Những yếu tố mới trong tín ngưỡng thờ tự tại nhiều ngôi chùa ở miền Bắc nước ta xuất hiện từ sau khi Bác Hồ từ trần và nhất là từ sau năm 1991, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 69/HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 “Quy định về các hoạt động tôn giáo” ra đời, đánh dầu sự đổi mới về nhận thức về tôn giáo của Nhà nước ta.
Tác giả: Nguyễn Quang Khải
Tóm tắt: Tín ngưỡng thờ tự trong ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam có từ lâu đời và rất phong phú, thể hiện quan niệm rất nhân văn và độc đáo của người Việt. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại của tín ngưỡng thờ tự, trong nhiều ngôi chùa của Phật giáo miền Bắc Việt Nam cũng có một số khác biệt và yếu tố mới. Điều đó phản ánh sự vận động của tư duy trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ tự của giới tăng sĩ và tín đồ Phật giáo.
Từ khoá: Tín ngưỡng thờ tự, khác biệt, chùa Dâu, chùa Bút Tháp.
Nội dung
Tín ngưỡng thờ tự được thể hiện trong khuôn viên các ngôi chùa ở các làng xã miền Bắc nước ta là một trong những cách thể hiện niềm tin tôn giáo của tăng sĩ và tín đồ Phật tử. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, tín ngưỡng thờ tự đó hầu như không có thay đổi nhiều. Nhưng, dường như để phù hợp với thời cuộc và đặc điểm của mỗi làng, tín ngưỡng thờ tự của một số chùa cũng có sự thay đổi chút ít về quy mô to nhỏ và đối tượng thờ tự. Bài viết này muốn được chia sẻ cùng quý vị có mối quan tâm đến tín ngưỡng thờ tự trong các ngôi chùa của Phật giáo miền Bắc về những tình tiết đó.
1. Truyền thống thờ tự trong ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam
1.1. Truyền thống thờ tự trong toà tam bảo
Từ xa xưa, tại toà Tam bảo của các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam có truyền thống thờ tự như sau:
Trên bậc cao nhất, sát tường có thờ bộ tượng Tam thế, gồm: tượng Phật Thích ca Mâu ni (ngồi giữa, biểu tượng cho Phật thời hiện tại), toạ bên phải là tượng Phật A Di đà (biểu tượng cho Phật thời quá khứ), toạ bên tay trái là Phật A Di đà (biểu tượng cho Phật thời vị lai). Các vị đều toạ trên toà sen, đầu có hình tướng như quả na, nét mặt từ bi, trang phục màu già, nếp áo mềm mại.
Tại bậc thứ 2, ngồi giữa là đức Phật A Di đà, hai bên là đức Quan âm và Thế chí[1]. Cũng có chùa tạc hai vị này ở tư thế đứng, cũng có chùa tạc hai vị cưỡi voi và cưỡi sấu.
Ở bệ thứ 3, ở giữa là đức Phật Thích ca Mâu ni, hai bên là A Nan (con trai của đức Phật Thích ca) và Ca Diếp (là người đầu tiên lĩnh hội được ý chỉ của đức Phật).
Ở bệ thứ 4 là toà Cửu long. Toà Cửu long thể hiện thời điểm đức Phật đản sinh có sự chứng kiến của chư Phật, chư Thiên và có 9 con rồng phun nước tắm rửa cho ngài. Đức Phật đứng giữa một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, thể hiện tuyên ngôn: “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn”.
Trong toà Tam bảo còn có tượng Ngọc hoàng thượng đế, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu hoặc Đế Thích và hai thị giả. Hai bên tường là tượng Thập điện diêm vương (mỗi bên 5 vị)[2], đội mũ bình thiên, tay cầm hốt.
1.2. Truyền thống thờ tự trong toà tiền đường và nhà tổ
- Truyền thống thờ tự trong toà tiền đường
Nối bật nhất trong toà tiền đường là hai vị Hộ pháp. Các vị đều mặc võ phục, cưỡi trên mình sấu hoặc mình voi. Một vị cầm viên ngọc trên tay, được gọi là ông Khuyến Thiện, một vị cầm thanh kiếm, vẻ mặt dữ dằn, được gọi là ông Trừng Ác. Hai bên có tượng thờ Đức Thánh Hiền, vẻ mặt từ bi, tay cầm chén cháo và Diệm khẩu vương, mặt xanh, trông vẻ dữ tơn. Một bên là tượng thần Thổ địa với mặt đỏ, tóc trắng, râu trắng, lông mày trắng, bên cạnh là tượng Đức Ông.
Ở ban thờ ở đầu hội là tượng đức Địa Tạng vương Bồ tát, tay cầm cây tích trượng, đội mũ thất phật, được thể hiện ở tư thế đứng.
-Truyền thống thờ tự trong toà nhà tổ
Trong nhà tổ chỉ thờ tượng các vị tổ qua các đời đã từng trụ trì chùa
1.3. Truyền thống thờ tự trong toà hành lang và trong toà nhà hậu
-Truyền thống thờ tự trong toà hành lang
Toà hành lang thờ 18 vị La hán (thập bát La hán), mỗi hành lang thờ 9 vị. Theo các nhà nghiên cứu Phật học ở Trung Quốc, trước thời Tống (trước năm 960), các ngôi chùa ở Trung Quốc, người ta chỉ thờ 16 vị La hán, còn 2 vị (thứ 9 và thứ 18) là thị giả. Theo sách “Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa sở thuyết pháp trụ ký” (gọi tắt là “Pháp trụ ký”) thì 16 vị La hán đều là đệ tử của đức Phật Thích ca. Họ nhận sự phó chúc của đức Phật, không nhập Niết bàn, thường trụ trong thế gian, nhận sự cúng dàng của người đời và vì chúng sinh làm điều phúc đức. Cũng theo “Pháp trụ ký”, tên của 16 vị La hán là: Tân độ la Bạt la đoạ xà, Ca nặc Ka phạt ta, Ca nặc ca bạt lỵ đoạ xà, Tô tần đà, Mặc cự la, Bạt đà la, Ca lỵ ca (còn đọc là La lực ca), Phạt xà la phất đa la, Thú bác ca, Bán tác ca, La hỗ la, Na già tyê na, Nhân yết đà (Nhân kiệt đà), Phạt na bà tư, A thi đa (A đật đa), Chú trà bán thác ca. Còn hai vị thị giả có hiệu là Hàng Long La hán và Phục hổ La hán. Ở Việt Nam lâu nay, thấy chùa nào cũng thờ 18 vị la hán. Hai vị được them vào là Nan đề mật đa la và Tô tần lô.
- Tại toà nhà hậu
Toà nhà hậu thờ các vị đã cúng tiền ruộng vào chùa để được làng bầu hậu.
2. Những yếu tố khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự tại một số ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam
Mô hình thờ tự mà chúng tôi trình bày ở mục trên (mục 1) là chung nhất và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, một số ngôi chùa, trên cơ sở mô hình thờ tự chung, còn có một vài khác biệt. Xin đơn cử một vài ngôi chùa tiêu biểu:
2.1. Những yêu tố khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự tại Chùa Dâu (Bắc Ninh)
Ngoài những nét chung trong truyền thống của các ngôi chùa Phật giáo miền Bắc, chùa Dâu còn có một số yếu tố khác biệt. Đó là:
-Thứ nhất, tại toà tiền đường, nhiều chùa chỉ thờ Tứ Kim cương thì chùa Dâu thờ Bát bộ Kim cương (8 vị Kim Cương[3]), được bố trí tại hai phía tường đầu hồi, mỗi phía 4 vị, quay mặt vào gian giữa toà tiền đường. Tại cuối tường bên phải (từ ngoài vào), chùa Dâu còn thờ tượng thái tử Tam Châu[4] (Vi Đà tôn thiên). Ngài có hình dáng võ tướng, đầu đội mũ trụ, mình mặc võ phục, có đai và kết bối tử, hai tay chắp lại, chân đi hia, mặt hướng vào giữa toà nhà. Toàn thân cao 1,74 mét, đứng trên bệ cao 0,20 mét. Đây là tác phẩm điêu khắc gỗ của thế kỷ XVIII.
- Thứ 2, tại toà Thượng điện, chùa Dâu có thờ các pho tượng mà ở nhiều chùa không có. Đó là tượng Bà Trắng[5], tượng Bà Đỏ[6],khám thờ Thạch Quang Phật[7], tượng 2 vị Thánh Tải[8].
-Thứ 3, tại hai bên tường toà thượng điện, có thờ nhóm tượng Lục bộ Công Tào. Các vị đứng cạnh bộ tượng Tứ Bồ tát, mỗi bên có 3 vị. Cả 6 vị đều hướng vào giữa điện, nơi có tượng Pháp Vân[9]. Tượng Lục bộ Công tào có chiều cao 1,209 mét, là tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu gỗ phủ sơn thuộc thế kỷ XVIII. Ở sát tường sau toà thượng điện có tượng tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ngài là người Nam Thiên Trúc. Tháng 3 năm Canh Tý niên hiệu Đại Tường nhà Chu (580) sang nước ta, trụ trì chùa Dâu.
-Thứ 4, tại toà thiêu hương, có tượng Trạng nguyên (TN) Mạc Đĩnh Chi (1272- 1361)[10]. Tượng ông được tạo vào thế kỷ XVIII, bằng chất liệu gỗ phủ sơn, cao 0,82 mét, có phong thái một vị trí thức phong kiến đang suy nghĩ, đầu đội mũ, đôi tai dài, mình mặc áo màu cánh gián, kết bối tử, ngồi kết già.
2.2. Những yêu tố khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự ở chùa Quán Sứ ( Tp.Hà Nội)
Tín ngưỡng thờ tự mang tính dị biệt biệt thể hiện dưới đây.
- Thứ nhất, tượng Vi Đà tôn thiên: Theo Thích Hạnh Tùy -Thích Thanh Ninh trong Bài trí tượng Phật một ngôi chùa tiêu biểu (NXB Văn hóa- Thông tin, 2010) thì tượng vi Đà tôn thiên ở chùa Quán sứ là do từ chùa khác cúng mà có. Ngài được bố trí ở chính giữa tòa chính điện. Còn ở chùa khác thì được thờ ở gian chính của ngũ môn quan, ở gác chuông với dáng vẻ một vị võ quan, mặc võ phục, tay cầm kiếm trông rất lẫm liệt.
- Thứ hai, tượng Đức Ông: nhiều chùa thờ ngài ở toà tiền đường, nhưng ở chùa Quán Sứ, ngài được thờ ở gian bên tay trái tòa chính điện. Đức Ông còn được gọi là Thủ hộ già lam. Tượng ngài trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ, có râu đen, hai tay để trên gối.
- Thứ ba, đối với tín ngưỡng thờ các vị La Hán:
Nếu hầu hết các chùa ở miền Bắc, người ta thờ tượng các vị La hán ở nhà hành lang thì thì ở chùa Quán Sứ, người ta lại thể hiện bằng tranh vẽ và được bố trí ở nhà tổ.
- Thứ tư, đối với tín ngưỡng thờ các vị tổ: nếu các chùa khác ở miền Bắc chỉ thờ tổ Bồ đề Đạt ma và các vị tổ đã trụ trì chùa làng thì chùa Quán Sứ thờ nhiều vị tổ vốn chưa từng trụ trì ngôi chùa này bao giờ. Đó là các tổ: Thiền sư Minh Không[11], Hương Vân đại đầu đà Trần Nhân tông[12].
2.3. Những yêu tố khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự ở chùa Hàm Long (khu phố Thái Bảo, phường Nam Sơn, Tp.Bắc Ninh)
-Thứ nhất: có cụm tượng bằng đồng trên nền Tam bảo, trước các bệ thờ. Đó là: tượng đức Thế tôn; tượng Ca Diếp đứng ở phía tay phải của đức Thế tôn, mình khoác tấm pháp, vai bên phải để trần, hai tay nắm trước ngực; Tượng A Nan mình mặc áo tăng, đứng bên trái đức Thế tôn, mình khoác tấm pháp, vai bên phải để trần, hai tay chắp trước ngực.
Tượng đức Thế, Tôn, A Nan và Ca Diếp đứng trên bệ hình lục lăng, mỗi cạnh 0,42 mét, cao 0,15 mét.
Tượng Ma za phu nhân có hình dáng người đàn bà phúc hậu, mình mặc áo dài có nhiều lớp, tay phải để trần dơ lên, hướng về phía trước, tay trái đỡ đức Phật Thích ca sơ sinh. Đứng trên bệ, phần trên hình tròn, phần dưới hình bát giác.
Các pho tượng Thế tôn, A Nan, Ca Diếp, Ma za phu nhân bằng đồng, đều cao 2,40 mét, được đúc vào năm 1928, do Hòa thượng Thích Ngọc Uẩn (trụ trì chùa thời gian đó) hưng công. Cụm tượng bằng chất liệu đồng này, ở tỉnh Bắc Ninh, duy nhất chỉ có ở chùa Hàm Long.
-Thứ hai, tại Ly trần viện: tín ngưỡng thờ tự ở đây có một số chi tiết không giống với nhiều ngôi chùa khác. Cụ thể:
Toà Cửu long các chùa khác thường được bài trí tại toà Tam bảo, nhưng ở chùa Hàm Long lại được đặt tại Ly Trần viện; tượng Địa Tạng vương Bồ tát, nhiều chùa đặt tại gian đầu hồi bên trái (ngoài nhìn vào) của toà tiền đường, nhưng chùa Hàm Long lại được đặt tại đây. Tại Ly trần viện, chúng ta cũng thấy tượng cụ Đốc học Đỗ Trọng Vĩ ngồi trên ngai thờ[13].
2.3. Những yêu tố khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự ở chùa Bút Tháp (mô hình thờ từ trước năm 1945)[14]
Tín ngưỡng thờ tự ở chùa Bút Tháp (tên chữ là Ninh Phúc tự), nay thuộc làng Bút tháp xã Đình Tổ, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có cấu trúc đặc biệt[15] và tín ngưỡng thờ tự cũng đặc biệt. cụ thể:
Gác chuông: có 2 tầng, tầng trên có tượng chúa Trịnh, hai bên là tượng thị nữ, quan hầu và 2 thị giả. Tầng dưới có Ngọc hoàng ở giữa, hai bên là Nam Tào và Bắc đẩu.
Tại nhà bái đường: có 2 vị Hộ pháp, Đức ông và 2 thị giả; Thánh tăng và hai thị giả
Tại toà nhà nối toà bái đường với toà chính điện; ở giữa có tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Hai bên có 10 vị Diêm vương (mỗi bên 5 vị).
Tại toà chính điện: có các cụm tượng: một cụm có tượng Tam thế; một cụm có Quan âm toạ sơn, hai bên là Thiện Tài và Long Nữ; có tượng Tứ Bồ tát; Quan âm Thiên thủ thiên nhãn, , tượng Tuyết Sơn, có tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát, Quan âm tống tử, Quan âm toạ sơn; 18 vị La hán, Thánh tổ Ấn Độ, Thánh tổ Đông Thổ, động Thập điện.
Tại toà Tích Thiện am: (có tháp Cửu phẩm liên hoa) có tượng Á Di đà.
Tại nhà thờ hậu: có khám 2 bà Trịnh Thị Ngọc Trúc và Lê Thị Ngọc Nghinh và tượng 2 ông hoàng.
Tại nhà thờ tổ: có thờ tượng các vị tổ, các vị thánh, các ông hoàng, thờ các vị Mẫu (Mẫu Liễu, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn) và tứ vị chầu bà[16].
3. Những yếu tố mới trong tín ngưỡng thờ tự tại ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam
Những yếu tố mới trong tín ngưỡng thờ tự tại nhiều ngôi chùa ở miền Bắc nước ta xuất hiện từ sau khi Bác Hồ từ trần và nhất là từ sau năm 1991, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 69/HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 “Quy định về các hoạt động tôn giáo” ra đời, đánh dầu sự đổi mới về nhận thức về tôn giáo của Nhà nước ta.
3.1. Những yếu tố mới thể hiện ở tín ngưỡng thờ Bác Hồ và các liệt sĩ của làng
Sau khi Bác Hồ từ trần, rất nhiều làng ở miền Bắc thờ Bác. Làng thì thờ Bác ở đình, làng thờ ở chùa, làng có điều kiện thì xây đền thờ Bác. Tượng thờ Bác Hồ rất khác với các loại tượng khác trong chùa: màu trắng, bằng chất liệu thạch cao hoặc bằng đá hoa cương, phục sức hiện đại, tượng bán thân, không có ngai.
Đối với tín ngưỡng thờ các anh hùng liệt sĩ của các làng qua các thời kỳ, cũng mỗi làng mỗi khác, làng thì thờ ở đình, làng thờ ở chùa, làng thờ ở miếu. Nhưng tất cả đều thờ danh sách các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ (Chống Pháp, chống Mỹ, chống quân Tàu)
3.2. Những yếu tố mới thể hiện ở tín ngưỡng thờ Quan âm ngoài trời
Quan sát nhiều ngôi chùa ở Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) thời kỳ trước năm 1975, hầu như không chùa nào có tín ngưỡng thờ Quan âm ngoài trời. Nhưng từ sau năm 1975 cho đến gần đây thì hầu như chùa nào cũng thờ tượng Quan âm ngoài trời. Hình tướng Quan âm là một người đàn bà đẹp, có kích thước lớn hơn người thật, ở tư thế đứng, tay cầm bình nước cam lộ, chất liệu bằng thạch cao hoặc bằng các loại đá (cẩm thạch, thạch anh, hoa cương,...
3.3. Những yếu tố mới thể hiện ở tín ngưỡng thờ các vị lịch đại tổ sư ở ngoài trời
Quan sát một số ngôi chùa ở tỉnh Hải Dương: Chùa Muống, chùa Sếu (tức chùa Đống Cao), chúng tôi thấy gần đây, vị trụ trì chùa có cho tạc một số vị tổ của Phật giáo Việt Nam bằng chất liệu đá xanh nguyên khối với kích thước lớn bằng hoặc hơn người thật ở tư thế đứng.
-Tại chùa Muống, có các vị: Khương Tăng Hội[17], Khâu Đà La[18], Tỳ Ni Đa Lưu Chi[19], Vô Ngôn Thông[20], Thảo Đường[21], Vạn Hạnh[22], Tuệ Năng[23], Bồ Đề Đạt Ma[24], Mục Kiền Liên[25], Ma ha Ca Diếp[26], Lý Thái Tổ[27], Trần Thái Tông[28], Quốc sư Phù Vân[29], Nguyễn Hoàng[30], Chuyết Công[31],...
Tại chùa Sếu, có các tổ: Vạn Hạnh, Thảo Đường, Khương Tăng Hội (?- 280), Vô Ngôn Thông (759-826), Khâu Đà La, Thích Thanh Hanh (1840- 1936), Chân Nguyên[32], Chuyết Công, Quốc sư Phù Vân.
3.4. Những yếu tố mới thể hiện ở tín ngưỡng thờ 500 vị La hán tại hành lang và thờ Tượng Phật có kích thước rất lớn:
- Những yếu tố mới thể hiện ở tín ngưỡng thờ 500 vị La hán tại hành lang
Đó là chùa Bái Đính mới (Ninh Bình). Các vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, to hơn người thật, ở tư thế ngồi. Có lẽ ở miền Bắc Việt Nam, đây là ngôi chùa duy nhất có số lượng La hán bằng chất liệu đá nhiều như vậy với kích thước lớn như vậy
- Tượng Phật rất to: đó là các vị Phật được thờ tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), chùa Dạm mới (nay thuộc phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh).
Truyền thống thờ tự, những nét khác biệt và những yếu tố mới thể hiện giá trị tư tưởng và giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ tự trong Phật giáo
Từ việc tìm hiểu truyền thống thờ tự, những nét khác biệt và những yếu tố mới trong tín ngưỡng thờ tự tại một số chùa ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi nhận thức được một số vấn đề sau:
Một là, về vấn đề truyền thống thờ tự. Trải qua nhiều trăm năm, mặc dù có nhiều triều đại thay nhau trị vì đất nước, nhưng nhìn chung, tín ngưỡng thờ tự trong các ngôi chùa không có nhiều sự thay đổi. Đi liền với đó là sự duy trì các tiết lệ truyền thống của Phật giáo và cách duy trì nếp sống thiền gia của các tăng sĩ. Điều đó chứng tỏ sự ổn định của Phật giáo trong tâm thức của các nhà tu hành, của tín đồ Phật tử nói riêng và trong xã hội làng xã của Việt Nam nói chung là điều hằng mong muốn của giới tăng sĩ và tín đồ Phật tử.
Hai là, tính khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự của một số chùa thể hiện đặc điểm riêng trong đời sống tâm linh Phật giáo ở làng đó. Nó thể hiện sắc thái riêng trong đời sống tín ngưỡng của làng và từ đó góp phần làm phong phú trong tín ngưỡng thờ tự của vùng miền. Ở một số chùa (chùa Dâu, chùa Bút Tháp,…) sự khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự góp phần làm nên thương hiệu của chùa và tạo dấu ấn sâu sắc cho khách thập phương khi có dịp đến tham quan chùa, chiêm bái Phật.
Ba là, những yếu tố mới được thể hiện trong tín ngưỡng tự của nhiều ngôi chùa ở miền Bắc trong vài chục năm trở lại đây nói lên bản chất nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Nhìn chung, để tồn tại và phát triển, tôn giáo nào cũng có những khẩu hiệu và hành động thể hiện nhu cầu nhập thế của mình (đạo Công giáo có những khẩu hiệu: “Đồng hành cùng dân tộc”, “Kính chùa yêu nước”, “Một tín đồ tốt cũng là một công dân tốt”,…), nhưng đối với Phật giáo, điều này thể hiện sâu đậm hơn, có tính thời sự hơn.
Tất cả những thực tế trên đây là sự thể hiện giá trị tư tưởng và giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ tự trong Phật giáo tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Quang Khải ***Tài liệu tham khảo: -Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh tăng Việt nam, tập 1, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh ấn hành. -Nguyễn Quang Khải (2019), Chùa Dâu-Cổ Châu, Phấp Vân, Diên Ứng tự, NXB Tôn giáo. -Khuyết danh, Thiền uyển tập anh, (Ngô Đức Thọ dịch), NXB Văn học, 1990 - Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về thiền uyển tập anh, (NXB TP Hồ Chí Minh, 1999 -Thích Hạnh Tùy -Thích Thanh Ninh trong Bài trí tượng Phật một ngôi chùa tiêu biểu (NXB Văn hóa- Thông tin, 2010). -Đại Việt sử ký toàn thư tập I (bản dịch, 1972), NXB Khoa học xã hội. -Thơ văn Lý- Trần (tập I, NXB Khoa học xã hội, 1977. -Thơ văn Lý- Trần (tập II, quyển thượng, NXB Khoa học xã hội, 1989. - Đỗ Trọng Vĩ, Bắc Ninh địa dư chí (bản dịch, NXB Văn hoá thông tin, 1997), -Nguyễn Đăng Thục (1972), Tín ngưỡng Việt Nam, NXB Hoa Đăng, Sài Gòn.
Chú thích: [1] Để giúp người mới tu khỏi nhầm, trong giới tăng sĩ có câu: “Quan âm, Thế chí thị Di Đà/ A Nan, Ca Diếp thị thích ca”. [2] Theo sách Từ ân ngọc lịch minh kinh, Thập điện Diêm vương gồm: Tần Quảng vương, Sở Giang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quan vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Thái sơn vương, Đô Thị vương, Bình Đẳng vương, Chuyển Luân vương, [3] Đó là: Thanh trừ tai Kim cương, Tích độc thần Kim cương, Hoàng tuỳ cầu Kim cương, Bạch tịnh thuỷ Kim cương, Xích thanh hoả Kim cương, Định trì tai Kim cương, Tử hiền thần Kim cương, Đại thần lực Kim cương. Theo sách “Thám huyền ký” quyển 3, kim cương có nghĩa là rắn và chắc. Các vị Kim cương cũng là những vị thần hộ pháp già lam, nên các vị đó cần có phẩm chất cứng rắn, thuần khiết. [4] Theo “Kim Quang minh kinh” (quyển 38) và “Đại từ Ân tự Tam tạng pháp sư truyện”, (quyển 10), sở dĩ gọi là Tam Châu, vì ngài được đức Phật giao nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chúng sinh ở 3 châu: Đông Thắng, Tây Ngưu, Nam Thiên bộ châu. [5] Bà Trắng họ Trương, quê làng Như Quỳnh (tên Nôm là làng Gênh), mẹ đẻ của chúa An Đô vương Trịnh Cương (1729- 1740). Sở dĩ, gọi là Bà Trắng vì tượng bà được sơn màu trắng. [6] Bà Đỏ: chính là bà Nguyễn Thị Cảo, người làng Liễu Ngạn (tên Nôm là làng Khe), nhũ mẫu của chúa An Đô vương Trịnh Cương. Vì bà họ Trương không có sữa nên việc nuôi Trịnh Cương thời nhỏ được giao cho bà Nguyễn Thị Cảo. Vì có sự kiện này nên dân gian có câu: “Gệnh đẻ Khe nuôi”. [7] Thạch Quang Phật được đặt trong một chiếc khám sơn son, là một khối đá hình trụ tròn, phần đầu khối đá được vê thành nửa hình tròn và có khấc. Theo truyền thuyết, khối đá này là biến thể của đứa con Man Nương mà sư Khâu Đà La đã đặt vào trong gốc cây dung thụ tại đồi Mả Mang (gần chùa Phật Tích).. [8] Tượng 2 vị Thánh Tải được bố trí ở hai bên tượng Pháp Vân ở tư thế ngồi trên toà sen, đầu đội mũ quả na, đôi tai dài, nét mặt từ bi, bàn tay phải dơ lên hướng về phía trước, bàn tay trái để ngửa, hạ thấp xuống đầu gối, cao 0,55m. [9] Trong sáu vị, có hai vị đầu đội mũ phốc đầu, mình mặc giáp trụ, ngồi trên lưng sấu, một vị, tay phải nắm lại để trên đùi, tay trái cầm một vật gì đó, còn một vị, tay phải co lên, nắm chặt một vật quí, tay trái nắm hờ đặt trên đùi trái; một vị ngồi trên bệ, đầu đội mũ, mặt đỏ, râu dài, mặc triều phục (trông hơi giống tượng thần Thổ địa), tay phải nắm lại trước bụng, bàn tay trái hơi duỗi, đặt hờ trên đùi; một vị có dáng như tượng Bồ tát, đầu độ mũ tỳ lư, đôi mắt khép lại, mặt đôn hậu, bàn tay phải hơi nắm lại, hướng lòng về phía trứơc, bàn tay trái đặt trên đùi; một vị đầu chít khăn, mình mặc áo thụng, bàn tay phải đặt lên bên ngực phải, tay trái đặt trước lòng; một vị đầu đội mũ pháp sư, hai bàn tay nắm vào nhau. Cả sáu vị đều được đặc tả ở tư thế mắt khép lại, và tuy mỗi người đều có nét mặt khác nhau nhưng dường như đang suy nghĩ về vấn đề gì đó. Trừ hai vị có hình dáng võ tướng ngồi trên lưng sấu, các vị còn lại đều ngồi trên bệ. Quan sát hình dáng, thần thái, mũ áo của các vị, chúng ta còn biết được các vị có vị trí xã hội khác nhau. [10] Sở dĩ TN Mạc Đĩnh Chi được thờ trong chùa Dâu, là vì: Tương truyền, cha mẹ Mạc Đĩnh Chi làm nhiều điều tội lỗi. Khi đã thành đạt, Mạc Đĩnh Chi đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm hiểu đời sống của cha mẹ dưới đó. Ông thấy cha mẹ bị giam trong địa ngục. Năm 1313, ông bỏ tiền của ra hưng công xây tháp Hòa Phong cao 9 tầng và cầu 9 nhịp vào chùa Dâu để tạ tội cho cha mẹ. Công việc hoàn thành, ông được tạc tượng thờ trong chùa. [11] Thiền sư Minh Không: theo Đại Việt sử ký toàn thư tập I (bản dịch, 1972), NXB Khoa học xã hội, tr. 277: ngài quê xã Đàm Xá huyện Gia Viễn phủ Trường Yên (nay là thôn Đàm Xá huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình), được phong Quốc sư, tịch tháng 8 năm Tân Dậu niên hiệu Đại Định thứ 2 thời Lý Anh tông (1141). [12] Đầu đà Trần Nhân tông (1258- 1308): theo Thơ văn Lý- Trần (tập II, quyển thượng, NXB Khoa học xã hội, 1989, tr. 451), ngài tên là Khâm, Nhật Kim, là con trưởng của vua Trần Thánh tông. Ngài là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm. Năm 1293, nhường ngôi cho con trai, nhận tước vị Thượng hoàng và đi sâu nghiên cứu Phật học. Đầu đà là vi ngài tu theo hạnh đầu đà. [13] Theo Bắc Ninh địa dư chí (bản dịch, NXB Văn hoá thông tin, 1997), cụ Đỗ Trọng Vĩ hiệu là Khôi Hữu, sinh ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh (1829), người làng Đại Mão (nay thuộc xã Hoài Thượng TX Thuận Thành), đỗ Cử nhân khoa Gíáp Tý năm Tự Đức thứ 17 (1864), làm quan đến chức Án sát tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Cao Bằng. Khi Pháp xâm lược Bắc kỳ, cụ cáo bệnh về quê và được mời làm Đốc học Bắc Ninh. Khi Pháp chiếm đóng Hà Nội, cụ về ở ẩn tại chùa Hàm Long. Thời kỳ ở ẩn ở chùa Hàm Long (khoảng 1882- 1885), cụ Đỗ Trọng Vĩ trước tác được nhiều tác phẩm, trong đó có có cuốn Bắc Ninh dư địa chí. [14] Theo Nguyễn Đăng Thục (1972), Tín ngưỡng Việt Nam, NXB Hoa Đăng, Sài Gòn. [15] Nét đặc biệt trong cấu trúc tại khuôn viên chùa Bút Tháp là: toàn bộ khuôn viên chùa được bao bọc trong khu đất hình chữ vi ( 囗), nhưng bên trong có kết cấu thành 9 lớp (theo mặt bằng, tính từ ngoài vào): Tam quan, gác chuông, tiền đường, nhà dọc, chính điện, tích thiện am, nhà khách, nhà tổ, hậu đường,...) và theo phương thẳng đứng từ mặt nền lên cũng có 9 tầng, đó là toà Cửu phẩm liên hoa. [16] Gần đây, chúng tôi đến thăm chùa Đông Du (nay thuộc xã Đào Viên TX Quế Võ tỉnh Bắc Ninh), thấy có một pho tượng được đặt ở góc nhà tiền đường, nét mặt dữ dằn, đôi mắt trợn lên, tay phải cầm cái gậy gỗ có quấn vải xanh, giơ lên, tay trái nắm lại để hờ bên đùi. Hỏi vị trụ trì chùa, được biết đó là tượng ông thần canh oản. Tôi được đi nhièu chùa ở nhiều tỉnh miền Bắc, nhưng chưa thấy ở đâu có pho tượng như vậy. [17] Theo Viện Triết học (1991), “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” NXB Khoa học xã hội, tr. 31, Khương Tăng Hội (200-247) từng xuất gia tại Giao Châu, trở thành bậc thiền sư lỗi lạc ở đây rồi mới qua Trung Quốc truyền giáo. [18] Khâu Đà la: theo “Báo cực truyện” (dẫn theo “Lịch sử Phật giáo Việt nam”) thì ngài đến Luy Lâu vào thời Sĩ Nhiếp và ở nhà ông bà Tu Định làng Mãn Xá (nay thuộc phường Hà Mãn TX Thuận Thành). [19] Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?- 594): theo “Thiền uyển tập anh”, (Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu), NXB Văn học, 1990, tr.165: ngài trụ trì chùa Pháp Vân hương Cổ Châu huyện Long Biên (nay là khu phố Khương Tự phường Thanh Khương TX Thuận Thành), người miền Nam nước Thiên Trúc, dòng dõi Bà La môn. Tháng 3 năm Canh Tý niên hiệu Đại Tường nhà Hậu Chu (580), sang nước ta, trụ trì chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu). [20] Vô Ngôn Thông (?- 826): theo“Thiền uyển tập anh”, (sđd, tr.27), ngài trụ trì chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng huyện Tiên Du (nay thuộc quận Gia Lâm TP Hà Nội), họ Trịnh, vốn người Quảng Châu, thuở nhỏ, ham thích Phật học, bỏ gia sản đến thụ nghiệp tại chùa Song Lâm. [21] Thảo Đường: Theo “An Nam chí nguyên” (dẫn theo Lê Mạnh Thát, trong “Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh”, (NXB TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 628): Thảo Đường theo sự phụ đến sống khách ở Chiêm Thành. Vua Lý đi đánh Chiêm Thành, bắt được, đem cho vị Tăng lục làm đứa ở. Vị Tăng lục viết ngữ lục để trên án mà đi. Sư lẻn sửa lại. Vị Tăng lục lấy làm lạ về đứa ở, đem tâu vua. Vua bèn phong làm quốc sư”. [22] Vạn Hạnh: theo“Thiền uyển tập anh”, (sđd, tr.188), ngài trụ trì chùa Lục tổ hương Dịch Bảng phủ Thiên Đức (nay là phường Đình Bảng TP Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, gia đình mấy đời theo Phật. Thủo nhỏ thông minh khác thường, học thông Tam giao, đọc kỹ Bách gia, nhưng coi nhẹ công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia cùng Đạo Huệ theo học đạo với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ. [23] Tuệ Năng: Sư họ Lư(盧), người Tân Châu, sinh trong một gia đình nghèo. Cha sư làm quan bị giáng chức tới Tân Châu và định cư tại đây. Khi sư lên 3 tuổi thì cha mất, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, sư bỗng nhiên giác ngộ. Ngài là sơ tổ của Thiền tông Đông thổ. [24] Bồ đề đạt ma: người Ấn Độ. Ông được coi là người truyền bá và sáng lập ra Thiền học và Võ thuật tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. [25] Mục Kiền Liên: là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-ca Mâu-ni tại thế. [26] Ma ha Ca diếp: là 1 trong 10 môn đệ đầu tiên của đức Phật Thích ca, là sơ tổ của Phật giáo Ấn Độ. [27] Lý Thái tổ (974- 1028) : theo Thơ văn Lý Trần tập I, NXB Khoa học xã hội, 1977, tr. 227, ngài tên là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (nay là phường Đình Bảng TP từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), là người khai sáng vương triều Lý và có công đưa Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh vào thế kỷ XI. [28] Trần Thái tông (1218- 1277): theo Thơ văn Lý Trần tập II quyển thượng, NXB Khoa học xã hội, 1989, tr, 19, ngài tên là Trần Cảnh, là vị vua mở đầu cho vương triều Trần trên cơ sở chuyển tiếp từ triều Lý. Ngài có công lớn trong việc ổn định xã hội buổi đầu kiến lập vương triều và có trình độ Phật học uyên thâm. [29] Quốc sư Phù Vân: là vị tổ khai sơn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tư tưởng thiền học của ngài có ảnh hưởng rất lớn đến vua Trền Thái tông. [30] Nguyễn Hoàng (1525- 1613): Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, Quốc Chúa là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn. Ông quê ở xã Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, (nay thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người có công rất lớn trong việc phát triển Phật giáo ở các tỉnh Nam bộ đương thời. [31] Chuyết Công: (tức thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết thường được gọi là hòa thượng Chuyết công, tên tục là Lý Thiên Tộ, sanh năm 1590 tại Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, nước Trung Hoa. Thiền sư Viên Văn còn có pháp hiệu là Hải Trừng, thuộc phái thiền Lâm Tế đời 31, người có công truyền bá dòng Lâm Tế vào Việt Nam. Hiện có nhục thân thờ ở chùa Phật trích (Tiên Du, Bắc Ninh). [32] Chân Nguyên (1647- 1726): còn có pháp danh là Tuệ Đăng; là một thiền sư Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36; và là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời Trần ở Đàng Ngoài.
Bình luận (0)