Trong cuộc đời này, tất cả đều vô thường, thay đổi từng phút giây. Đừng ỷ lại vào tuổi trẻ, bởi vô thường đến rất nhanh, không chờ đợi ai. Khi còn trẻ, chúng ta phải biết trân trọng thời gian, dù là trong học tập hay tu hành.
Một khi vô thường ập đến, sẽ không còn cơ hội quay đầu. Mọi người đến đây để học Phật pháp, nếu biết áp dụng lời dạy của Phật, ta sẽ nhận ra thân xác này chỉ là giả hợp từ bốn đại và năm uẩn đều là không.
Vì thế, mỗi ngày tôi đều tụng Bát Nhã Tâm Kinh – bài kinh tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa trí tuệ sâu xa. Mở đầu Tâm Kinh, Phật dạy “Quán chiếu tất cả khổ nạn”, nếu không dựa vào Phật pháp, chúng ta không thể vượt qua khổ đau và phiền não.
Chúng ta chấp trước quá nhiều vào thân thể giả tạm này, trong khi “ngũ uẩn đều không” là chân lý cần quán chiếu. Có câu: “Muôn vàn thứ không mang theo được, chỉ có nghiệp theo ta”, nhắc nhở rằng chỉ có nghiệp báo đi theo mỗi chúng ta từ đời này sang đời khác.
Dù là Duy Thức hay Trung Quán, cả hai đều dạy ta đừng chấp vào cái “ngã”. Nếu không phá bỏ ngã chấp, sẽ không thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Tâm Kinh dạy “Ngũ uẩn đều không, độ tất cả khổ ách”, tức là chúng ta phải buông bỏ chấp ngã, bởi chấp ngã tạo nghiệp, và nghiệp là nguyên nhân của sinh tử.
Trong giáo lý Duy Thức, tất cả là “nghiệp thức” – nghiệp sinh từ chấp ngã. Phật dạy “Hãy quán chiếu bản chất của pháp giới, tất cả đều do tâm tạo ra.” Nghiệp là từ tâm mà sinh, nên nếu không hiểu được điều này, chúng ta mãi tạo nghiệp, khiến luân hồi không dứt. Chính vì thế, ta phải thấy rõ rằng các pháp đều do duyên sinh duyên diệt, không có thực thể nào là bền vững.
Chúng ta cần thấu triệt chân lý “Các pháp do duyên sinh, do duyên diệt”, không có gì là mãi mãi. Thân thể này dù có đó nhưng khi vô thường đến, nó sẽ tan biến, chỉ còn lại một nắm xương tàn. Nghiệp chúng ta tạo ra không mất đi mà sẽ tiếp nối, kéo ta vào vòng luân hồi, khiến khổ đau cứ thế tiếp diễn. Để thoát khỏi sinh tử, ta phải hiểu rằng “Ngũ uẩn đều không” và từ đó vượt qua khổ nạn.
Người tu hành cần nắm rõ chân lý này. Trong cuộc sống, đừng ganh đua hay so bì với người khác. Phải cẩn thận với thân, khẩu, ý, bởi chúng dễ dàng tạo nghiệp. Hãy biết sám hối chân thành: “Những ác nghiệp con đã tạo ra từ thân, khẩu, ý do tham, sân, si mà sinh, con nay xin sám hối.” Chỉ có sự chân thành sám hối mới giúp tiêu trừ nghiệp chướng.
Hy vọng tất cả mọi người đều phát tâm Bồ Đề và nguyện Bồ Đề. Như các vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Phổ Hiền, mỗi vị biểu trưng cho từ bi, trí tuệ, nguyện lực và hành động, luôn quảng độ chúng sinh. Hành giả chúng ta hãy noi gương các Ngài, phát tâm Bồ Đề và nguyện lực lớn lao, thì mới có thể đạt được Phật quả.
Kính chúc đại chúng tinh tấn tu hành, sớm đạt thành đạo quả. A Di Đà Phật.
Tác giả: Hòa thượng Như Ngộ
Việt dịch: Diệu Thường
Bình luận (0)