Chiều ngày 29/12/2023, tại trụ sở Phân viện NCPHVN tại Hà Nội (Phân viện), phái đoàn trường Đại học Tây Lai - University of the west (UWest), Hoa Kỳ đến thăm và làm việc với Phân viện, Tạp chí NCPH.
Bà Tạ Minh Hoa, Hiệu trưởng Đại học Tây Lai, Hoa Kỳ làm trưởng đoàn cùng HT. Thích Nhựt Huệ, trụ trì Chùa Duyên Giác (Hoa Kỳ), TT.Thích Thiện Trí và Tiến sĩ Miroj Shakya, Giảng viên của Trường. Đón tiếp phái đoàn có Thượng tọa Thích Vân Phong, cư sĩ Giới Minh - Chánh VP Phân viện NCPHVN tại Hà Nội, Trưởng BBT Tạp chí NCPH cùng chư tăng, cư sĩ cán bộ Phân viện.
Tại buổi gặp mặt, bà Tạ Minh Hoa đã giới thiệu về các Chương trình đào tạo của Trường Đại học Tây Lai và chia sẻ những thông tin trao đổi cởi mở, thân tình. Theo đó, bà là người Việt Nam đầu tiên và là nữ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tây Lai. Trường có quy mô nhỏ chỉ tuyển mỗi năm khoảng 500 sinh viên, một lớp có từ 6-10 sinh viên và là một trong những trường có học phí thấp nhất khối các trường tư lập ở Hoa Kỳ. Bà còn chia sẻ rất vui, vì quy mô nhỏ nên tất cả các giảng viên, cán bộ nhân viên của trường đều thuộc tên toàn bộ sinh viên trong trường.
Trường có số sinh viên đến từ 44 quốc gia, trong đó có tăng, ni sinh đến từ các nước như: Trung Quốc, Sri Lanka, Việt Nam…
“Chủ trương của Hòa thượng Tinh Vân đó là Giáo dục rất quan trọng, phải có giáo dục mới phát triển được Phật học, bởi vậy nên Hòa thượng Tinh Vân thành lập trường học trước sau đó mới thành lập Phật Quang Sơn. Hòa thượng đề cao tinh thần Phật giáo nhập thế, phục sự chúng sinh và nhấn mạnh về lòng từ bi và hòa bình. Phát triển Phật học để bảo vệ môi trường sống, ứng dụng giáo lý đạo Phật để tránh khỏi chiến tranh”, bà Minh Hoa chia sẻ thêm.
Trường Đại học Tây Lai do Đại sư Tinh Vân (1927-2023) sáng lập năm 1990 và khai giảng vào năm 1991. Trường Đại học này là sự hợp tác liên thông giữa Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Hoa Kỳ, các chương trình của Trường đều được Chính quyền Hoa Kỳ cấp phép và thuộc hệ thống Giáo dục Đại học của Hoa Kỳ..
Các cấp đào tạo của trường gồm các hệ từ Cư nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Đặc biệt lớp Thạc sĩ và Tiến sĩ có thêm ngành Tôn giáo học và Phật học. Tăng, ni sinh học được cấp học bổng ở các mức độ khác nhau và sự hỗ trợ, tài trợ một phần từ tổ chức Phật Quang Sơn.
Cư sĩ Giới Minh đã chia sẻ về công tác học thuật, nghiên cứu của GHPGVN nói chung và của Phân viện nói riêng tới phái đoàn Đại học Tây Lai. Hy vọng sẽ có sự hợp tác giữa Phân viện và trường Đại học Tây Lai để công tác nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực tôn giáo ngày càng có hiệu quả, qua đó bắc nhịp cầu để cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam có thể nhận được học bổng và được học tập tại Trường Đại học Tây Lai.
Vân Tuyền
Bình luận (0)