Tác giả: Nguyễn Quang Khải Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

Tóm tắt: Từ Nương được một số thư tịch cổ chép là chị gái Từ Đạo Hạnh, có công giúp em trai mình trừ khử Giác Hoàng. Bà được thờ ở chùa Thưa/Xưa và được triều Nguyễn ban sắc. Từ hiện tượng thờ phụng Từ Nương, có thể thấy tín ngưỡng thờ tự của người Việt trong lịch sử là vấn đề cần đi sâu nghiên cứu để góp phần lý giải đặc điểm tâm lý và tư duy của người Việt trong lịch sử. Từ khoá: Từ Nương, tín ngưỡng thờ tự, tư duy.

Tìm hiểu truyền thống tư duy, đặc điểm tư duy của một người, một cộng đồng hay một dân tộc trong các giai đoạn lịch sử, có nhiều cách khác nhau. Có thể từ những trước tác, từ kinh nghiệm sản xuất, canh tác, từ cách xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng, từ truyền thống chống giặc ngoại xâm, từ tín ngưỡng thờ tự các anh hùng dân tộc, những người có công với làng xã, những bậc sinh thành,... Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, trong bài này, chúng tôi xin bày tỏ một số suy nghĩ về tín ngưỡng thờ từ của người dân Việt, từ đó có một vài suy nghĩ về đặc điểm tư duy của người dân Việt, nhân tìm hiểu hiện tượng thờ bà Từ Nương (chị gái Từ Đạo Hạnh) nhằm mong muốn góp một tiếng nói nho nhỏ về một khía cạnh nho nhỏ trong truyền thống tư duy của người dân Việt trong lịch sử.

Chùa Thầy (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang

1. Từ Nương là ai?

So với nhiều người phụ nữ được người dân Việt Nam thờ tự (như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Chiêu Hoàng,…), hành trạng Từ Nương không có gì nổi bật và cũng rất ít nơi thờ. Cho đến nay, chúng ta mới chỉ biết có chùa Xưa/Thưa ở Hà Nội thờ bà với cơ sở thờ tự rất khiêm tốn. Vậy Từ Nương là ai?

Một vài thư tịch cổ có ghi chép về bà, nhưng rất sơ lược. Sách Việt sử lược (khuyết danh) có đoạn chép về Giác Hoàng và Từ Đạo Hạnh, có nhắc đến Từ Nương như sau:

“Tháng 2 năm Nhâm Thìn, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3 (1112), người Thanh Hoá nói rằng ở ven biển có đứa bé lạ, tuổi mới lên ba, ai nói gì cũng hiểu, tự xưng chính là con vua, hiệu là Giác Hoàng (nghĩa là Phật). Phàm vua làm việc gì, nó đều biết trước cả. Vua sai trung sứ đến hỏi nó, thấy những điều nó nói đều đúng, bèn đón về ở tại chùa Báo Thiên. Vua thấy nó linh dị, càng yêu lắm. Bấy giờ vua không có người kế tự, toan lập nó làm thái tử, quần thần cho là không nên, vua bèn thôi. Vua mới sai bày trai bàn ở trong cấm đình, sai Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Có vị sư tên là Từ Lộ (hiệu là) Đạo Hạnh ở núi Phật Tích nghe tin đó, không bằng lòng, bảo với chị là Từ Thị đi dự hội, ngầm đưa vài hạt châu đã làm phép, nói rằng: “Khi tới cuộc hội sẽ đem giắt vào mái nhà, đừng để cho ai thấy biết”. Từ Thị làm như lời sư dặn. Giác Hoàng bỗng nhiên mắc bệnh sốt, nói với người ta rằng: thấy khắp nơi trong nước đều chăng lưới sắt, không có đường để vào thác sinh ở trong cung. Vua sai tìm kiếm khắp nơi bắt được mấy hạt châu của Từ Thị giấu, bèn bắt Từ Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, toan bắt tội chết”(1).

Sách “Thiền uyển tập anh” chép về Từ Đạo Hạnh cũng có nội dung tương tự, nhưng tiểu tiết có khác một chút:

“Bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), ở phủ Thanh Hoá có người tâu: “Vùng bờ biển Sa Đinh có một đứa trẻ con linh dị, mới lên 3 tuổi mà nói năng biện giải như người lớn, xưng là con đích của vua, tự đặt hiệu là Giác Hoàng. Phàm mọi việc làm của hoàng thượng, không điều gì đứa bé ấy không biết. Vua sai trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường, vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can ngăn vua không nên làm như vậy. Các quan lại nói: nếu đứa bé ấy quả thật linh dị, tất nên thác sinh vào nội cung rồi sau mới lập làm thái tử được. Vua nghe theo, bèn cho mở hội lớn 7 ngày đêm để làm phép thác thai. Sư (Đạo Hạnh) nghe chuyện tự nghĩ: “Đứa bé này dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi người, ta nỡ nào ngồi nhìn để nó lừa dối, làm loạn chính pháp”. Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi hạt do sư đã kết ấn treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ 3 thì Giác Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: “Ta đã đi khắp quanh hoàng thành, nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt vào bằng cách nào”. Vua ngờ sư (Đạo Hạnh) làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận. Quan quân bèn bắt sư trói đem đến lầu Hưng Thánh để triều thần định tội…"(2).

Còn sách “Việt điện u linh”(3), trong truyện “Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh” ở phần Phụ lục không thấy nói đến câu chuyện về Giác Hoàng và người chị gái của Từ Lộ.

Tư liệu “Lý Thần Tông ký” được thành viên của nhóm “Hội thảo chùa Xưa” đưa lên Zalo, thì ghi chép về việc này như sau:

… “Lại nói đến cái xác chết của Đại Điên, cứ xuôi theo dòng chảy đến giữa sông, thẳng đến làng Trường An thì dạt vào bãi cát có tên là Hoàn Loan (vịnh Hoàn), thì xác chết tuy tan ra, nhưng tinh phách vẫn còn, rồi hóa nhập vào lá và vỏ cây cau ở đó, lá rụng xuống thấy xuất hiện một đứa bé. Đứa bé đã có thể tự nói chuyện, tự xưng là Giác Hoàng, Nhớ được thân bản lai, muốn trả nhân duyên kiếp trước, nên cầu làm con vua, mang họ Lý.

“Vua Lý Nhân Tông không có con, nhiều lần đi cầu mà không ứng nghiệm. Vua thấy đứa bé linh dị, bèn cho lập pháp hội để cầu. Đạo Hạnh nghe biết, liền bảo rằng: “Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối chính pháp hay sao. Đại Điên muốn thác vào trong cung để sau này làm hại ta ư, ngươi chẳng phải đã được nguyện lực rồi sao?

“Rồi nhân đó bèn sai chị là Từ Thị, tức Bản Thị Đô phụng nữ(4), giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do Sư kết ấn, treo trên mái diềm. Hội đến ngày thứ ba thì Giác Hoàng nhuốm bệnh, nói với mọi người rằng: “Đầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào, ta đã bị người yểm rồi, ta phải chết thôi”. Vua rơi nước mắt khóc lóc rất thương xót, hối tiếc bảo rằng: “Việc này hẳn có kẻ yểm bùa phản nghịch ta”. Rồi ra lệnh cho mọi người đi kiểm tra khắp trong ngoài, lục soát các xứ đạo tràng, thì quả nhiên tìm được mấy hạt châu kết thành một chuỗi đặt ở chỗ khuất trên rèm. Vua cho tra hỏi người túc trực ở chỗ này là ai, xét hỏi thì được biết đó là do Từ Nương được phân túc trực ở đó. Thẩm xét người đàn bà này, thì bà ta tự xưng có người em là tăng Đạo Hạnh đã bảo bà đi đặt những hạt châu này, nhưng bà không biết việc này [là do Đạo Hạnh bày ra]. Vua liền ra lệnh cho bắt ngay Đạo Hạnh bỏ lên xe đưa đến giam ở lầu Hưng Thánh để đợi xét tội”.

Từ ba tư liệu kể trên, chúng biết được Từ Nương là chị gái Từ Đạo Hạnh, làm việc trong cung thời vua Lý Nhân Tông.

2. Tín ngưỡng thờ tự Từ Nương

Từ Nương được thờ tại chùa Thưa/ Xưa vốn thuộc làng Yên Lãng tổng Yên Hạ huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông. Nhưng chùa cũ đã không còn từ lâu. Nay được dựng lại như một cái am nhỏ. Ở đó hiện có hoành phi, câu đối, tượng và vẫn thường xuyên có người đến thắp hương thờ cúng.

Theo bản kê khai thần tích thần sắc của lý dịch làng Yên Lãng tổng Yên Hạ huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông vào khoảng năm 1939 có ghi về chùa Sưa như sau: “Cổ Sơn tự tục gọi là chùa Sưa, là nơi thờ chị ruột đức Từ Đạo Hạnh đời nhà Lý Nhân Tôn. Bà ấy có công giúp việc trọng sự trong cung thất nhà vua.

“Cho nên đến năm Khải Định thứ 9 (1924 có lục ra mới có sắc phong. Chùa ấy bây giờ không còn, chỉ thờ bằng bệ mà thôi” (tr.908).

Tôn tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

2.1. Sắc phong

Trong bản kê khai trên, người khai chỉ kê có một đạo sắc phong có nội dung sau đây:

敕河東省環龍縣安朗總上村北甲奉亊俆娘尊神謢國庇民念著靈應肆今正値朕四旬大慶節經頒宝詔覃恩禮隆登秩著封为貞婉翊保中興尊神凖其奉亊神其相佑保我梨民欽哉. 啓定九年七月二十五日

Phiên âm:

Sắc: Hà Đông tỉnh Hoàn Long huyện An Lãng tổng Thượng thôn Bắc giáp phụng sự Từ Nương tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng tứ kim chính trực, trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật, trứ phong vi Trinh Uyển Dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Tạm dịch:

Sắc cho giáp Bắc thôn Thượng tổng An Lãng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông được phụng sự Từ Nương tôn thần vì có công giúp nước cứu dân thường thấy rất linh ứng. Nhân lễ đại khánh trẫm 40 tuổi, đã từng ban chiếu báu, từng được ban phẩm trật long trọng. Nay ban sắc phong là: Trinh Uyển Dực bảo Trung hưng tôn thần, chuẩn cho giáp đó được phụng sự thần để cùng bảo vệ dân ta. Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

2.2. Hoành phi, câu đối ở chùa Thưa/ Sưa

Hoành phi: 古山禪寺; 觧脫門

Câu đối:

1- 導師說法度人無量無数憶

正敎弘開済世大雄大慈悲

2- 十號全彰破暗度迷天上日

三身圓満開權顯實聖中王

Phiên âm:

Cổ Sơn thiền tự; Giải thoát môn

1- Đạo sư thuyết pháp độ nhân, vô lượng, vô số ức

- Chính giáo hoằng khai tế thế, đại hùng, đại từ bi

2- Thập hiệu toàn chương, phá ám, độ mê thiên thượng nhật

- Tam thân viên mãn, khai quyền hiển thực thánh trung vương

Dịch nghĩa:

Hoành phi: Chùa Cổ Sơn; cửa giải thoát Câu đối:

1- Thầy giỏi thuyết pháp độ nhân, công lao không sao kể hết,

- Chính giáo rộng mở giúp đời, rất mạnh cũng rất từ bi.

2- Mười hiệu huy hoàng, phá u ám, giúp kẻ mê như mặt trời rực rỡ

- Ba thân viên mãn, quyền uy hiển hiện, bậc Thánh của các vua.

3. Một vài suy nghĩ về tín ngưỡng thờ tự của người dân Việt

3.1. Từ hiện tượng thờ tự Từ Nương và tín ngưỡng thờ tự của các làng, suy nghĩ về tín ngưỡng thờ tự của người dân Việt trong lịch sử

Chúng tôi quan niệm rằng, tín ngưỡng thờ tự Từ Nương vừa mang có nét riêng vừa có nét chung, phản ánh đặc điểm của tư duy của người dân Việt. Nét riêng ở đây là người dân thờ một người phụ nữ có địa vị bình thường trong xã hội, nhưng có công góp phần trừ hoạ cho triều đình khi bà giúp Từ Đạo Hạnh trừ khử thành công việc đầu thai làm hoàng tử để thực hiện âm mưu ám muội của Giác Hoàng. Còn nét chung là, đối với người dân Việt, ai có công đức với dân, với đất nước đều được dân làng thờ tự, bất kể nguồn gốc người đó như thế nào. Tìm hiểu tín ngưỡng thờ tự tại các làng ở vùng Bắc Ninh, chúng tôi thấy, nhiều làng thờ những nhân vật người Trung Quốc, như: Triệu Đà, Sĩ Nhiếp, Cao Biền, Đào Hoàng,… Có làng thờ người gắp phân,… Có làng thờ các lực lượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp,… Điều đó, cho chúng ta biết, trong dân gian, người dân không phân biệt chức tước, phẩm hàm, nguồn gốc xuất thân của người được thờ mà cứ ai có công đối với làng, có ân tình đối dân làng, có công giúp dân làng trong việc cày cấy,… là được người dân phụng thờ. Điều đó phản ánh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với dân làng của người Việt.

3.2. Để sớm đạt được mục đích tuyên truyền, trong dân gian có truyền thống ly kỳ hoá, huyền thoại hoá một số hoạt động, ly kỳ hoá hành trạng của những nhân vật có uy tín. Những huyền thoại về Từ Vinh, Từ Đạo Hạnh, về Đại Điên, về Nguyễn Minh Không,… một mặt có tác dụng tô đậm tính ly kỳ trong hành trạng của các vị đó, mặt khác, làm tăng cường sức hấp dẫn của Đạo giáo, Phật giáo mà với tư duy của người dân đương thời, hành trạng của những nhân vật đó cứ lung linh huyền bí nửa thực, nửa ảo, lại là đối tượng tạo ra cảm hứng cần tìm hiểu. Mặt khác, từ những câu chuyện được tuyên truyền bằng miệng không ngừng được ky kỳ hoá với những tình tiết càng về sau, càng xa thực tế, lại càng kích thích tính tò mò của người muốn tìm hiểu. Đây có lẽ là một trong những đặc điểm tư duy của dân gian Việt Nam thời xa xưa.

3.3. Khai thác triệt để đặc điểm tư duy này trong dân gian, Các hoàng đế nhà Nguyễn (từ Minh Mệnh trở đi) có chủ trương phổ cập hoá tín ngưỡng thờ Thành hoàng cho tất cả các làng và tỏ ra rất hào phóng trong việc gia phong mỹ tự cho những vị Thành hoàng được các làng thờ tự. Việc làm đó tạo ra hiệu quả kép: về phía làng xã sẽ rất hành diện vì làng mình có vị Thành hoàng được các triều đại ban nhiều sắc chỉ, còn về phía triều đình thì kích thích được tâm lý tự hào và tình cảm của thần dân đối với những vị thiên thần và nhân thần có công “hộ quốc tý dân”, từ đó có thể kích thích tinh thần xả thân phò vua, báo quốc của thần dân.

Tóm lại, từ hiện tượng thờ phụng bà Từ Nương ở chùa Thưa/Xưa, chúng tôi thấy đây cũng là nguồn tư liệu để đi sâu tìm hiểu đặc điểm trong tín ngưỡng thờ tự của người dân Việt trong lịch sử. Từ đó giúp chúng ta có cơ sở tìm hiểu các khía canh khác nhau của đặc điểm tư duy dân gian, có thể giúp người nghiên cứu khám phá ra nhiều điều mới mẻ mà do thời gian, chúng đã bị khuất lấp, bị ẩn đi. Tìm hiểu đặc điểm tư duy của người dân trong lịch sử có thể góp phần tìm ra cái mạnh cái yếu của dân mình để khắc phục mặt hạn chế và phát huy mặt khả thủ để mà phát triển mạnh mẽ hơn.

Tác giả: Nguyễn Quang Khải Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: - Việt sử lược (khuyết danh), Trần Quốc Vượng dịch, NXB Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, 2005; - Khuyết danh, Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga dịch và thú thích, NXB Văn học; 1990, tr. 201- 202. - Lý Tế xuyên, Việt điện u linh (Đinh Gia Khánh dịch), NXB Văn học, 1972; - Tư liệu khảo sát của nhóm Hội thảo chùa Thưa/Xưa. CHÚ THÍCH: (1). Việt sử lược (khuyết danh), Trần Quốc Vượng dịch, NXB Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, 2005, tr.112-113. (2) Khuyết danh, Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga dịch và thú thích, NXB Văn học, 1990, tr. 201- 202. (3) Lý Tế xuyên, Việt điện u linh (Đinh Gia Khánh dịch), NXB Văn học, 1972, (tr. 142-149). (4) Đô phụng nữ: Người quản lý các thị tì trong cung (chú của người dịch).