DẪN NHẬP
Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, Phật giáo được hình thành và phát triển tại Ấn Độ rồi truyền ra các nước xung quanh và lan rộng cả thế giới. Trong quá trình này, Phật giáo đã du nhập vào đến nước ta, và tạo nên Phật giáo Việt Nam. Từ đó cho đến ngày nay về cơ bản Phật giáo luôn gắn liền với đời sống của người dân và giữ một địa vị quan trọng vô cùng trong văn hóa Việt-Nam, có thể xem như là một phần không thể tách rời. Vậy Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ bao giờ, qua con đường nào? Người viết xin khảo sát về vấn đề này.
Tag: Ấn Độ, Bồ Đề, Phật giáo, truyền bá, du nhập, Phật giáo Việt Nam,….
A. THÂN BÀI
Kể từ khi Thục Phán An Dương Vương nước Âu Lạc mất quyền cai trị đất nước vào tay nhà Triệu năm 179 hoặc 207 trước Tây lịch (TTL) vùng lãnh thổ độc lập của người Việt phải chịu tình trạng thuộc địa của các triều đại phương bắc Trung Quốc trong 10 thế kỷ (179 TTL- 905 hoặc 207 TTL - 905). Người Việt giành được độc lập tự chủ, kết thúc thời kì Bắc thuộc có thể từ năm 905 khi Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ, hay năm 938 khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán. Nhưng cho đến giai đoạn 1407 – 1428, cuộc chiến của nhà Hồ nước Đại Ngu chống cuộc xâm chiếm của nhà Minh dưới triều Minh Thành Tổ bị thất bại, Việt Nam một lần nữa rơi vào sự cai trị của Trung Quốc. Người Việt bị bắt phải theo những phong tục tập quán của Trung Quốc, đồng thời những tư liệu văn bản của người Việt bị hủy diệt, ngày nay may mắn còn sót lại một số ít. Việc thiếu các tư liệu, văn bản để tìm hiểu tạo ra không ít khó khăn khi khảo sát các vấn đề lịch sử nói chung trong đó có lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bàn về sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam đã có những tác giả như Nguyễn Lang với Việt Nam Phật giáo sử luận, Mật Thể với Việt Nam Phật giáo sử lược, Lê Mạnh Thát với Lịch sử Phật giáo Việt Nam… Ở đây người viết cố gắng tổng kết lại các dữ liệu để đưa ra một cái nhìn tổng quan về sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam.
Thời điểm Phật giáo du nhập vào Việt Nam
Theo Nguyễn Lang Phật giáo đã vào Việt Nam từ thế kỉ thứ nhất: “Ðạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên.”[1] Căn cứ để đưa ra nhận định trên là sự xuất hiện của trung tâm Phật giáo Luy Lâu (羸婁,nay thuộc Bắc Ninh) vào khoảng cuối thế kỉ hai. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang khởi công và xây dựng trung tâm văn hóa Luy Lâu tại thị trấn Hồ nhằm tái hiện lại một phần lịch sử của vùng đất Luy Lâu - Siêu Loại - Thuận Thành. Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, thì Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Các nhân vật quan trọng được kể đến có liên hệ với trung tâm này là Sĩ Nhiếp, Mâu Tử và Khương Tăng Hội.
Sĩ Nhiếp (士燮; 137 - 226) là Thái thú Giao Chỉ vào cuối đời nhà Hán. Qua giai đoạn Tam Quốc, ông cát cứ và cai trị Giao Châu như một quốc gia độc lập từ 187 đến 226. Do ông đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ nên được hậu thế tôn làm Nam Giao học tổ (南郊學祖), đến Nhà Trần lại sắc phong mỹ tự Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương (善感嘉應靈武大王), một số các sử quan đánh giá cao gọi là Sĩ vương (士王). Tuy nhiên theo Đại Việt sử lược (大越史略) vai trò của Sĩ Nhiếp được nhìn nhận từ một góc độ khác: "Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước Nam, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn".[2]
Mâu Tử (牟子) tên thật là Mâu Bác (牟博), sinh vào khoảng những năm 165-170, và mất năm nào không rõ. Trước tác nổi tiếng của Mâu Tử là cuốn Lý hoặc luận, viết bằng chữ Hán, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 2. Sách gồm 37 câu hỏi đáp giữa tác giả và những người theo đạo Nho và đạo Lão. Mâu Tử viết Lý hoặc luận, được xem như tập luận thuyết đầu tiên về đạo Phật bằng Hán tự đã được viết tại Giao Châu để đáp lại những kích bác về Phật giáo của những người không theo đạo Phật, nhất là những người theo Khổng Lão từ đất Hán chạy qua tị nạn Tam Quốc.
Nhân vật thứ ba là Khương Tăng Hội (? - 280) là một thiền sư sinh tại Giao Chỉ và được xem là thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hai tài liệu chính ghi nhận về hành trạng của Sư là Cao tăng truyện và Xuất Tam Tạng Ký đều vào thời Nhà Lương. Theo đó, cha mẹ ông là người nước Khương Cư (Sogdiana), cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán. Một ý kiến khác cho cha Tăng Hội là người Khương Cư, còn mẹ là người Việt. Cha mẹ mất năm ông lên mười tuổi. Theo Cao tăng truyện, lớn lên ông xuất gia tại Giao Chỉ và tu học rất tinh tấn, giỏi cả tiếng Hán lẫn tiếng Phạn. Ông đến Kiến Nghiệp kinh đô nước Ngô (nay là Nam Kinh, Trung Quốc) năm 247 để truyền đạo. Ông mất vào năm 280, niên hiệu Thái Khương nguyên niên đời nhà Tấn, như vậy ông đã ở tại Trung Hoa 33 năm. Một trong những người được Khương Tăng Hội truyền đạo chính là Tôn Quyền. Những tác phẩm được xem có liên quan đến thiền sư Khương Tăng Hội[3]: An Ban Thủ Ý, An Thế Cao dịch, Tăng Hội và Trần Huệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa; Pháp Cảnh Kinh, An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa; Ðạo Thọ Kinh, Chi Khiêm dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa; Lục Ðộ Yếu Mục, Tăng Hội biên tập (không còn); Nê Hoàn Phạm Bối, Tăng Hội biên tập (không còn); Ngô Phẩm (Ðạo Hành Bồ Tát), Tăng Hội dịch (không còn); Lục Ðộ Tập Kinh, Tăng Hội biên tập.
Như vậy Phật giáo tại Giao Châu đã phát triển đến một tầm nhất định, có hệ thống chùa chiền rộng khắp thì mới hình thành được một trung tâm Phật giáo và các nhân vật lịch sử như thế. Nhưng để đạt đến mức độ phát triển được ghi nhận như thế thì hẳn Phật giáo phải du nhập vào từ trước đó rất lâu. Hơn nữa Phật giáo xuất hiện từ đầu thế kỉ VI TTL đến đầu thế kỉ II đã qua 700 năm thì có thể Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ sớm hơn. Theo truyền thống trong đạo Phật, đức Thế Tôn đã khuyến khích các đệ tử của mình đi hoằng hóa khắp nơi ngay từ thời Phật còn tại thế. Khoảng 300 năm sau Phật nhập Niết-bàn, vào những năm 247-232 TTL, tại Ấn Độ có vua Asoka (A Dục) ra lệnh cho các phái đoàn Tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, trong đó đặc biệt là phái đoàn Tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, trong đó đặc biệt là phái đoàn của Sona đi về vùng Đất vàng (Suvanabhumi). Có thể cho rằng đây chính là vùng Đông Nam Á bởi có địa danh Suvanabhumi ở Thái Lan? Tuy nhiên đây là một vấn đề đang còn tranh cãi. Về phía nam của Việt Nam, theo tác giả Lê Mạnh Thát “căn cứ vào những sử liệu cổ sơ của Trung Quốc, cụ thể là Sử Ký và Tiền Hán thư cùng Hậu Hán thư cũng như các di liệu khảo cổ học, như di liệu khảo cổ học Óc Eo, thì vào những thế kỷ đầu dương lịch, vùng biển phía Nam nước ta đã rộn rịp những thương thuyền không những của các quốc gia thuộc nền văn minh Ấn Độ, mà cả những quốc gia xa xôi của nền văn minh La Mã. Cho nên, truyền bá Phật giáo vào những vùng đất này là một sự kiện chắc chắn đã xảy ra.”[4] Nhiều khả năng đường biển là con đường mà các nhà truyền đạo đã sử dụng để đi truyền đạo vào Đông Nam Á. Nếu đó là sự thật lịch sử thì từ vùng đất Suvanabhumi này Phật giáo tiếp tục được truyền rộng ra các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thế thì Phật giáo có thể đã du nhập vào nước ta từ trước Tây lịch, dần dần ảnh hưởng đến văn hóa của địa phương như trường hợp bia Võ Cảnh ở Nha Trang: “Hơn nữa, vùng đất miền Nam nước ta từ phía nam cửa Sót trở vào đã mang nặng những vết tích của nền văn hóa Ấn Độ. Chiếc bia Võ Cảnh tìm thấy tại làng Võ Cảnh ở Nha Trang, thường được các nhà nghiên cứu xác định là xuất hiện vào thế kỷ II sdl viết bằng Phạn văn. Để cho Phạn văn trở thành một ngôn ngữ được khắc trên đá vào thế kỷ ấy, nền văn minh Ấn Độ vào thời điểm ấy chủ đạo là Phật giáo, phải truyền bá tại vùng đất này qua một thời gian tương đối dài, tối thiểu cũng phải mất một vài ba trăm năm.”[5] Trong Lĩnh Nam Trích Quái, có ghi lại câu truyện “Nhất dạ trạch” thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử học Phật pháp với nhà sư Phật Quang người Thiên Trúc tại núi Quỳnh Vi như là một dấu tích của sự truyền bá đạo Phật vào nước ta từ xa xưa. Cũng theo Lê Mạnh Thát: “Vị Hùng Vương của thời Chữ Đồng Tử ta cũng có thể xác định vào những thế kỷ tđl, có khả năng là Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ II-III tdl.”
Trong Đại Việt sử lược, trong phần về Hai Bà Trưng cho rằng hội đồng trên 70 tướng lĩnh của Hai Bà Trưng rất nhiều vị là nữ, có khoảng 30 vị tướng là các sư chiêu mộ binh mã trong chùa như Vũ Thị Thục – Thục Trinh pháp sư (17-43), người Diên Hà, chùa Nam Liên, Bát Nàn Đại Tiền Tướng Quân, Thiều Hoa Pháp Sư… chứng tỏ hệ thống chùa miền Bắc rất lớn thì mới có số lượng ni chúng lớn. Như vậy ngay tại đầu kỉ nguyên đã có hệ thống chùa lớn, không phải đợi đến thế kỉ III, như vậy Phật giáo phải được truyền vào trước đó mấy trăm năm mới có thể có hệ thống đó.
Con đường du nhập
Về con đường du nhập, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đâu và qua con đường nào? Có nhiều khả năng là thông qua đường biển bởi thời xưa đường biển dễ đi hơn là đường bộ, Ngay đến thời Nguyễn các cao tăng sang hoằng pháp từ Trung Hoa sang Việt Nam cũng theo con đường biển, và ở Việt Nam có cụm từ “ba tàu” để chỉ các đoàn thuyền di dân từ Trung Hoa sang. Tuy nhiên Phật giáo vào Việt Nam từ phía Bắc tức Trung Hoa hay du nhập vào từ miền Nam tức Phật giáo Ấn Độ trước? Nhiều khả năng Phật giáo vào miền Nam Việt Nam trước bởi theo lộ trình từ Ấn Độ sang thì sẽ qua Việt Nam trước khi đến Trung Hoa. Theo hải lý thì các đoàn thuyền sẽ đi từ Ấn Độ qua Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Campuchia rồi đến miền Nam Việt Nam. Khi ngài Khương Tăng Hội truyền pháp sang kinh đô Kiến Nghiệp ở Đông Ngô và dựng nên ngôi chùa đầu tiên là Kiến Sơ thì lúc đó người dân vẫn còn xa lạ với hình ảnh của các vị sa-môn. Trong Thiền Uyển Tập Anh chép lời ngài Thông Biện quốc sư nói: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của tam tố, là người trong làng Bồ Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác.”[6] Như vậy qua các tư liệu có thể thấy Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam trước Trung Quốc, thì nó phải được truyền vào từ một nơi khác với Trung Quốc. Ở đây có thể là trực tiếp từ các vị sư Ấn Độ như trong truyện Chử Đồng Tử học pháp với nhà sư Phật Quang người Ấn Độ, hoặc cũng có thể từ các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia…
B. KẾT LUẬN
Qua sự khảo sát một vài sử liệu như trên có thể nhận định rằng Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ trước công nguyên, tuy không thể xác định rõ là thời điểm nào nhưng nếu lấy mốc từ lúc vua Asoka cử các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi thì có thể là từ thế kỉ III TTL đến thế kỉ I TTL, đã có truyện về Chử Đồng Tử học đạo với nhà sư Phật Quang và các nữ tướng của Hai Bà Trưng có xuất thân là các vị xuất gia, cho đến thế kỉ II đã hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Nhiều khả năng đường biển là con đường các nhà truyền giáo đầu tiên đã sử dụng. Nếu điều này là sự thực thì Phật giáo đã vào Việt Nam trước Trung Hoa, và người Việt có cơ sở để giải thích được rằng người Việt đã xây dựng được những nét văn hóa đặc trưng trước khi bị Hán hóa, có thể lý giải tại sao sau cả nghìn năm đô hộ bởi chính quyền phương Bắc mà người Việt vẫn có ý thức dân tộc sâu sắc để rồi giành độc lập vào năm 938. Thời Trần ta thấy trong Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông đã sử dụng chữ Nôm và dùng chữ Bụt thay cho chữ Phật, hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khẳng định những giá trị Phật giáo của người Việt nói riêng và giá trị văn hóa Việt Nam nói chung, thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cha ông ta đã làm được như thế thì ngày nay thế hệ con cháu cũng nên cố gắng bằng các hành động thiết thực để khẳng định vị thế của người Việt Nam với bạn bè năm châu.
Thích Nữ Hằng Huyền - Học viên Thạc sĩ Khóa I, Học viện PGVN tại Huế
-------------------- CHÚ THÍCH:[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận [2] Đại Việt sử lược, https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C4%A9_Nhi%E1%BA%BFp [3] Theo Nguyễn Lang, Phật giáo sử luận [4] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1 [5] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1 [6] Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh
Bình luận (0)