Trong cách nhìn của một bộ phận xã hội, có một thực tế ai cũng phải công nhận rằng giới tăng sĩ là những thành phần “đi tu” có lý do, buộc phải khổ hạnh, ép xác, vừa đáng kính vừa chừng mực chỉ để gật đầu chào qua đường; khác với cách nhìn và hiểu của những phật tử có cầu học là kính trọng vì là một trong ba ngôi báu do chính đức Phật truyền để lại.

Viên Chiếu thiền sư sinh năm 990 ở đất Phúc Đường huyện Long Đàm, là cháu Hoàng hậu Linh Cảm . Sách “Thiền Uyển Tập Anh” cho biết: Thuở nhỏ Viên Chiếu thông minh, lanh lợi và chăm học. Sau, xuất gia theo học Trưởng lão Lã Định Hương ở núi Ba Tiêu, đứng đầu thế hệ thứ 7 dòng thiền Quan Bích. Ngài viên tịch vào ngày 26 tháng Chạp năm Canh Ngọ niên hiệu Quang Hựu thời Lý (1090) hưởng thọ 93 tuổi.

Dựa vào một số bài kệ của thiền sư Viên Chiếu chúng ta tìm hiểu quan điểm, tư tưởng của thiền sư Viên Chiếu.

Trong một lần, khi có người hỏi: Nhược tao thi bách cận/Lưỡng cử thị hà vi? (Nếu gặp khi bức bách/Hai đường, theo nẻo nào?). Viên Chiếu trả lời:

Trượng phu tùy phóng đãng, Phong nguyệt thả tiêu dao! (Phóng đãng tùy ý thích, Vui chơi cùng gió trăng).

Ở đây, Viên Chiếu muốn khuyên mọi người rằng không nên quá quan tâm đến việc bị bức bách. Nếu thực có lâm vào hoàn cảnh đó thì cũng cứ coi như ta đang tự do tự tại; nếu được lựa chọn một trong hai con đường thì nên chọn con đường tự do vui chơi cùng trăng gió. Rèn luyện tâm ý đến mức như vậy phải là những bậc chân tu chính giác. Đó cũng chính là một trog nhưng mục tiêu mà người tu hành Phật giáo vươn tới.

Về phương pháp nhận thức giới tự nhiên, tư tưởng của Viên Chiếu được bộc lộ trong câu trả lời một vị tăng. Khi có một vị tăng hỏi rằng: Không theo cái bình thường, không theo tự nhiên, không theo sự công dụng, vậy biết làm thế nào?, Viên Chiếu trả lời:

Bồng thảo thê đê yến, Thương minh ẩn cự lân. (Rồng thiêng ẩn biển biếc, Chim yến đậu cỏ bồng).

Ở đây, có lẽ Viên Chiếu muốn nói rằng: tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Vạn vật bao giờ cũng tìm thấy ở nhau sự phù hợp, sự thích ứng, sự thích nghi. Thích ứng, thích nghi để cùng tồn tại, cũng giống như chim yến đôi khi cũng phải đậu cỏ bồng, giao long phải ẩn trong biển sâu.

Viên Chiếu cũng đưa ra phương pháp nhận thức là phải nhận thức cái thực chất chứ không nên chỉ nhận thức cái bề ngoài, vì cái bề ngoài dễ đánh lừa người ta. Tư tưởng này bộc lộ qua câu trả lời: Cổ kim vạn sự ưng vô vấn/Đặc địa Tây lai ý nhược hà? (Cổ kim việc lớn không nên hỏi/Thiền từ Tây tới, hỏi làm gì?!). Viên Chiếu trả lời:

Xảo ngôn lãnh sắc giả, Toàn qui đả ngõa nhân. (Khéo mồm thường giả dối, Mai trơ, ngói vỡ thôi).

“Xảo ngôn lãnh sắc” là mệnh đề của Khổng Tử dùng trong sách “Luận ngữ”; “Toàn qui đả ngõa” là lấy ở tích: kẻ dùi mai rùa và đập ngói (Mai rùa cứng, dùi không thủng, ngói đã bị đập vỡ thì không dùng vào việc gì được). Câu trả lời của Viên Chiếu muốn nói: phải hiểu rõ bản chất của sự vật trước khi làm một việc gì đó, nếu không sẽ uổng công vô ích.

Thiền sư Viên Chiếu cho rằng không có phương pháp nhận thức nào được thể hiện ở bên ngoài chủ thể nhận thức mà chính chủ thể nhận thức tìm ra phương pháp nhận thức qua quá trình rèn luyện trong thực tế. Quan điểm này được bộc lộ nhân khi trả lời một vị tăng. Vị tăng hỏi: Kim khoáng hỗn giao nguyên nhất khí/Thỉnh sư phương tiện luyện tinh hình. (Quặng vàng lẫn lộn đều nguyên khí/Xin thầy cách thức luyện cho tinh). Viên Chiếu đáp:

Bất thị Tề quân khách, Na tri hải đại ngư. (Không phải Tề quân khách Ai biết cá biển to)

Quặng vàng lẫn lộn, đó là đối tượng nhận thức. Muốn nhận thức được rõ đối tượng, chủ thể nhận thức phải cóphương pháp nhận thức. Ở đây, cá lớn ở biển được dùng làm hình ảnh để chỉ đối tượng nhận thức, còn Tề quân là chủ thể nhận thức.

Đọc những câu đối đáp với chư tăng của Viên Chiếu, chúng tôi nhận thấy tư tưởng bất khả tri bàng bạc bao trùm lên câu chữ của ngài. Theo Viên Chiếu, người ta ai cũng có nhu cầu nhận thức, nhưng vì có sự cản trở trong quá trình nhận thức (do vốn tri thức hạn chế, do các khí quan không bình thường) nên có thể không nhận thức được, sự cản trở đó không phải là do ai khác mà do chính mình. Ngài viết:

Khả lân tao nhất ế, Cơ tọa khước vong xan. (Đáng thương người nấc nghẹn, Ngồi đói, không dám ăn).

Đây là cách nói hình ảnh. Người “ngồi đói” chính là chủ thể nhận thức đang có nhu cầu nhận thức, nhưng vì đang bị “nấc nghẹn”- sự cản trở của quá trình nhận thức - nên không thể nhận thức được. Có thể nói, tư tưởng này, trước Viên Chiếu, ở Việt Nam, chưa có nhà tư tưởng nào phát biểu một cách mới lạ như vậy.

Viên Chiếu cũng đề cập đến sự uyển chuyển trong quá trình nhận thức sự vật. Xin dẫn ra đây cuộc đối đáp giữa Viên Chiếu với một vị tăng. Vị tăng hỏi: Kỷ niên cửu tích nang trung báu/Kim nhật đương trường địch diện khan. (Ngọc vàng cất dấu trong hòm, đẫy/Rành rõ giờ đây được ngắm xem). Viên Chiếu đáp:

Chỉ đãi trung thu nguyệt, Khước tao vân vũ xâm. (Đợi trung thu trăng sáng, Ngờ đâu mây tối sầm).

Ở đây, dưới con mắt của một vị tăng nào đó, ngọc vàng bao giờ cũng là ngọc vàng. Nhưng Viên Chiếu không quan niệm như thế. Vẫn dùng phương pháp ám chỉ, Viên Chiếu quan niệm rằng, không nên lúc nào cũng giả định rằng trung thu là có trăng sáng. Bởi vì cũng có thể trung thu không có trăng sáng. Câu này là nhằm trả lời vị tăng nọ về chuyện ngọc vàng. Vì vậy, nên hiểu rằng, với quan niệm của Viên Chiếu, ngọc vàng xét trong mối quan hệ này thì là quí, nhưng xét trong mối quan hệ khác lại là bình thường.

Trong quá trình tiếp cận với sự vật, Viên Chiếu cho rằng, để sự vật nói lên bản chất, tính chất của nó, chứ không nên đặt vấn đề tìm hiểu. Tư tưởng này được bộc lộ trong câu trả lời khi có người hỏi: trong sách nói: chỉ có Phật với Phật mới biết việc ấy, vậy việc ấy là gì? Viên Chiếu trả lời:

Hiệp kính sum sum trúc, Phong xuy, khúc tự thành. (Đường hẹp, trúc um tùm, Gió reo thành khúc nhạc).

Trong câu trả lời hết sức mù mờ này, Viên Chiếu muốn khuyên người hỏi: những hiện tượng diễn ra trong tự nhiên là việc của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, không cần phải tìm hiểu, cũng như gió thổi qua khóm trúc mà nghe như khúc nhạc thì vốn bản thân chúng đã là như thế, cần gì phải tìm hiểu.

Theo thiền sư Viên Chiếu, nhận thức là nhận thức cái cụ thể, chứ không phải là nhận thức cái chung chung. Tư tưởng này được thể hiện trong đoạn đối thoại sau: Có người hỏi: Chiêu chiêu tâm mục chi gian/Lãng lãng sắc thân chi nội. (Rõ ràng giữa chốn sắc thân/Chói lọi ở trong tam mục). Vậy mà lý không phân biệt được, hình không trông thấy được. Tại sao không thể thấy? Viên Chiếu đáp:

Uyển trung hoa lạn mạn, Ngạn thượng thảo li phi. (Hoa rực rỡ trong vườn, Cỏ lơ phơ trước bến).

Ở đây, người hỏi muốn đưa ra nhu cầu nhận thức rất chung chung (chiêu chiêu; lãng lãng), không có cái gì là xác định. Vì vậy, cái gọi là “lý không phân biệt được, hình không trông thấy được” là điều tất nhiên. Còn Viên Chiếu muốn đưa ra sự nhận thức cụ thể với đối tượng nhận thức cụ thể (vườn hoa rực rỡ, cỏ trên bến lơ phơ).

Phương pháp nhận thức của Viên Chiếu được hình thành trên cơ sở những tổng kết kinh nghiệm của bản thân và của thời đại nhà Lý.

Từ phương pháp nhận thức, Viên Chiếu rút ra phương pháp ứng xử trong cuộc sống. Theo ngài, khác với trong nhận thức là ai ai cũng có nhu cầu nhận thức được đầy đủ mọi vấn đề , nhưng vì khả năng nhận thức có hạn, nên con người không bao giờ hết nhu cầu nhận thức, nhưng trong ứng xử và trong hành động thì phải biết dừng lại đúng chỗ. Tư tưởng này được thể hiện qua đoạn đối đáp giữa ngài với một vị tăng. Vị tăng hỏi: Quách quân nhược bất nạp/Gián ngữ diệc hề vi. (Nếu ông Quách không hiểu/Lời can có là gì). Viên Chiếu trả lời:

Nhược dục tiên đề ẩm, Hưu vi xảo họa xà. (Nếu muốn uống rượu trước, Đừng vẽ rắn thêm chân).

Tích “Vẽ rắn thêm chân” dùng để chỉ những người hay vẽ chuyện, không biết dừng lại đúng chỗ, để đến nỗi có hại cho chính mình.

Thiền sư Viên Chiếu quan niệm rằng có rất nhiều con đường để dẫn đến chân lý. Tư tưởng này thể hiện trong cuộc đối đáp giữa Viên Chiếu với một vị tăng, khi vị tăng hỏi: “Thế nào là một đường đưa thẳng đến nguồn gốc của đại đạo”. Viên Chiếu đáp rằng:

Đông Tây xa mã tẩu, Trần thổ hiểu hôn phi. (Đông Tây xe ngựa ruổi, Sớm tối bụi trần bay).

Như vậy, theo Viên Chiếu, để đến được nguồn gốc của đại đạo (tức chân lý) phải đâu chỉ có một con đường mà có nhiều con đường từ phương Đông đến, từ phương Tây lại, có thể đến vào buổi sáng, hoặc buổi tối.

Trong tư tưởng về đốn ngộ, Viên Chiếu cũng bộc lộ quan điểm của mình về chân lý. Trả lời câu hỏi: “Ngôn ngữ đoạn đạo” nghĩa là thế nào?”. Viên Chiếu trả lời:

Giác hưởng tùy phong xuyên trúc đáo, Sơn nham đãi nguyệt quá tường lai. (Gió thổi sừng kêu xuyên rặng trúc, Vầng trăng vượt núi đến bên tường).

Tóm lại, vấn đề tìm hiểu nhận thức và tư tưởng của thiền sư Viên Chiếu là những vấn đề mới và độc đáo của hệ tư tưởng Phật giáo trong thời nhà Lý. Viên Chiếu đã đề cập đến mọi khía cạnh của lý luận nhận thức theo cách nói riêng: hàm xúc, trừu tượng, có tính gợi mở,... Ngài sử dụng triệt để thủ pháp nói kệ của các tăng sĩ và các điển tích của Nho gia để thể hiện tư tưởng, quan điểm của mình về những vấn đề không kém phần trừu tượng, khó hiểu. Điều đó giúp cho người đời sau thấy rõ ngài là một tăng sĩ uyên bác kinh điển Phật gáo, Nho giáo. Ngài cũng có nhiều lần đối đáp, đàm đạo với các tăng sĩ về nhiều khía cạnh trên lĩnh vực học thuật, chứng tỏ ngài là một thiền sư có uy tín lớn trong tăng đoàn.

Tác giả: Nguyễn Quang Khải Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2017 -------------------

Chú thích: 1. Theo “Việt sử lược”- bản dịch của Trần Quốc Vượng, NXB Văn Sử Địa, H. 1960, hoàng hậu Linh Cảm họ Mai, là mẹ vua Lý Thánh tông, được phong Thái hậu năm 1054. 2. Lã Định Hương người Chu Minh, nay thuộc Tx Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Theo Hoàng Xuân Hãn, trong sách “Lý Thường Kiệt” thì Trưởng lão là một danh hiệu kính trọng để gọi một người đã có quá trình tu Phật lâu năm, song vẫn không thoát ly đời sống gia đình. 3. Núi Ba Tiêu nay là núi Tiêu Sơn, thuộc xã Tương Giang Tx Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. 4. Mệnh đề đầy đủ của Khổng Tử trong sách “Luận ngữ” là: “Xảo ngôn lãnh sắc tiển hý nhân” (người nói khéo, mặt lạnh là người ít nhân đức). 5. Tề quân: tức Mạnh Thường quân (tên là Điền Văn, chết năm 279 TCN) làm Tướng quốc nước Tề, là một trong bốn công tử nổi tiếng nhất thời Chiến Quốc (Mạnh Thường quân, Bình Nguyên quân, Xuân Thân quân, Tín Lăng quân), nuôi hàng nghìn thực khách trong nhà với mục đích chiêu hiền đãi sĩ.