Việc nhận thức tu sĩ như một “nghề kiếm sống” của một số người là không phù hợp với quan điểm của Phật giáo. Nó làm ảnh hưởng đến con đường lý tưởng của những người tu theo đạo Phật và tác động xấu đến suy nghĩ của thế hệ học đạo, tín đồ của Phật giáo. Không thể so sánh “nghề nghiệp” với “lý tưởng tu hành của Phật giáo” là sự đồng đẳng, gây ngộ nhận cho người khác về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của tu sĩ trong sứ mệnh hoằng dương chính pháp.
Tác giả: TT TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM
Tóm tắt: “Ruộng bề bề không bằng cái nghề trong tay”, là một thành ngữ dân gian của người Việt rất hay và có giá trị xuyên suốt đối với con người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó phản ánh một tầm nhìn, lối sống của chúng ta về con đường mưu sinh phía trước bằng sự trao dồi kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ, nghề nghiệp cho bản thân, hơn là sự nương tựa, ỷ lại vào khối tài sản sẵn có được tích góp để lại của tổ tiên, ông bà, dòng họ.
Vì vậy, sự lựa chọn nghề nghiệp ngày nay đã trở thành quan niệm sống của mọi người trước khi bước chân vào cuộc sống mưu sinh. Tuy nhiên, đối với giới tu sĩ Phật giáo, đi tu có phải là một nghề kiếm sống, như suy nghĩ của một số người hiện nay?
Bài viết tập trung trình bày: Nghề nghiệp là gì? Nhận thức chưa đúng về lý tưởng của tu sĩ Phật giáo. Mục đích bài viết thể hiện sự nhận thức đúng hơn về vai trò, nhiệm vụ của tu sĩ Phật giáo, cũng như một số ngộ nhận về tu sĩ, là nguyên nhân của quan niệm sai về người tu sĩ Phật giáo hiện nay.
Từ khoá: Nghề nghiệp, nghề kiếm sống, đi tu không phải là một nghề.
Trong cuộc sống nhộn nhịp, hối hả của xã hội hiện đại, khiến tâm trạng con người luôn luôn trong trạng thái lo lắng mỗi khi nhìn vào hoá đơn chi phí hằng tháng với đủ loại tiền như: Tiền điện, nước, tiền thuê nhà, tiền học hành của con cái, tiền sinh hoạt ăn uống, tiền thuế, tiền thuốc men, viện phí…tạo nên một áp lực lớn cho con người trong cuộc sống. Đồng tiền đã trở thành sức mạnh không biết tự bao giờ và con người mãi lo kiếm tiền, mà thiếu nó, như mất đi một phần của cuộc đời.
Do đó, sự định hướng của các bậc cha mẹ ngày nay phần nhiều xem xét đến yếu tố chọn nghề nghiệp lúc ban đầu cho con cái để đem lại những thành quả tốt nhất như mong đợi và giải quyết những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Vì vậy, sự lựa chọn nghề nghiệp đã trở thành quan niệm sống của mọi người, của thế hệ trẻ ngày nay trước khi bước chân vào cuộc sống mưu sinh.
Nghề nghiệp là hành trang đầu đời mà mỗi người luôn luôn suy nghĩ, chọn lựa rất kỹ cho hành trình đi đến tương lai của mình. Quan niệm sống nhờ vào của cải của ông bà, cha mẹ, dần dần phai nhạt trong suy nghĩ của giới trẻ, thay vào đó là sự lựa chọn con đường nghề nghiệp để tự lập, tự nuôi sống mình bằng chính bàn tay lao động và khối óc.
Tuy nhiên, chính điều này đã tác động đến sự suy nghĩ, nhận thức của một số người khi cho rằng “lý tưởng tu hành của tu sĩ Phật giáo” như một “nghề kiếm sống” trong xã hội. Sự nhận thức cho rằng “tu sĩ là một nghề” như nghề nghiệp khác trong xã hội có đúng với quan điểm của Phật giáo?
Nghề nghiệp là gì?
Trong xã hội, khi con người bằng sự phân công lao động, làm ra sản phẩm để nuôi sống bản thân hoặc đóng góp cho xã hội bằng những kỹ năng, kiến thức của mình thì đó được gọi là nghề nghiệp. Theo nhóm tác giả Nguyễn Như Ý (chủ biên) trong Đại từ điển tiếng Việt, khái niệm về nghề hay nghề nghiệp có nghĩa là: “1. Công việc chuyên làm theo sự phân công của xã hội: nghề giáo, nghề nông; 2. Thành thạo trong một công việc nào đó: chuyền bóng rất nghề, bắn rất nghề” [1].
Do đó, nghề nghiệp nói một cách dễ hiểu đó là sự mô tả về lĩnh vực của công việc nào đó trong xã hội, nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần để nuôi sống bản thân hoặc tạo ra những giá trị đáp ứng nhu cầu cần thiết của cộng đồng, xã hội.
Chẳng hạn như nghề bác sĩ, nghề giáo viên, nghề kỹ sư, nghề luật sư, nghề thợ mộc, nghề may…Vì vậy, đối với xã hội ngày nay, việc chọn lựa nghề nghiệp sau khi rời chiếc ghế nhà trường để bước chân vào xã hội thực hiện phân công lao động đã trở thành xu hướng tất yếu của giới trẻ hiện nay.
Nghề nghiệp là mục tiêu mà bất kỳ ai cũng muốn gắn kết lâu dài, cùng với bản thân đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời, ai cũng muốn trau dồi, học tập, phấn đấu phát triển cái nghề đạt đến đỉnh cao của nó. Người xưa thường có câu nói: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” [2], là muốn cho chúng ta hiểu rằng khi một nghề đạt đến trình độ tinh thông, điêu luyện, có tay nghề, thì sẽ đạt được sự thành công và mang đến cho chúng ta nhiều vinh quang trong cuộc sống.
Tuy nhiên, xu hướng chọn lựa nghề nghiệp không phải chỉ có ở thời đại ngày nay, mà nó đã có từ trong quan niệm sống của người Việt cách đây hàng thế kỷ. Trong quá trình lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân, cải tạo thiên nhiên và cải tạo xã hội, người Việt dần dần nhận ra những giá trị quý báu trong cuộc sống của mình và truyền dạy cho thế hệ con cháu về những giá trị của lao động sản xuất bằng chính bàn tay lao động và khối óc.
Ca dao, tục ngữ có câu: “Ruộng bề bề không bằng cái nghề trong tay” [3], là một trong những thành ngữ rất hay và có giá trị xuyên suốt đối với con cháu người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó phản ánh một tầm nhìn, lối sống của chúng ta về con đường mưu sinh phía trước bằng sự trao dồi kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ, nghề nghiệp cho bản thân, hơn là sự nương tựa, ỷ lại vào khối tài sản sẵn có được tích góp để lại của tổ tiên, ông bà, dòng họ.
Từ thời xa xưa, ông bà chúng ta đã biết xem trọng nghề nghiệp, thường truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, đệ tử thân tín để nối truyền “Tổ nghiệp” không muốn “cái nghề” bị thất truyền theo thời gian, mỗi nghề đều có vị “Tổ nghề” mà họ tôn thờ như những vị thần bảo hộ, phù hộ cho họ ăn nên làm ra, con cháu nối nghiệp từ đời này sang đời khác. Trong tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả Đào Duy Anh viết:
“Trong dân gian còn một sự sùng bái rất trọng yếu là sùng bái các tổ sư bách nghệ. Mỗi nghề nghiệp đều phải thờ một vị tổ sư, hoặc là người thuỷ tổ phát minh ra nghề ấy, hoặc là người thứ nhất đem nghề ấy ở nơi khác truyền lại cho dân làng nào hay miền nào. Nhưng phần nhiều người ta chẳng biết vị tổ sư ấy là ai, cho nên người ta thường xem tổ sư là một vị thần bảo hộ cho nghề nghiệp” [4].
Sự chọn lựa nghề nghiệp giúp cho con người tạo ra được nguồn dự trữ tài chính, cải thiện chất lượng đời sống bản thân, đồng thời trong quá trình lao động con người hoà nhập với cộng đồng, giúp con người tu dưỡng nhân cách, rèn luyện tác phong đạo đức, hơn nữa là trau dồi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, hướng tới mục tiêu khát vọng mong ước của bản thân về một tương lai tươi sáng.
Mặc dù vậy, một nhận thức sai lầm, thiếu cân nhắc trong suy nghĩ về sự chọn lựa nghề nghiệp cũng như sự tiếp cận thiếu khoa học, thiếu hiểu biết trong suy nghĩ lựa chọn nghề nghiệp, có thể khiến cho chúng ta trả giá cho tương lai của mình, mà hậu quả của nó sẽ tác động, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân về mọi phương diện kinh tế, gia đình, xã hội.
Cái kết của hậu quả đem đến cho chúng ta đó là xuất hiện hàng loạt hành vi tiêu cực trong suy nghĩ, chán nản cuộc đời, thất bại trong công việc, bất lực trong cuộc sống, kiệt sức trong sự phấn đấu hướng đến mục tiêu và cuối cùng đánh mất niềm tin trong cuộc đời, có khi dẫn đến sự bế tắc trong cuộc sống hiện tại, muốn tìm kiếm một cuộc sống mới tốt hơn của “chu kỳ tuần hoàn sự sống”.
Do đó, nhận thức đóng một vai trò then chốt trong việc chọn lựa nghề nghiệp của chúng ta; bởi vì nó giúp cho chúng ta tạo nên những giá trị của cuộc sống và định hướng cho cuộc sống mưu sinh của chúng ta trong tương lai. Cũng vậy, trong xã hội hiện nay, một khi thiếu hiểu biết về đối tượng hoặc lĩnh vực nào đó, người ta cũng dễ mắc sai lầm trong nhận thức và kiểm soát trong phán đoán vấn đề một cách khách quan.
Điều đó, nó bộc lộ trong nhận thức của một số người khi nhận thức theo quan điểm cá nhân, kiểu “quy chụp” cho rằng “tu sĩ như một nghề kiếm sống” và “tu sĩ Phật giáo” cũng là một “cái nghề” trong xã hội. Vậy, chúng ta hiểu gì về lý tưởng tu hành mà tu sĩ Phật giáo phải lựa chọn trong suốt cuộc đời? Phải chăng “đời sống tâm linh” được so sánh giống như “một cái nghề” trong xã hội?
Nhận thức chưa đúng về lý tưởng của tu sĩ Phật giáo
Con người sống trong xã hội đều có hoài bão, lý tưởng của riêng mình để hướng đến tương lai. Lý tưởng là: “Tư tưởng và mục đích được coi là cao nhất, tốt đẹp nhất cần đạt đến” [5]. Bất kỳ cá nhân nào dù sống ở môi trường thế tục hay đời sống tu sĩ cũng đều có một hướng đi và điểm đến của riêng họ.
Do đó, lý tưởng sống là một trong những hình thái ý thức xã hội chỉ cho các phương diện về sinh hoạt tinh thần của con người trong cộng đồng xã hội như tâm lý, tình cảm, phong tục, truyền thống, tập quán… nó được sinh ra và phát triển trong quá trình tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội ở những giai đoạn lịch sử nhất định.
Lý tưởng sống của con người biểu hiện ở những suy nghĩ, hành động tích cực của con người, sống đúng với đạo lý làm người, sống phải hợp với những quy luật vận động và phát triển của xã hội, với mục đích là hướng con người đến những gì tốt đẹp, cao cả; đồng thời góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, con người cần phải có một lý tưởng sống, để đeo đuổi một mục tiêu tốt đẹp nhất, có ý nghĩa cao quý nhất, phù hợp với quy luật của xã hội.
Cũng vậy, người tu sĩ Phật giáo luôn luôn mang trong mình những hoài bão, lý tưởng, mục tiêu hướng đến những giá trị cao quý của đạo Phật, hướng đến một đời sống phạm hạnh, mục tiêu giác ngộ, giải thoát và đem lại lợi ích cho con người. Vì thế, đời sống người tu sĩ chắc hẳn sẽ khác hơn đời sống của người thế tục.
Nếu như “người tu sĩ” giống như “người thế tục”, thì “người tu sĩ” không thể gọi là “người tu sĩ” nữa, mà gọi đó là “người thế tục”. Nhưng, vì “người tu sĩ” khác hẳn “người thế tục”, bởi đời sống tâm linh và mục tiêu hướng đến nên mới có sự khác biệt giữa “người tu sĩ” và “người thế tục”, đây là một thực tế trong xã hội, tất cả mọi người đều phải thừa nhận điều đó. Do đó, đời sống sinh hoạt của tu sĩ sẽ khác biệt với đời sống sinh hoạt của người thế tục; đời sống tâm linh sẽ khác với đời sống vật chất của thế gian.
Cho nên chí nguyện của người tu sĩ Phật giáo ngay từ ban đầu xuất gia học đạo đã được giáo dục về con đường phía trước cần phải tu hành như thế nào cho đúng với chân lý của đức Phật dạy, giáo dục con người nhận thức đúng đắn về bản ngã, thấu triệt được bản thể của vạn vật, không còn chấp thủ, nhằm giải phóng mình ra khỏi khổ đau, ảo tưởng, phiền não, bằng phương cách nhận thức được nguyên nhân của nỗi khổ đau đó và diệt trừ nó bằng phương pháp tu tập của Phật giáo, đó chính là sự khác biệt giữa Tăng sĩ và thế tục.
Trong Quy sơn cảnh sách, thiền sư Linh Hựu đã dạy rằng:
“Luận người xuất gia, bước khỏi thường phương tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Phật, chóng dẹp bầy ma. Dùng trả bốn ơn, cứu giúp ba loại. Bằng chẳng dường ấy, Tăng tục lẫn lộn” [6].
Do đó, sự khác biệt giữa quan điểm Tăng sĩ và người thế tục đã được xác định hết sức cụ thể rõ ràng. Trong đường lối tu hành của Phật giáo, kiếm tiền không phải là một chuyên môn của giới tu sĩ, của người tu hành đúng nghĩa của nó. Cho nên việc so sánh tu sĩ như một “nghề” của xã hội, để kiếm tiền mưu sinh trong trường hợp này là một nhận thức sai lầm, không hiểu thấu đáo về Phật giáo, không phù hợp với quan điểm của Phật giáo.
Phật giáo không đào tạo “nghề” cho tu sĩ kiếm tiền, không khuyến khích người tu sĩ kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Song, những nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người tu sĩ như: vật phẩm, thuốc men, lương thực… được đảm bảo bằng sự hộ pháp, bảo trợ của đàn na tín thí, sự cúng dường của tín đồ Phật tử, của những người có lòng tin chính pháp, có niềm tin vào Tăng bảo.
Chính vì vậy, vai trò và nhiệm vụ của người tu sĩ là khai mở nội tâm và phát huy sức mạnh của nội tâm trong việc truyền bá chính pháp cho tín đồ hơn là học cách “hái ra tiền” và nô lệ cho đồng tiền. Việc kiếm tiền không phải là nhiệm vụ của người tu sĩ, mà đó là việc của những người cư sĩ, những người hộ trì chính pháp.
Đức Phật đã từng dạy các đệ tử Tỳ kheo sống khéo tu tập, tiết chế thân tâm, là người thừa hưởng chính pháp của Ngài hơn là thừa hưởng những vật chất thế gian. Vì nếu thừa hưởng vật chất thế gian càng nhiều, thì Tăng và tục có khác gì? Cho nên trong kinh Thừa tự pháp, Trung bộ I, Ngài dạy hết sức sâu sắc về vai trò của người tu sĩ:
“Này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật” [7].
Thực tế đã minh chứng cho lý tưởng của tu sĩ không phải là ảo tưởng, mơ hồ nhưng nhiều người đã nghĩ một cách phiến diện. Nếu Phật giáo không đạt được những giá trị trong đời sống tâm linh thì Phật giáo sẽ không tồn tại đến ngày nay. Nếu không có giá trị gì về con đường giác ngộ, giải thoát, thì sự tu hành đắc đạo của Trần Thái Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông…đời Trần và nhục thân của hai vị thiền sư đắc đạo trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ 17 là thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường đã trở nên thừa.
Nhưng, thực tế đã chứng minh cho sự tu hành đắc đạo là có thật, nên giá trị của đời sống tâm linh không trở nên thừa. Nhưng vì, con người sống quá lệ thuộc vào vật chất nên nghĩ rằng cái gì chứng minh được cụ thể, thấy trước mắt là có thật. Song, họ có nghĩ rằng ngay cả sự hiện hữu của vạn vật, trái đất hiện tại của con người cũng không thật có, nhưng lại chấp cho là thật? Cho nên một số người đã có quan niệm sai lầm khi đánh đồng “đi tu” như một “nghề kiếm sống” của xã hội.
Câu chuyện ở đây và chắc có lẽ, người ta nhìn vào một số ít hiện tượng tiêu cực hiện nay về hình ảnh của tu sĩ như là kinh doanh mang tiếng ồn ào, đi đám ma ra giá, thực hành nghi lễ, chẩn tế gắn liền với giá cả…Nó vô tình chạm đến hàng triệu trái tim của người tu hành chân chính, đặt lý tưởng giác ngộ, giải thoát là mục tiêu cứu cánh, khiến cho giới tu hành trở thành mục tiêu công kích của xã hội.
Tuy nhiên, hình ảnh đó không phải là đại diện cho lý tưởng của Phật giáo và cách tiếp cận đó để nhận thức về Phật giáo là một sự ngộ nhận không đúng, làm ảnh hưởng đến giá trị của Phật giáo Việt Nam trong tình hình mới hiện nay. Sự tham gia của giới tu sĩ trong xã hội, lúc nào cũng mang tính hai mặt tích cực và tiêu cực; song, người ta ít nhìn thấy tính tích cực của nó trong việc đóng góp, giúp đỡ người nghèo, từ thiện cho xã hội.
Thông thường những việc tiêu cực, một số hình ảnh không đẹp, lại “gán nhãn” cho tính đại diện của giới tu sĩ. Điều này, vô tình đã làm tổn thương đến nhận thức của thế hệ tu sĩ còn non trẻ, những tín đồ Phật tử mới vào đạo. Mặt khác, sự so sánh giữa “kiếm tiền” và sự “cúng dường” trong các thực hành pháp sự như trai tăng, đám tang, cầu an cầu siêu…là hai vấn đề khác nhau, không thể đánh đồng như nhau.
“Kiếm tiền” mang tính sòng phẳng, có qua có lại, có cung thì có cầu; còn “cúng dường” mang tính tự nguyện, thành kính đối với Tăng sĩ, đức Phật, chùa chiền mà mình tôn kính, muốn hướng về để hộ trì chính pháp. Chúng ta thử suy nghĩ, nếu gia đình của tín đồ, những người hộ pháp cho chư Tăng hay chùa chiền, có hữu sự, có người chết…các thầy không đi đám, không quan tâm đến, thì gia đình họ sẽ nghĩ sao về tu sĩ?
Một đám tang mà nghi lễ cũng không được thực hành, thì dòng họ bà con sẽ nghĩ gì về gia đình đó? Cho nên việc cúng dường cho các thầy, các chùa nhằm mục đích đáp lễ và cầu nguyện cho hương linh là điều chính đáng, thì không thể “quy chụp” tu sĩ thực hành nghi lễ Phật giáo là một “kiểu kiếm tiền” sẽ không phù hợp với quan điểm của Phật giáo.
Tóm lại, sự lựa chọn nghề nghiệp trong cuộc sống hiện nay là một hướng đi cần thiết, giúp cho mọi người tạo ra nguồn dự trữ tài chính để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp công sức cho xã hội. Con người ngày nay đối mặt với nhiều khó khăn, bịnh tật, thiên tai, hoả hoạn, lũ lụt…trong cuộc sống; vì vậy sự chọn lựa cho mình một cái nghề để nuôi thân và phòng hộ trong những tình huống khó khăn là một điều hết sức cần thiết cho con người trong thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, việc nhận thức tu sĩ như một “nghề kiếm sống” của một số người là không phù hợp với quan điểm của Phật giáo. Nó làm ảnh hưởng đến con đường lý tưởng của những người tu theo đạo Phật và tác động xấu đến suy nghĩ của thế hệ học đạo, tín đồ của Phật giáo. Không thể so sánh “nghề nghiệp” với “lý tưởng tu hành của Phật giáo” là sự đồng đẳng, gây ngộ nhận cho người khác về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của tu sĩ trong sứ mệnh hoằng dương chính pháp.
Chúng ta có thể không hiểu giá trị của Phật giáo, lý tưởng, mục tiêu của người tu sĩ là gì, như không thể nhận thức sai lầm về Phật giáo một cách trơ trẽn. Dù rằng, có hiện tượng xảy ra của một số hành động đi ngược lại giá trị của Phật giáo, nhưng không thể xem hai vấn đề đó là sự tương đồng. Cho nên chúng ta cần phải nhận thức đúng hơn về Phật giáo, không gì một số hiện tượng tiêu cực mà không thấy được điều tích cực của Phật giáo đem lại lợi ích cho con người, cộng đồng, xã hội.
Tác giả: TT TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB. Bốn Phương, 1938.
2.HT. Thích Đạt Dương, Thiền môn trường hàng luật, NXB. Tôn giáo, 2010.
3.HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992.
4.Hương Giang, Ca dao và tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn học, 2002.
5.Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011.
CHÚ THÍCH[1] Nguyễn Như ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 1109.
[2] Hương Giang (2002), Ca dao và tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn học, tr.239.
[3] Hương Giang (2002), Ca dao và tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn học, tr.239.
[4] Sđd, tr. 239.
[5] Nguyễn Như ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 925.
[6] HT. Thích Đạt Dương (2010), Thiền môn trường hàng luật, NXB. Tôn giáo, tr. 123.
[7] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Thừa tự pháp, Kinh Trung bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 32.
Bình luận (0)