Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPH tại Hà Nội
Trong quan hệ gia đình chữ Hiếu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đạo Hiếu vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc ta, tinh thần ấy được giữ gìn, bảo tồn, phát huy qua bao thế hệ.
Trong Hiếu kinh có nói: “Hiếu thị đức chi bản, y giáo nhi sinh.” Nghĩa là hiếu thuận là căn bản của đức hạnh, do giáo dục mà có.
Trong kinh điển Đại thừa cũng khẳng định: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” nhằm xác quyết rằng đạo hiếu là con đường mà tất cả các bậc thánh hiền, các bậc giác ngộ đã đi qua. Nói cách khác đạo hiếu thảo là đạo làm người và đạo làm thánh. Đây là bước khởi đầu của mọi đạo lý trên đời. Nếu tính cách thiêng liêng của đạo hiếu bị phá vỡ thì tính cách đạo đức của một cá nhân cũng không thể thành tựu được. Nghĩa là người bất hiếu không phải là người hiền lương và đạo đức, và do đó không phải là con người đúng với nghĩa là một động vật tiến hóa về ý thức và đạo đức.
Nhân sự kiện đức Phật đảnh lễ đống xương khô trong đó có cha mẹ nhiều đời trong quá khứ của ngài, đức Phật đã giảng dạy về 10 đức ân của hai đấng sinh thành như sau: 1) Gìn giữ con khi mang thai, 2) khổ đau trong sinh nở, 3) lo lắng trăm bề đến lúc sinh, 4) nuốt đắng nhả ngọt, 5) nhường khô nằm ướt, 6) bú mớm nuôi nấng, 7) tắm rửa săn sóc, 8) thương nhớ không nguôi, 9) quá vì con, thậm chí làm ác, 10) thương con trọn đời. Để con cháu đền đáp công cha nghĩa mẹ, Phật dạy phương pháp báo hiếu về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nếu đối với cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục con cái, thì đối với mẹ là cả bầu trời tình thương, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến lúc con cái được trưởng thành và hạnh phúc trong đời.
Trong hành trình mang lại hạnh phúc cho con cái, đôi lúc cha mẹ đã hy sinh hạnh phúc của bản thân. Có nhiều bậc cha mẹ trong kế sinh nhai đầy lao khó đã phải bất đắc dĩ “tính sao có lợi thì làm khác, Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”. Hiểu được công ơn trời biển của hai đấng sinh thành, tất cả những người làm con phải lo báo hiếu cù lao. Đạo đức của lòng hiếu thảo theo kinh này khởi đi bằng đời sống đạo đức của bản thân, thấy được song thân ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật đổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ trước sau như một. Vì tình thương và tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái là không bờ bến.
Tất cả sự báo hiếu của con thảo cháu hiền chỉ đáp đền được phần nào đó trong muôn một. Những kẻ bất hiếu là tự gieo bất hạnh cho bản thân, và khó có cơ hội sống trong hạnh phúc thật sự. Do đó hiếu thảo là nhu cầu không thể thiếu của hạnh phúc và là giá trị làm thăng hoa mọi giá trị trong cuộc đời.
Đạo Hiếu được bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, là sự bày tỏ, đền đáp công lao dưỡng dục của mẹ cha, người đã đem lại cho ta sự sống, nâng đỡ ta từ bước đi đầu tiên. Cho nên Trong Tăng Chi Bộ, đức Phật cũng ví cha mẹ như những ngọn lửa đáng cung kính, vì cha mẹ là người đã đem lại sự sống và tăng trưởng cho con cái, cũng như ngọn lửa đem lại nguồn sống, nguồn năng lượng cho loài người: “...Này các Bà la môn, cha mẹ của các người là các ngọn lửa đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện hữu. Do đó, cha mẹ như là các ngọn lửa thiêng đáng cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, và sẽ đem lại an lạc.”
Vì vậy Đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ là để báo đền ân đức. Cho nên trong Nho Giáo học trò của Ngài Khổng Tử là Tăng Tử có nói: “Nếu không có duyên cớ đặc biệt mà tùy tiện sát hại con sâu con kiến thì là bất hiếu; không có nguyên do đặc biệt mà tùy ý ngắt lấy bông hoa ngọn cỏ, thì là bất hiếu. Tăng Tử nâng cấp độ của đạo hiếu lên đến việc bảo vệ (quý trọng) đời sống động vật và thực vật, cả đến lòng yêu thương đối với tất cả chúng sinh. Từ bi nhân ái vô tư rộng lớn này chính là hiếu thuận.” Tăng Tử thuyết minh hiếu một cách toàn diện như thế, và sau này trở thành truyền nhân hoằng dương Hiếu kinh trong các học trò của Khổng Tử. Xã hội truyền thống Trung Quốc chủ trương tam cương ngũ thường, chủ yếu lấy hiếu làm trung tâm, mở rộng phạm vi bổ sung đầy đủ nội dung. Hiếu thuận với quốc gia chính là trung, hiếu thuận với anh em chính là đễ (kính nhường), hiếu thuận với bạn bè chính là nghĩa, và hiếu thuận với chúng sinh chính là nhân.[1] Đây là điều mà các nhà tư tưởng đạo đức hướng đến, chính cái nhìn từ bi của Phật giáo đã tiếp thêm sức sống cho dân tộc và khơi nguồn thêm cho dòng thác nhân đạo của dân tộc Việt Nam chảy mạnh vào nghĩa sống vô cùng, đó là lòng hiếu thảo.
Như trong Sự tích hiếu kính cha mẹ trong Phật môn nhiều không kể xiết, như Đức Phật khiêng quan tài cha, thuyết pháp cho mẹ, hoàn thiện đạo con cái; Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ trong biển khổ âm phủ, mà thắng hội Vu-lan-bồn (Ullambana)[2] cũng từ đây lưu truyền cả ngàn năm; Xá Lợi Phất trước khi nhập diệt đã trở về quê hương từ biệt mẹ hiền, để báo đáp thâm ân[3]; Đại sư Ngẫu Ích đời nhà Minh bốn lần cắt cánh tay, cầu mẹ hiền mắc bệnh hiểm nghèo sống thọ[4]… Và từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên - cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên, mà lễ Vu Lan đã ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á. Diễn ra vào ngày 15/7 Âm lịch, lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đạo Hiếu không chỉ là Hiếu với cha mẹ mình như người xưa vẫn nói, trong thời đại ngày nay, Hiếu còn là Hiếu với nhân dân, với toàn dân tộc. Vì vậy Hiếu trong Phật giáo có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới nếp sống, phong tục, tập quán người Việt, là tư tưởng mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là mấu chốt của vấn đề cứu độ, trong kinh điển Đại thừa nói chung và kinh Vu-lan-bồn nói riêng. Như Kinh Bản sự và kinh Hiểu tử nói: “Năng khai hóa kỳ thân, tài thị chân thực báo phụ mẫu ân”. Tức là, có thể mở mang giáo hóa cha mẹ của mình, mới là cách báo ân chân thực cho cha mẹ.
Trong luật Ngũ phần, đức Phật từng căn dặn các Tỳ kheo: “tận tâm tận thọ, cúng dường phụ mẫu; nhược bất cúng dường, đắc trọng tội”. Nghĩa là, đời này phải hết lòng cung cấp phụng dưỡng cha mẹ; nếu không như vậy thì sẽ bị tội nặng. Kinh Hiền ngu và kinh Thiểm tử nói: “Phật đà thị nhân nhân hiếu cố, thành tam giới chi tôn”.
Đức Phật vì nhân ái hiếu thuận cho nên đã trở thành đấng tôn quý của ba cõi. Từ đây có thể thấy, bất kể là tại gia hay xuất gia, đều có thể phụng dưỡng cha mẹ, lại có thể dẫn dắt cha mẹ hướng về đường chính. Đấy chính là điều quan trọng không gì sánh bằng. Do đó việc báo hiếu không chỉ dành cho hàng đệ tử tại gia mà còn chung cho hàng xuất gia; việc cứu độ không chỉ dành cho người sống mà còn cho người quá vãng. Với tinh thần cứu sinh độ tử, đạo Phật đã thật sự đi vào ngõ ngách của cuộc sống. Độ người còn sống để giúp họ sống hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Độ người đã chết để giúp họ sớm thoát khỏi cảnh giới xấu xa và đau khổ. Chính vì thế mà Phật giáo phát huy chân ái và thiện mỹ của con người đến mức độ cao nhất, suy xét mở rộng đến lòng bi mẫn đối với hết thảy chúng sinh, biểu lộ một loại tình cảm bắt nguồn từ sự chân thật thuần khiết, cho đi với trái tim tự nguyện.
Trong Kinh Đại vô lượng có nói:“Dĩ bất thỉnh chi pháp thí chư lê thứ, như thuần hiếu chi tử ái kính phụ mẫu”. Nghĩa là dùng pháp bất thỉnh ban bố cho mọi người, như người con chí hiếu yêu kính cha mẹ. Từ bi của Bồ tát là nguyện gánh vác những gian khổ của chúng sinh, không từ bỏ tất cả chúng sinh, cũng giống như biểu hiện yêu kính của người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Kinh Tâm địa quán cũng nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu chi phước dữ cung Phật đồng đẳng, ưng đương hiếu kính hằng tại tâm”. Nghĩa là phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ ngang bằng với việc cúng dường Phật, hiếu kính cần phải hằng hiện hữu trong trái tim. Phật giáo không chỉ đề cập đến việc báo ân trong đời hiện tại, mà thậm chí còn cả cha mẹ trong bảy đời, cha mẹ nhiều kiếp. Bởi vì nhờ sự sinh đẻ và nuôi nấng của cha mẹ mà đời này và đời khác chúng ta được “mượn giả tu chân”, nghe được pháp Phật, viên mãn Bồ đề. Và Kinh Phân biệt nói rằng sở dĩ đức Phật thành Phật là bởi vì “phụ mẫu thế thế phóng xả, sử kỳ học đạo, lụy kiếp tinh tiến, kim đắc thành Phật, giai thị phụ mẫu chi ân. Nhân dục học đạo, bất khả bất tinh tiến hiếu đạo.” (Cha mẹ đời đời buông xả, giúp con học đạo, trải qua nhiều kiếp cần mẫn chăm chỉ (tinh tấn), nay được thành Phật, đều là công ơn của cha mẹ. Con người muốn học đạo, không thể không tinh tấn hiếu thuận). Cho nên hết lòng hiếu thảo thì giống như học Phật vậy. Nhìn chung, đạo hiếu trong cửa Phật, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ kiểu như thế gian và làm rạng rỡ tổ tông ra, còn phải tiến xa hơn, bằng cách dẫn dắt cha mẹ hướng về chính tín, xa lìa phiền não, đường xấu, vượt thoát vòng sinh tử, làm cho họ hàng thân thuộc mấy đời được độ, cắt đứt vĩnh viễn khổ đau trong ba đường luẩn quẩn. Đây chính là đại hiếu.
Đã là người thì phải biết ơn và biết đền ơn. Trong kinh Tăng nhất A hàm, Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng Ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta, nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”.
Theo đức Phật:“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu; Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn nhục). Nhưng chữ “Hiếu” trong đạo Phật không chỉ thuần về vật chất mà còn nặng về tinh thần. Trong kinh Tương ưng, có viết: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”, hoặc kinh Tâm địa quán, viết: “Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng; Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn; Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ; Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u”...Người sinh ra đời, không ai là không có cha. Có hiếu với mẹ mà bất hiếu với cha cũng không được. Vì công ơn cha mẹ to tát như thế, đức Phật còn nói rằng có hai hạng người mà chúng ta không bao giờ trả hết ơn được, đó là mẹ và cha (Tăng Chi Bộ): “... Có hai hạng người, này các tỳ kheo, Ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất này cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời này.” Chính lẽ đó mà trong Ca dao Việt Nam thường ví công ơn cha mẹ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn chảy ra. Trong Tương Ưng Bộ, đức Phật đã ví công ơn trời biển của cha mẹ như biển cả nghìn trùng. Ngài giảng rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nên rộng bao la và nhiều hơn biển cả: “... Này các tỳ kheo, sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, thì nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sinh trùng điệp nên không thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc tát cả các nghiệp hành của chúng sinh” Cho nên trong Kinh đức Phật đã từng dạy: “Chúng sinh là Chủ Nhân Của Nghiệp, là Kẻ Thừa Tự Của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là nhân tố phán xét”. Như vậy: Nghiệp là gì mà chi phối cuộc sống của chúng sinh đến thế? Nghiệp là hành động, hay việc làm. Điều mình tạo ra làm cái nhân (hạt) để sau chịu lấy cái qủa (trái) gọi là Nghiệp. Nghiệp nói cho đủ là Nghiệp báo, là Tác ý. Tư tưởng, lời nói, việc làm, thường khởi xuất do “ý muốn làm” tạo động cơ. Phật Giáo gọi ý muốn làm ấy là Tác ý. Tất cả những hánh động có tác ý, dù biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, đều tạo Nghiệp.
Tất cả những hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo Nghiệp. Đức Phật dạy:“Này hỡi các Tỳ kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tác ý là Nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý .” Ngoại trừ những hành động của Chư Phật và A La Hán, mỗi hành động có tác ý đều gọi là Nghiệp. Mặc dầu Chư Phật và A La Hán vẫn còn chịu ảnh hưởngcủa những nhân đã gieo trong quá khứ, các Ngài không còn tạo Nghiệp mới nữa vì các Ngài đã thoát ra ngoài cái lành và cái dữ, đã tận diệt Vô Minh và Ái Dục là hai nguồn gốc của Nghiệp. Kinh Tam Bảo có ghi rằng:“Mầm giống đã bị tận diệt, những ham muốn vị kỷ không còn khởi sinh.” Như vậy không có nghĩa là Chư Phật và A La Hán sống một cách thụ động. Các Ngài luôn luôn tích cực hoạt động để tạo sự an lành, hạnh phúc cho chúng sinh. Hành động của các Ngài là Thiện, không có năng lực tạo Nghiệp, hiểu tận tường thực tướng của vạn pháp, các Ngài phá tan mọi sự trói buộc của chúng sinh trong vòng luân hồi, những chuỗi dài Nhân và Quả. Trong sự báo ứng của Nghiệp. Tâm là yếu tố tối quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do Tâm ảnh hưởng. Khi không điều phục được Tâm tức là không thể kiềm chế được việc làm, lời nói, và tư tưởng. Khi điều phục được Tâm tức là đã kiềm chế được thân, khẩu, ý. Cho nên trong kinh Pháp cú dạy rằng:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo”.
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Vì vậy nghiệp mà đức Phật dạy rằng, tất cả đều do vô minh che lấp nên con người không nhận ra thực tướng của vạn vật, chạy theo cái hư ảo không vĩnh viễn đó nên tạo ra nghiệp. Chính là nguyên nhân của nỗi khổ. Trong đó, có ba thứ độc (tam độc): Tham (tham lam), sân (giận, bực, nóng nảy), si (ngu dốt, mê muội) là nguyên nhân chính nhất của nỗi khổ. Xét cho kỹ thì mọi việc làm thiện, ác (sẽ tạo ra các nghiệp) gắn liền với sinh tử trong tam giới mà con người không ai không vướng mắc, được tạo ra thông qua thân hành, khẩu hành và ý hành.
Bởi vì Thân, khẩu, ý tạo ra có ba dạng nghiệp, thứ nhất là thiện nghiệp, thứ hai là ác nghiệp, thứ ba là vô ký nghiệp tức là nghiệp không thiện cũng không ác. Như vậy là có ba nghiệp cơ bản, ngoài ra nghiệp chia theo bổn mạng thì có sinh nghiệp, cận tử nghiệp, tử nghiệp. Sinh nghiệp là nghiệp khi còn sống đã tạo ra tích chứa lại. Chính các bộ máy cực kỳ hùng mạnh này lại có khả năng làm đảo lộn thế gian hiện đại chỉ là sản phẩm của những bộ óc phong phú. Cái Tâm vô hình tạo nên tất cả những tác động Báo Ứng của Nghiệp. Nghiệp nhân do Chính Mình Gieo ra trong đời sống hiện giờ hay quá khứ, việc làm tốt hay xấu cuối cùng chúng ta lãnh quả báo cay đắng hay sung sướng. Không có thế lực nào hay thần linh nào trừng phạt cho hành động ấy cả. Trong kinh Pháp Cú, câu 19 có nói: “Khi nghiệp nhân đã gieo thì chắc chắn sẽ lãnh thọ, không thể trốn vào đâu được, dù kẹt núi biển cả hay trên hư không.” Như vậy, trên nền tảng nguyên lý là có Nhân thì ắt có Quả.
Xét về nguyên tắc biệt nghiệp (nghiệp riêng) thì ai làm lành được hưởng phước, ai làm ác thì chịu quả báo. Dù lên non cao hay đi xuống vực sâu, không ai có thể trốn được nghiệp lực của mình. Trong kinh Đại Tạng, phẩm 5, Danh hiệu của địa ngục có nói:“chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau”. Do đó chúng ta thấu hiểu rằng trong đạo Phật chữ tâm quan trọng đến thế. Tâm là tiêu chí đánh giá thiện ác và là cái cân để đo lường các giá trị đạo đức của hành vi, trong báo hiếu nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Đạo Phật trong ý nghĩa này được xem đạo dạy về tâm, huấn luyện về tâm và tu tập về tâm.
Vì vậy hiếu thảo là nhu cầu không thể thiếu của hạnh phúc và là giá trị làm thăng hoa mọi giá trị trong cuộc đời. Hiểu được công ơn trời biển của hai đấng sinh thành.
Tất cả sự báo hiếu của con thảo cháu hiền, chỉ đáp đền được phần nào đó trong muôn một. Đạo đức của lòng hiếu thảo theo kinh này khởi đi bằng đời sống đạo đức của bản thân, thấy được song thân ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật dổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ trước sau như một.
Vì tình thương và tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái là không bờ bến. Để con cháu đền đáp công cha nghĩa mẹ, Phật dạy phương pháp báo hiếu về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nếu đối với cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục con cái thì đối với mẹ là cả bầu trời tình thương, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến lúc con cái được trưởng thành và hạnh phúc trong đời.
Trong Phật giáo đối với đời sống đạo đức ở nước ta hiện nay, ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội hiện nay, nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến lối sống con người Việt Nam. Cho nên chúng ta hãy sống nương tựa vào đạo đức cộng đồng trong việc tu tập và làm phật sự. Do đó đạo đức cộng đồng được xem là giải pháp của mọi vấn đề đạo đức và luân lý của thời đại. Chính vì công hạnh của người xuất gia là trong công cuộc giáo hóa chúng sinh, chúng ta cần đến một sức mạnh đạo đức tổng hợp và mang tính cộng đồng như vậy. Chính nhờ vào đạo đức cộng đồng của các vị thánh tăng và cao tăng nghiêm trì giới luật, mẹ ngài Mục-kiền- liên đã được “cảm hóa” rồi đi đến “tự chuyển hóa” và nhờ đó bà được giải thoát.
Thực hành Hiếu đạo không những hiếu dưỡng cha mẹ mình mà còn mở rộng hiếu dưỡng với cha mẹ mọi người trong thiên hạ. Hiếu đạo trong đạo Phật đề cập đến sự báo ân cha mẹ không chỉ trong đời này mà còn nhiều đời khác trong quá khứ, và còn rộng đến chúng sinh khắp nơi, vì tất cả chúng sinh có thể là cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của mình, liên hệ chặt chẽ với nhau.
Kinh Tăng chi I có viết:“Này các Tỳ kheo, những gia đình nào mà con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được xem là ngang hàng với Phạm thiên, với các bậc tiên sư và đáng được cúng dường.” Nhưng không chỉ với cha mẹ, trong kinh Phương tiện Phật báo ân đức Phật có dặn: “Ngoài ra còn phải phát tâm Bồ đề cầu giác ngộ, rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình và chúng sinh đồng tâm phát Bồ đề, đó là cách báo ân rốt ráo”. Còn trong Khế kinh có đoạn: “Hạnh hiếu là hạnh Phật. Tâm hiếu là tâm Phật. Đạo hiếu là đạo Phật. Khi nói đến đạo đức tức chúng ta đã nói về đạo hiếu”. Nghìn kinh muôn sách của thánh hiền lấy hiếu nghĩa làm đầu (Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên). Một xã hội tốt, một quốc gia hùng cường, một thế giới an lạc và thanh bình phải được bắt đầu từ những con người tốt: Biết trân trọng giá trị đạo đức, thực hành hiếu đạo, biết ơn và đền ơn đáp nghĩa. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận. Hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh. Hiếu cảm đến người thì mọi phúc tăng trưởng. Đây cũng là cách báo hiếu báo ân theo đúng tinh thần Phật dạy: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ”.
Chữ hiếu trong đạo Phật không chỉ dừng lại ở chỗ nhận thức, mà người con phải nghĩ nhớ đến công ơn của cha mẹ là bao la, cho nên phải đền đáp thâm ân theo các nguyên tắc nhân bản của xã hội mà còn hơn thế nữa, một người con hiếu phải làm người thiện tri thức để trợ duyên cho cha mẹ trong việc tu học hướng đến sự giác ngộ và giải thoát. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa chử hiếu trong Phật giáo và Nho giáo.
Mùa Vu Lan báo hiếu đã đến, những hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà như sống dậy mãnh liệt trong tâm trí của những người con hiếu thảo. Người có phúc duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy gìn giữ, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng pháp Phật dạy để tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Những người không còn may mắn sự che chở trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy nỗ lực tu tâm, tạo nhiều công đức, phúc thiện để hồi hướng đến cha mẹ. Đạo Phật với sự từ bi, nhân ái, triết lý nhân sinh cao cả, nhân văn sâu sắc, cho nên tư tưởng “Hiếu đạo” của Phật giáo rất gần với Hiếu đạo trong truyền thống dân gian luôn hướng về cội nguồn.
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPH tại Hà Nội ***[1] Tăng Tử (505-435 tr.TL) của Nho giáo, học trò của Khổng Tử là Tăng Tử (551-479 tr.TL) [2] “Vu-lan” nghĩa là treo ngược, “bồn” là khí cụ cứu hộ, cho nên giải thích Vu-lan bồn thành nghĩa “cứu treo ngược, giải thoát khổ đau”. Người đời sau dựa vào kinh Vu-lan bồn, hàng năm cử hành nghi thức siêu độ họ hàng quyến thuộc nhiều đời vào ngày 15 tháng 7 nông lịch. [3] Xem Thập đại đệ tử truyện. [4] Xem Ngẫu Ích đại sư tập.
Bình luận (0)