Sáng ngày 22/9/2022 (27/8/Nhâm Dần), tại chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội công bố Quyết định thành lập Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng Chư tôn đức HĐTS, BTS các tỉnh/thành; ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện các đơn vị cùng tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết: “Trung tâm sẽ sưu tầm, bảo quản, kết nối để sưu tầm được các nguồn tư liệu đang tản mát nhiều nơi trên cả nước và tiến tới là ở nước ngoài. Tiến tới phục vụ khai thác tư liệu nhằm phát huy được giá trị to lớn của tư liệu liên quan đến Phật giáo nước nhà.

Các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam là di sản lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh rất quan trọng. Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của Việt Nam, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc... Việc thu thập, lưu trữ bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ truyền thống văn hiến và giá trị to lớn của dân tộc.”

HT.Thích Gia Quang trao Quyết định Thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Tiến Đạt làm Giám đốc Trung tâm.

“Sau khi thành lập, Trung tâm sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ phần cứng, các trang thiết bị và phần mềm; đồng thời đầu tư thu thập nguồn tài nguyên thông tin ở các dạng thức khác nhau. Ưu tiên tiếp theo là chia sẻ nguồn dữ liệu đã được số hóa từ các cơ sở nói trên, tiếp tục số hóa các nguồn tài liệu đã được thu thập, phân loại và xử lý. Đồng thời, cũng cần phải dành sự quan tâm và đầu tư phù hợp để tổ chức tiếp tục sưu tầm, thu thập, xử lý và số hóa các tư liệu còn đang lưu giữ trong dân gian” TT.Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Với mục tiêu xây dựng một trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam có cơ sở vật chất, con người, công nghệ và dữ liệu phục vụ nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo; Khảo sát đánh giá toàn diện được hiện trạng các nguồn tư liệu Phật giáo Việt Nam đang còn tản mác ở nhiều nơi nhằm xây dựng được hệ thống danh mục chi tiết các nguồn tư liệu Phật giáo Việt Nam. Tổ chức sưu tầm các nguồn tư liệu, lưu trữ. Qua đó, hướng đến việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về Di sản Phật giáo Việt Nam trình UNESSCO công nhận di sản tư liệu kí ức thế giới. Hệ thống CSDL này có tính liên ngành, phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, giải mã và phục vụ đào tạo trong các trường Đại học, Trung cấp Phật học, Học viện, các cá nhân tổ chức quan tâm nghiên cứu; Đầu tư được trang thiết bị, giải pháp công nghệ số và cơ sở vật chất để số hóa và khai thác, sử dụng tư liệu này. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để tối ưu hóa khả năng khai thác các nguồn tư liệu; Tổ chức kết nối được với các trung tâm trong nước như Thư viện Huệ Quang, Trung tâm Liễu Quán, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Bộ môn tôn giáo học, các trường Trung cấp Phật học tại các địa phương, Viện Trần Nhân Tông, Thư viện An Vi và hệ thống các chùa trên khắp cả nước…

Chư tôn đức cùng quý đại biểu thăm quan Văn phòng Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Định hướng phát triển của Trung tâm thời gian tới sẽ là sưu tầm quản lý tư liệu Phật giáo Việt Nam; Nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ nghiên cứu khoa học; Hoạt động phục vụ đào tạo liên kết; Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu tư liệu Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc.

Anh Minh