Theo quan điểm của nhà vật lý lý thuyết người Đức, được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại Albert Einstein (1879-195), Đạo vũ trụ (cosmic religion) được coi như “tôn giáo của tương lai”, một thứ tôn giáo “bao trùm cả tự nhiên lẫn tâm linh”, “dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ kinh nghiệm về vạn vật, kể cả tự nhiên lẫn tâm linh”, “một tổng thể có ý nghĩa”.

Có một câu trích dẫn phổ biến được cho là của Albert Einstein:

“Phật giáo đáp ứng được sự mô tả này” và “nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo.” Vậy đạo vũ trụ là gì và vì sao nó được Einstein coi trọng như vậy?  (1)

Chưa ai chứng minh được thực sự Albert Einstein đã nói như thế, tuy nhiên câu trích dẫn này được phổ biến rộng khắp vì nó đúng: do những phẩm chất độc đáo của triết lý đạo Phật đặc biệt phù hợp với thời đại khoa học. 

Tất cả chúng ta đều trải qua những nỗi khổ niềm đau, và tất cả chúng ta đều phải đối mặt với tử thần, trút hơi thở cuối cùng, thần hồn rời khỏi thể xác, từ giã trần gian. Sớm hay muộn, chúng ta đều phải đối mặt với đau khổ và cái chết. Nói cách khác, sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều phát hiện ra rằng mình có nhu cầu tâm linh. Vấn đề là mọi người có xu hướng tư duy rằng tâm linh và tôn giáo là một và giống nhau. Thực sự điều ấy đã trở thành một vấn đề trong thời đại khoa học vì nhiều người coi khoa học là xung đột với tôn giáo, vì thế mọi người nghĩ rằng họ buộc phải lựa chọn một trong hai. Một số người chọn tôn giáo và quyết định từ chối khoa học, trong khi người khác lại chọn khoa học và cuối cùng thì từ bỏ tâm linh cùng với tôn giáo.

Đạo Phật cung cấp cách thức để mọi người có hoặc không có tôn giáo có thể trở nên sâu sắc về mặt tâm linh. Điều này có nghĩa là đối với những người không hài lòng với tôn giáo, họ vẫn có tâm linh, và đối với những người yêu mến tôn giáo, đạo Phật cung cấp một cách để trở nên tâm linh và tôn giáo mà không bao giờ phải từ chối khoa học. Đạo Phật đặc biệt phù hợp để phụng sự tất cả mọi người trong thời đại ngày nay. 

Quan trọng hơn nữa, đạo Phật không chỉ hoàn hảo cho con người mà còn tuyệt hảo cho thế giới. 

Như đức Phật đã tuyên thuyết, tâm dẫn đầu mọi thứ suy nghĩ và hành động. Tâm là chủ đạo. (2) Mức độ huỷ diệt của chúng ta như một loài được xác định bởi chất lượng của tâm. Đặc biệt điều này phù hợp trong thời đại khoa học và công nghệ, nơi sức mạnh huỷ diệt của chúng ta được khuếch đại rất nhiều. Sức mạnh của chúng ta đã trở nên quá to lớn đến mức chúng ta đang gây nguy hiểm cho sự sống còn trên trái đất. Chúng ta càng giác ngộ, chúng ta càng sở hữu sự bình an nội tâm, niềm an lạc nội tâm, từ bi tâm và trí tuệ, tâm trí chúng ta càng thoát khỏi tâm tham lam, sân hận và vô minh, chúng ta càng trở nên ít huỷ diệt hơn như một loài.

Thế giới và tất cả sự sống còn trên trái đất, cần chúng ta, con người, phải bảo vệ nhiều hơn nữa. Thế giới rất cần chúng ta giác ngộ. Nói cách khác, thế giới cần chúng ta học và ứng dụng thực tiễn những gì là lời dạy quý báu của đức Phật. 

Tác giả: 陳一鳴 (Trần Nhất Minh)
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://buddhism.net/posts/buddhism-for-all/b107-buddhism-is-needed-in-the-world/

***

Tài liệu tham khảo:

(1) Shravasti Dhammika, Praised by the Wise.  Buddhist Research Society, (1987).

(2) Dhammapada 1.