Tóm tắt:

Với sự quan trọng của sự nghiên cứu lịch sử Phật giáo và với sự thiếu vắng của những công trình nghiên cứu khoa học về sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong nói chung và Nam bộ nói riêng, bài nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục tiêu nghiên cứu đặc điểm và sự phát triển của Phật giáo Nam bộ. Sử dụng phương pháp Nghiên cứu Định tính, với Khảo cứu Lịch sử (Historical Review) và Khảo cứu Văn học (Literature review) là hai công cụ chính cho việc tiếp cận dữ liệu, bài viết nêu bật được ba hướng hình thành nên Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ cũng như đặc điểm của Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ trong giai đoạn 1920- 1945. Nghiên cứu cũng đề xuất những nghiên cứu tiếp theo của nghiên cứu này để có một bức tranh tổng thể về sự phát triển của Phật giáo Nam bộ từ lúc hình thành cho tới ngày nay.

Từ khóa: Phật giáo Nam bộ, đặc điểm, sự phát triển, sự hình thành, giai đoạn 1920-1945.

I. Bối cảnh nghiên cứu

Lịch sử là một phần quan trọng để cho hậu thế thấy được dòng phát triển, tính chất xã hội và văn hóa của cư dân trong một khu vực nhất định. Ngoài ra lịch sử còn cho ta sáng tỏ được nhiều vấn đề uẩn khúc đã xảy ra trong quá khứ nhằm cho ta kinh nghiệm để tránh rơi vào vết xe đổ của tiền nhân (Trần, Trí Dũng, 2017). Trong Phật giáo, vấn đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo là hết sức quan trọng, bởi vì nghiên cứu lịch sử cho chúng ta tường minh được sự hình thành và phát triển của Phật giáo nước nhà. Nghiên cứu lịch sử Phật giáo cũng cho ta thấy được những yếu tố đã khiến Phật giáo thịnh và suy tại nước ta.

Trong quá trình nghiên cứu Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, chúng tôi nhận thấy rằng những nghiên cứu có tính chất khoa học hiện đại về lịch sử Phật giáo Việt Nam, mặc dù có, nhưng số lượng hạn chế. Hơn thế nữa, những nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong nói chung và Nam bộ nói riêng lại càng ít. Thực tế, trong quá trình khảo cứu chúng tôi thấy có rất nhiều bài nghiên cứu về Phật giáo Nam bộ, nhưng lại trong chủ yếu về văn hóa Phật giáo (Phan, Thị Thu Hiền, 2012) và cách thức sinh hoạt Phật giáo (Trần, Hồng Liên, 1995).

Bởi những lý do trên, trong nghiên cứu này chúng tôi muốn đặt một viên gạch, góp phần làm phong phú thêm những nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của Phật giáo Nam bộ. Mục đích của nghiên cứu này là khảo cứu và khắc họa tường minh sự phát triển của Phật giáo Nam bộ trong giai đoạn 1920-1945. Trong quá trình lấy tư liệu, chúng tôi nhận thấy Phật giáo Nam bộ trong giai đoạn này không chỉ có Bắc tông mà còn có Nam tông. Nhưng do nhiều mặt hạn chế, trong bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược về công trình nghiên cứu của chúng tôi về sự phát triển của Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung trả lời hai câu hỏi nghiên cứu sau:

Như thế nào là sự hình thành và phát triển của Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ trong giai đoạn 1920-1945?

Như thế nào là những đặc điểm của Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ trong giai đoạn 1920-1945?

II. Bối cảnh lịch sử Nam kỳ giai đoạn 1920 - 1945

Sau Đệ nhất thế chiến, các nước đế quốc thắng trận; cho nên họ chia lại trật tự thế giới theo hệ thống mới, hệ thống Vecxai-Wasington. Theo hệ thống này, các nước tư bản, như Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản chiếm quyền lợi kinh tế, và họ ra sức áp đặt áp bức lên những nước bại trận và những nước thuộc địa (David, G.Marr, 1984).

Là một phần của bán đảo Đông Dương, Việt Nam là thuộc địa của Pháp và không thoát khỏi sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp trong giai đoạn này.

Về giáo dục: Trong giai đoạn này Việt Nam tiếp thu văn hóa giáo dục từ nhiều quốc gia, như Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp. Tuy nhiên, vì là một phần của bán đảo Đông Dương, Việt Nam, trong giai đoạn này, chịu ảnh hưởng sâu nặng từ văn hóa giáo dục của người Pháp (Nguyễn, Hoa Mai, 2019). Theo đó, nền giáo dục khoa bảng được xây dựng từ Nho học bị loại bỏ, thay vào đó là một nền giáo dục có tính phổ thông từ Tiểu học tới Trung học và Cao đẳng (Trần, Bích San, 2018). Bằng cách giáo dục này, Pháp muốn đào tạo người bản xứ có khả năng làm trung gian cho Pháp tại Việt Nam, như thông dịch viên hay kỹ sư xây dựng. Cũng trong thời kỳ, Pháp mở rộng giáo dục nghề cho người Việt, mục đích là đào tạo nguồn nhân lực cho việc khai thác thuộc địa hiệu quả hơn (Trần, Thị Phương Hoa, 2009).

Về mặt kinh tế: Brong giai đoạn này Pháp đẩy mạnh thương mại, nông nghiệp và công nghiệp (Nguyễn, Hoa Mai, 2019). Về nông nghiệp, Pháp cho hệ thống hóa việc trồng trọt lúa nước tại miền Bắc và Tây Nam bộ, trong khi đồn điền cao su được trồng khắp Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Về thương mại, Pháp đẩy mạnh giao dịch hàng hóa với người Tây và người Hoa, trong khi về mặt công nghiệp, Pháp đẩy mạnh khai khoáng và xây dựng (Trần, Thị Phương Hoa, 2009).

Về truyền thống xã hội: Việt Nam trong giai đoạn này có những thay đổi đáng kể về các giá trị xã hội và tư duy (David, G. Marr, 1984). Điển hình, trong giai đoạn địa vị xã hội của người phụ nữ được đề cao hơn; chữ Quốc ngữ được dùng thay thế cho chữ Nôm và chữ Hán; tư duy về số mệnh cố định được loại bỏ; giáo dục và khoa học có thể giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Về chính trị: Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của nhiều tổ chức đấu tranh chính trị, như Tâm Tâm Xã, Phục Việt, Hưng Nam, Việt Nam Nghĩa Đoàn, Thanh Niên Cao Vọng và Việt Nam Quốc Dân Đảng (Nguyễn, Quang Ngọc, 2006). Trong đó, phong trào đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân Đảng gây được sự chú ý và thu hút được nhiều người tham gia để cải cách Việt Nam thành một quốc gia “Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái”. Tuy nhiên, những tổ chức chính trị này chỉ thu hút được giai cấp tiểu tư sản tham gia, nên, dần dà, những phong trào đấu tranh chính trị này bị yếu thế và thất bại (Nguyễn, Quang Ngọc, 2006).

III. Sơ Lược sự phát triển của Phật giáo Nam kỳ trước và trong giai đoạn 1920-1945

Trong phần này, bài luận chủ đích muốn khắc họa đầy đủ bức tranh tổng thể về Phật giáo Nam bộ giai đoạn 1920-1945. Để nêu bật được sự phát triển của Phật giáo Bắc tông trong giai đoạn này, chúng tôi mạn phép giới thiệu tới đọc giả phần sơ lược về sự phát triển của Phật giáo từ buổi sơ khai cho tới mốc thời gian 1945, bởi vì, cẩn nghĩ, trình bày sự phát triển của Phật giáo Nam bộ trong giai đoạn 1920-1945 không thôi là một vấn đề bất khả thi.

Về tổng quan, việc xác định thời gian cụ thể trong đó Phật giáo được du nhập vào Việt Nam vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, do thiếu tư liệu lịch sử đáng tin cậy (Trần, Hồng Liên, 1995). Có nhiều chứng cứ cho thấy Phật giáo được du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ II sau công nguyên, và Luy Lâu được xem là trung tâm Phật giáo của khu vực. Trong giai đoạn này, nhiều giả thuyết cho rằng Phật giáo vào nước ta từ phía Nam Ấn, qua đường biển và vào Việt Nam. Ngoài ra, nhiều sách sử cho rằng các vị sư Trung Hoa từng tới Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III (Trần, Hồng Liên, 1995). Vậy, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam tương đối muộn, khoảng thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III và từ nhiều nguồn khác nhau.

Thế kỷ thứ XVI, Việt Nam được phân chia làm hai phần, Đàng Trong và Đàng Ngoài (Trần, Hồng Liên, 1995). Điều này, phần nào, làm cho Phật giáo Đàng Trong nói chung và Phật giáo Nam bộ nói riêng có sự khác biệt rõ nét với Phật giáo Đàng Ngoài, do sự ảnh hưởng văn hóa địa phương vào nghi thức và sinh hoạt Phật giáo. Nhiều nguồn sử liệu cho thấy Phật giáo Nam bộ, trong bước đầu định hình, rất đa dạng, với sự du nhập văn hóa Phật giáo từ sự di cư của bốn nhóm người, và đây là bốn hướng chính thành lập nên bản sắc của Phật giáo Nam bộ.

Hướng thứ nhất: trong số đoàn di dân từ Thuận Quảng vào Nam kỳ, có nhiều tu sĩ trẻ người Việt và Hoa. Những người này đa phần định cư tại Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay và Thủ Đức ngày nay), và họ đã thành lập nên một mạng lưới chùa chiền thịnh vượng tại Biên Hòa. Những ngôi cổ tự như, Đại Giác, Long Thiền, Kim Chương, Khải Tường và Từ Ân là những thành tựu được gây dựng bởi những vị tu sĩ tới từ miền Trung (Thuận Quảng). Có thể nói, những tu sĩ từ miền Trung là người gây dựng và phát huy Phật giáo trong vùng Gia Định- Đồng Nai trong nhiều thế kỷ, từ thế kỷ thứ XVI tới thế kỷ XIX (Trần, Hồng Liên, 1995).

Hướng thứ hai: vào cuối thế kỷ thứ XVI, Dương Ngạn Địch, một vị tướng nhà Minh, đã dẫn gia quyến tới hàng phục Chúa Nguyễn, và Chúa Nguyễn đã cho Dương Ngạn Địch về vùng Mỹ Tho khai khẩn. Trong đoàn tị nạn của Dương Ngạn Đích có nhiều vị tu sĩ Phật giáo, và những tu sĩ này đã góp phần hình thành nên hệ thống tín ngưỡng Phật giáo mạnh mẽ tại một số vùng Tây Nam bộ, như Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp. Những ngôi chùa cổ tại những vùng này là những di tích còn sót lại của một thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo tại Tây Nam bộ, mà được truyền bá bởi những vị sư theo Dương Ngạn Địch (Nguyễn, Tuấn Triết, 2012).

Hướng thứ ba: vào đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu dẫn gia quyến từ Quảng Đông qua lập nghiệp tại Hà Tiên. Dưới sự cai trị của Mạc Cửu, Hà Tiên không chỉ trù phú về nông nghiệp và giao thương nghiệp mà còn phát triển về tín ngưỡng Phật giáo. Mạc Cửu đích thân cho xây dựng ngôi chùa Tam Bảo, mà hiện nay vẫn tồn tại tại vùng Rạch Giá.

Hướng thứ tư: Người Khmer là những cư dân đầu tiên của nền văn minh Ốc Eo, mà lãnh thổ không chỉ bao gồm diện tích hiện tại của Campuchia, mà từng bao gồm nhiều cả một vùng rộng lớn của Tây Nam bộ của Việt Nam. Theo Nguyễn, Khắc Cảnh (2000), nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy dân Khmer, hay còn gọi là Miên, sau một thời gian rút lui khỏi vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, đã trở lại vào thế kỷ thứ XII, và họ định cư rải rác tại nhiều tỉnh lỵ Tây Nam bộ, nhưng chủ yếu sinh sống tại An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Người Khmer tín ngưỡng theo Phật giáo Nam tông; như vậy, Phật giáo Nam tông nhiều khả năng đã được hình thành tại Nam bộ vào đầu thế kỷ XII.

IV. Những đặc điểm của Phật Giáo Nam kỳ trước & trong giai đoạn 1920-1945

Như đã đề cập ở phần trước, Phật giáo Nam kỳ được hình thành và phát triển bởi bốn hướng chính, từ những vị sư miền Trung, từ những vị sư người Hoa theo Dương Ngạn Địch, từ những vị sư di cư theo Mạc Cửu và những vị sư là người Khmer. Trong đó ba hướng đầu tiên, mặc dù có xuất phát điểm khác nhau, rất tương đồng nhau và đều là nhánh Phật giáo bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Mặc dù, theo sử liệu, hướng du nhập Phật giáo thứ nhất là từ các sư sãi miền Trung của Việt Nam, nhưng khách quan mà nói thì Phật giáo miền Trung thế kỷ thứ XVI đã bị ảnh hưởng sâu nặng bởi Phật giáo Trung Hoa.

1. Các tông môn của Phật giáo Bắc tông Nam bộ

Dòng truyền thừa Phật giáo theo truyền thống Trung Hoa hay còn gọi là Bắc tông bị ảnh hưởng nặng nề bởi Thiền tông, một chi nhánh Phật giáo, được cho rằng, có khởi điểm từ Bồ Đề Đạt Ma, người được xem là đã giác ngộ được yếu chỉ được truyền thừa nhiều đời từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo sự truyền thừa này, chỉ có dòng Thiền tông là được chân truyền từ đức Phật Thích Ca (Đoàn, Trung Còn, 2018). Mặc dù Thiền tông tại Trung Quốc có 5 tông phái lớn: Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn và Quy Ngưỡng. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam chỉ có hai tông phái lớn là Lâm Tế và Tào Động (Trần, Hồng Liên, 1995).

1.1. Tông Lâm Tế Đàng Trong

Tông Lâm Tế khi vào Việt Nam thì lại phân ra thành bốn nhánh: Lâm Tế Tổ Đạo, dòng Đạo Bổn Ngươn, dòng Liễu Quán và dòng Chúc Thánh.

Dòng Lâm Tế Tổ Đạo là dòng Lâm Tế được truyền thừa từ ngài Tổ Định, trụ ở non Tuyết Phong. Ngài có xuất bài kệ:

“Tổ Đạo Giới Định Tông Phương Quản Chứng Viên Thông Hành Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chơn Không”.

Đây là bài kệ được truyền thừa qua nhiều thế hệ của môn phái, và là bằng chứng chứng minh cho sự chính thống của dòng Lâm Tế tại Việt Nam. Trên thực tế khảo cứu, do đây là dòng Lâm Tế chính được truyền vào Việt Nam, và do sự phát triển mạnh mẽ của dòng này tại Nam bộ, những vị sư trong dòng truyền thừa này cho rằng họ là Lâm Tế Chính Tông. Cái tên Lâm Tế Tổ Đạo được lấy từ hai từ đầu tiên của bài kệ truyền thừa. Việc này nhắc nhở thế hệ sau nhớ về nguồn gốc của họ dễ dàng (Trần, Hồng Liên, 1995).

Dòng Lâm Tế Bổn Ngươn là chi Lâm Tế, được cho là, có nguồn gốc từ ngài Dạo Mẫn- Mộc Trần, hay còn được gọi là Thông Thiện - Hoằng Giác, tu ở chùa Thiên Đồng. Tên của dòng này được gọi theo ba chữ đầu tiên của bài kệ truyền thừa là Đạo Bổn Huyền, nhưng sau được đổi thành Đạo Bổn Ngươn, vì kỵ húy vua Khang Hy tên Huyền Hoa (Trần, Hồng Liên, 1995). Cũng xin nói thêm, dòng này cũng là cội nguồn xuất thân của một vị thiền sư người Hoa nổi tiếng Nguyên Thiều. Tổ đình của dòng này được trải dài từ Đông tới Tây Nam bộ. Trong đó có một số vẫn còn tồn tại tới ngày nay như: Tổ Đình Giác Lâm (Saigon), Giác Hải (Saigon), Giác Viên (Saigon), Long Thành (Long An), Long Thạnh (Bà Hom), Linh Nguyên (Long An), Vĩnh Tràng và Bửu Lâm (Tiền Giang).

Dòng Liễu Quán là chi phái Lâm Tế đời thứ 34, và có nguồn gốc từ ngài Minh Hoằng-Tử Dung. Theo sử liệu (Trần Hồng Liên, 1995), Tử Dung theo ngài Nguyên Thiều sang trấn Thuận Hóa của Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI. Lúc còn tại thế, Tử Dung không lập tông môn riêng mà chỉ thành lập chùa Từ Đàm tại Huế và trụ trì tại đây. Sau này, ông có thâu nhận một số đệ tử, và trong số những đệ tử của ông, có ngài Thiệt Diệu-Liễu Quán, người tỉnh Phú Yên, rất giỏi và uyên thâm về thiền. Ông này, sau khi Tử Dung tịch, lập chùa Thiền Tông ở Huế và xuất bài kệ 48 chữ. Những người đệ tử sau này nối truyền bài kệ này, và được cho là người của dòng Lâm Tế Liễu Quán. Lâm Tế Liễu Quán, đặc biệt, phát triển mạnh ở khu vực Thuận Quảng. Một số nhà sư theo di dân vào dinh Trấn Biên và mang theo dòng Liễu Quán truyền thừa trong vùng Gia Định - Đồng Nai - Tây Ninh (Trần, Hồng Liên, 1995).

Dòng Chúc Thánh cũng là một dòng thiền thuộc phái Lâm Tế mà có nguồn gốc từ một vị sư gốc Trung Hoa, Minh Hải - Pháp Bảo. Theo Thích Như Tịnh (2009, trang 108) Minh Hải sinh ngày 28 tháng 6 năm 1670 tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Lúc nhỏ ngài đã tỏ ra ưa thích Phật Pháp; cho nên, vào năm 1678, cha ngài dẫn ngài tới chùa Báo Tư (Quảng Châu) để xuất gia tu học. Vào năm 1695, ngài là một trong thập sư, trong đó có ngài Tử Dung, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Việt Nam truyền giới. Ngày mùng 1 tháng 4 năm 1695, Đại Giới Đàn được tổ chức tại chùa Thiền Lâm (Thuận Hóa). Trong giới đàn, Hòa thượng Thạch Liêm làm Đàn Đầu, và ngài là một trong tam sư thất chứng. Khi Giới đàn viên mãn, phái đoàn cùng hòa thượng Thạch Liêm ra Hội An để lên thuyền về nước. Ngày 19 tháng 4, thuyền chở Hòa thượng thạch Liêm cùng phái đoàn về nước, nhưng do thời tiết xấu, phái đoàn phải đợi mãi tới tháng 6 năm 1696 mới về nước được. Trong thời gian lưu trú tại Hội An, Minh Hải có cảm tình với vùng đất này, và ngài quyết định ở lại hoằng dương Phật pháp tại Hội An. Trong thời gian lưu trú và hoằng Phật pháp tại Hội An, ngài lập chùa Chúc Thánh, và tên của ngôi chùa trở thành tên của dòng truyền thừa mà ngài được xem là tổ sư. Dòng Chúc Thánh phát triển mạnh mẽ tại Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, dòng Chúc Thánh chỉ chính thức có mặt ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (Thích Như Tịnh, 2009 trang 420).

1.2. Tào Động Tông Việt Nam

Theo Nguyễn Lang (1992, trang 222), Thiền sư Hưng Liên là người đầu tiên truyền bá thiền Tào Động tại Đàng Trong. Ông là một trong thập sư sang Việt Nam theo phái đoàn của thiền sư Nguyên Thiều theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn, Lang, 1992 trang 197). Và trong suốt thời gian lưu tại Việt Nam, ông được phong là quốc sư của xứ Đàng Trong. Ngôi chùa Tam Thai, nơi ông sinh sống trong suốt thời gian tại thế, bị hủy hại trong cuộc nội chiến của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, và nó được trùng tu năm 1825, đời minh Mạng (Nguyễn, Lang, 1992 trang 222).

Tuy nhiên người có công lớn nhất trong việc truyền bá thiền Tào Động ở Đàng Trong là Thạch Liêm. Thiền sư Thạch Liêm, hiệu Đại Sán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi thiếu niên ở chùa Thượng Lam. Sau khi thọ giới Tỳ kheo, ông nhập chúng làm giảng sư tại chùa Trường Thọ ở Quảng Tây. Sau khi thầy trụ trì là Thực Hành mất, ông được chúng bầu lên làm trụ trì. Với tài hội họa và kiến trúc, Thạch Liêm đã biến chùa Trường Thọ thành một danh thắng nổi tiếng trong khu vực (Nguyễn, Lang, 1992 trang 222). Ông được quốc sư Đàng Trong, thời bấy giờ là Liên Hưng, tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Trăn, và chúa Phúc Trăn đã hai lần mời nhưng ông đều không thể tới Việt Nam, do nhiều sự vụ. Vào năm 1694, chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi, vì quý mến danh ông, chúa lại cho người sang mời ông. Lần này ông nhận lời chúa Nguyễn, và sang Đàng Trong Việt Nam tổ chức Đại Giới Đàn trong 12 ngày, từ mùng 1 tới 12 tháng 4 năm 1695 (Nguyễn, Lang, 1992 trang 223).

Không có nhiều dữ liệu mô tả về sự truyền thừa của Tào Động tại Đàng Trong, ngoại trừ một số ít tư liệu hạn chế viết về thiền sư Thạch Liêm và quốc sư Hưng Liên. Cho nên, chúng ta rất hạn chế trong việc tiếp cận về tông phái Tào Động tại Nam bộ.

2. Phương pháp tu học của Phật giáo Bắc tông Đàng Trong

Rất là khó khăn để tiếp cận phương pháp tu học của những tu sĩ thuộc hai trường phái thiền Lâm Tế và Tào động tại Việt Nam, bởi vì hầu hết những tư liệu liên quan tới hai phái thiền này đều chỉ nói sơ lược về hành trạng của một số vị sư tiên phong cũng như sự phát triển chùa chiền của chi phái mà thôi. Tuy nhiên, cẩn nghĩ, phương pháp tu học của hai tông phái thiền Lâm Tế và Tào Động Đàng Trong, phần nào, vẫn giống phương pháp tu học của Lâm Tế và Tào động tại Trung Hoa:

Lâm Tế Thống Khoái Quy Ngưỡng Cẩn Nghiêm Tào Động Tế Mật Vân Môn Ký Cổ Pháp Nhãn Tường Minh

Trần Tuấn Mẫn (2017) trong bài viết về Thiền Tông Việt Nam đã nhấn mạnh rằng Thiền Tông Việt Nam vẫn mang đậm tính chất Thiền Tông Trung Hoa, nhưng vẫn có những nét rất Việt Nam. Có thể tóm tắt cách thực hành của Thiền Tông Việt Nam theo 6 điểm:

• Thiền Việt Nam không phân biệt các đặc điểm của từng Thiền phái, không phải vì các Đại sư Trung Hoa theo Thiền phái nào của Trung Hoa mà các Thiền phái Việt Nam phải theo đúng phương cách tu tập của Thiền phái ấy.

• Tất cả các chùa đều có tụng kinh, niệm Phật, hành thiền; không phân biệt chùa thuộc Thiền phái nào.

• Thiền tông Việt Nam không chú trọng “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” mà chú trọng vào sự tĩnh lặng & an định của tâm thức.

• Thiền Việt Nam “nhẹ nhàng, hiền lành” chứ không có những cách đối cơ tiếp vật “kỳ khu, khốc liệt” như Thiền Trung Hoa.

• Thiền phái không phải là yếu tố quan trọng ở Việt Nam. Sự kế tục vị Thầy tổ khai sơn của một chùa, các đệ tử về sau thành lập chùa riêng và chùa đầu tiên, được gọi là Tổ đình, không mang ý nghĩa của một Thiền phái

• Các đại Thiền sư Việt Nam thường là thi sĩ, những học giả tạo tác nhiều tác phẩm nghiên cứu, luận giảng Phật học.

Cùng ý kiến với Trần Tuấn Mẫn (2017), chúng tôi cho rằng cả hai phái Thiền Lâm Tế và Tào Động tại Nam bộ đều có sự kết hợp với Tịnh độ.

Chúng ta có thể thấy quan niệm về thiền tịnh song tu của Tào Động tông trong tư tưởng của Thạch Liêm, người được xem là tổ sư của Tào Động tông Việt Nam. Trong Việt Nam Sử Luận II, Nguyễn Lang chép rằng: “Hồi Thạch Liêm dự định về nước, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị dọn cơm chay cúng dường, tỏ ý buồn rầu vì sự thầy trò xa cách. Khuyên bà niệm Phật: ‘Sự hội họp chia lìa của con người không phải ở nơi hình hài. Nếu quốc mẫu thường xuyên làm việc lành và nhất tâm niệm Phật không chút gián đoạn thì đó là thầy trò được gần gũi mãi mãi. Còn nếu tâm niệm thường theo đuổi việc trần thì dù lão tăng có ở đây hàng ngày đối diện cũng xa cách ngàn dặm, rốt cuộc cũng có ích gì”. Quốc mẫu nghe mấy câu trên lấy làm mừng rỡ, cầu xin ông chép lại ý ấy bằng giấy mực mà ngày đêm tuân hành. Sau bữa trai tăng, ông về chùa Thiền Lâm viết một bài kệ ngắn cho bà, tựa đề là nói về Phật A Di Ðà của tự tính. Qua đây thấy được tư tưởng của Thạch Liêm không chỉ chú trọng vào thiền, mà còn về tịnh độ. Không chỉ có tinh thần thiền tịnh song tu, mà Thạch Liêm còn chủ trương Nho Phật nhất tri khi trong Đại Giới Đàn Thiền Lâm năm 1695, ông viết hai câu đối:

“Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại; “Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn”

dịch:

“Phật gia trì giới, Nho giả lý trung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực; “Quân tử sắc cơ, Thiền nhân tập định, đều về minh tâm kiến tính, cũng vì răn nơi chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe”.

Tư tưởng Nho Phật hợp nhất của Thạch Liêm còn thể hiện trong lá thư “Hộ Pháp Kim Cang” mà ông viết tặng chúa Nguyễn Phúc Chu ngày chúa thọ giới Bồ tát (Nguyễn, Lang, 1992 trang 236-237)

Chúng ta cũng có thể thấy tư tưởng thiền tịnh song tu trong Lâm Tế tông Việt Nam trong cuốn hành trạng về thiền sư Pháp Chuyên trong Sa Môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm Thiền Sư Xuất Thế Nhân Do Tích Trí (Thích, Như Tịnh,2009 trang 127):

“Phật thừa ư trung nhật thực, viễn ly tài sắc, bất thiệp thế duyên, cầu khán kinh Phật, tinh cần cầu đạo, tụng Đại Bi chú nhất tạng, đãnh lễ tam thiên vạn Phật hồng Danh các hữu ngũ biến, dĩ thiện căn cầu chướng tội tiêu, tảo thành Phật đạo...”

Dịch:

“Ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không vướng chuyện thế sự, thường xem kinh Phật, siêng năng cầu đạo, tụng chú Đại bi một tạng, lễ lạy Tam Thiên và Vạn Phật, mỗi tôn hiệu năm lần, lấy thiện căn tu dưỡng này, cầu sớm thành Phật đạo.”

Còn nữa...

Tác giả: Thích Đồng Hạnh - Học viên cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2020