TS Ninh Thị Sinh Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2 Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021

MỞ ĐẦU Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 là một sự kiện tôn giáo hiếm có trong lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây vấn đề này thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, trong và ngoài nước. Về phía các học giả nước ngoài có thể kể tới các nghiên cứu của David Marr(1), Alexander Woodside(2), McHale(3), nhóm các nhà nghiên cứu người Việt sinh sống và làm việc ở trong nước có nhà sử học Trần Văn Giàu(4), Nguyễn Tài Thư(5), Tạ Thị Thúy(6),…Gần đây xuất hiện một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ tìm hiểu về chấn hưng như Lê Tâm Đắc(7), Ngô Đức Hoàng(8), Dương Thanh Mừng(9),… Nhờ vậy nhiều phương diện của phong trào đã được làm sáng tỏ. Nhìn chung, đánh giá về phong trào chấn hưng hiện có 2 xu hướng, một xu hướng cho rằng phong trào này có ảnh hưởng hạn chế; xu hướng thứ hai cho rằng đây là một sự kiện có tầm vóc và để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Tiếp nối xu hướng thứ hai, trong bài viết này, chúng tôi điểm lại những thành tựu của phong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hiện nay đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát triển, mà chúng tôi gọi đó là “di sản của phong trào chấn hưng”. Tag: chấn hưng Phật giáo, nghiên cứu, di sản, giáo hội phật giáo việt nam, lịch sử,…

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang có một cơ đồ chưa từng có. Cơ đồ này không phải tự nhiên mà có, đó là nỗ lực, là ý chí của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam trên cơ sở kế thừa những di sản mà tiền nhân đã để lại. Trong số các di sản đó, có các di sản được tạo dựng từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Trong bài viết này chúng tôi tập trung vào bốn di sản tiêu biểu của phong trào chấn hưng: chùa Quán Sứ - Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, hệ thống tổ chức, trường Phật học và báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ.

1. Chùa Quán Sứ hiện nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhân dân thủ đô cũng như đồng bào phật tử cả nước, bởi lẽ ngôi chùa này là Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, hình dáng của ngôi chùa Quán Sứ ngày nay là sản phẩm của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Nhờ phong trào, chùa Quán Sứ không những được bảo tồn, mà còn được xây mới và trở thành biểu tượng cho nền Phật giáo chấn hưng.

Toàn cảnh ngôi chùa Quán Sứ theo bản thiết kế. (Nguồn : Đuốc Tuệ, số 89, ngày 15/7/1938)

Trước hết, bàn đến việc giữ chùa, người giữ vai trò chủ chốt là ông Lê Dư. Sau khi nhận chùa từ hai sư ni là Nguyễn Thị Đoan và Nguyễn Thị Tần, ông Lê Dư làm quản lý và sư Trí Hải được mời từ chùa Mai Xá, Hà Nam lên trông nom chùa Quán Sứ. Việc nhận chùa không chỉ góp phần lưu giữ một nơi di tích của đất cố đô mà còn là địa điểm thuận lợi để các nhà chủ trương bàn việc chấn hưng đạo Phật. Tuy vây, tại thời điểm đó, chùa Quán Sứ chỉ là “mấy gian nhà cổ thấp lụp xụp, mái ngói đã mục nát, tường đã phủ rêu”(10).

Tiếp đó, sau khi Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập (ngày 6/11/1934), hội đã tiến hành chấn hưng cả về hình thức và tinh thần. Về phương diện hình thức, những người lãnh đạo hội đặc biệt lưu tâm đến việc xây dựng một ngôi chùa Trung ương làm biểu tượng cho nền Phật giáo chấn hưng. Phát biểu của ông Hoàng Trọng Phu nhân lễ khởi công xây chùa năm 1938 đã nhấn mạnh đến phương diện hình thức của phong trào chấn hưng và sự cần thiết phải có một ngôi chùa bề thế, đại diện cho nền Phật giáo của cả nước:

“Công việc chấn hưng có hai phương diện là tinh thần và hình thức phải tiến hành đều nhau mới được… Vì có hình thức xứng đáng thì cái tinh thần hoạt bát kia mới có chỗ sở y. Vậy ngôi chùa Trung ương hội quán mà Hội Phật giáo sẽ dựng lên ở đất cố đô văn vật đây là một nơi đại biểu cho nền tôn giáo cả nước, một nơi cơ quan tổng bộ chung của một giáo hội lớn như Hội Phật giáo, cho hội viên toàn xứ tới lui, lẽ tất nhiên là phải trù cho có cái thể thế xứng đáng”(11).

Sau khi ân nhắc, hội quyết định xây dựng ngôi chùa Trung ương ngay trên đất chùa Quán Sứ. Công tác chuẩn bị cho việc xây chùa được tiến hành đồng thời với các hoạt động khác của hội và quỹ xây chùa cũng tách bạch với quỹ hội. Về cơ bản quá trình chuẩn bị trải qua các bước : tổ chức cuộc thi vẽ kiểu chùa, thuê đất thành phố, xin giấy phép xây dựng, lễ đặt viên đá móng, hoàn thiện các hạng mục chính. Quá trình này kéo dài 8 năm, từ năm 1935 đến năm 1942 với nhiều khó khăn không thể lường hết, đặc biệt là vấn đề tài chính. Khai thác thông tin trên tạp chí Đuốc Tuệ, chúng tôi có hai báo cáo về quỹ xây chùa, một báo cáo trong kỳ đại hội đồng ngày 25 tháng 5 năm 1941 và một báo cáo khác ngày 13 tháng 9 năm 1942(12), các báo cáo này cho thấy quỹ xây chùa trung ương luôn trong tình trạng thâm hụt: tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1941 số thâm hụt lên tới 1.796,64 đồng(13), đến ngày 30 tháng 8 năm 1942 quỹ thiếu 2.125,8 đồng(14). Các biện pháp khắc phục khó khăn thể hiện sự linh hoạt cũng như quyết tâm của các nhà lãnh đạo Hội Phật giáo. Ban đầu, hội dự trù xây dựng một ngôi chùa lên tới 100.000 đồng(15) với đầy đủ các hạng mục (xem hình 1) nhưng do kinh phí có hạn, nếu giữ nguyên kiểu ban đầu thì việc hoàn thành công trình sẽ không khả thi. Do vậy, hội đã đưa ra phương án sửa bản thiết kế và tiến hành xây dựng theo phương châm "có đến đâu làm đến đó".

Ngoài phương án điều chỉnh bản vẽ, các nhà lãnh đạo hội còn xin phép chính quyền thuộc địa tiến hành 2 lần lạc quyên để "tìm tiền". Cuộc lạc quyên lần thứ nhất được thực hiện từ năm 1935 đến năm 1938, quyên được gần 20.000 đồng; cuộc lạc quyên lần thứ hai diễn ra từ tháng 9 năm 1941 đến tháng 9 năm 1942, quyên được gần 20.000 đồng(16). Đáng lưu ý là cuộc lạc quyên lần thứ 2 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang bước vào giai đoạn quyết liệt, trong đó Đông Dương là một chiến trường, vì vậy, việc quyên tiền phải tuân thủ chặt chẽ những điều kiện do chính quyền quy định, từ sổ sách, ghi chép, báo cáo đến địa bàn đi quyên. Hai lần lạc quyên mang lại cho quỹ xây chùa số tiền là hơn 40.1 đồng. Mặc dù con số này còn khá xa so với dự trù ban đầu, nhưng nhờ số tiền này hội có thể hoàn thiện được các hạng mục chính. Đến ngày 13 tháng 9 năm 1942, các hạng mục chủ yếu đã được xây dựng và hoàn thiện gồm: nhà Tổ, chùa chính điện, tượng pháp, một cơ sở nhà in, một dãy nhà tăng cư có gác(17). Hình ảnh ngôi chùa chính điện được in trong cuốn “Nhòm qua cửa Phật” do Tràng Thuyền học Hội Phật giáo Bắc kỳ xuất bản năm 1942 cho chúng ta hình dung cụ thể về kết quả xây dựng ngôi chùa Trung ương của Hội Phật giáo.

Như vậy sau 8 năm với nỗ lực và quyết tâm của toàn thể hội viên Hội Phật giáo, cùng sự thông minh và linh hoạt của các nhà lãnh đạo hội, một ngôi chùa “tráng lệ, to hơn hết các ngôi chùa ở nước Nam”, biểu trưng cho văn hóa Việt Nam đã hiện diện ngay giữa khu “phố Tây” hiện đại. Nhưng quan trọng hơn, ngôi chùa mới này không chỉ là một nơi tín ngưỡng mà thực sự đã trở thành một trung tâm văn hóa, bởi lẽ, trong chùa ngoài nơi thờ Phật, thờ Tổ còn có tòa soạn báo Đuốc Tuệ, nhà in, giảng đường và thư viện. Đó mới là ý nghĩa thực sự của hai từ “chấn hưng” trên phương diện hình thức mà Hội Phật giáo xiển dương.

2. Về hệ thống tổ chức, theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 02 hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự(18). Trên thực tế, cách thức tổ chức này đã xuất hiện từ thời kỳ An Nam Phật học hội và Hội Phật giáo Bắc kỳ hoạt động. Ở cấp Trung ương hội, cả hai hội Phật giáo trên đều có hai ban: Ban Chứng minh Đạo sư và Ban Quản trị (hoặc Ban Trị sự). Về cơ bản, Ban Chứng minh đạo sư gồm các vị tu sĩ, có nhiệm vụ chỉ dẫn và quyết định các vấn đề về tôn giáo trong hội. Ban Quản trị là các vị cư sĩ (chủ yếu là viên chức trong chính quyền thuộc địa, quan lại và trí thức), có nhiệm vụ quản lý hội và giao thiệp với chính quyền. Cách thức phân công nhiệm vụ và thành phần trong hai ban quả thực rất thông minh và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ. Chính điều này cho phép An Nam Phật học hội và Hội Phật giáo Bắc kỳ hoạt động hiệu quả.

Chính điện chùa Quán Sứ năm 1942 (Nguồn: Tràng Thuyền học Hội Phật giáo Bắc kỳ, Nhòm qua cửa Phật, nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942)

Một điểm nữa cũng cần được đề cập ở đây đó là danh hiệu “Pháp chủ”. Hẳn nhiên, hiện nay chúng ta đều biết, Pháp chủ là danh hiệu để chỉ người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Pháp chủ là người đứng đầu Hội đồng Chứng minh, thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các Giáo chỉ, các văn bản quan trọng nhất, đại diện cho Giáo hội trong các hoạt động đối ngoại. Nhưng hai từ “Pháp chủ” này khởi nguồn từ đâu, có lẽ ít người biết. Trên thực tế hai từ “Pháp chủ” xuất hiện lần đầu tiên trong bản Quy tắc riêng của Hội Phật giáo Bắc kỳ. Đặc biệt hơn nữa, không chỉ dừng lại ở văn bản, Hội Phật giáo Bắc kỳ còn tổ chức lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị “Thuyền gia Pháp chủ” vào đầu năm 1936.

Với nguyện vọng đoàn kết, thống nhất chư tăng cũng như đề cao vai trò của tu sĩ trong phong trào chấn hưng, năm 1934, sau khi thành lập, Hội Phật giáo Bắc kỳ đã quan tâm đến vấn đề bầu Ban Chứng minh đạo sư. Ban này gồm các vị “đại đức trong các sơn môn, các vị sẽ chỉ dẫn cho hội về sự ngiên cứu đạo Phật”(19). Ban Chứng minh do một vị hiệu là “Thuyền gia pháp chủ” đứng đầu. Ban Chứng minh đạo sư của Hội Phật giáo Bắc kỳ được bầu vào ngày 23/11/1934, gồm 34 vị, do sư tổ Vĩnh Nghiêm đứng đầu. Tiếp đó vào ngày 12 tháng 1 năm 1936, Hội Phật giáo đã long trọng cử hành lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thuyền gia Pháp chủ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, đại diện An Nam Phật học hội, chư tăng ni trong hội cùng đông đảo tín đồ. Việc suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thuyền gia pháp chủ, với mũ và ấn tượng trưng cho quyền lực của Pháp chủ, thể hiện rõ chủ ý “lấy các tăng già có học thức, có giới hạnh làm trung tâm”(20), đồng thời thể hiện ý chí thống nhất Phật giáo của Hội Phật giáo Bắc kỳ.

Ở địa phương, không phải đến tận ngày nay Phật giáo mới được tổ chức theo các đơn vị hành chính. Ngay từ trong phong trào chấn hưng, An Nam Phật học hội đã thành lập các chi hội theo đơn vị hành chính. Theo nghiên cứu của Dương Thanh Mừng, ở địa phương, An Nam Phật học gồm các cấp sau: Tỉnh hội – Huyện hội – Khuôn hội – Vức hội. Mỗi Vức đều sinh hoạt tại các Khuôn hội của mình. Đứng đầu mỗi Khuôn hội là Khuôn trưởng và Ban Trị sự của Khuôn hội là Tịnh độ. Ban đầu, việc thành lập các chi hội khá đơn giản. Bản Điều lệ điều chỉnh được phê chuẩn năm 1938 quy định rõ ràng cách thức thành lập và sinh hoạt tại các Tỉnh hội. Theo đó các Tỉnh hội là thành viên của Tổng hội, phải tuân thủ theo quy tắc và điều lệ chung. Trụ sở của các Tỉnh hội thường đặt ở tỉnh lị. Các Tỉnh hội có trách nhiệm đóng tiền sinh hoạt cho Tổng hội và được toàn quyền quyết định nguồn tài chính trong Tỉnh hội(21). Từ năm 1932 cho đến năm 1945, An Nam Phật học hội đã thành lập được các Tỉnh hội ở hầu hết các tỉnh Trung kỳ, gồm: Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Hà Tĩnh. Việc tổ chức các chi hội ở địa phương mặc dù còn sơ khai những đã bước đầu mang tính hệ thống và quy củ. Đây cũng chính là di sản về phương diện tổ chức mà hội An Nam Phật học đã để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

3. Trên phương diện đào tạo tăng tài, hệ thống các trường Phật học ở các địa phương với các cấp học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không còn xa lạ với Phật tử, nhưng nền tảng của những trường này được hình thành từ trong phong trào chấn hưng, mà công đầu thuộc về An Nam Phật học hội. An Nam Phật học hội là hội đi đầu trong việc thành lập Trường Phật học theo hướng hiện đại. Học tăng theo học chương trình 15 năm, gồm 3 cấp tiểu học, đại học và tham cứu(22). Nội dung học gồm cả nội điển và ngoại điển, trong đó lấy nội điển làm gốc(23). Học tăng phải học và thi. Việc học tập được tổ chức quy củ, bài bản giống như cách thức của các trường Pháp-Việt. Nhân dịp thăm chùa Tây Thiên, nơi đặt các lớp Trung học và Đại học của Hội Phật học Huế, sư ông Trí Hải tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến các giờ học của Trường Phật học Huế:

“Cách dạy học rất có quy mô trật tự, phương pháp dạy học trò rất dễ hiểu. Khác hẳn với lối học bình văn giảng nghĩa như xưa, học đủ cả khoa học, triết học, vân vân cũng gồm đúng như qui củ của các trường học Pháp - Việt hiện thời. Giờ nào học, giờ nào viết, giờ nào tập thể dục, giờ nào tập làm văn, giờ nào viết ám tả, giờ nào nghiên cứu, giờ nào vấn đáp, các thì giờ học tập rất phân minh”(24).

Mũ và ấn Thuyền gia Pháp chủ. (Nguồn: Đuốc Tuệ, số 9, 11/2/1936)

Đặc biệt với quy định học trò học đủ 5 năm Tiểu học mới được thọ giới Sa di, học đủ 5 năm Đại học và thi đậu tốt nghiệp thì được thọ giới Tỳ kheo(25) thể hiện rõ nét tư tưởng tu phải đi liền với học. Nếu so sánh với cách thức đào tạo tăng tài truyền thống, từ thầy truyền cho trò và thời gian học chủ yếu trong 3 tháng an cư thì với những điểm mới được quy định trong cách tổ chức trường cho thấy một trường Phật học hiện đại đã phôi thai hình thành.

4. Một thành tựu nổi bật của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đồng thời cũng là di sản tiêu biểu còn lại đến ngày nay, đó là dòng báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đã được khai sinh từ trong phong trào. So với báo chí Quốc ngữ nói chung, báo chí Phật giáo ra đời muộn hơn, gắn liền với quá trình vận động và thực hiện chấn hưng. Mở đầu là tờ Pháp Âm.

Tờ báo được xuất bản ngày 31 tháng 8 năm 1929, chủ nhiệm là Hòa thượng Khánh Hòa. Báo ra được một số duy nhất. Tiếp đó là tờ Phật hóa tân thanh niên. Cả hai tờ tạp chí này đều ra đời trong giai đoạn vận động chấn hưng Phật giáo, trong những năm 20 của thế kỷ XX và nhìn chung, mới mang tính chất phôi thai. Tiếp đó là sự ra đời của các tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Viên Âm của An Nam Phật học hội, Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc kỳ, Tiếng chuông sớm của Bắc kỳ Phật giáo cổ sơn môn, Duy Tâm của Lưỡng Xuyên Phật học hội,... trong đó ba tạp chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ tiêu biểu nhất là Từ Bi Âm, Viên Âm, và Đuốc Tuệ. Việc xuất bản các tạp chí Phật học làm phương tiện hoằng dương Phật pháp là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau những tờ báo này là hàng loạt các tờ tạp chí Phật học xuất hiện và phục vụ hiệu quả cho công cuộc truyền bá chính pháp. Đây chính là một di sản tiêu biểu của chấn hưng Phật giáo hiện nay đã và đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát triển.

KẾT LUẬN

Những thành tựu mà phong trào chấn hưng đạt được trước hết tạo nên bước phát triển mới cho Phật giáo Việt Nam, làm thay đổi diện mạo của Phật giáo. Mặc dù kết quả chưa trọn vẹn nhưng nền tảng của một tôn giáo hiện đại đã được hình thành. Đây chính là cơ sở để Phật giáo Việt Nam tiếp tục vươn mình và phát triển trong các giai đoạn tiếp sau, đặc biệt là sau khi Phật giáo được thống nhất vào năm 1981 với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không những vậy, những kết quả mà phong trào đạt được đã thể hiện rõ nét tinh thần sáng tạo và ý thức tự cường của người Việt Nam.

TS Ninh Thị Sinh Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2 Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021

*** CHÚ THÍCH: (1) David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, University of California Press, Berkeley, 1971. (2) Alexander Woodside, Community and Revolution in Modern Vietnam, Houghton Miffl Boston, 1976. (3) McHale, Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the making of modern Vietnam, University of Hawai’i press, Honolulu, 2004. (4) Trần Văn Giàu, Phong trào chấn hưng Phật giáo và các vấn đề tư tưởng triết học mà phong trào ấy đã nêu lên ở nước ta trong thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Nghiên cứu lịch sử, số 139, 1971, tr. 8-21, và số 140, 1971, tr. 7-19. (5) Nguyễn Tài Thư (cb), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988. (6) Tạ Thị Thúy (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 8, từ 1919 đến 1930, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, (7) Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Bắc 1924-1954, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2012. (8) Ngô Đức Hoàng, Building a New House for the Buddha: Buddhist Social Engagement and Revival in Vietnam, 1927-1951, LATS, Đại học Washington, Washington, 2015. (9) Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, 2018. (10) Nhị Lang, “Nửa giờ tại hội Phật học”, Trung Bắc tân văn, 23/11/1934. (11) Lễ Phật đản và cuộc diễn giảng của cụ lớn Võ hiển Đại hưng công nói về việc làm chùa hội quán Trung ương, Đuốc Tuệ, số 85, 15/5/1938, tr. 44. (12) Bùi Thiện Căn, Tờ trình của phó hội trưởng Bùi Thiện Căn, Đuốc Tuệ, số 195-196, 1-15 tháng 1 năm 1943, tr. 28. (13) Trích lục biên bản đại hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc kỳ ngày 25/5/1941, Đuốc Tuệ, số 159, 1/7/1941, tr. 25. (14) Bùi Thiện Căn, Tờ trình của phó hội trưởng Bùi Thiện Căn, Đuốc Tuệ, số 195-196, 1-15 tháng 1 năm 1943, tr. 28. (15) Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr.164. (16) Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr.169. (17) Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr.173. (18) https://phatgiao.org.vn/hien-chuong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-dai-hoi-i-d9066.html (19) ANOM, GGI, 65539. (20) Lê Đình Thám, “Bức thư của Hội Phật học Trung kỳ gửi ra sau khi các đại biểu hội ấy ra dự lễ suy tôn Bắc kỳ Thuyền gia Pháp chủ về tới Huế”, Đuốc Tuệ, số 9, 11/2/1936, tr. 23. (21) Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr. 113. (22) Đến năm 1938 chương trình có sự điều chỉnh thành 3 cấp sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng và kéo dài 14 năm. (23) Cách tổ chức trường Phật học, Viên Âm, số 8, 1934, tr. 37-40. (24) Trí Hải, “Mấy ngày đi Huế”, Đuốc Tuệ, số 17, 7/4/1936, tr.10. (25) Cách tổ chức trường Phật học, Viên Âm, số 8, 1934, tr. 39-40.