Tác giả: Sư cô Thích Nữ Hòa Tấn Lớp Cao học Phật giáo Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Nhìn về lịch sử, dân tộc ta luôn tự hào hơn 4000 nghìn năm văn hiến với truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Ông cha ta đã đổ biết bao xương máu dựng xây đất nước, bằng khả năng và trí tuệ của chính mình để có được một nền văn hóa dân tộc đầy tính tự chủ. Phật giáo du nhập vào Việt Nam như trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang trang 18 có nói rằng: “Trần Văn Giáp, tác giả cuốn Le Bouddhisme En Annam Des Originnes Au XIIIè Siècle, căn cứ vào sự kiện đó nói rằng vì tài liệu sớm nhất ta hiện có về đạo Phật Việt Nam là sự kiện Mâu Tử học Phật tại Giao Chỉ vào cuối thế kỷ thứ II ” [1]. Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thịnh lúc suy, nhưng Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo thời Trần đóng vai trò quan trọng, một thời đại vàng son, oanh liệt với ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, tạo ra một hào khí Đông A. “Đặc biệt là thơ thiền thời Trần thiên về tính chất trữ tình – triết học tiêu biểu như: Tuệ Trung, một cư sĩ ngộ đạo” [2]. Tuệ Trung có rất nhiều sáng tác nào về “Đối cơ, Tụng cổ và bốn mươi chín bài Thi ca”.

Đây là tác phẩm quan trọng, quý giá, triết lý uyên thâm siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, lối văn chương siêu thoát, lý tưởng siêu xuất làm sống dậy thiền học Việt Nam được thể hiện rõ qua phần “Đập Vỡ Khái Niệm”.

Từ những sự kiện đã nêu trên, tác giả đã chọn đề tài “Tư tưởng “đập vỡ khái niệm” trong tác phẩm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”.

1. Giới thiệu tác giả

Tuệ Trung tên thật là Trần Tung, sinh năm 1230, mất 1291, con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương (Trần Liễu), anh của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Đại Vương mất (1251), Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương” [3]. Lúc nhỏ, thượng sĩ nổi tiếng bẩm chất thuần hậu, khí lượng uyên thâm, phong thần nhàn nhã. Khi lớn lên, Tuệ Trung được cử trấn giữ quân dân đất Hồng Lộ, tức Hải Dương bấy giờ. Ông đã có công trong hai lần chống giặc Phương Bắc (Nguyên) xâm lăng. Sau được thăng chuyển chức Tiết Độ Sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình [4]. “Tuổi còn để chỏm đã yêu mến đạo Phật” [5]. Sau Tuệ Trung lãnh hội giáo lý với thiền sư Tiêu Giao ở Phước Đường là đồ đệ của cư sĩ Ứng Thuận dòng Thiền phái Vô Ngôn Thông. Hằng ngày luôn lấy thiền duyệt làm vui, không thích công danh, lui về chốn thôn dã để tĩnh tu. Sau thượng sĩ lui về lập ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) đổi tên thành làng Vạn Niên, tự hiệu Tuệ Trung. Nơi ở dựng lên “Dưỡng Chân Trang” làm nơi tọa thiền nói đạo. Trần Tung vừa là anh vợ của vua Trần Thánh Tông vừa là bạn thân của vua. Thánh Tông ký thác Nhân Tông cho ngài dạy dỗ. Tuệ Trung được Thánh Tông gọi là sư huynh. Một hôm Nhân Tông thưa về tông chỉ Thiền phái của Tuệ Trung. Tuệ Trung nói: “反光自己本分事不從他得”. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”.“Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được” [6]. Ngay đây Nhân Tông biết được đường vào, kính ngài làm thầy. “Pháp này là trọng tâm của người tu thiền, hay nói cách khác là cốt tủy của Phật giáo”. Ai ai trước khi thành Phật thành Tổ hay thành một vị mô phạm cũng điều phải “Phản quan” cả. Bấy giờ nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ bảy (1291), đời Trần Nhân Tông, năm Tân Mão, ngày mùng 1 tháng 4, Ngài thọ 62 tuổi. Tác phẩm “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” này do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khảo đính, Thiền sư Pháp Loa biên tập” [7].

2. Giới thiệu tác phẩm

Tuệ Trung viên tịch năm 1291, đã lưu lại cho chúng ta những tác phẩm không chỉ dạy riêng cho những người con Phật, mà Tuệ Trung cho những ai có duyên thấu hiểu được những gì thượng sĩ đã gửi gấm trao truyền qua tác phẩm vô cùng quý giá nổi tiếng được thể hiện rõ qua tác phẩm “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” được Tuệ Trung thể hiện rõ qua các phần chính như sau: “Đối cơ, Tụng cổ và bốn chín bài Thi ca”. Thông qua tác phẩm nào là dạy về việc “tham vấn đạo lý, dẫn các bài kệ trong kinh điển, nêu lên những hành trạng của các vị thiền sư, ca lên bài ca chứng đạo, Phàm thánh bất dị, Mê ngộ bất dị…”. Qua tác phẩm “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” giúp cho chúng ta hiểu rõ ràng hơn, Tuệ Trung chỉ dạy hết sức chi ly và vô cùng cận kẻ, từ thấp lên cao, từ tầng lớp tại gia xuất gia, đây không phải bằng những lời nói suông cho qua chuyện, mà chính Tuệ Trung tự tu có sự trải nghiệm và sống được với tâm không bản thể Phật xưa nay. Những lời của truyền lại không khác với lời chư Phật chư Tổ dạy. Theo Tuệ Trung chúng ta muốn thành tựu trước hết phải trở về sống với cái tâm bản thể là tính không. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trên đời này vốn chỉ là giả danh tạm có mà ra, nó vốn không có một tướng cố định nào cả, chỉ bởi do duyên sinh duyên diệt thôi. Phương pháp tu hành thì có khác nhưng cũng không ra ngoài tâm bản thể. Đây là phạm trù căn bản cho những ai tu tập tìm về bờ giác. Chính Tuệ Trung đã nhận chân được ý nghĩa thâm sâu đó, đem chỉ lại cho người sau được thể hiện rõ trong phần “đập vỡ khái niệm”.

3. Ý nghĩa “Đập vỡ khái niệm”

“Đập vỡ khái niệm”. Ý của bốn từ này muốn chỉ cho mọi người hiểu rằng, một hành động phá vỡ không còn gì cả, cách để thoát ly mọi khái niệm cứng ngắt chấp chặt theo khuôn mẫu từ bao lâu nay, mà mọi người luôn lầm tưởng xem nó như một chân lý. Chỉ có bốn từ ngữ thôi đã nói lên được khí chất siêu việt vượt ra ngoài mọi sự đối đãi, sống trở về với bản thể tâm không thênh thang rộng lớn, không vướng chấp gì cả, ngay đây là giác ngộ giải thoát. Qua đây chúng ta khẳng định rằng toàn bộ tác phẩm “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” xoay quanh bốn điều “Đập vỡ khái niệm, Hòa quang đồng trần, Phá vỡ lưỡng nguyên và Lý tính tuyệt đối”.

Toàn bộ tác phẩm Tuệ Trung dạy về tính không vô cùng siêu việt, quả là một tuyệt tác vô giá cho những vị đang đi trên bước đường tìm về bảo sở mà ba đời chư Phật đều dạy như thế.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Khong 1

4. Tư tưởng “Đập vỡ khái niệm”

Thơ thiền, chịu ảnh hưởng sâu xa yếu chỉ triết lý “trực chỉ nhân tâm” xu hướng đạt đến mức cao nhất của tính hàm súc đồng thời tính mở. Nếu thơ ca phương Đông có đặc tính khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của người đọc thì thơ thiền càng mở rộng khả năng này đến vô giới hạn [[8]].

Ngôn ngữ thơ thiền Lý - Trần mang đặc điểm vừa kể, đồng thời cũng có nét riêng ảnh hưởng từ tập quán, tâm lý, phong cách tư duy dân tộc [9]. Sử dụng những ẩn dụ với xu hướng ước lệ hóa được chứng minh qua “Kinh, Luật, Luận”.

Trung Bộ Kinh Bài Kinh số 121 “Kinh Tiểu Không”. (Culasunnata Sutta M.iii, 104). Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda rằng: “Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều”. “Đức Phật kết luận, những Sa-môn, Bà – la - môn trong quá khứ, hiện tại, vị lai, sau khi chứng đạt đều an trú cứu cánh vô thượng không tính này” [10].

Bài Kinh số 122 “Kinh Đại Không” (Mahasunnata Sutta .M.iii, 109). “Như Lai chứng ngộ và an trú nội không, vị Tỷ-kheo muốn chứng nội trú không, cần phải chuyên nhất và an tịnh nội tâm” [11].

Theo The Lesser Discourse on Emptiness - nói về An Trú Không. Đức Phật dạy Ananda rằng: “Chớ tưởng về ngôi làng, chớ tưởng về người, chỉ tưởng về cảnh rừng hoang dã, không gian vô tận, rỗng rang thanh tịnh, tất cả trở thành không”.

Trong Giáo trình của thượng tọa tiến sĩ Thích Trí Định có ghi như sau: Đức Phật dạy rằng: “Ananda, hãy tự tu thế này: chúng ta sẽ vào, sẽ an trú trong cái Không, mà cái Không này rất mực thanh tịnh, siêu xuất và không gì cao hơn” [12]. (Ananda, you should train your selver: “We willenter & remain in the emptiness that is pure, superior, & unsurpassed).

Trung Quán Luận của Long Thọ (Nagarjuna) ngài phân tích điểm quan trọng trong Phật giáo là “Duyên khởi và Tính không”. Nhân duyên sinh thực tại vượt ra ngoài những phạm trù “sinh, diệt, thường, đoạn, đến, đi, nhất nguyên và đa nguyên”, được thể hiện qua bài kệ:

“Không diệt, không sinh,

Không đoạn, không thường,

Không là một, không đa dạng,

Không vào, không ra”

Qua bài kệ này, Long Thọ muốn nhắn gửi cho mỗi chúng ta, phải thấy được sự diễn biến vô thường không chấp vào nhị nguyên, sẽ được giải thoát.

Kinh Tạp A Hàm đức Phật có dạy: “Do chấp thủ nên đắm trước, không chấp thủ thì không đắm trước” [13]. “Muôn vật hễ có sinh tất có diệt” [14]. “Do có này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái khi không có mặt. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt” [15].

Theo Thế Thân (Vasubandhu), Duy Thức Luận lấy tam tự tính làm căn bản: “Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thật tính”. Trong đó “Biến kế sở chấp tính” còn được gọi là huyễn giác: “Nghĩa là tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng, luôn chấp trước cho rằng sự vật trước mắt là thật có”. “Y tha khởi tính”, nghĩa là dựa vào cái khác mà sinh. “Tất cả pháp hữu vi đều do nhân duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau không có tự tính”. “Viên thành thật tính”, “Tâm vốn thanh tịnh là chân như, là tính không” [16]. Trong đó phương cách giải thoát của Duy Thức Tông dựa vào con đường của Phật giáo Nguyên Thủy.

Theo Bồ Đề Đạt Ma Tổ thứ 28 của Ấn Độ nói về tư tưởng “Đập vỡ khái niệm” được thể hiện qua bài kệ như:

“不立文字,

敎外別傳,

直指人心,

見性成佛”.

“Bất lập văn tự,

Giáo ngoại biệt truyền,

Trực chỉ nhân tâm,

Kiến tính thành Phật”.

“Không lập văn tự,

Truyền ngoài giáo lý,

Chỉ thẳng tâm người,

Thấy tính thành Phật”.

Qua bài kệ, giúp ta thấy rõ tinh thần phá chấp hết sức rõ ràng, chớ chấp vào chữ nghĩa, chính ngay bản thể tâm hằng sáng suốt nơi mỗi con người, thì đó là Phật rồi, đâu cần chùa to Phật lớn mới thành Phật thành Tổ được đâu.

Theo Huệ Năng, tổ thứ 6 của Trung Hoa, như trong tác phẩm “Pháp Bảo Đàn Kinh” phẩm Phó Chúc, nói về tư tưởng “Đập vỡ khái niệm” được thể hiện qua ba mươi sáu pháp đối nếu hiểu mà dùng tức là đạo, quán tất cả pháp, ra vào tức lìa hai bên, tự tính động dụng, cùng người nói năng, ngoài đối với tướng mà lìa tướng, trong đối với không mà lìa không. “Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì đem không đáp, hỏi không thì đem có đáp, hỏi phàm thì đem thánh đáp, hỏi thánh thì đem phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau sinh ra nghĩa trung đạo, như một hỏi một đáp, bao nhiêu câu hỏi khác nhau đều y đây mà khởi tác dụng, tức không mất chân lý”.

Tuệ Trung để lại cho đời tác phẩm vô cùng quan trọng tác phẩm “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”. Toàn bộ tác phẩm xây dựng trên tư tưởng bản thể về “CÁI KHÔNG”. Đây là Bản thể thực tướng của các pháp, thực tướng của nó là vô thường là tính không. Cái Không này không đồng với gỗ đá. Gỗ đá là vật vô tri, nó không có sự nhận thức, không có tư duy trù tượng, còn “KHÔNG” của thượng sĩ là “KHÔNG” của bản thể. “CÁI KHÔNG” của tự tính luôn hằng hữu, không bám chấp, vượt lên trên mọi sự đối đãi lưỡng nguyên.

Trong sách “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” của Hòa thượng Thanh Từ trang 56 có dẫn câu chuyện Thượng sĩ vào cung, Thái hậu mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Dự tiệc, ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật”. Thượng sĩ cười đáp: Phật là Phật, Anh là Anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh, không nghe cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, Giải thoát là Giải thoát” đó sao?. Qua đây, Tuệ Trung đã cho chúng ta một cách nhìn thoáng hơn, trí tuệ hơn. Trong pháp môn tu tập không nên cứ khư khư chấp vào việc ăn chay là đúng cho ăn mặn là sai. Giác ngộ giải thoát vượt ra ngoài nhị nguyên. Nếu trong tâm còn ý niệm đối đãi hai bên, thì ăn chay, mặn gì cũng là lỗi. Qua câu chuyện trên, đã cho chúng ta thấy tinh thần “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung thật quá hay, tuy ở trong cảnh trần mà không bị nhiễm trần. Đây là trí tuệ của người đã ngộ đạo, sống với tính không, biết tùy duyên giáo hóa. Chứ chúng ta chưa ngộ thì nên ăn chay, vì đạo Phật là đạo từ bi. Thượng Sĩ đúng là bậc xuất cách đáng làm tấm gương cho mọi người noi theo. Đập vỡ hết, lột sạch hết những khái niệm lưỡng nguyên, để nhận chân cái chân thật của đạo là giác ngộ giải thoát. Như trong giáo trình “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Trí Định phần đối cơ có chép như sau:

Có vị Tăng hỏi: thế nào là đạo?

Thượng sĩ đáp: đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo.

Lại hỏi: Cổ đức nói: “không tâm là đạo” phải chăng?

Thượng sĩ đáp: “không tâm chẳng phải đạo, không đạo cũng không tâm”.

Thượng sĩ nói tiếp: Nếu người bảo: “không tâm là đạo” thì tất cả cỏ cây đều là đạo sao? “không tâm chẳng phải” thì đâu cần nói có, không. Nghe tôi nói kệ:

“本無心無道,有道不無心,心道原虛寂,何處更追尋”. Dịch: “Vốn không tâm không đạo, Có đạo chẳng không tâm, Tâm đạo vốn rỗng lặng, Chỗ nào lại đuổi tầm” [[17]]. Hay câu: “本来無垢浄,垢浄總虛名,法身無罣礙,何濁復何清”.  Dịch: “Xưa nay không dơ sạch, Dơ sạch thảy tên suông, Pháp thân không ngăn ngại, Nào sạch lại nào dơ” [18]. Thiền học đời Trần có bài dịch “Cư trần lạc đạo phú”: “Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo, đói thì ăn, mệt thì ngủ, trong nhà có sẵn của báu, đừng tìm đâu khác, đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi Thiền nữa” [19]. Phóng Cuồng Ngâm của Tuệ Trung “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chuốc tội chẳng chuốc phước, muốn biết không tội phước, chẳng giữ giới nhẫn nhục” [20]. Học trò hỏi thế nào là thanh tịnh pháp thân?. Tuệ Trung đáp: “Ra vào trong nước đái Trâu, chui rúc trong đống phân Ngựa” [21]. Tinh thần “phá chấp” hướng chúng ta đến cuộc sống thuận theo tự nhiên, đó cũng chính là tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Tinh thần ‘phá chấp” đó, không có ranh giới giữa đẹp và xấu, chỉ do tâm của con người quy ước. Chỉ ngay tựa đề thôi, đã nói lên được sự chứng ngộ của Tuệ Trung vô cùng thâm sâu, không chấp vào hình tướng, sống trở về với bản thể tâm Phật hằng hữu xưa nay vượt ngoài các tướng đối đãi: “sinh và tử, chay và mặn, dơ và sạch…”. Chúng ta thường hay nghe câu “không tâm là đạo”, tại sao ở đây Tuệ Trung lại phủ nhận, không tâm chẳng phải là đạo?  Chính Tuệ Trung đã nhận chân được ý của câu này là, “tâm và đạo” chỉ là hai phạm trù đối đãi giả lập, giả danh không thật có, còn thể chân thật của nó thì không có tên, thì cái gì là đạo là tâm đây. Cho nên đứng về mặt bản thể thì không đạo cũng không tâm, đứng về hình tướng thì có hai bên: tâm và đạo rõ ràng. Chính ngay lúc không có tâm dơ sạch, không tâm không đạo, chay mặn, đẹp xấu, hơn thua,…Vượt ngoài nhị nguyên đối đãi thì chính đó là đạo rồi không cần phải hỏi vì đạo không phải ở lời nói. Tám câu này giúp cho chúng ta đập vỡ tất cả mọi khái niệm, “tâm và đạo vốn rỗng lặng, thể chân thật tự nó không tướng cũng không tên, thì tâm và đạo cũng hư dối không thật”. Chính vì thế khẳng định rằng, những lời của Tuệ Trung dạy về “CÁI KHÔNG” không xa rời cũng, không ngoài ý của chư Phật chư Tổ đã dạy. Cốt yếu giúp cho chúng sinh nhận được, đâu là khổ và đâu là con đường an lạc giải thoát. Nếu chúng ta không đập vỡ những cái lầm nhận, và luôn cho nó như một chân lý sống thì khổ càng thêm khổ. Cho nên, phải thoát ra những ý nghĩ đó, an lạc, hạnh phúc bước theo sau. Như trong Kinh Pháp Cú phẩm song yếu có câu: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo” hay: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình” [22]. Như trong bài “Cư trần lạc đạo” Trần Nhân Tông có câu: “對境無心莫問禪”. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. “Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”. Câu này, đã giúp cho chúng ta hiểu rõ ràng hơn về tính không, ngay đây nhận ra thì chính đó là Thiền là Đạo, chứ đừng chạy đông chạy tây kết cuộc trong tâm đầy ấp “tham-sân-si”. Hòa thượng Thiện Hoa có dạy rằng: “Cội gốc của tất cả các pháp là nhân duyên sinh, không ai làm chủ, nếu ai hiểu được pháp này, thì chứng được đạo chân thật” [23]. Qua đó, những dữ kiện trên đây đã khẳng định rằng, nhưng lời của Tuệ Trung không ra ngoài giáo lý của chư Phật là “vô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh duyên diệt”, chỉ khác ở mỗi thời đại nên cách truyền đạt có khác, ý thì đồng nhau tất cả đều lìa nhị nguyên, trở về bản tính không (CÁI KHÔNG).

Tóm lại, qua đề tài: “Nội dung tư tưởng Đập vỡ khái niệm trong tác phẩm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” cho thấy thơ thiền thời Trần luôn có xu hướng muốn đạt đến một con người - vũ trụ: con người hòa điệu với vũ trụ mang tất cả sức mạnh, cái tự do và cái tuệ đối của vũ trụ. Ấy là con người được giải thoát khỏi những cái ràng buộc hữu hạn của thế giới trần thế ngay chính nơi trần thế. Chủ trương phá chấp hay tinh thần vô ngã, vô ý, vô ngôn, đều là những phương tiện nhằm đạt đến mục đích. Trước hết con người cần phải có cái “dũng” lớn. Thơ thiền Lý – Trần luôn đề cao tự lực và khả năng độc lập sáng tạo của mỗi người. Nhìn chung thơ thiền Lý – Trần cơ bản là sự “trực cảm tâm linh”, sự hợp nhất không – thời gian, dung hòa cởi mở, đại chúng. Khác hẳn thơ nho là đả phá cái nhìn nhị nguyên, đả phá tôn ti trật tự, đẳng cấp, không phải là con người thoát ly thế sự bởi giác ngộ “vạn pháp giai không” [24]. Hình tượng con người, từ tự do, vô ngã, đến vô ngôn, vô ý. Trong thơ thiền Lý-Trần, chỉ cần chúng ta biết lắng lòng, sẽ nhận ra cái chân thật nằm đằng sau những chữ nghĩa văn tự. Nhận thức về mặt nghệ thuật, là sản phẩm, kì diệu về mặt tinh thần của một sự kiện lịch sử tự hào, một hào khí Đông Á hào hùng oanh liệt. Đây là một tác phẩm rất quan trọng và không thể thiếu đối với mỗi người con Phật. Thời đức Phật ở Ấn Độ có cư sĩ nam Duy Ma Cật (Vimalakirti) hay Tịnh Danh (淨名) ngộ tâm tịnh Phật độ tịnh đều được chư vị Bồ Tát và A La Hán kính trọng. Trung Hoa có Bàng Long Uẩn học đạo Thạch Đầu Hy Thiên và Mã Tổ Đạo Nhất có chỗ vào. Lục Tổ Huệ Năng (六祖惠能. Đời Trần có Tuệ Trung học đạo với Thiền sư Tiêu Giao, là cư sĩ tại gia ngộ đạo, được giới cư sĩ và tăng sĩ tìm đến tham học. Tuệ Trung là vị khơi nguồn cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời mang một bản sắc dân tộc Việt. Tuệ Trung xứng đáng được người đời ca tụng “Thiền sư cư sĩ”. Thật vậy, muốn đạt được giác ngộ trước phải trước phải Đập vỡ những khái niệm hai bên, nhận được cái tính không vốn sẵn xưa nay, chưa từng sinh, chưa từng diệt. Đòi hỏi phải là một hành giả chứ không phải là học giả. Vị này có “văn, tư, tu” hay “giới, định, tuệ” thật học thật tu. Chứ không phải học thật nhiều kinh điển, chạy đầu nầy đầu kia tìm thầy có tiếng tâm lừng lẫy để học đạo mà “Tham, Sân, Si” còn đầy ấp, “thân, khẩu, ý” không thanh tịnh cũng bằng không. Chư Phật chư Tổ, đưa ra nhiều phương pháp mở lối cho chúng ta đi con đường đúng nhất. Đây mới thật là “Người biết được mộng”. Bởi thế vị này mới thật sự là người uống được dòng sữa pháp của đức Như Lai hay con Ngỗng Chúa uống sữa chừa nước. Tự mình làm hòn đảo cho chính mình, tự thắp đuốc lên mà đi, ngã đâu đứng dậy ngay chỗ ấy, thắng chính mình là chiến công quanh liệt nhất, là người biết trở về với ông chủ, bộ mặt xưa nay của chính chúng ta. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, đây là một tác phẩm rất hay, có tính thuyết phục rất cao, nhất là tính phổ biến của nó.

Tác giả: Sư cô Thích Nữ Hòa Tấn Lớp Cao học Phật giáo Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM *** [1]Nguyễn Lang, (2012), “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông, tr. 18. [2] Đoàn Thị Thu Vân, (2022), “Văn học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần”, giảng dạy tại Thiền Viện Vạn Hạnh Tp. Hồ Chí Minh, tr. 15. [3] Nguyễn Lang, (2012), “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông, tr. 203. [4] Phật học Chuyên môn, (1995), “Thiền học đời Trần”, Ấn hành Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 48. [5] Thích Thanh Từ, (2016), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải”, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, tr. 72. [6] Thích Thanh Từ, (2016), “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải”, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, tr. 61. [7] Thích Thanh Từ, (2016), “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải”, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, tr.7. [8] Đoàn Thị Thu Vân, (2022), “Văn học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần”, giảng dạy tại Thiền Viện Vạn Hạnh Tp. Hồ Chí Minh, tr. 12. [9] Đoàn Thị Thu Vân, (2022), “Văn học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần”, giảng dạy tại Thiền Viện Vạn Hạnh Tp. Hồ Chí Minh, tr. 13. [10] Thích Minh Châu dịch, (2012), “Kinh Trung Bộ 2”, 121. Kinh Tiểu Không, Tôn Giáo, Hà Nội, trang 437. [11] Thích Minh Châu, (2010), “Tóm tắt Kinh Trung Bộ” (Majjhima Nikaya), Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 332-333-334. [12] Thích Trí Định, (2020), “Giáo trình Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, Học Viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. [13] Thích Thiện Siêu, (1993), “Kinh tạp A Hàm Tập 1”, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, tr. 96. [14] Thích Thiện Siêu, (1991), “Kinh tạp A Hàm Tập 1”, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, tr. 193. [15] Thích Minh Châu, (1993), “Kinh Tương Ưng Bộ II”, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, tr. 129. [16] Wikipedia. Org, “Tam tự tính trong Duy Thức Luận”. [17] Thích Trí Định, (2020), “Giáo trình Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, giảng dạy tại Học Viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, tr. 16-17. [18] Thích Trí Định, (2020), “Giáo trình Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, giảng dạy tại Học Viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, tr. 18-19. [19] Ban Phật giáo Việt Nam, (1995), “Thiền học đời Trần”, Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr. 134. [20] Thích Thanh Từ, (2016),“Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, tr. 98. [21] Thích Thanh Từ, (2016), “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, tr. 143. [22] Thích Minh Châu, (2017), “Phẩm Song Yếu”, Nxb Hồng Đức, tr. 13. [23] Thích Thiện Hoa, (2000), “Tám quyển sách quý”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 505. [24] Đoàn Thị Thu Vân, (2022), “Văn học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần”, giảng dạy tại Thiền Viện Vạn Hạnh Tp. Hồ Chí Minh, tr. 27.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu, (1993), “Kinh Tương Ưng Bộ II”, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. 2. Thích Minh Châu, (2010), “Tóm Tắt Kinh Trung Bộ”, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 3. Thích Minh Châu, (2010), “Tóm Tắt Kinh Trung Bộ”, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 4. Thích Minh Châu dịch, (2012), “Kinh Trung Bộ 2”, 121. Kinh Tiểu Không, Tôn Giáo, Hà Nội. 5. Thích Minh Châu, (2017),“Kinh Pháp Cú”, Nxb Hồng Đức. 6. Thích Trí Định, (2020), “Giáo Trình Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, giảng dạy tại Tp. Hồ Chí Minh. 7. Thích Thiện Hoa, (2000), “Tám quyển sách quý”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Lang, (2012), “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông. 9. Ban Phật Học Chuyên Môn, (1995), “Thiền học đời Trần”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Ấn Hành. 10. Thích Phước Sơn, (1995), “Tam tổ thực lục”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Ấn Hành. 11. Thích Thiện Siêu, (1993), “Kinh tạp A Hàm Tập 1”, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam 12. Thích Thanh Từ, (2016), “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải”, Nxb Văn hóa Văn nghệ. 13. Thích Thanh Từ, (2004), “Thiền sư Việt Nam”, Nxb Tôn Giáo. 14. Đoàn Thị Thu Vân, (2022), “Văn học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần”, giảng dạy tại Thiền Viện Vạn Hạnh Tp. Hồ Chí Minh.