Thích Nữ Minh Đạt Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

http://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-va-quy-con-duong-thang-tien-dao-duc.html

3. Tàm và Quý - Phương pháp sám hối tối thượng

Khi nói Tàm và Quý là cách sám hối cao nhất, xin dẫn câu chuyện kể về cuộc đời vua A Xà Thế để minh chứng. Vua A Xà Thế là một người tính tình hung ác, không một lỗi nào không làm, ngay cả giết vua cha để chiếm ngôi. Đây là một trong những tội “đại nghịch bất đạo” đẫn đến đọa địa ngục. Ông vẫn sống đời vô nhân đạo cho đến khi quả báo đến, toàn thân sinh ghẻ lở, hôi tanh không ai dám đến gần. Các đại thần đã tâu với vua về những chủ thuyết của các vị đại sư mà họ tin theo, và khuyên nhà vua nên đến đó mà cầu kiến. Có tổng cộng 6 vị đại thần đã khuyên vua và đưa ra hững chủ thuyết cho rằng việc vua giết cha là không có tội, không có địa ngục... Sau khi nghe vua tâm sự tình trạng bệnh cũng như ăn năn lỗi lầm của mình, ngự y Kỳ Bà đã nhắc lại lời Phật đã dạy: “Có hai pháp lành cứu được mọi tội lỗi của chúng sinh, nếu chúng sinh có được: một là TÀM, hai là QUÝ.”(1) Kẻ không tàm quý chẳng đáng gọi là người, vì họ sống bằng thú tính súc sinh. Người có tàm quý mới biết cung kính cha mẹ, trọng quý sư trưởng, tôn trọng tình nghĩa giữa người và người, tôn trọng quyến thuộc anh chị em...(2)

Theo nhận định của người dịch: 6 vị đại thần này đại diện cho hàng “Lục sư ngoại đạo”. Họ có lối biện minh, lý luận khiến người khác dễ tin theo. Vua A Xà Thế là người chưa mất lương tri. Vua là người có trí, dù nghe 6 tên cận thần nịnh hót nhưng vua không vội thực hiện lời họ nói. Vua đã trồng nhân lành trong đời quá khứ nên đã ứng dụng ngẫu nhiên văn tư tu một cách chuẩn xác. Bởi đức Phật từng dạy: trong thế gian này có hai hạng người; một là người không gây tạo điều ác, hai là đã lỡ tạo điều ác sau đó biết sám hối ăn năn. Ngược với hai hạng người này thì gọi là người ngu. Đức Phật luôn tán thán hạng người đã tạo tội, sau biết pháp lồ ăn năn, hổ thẹn chẳng dám tái phạm. Ngài ví hạng này “giống như ngọc minh châu để trong hồ nước đục thì nước đục được trong; ví như mây mù tan thì mặt trăng liền chói sáng.”(3) Người đã tạo tội ác mà không có tâm hổ thẹn, lại còn che dấu thì tội càng nặng hơn. Người tạo tội mà biết sám hối ăn năn, phát lồ sám hối và khởi lòng tàm quý thì tội chướng sẽ được tiêu trừ.

Trong câu chuyện này, đại thần Kỳ Bà còn khuyên vua A Xà Thế: “Nếu Đại vương được nghe Phật dạy về giáo nghĩa VÔ TÁC, VÔ THỌ thì bao nhiêu trọng tội ắt được tiêu trừ.”(4) Như lời ngự y Kỳ Bà nói với vua, chúng ta cần phải tìm hiểu “Vô tác, vô thọ” là gì và vì sao nó có thể tiêu trừ tất cả những tội nặng. “Vô tác” tức là không tạo tác, không làm ra bất cứ việc gì. Cũng gọi là “Vô nguyện”, nghĩa là không mong cầu, không ước muốn điều gì. “Vô thọ” tức là không thọ, không nhận bất cứ điều gì. Đây là cách quán không theo bát nhã, tức là thấy tất cả các pháp đều không có thật. Vì tính của các pháp vốn vô ngã, chúng do nhân duyên giả hợp mà thành, khi duyên hội tụ thì có, khi duyên tan rã thì không. Nói như vậy để chúng ta không chấp. Người nào thâm nhập được tính không, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ đều thấy các pháp vốn là không nên tâm không dính mắc vào bất cứ việc gì. Đã không tạo tác thì lấy gì thọ nhận. Đây chính là ý mà ngự y Kỳ Bà nói đến. Nhưng để có “Vô tác, Vô thọ” thì người ấy phải là người có trí tuệ liễu thông nghĩa “không” của tất cả các pháp. Mà trí tuệ có được do tàm quý là nhân tố đầu tiên đưa đến.

Vua A Xà Thế là một người phạm một trong năm tội nặng phải đọa địa ngục, nhưng nhờ khởi tâm tàm quý, sám hối tội lỗi đã gây ra mà được thoát khỏi nghiệp chướng trong hiện đời. Về sau trở thành một vị hộ pháp đắc lực và cũng được đức Phật thọ ký: “Về sau tám vạn kiếp, kiếp đó tên là Hỷ quán, vua sẽ thành Phật, hiệu là Như Lai Tịnh Kỳ Sở Bộ, quốc độ ấy tên là Hoa vương, khi đó, dân chúng thọ bốn mươi tiểu kiếp.”(5) Câu chuyện về Đề Bà Đạt Đa cũng tương tự như vậy. Ông đã phạm tội làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng; nhưng cuối cùng vẫn được Phật thọ ký. Như vậy, chứng tỏ tâm tàm quý vô cùng quan trọng trong khi sám hối.

Như hai trường hợp của Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế thì người phạm tội ngũ nghịch dù là tu sĩ hay cư sĩ đều phải chịu tội như nhau. Đối với người phạm tội Ba la di cũng giống như thế. Xét về mặt đối tượng chịu tội thì chỉ dành riêng cho hàng xuất gia, nhưng nội dung thì giống nhau. Đức Phật ví người phạm tội Ba la di giống như cây cau, cây dừa bị chặt đứt ngọn, không còn có thể mọc lại được; giống như người bị chặt đứt đầu không thể cứu chữa được nữa(6). Nhân duyên tội này được Luật Tứ phần ghi lại như sau: Tu Đề Na là con trai duy nhất trong một gia đình giàu có. Gặp năm mất mùa, tăng chúng khất thực khó khăn; ông đã thỉnh chúng tăng về lại quê nhà để gia đình có cơ hội cúng dường. Nghe tin con trai về, mẹ ông đã đến khuyên con trai nên bỏ đạo để về thừa kế gia sản. Ba lần cầu xin nhưng ông đều không chấp thuận. Sau đó, bà mẹ khuyên ông nên để lại dòng giống nhằm có người nối dõi. Ông đã đồng ý cùng vợ làm hạnh bất tịnh. Khi làm hạnh bất tịnh xong, ông luôn cảm thấy ưu sầu. Các vị đồng tu hỏi ông và biết được nguyên nhân. Họ đến thưa với đức Phật, đức Phật đã quở trách Tu Đề Na và kết giới Ba la di.(7) Hay Tỳ kheo nào vì sầu ưu, không muốn sống đời phạm hạnh, thì có thể xả giới. Sau đó, muốn tu trở lại vẫn được độ cho xuất gia và thọ đại giới. Nhưng chưa xả giới mà làm hạnh bất tịnh thì phạm Ba la di. Trường hợp này xảy ra với Tỳ kheo Bạt Xà Tử.(8) Cũng vậy, Tỳ kheo nào phạm bất tịnh với loài súc sinh cũng bị tội Ba la di.(9)

Ba la di là giới nặng nhất đối với người xuất gia. Ai phạm thì bị tẩn xuất ra khỏi tăng đoàn. Quan trọng hơn là bị đọa địa ngục. Như thế vấn đề đặt ra là: đối vối những người phạm giới lần đầu thì sao. Trong Luật Tứ phần có ghi: “Người không phạm: Người phạm lần đầu tiên khi chưa kết giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.”(10) Như vậy, những người phạm lần đầu thì coi như không phạm. Như trường hợp của ba vị Tỳ kheo trên thì chỉ bị đức Phật quở trách ngu si, sau đó họ vẫn tiếp tục tu tập. Chỉ những ai đã biết giới mà còn cố tình vi phạm thì mới bị đuổi ra khỏi tăng đoàn (trừ người đã biết nhưng tâm trí cuồng si, loạn tâm không điều khiển được hành vi của mình). Cũng trong Luật có chép: “Nếu Tỳ kheo và Tỳ kheo ni phạm Ba la di rồi, hoàn toàn không có tâm che giấu, chúng tăng dạy họ sám hối đúng như pháp”.(11) Như vậy, giới luật cũng có khai giá trì phạm, hoàn toàn không phải áp đặt một cách cứng nhắc. Như lời trên thì khi phạm Ba la di, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni hoàn toàn không che giấu, thì tăng cho họ suốt đời học hối. Cách thức sám hối cũng được Luật ghi lại như sau: Người phạm tội đến trước chúng tăng và bạch rõ: “Họ tên, đã phạm giới (dâm, trộm cắp...) Ba la di không che giấu, nay đến tăng xin giới Ba la di, mong tăng cho con giới Ba la di, xin thương xót tôi.” Sau đó tăng thực hiện nghi thức vấn hòa (hình thức tác bạch như các pháp yết mà khác), chỉ đổi tên người và tên giới đã phạm, và xin lại giới đã phạm đó. Sau khi chúng tăng yết ma “cho giới Ba la di rồi, phải thực hành pháp tùy thuận, làm ba mươi lăm việc”. 35 việc này phải thực hiện suốt đời, được ghi lại rất rõ trong nhiều bộ luật: Tam bộ luật sao(12); Tứ phần luật(13), Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao(14), Thiên Thai tam đại bộ bổ chú(15), Luật tông tân học danh cú(16)... Nội dung của 35 việc không tiện nêu ra ở đây (xin tham khảo trong các bộ luật đã nêu ở trên), nhưng nhìn chung là những việc rất khó có thể thực hiện trọn vẹn trong đời. Hòa thượng Tịnh Hạnh thì cho rằng 35 việc này giống như pháp tăng cương: không được theo chúng tụng luật, lúc tăng thuyết giới và yết-ma, “người thực hành pháp thuận theo đến hay không đến tùy ý, nếu phạm lại thì diệt tẫn.”(17) Ngoài ra, người phạm tội còn phải khởi tâm tàm quý, nhất tâm nhất ý cởi Tăng Già Lê, đắp An-đa-hội, đến chỗ chư tăng thanh tịnh, năm vóc sát đất, đem tâm tàm quý mà sám hối các tội; lại vì chư tăng chấp lao phục dịch, đảm nhiệm những công việc dơ bẩn như vệ sinh nhà xí, hốt phân với thời gian 800 ngày, sau đó tắm rửa sạch sẽ rồi mới được mặc lại Tăng Già Lê.(18) Cho nên Tỳ ni mẫu kinh có nói trường hợp người phạm Ba la di mà phát lồ sám hối thì, “Đời này tuy không thể thoát tử, siêu sinh, hoặc chứng đắc Tứ thánh quả, lại cũng không được công đức vô lậu, nhưng sẽ ngăn ngừa không bị đọa vào địa ngục.”(19)

Qua hai bản Trị thiền bệnh yếu pháp và Tỳ ni mẫu kinh đã cho ta thấy cái quan trọng nhất của sám hối là xuất phát từ tâm của mình, nhất là tâm tàm quý. Đức Phật quy định thực hành 35 việc như trên cũng với mục đích là hướng người phải biết sống tàm quý. Do đó, trong Đại bát Niết bàn, đức Phật có dạy: “Nếu có lòng tàm quý thì tội tiêu diệt hoàn toàn.” (20) Hay trong Kinh Niết bàn có đề cập đến người phạm bốn tội nặng; nếu cởi bỏ pháp phục nhưng “thường hổ thẹn, lo sợ, tự trách mình, sám hối sửa đổi khởi tâm hộ pháp, xây dựng chính pháp, vì người giải thích cho họ. Ta nói người này chẳng phải là người phá giới.”(21)

Nếu xét theo lời dạy này của đức Phật thì người phạm giới rồi, sau đó ăn năn hối hận, chí thành sám hối thì vẫn được đức Phật coi như người thanh tịnh. Người phạm giới, nếu có tâm hổ thẹn và sợ hãi tội lỗi do chính mình tạo ra là một trong những người đáng được tán dương. Họ không chịu nổi sự dày vò của lương tâm nên phát lồ sám hối. Đây là một hành động dũng cảm, thể hiện được khát vọng mong muốn tâm thanh tịnh, tiếp tục tu học trong giáo pháp giải thoát.

Như vậy, khi một người lỡ phạm cấm giới, đêm ngày họ sẽ luôn luôn lo sợ bị phát giác, sợ bị đọa địa ngục trong tương lai. Tâm trí của họ chỉ nghĩ về nó. Đây thực sự đã là hình phạt lương tri nặng nề, là địa ngục trong tâm họ, hành phạt mà tâm họ phải chịu nó nặng gấp nhiều lần so với nổi đau thể xác. Ngược lại, nếu một người phạm giới Ba la di đi nữa, nếu họ không có tâm sợ hãi tội lỗi thì bao nhiêu giới Ba la di cũng chẳng là gì với họ. Giới xét cho cùng là để phòng phi chỉ ác, răn người biết sợ tội lỗi, biết tàm quý và có ý muốn tiến bộ trên con đường đạo đức tâm linh, tìm cầu giải thoát sinh tử. Nếu một người không có tàm quý thì giới luật chẳng có tác dụng gì với họ.

Thích Nữ Minh Đạt - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021 (Số 170) -----------------------

CHÚ THÍCH: (1) Pháp Sư Từ Thông dịch, Đại Bát Niết Bàn Kinh 2, Hà Nội: Tôn Giáo, 2013, tr. 167 (2) Pháp Sư Từ Thông dịch, tr. 167-168. (3) Pháp Sư Từ Thông dịch, tr.168. (4) Pháp Sư Từ Thông dịch, tr. 171. (5) Thích Tịnh Hạnh dịch, Kinh vua A-Xà-Thế được thọ ký, Đài Loan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 133. (6) Thích Đỗng Minh dịch, Luật Tứ phần (Tập 1~4), Chương I: Ba-la-di, Tp.Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2013, tr.29. (7) Thích Đỗng Minh dịch, tr.19- 23. (8) Thích Đỗng Minh dịch, tr. 23-24. (9) Thích Đỗng Minh dịch, tr.24-26. (10) Thích Đỗng Minh dịch, tr. 765. (11) Thích Tịnh Hạnh dịch, Tứ phần Luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, Đài Loan: Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 360. (12) Cebeta, 三部律抄一卷 (T85n2793, p0676, b09-26.) (13) Cebeta, 四分律卷第四十四 (T22n1428, p0889, c04-28.) (14) Cebeta, 四分律刪繁補闕行事鈔序 (T40n1804, p0019, c08-28.) (15) Cebeta, 天台三大部補注卷第十三 (X28n0586, p0382, b20-c16.) (16) Cebeta,律宗新學名句卷下 (X59n1107, p0698, a15-b08.) (17) Thích Tịnh Hạnh dịch, Tứ Phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tr. 360-361. (18) Cebeta, 治禪病祕要法: “如負債人心懷慚愧應當償之,一心一意脫僧伽梨、著安多會、詣清淨僧所,五體投地如大山崩, 心懷慚愧懺悔諸罪,為僧執事作諸苦役- 掃廁擔糞. 經八百日. 然後復當澡浴身體” ( T15n0620, p0337, a24-29.) (19) Cebeta ,毘尼母經卷第三: “此一身不得超生離死證於四果,亦不得無漏功德,然障不入地獄耳.” (T24n1463_p0813b13-15.) (20) Pháp Sư Từ Thông dịch, Đại Bát Niết Bàn Kinh 2, Hà Nội: Tôn Giáo, 2013, tr. 169. (21) Thích Tịnh Hạnh dịch, Tứ Phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tr. 359.

THƯ MỤC THAM KHẢO: 1. Cebeta , 大正藏第 24 冊 No. 1463 毘尼母經, 卷第三 (T24n1463_p0813b13-15.) 2. Cebeta, 大正藏第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法 ( T15n0620, p0337, a24-29.) 3. Cebeta, 大正藏第 85 冊 No.2793 三部律抄一卷, (T85n2793, p0676, b09-26.) 4. Cebeta, 大正藏第 40 冊 No.1804 四分律刪繁補闕行事鈔序, (T40n1804, p0019, c08-28.) 5. Cebeta, 大正藏第 22 冊 No.1428 四分律卷第四十四, (T22n1428, p0889, c04-28.) 6. Cebeta, 大正藏第 28 冊 No. 0586天台三大部補注卷第十三, (X28n0586, p0382, b20-c16.) 7. Cebeta, 大正藏第 02 冊 No. 99雜阿含經卷24 ( T02, no. 99, p. 176b21-26) 8. Cebeta, 大正藏第 59 冊 No. 1107 律宗新學名句卷下, (X59n1107, p0698, a15-b08.) 9. “Luận Câu Xá”, https://www.niemphat.vn/downloads/dai-tang-kinh/luan-nam-tong/luan-cau-xa-dao-sinh-dich.pdf. 10. Pháp Sư Từ Thông dịch, Đại Bát Niết Bàn Kinh 2, Hà Nội: Tôn Giáo, 2013. 11. Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, Hà Nội: Tôn Giáo, 2008. 12. Thích Thiện Chơn dịch, Tỳ kheo ni giới bổn, Hà Nội: Tôn Giáo, 2015. 13. Thích Đỗng Minh dịch, Luật Tứ phần (Tập 1~4), Chương I: Ba-la-di, TP. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2013, tr.29. 14. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ 1-2, TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, tr. 306. 15. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ 3, Chương VII, Đại Phẩm, Hà Nội: Tôn Giáo, 2005, tr. 417. 16. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ 1, Đại Kinh xóm ngựa, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012, tr. 335. 17. Thích Minh Châu, Kinh Tăng chi bộ 1-2, Hà Nội: Tôn Giáo, 2015, tr.426. 18. Thích Phước Sơn, Một số vấn đề Giới luật, TP. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2010. 19. Thích Tâm Minh - Thích Tâm Chơn, Pháp vị nuôi dưỡng tâm thức an lạc, Hà Nội: Hồng Đức, 2013. 20. Thích Tịnh Hạnh dịch, Kinh vua A-Xà-Thế được thọ ký, Đài Loan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 21. Thích Tịnh Hạnh dịch, Tứ Phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, Đài Loan: Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 22. Thích Thanh Từ dịch, Kinh Tăng Nhất A-Hàm 1, Phẩm Tàm Quý, Hà Nội: Tôn Giáo, 2005. 23. Thích Thiện Siêu, Luận Thành duy thức, TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996.