Bằng sự tỉ mẩn, cẩn trọng, chuẩn xác, Thầy Thích Tâm Nhãn, Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam (hiện đang nghiên cứu ở chùa Long Sơn, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lật giở cho chúng tôi xem từng trang tư liệu quý hiếm do chính các nhà xuất bản lớn của Trung Quốc phát hành đều khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa hoàn toàn không dính dáng gì đến Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Minh chứng rõ ràng

Là bậc chân tu với vốn hiểu biết sâu rộng về Phật giáo song Thầy Thích Tâm Nhãn luôn trăn trở, khát khao kiến giải về chủ quyền của Hoàng Sa - Trường Sa. Ông đã dày công sang tận Trung Quốc và đi khắp nơi để thu thập tư liệu về vấn đề này.

Trong kho tư liệu ấy, tập sách dày nhất là cuốn Trung Quốc lịch sử đại từ điển được Nhà xuất bản Thượng Hải phát hành rộng rãi ở Trung Quốc vào tháng 3-2000. Cuốn sách này được rất nhiều người Trung Quốc tiếp cận và tìm đọc vì đó là công trình rất công phu, bài bản; sau đó còn được tái bản nhiều lần. Cuốn sách dày gần 4.000 trang do các học giả nổi tiếng của Trung Quốc như: Trịnh Thiên Đỉnh, Ngô Trạch, Dương Chí Cửu làm chủ biên. Cuốn sách là minh chứng hùng hồn, chuẩn xác, thuyết phục nhất về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Hàng loạt bản đồ in rõ ràng trong cuốn sách từ triều đại nhà Hạ, nhà Thương, nhà Xuân Thu, nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Minh… cho đến tận nhà Thanh đều thể hiện rõ ràng đất nước Trung Quốc hoàn toàn không có Trường Sa - Hoàng Sa. Hai quần đảo này thuộc về phía Việt Nam.

Cuốn sách “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” và nhiều tài liệu khác của sư thầy Thích Tâm Nhãn đều cho thấy Trường Sa - Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc.

Thầy Thích Tâm Nhãn khẳng định: “Các tài liệu Trung Quốc in trong thời gian gần đây, kể cả bản đồ họ tự vẽ lại rồi cho rằng Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của họ là hết sức phi lý, ngộ nhận. Một số người còn ngạo ngược cho rằng cuốn Trung Quốc lịch sử đại từ điển do Đài Loan soạn thảo là vô căn cứ, phản khoa học vì tất cả kí tự, ngôn ngữ trong cuốn sách này đều được thể hiện bằng chữ Hán giản thể.

Cách viết này được Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giản hóa từ chữ Hán phồn thể nhằm tăng tỷ lệ biết chữ và đơn giản hóa cách viết chữ Hán, trong khi đó Đài Loan chủ yếu chỉ dùng chữ Hán phồn thể. Tôi tiếp cận tài liệu nhiều nước trên thế giới và trao đổi với nhiều học giả càng thấy sự ngụy biện khi chối bỏ những bằng chứng rõ ràng đã được in trong sách phát hành hợp pháp trên chính đất nước họ”.

Hun đúc khối đoàn kết thiêng liêng

Thầy tâm sự: “Chúng ta đã mất mát, hy sinh nhiều để giữ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi mùa xuân đến, chúng tôi đều hướng về Hoàng Sa - Trường Sa, cầu siêu cho linh hồn những chiến sĩ đã ngã xuống. Đất nước chúng ta là một thể thống nhất, phải hun đúc được khối đại đoàn kết thiêng liêng của toàn dân tộc. Đó chính là sức mạnh, là đạo nghĩa, là căn cơ để vượt qua mọi thách thức, mọi sự xâm lấn. Ngoài những giờ dành cho Phật pháp, chúng tôi vẫn khuyên nhiều thí chủ phải sống bằng yêu thương và tình đoàn kết bền chặt, phải tin tưởng và bảo vệ chủ quyền đất nước”.

“Đã là lịch sử đi sâu vào lòng người thì không bóp méo được. Chúng ta có những bằng chứng, những căn cứ không thể chối cãi. Nhiều học giả lớn trên thế giới cũng đã công nhận điều này. Tổ quốc luôn toàn vẹn trong tim mỗi người, điều này sẽ góp phần làm thất bại những ý đồ đen tối của kẻ xấu”.

Thầy Thích Tâm Nhãn giở từng trang trong cuốn sách Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ. Đây cũng là một minh chứng thuyết phục về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của nước ta. Cuốn sách được xuất bản công khai tại Trung Quốc năm 1960, được nghiên cứu, soạn thảo rất công phu, địa giới chủ quyền của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Tác giả: Hà Văn Đạo Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017