn tạo lập trật tự thế giới theo ý riêng bản Ngã của mình. Áp bước bất công, tham nhũng, cưỡng bức luôn xuất hiện, chỉ khác là nơi nhiều nơi ít mà thôi. Tại sao có tình hình như thế?

Trước hết nói về thiên tai, theo các nhà khoa học cho rằng: Với khả năng có hạn của khoa học hiện nay, thì không khắc phục được thảm họa động đất, sóng thần, cuồng phong, mưa bão, núi lửa. Tất cả thiên tai đó đều vượt quá khả năng của khoa học.

Phật pháp nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Liệu con người có thể rút ra một vài nhận thức và hành xử tốt hơn trong cuộc sống dựa vào Phật giáo không ?...

Thế giới là do tâm tạo, tâm thức con người với những tập quán xấu như hung bạo, hiếu chiến, giết chóc tất nhiên là ảnh hưởng bất ổn tới an ninh thế giới, điều này ai cũng thấy. Nhưng ít ai hiểu rằng thiên tai cũng là do tâm tạo. Theo giáo lý đạo Phật: Không có cái gì tự nhiên có, bởi cái này sinh, thì cái kia sinh và ngược lại.

Thế giới vật chất, thái dương hệ, mặt trời, hành tinh đều là cấu trúc theo nguyên lý: thành, tru, hoại diệt. Khi Phật giáo nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, chúng ta phải hiểu rằng, Tâm chính là lực tổng hợp của 4 lực cơ bản của vật chất, Tâm là nguồn năng lượng vô hạn. Đó là các nhà khoa học hiện đại Thế giới ngày nay qua nghiên cứu, kiểm chứng khẳng định. Về điều này, nếu là Phật tử chúng ta đều thấy, cách đây trên 25 thế kỷ, Đức Phật đã đề cập về sự ảnh hưởng và vai trò tối quan trọng của Tâm thức con người trong Duy thức luận và các kinh điển Phật giáo.

Chính vì Duy lý cực đoan, không tìm hiểu Duy thức luận Phật giáo, nên “ Khoa học hiện đại ngày nay mới lâm vào hủng hoảng lý thuyết Vật lý, mà các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã cảm nhận, khi môn cơ học lượng tử phát triển đã cho thấy rằng, vật chất là không thực thể. Xin dẫn một số ý kiến của các nhà khoa học về nhận định trên như sau: Nhà vật lý người Đan Mạch- NiclsBohr- giải Noben vật lý 1922 cho rằng: “Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng-tức không phải là vật thực”; Nhà toán học người Mỹ gốc Hungary – VonNeumann (1903-1957) có nhiều đóng góp cho Vật lý lượng tử và khoa học máy tính cũng phát biểu: “Không có gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức”; Nhà Vật lý và Toán học người Hung, giải Nobel vật lý năm 1963 cũng cho rằng: “Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng, nội dung của ý thức (tức phạm trù tinh thần) là thực tại tối hậu…” (Truyền Bình).

Biết rằng, phạm trù kinh tế có những khác biệt. Nhưng với những nghiên cứu và đánh giá trên của các nhà khoa học đề cập về vấn đề ý thức con người, ta lại càng thấy bất ngờ về sự tương đồng giữ khoa học và Phật giáo qua câu kinh điển: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” mà Đức Phật nói cách đây trên 2.500 năm. Trở lại vấn đề phát triển kinh tế, chắc ai cũng phải thừa nhận rằng, những thập niên gần đây, không phải chỉ ở châu Á và cả thế giới nền kinh tế phát triển ngoạn mục. Đương nhiên, kinh tế phát triển, đồng nghĩa với ấm no và yên ổn. Sao thực tế hiện nay, tình hình an ninh xã hội lại bất yên ổn và bệnh tật con người ngày càng gia tăng không chỉ xay ra ở riêng khu vực nào ? Suy ngẫm lại câu Phật dạy “Thiểu dục tri túc”, có nghĩa là biết đủ. Biết đâu, những nghịch lý thế kỷ sẽ được khắc phục bắt đầu từ chính trong lĩnh vực kinh tế, nếu chúng ta biết tham khảo những giá trị tích cực trong lời Phật dạy.

Theo đạo Phật, một cá nhân khó có thể đủ sức làm thay đổi Cộng nghiệp của cả một cộng đồng hàng trăm triệu người, nhưng hiểu rõ giáo lý đạo Phật về nghiệp thì không còn than trời trách đất và than thân trách phận, mà có thể, bình tâm an nhiên thọ nghiệp, giúp lòng không còn lo lắng sợ hãi, như vậy cũng đủ bình an. Đức Phật Thích Ca dạy rằng, Hòa bình và Hạnh phúc là do ở mình, là tâm trạng, là tâm thái chứ không phải người khác quyết định. Do đó Phật giáo dạy: kiên nhẫn, kiên trì ( nếu không muốn nói là nhẫn nhục) sẽ giúp con người vượt thoát sân hận, khổ đau. Chính vì điều này, mà Phật giáo không tán thành biện pháp phóng dật, bạo lực. Người theo đạo Phật thì không có thù hận, ích kỷ và trước khi hành động một điều gì đều nghĩ tới Nhân quả. Trong đó, lĩnh vực kinh tế, cũng không nằm ngoài phạm trù tinh thần đạo đức.

Với quan điểm Phật giáo: “Con người không có đạo đức mới thật sự là nghèo cùng”. Đạo đức ở đây được hiểu là bao hàm cả việc ứng xử đối với thiên nhiên và muôn loài, chứ không phải chỉ riêng với con người. Một thực tế trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở các nước phương Tây cho thấy: vào những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Các nước phương Tây đã vận dụng thành công về công nghệ kỹ thuật. Nhưng mọi sự lại không ổn trong những thập niên này. Đây là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm đến tinh thần và đạo đức. Câu hỏi này, khi hỏi các chân nhân và được trả lời: “ Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng về kiến thức và vật chất ( giáo dục chỉ quan tâm đến điều này), nhưng lại không quan tâm phát triển lòng tốt thiện tâm”. Nếu phải so sánh sẽ thấy: “Con người không phải là sản phẩm của máy móc, nên không mong gì có được hạnh phúc thật sự, nếu chỉ tùy thuộc vào ngoại cảnh”. Thực tế để sống được, đương nhiên con người phải có tối thiểu tài sản và vật chất. Nhưng nguyên nhân thật sự mang lại sự hài lòng và mãn nguyện, lại tìm từ trong nội tâm của con người. Đó là lòng nhân và sự Thiên lương trong sáng, chứ không phải chỉ là vật chất hữu vi.

“Nền kinh tế phải mang gương mặt con người, xuất phát từ con người, từ mối lo cho sự tồn vong và phát triển của con người.” Đó là điểm gặp gỡ giữa tinh thần Đạo Phật và tinh thần Phát triển kinh tế hiện nay, với sự nhìn nhận cân đối hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Và chỉ có như vậy, mới có nền kinh tế phát triển bền vững lâu dài, đem lại lợi ích ấm no và sự bình an thật sự cho con người và muôn loài.

Tác giả: Nguyễn Đức Sinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017 --------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO: - Phật giáo nhâp thếvà phát triển- Tập 1 HT Thích Trí Quảng (NxbTG-2008) - Bài: Vai trò của Phật giáo trong sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thị Toan (Tạp chi NCPH-4.2002 ) - Mỗi ngày trầm tư về sinh tử - Sogyal -Rin po chen (Nxb TG 2006)