Dưới thời Trần kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nổi bậc nhất chế độ tư hữu ruộng đất, dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp địa chủ quý tộc. Đồng thời, sự phát triển của thái ấp điền trang ngày càng rộng lớn kích thích sự ra đời của kinh tế hàng hóa
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
1. Tình hình xã hộiCuối thời Lý chính quyền suy yếu, xã hội rối ren, nhân dân nhiều năm mất mùa đói kém, đời sống cơ cực, loạn lạc nổi dậy khắp nơi. Nội bộ triều đình nhà Lý xảy ra nhiều mâu thuẫn, bên ngoài giặc phương Bắc lại luôn dòm ngó chờ cơ hội để kéo quân xâm lược, trong tình thế ấy, nhà Lý buột phải dựa vào thế lực anh em họ Trần để tiếp tục tồn tại. Chính vì vậy, anh em họ Trần đã rất khôn khéo tường bước thâu tóm mọi quyền lực trong tay.
Vua Lý Huệ Tông nhu nhược, thiếu đi bản lĩnh của bậc đế vương, bề tôi hèn nhát, thêm vào việc vua Huệ Tông không có con trai, nên đã sớm truyền ngôi cho công chúa thứ hai là Chiêu Hoàng. “Mùa đông, tháng 10 xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái tử, để truyền ngôi cho, vua thì xuất gia ở chùa Chân giáo” [1]. Thấy thời cơ đã đến, Thái sư Trần Thủ Độ với mưu đồ bá chủ cơ nghiệp nhà Lý, tháng giêng năm (1226), ông buộc Lý Chiêu Hoàng phải xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý đến đây là chấm dứt vai trò lãnh đạo đất nước, nhà Trần thay nhà Lý viết tiếp dòng lịch sử hào hùng kéo dài gần 200 năm.
“Năm ất dậu 1225, tháng 12, Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Kiến Trung” [2], mở đầu cho vương triều Trần, trong sự nghiệp kế thừa xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Trần tiếp tục phát huy những thành tựu của triều đại cũ, Đại Việt thời kỳ này, trở thành một quốc gia cường thịnh trong khu vực. Sau khi tiếp nối sự nghiệp nhà Lý, giữa buổi giao thời xã hội còn nhiều phức tạp, nhà Trần đã nhanh chóng khắc phục hậu quả do cuộc khủng hoảng kinh tế cuối đời Lý để lại, bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, củng cố quyền lực vương triều.
2. Nền kinh tế nông nghiệp thời TrầnNông nghiệp vốn là nghành chủ đạo, đem lại nguồn thu nhập chính cho triều đình và nhân dân thời bây giờ. “dưới thời Trần kinh tế nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò chủ đạo, nổi bậc là sự phát triển mạnh mẽ của chế độ tư hữu về ruộng đất”[3]. Do nhu cầu về mặt ổn định quốc gia, nhà Trần ra sức đẩy mạnh nền kinh tế đang bị trì trệ cuối thời Lý để lại, bằng nhiều phương pháp, ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy kinh tế. Bước đầu giải quyết được nạn lưu vong cho dân nghèo, tiếp theo xây dựng cơ sở kinh tế cho tầng lớp quý tộc, nhà Trần khuyến khích các vương hầu, công chúa, quý tộc cùng nhân dân khai khẩn đất hoang, mở đất lập làng khắp nơi, nông dân ra sức cấy cày, tận dụng đất đai tạo ra những cánh đồng lúa tốt tươi.
Ruộng đất thời Trần có thể được chia làm hai loại, ruộng đất thuộc sở hữu của triều đình, và ruộng đất tư nhân của tần lớp quý tộc, công hầu. Ruộng đất thuộc sở hữu của triều đình có hai bộ phận, ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý và ruộng đất công của thôn làng. Bộ phận ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý gồm có sơn lăng, tịch điền và quốc khố. Vào thời Lý - Trần sơn lăng thường được lựa chọn đặt ở chính quê hương của nhà vua, đất phần mộ, “theo quan niệm xưa đất phần mộ phải đặt nơi tốt về mặt phong thủy và có tính chất linh thiêng. Từ đặt tính đó, sơn lăng có thể được cắm vào bất kỳ loại đất nào ở vùng thôn quê” [4], để con cháu đời sau được hưởng phúc trạch của tổ tiên mà hưng thịnh lâu dài. Có lẽ vì thế, các bậc đế vương thường chọn những nơi có cuộc đất mát mẻ linh thiêng để xây dựng lăng miếu cho mình, và vì thế nên ruộng sơn lăng cũng rải rác khắp nơi từ Thái Bình, Nam Ðịnh, Quảng Ninh đều có ruộng sơn lăng. Ruộng sơn lăng được xem là ruộng công vĩnh viễn do nhà vua giao cho dân xã sở tại chia nhau cày cấy, hoa màu thu được chỉ nộp lại một ít cho triều đình, còn lại dùng để sửa sang, bảo vệ lăng tẩm. Tuy nhiên, tổng diện tích của ruộng sơn lăng rất nhỏ, không có tác dụng gì đáng kể trong chế độ sở hữu ruộng đất và sự phát triển kinh tế đất nước .
Tịch điền đã có từ các triều đại trước, các vua Tiền Lê, Lý đều có cày ruộng tịch điền, việc nhà vua cày ruộng tịch điền là nghi thức khuyến khích nông nghiệp, lấy nông làm gốc. Có thể xem đây là loại ruộng riêng của cung đình, hoa lợi đều để vào kho riêng của nhà vua, diện tích nhỏ nên không có ảnh hưởng gì quan trọng, đến sự phát triển nông nghiệp cả nước.
Ruộng quốc khố là do nhà nước trực tiếp quản lý, khác với sơn lăng và tịch điền, loại ruộng đất này do nhà nước quản lý canh tác, tuy không chiếm số lượng lớn nhưng cũng là nguồn thu nhập đáng kể của nhà nước và nhà vua là chủ sở hữu thực sự. Ngoài ra, còn có ruộng đất công làng xã, hương là đơn vị hành chính cấp cơ sở thuộc quyền quản lý của chính quyền nhà Trần.
3. Thái ấp điền trang
Đây là Ruộng đất của tư nhân bao gồm: thái ấp, đất phong của quý tộc nhà Trần, điền trang ruộng đất tư hữu của địa chủ và ruộng đất tư hữu của tiểu nông. Trong đó, điền trang và thái ấp là hai bộ phận quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển kinh tế thời bây giờ.
Thái ấp:
Chính sách ban cấp thái ấp là chính sách kinh tế quan trọng, theo sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại rằng: “Theo quy chế nhà Trần các vương hầu đều ở phủ đệ, như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả”[5]. Thái ấp là một hình thức cấp bổng lộc, nhà vua bang tặng ruộng đất cho công thần, vương hầu, quý tộc, hay còn gọi là đất phong, tương tự thực ấp, thái ấp,“Nguồn gốc ban đầu của thái ấp có thể thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhưng khi ban cấp thành thái ấp, thì thái ấp thuộc sở hữu tư nhân của các quý tộc Trần” [6].
Về quy mô, thái ấp chỉ bằng một, hay hai làng, xã, được nhà vua phong cho người trong vương thất, công thần có nhiều cống hiến cho triều đình với tư cách là chủ nhân của thái ấp, vị đó được quyền thu tô thuế, lao dịch của dân xã, hưởng mọi hoa màu trên thái ấp của mình, chẳng những thế còn được quyền tuyển quân và luyện quân. “Cùng với ban cấp thái ấp, nhà Trần cho vương hầu, quý tộc có quyền tập hợp và điều khiển gia binh, hương binh trong phạm vi thái ấp của mình khi quốc gia hữu sự” [7], sau khi người được cấp thái ấp chết, ruộng đất và gia nô sẽ thuộc quyền quản lý của triều đình. Như trường hợp của trưởng công chúa Thiên Thụy được cấp thái ấp là hương Bạch Hạc, nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi trưởng công chúa mất, đất đại hương dân lại thuộc quyền quản lý của công chúa Thiên Chân, điều đó cho thấy thái ấp không có sự kế thừa, và họ chỉ được hưởng trọn một đời, không có sự kế thừa cho đời sau. Tất cả thái ấp tuy đã được nhà vua ban cho, phong tặng, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, vua phong cho cũng có thể lấy lại bất cứ lúc nào, hoặc lấy của người này ban cho người khác.
Lực lượng sản xuất ở thái ấp chủ yếu là nông dân và một số nô tỳ, lúc nông nhàn thì theo hầu chủ, lúc vụ mùa đến thì tham gia lao động sản xuất. Theo Đại việt sử ký toàn thư ghi lại số lượng nô tỳ ở các thái ấp điền trang có khi lên đến ngàn người, ít thì cũng trăm người tùy theo chức tước của chủ nhân. Trong phạm vi của thái ấp có đủ các ngành nghề, như chăn nuôi, trồng trọt, nuôi tằm, dệt vải, làm gốm, đúc đồng nhằm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, sản phẩm nhiều có khi được đem bán ra ngoài thị trường.
Bên cạnh sự phát triển của thái ấp, với nhu cầu mở rộng diện tích đất canh tác, nhà Trần còn thực hiện chính sách khai khẩn đất hoang, lập đồn ở khắp nơi. “Năm 1266, nhà vua xuống chiếu cho vương hầu công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, lập thành điền trang, vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy” [8].
Điền trang: So với thái ấp, diện tích điền trang rộng lớn hơn nhiều, vì đây là ruộng đất tư của tôn thất, vương hầu quý tộc nhà Trần, do họ phát động khai khẩn, xây dựng từ những vùng kinh tế mới. Hầu hết các điền trang đều nằm bên cạnh những con sông lớn, để thuận lợi cho việc trồng trọt canh tác, như điền trang “An Lạc ấp của An Sinh vương Trần Liễu nằm ở vùng ven sông Châu, điền trang của vua Trân Nhân Tông ở Vũ Lâm, điền trang của công chúa Thái Đường con gái thứ ba của vua Trần Thái Tông, bà đã chiêu tập nhân dân đến vùng ven sông Đào làng Thị Liệu, nay thuộc xã Đại Thắng” [9], khai khẩn được hơn trăm mẫu…Lực lượng sản xuất chủ yếu ở các điền trang là nông nô, nô tỳ, những người không có tài sản. Tại các điền trang vương hầu, tôn thất, còn được quyền chiêu mộ binh lính luyện tập võ nghệ, thời bình thì tham gia sản xuất, phục dịch gia chủ, vừa luyện tập quân sự vũ trang, đến khi có giặc ngoại xâm đến, họ theo lệnh của chủ nhân lên đường nhập ngũ bảo vệ an ninh đất nước. Tại các điền trang tầng lớp nông nô, nô tỳ có thể kết hôn sinh sống với nhau, điển hình như điền trang của hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào, bà là hoàng hậu của vua Trần Duệ Tông, sau khi vua đem quân đánh Chiêm Thành bị tử trận, bà cùng con gái đem theo 170 gia nô về quê nhà ở hạt Hương Khê, tại đây bà đã chiêu tập nhân dân khai khẩn đất hoang và trở thành chủ nhân của một trong những điền trang có diện tích lớn nhất thời Trần, số lượng gia nô cũng ngày càng tăng lên. Bên cạnh những điền trang của công chúa, hoàng tử, tôn thất, còn có điền trang của các quan lại triều Trần, như điền trang của Hoàng Hối Khanh, ông đã chiêu mộ những người không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng đất được hàng trăm mẫu ruộng.
Sau điền trang còn có một loại ruộng đất đặt biệt, đó là ruộng chùa hay còn gọi là ruộng Tam bảo. Phật giáo dưới thời Trần được tầng lớp vua quan, quý tộc, nhân dân vô cùng kính tin ủng hộ, thế cho nên, ruộng đất nhà chùa nhiều khi có đến hàng nghìn mẫu, cùng một số lượng lớn nô tỳ canh tác, giúp việc. Tất cả đều do nhà vua ban tặng hoặc do quan lại, quý tộc, làng xã cúng dường hay nhà chùa tự bỏ kinh phí ra mua về. Trường hợp cúng ruộng nhiều nhất được ghi vào đời Trần Minh Tông, “năm 1324 Văn Huệ Vương cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm và hơn 1000 mẫu điền thổ ở trang Đông Gia và An Lưu, cùng hơn 1000 nông nô cho chùa Quỳnh Lâm” [10]. Sư Huyền Quang, được Trần Minh Tông ban cho 150 mẫu 5 sào, làm ruộng thế tự, Chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) có 2760 mẫu và hàng ngàn nô tì. Bộ phận ruộng chùa chiếm một diện tích đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, góp phần phát triển kinh tế cho đất nước.
4. Vai trò quân sự của thái ấp điền trang
Thái ấp không chỉ là đất phong cho vương hầu quý tộc, mà nó còn là những căn cứ địa, chốt quân sự của đất nước. Tại cửa ngõ kinh thành Thăng Long, “phía Bắc có thái ấp của Trần Quang Triều trấn giữ, phái Nam có thái ấp Kẻ Mơ của Trần Khát Chân” [11]. Vùng Đông Bắc thì có thái ấp Vạn Kiếp của Hưng Đạo Đại vương, thái ấp Chí Linh của Trần Quốc Chuẩn. Cửa ngõ Đông Bắc có thái ấp Hồng Giai của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, thái ấp Đông Triều của Trần Khắt Chung, các thái ấp trên đây phần lớn nằm ở xung quanh kinh đô Thăng Long, với mục đích làm hàng rào bảo vệ kinh thành.
Hầu hết các thái ấp đều nằm ở vị trí trọng yếu, rải rác bao quanh kinh thành, vừa là phủ đệ của tôn thất, nơi đây còn được xem là cơ sở chính trị của triều đình, quân đội ở thái ấp đều là những đội quân tinh nhuệ, thiện chiến, bởi chủ nhân của các thái ấp đều là những vị tướng tài giỏi như Trần Thủ Độ, Trần Khắt Chung, Trần Quốc Tuấn... Trong thời bình hoạt động của thái ấp không chỉ là nơi ở của vương hầu quý tộc, mà còn là “nơi tích trữ lương thực, dự trữ sức người cho thời chiến”[12].
Điền trang nhìn chung ít mang tính chất quân sự, thường ở xa kinh thành với diện tích đất canh tác khá rộng lớn, chuyên về mặt phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại mở rộng địa bàn cư trú phát triển dân số.
Đặc biệt ở thái ấp và điền trang không chỉ mở rộng diện tích đất canh tác, làm ra của cải tài sản, giải quyết nạn thất nghiệp cho số lượng dân không có tài sản góp phần ổn định xã hội mà đây còn là những địa điểm nuôi binh lính chờ khi đất nước có ngoại xâm, họ sẽ là một trong những đội quân hùng mạnh của triều đình.
5. Tầm quan trọng của Thái ấp điền trang đối với sự phát triển kinh tế thời Trần
Dưới thời Trần kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nổi bậc nhất chế độ tư hữu ruộng đất, dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp địa chủ quý tộc. Đồng thời, sự phát triển của thái ấp điền trang ngày càng rộng lớn kích thích sự ra đời của kinh tế hàng hóa, thúc đẩy thương mại thủ công nghiệp phát triển. Chẳng những thế ruộng đất thời kỳ này còn được xem là hàng hóa có thể trao đổi mua bán, chuyển nhượng nhà Trần cho phép nhân dân có quyền mua bán đất, cả quyền thừa kế
Kinh tế nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển. Tại các thái ấp điền trang ngoài phát triển nông nghiệp các xưởng thủ công nghiệp như: sản xuất các đồ gốm, nghề dệt, trang sức, xưởng chế tạo vũ khí, rèn sắt, đúc đồng, đúc tiền cũng được hình thành phát triển rực rỡ.
Có thể nói thái ấp điền trang, phát triển quy mô thì nền kinh tế nước nhà cũng phát triển vượt bậc, thứ nhất góp phần mở rộng đất đại canh tác, giải quyết được nạn thất nghiệp thiếu lương thực, thứ hai một khi nông nghiệp phát triển kéo theo các nghành thủ công, thương mại cũng phát triển theo, kinh tế phát triển ổn định thì quân sự quốc phòng càng mạnh mẽ hơn.
Kết bài:
Nhà Trần tuy có được giang sơn từ tay nhà Lý nhưng lại không hề phủ nhận những thành tựu ưu việt của nhà Lý, trái lại nhà Trần đã thay nhà Lý tiếp tục kế thừa sự nghiệp, đưa đất nước trở thành một cường quốc lớn mạnh trong khu vực. Nền kinh tế Đại Việt dưới thời Trần cũng phát triển rực rỡ, điển hình là kinh tế nông nghiệp với chế độ thái ấp điền trang đã giải quyết được vấn đề lương thực cho cả nước, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân, góp phần là giàu mạnh quốc gia.
Có thể thấy kinh tế nông nghiệp dưới thời Trần có vai trò vô cùng trò quan trọng đến sự phát triển xã hội về kinh tế, chính trị văn hóa, tạo nên một thời đại thịnh thế nhất trong lịch sử.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM ** [1] Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, tr.338. [2] Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.7. [3] Nguyễn Thị Thùy Duyên (2017), Tư tưởng chính trị thời Trần, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr.13. [4] Nhiều tác giả (tái bản 2022), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 20. [5] Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đai Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.32. [6] Trương Hữu Quýnh (chủ biên 1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Hà Nội, tr.198. [7] Viện lịch sử quân sự Việt Nam (1994), Kế sách giữ nước thời Lý – Trần, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.106. [8] Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đai Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.36. [9] Vũ Văn Quân (chủ biên 2022), Vương triều Trần, Nxb. Hà Nội, tr.285,286. [10] Nhiều tác giả (tái bản 2022), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 46. [11] Nguyễn thị phương chi (2019), Thái ấp điền trang thời Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr.272. [12] Nguyễn thị phương chi (2019), Thái ấp điền trang thời Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr.278.
Bình luận (0)