Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng, tính đến thời điểm năm 2015, theo Báo cáo của Bộ Nội vụ về Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, nước ta có 13 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu học đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 83 nghìn chức sắc, hơn 250 nghìn chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hơn 25 nghìn cơ sở thờ tự. Trên thực tế, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Trong những năm qua, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm và coi đó là một trong những quyền cơ bản của công dân. Bài viết dưới đây điểm qua một số quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo. Trên cơ sở đó chúng tôi nêu lên tầm ảnh hưởng của các quan điểm, chính sách đến sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo là một tôn giáo có bề dài lịch sử gắn liền với lịch sử dân tộc hơn 2000 năm, và cũng một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất hiện nay. Tính đến tháng 6/2016 GHPGVN có 63/63 Ban Trị sự (BTS) Phật giáo cấp tỉnh; có 49.493 tăng, ni (gồm: 36.625 Bắc tông, 8.690 Nam tông Khmer, 824 Nam tông kinh, 3.354 Khấtsĩ); 17.376 ngôi tựviện (gồm: 14.780 chùa Bắc tông, 454 chùa Nam tông Khmer, 73 chùa Nam tông Kinh, 550 Tịnh xá, 467 Tịnh thất, 998 Niệm Phật đường, 54 chùa Hoa)(1).

Theo đó, cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế, Phật giáo Việt Nam ngày nay có sự chuyển mình rõ rệt về các phương diện như: gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở tự viện, cơ sở đào tạo, các hoạt động hoằng pháp, các đạo tràng tu tập, đặc biệt là gia tăng các hoạt động đối ngoại quốc tế. Sự phát triển này của Phật giáo đã đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo hiện nay. Đây là kết quả của nhiều điều kiện chủ quan và khách quan, trong đó có quá trình đổi mới về nhận thức, đường lối và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.

Trước năm 1990, một số chính sách về tôn giáo còn bất cập, thậm chí có một bộ phận cán bộ có biểu hiện miệt thị tôn giáo, gây khó khăn cho hoạt động tôn giáo, coi những người có đạo là không bình thường(2). Tại thời điểm đó muốn đi tu phải đăng ký tạm trú, nhưng khi đăng ký tạm trú thì không được chính quyền cho phép nên xảy ra tình trạng trốn tránh. Hay việc mở các đạo tràng tu tập cũng rất khó khăn.

Kể từ khi Nghị quyết số 24- NQ/TW ra đời ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khoá VI về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đánh dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt đổi mới trong tư duy, nhận thức về tôn giáo nhằm nhìn nhận, đánh giá tôn giáo một cách khách quan. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Công tác tôn giáo. Nghị quyết xác định rõ hơn về tôn giáo và công tác tôn giáo. Nghị quyết 24 được Chính phủ chỉ đạo đi vào thực tiễn, khiến cho các cán bộ, các cơ quan Nhà nước nhận thức rằng sự tồn tại của tôn giáo là vấn đề gắn liền với nhu cầu tinh thần của người dân vì thế cần phải được tôn trọng và ứng xử với tôn giáo một cách bình thường. Tôn giáo, nếu biết điều chỉnh phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu để duy trì sự ổn định xã hội, xây dựng các giá trị văn hóa đạo đức phục vụ “an sinh xã hội”, “Quốc thái dân an”.

Nghị quyết 25 đi vào cuộc sống tạo được lòng tin và sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân và trong toàn xã hội, nhận được sự ủng hộ của đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa Nhà nước – Giáo hội ngày càng tích cực, các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong một nhiệm vụ thiêng liêng là xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, quan hệ quốc tế ngày thêm rộng mở. Kết quả là ngày 14/11/2006, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.

Nhà nước ta là nhà nước thế tục và luôn coi các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, bình đẳng tôn giáo không có nghĩa “cào bằng” mà phải ứng xử cho phù hợp với đặc điểm, vai trò của từng tôn giáo(3). Đối với Phật giáo, một tôn giáo có công lớn với dân tộc trong lịch sử dựng nước và đấu tranh chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc, cho đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn lãnh thổ. Trong thời hiện đại, Phật giáo có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Nên từ sau Nghị quyết 25 những công lao đó của Giáo hội, tăng ni, phật tử đã được Nhà nước công bố, ủng hộ để các tôn giáo khác noi theo mà đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Có thể nói, vai trò và vị thế Phật giáo đã được Nhà nước coi trọng hơn bao giờ hết. Từ đó niềm tin tôn giáo của tín đồ phật tử cũng được tôn trọng, tạo điều kiện và bảo đảm.

Mang trong mình niềm tin về Phật giáo, người phật tử Việt Nam có quyền tự hào về tôn giáo mình ở các đặc điểm như: Về lịch sử, Phật giáo du nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta lâu đời nhất so với các tôn giáo khác nên đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều mặt đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Về giáo lý, cốt tủy tinh thần của Phật giáo là dân chủ và rộng mở, từ bi và hỷ xả, vô ngã và vị tha nên dễ dàng ăn sâu vào tâm thức người Việt. Về giáo hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn mang tính quốc gia, dân tộc; có sự thống nhất trong đa dạng và đồng thuận giữa ba hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Về pháp môn tu tập, Phật giáo Việt Nam có sự kết hợp hài hòa về ba pháp tu là Thiền tông, Tịnh độ, Mật tông. Các pháp tu này gần gũi với tâm thức và văn hóa người Việt nên được đông đảo đồng bào phật tử thực hành.

Từ những đặc điểm trên, nhân tố góp phần ổn định xã hội, gắn kết với dân tộc qua từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Vì thế Đảng và Nhà nước đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo mở rộng các đạo tràng tu tập, xây dựng chùa chiền, thu nhận đệ tử, tổ chức nghi lễ, in ấn kinh sách, tham gia vào các tổ chức đoàn thể, công tác xã hội, v.v… đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và đồng bào phật tử. Thậm chí một số tu sĩ, phật tử còn được mời làm việc Nhà nước, chính quyền địa phương với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy viên Hội đồng nhân dân các cấp.

Đổi mới nhận thức đối với Phật giáo đồng nghĩa với việc ứng xử đúng đắn, khách quan trước những giá trị tích cực, những hạn chế phát sinh. Trong thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Phật giáo Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động hoằng pháp ở trong cũng như ngoài nước, thông qua đó hoằng dương Phật pháp và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời minh chứng cho thế giới biết được sự cởi mở, tự do trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Lần đầu tiên, phật tử Việt Nam và người Việt Nam được chứng kiến những hoạt động hoằng pháp được tổ chức quy mô và đồ sộ có ý nghĩa không chỉ về mặt đạo pháp mà còn gắn với việc phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giúp đỡ người nghèo. Ngày 09/4/2009 tại tỉnh Kon Tum tổ chức Đại lễ Quy y với 4000 người dân tộc được Trung tâm Vietkings tặng bằng xác lập kỷ lục. Ngày 26/7/2011 tại tỉnh Bình Phước có 5311 người Quy y cũng đã được Trung tâm Vietkings xác lập kỷ lục. Tại Cần Thơ cũng đã tổ chức Quy y cho hơn 700 đồng bào Kinh và Hoa tại chùa Phước Long nhân dịp Hội thảo Hướng dẫn Phật tử. Đặc biệt, ở Lạng Sơn hằng năm đều tổ chức Đại lễ chúc thọ cho các phật tử có tuổi chẵn từ 70 đến 100 tuổi vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, đã trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương(4).

Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc với chủ đề: “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đây là một sự kiện Phật giáo lớn nhất trong suốt hơn 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Năm 2014, Đại lễ Vesak lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Đại lễ Vesak 2014 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của các đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong thời gian qua, Phật giáo đã tiến hành rất nhiều hoạt động tiến bộ trong nước cũng như hợp tác quốc tế phù hợp với tình hình mới. Sự phát triển Phật giáo trên nhiều phương diện thể hiện được sự tăng trưởng niềm tin của nhân dân đối với Phật giáo. Nhờ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp vai trò nhất định đối với đất nước trên các phương diện như: Tập hợp và vận động tăng ni, phật tử tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; Góp phần cùng với Nhà nước chống lại những mưu toan chia rẽ tôn giáo, chống phá cách mạng của các thế lực thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước; Huy động tài lực, vật lực từ tín đồ, nhân dân phục vụ an sinh xã hội; Góp phần điều chỉnh hành vi con người hướng tới chân – thiện – mỹ phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay, làm cho con người sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng xã hội, rất cần cho việc xây dựng xã hội mới.

Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ từng phát biểu: “Những gì chúng tôi làm cho Phật giáo cũng có nghĩa là làm cho dân tộc, những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng có nghĩa là làm cho Phật giáo”(5).

Tác giả: Thích Không Tú Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016 -----------

CHÚ THÍCH: 1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2016), Báo Giác Ngộ, số 831 (22/01/2016), tr.5. 2. Thân Ngọc Anh, 2012, Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ Triết học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: tr.188. 3. Nguyễn Đức Lữ, 2013, Tôn giáo với Dân tộc và CNXH, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội: tr.261. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2014), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Nxb Tôn giáo, Hà Nội: tr.50. 5. Thích Giác Tâm, 2014, “Lời giáo huấn của các bậc Cao Tăng”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, Xuân Giáp Ngọ.