Tác giả: Thích Đạt Ma Chí Hải Học viên lớp Thạc sĩ khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khi thì thịnh, lúc thì suy. Sáng ngời trong dòng chảy đó là thời đại Lý – Trần với nét độc đáo trong việc hợp nhất ba dòng thiền trước đó gồm thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông và thiền phái Thảo Đường thành một thiền phái [1], mang dấu ấn văn hóa dân tộc Việt Nam, đó chính là thiền phái Trúc Lâm (Phật giáo Nhất Tông).

Đến cuối thời Trần, thiền phái này dần dần mất vị thế, mãi cho đến gữa thời Hậu Lê có chút khởi sắc phục hưng. Tuy nhiên, tinh thần phục hưng mạnh mẽ nhất được diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XX với ngọn đuốc thiền học được thắp sáng bởi Hòa thượng Thích Thanh Từ đã phát dương tinh thần của thiền phái Trúc Lâm trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

1. Tình hình thiền phái Trúc Lâm vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn

HT.Phước Sơn đã nhận định về thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo thời Trần nói chung, sở dĩ hưng thịnh và phát triển một cách rực rỡ bởi nhờ vào “tinh thần nhập thế tích cực, tinh thần thống nhất Phật giáo, tinh thần độc lập tự chủ, tinh thần thiền giáo nhất trí, tinh thần vô ngã vị tha, tinh thần viên dung nhất quán, tinh thần thân hoá sáng tạo, tinh thần tự tín tự cường” [2]. Tám tinh thần này cùng với các tư tưởng như cư trần lạc đạo, tuỳ duyên bất biến, nhập thế độ sinh, tuỳ duyên bất biến, Phật tại tâm, hộ quốc an dân,… đã phát triển thiền phái Trúc Lâm hoà quyện vào đời sống nhân dân Đại Việt, đóng góp rất nhiều cho đạo pháp và dân tộc lúc bấy giờ.

Sau khi Nhị tổ Pháp Loa viên tịch vào năm 1330, Tam tổ Huyền Quang cũng ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ngài Huyền Quang xem việc lãnh đạo như một việc lớn. Chính vì thế, lúc 77 tuổi, ngài đã về núi rừng để ẩn tu. Bấy giờ, thiền phái mặc dù còn hệ thống tổ chức, nhưng do thiếu người lãnh đạo tổ chức nên không còn hưng thịnh như trước. Tuy nhiên, HT.Phúc Điền đã đính bản bộ Đại Nam thiền uyển tryền đăng tập lục liệt kê ra 23 vị tổ sư, như sau:

1. Tổ sư Hiện Quang 2. Quốc sư Viên Chứng 3. Quốc sư Đại Đăng 4. Tổ sư Tiêu Dao 5. Tổ sư Huệ Tuệ 6. Tổ sư Trần Nhân Tông 7. Tổ sư Pháp Loa 8. Tổ sư Huyền Quang 9. Quốc sư An Tâm 10. Quốc sư Phù Vân 11. Tổ sư Vô Trước 12. Quốc sư Quốc Nhất 13. Tổ sư Viên Minh 14. Tổ sư Đạo Huệ 15. Tổ sư Viên Ngộ 16. Tổ sư Tổng Trì 17. Quốc sư Khuê Khám 18. Quốc sư Sơn Đằng 19. Đại sư Hương Chơn 20. Đại sư Trí Dung 21. Tổ sư Tuệ Quang 22. Tổ sư Chân Trú 23. Đại sư Vô Phiền.

Bên cạnh đó, một số vị thiền sư đã có công khôi phục thiền phái Trúc Lâm như Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715), Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726), Thiền sư Tánh Tĩnh (1692-1773), Thiền sư Thanh Hanh (1840-1936),… Sau khi nhà Trần mất ngôi, đến triều đại nhà Minh, Lê Sơ, Mạc, Trịnh Nguyễn phân tranh,… thiền phái Trúc Lâm không còn hưng thịnh, mất dần vị thế nơi triều đình, nhưng vẫn còn truyền thừa trong nhân gian.

2. Công cuộc phục hưng thiền phái Trúc Lâm vào cuối thế kỷ XX của Thiền sư Thích Thanh Từ

Từ triều đại nhà Trần đến nhà Nguyễn, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung trải qua nhiều thăng trầm. Đến thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái cùng cực, cao tăng đạo hạnh thì ít, phần lớn tu sĩ lo việc cúng tế, huỷ phạm giới luật; tín đồ phật tử mê tín hoặc cải đạo sang tôn giáo khác. Ảnh hưởng tác động từ công cuộc chấn hưng Phật giáo của Ấn Độ, Trung Hoa cùng với sự lấn áp của các tôn giáo trong nước,… Hòa thượng Khánh Hòa đã tiên phong vận động và khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Từ đó, các hội Phật học lần lượt ra đời ở ba miền như Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại miền Nam (1931), Hội An Nam Phật học (1932), Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934). Đến năm 1951, sự thống nhất các tổ chức hội Phật giáo thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Từ năm 1951 đến 1981, một số tổ chức Phật giáo được thành lập như Giáo hội Tăng già toàn quốc (1952), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1964), sau đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981).

Năm 1960, các hội Phật học như Hội Tăng già Bắc Việt, Hội Tăng già Trung Việt, Hội Tăng già Nam Việt, Hội Phật học Nam Việt,… hoạt động theo từng vùng miền, pháp tu Tịnh độ tông xen lẫn Mật tông được chú trọng, còn về Thiền học ít được chú trọng. Nói đến thiền, đa phần nhiều người nghĩ rằng pháp môn này dành cho những bậc thượng căn, thượng trí cho nên không phải ai cũng tu được. Đồng thời, người ta luôn quan niệm rằng tu thiền sợ không đúng con đường rồi rơi vào tẩu hoả nhập ma. Đau xót trước cảnh tượng đó, năm 1966, Hòa thượng Thanh Từ đã quyết định lên núi Tương Kỳ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lập thiền thất Pháp Lạc để tu thiền và mang trong mình hoài bão phục hưng nền thiền học: “Khôi phục Thiền tông Việt Nam là sở nguyện lâu nay của chúng tôi. Khôi phục Thiền tông Việt Nam tức là làm sống dậy Thiền tông đời Trần” [3].

Hai năm sau (1968), ngài phát ngyện rằng: “Nếu đạo không sáng, thề không ra khỏi thất”. Sau hơn ba tháng, ngài ngộ được sự lý sắc không, thấu hiểu bát nhã, nên tuyên bố với đại chúng rằng: “Đã đến lúc Thầy làm Phật sự”. Lúc bấy giờ, thiền thất Pháp Lạc mở rộng phạm vi và chuyển thành Thiền viện Chơn Không [4]. Ngay sau đó, ngài đã khoá tu thiền đầu tiên (1971-1974) với số lượng là 10 thiền sinh.

Từ năm 1974 về sau, ngài tiếp tục khai giảng khoá thiền thứ hai; đồng thời lập các thiền viện để phát triển và hoằng hóa thiền tông như Thiền viện Thường Chiếu (1974), Thiền viện Viên Chiếu (1975), Thiền viện Huệ Chiếu (1979), Thiền viện Linh Chiếu (1980), Thiền viện Phổ Chiếu (1980), Liễu Đức (1986), Thiền viện Tịch Chiếu (1987),… Chỉ trong vòng 20 năm, Hòa thượng Thanh Từ cơ bản đã đặt nền móng cho công cuộc phục hưng thiền phái Trúc Lâm thời Trần.

Năm 1993, ngài đứng ra xây dựng Thiền viên Trúc Lâm tại núi Phụng Hoàng thuộc thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) nhằm tạo môi trường chuyên tu cho nhiều tăng ni và Phật tử, đồng thời xiển dương thiền phái Trúc Lâm. Chín năm sau (2002), ngài tiến hành trùng tu chùa Lâm và thành lập Thiện viện Trúc Lâm ý tự. Năm sau đó, ngài tiếp tục xây dựng nhiều thiền viện nữa như Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (2004), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (2006), Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức (2009), Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (2012), Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (2014),…

Hòa thượng Thanh Từ đã thắp lên ngọn đuốc thiền tông từ những năm thập niên 1960, lan toả dần vào hai thập niên 1970-1980, toả sáng mạnh dần từ thập niên 1990 cho đến nay (2022). Sau thiền sư Minh Châu Hương Hải và Chân Nguyên Tuệ Đăng bước đầu phục dựng lại bức tranh thiền phái Trúc Lâm vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, Hòa thượng Thanh Từ là người có công rất lớn trong việc phục dựng và xiển dương thiền phái từ cuối thể kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI.

Tóm lại, trải qua biết bao thăng trầm, Thiền phái Trúc Lâm cuối thời Trần dần mất vị thế, đến giữa thời Hậu Lê có vài tấm gương tiêu biểu phục hưng, nhưng chẳng bao lâu lại lịm tắt. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XX, thiền sư Thích Thanh Từ thấu đạt nguồn tâm chư Phật và Tổ sư, thắp sắng ngọn đuốc thiền học, phát dương Thiền phái Trúc Lâm trong bối cảnh đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập. Từ khi hình thành cho đến giai đoạn phục hưng và phát triển hiện nay, Thiền phái Trúc Lâm luôn phát huy nội lực tu hành lẫn hoằng dương chính pháp. Chính tinh thần này của thiền phái đã góp phần không nhỏ trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam và đóng góp cho dân tộc nhiều điều thiết thực và lợi ích.

Tác giả: Thích Đạt Ma Chí Hải Học viên lớp Thạc sĩ khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Thích Đồng Bổn (2011), “Yếu tố tam hợp trong thiền phái Trúc Lâm” trong quyển Phật giáo đời Trần, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.7: “Phật giáo Trúc Lâm dựa trên nền tảng thuyết tam hợp để thống nhất về một mối”. [2] Thích Phước Sơn (dịch chú, 1995), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM, tr.20. [3] Thích Thanh Từ (2001), “Đường lối tu thiền – Thiền tông Việt Nam”, Hoa Vô Ưu, tập 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [4] Thiền viện Chơn Không: toạ lạc tại đường Vi Ba, phường 6, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do Hoà thượng Thanh Từ khai sơn, trụ trì hiện nay là Thượng toạ Thông Nhẫn.