Ngô Thị Hường Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Tóm tắt: Raxcolnicov là nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của đại văn hào người Nga Fyodor Mikhailovitch Dostoevsky (F. Dostoevsky).(1) Raxcolnicov là sinh viên năm hai trường Luật, thông minh, học giỏi, có tương lai đầy hứa hẹn và tươi sáng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân cộng tụ, Raxcolnicov đã giết chết người phụ nữ tên Aliona. Trước khi Raxcolnicov quyết định tự thú tội ác giết người với nhà nước để nhận lãnh hình phạt, độc giả thường bắt gặp hình ảnh Raxcolnicov bấn loạn, thẫn thờ, tuyệt vọng, vì anh ta luôn trong trạng thái mờ mịt, mơ hồ, không rõ điều gì đã thúc đẩy anh ta tạo tội ác. Bài viết nhằm làm sáng tỏ những nguyên nhân giết người của Raxcolnicov theo nguyên lý vận hành của “thức” trong Phật giáo. Từ khóa: Raxcolnicov, nguyên nhân giết người, thiện, ác, thức.

Dẫn nhập

Thức, hay tâm, tâm thức, nghiệp thức là một trong những khái niệm để chỉ đến cấu trúc tinh thần của con người trong Phật giáo. Phật giáo chủ trương rằng nếu không hiểu rõ quá trình tái cấu trúc thực tại của thức, con người sẽ không phân biệt, nhận định được đâu là thực tại đang diễn ra. Điều này được Phật giáo tóm lược như sau: “tâm không làm nên thế giới vật chất, nhưng từ tâm xuất sinh những phạm trù được trình hiện qua sự nhận biết và phân loại thế giới hiện tượng, và tâm làm việc này tròn trịa đến mức chúng ta nhầm lẫn cái hiểu của chính chúng ta về thế giới. Hiểu biết này là phóng ảnh từ lòng tham và tính nôn nóng, tính vị kỷ và thành kiến của chúng ta, là chướng ngại để ngăn chúng ta thấy được thực thể của chúng”.(2) Chính từ đây, con người sinh phân biệt, phối hợp thêm sự huân tập nên lầm tưởng bản thân là ngã thật có, thế giới vạn pháp là thật có. Thế nên, con người dấy khởi tham chấp, bám víu, dính mắc, phiền não, đau khổ, dẫn đến luân hồi sinh tử không ngừng dứt.(3)

Trong Tội ác và hình phạt, Raxcolnicov thực hiện tội ác giết người do nhiều nguyên nhân tác động và ảnh hưởng. Các nguyên nhân này sẽ được hiểu sâu rõ theo nguyên lý vận hành của các thức.

1. Thức và sự vận hành của các thức

Chữ Sanskrit (S.) của thức là vijñāna, ngôn ngữ Anh (E.) dịch là conciousness, nghĩa là biết/ cái biết khi giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng của giác quan đó (cảnh hoặc trần).(4)

Thức bao gồm tám: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức, ý thức, Mạt-na thức và A Lại Da Thức. Tám thức được giải thích như sau:(5)

+ Nhãn thức (S. caksurvijñāna; E. visual/eye consciousness): cái biết sinh ra khi mắt (nhãn căn) tiếp xúc với cảnh vật (sắc trần).

+ Nhĩ thức (S. śrotravijñāna; E. auditory/ear consciousness): cái biết sinh ra khi tai (nhĩ căn) tiếp xúc với âm thanh (thanh trần).

+ Tỷ thức (S. ghrānavijñāna; E. olfactory/nose consciousness): cái biết sinh ra khi mũi (tỷ căn) tiếp xúc với mùi (hương trần).

+ Thiệt thức (S. jihvāvijñāna; E. gustatory/ tongue consciousness): cái biết sinh ra khi lưỡi (thiệt căn) tiếp xúc với các thức ăn uống (vị trần).

+ Thân thức (S. kāyavijñāna; E. tactile/body consciousness): cái biết sinh ra khi thân thể (thân căn) chạm với vật (xúc trần).

Năm thức vừa nêu trên được gọi là tiền ngũ thức. Tiền ngũ thức chỉ là cái biết đơn thuần khi năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với các đối tượng tương ưng. Tiền ngũ thức không phân biệt đẹp xấu, đúng sai, ngon dở…

+ Ý thức (S. manovijñāna; E. mental consciousness): là cái biết sinh ra khi ý căn (Mạt- na thức) tiếp xúc với pháp trần(6) (S. dharma; E. all phenomena). Ý thức là trung tâm của tiến trình nhận thức và cảm giác. Ý thức có khi dựa vào tiền ngũ thức (ngũ câu ý thức) hoặc có khi hoạt động độc lập (độc đầu ý thức). Khi kết hợp với tiền ngũ thức, ý thức có khả năng biết sáng tỏ, rõ ràng về sự vật như chúng đang là. Song, do bị ảnh hưởng bởi định kiến, thiên kiến, suy lường, phán đoán, so sánh đã tồn tại trong tâm thức, ý thức chưa bao giờ tiếp nhận được sự vật đúng như thật. Khi hoạt động độc lập, tức không liên hệ với tiền ngũ thức, ý thức thường suy tư, suy luận, hồi tưởng, hoài nghi… biểu hiện qua các trạng thái: phân tán (tán vị ý thức), trong mộng (mộng trung ý thức), trong cơn điên loạn (loạn trung ý thức), trong định (định trung ý thức). Do vậy, ý thức có công năng giúp con người trở nên sáng suốt hoặc mê lầm.

+ Mạt-na thức/Mạt-na (S. klistamanas/ manas; E. defiled manas/afflicted mental consciousness): được gọi là “tư lương”, tức là luôn suy xét, so đo, tính toán. Mạt-na hoặc lưu thông tin ý thức nhận biết vào A Lại Da Thức hoặc xuất dữ kiện từ A Lại Da Thức ra để ý thức so sánh, nhận diện đối tượng. Mạt-na vừa là ý căn của ý thức, vừa nương tựa A Lại Da Thức. Do vậy, một mặt Mạt-na có thể làm nhiễm ô ý thức, khiến ý thức nhận định sai lầm về vạn pháp, dẫn đến huân tập thêm những chủng tử bất thiện vào A Lại Da. Mặt khác, Mạt-na bám chấp vào A Lại Da Thức, xem A Lại Da Thức là cái ngã riêng biệt, độc lập của nó. Ngay khi chấp chặt vào cái ngã, phiền não lập tức sinh khởi và các thức tiếp luân hồi sinh tử là hệ quả tất yếu.

+ A Lại Da Thức/A Lại Da (S. ālayavijñāna; E. storehouse/foundational consciousness) là thức thứ tám trong hệ thống tám thức và có nhiều tên gọi khác nhau.(7)

Gọi A Lại Da Thức là Tàng thức vì thức này có ba công năng: một là, A Lại Da Thức có công năng thu thập, dung chứa và bảo tồn (năng tàng) tất cả các hạt giống hay chủng tử thiện, ác đã, đang và sẽ được huân tập. Hai là, A Lại Da Thức cũng chính là các hạt giống (sở tàng). Vì A Lại Da Thức vừa là kho chứa (chủ thể), vừa là những hạt giống có trong kho (đối tượng), nên nói đến thức là nói đến chủ thể và đối tượng của thức. Công năng thứ ba của A Lại Da Thức là chứa đựng những luyến ái về cái ngã (ngã ái chấp tàng). Đây chính là mối liên hệ phức tạp và vi tế giữa A Lại Da Thức và Mạt-na thức như đã trình bày ở phần Mạt-na thức.

A Lại Da Thức còn được gọi là Dị-thục thức (S. vipāka) nhằm để chỉ kết quả sai khác của chủng tử/hạt giống trong A Lại Da Thức. Dị-thục có ba: dị thời nhi thục, dị loại nhi thục và biến dị nhi thục.(8) Điều này có nghĩa là hạt giống gieo vào A Lại Da Thức khi trổ quả sẽ khác thời điểm, khác tính chất ban đầu và biến đổi không ngừng. Như vậy, hạt giống đã gieo vào A Lại Da Thức, chắc chắn sẽ trổ quả, nhưng quả có tính chất “dị-thục”.

A Lại Da Thức là tài sản riêng biệt của mỗi cá nhân, được duy trì liên tục từ thời gian này đến thời gian khác, từ đời sống quá khứ đến hiện tại lẫn đời sống vị lai. Tuy vậy, các hạt giống trong A Lại Da Thức liên tục biến chuyển và thay đổi nên không có bản tâm nhận thức được toàn pháp giới.(9)

Để các thức phát huy tác dụng nhận thức, cần phải có đủ duyên cho từng thức.(10) Đồng thời, mỗi thức luôn có liên hệ với các thuộc tính của thức thông qua các hiện tượng tâm lý, sinh lý (căn), vật lý (cảnh), được gọi là tâm sở.(11)

Mặt khác, các thức liên hệ mật thiết với nhau, vừa là nhân - vừa là quả của nhau. Nhờ vậy, sự nhìn nhận sai lầm về ngã, về pháp hoàn toàn có khả năng tu tập và chuyển hóa.

2. Các nguyên nhân giết người của Raxcolnicov

2.1. Nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc Raxcolnicov giết bà Aliona vì Raxcolnicov muốn nhận diện rõ anh ta thuộc người thiện hay người ác. Trong giấc mơ năm bảy tuổi, hình ảnh đám đông và con ngựa bị giết khiến nội tâm Raxcolnicov bị phân hóa cực mạnh khi thấy hình ảnh của anh ta xuất hiện đồng thời trong các cặp phạm trù đối lập. Bên này là đám đông ngang nhiên hành động bạo lực, cổ xúy bạo lực; bên kia là đám đông bất lực trước bạo lực, chỉ biết phán xét kẻ bạo lực: “mày không phải là người có đạo”. Bên này là người chủ ngựa hung tợn, bạo ác dùng chày gỗ, thanh sắt giết chết con ngựa; bên kia là con ngựa yếu gầy, đáng thương. Bên này là người cha lạnh lùng ngăn chặn lòng trắc ẩn của Raxcolnicov; bên kia là cậu bé Raxcolnicov bảy tuổi thương xót con ngựa.(12)

Buổi sáng của cuộc hành quyết Streltsy, tranh của Vasily Ivanovich Surikov, vẽ năm 1881

Hệ thống tám thức giải thích việc Raxcolnicov hoang mang giữa hai luồng xúc cảm thiện - ác là kết quả vận động liên tục của hai loại chủng tử thiện và ác cùng tồn tại trong A Lại Da Thức của anh ta. Không có A Lại Da Thức nào dung chứa hoàn toàn chủng tử thiện hoặc hoàn toàn chủng tử ác. Do vậy, ngay sau khi giấc mơ kết thúc, Raxcolnicov vẫn không phân định anh ta là người thiện hay người ác. Bên này, Raxcolnicov vui mừng nhận ra những hình ảnh vừa trông thấy chỉ là giấc mơ; bên kia Raxcolnicov mưu toan dự tính: “ta sẽ lấy một cái rìu thật, sẽ bửa đôi sọ mụ ta ra, sẽ dẫm lên vũng máu nhớp nháp, nóng hầm hập của mụ”. Bên này, tâm hồn Raxcolnicov “thanh thoát và yên tĩnh” vì đã buông bỏ được ý niệm giết người; bên kia tâm trạng Raxcolnicov “nặng trĩu khủng khiếp” vì suy tính “chính xác như số học” kế hoạch giết người. Bên này, Raxcolnicov tha thiết cầu nguyện: “lạy Chúa, hãy chỉ đường cho tôi, tôi sẽ từ bỏ cái mơ ước đáng nguyền rủa ấy”; bên kia, Raxcolnicov quyết định dứt khoát phải giết bà Aliona vào bảy giờ ngày mai.(13)

Nguyên nhân thứ hai Raxcolnicov giết bà Aliona vì anh ta tin rằng giết bà Aliona là “tiền định, một chỉ thị của số mệnh”(14) sau khi xâu chuỗi các sự việc ngẫu nhiên xảy ra. Một là, Raxcolnicov bất ngờ được một sinh viên cho địa chỉ nhà bà Aliona để anh ta đến đó cầm cố vật dụng, và Raxcolnicov “đã có một cảm giác ghê tởm không sao nén nổi” ngay lần đầu tiên gặp mặt bà Aliona. Hai là, Raxcolnicov vừa nảy sinh ý định giết bà Aliona, anh ta liền nghe những người xung quanh lên án bà Aliona là người độc ác, vô ích, đáng chết. Ba là, mỗi khi Raxcolnicov muốn dừng lại việc giết bà Aliona, anh ta đều không thể kháng cự lại, “như thể có ai cầm tay chàng lôi đi một cách không sao cưỡng nổi, một cách mù quáng, với một sức mạnh siêu tự nhiên”. Những sự kiện ngẫu nhiên nhưng trùng khớp với dự tính giết bà Aliona của Raxcolnicov đến độ “trong thâm tâm chàng đã không tìm thấy những lời phản bác có ý thức nữa”.(15)

Hệ thống tám thức chỉ ra rằng cảm giác ghê tởm của Raxcolnicov ngay từ lần đầu gặp bà Aliona chính là quả hiện hành chủng tử ác trong A Lại Da Thức của anh ta trong đời sống quá khứ. Trong đời hiện tại, khi nhĩ thức tiếp nhận thêm những thông tin về Aliona, ý thức lập tức kết luận Aliona là đối tượng cần phải tiêu diệt do hàng loạt thông tin được Mạt-na thức truyền ra từ A Lại Da Thức hoàn toàn tương ưng với những điều ý thức đang phân định. Theo đó, ý thức của Raxcolnicov tin rằng giết một người ác như Aliona là việc làm chính nghĩa, cần thiết, có lợi cho tập thể. Mặt khác, việc nhiều người căm ghét Aliona chính là thượng duyên khiến Raxcolnicov càng muốn nhanh chóng giết Aliona. Điều này được giải thích là “chủng tử nghiệp báo tích chứa trong A Lại Da”(16) dễ dàng phát khởi khi được “hoàn cảnh chung quanh và xã hội chi phối làm trợ duyên”.(17) Ngoài ra, do Raxcolnicov ít tu tập thiện pháp, cả trong đời sống quá khứ cũng như đời sống hiện tại nên ý thức của Raxcolnicov không thể kháng cự lại sự chỉ đạo mạnh mẽ của Mạt-na thức khiến anh ta thường suy nghĩ đến việc giết người.(18)

Lý do thứ ba dự phần vào quyết định giết bà Aliona chính là Raxcolnicov muốn hiểu rõ năng lực thật sự của anh ta đến đâu. Trước hết, Raxcolnicov tưởng anh ta có lý trí và sức mạnh hơn người thường. Đối với mẹ và em gái, Raxcolnicov là tất cả niềm tự hào và hãnh diện. Họ tin Raxcolnicov có đủ năng lực trở thành một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất và sẽ đáp ứng tất cả ước muốn của họ.(19) Đối với bạn đồng học, Raxcolnicov là tấm gương đáng kính trong học tập. Những người bạn luôn ngưỡng mộ Raxcolnicov về trí thông minh, về trình độ, về tư tưởng.(20) Kế đến, Raxcolnicov nghĩ anh ta có khả năng thay Chúa tạo dựng xã hội tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Raxcolnicov không để những đứa trẻ sống lang thang ngoài, ăn xin, trộm cắp. Raxcolnicov tạo nghề nghiệp ổn định, chân chính cho những cô gái nghèo khó. Raxcolnicov tài trợ chữa bệnh cho những người già. Raxcolnicov cấp nhà cho những người vô gia cư.(21) Theo sự vận hành của tám thức, sự vị nể, thán phục của gia đình và xã hội dành cho Raxcolnicov đã gieo vào A Lại Da Thức của Raxcolnicov hạt giống kiêu căng, ngã mạn. Chính từ đấy, ý thức của Raxcolnicov có suy nghĩ sai lầm về chính bản thân anh ta, Raxcolnicov “tự đánh giá mình rất cao” đến độ “thà làm một việc gì tàn nhẫn chứ không chịu hé môi thổ lộ tâm tình bao giờ”.

2.2. Nguyên nhân khách quan

2.2.1. Hoàn cảnh gia đình Raxcolnicov

Tuy sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Chính thống giáo Nga,(24) nhưng Raxcolnicov không được chỉ bày phương pháp thực hành đức tin tôn giáo. Những hành xử không rõ ràng từ cha, từ mẹ, từ em gái, đã khiến Raxcolnicov hoài nghi sâu sắc về Phúc âm, về đức Chúa và tự tìm kiếm câu trả lời về cái ác cho anh ta.

Hình ảnh người cha, tuy đọc Phúc âm mỗi ngày nhưng không ứng dụng lời dạy từ Phúc âm khiến Raxcolnicov không hiểu được giá trị của Phúc âm đối với người có đạo. Người cha không những thờ ơ trước những hành động bạo lực mà còn không biết cách chỉ dạy Raxcolnicov nhận thức và xử lý những chuyện bất công. Khi Raxcolnicov thắc mắc vì sao những người say rượu hò hét, đánh nhau,(25) người cha đã giải thích đó là “trò nghịch nhảm, không việc gì đến ta”.(26) Thái độ vô tâm, né tránh của cha khiến Raxcolnicov chọn việc sống khép mình, cô độc để tư lự, đăm chiêu về lý do con người hành động ác.

Hành xử của mẹ, tuy là một tín đồ Chính thống giáo Nga nhiệt thành nhưng thiếu tình yêu thương, khiến Raxcolnicov không khỏi hoài nghi về pháp thực hành của tín đồ. Bà không những phớt lờ trước cảnh thương tâm còn ngăn cản cơ hội bày tỏ tình yêu thương của Raxcolnicov. Những khi Raxcolnicov bật khóc trước cảnh người chủ ngựa lấy roi giáng vào mõm, vào mắt con ngựa, bà vừa không phân tích đúng, sai cho Raxcolnicov hiểu, vừa ngăn cản Raxcolnicov tiếp xúc những hình ảnh bạo lực đó.(27) Thái độ sợ sệt của mẹ khiến Raxcolnicov ước mơ có sức mạnh để diệt trừ những kẻ sống bạo lực.

Xét theo hệ thống tám thức, nhiều đời sống trong quá khứ, trong A Lại Da Thức của Raxcolnicov đã có chủng tử hoài nghi về cái ác. Trong đời hiện tại, khi nhãn thức Raxcolnicov ghi nhận hình ảnh con ngựa bị đánh, nhờ những dữ liệu được Mạt-na thức truyền ra từ A Lại Da, ý thức của Raxcolnicov vừa xót thương cho con ngựa, vừa không phân định được hành động đánh con ngựa là thiện hay ác. Mặt khác, do không được cha mẹ giải thích, phân tích người có đạo nên làm gì và không nên làm gì trước cái ác, Raxcolnicov tiếp tục nghi ngờ những điều được dạy trong Phúc âm, nghi ngờ năng lực của Chúa. Đồng thời, Raxcolnicov cũng không có cơ hội huân tập chủng tử thiện do cha, mẹ không chỉ dạy cho anh ta thực hành Phúc âm. Do đó, Raxcolnicov vẫn mịt mờ trước thiện - ác.

2.2.2. Môi trường sinh hoạt của Raxcolnicov

Tại môi trường đại học, sự ngạo mạn trong Raxcolnicov trỗi lên mạnh mẽ khi anh ta tiếp xúc với tư tưởng chủ thuyết triết học được dạy:

Phần đông những vị ân nhân của loài người, những kẻ cầm cân nẩy mực cho xã hội đều là những kẻ khát máu ghê gớm. Không riêng gì những bậc vĩ nhân, mà ngay cả những người chỉ vượt lên trên mức bình thường một tí thôi cũng vậy, nghĩa là tất cả những người có thể nói lên một điều gì mới mới, thì do bản chất của mình, họ đều nhất thiết phải là những kẻ tội phạm, tất nhiên là nhiều hay ít còn tùy. Nếu không, họ sẽ khó lòng thoát ra khỏi vết bánh xe cũ, mà nằm yên trong vết cũ thì cũng do bản chất, họ sẽ không thể nào cam tâm được và theo tôi họ còn có bổn phận không được cam tâm nằm yên như thế.(28)

Theo giáo nghĩa hệ thống tám thức, ý thức của Raxcolnicov ham thích chủ trương của các chủ thuyết trên là do Mạt-na thức đã truyền đúng chủng tử “muốn khẳng định cái tôi” mà Raxcolnicov đã gieo vào A Lại Da Thức trước đó. Qua đó, Mạt-na thức mách bảo ý thức của Raxcolnicov bám chặt thêm tư kiến đầy thiên chấp của anh ta: “người phi thường có quyền tự cho phép lương tâm mình vượt qua một số trở lực nào đấy, họ sẽ không chùn bước dù có phải đổ máu, nếu như máu đó giúp họ hoàn thành ý đồ”. Sự truyền ra, đưa vào liên tục thông tin giữa A Lại Da và ý thức của Mạt-na thức những hình ảnh, biểu hiện của những người theo đuổi các chủ thuyết càng làm tăng trưởng thêm hạt giống ác trong A Lại Da Thức của Raxcolnicov, khiến ý thức Raxcolnicov sai lầm kết luận anh ta có quyền giết người để thực hiện ý tưởng của mình.(29)

Khi A Lại Da Thức đã được gieo thêm chủng tử “có quyền giết người”, ý thức của Raxcolnicov được củng cố hơn khi Raxcolnicov trực tiếp nghe chuyện giết người được bàn luận công khai trong giới trí thức và công quyền. Giữa quán nước đông người, người sinh viên ngang nhiên bày tỏ tư tưởng bất chính với người sĩ quan: “tớ sẵn lòng giết phăng mụ già kia để cướp lấy của cải và tớ cam đoan với cậu là lương tâm tớ sẽ không mảy may cắn rứt”.(30) Cuộc trao đổi đầy sôi nổi, hào hứng giữa hai người vô tình trùng khớp vấn đề Raxcolnicov đang trầm ngâm tư lự. Hơn thế nữa, họ còn tán thành chủ thuyết Raxcolnicov đang muốn thử nghiệm:

Hãy giết mụ ấy đi, và đoạt lấy số của ấy để suốt đời phụng sự nhân loại và sự nghiệp chung: cậu nghĩ sao, hàng nghìn việc thiện há lại chẳng chuộc được một tội ác cỏn con duy nhất ấy sao? Chỉ hy sinh một tính mạng mà cứu được hàng nghìn sinh linh ra khỏi cảnh thối nát và tan rã. Một cái chết đổi lấy hàng trăm cái sống - đúng là một vấn đề số học chứ gì nữa.(31)

Những âm thanh này tức khắc được gieo vào A Lại Da Thức, làm dày thêm nghiệp thức “tự tay giết mụ già” đã “mầm mống phôi thai”(32) trong A Lại Da Thức của Raxcolnicov.

Kế hoạch giết bà Aliona nhanh chóng được triển khai ngay khi Raxcolnicov nhận rõ thời cơ đã đến. Trong một sự tình cờ, “không cần phải làm việc gì mạo hiểm, không cần phải hỏi han và tìm tòi gì”, nhĩ thức Raxcolnicov biết được thông tin “bảy giờ tối mai, mụ chủ sẽ ở nhà một mình”. Ý thức lập tức quyết định tiến hành kế hoạch giết người vì Mạt- na thức đã chuyển dữ liệu trùng khớp ý thức: “mụ già mà mình định ám hại sẽ ở nhà một mình”.(33) Sự quyết định nhanh chóng của Raxcolnicov còn có sự đóng góp sau nhiều lần “duyệt thử” kế hoạch giết hại bà Aliona trước đó. Qua nhiều lần nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực sinh sống của bà Aliona, Raxcolnicov biết rất rõ môi trường nơi đây. Đó là khu nhà phức tạp với “nhiều gian nhỏ làm nơi trú ngụ cho đủ các hạng người: thợ may, thợ khóa, đầu bếp; ở đấy có những người Đức thuộc đủ các loại, những cô gái mãi dâm, những viên thư lại”.

Sân trước và sân sau của khu nhà luôn tấp nập người ra kẻ vào, khiến những người gác cổng không thể kiểm soát hay nhận diện hết từng người một; thang gác phụ dẫn lên nhà bà Aliona chật hẹp và tối tăm, đến nỗi “dù có con mắt tò mò nào dòm dõi cũng không ngại”. Hơn thế nữa, tầng nhà nơi bà Aliona hiện ở không còn hộ gia đình nào khác, những gian nhà trống lại được mở cửa sẵn giúp Raxcolnicov có thể ẩn núp nếu kế hoạch gặp bất trắc.(34) Những điều kiện thuận lợi khiến Raxcolnicov muốn hành động ngay, vì “ví thử chàng có chờ đợi cơ hội thuận tiện suốt mấy năm liền, thì cũng không thể trông mong một dịp nào tốt hơn để thực hiện ý định như cái dịp vừa hiện ra lúc này”.(35) Điều này có nghĩa, cảnh tượng bà Aliona phải chết đã đến rất gần.

Như thế, Raxcolnicov đã không thể thay đổi mưu đồ giết bà Aliona khi các điều kiện khách quan diễn ra đúng ý chủ quan của anh ta. Điều này được hệ thống tám thức lý giải rằng Raxcolnicov đã tìm kiếm bà Aliona trong một hoặc nhiều đời sống quá khứ để đoạt mạng bà nhưng nhân duyên chưa hội đủ. Đời sống hiện tiền là thời điểm chủng tử ác trong A Lại Da Thức của Raxcolnicov chín muồi và trổ quả. Chính vì vậy, mọi yếu tố khách quan đều được sắp đặt theo đúng mong muốn của Raxcolnicov, khiến anh ta “hài lòng” và mạnh dạn thực hiện tội ác.

Kết luận

Quyết định giết bà Aliona của Raxcolnicov là hệ quả cộng hưởng nhiều yếu tố, chủ quan lẫn khách quan. Không thể xác định nguyên nhân đầu tiên và duy nhất khi tội ác diễn ra.

Trước khi giết bà Aliona, Raxcolnicov chưa một lúc nào thoát khỏi sự giày vò, giằng xé giữa ranh giới thiện - ác. Theo Phật giáo, đó chính là sự vận hành đồng thời hai phần thiện - ác trong A Lại Da Thức của bất kỳ cá thể người. Hạt giống ác, một khi đã được gieo trồng vào A Lại Da, nhất định sẽ trổ quả. Tội ác chính là kết quả cái ác trong A Lại Da Thức đã đến thời điểm chín muồi. Can đảm thừa nhận, đối diện, chuyển hóa cái ác trong A Lại Da Thức để bước vào đời sống thiện lành chính là đặc quyền trên và trước nhất của mỗi người.

Ngô Thị Hường Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Fyodor Mikhailovitch Dostoevsky sinh năm 1821 và mất 1881. Trong sự nghiệp sáng tác, F. Dostoevsky đã góp phần vào nền văn học Nga nói riêng và văn học thế giới nói chung những tác phẩm nổi tiếng như Bút ký dưới hầm, Tội ác và hình phạt, Chàng ngốc, Lũ người quỷ ác, Anh em nhà Karamazov …F. Dostoevsky được thế giới tôn vinh là đại văn hào, nhà tâm lý, triết gia. (2) Thích Nhuận Châu (biên dịch) (2008), Du-già hành tông - Yogācāca, Nxb. Văn hóa Sài gòn, tr. 39. (3) Luận thuyết này cũng nhằm lý giải sự xuất hiện và tồn tại của thế giới. (4) Tuệ Nhuận (dịch) (1951), Duy thức tam thập luận tụng, Nxb. Bồ Đề Tân Thanh, tr. 5-6. (5) Phần định nghĩa các thức được trích dẫn trong Thích Nhuận Châu (biên dịch) (2008), Du-già hành tông - Yogācāca, Nxb. Văn hóa Sài gòn, tr. 42-47. (6) Pháp trần là tất cả những bóng ảnh của năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đã được lưu lại trong tâm thức trước đó. (7) A-lai-da thức còn được gọi là Tàng thức, Dị-thục thức, Tạng thức, Nhất-thiết-chủng thức, Căn bản thức, A-đà-na thức. (8) Thích Quảng Liên (dịch) (1972), Duy thức học, Nxb. Tu viện Quảng Đức, tr. 79. (9) Thích Nhuận Châu (biên dịch) (2008), Du-già hành tông - Yogācāca, Nxb. Văn hóa Sài gòn, tr. 46. (10) Thích Quảng Liên (dịch) (1972), Duy thức học, Nxb. Tu viện Quảng Đức, tr. 109-111. (11) Sđd., tr. 83-86. (12) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 79-82. (13) Sđd., tr. 83-86. (14) Sđd., tr. 92. (15) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 88-97. (16) Thích Quảng Liên (dịch) (1972), Duy thức học, Nxb. Tu viện Quảng Đức, tr. 118. (17) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 106. (18) Sđd., tr. 41. (19)Sđd., tr. 43 & tr. 677. (20) Sđd., tr. 71. (21) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 432-433. (22) Sđd., tr. 280. (23) Sđd., tr. 279. (24) Từ nhỏ, Raxcolnicov đã được cha mẹ dạy cầu nguyện, dạy về Phúc âm, về Chúa nhân từ. (25) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 76. (26) Sđd., tr. 82. (27) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội tr. 78. (28) Sđd., tr. 339. (29) Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 338-340. (31) Sđd, tr. 90. (30) Sđd., tr. 91. (31) Sđd., tr. 92. (32) )Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 86. (34) Sđd., tr. 10-11. (35) Sđd., tr. 86.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Berdyaev, N., (1957), Dostoevsky, (trans.) Attwater, D., Meridian Books. Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội. Grossman, L., (1998), Đôxtôépxki Cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb. Văn hóa. Thích Nhuận Châu (biên dịch) (2008), Du-già hành tông - Yogācāca, Nxb. Văn hóa Sài gòn. Thích Quảng Liên (dịch) (1972), Duy thức học, Nxb. Tu viện Quảng Đức Tuệ Nhuận (dịch) (1951), Duy thức tam thập luận tụng, Nxb. Bồ Đề Tân Thanh.