1. Quá trình du nhập
Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam đều cho rằng đạo Phật được truyền vào nước ta trực tiếp từ Ấn Độ theo đường thủy.
Vào những năm cuối thế kỷ thứ I trước Công nguyên, các thuyền buôn theo gió mùa Tây Nam từ Ấn Độ qua Sri Lanca (Tích Lan), tới bờ biển Malaixia, Phù Nam, Chiêm Thành và Giao Chỉ. Các thương gia Ấn Độ phải ở lại đây cho đến năm tới, chờ gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ.
Trong các thuyền này, theo phong tục tập quán Ấn Độ thời bấy giờ, thường có những tăng sĩ đi theo, mà người Trung Hoa gọi là Hồ tăng - Tăng sĩ đi trên các thuyền buôn để cúng lễ, cầu nguyện gió yên biển lặng trên các chặng đường, đồng thời làm thầy thuốc chữa bệnh cho hành khách ốm đau trên các thuyền này.
Đền Độc Cước ở thị xã Sầm Sơn thờ thần Độc Cước thân xẻ làm hai, nửa ở dưới biển, nửa ở trên bờ. Kiểu thờ này giống như kiểu thờ tu sĩ Ni Kiều Đà (Đại Kỳ Na) của vương quốc Cham Pa với phép tu đứng một chân, xoay theo hướng mặt trời và thần tích trong đền có nét giống với thần sóng biển Pokyaka. Cả kiến trúc ngôi đền dường như có sự tiếp thu kỹ thuật xây đền tháp Cham Pa.
Sách Lịch sử Thanh Hoá cho biết: Từ năm 1883 – 1924, các vương triều vua nhà Nguyễn đã phong sắc tôn thờ thần Độc Cước ở nhiều cấp độ như: Độc Cước Tiêu Thần, Độc Cước tiêu thượng đẳng Thần, Độc Cước chi Thần,...
Từ đó chúng ta thấy vị trí của vị thần này trong đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển xứ Thanh, cũng như mối quan hệ giữa thần Độc Cước với Phật giáo. Trong cuốn lịch sử Thanh Hóa tập 2 cũng ghi rõ. “Mối liên hệ giữa thần Độc Cước ở Thanh Hóa với Phật giáo là ở chỗ khi truyền Phật giáo vào Việt Nam, các nhà sư Ấn Độ đã thờ thần một bàn chân biểu thị cho Đạo, diễn ra trong các năm 36, 37, 84, 159, 183…”
2. Tiến trình phát triển
Vào thế kỷ thứ V, thứ VI, đạo Phật ở Việt Nam đã khá phát triển. Lý Bôn tức Lý Bí quê huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội); 5 tuổi bố mất, ở với mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hoá) được hai năm thì mẹ mất. Được một vị sư nhận làm con nuôi đưa về chùa Linh Bảo nuôi dạy hơn 10 năm.
Năm 542, ông lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương, xưng đế năm 544, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), dựng chùa Khai Quốc ở phường Yên Phụ, Hà Nội. Điều này cho thấy đạo Phật đã tác động mạnh vào xã hội như một nhân tố quy tụ sức mạnh dân tộc.
Sách Địa chí huyện Hoằng Hoá viết: “Tín ngưỡng Phật giáo được du nhập vào Hoằng Hoá có lẽ đã rất lâu. Chùa chiền có mặt trên đất Hoằng Hoá từ trước đời Tiền Lý (544 – 602). Ấy là theo lời truyền ngôn của các lão Nho. Ngôi chùa cổ nhất còn được ghi lại là chùa Cổ Hoằng ở làng Kẻ Đằng xã Hoằng Đạo. Cổ Hoằng là cái tên của huyện Hoằng Hoá đời Đinh, Tiền Lê.
Năm 580, sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ - đệ tử của tổ thứ 3 Thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán, từ Quảng Châu sang chùa Dâu ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, khai mở dòng thiền đầu tiên ở nước ta, mang tên ông hay còn gọi là sơn môn Dâu (Pháp Vân) hay dòng thiền Nam phương, truyền thừa được 19 thế hệ. Đệ tử của Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng là thế hệ thứ nhất dòng thiền này là Pháp Hiền. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn thì sư Pháp Hiền “đi giảng đạo, dựng chùa khắp mọi nơi ở Phong Châu (Vĩnh Phú), Hoan Châu (Nghệ An), Trường Châu (Ninh Bình) và Ái Châu (Thanh Hoá).
Sư Pháp Hiền không rõ năm sinh, mất năm Bính Tuất (626) niên hiệu Đường Vũ Đế thứ 9 (626). Các dòng ghi ít ỏi ở trên cho ta biết: Vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ VII ở Ái Châu (Thanh Hoá) đạo Phật đã thịnh hành, đã có “ngôi chùa nổi tiếng được ban xá lỵ để dựng tháp thờ”.
Phật giáo Thanh Hóa thời thuộc Tùy đã có những dấu ấn đậm nét, điều này được minh chứng trong tấm bia Đại Tùy Cửu Chân Bảo An đạo tràng chi bi văn niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (618) ở xã Đông Xuân, huyện Đông Sơn, dấu ấn Phật giáo được thể hiện ở chỗ các tín đồ phật tử đã được tổ chức thành “hội, đạo tràng” các tổ chức mà ngày nay vẫn được các chùa thực hiện.
Sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Tịnh (682-727) có chép tiểu sử của sáu vị tăng sĩ xứ Giao Châu đã từng qua du học Ấn Độ vào cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ thứ VIII. Trong đó có hai vị quê ở Ái Châu (Thanh Hoá):
1) Pháp sư Trí Hành, tên Phạn ngữ là Bát Nhã Đề Bà (Prajnadeva). Ông đi Ấn Độ bằng thuyền và chiêm bái đủ các Phật tích. Rồi ông lên vùng phía Bắc sông Hằng Hà và ở lại tu tại chùa Tín Già và viên tịch ở đây lúc 50 tuổi.
2) Sư Đại Thừa Đăng, có Phạn danh là Mạt Ha Dạ Na Bát Địa Dĩ Ba (Mahayanapradipa). Ông xuất gia ở Đvararati, Ấn Độ, sau đó ông theo xứ thần nhà Đường về Trường An. Tới chùa Từ Ân, xin thụ giới Tỷ khiêu với pháp sư Huyền Trang. Sau một thời gian tu học ông trở về Giao Châu rồi đi Tích Lan (Sri Lanca) bằng đường biển. Sau đó tới Nam Ấn Độ, Đông Ấn Độ về Trung Ấn Độ cùng Nghĩa Tịnh. Ông mất tại chùa Parinirvana tuổi chừng hơn 60.
Những điều trên cho thấy, vào thế kỷ thứ VI, thứ VII Phật giáo ở Thanh Hóa đã có những cơ sở tu học đào tạo và xuất hiện một số tăng sĩ có trình độ cao.
Điều này chứng tỏ vào thế kỷ thứ VIII ở Thanh Hoá đã có những bậc thiền sư tài cao đức trọng khiến thi sĩ Trung Quốc nổi tiếng phải khen ngợi và muốn thụ giáo Phật pháp nơi ông.
Năm 820 (thế kỷ thứ IX), sư Vô Ngôn Thông người Trung Hoa từ Quảng Châu sang truyền giáo ở nước ta; khởi đầu tại chùa Kiến Sơ (Phù Đổng), huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), lập nên thiền phái Vô Ngôn Thông (kẻ thông hiểu và tu theo lối nói các lời không nói) hay sơn môn Kiến Sơ truyền thừa được 17 thế hệ.
Sang thế kỷ X, XI, XII, các dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông đã có mặt tại Thanh Hóa với các bậc cao tăng nổi tiếng như Ngô Chân Lưu, quê huyện Thường Lạc, đời thứ 5 thiền phái Vô Ngôn Thông được Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Đại sư; sang đời Lê Đại Hành vẫn được nhà vua trọng dụng. Ông cùng với sư Đỗ Pháp Thuận (?-990) (tu ở chùa Cổ Sơn, hương Thư, quận Ái) được vua Lê Đại Hành giao trọng trách tiếp đón sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Hai người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khiến sứ Lý Giác phải trọng nể nước Nam.
Người có công xây dựng và phát triển Phật giáo Thanh Hoá ở thế kỷ thứ X là Lê Lương.
Lê Lương không phải nhà sư song là một người dốc lòng làm việc thiện, tôn sùng tượng giáo, một người “có đạo tâm” chân niệm đạo Phật và có công khởi dựng Phật giáo xứ Thanh vào cuối thế kỷ thứ X. Văn bia chùa Hương Nghiêm ghi công tích Lê Lương đã xuất của nhà ra xây dựng 3 ngôi chùa lớn ở quận Cửu Chân lúc bấy giờ là chùa Hương Nghiêm (ở Kẻ Rỵ), chùa Trinh Nghiêm (ở Kẻ Go) và chùa Minh Nghiêm (ở Kẻ Bôn) là những “Kẻ” gần sát nhau nay thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Châu (huyện Thiệu Hoá) và Đông Thanh (huyện Đông Sơn).
Trong 3 ngôi chùa Lê Lương đứng ra xây dựng nay chỉ còn lại một tấm bia chùa Hương Nghiêm giúp ta hình dung lại quy mô, cảnh trí của chùa cũng như không khí sinh hoạt của đạo Phật lúc bấy giờ ở Thanh Hoá.
Sang thế kỷ thứ XI, Thiền sư Ma Ha Ma Gia (Mahamaya) người gốc Chiêm Thành nổi tiếng về Pháp thuật thụ giáo đã từng theo học sư Pháp Thuận tại chùa Cổ Sơn. Sau ra chùa Đại Vân ở kinh đô Hoa Lư Ninh Bình, ít lâu lại quay về hành đạo tại Sa Đăng, Ái Châu… Khi đến Ái Châu thấy tục dân ở đây chuộng quỷ thần…sư khuyên dân ăn chay thì mọi người đều nói: “Thiên thần của chúng tôi giáng phúc hay giáng hoạ chúng tôi không dám trái, làng này có người bị bệnh hủi đã lâu, thầy thuốc, ông đồng đều bó tay không chữa được. Nếu sư chữa khỏi chúng tôi xin nghe theo lời dạy. Sư bèn lấy nước phép phun vào, người ấy khỏi bệnh ngay.” Từ đó dân tin theo Phật. Rõ ràng Phật giáo đã kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian cổ truyền và cố gắng hoà hợp để thay thế vai trò của các tinh thần trong đời sống tâm linh.
Thiền sư Pháp Dung (Đạo Dung, ? - 1174) quê làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, trụ trì chùa Hương Nghiêm tại bản làng. Sư khôi ngô tuấn tú, giọng nói trong trẻo, từng viết nhiều bi văn, kệ, tán, khắc bia đá chuông đồng ở cá chùa. Thời kỳ sư ra trụ trì ở chùa Khai Giác, núi Thừa Phong, môn đồ đến học đạo rất đông.
Dưới thời Lý (1009 – 1225), triều đình ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích Phật giáo phát triển. Vua ban sắc phẩm cho giới tăng sĩ, phong chức quốc sư, trọng dụng các bậc danh tăng phục vụ chính trị. Chùa chiền ngày càng phát triển, dựng trước cả tông miếu và đàn xã tắc, thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung vua và trong dân gian quá nửa là sư sãi. Đó là bệ đỡ để Phật giáo có chỗ đứng vững chắc và trở thành quốc giáo. Trong bối cảnh như thế, Phật giáo Thanh Hóa thực sự lên ngôi, nhất là sau khi Lý Thường Kiệt vị anh hùng dân tộc được giao giữ chức Tổng trấn Thanh Hóa trong suốt 20 năm (1081 – 1100).
Công tích phát triển đạo Phật ở xứ Thanh của Lý Thường Kiệt được kể đến trong việc xây dựng chùa Báo Ân và chùa Linh Xứng. Chùa Báo Ân (tức chùa Nhồi - An Hoạch Sơn) và chùa Linh Xứng (tức chùa Ngọ Xá – Ngưỡng Sơn) được xây dựng trong khoảng thời gian Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn cai quản Thanh Hoá. Cũng chưa rõ chùa nào dựng trước, song cả 2 chùa đều được tiến hành trong chủ trương đôn đốc và kiểm tra của Thái uý Lý Thường Kiệt.
Về chùa Linh Xứng thì đích thân Lý Thường Kiệt đã cùng Đại sư Sùng Tín “ngược thuyền lên cửa Phấn Đại dừng thuyền tại núi Long Tỵ” ngắm cảnh rối sau đó lại “rời thuyền về phía Tây, qua dòng sông Nam Thạc, đến ấp Đại Lý” để lên núi Ngưỡng Sơn. Chùa Linh Xứng được khởi công xây dựng sau chuyến du ngoan này của Lý Thường Kiệt và Đại sư Sùng Tín.
Văn bia chùa Linh Xứng do Hải Chiếu đại sư soạn, khắc, dựng năm 1126 ghi:
“Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn tức ngôi chùa do quan Thái uý xây dựng vậy” và ca ngợi: “Thái úy (Lý Thường Kiệt) tuy thân vướng việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật, có lẽ vì nhà vua và mẫu hậu tôn sùng giáo lý nhà Phật đó chăng? Cho nên Thái úy vâng theo ý chỉ của đức vua và mẫu hậu (tức Ỷ Lan hoàng thái hậu) mà nâng đỡ Phật pháp vậy”.
Ngoài hai ngôi chùa Báo Ân (chùa Nhồi - Đông Sơn) và chùa Linh Xứng (chùa làng Ngộ Xá - Hà Trung) do chính Lý Thường Kiệt chủ trương xây dựng, ông còn quan tâm các ngôi chùa khác ở trong trấn phủ lúc bấy giờ như chùa Hương Nghiêm, Sùng Nghiêm…
Vào thời Lý, ở Thanh Hóa đã hình thành nhiều trung tâm Phật giáo như: chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm, Minh Nghiêm ở huyện Thiệu Hóa; chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở huyện Hậu Lộc; chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung; chùa Diên Linh Chân Giáo ở Nga Sơn; chùa Minh Tịnh ở Hoằng Hóa, chùa Báo Ân núi An Hoạch (thành phố Thanh Hóa), chùa Tạu ở Thọ Xuân, …
Sang thời Trần (thế kỷ XII- XIV), đạo Phật nước ta vẫn tiếp tục phát triển. Ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường lu mờ hợp nhất thành một thiền phái duy nhất đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thường gọi là tam tông quy nhất tông). Dòng thiền mang bản sắc dân tộc Đại Việt này phát triển rất mạnh nhờ vai trò của Trúc Lâm tam tổ (Sơ tổ Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Loa Tôn giả, Đệ tam tổ Huyền Quang Thiền sư) và sự ủng hộ của các vua Trần như Trần Anh Tông, Trần Minh Tông … Thanh Hóa lại có thêm những ngôi chùa mới như chùa Đông Sơn làng Đông Sơn (nay thuộc thành phố Thanh Hóa) dựng dưới núi Long Đại – một vùng sơn thủy hữu tình, là chốn tiêu dao của Trần Dụ Tông, Phạm Sư Mạnh…chùa Hưng Phúc ở thôn Trường Tân, xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương do Đại toát Lê Bằng xây vào năm Giáp Tý (1264); sau này con trai ông là Lê Mạnh hoàn thành vào năm Giáp Tý (1324). Chùa Hưng Phúc không chỉ là nơi tu hành, tụng kinh, niệm Phật mà còn là chứng tích ghi nhớ chiến công của quân và dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1285. Chùa Sùng Nghiêm ở trong hang đá bên sườn lưng chừng núi Vân Lỗi (hay Vân Hoàn, Vân Nham) xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Theo văn bia tại chùa đề ngày 16 tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Thiệu Khánh 3 (1372) do Hữu Bộc xạ Hiệp thạnh Phạm Sư Mạnh soạn thì nơi đây từng “…đúc pho Tam thế, cùng tượng Đại Bi (tức tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn) toàn bằng vàng thật, đặt ở non cao…khách qua lại thường ghé Tam bảo…”. Như vậy, chùa Sùng Nghiêm từ thời Trần đã là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh lại nằm bên con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam nên từ xưa nơi đây từng là địa điểm dừng chân, ngắm cảnh của nhiều bậc vua chúa khi về thăm quê cũng như các bậc danh Nho, tao nhân mặc khách mối khi có dịp đi qua.
Vào thời Lê Sơ (1428-1527), Nho giáo từng bước được đề cao dần chiếm giữ vị trí độc tôn. Triều đình không ban hành chính sách đàn áp Phật giáo, nhưng với việc vua cấm làm thêm chùa mới, cấm các nhà sư được vào trong cung và sự kỳ thị Phật giáo của hàng ngũ Nho thần chứng tỏ Phật giáo bị thất sủng nơi cung đình.
Tuy nhiên, với tinh thần cởi mở, hòa hợp và từ bi của đạo Phật cũng như trong tín ngưỡng Phật giáo đại chúng như ăn chay, giữ giới, tụng kinh, chẩn tế…đã có gốc rễ sâu xa trong dân chúng nên dòng Phật giáo dân gian vẫn không ngừng tuôn chảy và phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Nhiều chùa dựng thời Lý-Trần đã được trùng tu trong thời kỳ này như chùa Bảo Lai ở thôn Đồng Duệ, xã Quảng Nạp, huyện Đông Sơn nay thuộc huyện Quảng Xương nhân dân đã sửa chữa chùa và làm bệ Phật ba thớt bằng đá vào năm 1434 niên hiệu Thiệu Bình.
Trong suốt nội chiến Nam Bắc triều, Thanh Hóa nhiều khi trở thành một bãi chiến trường, song Phật giáo vẫn tồn tại như một tất yếu. Nhà Mạc lúc bấy giờ chưa kiểm soát chặt vùng đất Thanh Hoá, nên một số chùa trùng tu dựng bia vẫn ghi niên đại nhà Lê: Chùa Phúc Hạ ở xã Hà Thanh huyện Thọ Xuân có từ thời Trần bị hư hỏng. Các hội chủ Lê Tĩnh, Lê Liêm đã quyên góp tô lại tượng, sửa chữa thượng điện, xây lại hành lang năm 1587 niên hiệu Quang Hưng thứ 10 (Lê Thế Tông) dựng bia ghi lại (tương đương đời Mạc Mậu Hợp)
Đến thời Lê Trung Hưng, các quan viên, hương lão và mọi người lớn bé xã Hà Mạt dựng bia ghi việc trùng tu và tô tượng Phật chùa Độ Mạt. (Đò Mát?) thôn Đạt Đặc, xã Hà Mạt, huyện Hoằng Hoá. Bia dựng tại chùa năm 1605 do Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1598) Nguyễn Duy Thì - Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vĩnh lộc đại phu, Thượng thư bộ Công kiêm Quốc tử giám tư nghiệp tước Phương tuyên hầu soạn, “Phần đầu bia giới thiệu sơ lược đạo Phật vào Trung Quốc và Việt Nam, lịch sử và phong cảnh chùa Độ Mạt. Tiếp theo bia ghi việc Đô Nguyên soái tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương (Trịnh Tùng) vào tháng 4 năm Hoằng Định 4 (1604) cho phép giao dải đất phù sa bản xã cho chùa làm ruộng hương hoả, cho phép miễn thuế. Bản xã chia nhau canh tác để dùng vào việc thờ Phật. Có bài minh 32 câu. Mặt 2 ghi họ tên 1000 vị tín thí các thôn đóng góp”.
Một lần, vua Lê Thần Tông (1619-1662) lên chơi núi Ngọc Nữ thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, trông ra Kênh Vi. Vua sai dựng chùa cạnh núi, tạc chân dung nhà vua, nay dân sở tại vẫn thờ [7, tr.295].Qua lời ghi “tạc chân dung nhà vua” ta có thể suy ra chùa này (tức chùa Đại Bi) chỉ được dựng sau khi vua Lê Thần Tông mất (1662).
Dưới thời Nguyễn, Nho giáo tiếp tục được triều đình lấy làm nền tảng tư tưởng, văn hóa chính thống.
1. Đối với Phật giáo, dưới triều vua Gia Long các chùa Sắc Tứ của nhà nước vẫn được quan tâm xây sửa, chu cấp tiền lương cho sư tăng. Nhưng mặt khác, triều đình lại hạn chế xây dựng chùa chiền ở các làng xã vì những hoạt động thờ cúng trong dân gian có ảnh hưởng đến vị trí độc tôn của Nho giáo, đi ngược lại xu hướng tập quyền của triều đình phong kiến.
2. Sang đến triều Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847), các sinh hoạt của Phật giáo được phát triển hơn với việc mở các đại giới đàn, triều đình tổ chức các lễ đàn chay kéo dài trong nhiều ngày, nhiều sư tăng được cấp giới đao, độ điệp.
3. Đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883), Phật giáo một lần nữa được xem xét lại, chỉnh đốn bằng những quy định khắt khe hơn và không được ưu ái tạo điều kiện phát triển như hai triều vua trước. Tự Đức cũng ban lệnh như Gia Long: “Chùa quán thờ Phật, có đổ nát thì cho phép sửa chữa, còn như làm chùa mới, đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp, hết thảy đều cấm cả. Sư ở chùa có người nào chân tu thì lý trưởng phải khai, liệt họ tên nộp quan, để biết rõ sư tăng”. Tự Đức chủ trương phê phán Phật giáo nhằm đánh đổ tôn giáo này từ mặt giáo lý tới tinh thần: “Kinh Phật không nên đem làm khuôn mẫu cho quan lại, nhân dân”. Ngoài ra triều đình còn quan niệm Phật giáo là một tôn giáo có hại, cho dung dưỡng Phật giáo là có hại cho lễ giáo phong kiến. Từ quan niệm như thế, Phật giáo Thanh Hoá, cũng như Phật giáo Việt Nam bị hạn chế, khiến ngôi đình được đẩy lên vị trí trung tâm sinh hoạt tinh thần của làng xã. Mặc dù vậy, Phật giáo vốn đã ăn sâu, bám rễ, thấm đẫm tâm hồn Việt, vẫn có mặt những ngôi chùa bình dị, uyển chuyển thích nghi với đời sống xã hội.
4. Tuy vua Tự Đức ban lệnh cấm như trên nhưng các quan đại thần mến mộ đạo Phật dưới triều Tự Đức, vẫn cho trùng tu, tôn tạo chùa như Kinh lược đại sứ Nguyễn Đăng Giai đã cho sửa lại chùa Thanh Lương ở thôn Hương Bào Nội, huyện Đông Sơn. Chùa Trạch Lâm ở xã Trạch Lâm huyện Tống Sơn, do công chúa Ngọc Tú bản triều dựng. Sau thự Tổng đốc Thanh Hoá Tôn Thất Tĩnh sửa lại. Tổng đốc Tôn Thất Dao cũng bỏ tiền của trùng tu chùa Thanh Thọ ở ngoài cửa Đông tỉnh thành, bên cạnh chùa có đền Quan Thánh. Cầu đảo thường linh ứng.
5. Năm 1889, hoàng tử Bửu Lân lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Thành Thái, vua ban sắc chỉ cho các nơi tôn tạo đền chùa và thờ cúng theo lệ cũ, trong đó có chùa Thanh Hà ở huyện Đông Sơn (nay thuộc thành phố Thanh Hoá). Tri huyện Cẩm Thuỷ cấp giấy và vận chuyển gỗ về trùng tu chùa, nhân dân làng Đức Thọ và khách thập phương đóng góp tiền của. Chùa Thanh Hà lại to đẹp hơn xưa. Một số tượng cổ bị hư hỏng nên làm mới một số tượng sơn son thếp vàng. Chiếc chuông đồng cổ đúc vào năm Thành Thái thứ nhất ghi: “Thanh Hoá tỉnh, Thiệu Hoá phủ, Bố Đức tổng, Đức Thọ Vạn, đồng giáp trên dưới, góp sức tạo quả chuông lớn. Trưởng chòm thợ cả là Nguyễn Trí Huân, Hội trưởng chủ sự là Nguyễn Văn Thạch”.
Từ thời Nguyễn Minh Mạng dòng thiền Lâm Tế từ Ninh Bình được truyền vào Thanh Hoá. Phật giáo vẫn tồn tại lan tỏa về vùng thôn quê. Đạo Phật vẫn được nhân dân tôn trọng, tiếp tục một truyền thống tín ngưỡng đã có.
6. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Hòa thượng Từ Long đắc pháp nơi sư tổ Từ Hòa thuộc chốn tổ Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định sang Ninh Bình lập chùa Yên Vệ (Phúc Hào tự) ở thôn Yên Vệ, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh. Sư tổ Từ Long đã truyền độ tăng chúng và khai hóa các chùa nhằm mở rộng Phật pháp trong nhân gian. Sau ngày tổ Từ Long viên tịch, trong hàng đệ tử có Hòa thượng Thích Thông Quang là người xuất chúng, đạo đức vang xa, thu hút hàng tứ chúng khắp nơi về sam học.
Năm Tự Đức thứ 2 (1848), ngài được triều đình sắc phong giới đao độ điệp làm quy phạm cho Phật giáo Ninh Bình.
7. Bằng hạnh nguyện Bồ tát độ sinh, sau khi vào Thanh Hóa truyền đạo nơi núi rừng Chuông Các u tịch, ngài Thông Quang ngồi tọa thiền và hiến thân cho thú rừng, nhưng cảm uy đức của bậc chân tu các loài thú đã quy phục và dâng hoa quả cúng dường.
8. Nhằm kế thừa mạng mạch của đức Như Lai và đem tôn chỉ của thiền phái Lâm Tế phát triển rộng hơn, Hòa thượng Thanh Nhu đệ tử của tổ Thanh Hanh đã vào Thanh Hóa để hoằng truyền chính pháp, mà hiện nay các chùa còn lại như: chùa Xuân Phả, chùa Bái Đô, chùa Bái Đến, chùa Đầm v.v…
9. Hàng đệ tử đến theo học Tổ Thanh Nhu rất đông, tiêu biểu là Hòa thượng Thanh Thi chùa Đầm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa… Vào thế kỷ XIX, đời vua Thành Thái (1889 - 1907), Hòa thượng Thích Minh Lãng quê ở xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá quy y ở chùa Bà Đá, Hà Nội theo dòng thiền Lâm Tế chính tông từ Ninh Bình về Thanh Hoá hoằng pháp ở chùa Quảng Thọ. Sư tăng trong tỉnh về theo học Hoà thượng Minh Lãng rất đông. Các nhà sư ở chùa Quảng Thọ sau này nhiều vị đã được thỉnh về trụ trì ở các chùa Đông Tác, Quảng Hóa, Thanh Hà, Chùa Đầm, Chùa Vồm... Bia ở chùa Quảng Thọ còn ghi: “Lâm Tế môn nhân”, Xá lợi của ngài được an trí tại chùa Thanh Hà, thành phố Thanh Hóa.
10. Trải qua các đời Tổ sư, thiền phái Lâm Tế nơi đây cũng được tỏa sáng bằng hệ thống truyền thừa và hàng loạt các chùa được khai sáng và những đệ tử tiêu biểu như Hòa thượng chùa Kiều Đại, Hòa thượng chùa Quảng Thọ ở Thanh Hóa.
Thời thuộc Pháp, Phật giáo đã có mặt tại hầu hết các xã ở vùng trung du và đồng bằng Thanh Hóa với hàng loạt ngôi chùa tu sửa, dựng mới. Đồng thời các chùa cũng được xây dựng ở các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc…ở huyện Cẩm Thủy có hàng chục ngôi chùa được xây dựng dựa vào cảnh trí thiên nhiên trong các hang động núi đá vôi. Một hệ thống chùa chiền bên cạnh các đình làng, nghè, phủ, đền, miếu đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh phong phú, đa dạng của nhân dân.
Năm 1935 (Ất Hợi), dân làng Đức Thọ Vạn trùng tu chùa Thanh Hà (nay thuộc phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa). Dân làng cử người ra thỉnh sư ở chùa Hương Dự, tỉnh Ninh Bình vào chăm lo xây dựng. (Bởi Hòa thượng chùa Hương Dự, Ninh Bình là người Thanh Hoá quy y xuất gia với Hoà thượng Thích Minh Lãng trụ trì chùa Quảng Thọ, Thanh Hoá thuộc dòng thiền Lâm Tế) và hoằng pháp tại Ninh Bình. Hòa thượng chùa Hương Dự thuận tình cử sư ông Thích Thanh Trình và sư ông Thích Thanh Đức vào giúp thiết kế xây dựng. Ngày khánh thành là ngày hội lớn đông vui. Sư Thanh Trình được nhân dân thỉnh ở lại ở lại làm trụ trì, sau này là Tổ khai sáng chùa Thanh Hà.
Năm 1937, bác sĩ Chesneau Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa là một người có lòng thương các bệnh nhân và ưa làm việc nghĩa. Ngài đã đã có sáng kiến mời Hòa thượng Tăng cương trụ trì chùa Đào Viên cứ thứ ba trong tuần cử hai vị sư đến an ủi cầu nguyện cho các bệnh nhân, với niềm tin đạo Phật là đạo rất mầu nhiệm, có thể an ủi lòng người và phá sự phiền não trong khi đau yếu.
Sau một thời gian chuẩn bị, năm 1932, Hội An Nam Phật học được chính thức thành lập tại chùa Trúc Lâm (Huế). Tiếp đến, tháng 12 năm 1933, Nguyệt san Viên Âm - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội ra số đầu tiên. Ngay sau khi ra đời, Hội An Nam Phật học đã cùng với tăng tín đồ Phật giáo miền Trung tích cực thực hiện các hoạt động chấn hưng như: chỉnh đốn tăng già, hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài, xây dựng đoàn thể các cấp… Trước những ảnh hưởng từ sự ra đời của Hội An Nam Phật học, ở các tỉnh miền Trung, các Tỉnh hội tuần tự được thành lập.
Tháng 11 năm 1936 (1937?), Tỉnh hội Thanh Hoá được thành lập.
Ngoài chịu sự chỉ đạo của Hội An Nam Phật học, Phật giáo Thanh Hóa còn giữ tốt mối quan hệ với Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đặc biệt trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” do Chính phủ phát động, nhiều nơi đã hy sinh đem tượng và các đồ thờ bằng đồng và kim loại quý ra để ủng hộ kháng chiến. Đặc biệt, Thanh Hóa là nơi có nhiều công binh xưởng sản xuất, chế tạo vũ khí được đặt trong các hang đá, sự đóng góp kim loại của nhân dân không những chỉ diễn ra trong “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” mà liên tục diễn ra trong suốt thời kỳ kháng chiến. Nhiều chuông đồng, tượng Phật, lư hương và đồ thờ quý giá đã được nhân dân tự nguyện ủng hộ kháng chiến. Tuy mất mát nhiều, nhưng cái giá của độc lập tự do là vô cùng quý giá, còn quý hơn cả bạc vàng. Hầu hết các ngôi chùa đều trở thành nơi hội họp, tụ tập đông người, thành nhà kho, nơi cứu thương, nơi dừng nghỉ, tập kết của bộ đội và dân quân du kích.
Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều nơi nhân dân đã tự nguyện dỡ chùa làm trường học, nhà trẻ, trạm xá, đặt cơ quan hành chính, bắc cầu cho xe qua đường hoặc làm nhà kho, trạm cứu thương … Chùa chiền không còn là không gian tĩnh lặng, mà trở thành nơi huyên náo. Ý thức hệ lúc này là “Tất cả vì kháng chiến”, “Tất cả cho chiến trường”, tất cả vì “tự do, độc lập”.
Do những tác động của hoàn cảnh lịch sử, một số chùa nhân dân tháo dỡ làm hầm, làm cầu phục vụ chiến tranh; do nhận thức lúc bấy giờ, nhiều ngôi chùa to làm bằng các thứ gỗ tốt quý hiếm đã bị dỡ làm trường học, một số chùa làm trụ sở của cơ quan chính quyền, đoàn thể, nhà kho hợp tác xã, trạm cứu chữa thương bệnh binh, nhiều bia đá, khánh đá bị dập vỡ hoặc lấy kê làm cầu cống… chùa chiền hư hại, dột nát đã không được sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Số lượng tăng, ni, phật tử giảm.
Một nguyên nhân khác nữa là do nhận thức của chúng ta trong thời kỳ này chưa đúng đắn về tôn giáo. Dưới ách đô hộ và thống trị của thực dân phong kiến, nhân dân ta phải chịu cảnh nô lệ, nghèo đói và lạc hậu, đất nước nghèo nàn kém phát triển. Tôn giáo cũng bị quy kết một phần trách nhiệm trong đó. Ta cứ ngỡ rằng khi vật chất đầy đủ, xã hội văn minh, tư tưởng tiến bộ rồi đến lúc tôn giáo sẽ bị tiêu vong.
3. Tình hình hiện tại
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được tự do, độc lập và thống nhất, chúng ta vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng vấn đề tôn giáo vẫn chưa có cách nhìn nhận khác. Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Nhiều ngôi cổ tự “vang bóng một thời” cũng dần dần tàn lụi và trở thành phế tích, đất chùa cũng được sử dụng vào mục đích khác, các hoạt động tôn giáo rơi vào tình trạng bị ngừng trệ. Đây là thời kỳ Phật giáo Thanh Hóa gặp nhiều trở ngại khó khăn, chư tăng ít, chùa chiền hư hỏng, dột nát và xuống cấp nghiêm trọng.
Từ 4 - 7 tháng 11 năm 1981, Đại hội đại biểu thống nhất các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ba năm sau, nhân duyên hội đủ, ngày 01 tháng 11 năm 1984, Ban đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hoá được thành lập tại chùa Thanh Hà, phường Nam Ngạn, Thị xã Thanh Hoá (nay là phường Trường Thi, Thành phố Thanh Hoá) do Hoà thượng Thích Thanh Cầm làm Chánh đại diện.
Hiện nay toàn tỉnh có 32 sư tăng và 48 sư ni. Ban Trị sự Tỉnh hội với 21 ủy viên, 14 Ban Đại diện tại 14 huyện, thị xã, thành phố, 46 chùa có sư trụ trì. Hệ thống tổ chức Phật giáo ngày càng được củng cố từ Tỉnh hội đến cơ sở. Số người theo đạo Phật và trở lại với đạo Phật ngày càng đông và có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Thanh Hóa vốn là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa và truyền thống tôn giáo, là cơ duyên để đạo Phật phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây chùa chiền được khôi phục, xây dựng không ngừng tăng lên.
Tỷ khiêu Thích Nguyên Phong - Trụ trì chùa Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2016
------------------CHÚ THÍCH: 1. Ban nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa (1994). Lịch sử Thanh Hóa, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hoá (2009), Chùa xứ Thanh, tập I, II, (Nxb Thanh Hoá); tập III (Nxb Hồng Đức). 3. Đại Nam nhất thống chí, (2006), tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa. 4. Địa chí Thanh Hoá, tập II (2010), Nxb Chính trị quốc gia. 5. Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc 1920 - 1953, Nxb Tôn giáo. 6. Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Văn học. 7. Ninh Viết Giao chủ biên (2000), Địa chí văn hoá Hoằng Hoá, Nxb khoa học xã hội. 8. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb Văn học. 9. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hoá, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo Thanh Hoá trong dòng chảy lịch sử dân tộc (2016). 10. Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch (1990), Thiền uyển tập anh, Nxb Văn học và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội. 11. Văn bia chùa Phật thời Lý (2011), Nxb Khoa học xã hội. 12. Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam,(1981). 13. Báo Đuốc tuệ số 55 ra 15 tháng 2 năm 1937. 14. Báo Viên âm số 32 ra tháng 8 và tháng 9 năm 1938.
Bình luận (0)