Thăng Long mảnh đất rồng bay, nó sâu sắc đến độ ngay cả Bạch Mã, Voi Phục vẫn không nằm ngoài hình ảnh của rồng mà cụ thể là rồng trong Phật giáo.

Tác giả: Diệu Hỷ VickyLe

Hà Nội mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam từng có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng gây ấn tượng nhiều nhất là Thăng Long.

Tên gọi gắn với loại rồng một linh vật thiêng liêng cao quý hàng đầu của văn hóa Á Đông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lý do hình thành tên gọi này như sau:

Mùa Thu, năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”[1]. Trước đó vùng đất này đôi khi được gọi với cái tên khác cũng gắn với loài rồng đó là Long Đỗ, truyền thuyết kể rằng lúc Cao Biền nhà Đường, vào năm 866 mới đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ.

Do đó, trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.  Sách “Lịch sử thủ đô Hà Nội” viết: Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn miền bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi.

Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ “Long” là rồng thành chữ “Long” là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “long” là “rồng” [2].

Những công trình được coi như linh hồn của thành phố này phải kể đến Tứ Trấn Thăng Long.

Gồm 4 ngôi đền ở 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc lần lượt là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh[3].

Tuy cùng tề danh với nhau nhưng các đền này có lịch sử xây dựng không đồng nhất về thời gian, đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ IX bởi Cao Biền (821-887) khi ông này làm Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, đền Voi Phục được xây dựng năm 1065 thời nhà Lý (1009-1225), đền Kim Liên chỉ nổi lên vào thế kỷ XVI khi được cho rằng thần chủ đã phù hộ cho vua Lê Tương Dực (1495-1516) dẹp loạn, đền Quán Thánh tương truyền do Lý Thái Tổ cho xây dựng năm 1010.[4]

Ngoài sự khác biệt về niên đại thì ở khía cạnh thần chủ cũng có khác biệt lớn, hai ngôi đền Bạch Mã và Voi Phục đều thờ 2 vị thành hoàng của Thăng Long là thần Long Đỗ và hoàng tử Linh Lang còn đền Kim Liên thờ vị thần núi dân gian thuộc tín ngưỡng 3 anh em thần Tản Viên, đền Trấn Vũ thờ Huyền Thiên Chân Vũ là thần quan trọng của đạo Giáo Trung Hoa khiến nơi đây thực chất là một đạo quán cải biên.

Chẳng những hai ngôi đền trấn đông Bạch Mã và trấn tây Voi Phục vừa đối xứng nhau qua trục đông – tây, nằm hai bên tả hữu của hoàng thành Thăng Long, cả hai đều thờ thành hoàng của kinh đô mà cả vị thần chủ đều liên quan đến loài rồng vốn là biểu tượng của vùng đất này.

Ở đền Bạch Mã thì vị thần được định danh là thần Long Đỗ[5] (rốn rồng) còn đền Voi Phục thì hoàng tử Linh Lang được cho rằng mẹ hoài thai nhờ rồng hoặc thuồng luồng quấn quanh người khi tắm, đến khi hóa chàng cũng hiện thân rắn (có nơi ghi rồng, giao long, thuồng luồng) bơi xuống hồ Tây.[6]

Điểm đáng chú ý khác hai ngôi đền này cùng dùng các linh vật như mã (ngựa) và voi làm tên gọi, nếu đứng từ quan điểm dân gian thì dùng các vật như ngựa bên trái, voi bên phải đứng chầu ở cổng gọi là “tả mã hữu tượng” cũng không có gì quá đặc biệt tuy nhiên trong văn hóa Phật giáo thì các loài này còn liên quan đến rồng!

Lại nói về “tả mã hữu tượng”, đây là cách trang trí ở các đình đền người Việt mô tả hai loại thú cưỡi phổ biến là ngựa và voi, trong đó ngựa bên trái còn tượng trưng cho bên văn vì các trạng nguyên, quan lại hay cưỡi ngựa, còn bên phải là voi là thú cưỡi khi ra trận tượng trưng cho bên võ. Việc để đền Bạch Mã bên trái, Voi Phục bên phải của hoàng thành Thăng Long cũng là ý nghĩa này, nó tượng trưng cho hai ban văn võ trấn thủ kinh thành và hô ủng cho hoàng đế.

Thần Long Đỗ hiện nay vẫn còn một bộ mũ áo màu vàng cổ đồng của quan văn nhất phẩm được ban từ triều Nguyễn ở ban thờ, còn thần Linh Lang thì là một vị tướng chống quân Tống (960-1279) xâm lược thường gắn với hoàng tử Lý Hoằng Chân (?-1077).

Về hình ảnh ngựa voi và loài rồng trong Phật giáo như đã đề cập thì trước tiên chúng ta thấy, niên đại xuất hiện của hai ngôi đền này là thời Đường (618-907) và nhà Lý (1009-1225) đều là những triều đại coi Phật giáo là quốc giáo có ảnh hưởng sâu rộng từ chính trị đến văn hóa xã hội.

Theo kinh Tu-di Tạng, báo thân rồng có 5 thứ:

1/ Thiện Trụ long vương, là tất cả long vương có hình voi.

2/ Nan-đà long vương, còn gọi là Hoan Hỉ, là tất cả long vương có hình rắn.

3/ A-na-bà-đạt-đa long vương, Trung Hoa gọi là vô nhiệt não, còn gọi là thanh lương, là tất cả long vương có hình ngựa [7]

Như vậy một số loài rồng có thể có hình dáng giống ngựa và voi, đôi khi chẳng những kinh điển mà ngay cả văn hóa phương Đông chúng ta cũng gặp các tên gọi trung gian giữa các khái niệm này như Long mã, Long tượng.

Long mã là con vật thiêng trong huyền thoại và gắn liền với truyền thuyết tối cổ của nền văn minh Hoa Hạ. Tức là vào đời Phục Hy vị vua thứ nhất của thời Tam Hoàng tối cổ của Trung Quốc khi vị vua này đó có được thiên hạ thì đã có huyền thoại về con long mã, là đầu rồng, mình ngựa xuất hiện trên dòng sông Hoàng Hà và nó chuyên chở một đồ hình gồm có 10 đường nét, 10 đường nét cơ bản đó hình thành nên bát quái sau này.[8]

Long tượng chỉ cho những con voi khỏe mạnh nhất trong loài voi. Từ ngữ này được dùng để ví dụ người có năng lực mạnh mẽ…Ngoài ra, tiếng Phạm của long (rồng) là Nàga, cũng dịch là tượng (voi), ý nói long, tượng đều là loài vật có sức mạnh lớn trên biển, trên đất liền. Về sau, danh từ long tượng được dùng để chỉ cho vị cao tăng có đầy đủ uy đức và thiền định. [X. kinh Long tượng trong Trung a hàm q.29; kinh Bi hoa q.5; luận Đại trí độ q.3].[9]

Sự đan xen giữa hình tượng văn hóa dân gian và tôn giáo mà cụ thể ở đây là Phật giáo còn thể hiện ở chỗ ngựa và voi cũng xuất hiện trong lịch sử về đức Thích Ca Mâu Ni khi thánh mẫu Maya mơ thấy voi trắng rồi hoài thai thái tử Tất Đạt Đa, cũng như ngựa Kiền Trắc là người bạn chở thái tử đi xuất gia.

Ngôi chùa đầu tiên trên đất Trung Hoa là chùa Bạch Mã xây nên nhằm tri ân những chú ngựa đã chuyên chở kinh điển đến xứ này vào thời Hán Minh Đế (28-75).[10]

Đền Bạch Mã

Vị thái tử đầu tiên của triều đại nhà Lý có tên gọi là Lý Phật Mã (1000-1054) sau này chính là vua Lý Thái Tông, còn người đặt tên Phật Mã cho thái tử chính là Lý Thái Tổ (974-1028) cũng chính là người chọn Đại La làm kinh đô và đổi tên là Thăng Long. Thăng Long cổ tích khảo có chép truyền thuyết về con ngựa trắng đã giúp Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long như sau: Lý Thái Tổ đắp thành mấy tháng không xong. Một đêm nằm mộng thấy một con ngựa trắng nói tiếng người:

Mạch đất Long Biên rất thiêng, nay đắp thành, mạch sẽ tắc... nên cho đào một cái cừ thông sang sông Thiên Phù và Tô Lịch để mạch lưu thông, nếu không chỉ phí công”. Tỉnh giấc, vua bèn làm như lời ngựa trắng. Thành xây được. Khi hoàn tất có con ngựa trắng hiện cạnh thành. Quân sĩ đuổi đi, ngựa chạy đến đền Long Đỗ thì mất dấu. Vua cho đó là hiện thân của thần Long Đỗ và phong là Bạch Mã đại vương.[11]

Một loạt các ngôi đền lớn xung quanh Thăng Long gắn với Lý Thái Tổ cho dựng đền như thánh Gióng đền Phù Đổng huyện Gia Lâm, Lý Phục Man ở quán Giá huyện Hoài Đức đều có hình tượng ngựa trắng làm vật cưỡi và được rước trang trọng trong các lễ hội.

Ngựa trắng ở thời Lý như một thứ biểu tượng rất là thịnh hành, dùng để đặt tên thái tử, gắn với xây dựng kinh đô hay các vị thần lớn và tất cả đều mang dáng dấp của chú ngựa Kiền Trắc nổi tiếng trong kinh sách được đem vào văn hóa vì triều đại này rất sùng Phật cũng như chính vị vua đầu tiên Thái Tổ Lý Công Uẩn vốn xuất thân là chú tiểu trong chùa.

Những sự liên hệ giữa đền Bạch Mã và Phật giáo từ thời Lý còn là mạch nguồn kéo dài sang tận thời Lê Trung Hưng (1533-1789), theo cuốn Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục trong phần viết về đệ nhị tổ ngữ lục có đoạn viết

Vừa đến cửa Đông bên phải là nơi nhà tù, thì đã là canh hai, lắng tai nghe thấy tiếng mõ, tiếng kiểng giao xen, biết đó là gia đình tín tâm thấy đèn nến sáng trưng, thờ cúng rất trang nghiêm, mới hỏi kỹ chủ nhà mọi việc trước sau. Chủ nhà đáp: Tôi là một tên lính coi ngục, nhân đào đất được một pho tượng đồng, bèn giấu kỹ đêm về để ở đền Bạch Mã ngoài thành. Thần Bạch Mã từ đó ra khỏi đền, khiến cho cả phố phường không được yên. Người trong phố đi xem bói được quẻ nói rằng Phật ở ngoài thành, cho nên thần không dám ở trong đền”.[12]

Tại câu chuyện này thần Long Đỗ chủ của đền được mô tả như một vị thần hộ pháp bản địa rất biết tôn kính với Phật.

Đền Voi Phục

Ngoài ngựa trắng thì voi trắng cũng được ghi lại ở thời Lý như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản kỷ toàn thư 3 chép “châu Chân Đăng dâng 2 con voi trắng, nhân đó đổi niên hiệu là Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 1”. Ở đây vua thứ 3 nhà Lý là Thánh Tông (1023-1072) đã đổi cả niên hiệu của triều đại vì được dâng cho voi trắng và coi đó là điềm lành cho đất nước.

Tục sùng bái các con vật màu trắng như voi, ngựa, ngỗng bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ coi đó là màu của thiên giới của sự cát tường và giai cấp quý tộc Bà la môn cũng thường dùng màu trắng làm y phục, trong mạn đà la của Phật giáo mật tông phương vị trung ương là của Phật Đại Nhật Như Lai cũng thường được thể hiện bằng màu trắng. Từ ảnh hưởng của Phật giáo mà nhà Lý một triều đại coi như quốc giáo cũng sùng bái các vật màu trắng như voi, ngựa kể trên.

Qua đây chúng ta có thể thấy sự hòa quyện đan xen nhiều chiều của các hình tượng voi, ngựa trong và rồng trong xã hội có cả Nho giáo, Phật giáo và cả những quan niệm dân gian ở kinh thành Thăng Long. Mảnh đất của rồng với hai ngôi đền thờ các thần liên quan đến rồng dùng voi và ngựa làm tên gọi, ở Nho giáo thì đó là tả văn hữu võ.

Ở Phật giáo thì đó là các hình dáng khác nhau của các loài rồng từ kinh điển, về mặt lịch sử thì đó là các con vật gắn với giai đoạn đầu của thái tử Tất Đạt Đa, cái nhìn dân gian thì đó là các biểu tượng tốt lành, các sự tích về xây thành, chống giặc ngoại xâm.

Tuy nhiều chiều và nhiều lớp lang văn hóa như vậy nhưng ta vẫn thấy toát lên sự bao trùm của văn hóa Phật giáo vừa rộng lại vừa sâu nơi bao hàm hết thảy, ở đó vừa có rồng là loài hộ pháp giữ gìn kinh điển, vừa có ngựa báu, voi báu lại có cả sự biến hóa đa dạng của loài rồng trong các hình tướng giống như ngựa và voi.

Chính điều này càng làm sâu sắc hơn ý nghĩa của hai chữ Thăng Long mảnh đất rồng bay, nó sâu sắc đến độ ngay cả Bạch Mã, Voi Phục vẫn không nằm ngoài hình ảnh của rồng mà cụ thể là rồng trong Phật giáo.

Tác giả: Diệu Hỷ VickyLe

***

Chú thích:

[1]Sách “ Đại Việt Sử Ký Toàn thư”, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 241

[2] Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử Thủ đô Hà Nội, nxb Sử học 1960, tr. 81

[3] Đền Bạch Mã tại 76 hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, đền Voi Phục tại 362 Kim Mã quận Ba Đình, đền Kim Liên tại 148 Kim Hoa, quận Đống Đa, đền Quán Thánh tại đường Thanh Niên quận Tây Hồ.

[4] Tham khảo Minh Hồng , “Thăng Long tứ trấn trong đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô Hà Nội’’, cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ , 09/08/2023,  https://btgcp.gov.vn/doi-song-tin-nguong-va-ton-giao/thang-long-tu-tran-trong-doi-song-tinh-than-cua-nhan-dan-thu-do-ha-noi-post1XR28y9q4N.html

[5] Về vị thần thờ ở đền Bạch Mã phố Hàng Buồm, Hà Nội, Mai Hồng, Tạp chí Hán Nôm. - 1996 - Số 1 (26), Tr. 60-63

[6] https://tracuu.thuvienhanoi.org.vn/tai-lieu-chi-tiet/linh-lang-dai-vuong--vu-thanh-son-257836.html

[7]Chân Tâm Hiền , Loài rồng trong kinh Hoa Nghiêm, http://www.thuongchieu.net/index.php/chuyende/xuan/3018-loairong

[8]  Vĩnh Yên , “Tìm hiểu mô thức trang trí ngựa và long mã” https://vtv.vn/doi-song/tim-hieu-mo-thuc-trang-tri-ngua-va-long-ma--121357.htm

[9] Tham khảo từ điển Phật học onlie https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/long-tuong-k36416.html

[10] Chùa Bạch Mã: cái nôi của Phật giáo Trung Quốc, nguyệt san giác ngộ 9/2016 https://giacngo.vn/chua-bach-ma-cai-noi-cua-phat-giao-trung-quoc-post36203.html

[11] Nguồn gốc ngựa Kiền Trắc mã, nguyệt san giác ngộ 2/2014 https://giacngo.vn/nguon-goc-kien-trac-ma-post24574.html

[12]Tăng Thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực (biên soạn ), Tào Động môn  nhân  Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục, nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 33; Thần chủ đền Bạch Mã Hà Nội qua các nguồn tư liệu, tác giả Phạm Minh Phương, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 5(197), 2020, tr. 114.