Việt Nam là nơi giao thoa các nền tôn giáo, chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nền văn hóa Trung hoa - Ấn Độ. Đạo Phật đã du nhập Việt Nam hơn 2000 năm, trong các giai đoạn phát triển, Đạo giáo và Khổng giáo đã bám rễ sâu, trở thành một phần của văn hóa người Việt.
Bên cạnh những giao thoa của tín ngưỡng và tôn giáo, người Việt đã vẫn duy trì và phát triển một di sản tín ngưỡng, có bản sắc riêng, di sản đó đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, đó là Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.
Việt Nam - xứ sở của nền văn minh lúa nước và nền kinh tế nông nghiệp đã hình thành nên những câu chuyện của tình mẹ sáng tạo – mẹ Âu Cơ. Theo đó, các hiện tượng tự nhiên huyền bí như mưa sấm chớp… kết hợp với các luận giải của Phật giáo trong giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã hình thành truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương cùng với sự giảng đạo của ngài Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189, từ đó tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa kết hợp cùng Phật giáo hình thành nên hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp tại các ngôi chùa đó là Pháp Vân (thần mây) thờ ở chùa Bà Dâu; Pháp Vũ (thần mưa) thờ ở chùa Bà Đậu; Pháp Lôi (thần sấm) thờ ở chùa Bà Tướng; Pháp Điện (thần chớp) thờ ở chùa Bà Dàn. Theo dấu lịch sử ta thấy ảnh hưởng của Tứ Pháp ở Việt Nam rất lớn, nhiều lần triều đình nhà Lý phải rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.
Người Việt cổ coi trọng Mẹ Đất, các hiện tượng siêu nhiên huyền bí, kết hợp với niềm tin và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hình thành nên tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đặc trưng của người Việt với các vị nữ thần chính trông coi các cõi của tự nhiên: Thiên phủ – Mẫu Cửu; Địa phủ - Mẫu Liễu, Thủy Phủ – Mẫu Thoải, Nhạc Phủ – Mẫu Thượng ngàn.
Tín ngưỡng dân gian Việt không cố định về hệ thần linh, mà theo những mốc phát triển lớn của lịch sử dân tộc để biến đổi theo. Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bước vào huyền thoại, trong tâm thức dân gian ông là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước… Ngày tiệc đức Thánh Trần thường được tôn là ngày “giỗ Cha” của toàn thể dân tộc Việt Nam vào ngày 20/8 Âm lịch.
Và khi tín ngưỡng văn hóa Việt theo các thương thuyền lên vùng trung du rồi tiếp cận cả với vùng sâu, vùng xa để sau đó theo bước chân tộc người chủ thể mà tới nay lan tỏa ra gần khắp đất nước. Quá trình này cũng kèm theo sự hội nhập tín ngưỡng với các thần địa phương, như ông Hoàng Bảy, Hoàng Sáu, Hoàng Mười và các chầu, chúa khác… những vị nhân thần, sơn thần hộ quốc trợ dân, sinh vi tướng – tử vi thần (hóa vi thần), phù độ giúp dân ấm no hạnh phúc, những câu hát ca ngợi các vị nhân thần này được thể hiện rõ trong các giá hầu đồng.
Chầu Mười Đồng Mỏ, vị sơn thần đã từng phò giúp vua Lê Thái Tổ: Mười năm chiến lược tung hoành Dẹp tan giặc dữ triều đình phong công Rước chầu về đất Sơn Chung Gom dân lập ấp ở vùng Mỏ Ba. Về ông Hoàng Bảy: Biên Cương súng nổ đùng đùng Sa trường sương núi máu xương chẳng nề.
Cho đến thể kỷ XVI, khi nền kinh tế và văn hóa phát triển hơn, thì tất yếu có một xu hướng hội các thần lại hoặc chọn ra một vị tiêu biểu để tôn thờ, một linh hồn Nữ Thần bất tử nữa với nhiều huyền tích, hình tượng người phụ nữ cao đạo, không chịu khuất phục, mong muốn khát vọng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong bối cảnh lịch sử thời Vua Lê – Chúa Trịnh, xã hội rối loạn, nhân dân ly tán, khởi nghĩa nông dân diễn ra triền miên, kinh tế nông thôn chợ quê dần phát triển… bà trở thành một vị Nhân Thần mà dân gian tôn xưng là đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tín ngưỡng thờ Mẫu mang một bộ mặt mới, người phụ nữ đời hình thành với khát vọng của người dân, bà ban lộc, chữa bệnh, ban phúc, trừ ma, diệt ác… Tín ngưỡng nhanh chóng lan tỏa khắp mọi miền đất nước vì đáp ứng được đời sống tâm linh tinh thần của quảng đại quần chúng nhân dân. Từ đó bốn vị thánh được dân gian tôn phong là Tứ Bất Tử là đức thánh Tản Viên biểu hiện cho ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội. Thánh Gióng biểu hiện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm; Chử Đồng Tử biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về vật chất và Mẫu Liễu Hạnh biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về tinh thần của người dân Việt. Điều này đã khiến cho đạo Mẫu ăn sâu vào tâm thức dân gian của người Việt, là nền tảng hình thành lên hệ thống tín ngưỡng của dân tộc chính là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ đã phát triển trong lịch sử và đang lan tỏa – phát triển như ngày nay.
Các vị thần gần với bản thể của vũ trụ được gắn với tính Mẹ, sản sinh ra các giá trị văn hóa, sản sinh ra các nghề, các vị nhân thần có công với dân với nước, đánh giặc ngoại xâm, ban tài phát lộc, cho sức khỏe, giúp dân ấm no hạnh phúc… nên tự lúc nào trong dân gian đã hình thành những bài hát truyền miệng ca ngợi lòng yêu nước, yêu lao động sản xuất như trong bài Chầu Thượng:
Chầu dậy người Kinh xuống sông thả lưới,
Chầu dậy người Mường phát rẫy làm nương.
Đến Thời Lê Thần Tông 1607 - 1662 đã cho phép thành lập Nội Đạo Tràng, một số vị Thánh của Đạo giáo thâm nhập vào tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, như Nam Tào, Bắc Đẩu, các phép thuật trừ tà ma… nghi lễ hầu bóng dần ảnh hưởng Đạo Giáo, một mặt hình thành nên nguyên lý thờ Mẫu một mặt tăng thêm tính ma thuật vốn đã tiềm ẩn trong dân gian.
Việc thờ cúng ngoài việc cầu cho người yên vật thịnh còn là giúp con người được an lạc giải thoát vì vậy việc thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ là thờ thần trong đền miếu phủ thì đã có sự dung hợp thích nghi với văn hóa bản địa. Các hệ thống thờ đan xen với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu Thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu", kiến trúc này thể hiện rõ ở chùa Thầy, chùa Bối Khê... Người Việt cổ đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Trong nghệ thuật tạc tượng, bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp được "Phật giáo hóa" hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật.
Tôn giáo nào cũng trong quá trình tu tập và hoàn thiện, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ cũng là một quá trình tiến tu nên cần sự giao hòa của Phật giáo. Đạo Mẫu lồng trong đạo Phật hướng con người đến những việc thiện, cuộc sống sung túc và cuối cùng là giải thoát, đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh khi đã là đệ nhất thánh mẫu nhưng cuối cùng vẫn xuất gia, các triều vua Nguyễn đã từng sắc phong ngài là Mã Vàng Bồ Tát.
Phật giáo dung hòa với tín ngưỡng bản địa tạo nên những nét văn hóa riêng biệt độc đáo, tinh thần tùy duyên bất biến của đạo Phật nhiều nhà sư đã dùng những phương tiện thiện xảo hòa nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ. Ngoài căn quả, việc hầu thánh, hầu mẫu, các sư muốn giáo hóa chúng sinh phải nhập thế theo văn hóa vùng miền để thông qua việc nhập thế giáo hóa chúng sinh, hướng chúng sinh đến cửa Phật, bởi một người hiểu đạo Phật sẽ có cái nhìn chân chính với đạo Mẫu, giúp tôn giáo là Phật giáo và nét đẹp tín ngưỡng bản địa của người Việt luôn trường tồn cùng văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên việc lưu giữ bản sắc văn hóa và mê tín là khác nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ là tự do tín ngưỡng tôn giáo nên không thể can thiệp khi có những hiện tượng không tốt. Những người không có căn quả ra trình đồng mở phủ theo trào lưu – một số bộ phận hiểu lầm, một số ít đồng thầy cho ra đồng sai gây nên việc “Thờ thì dễ - giữ lễ thì khó”. Về góc độ trần gian không sai về tự do tín ngưỡng. Về góc độ tâm linh việc tốn tiền bạc công sức, tạo sự mê tín dẫn đến nhiều hệ lụy sai khác.
Với những thanh đồng được ăn lộc thánh – giúp người dân giải quyết những khúc mắc về tâm linh thường dễ mắc phải ba điều gọi là Tam nghiệp tiết lộ thiên cơ, can thiệp vào nhân quả nghiệp lực của người khác, sẽ chắc chắn là không tốt nếu ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của người khác nhưng cũng sẽ tích lũy công đức khi có tâm giúp người giác ngộ giáo hóa.
Thanh đồng đạo quan tu Thánh lấy đạo Phật làm gốc, trong phát triển luôn đề cao giá trị Văn hóa gốc của người Việt, văn hóa tâm linh truyền miệng, thành kính mẹ thiên nhiên và nhân thần, các vị anh hùng dân tộc, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước, mang nét đẹp văn hóa vùng miền từ trang phục, nghi lễ, văn hóa tế, nhảy đồng, cung văn nhạc lý truyền bá giao lưu cho các thế hệ sau. Đại đa số các vị theo lối tích Mẫu Liễu Hạnh, khi về già hầu Thánh xong sẽ “Cáo thánh” Quy y cửa Phật.
Đức Phật đã từng nói “Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”. Dù là tín đồ Phật giáo hay tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ đều mục tiêu sâu xa là giải thoát cho kiếp sống tạm, hướng chúng ta đến cái thiện, giúp chúng ta luôn cảm thấy được chở che, có một nơi để tìm về. Chính vì vậy, khi tìm hiểu về tiến trình phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy cộng đồng phật tử và cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ đã có sự gắn bó hữu cơ biện chứng trong cộng đồng xã hội và cộng đồng văn hóa Việt Nam.
Cát Khánh - Hoàn Kiếm, Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021
Bình luận (0)