Thích Nữ Mai Anh - Học viên Cao học Khóa I, Học viện PGVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021

Đặt vấn đề: Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi được thành lập ở thế kỉ thứ VI khi thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci, ? - 594) từ Quảng Châu (Trung Hoa) đến chùa Pháp Vân (nay thuộc khu vực Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) truyền pháp thiền của Tam tổ Tăng Xán (僧璨, ? - 606). Hạt giống Thiền ấy được gieo trồng trên mảnh đất Giao Châu màu mỡ đã được vun xới bằng nền tảng Thiền học Đại thừa của Khương Tăng Hội (? – 280) ở thế kỉ thứ III, cộng với sự thích ứng một cách linh hoạt với yêu cầu của thời cuộc nên nhanh chóng bén rễ, đơm hoa, kết trái và phát triển trong khoảng gần 640 năm (từ năm 580 đến 1216), truyền thừa qua 19 thế hệ với 52 thiền sư đắc pháp và có những đóng góp to lớn cho Phật giáo và dân tộc. Hệ tư tưởng thiền mà Tì Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền (? – 626) gây dựng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của những dòng thiền tiếp sau đó ở Việt Nam như Vô Ngôn Thông, Thảo Đường...

Tag: Tì Ni Đa Lưu Chi, thiền phái, thiền học, lịch sử Phật giáo, Khương Tăng Hội,…

Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền học của Tam tổ Tăng Xán, đó là thiền Ấn Độ vẫn chưa bị Trung Hoa hóa nhiều với nền tảng tư tưởng của hệ Lăng Già, Bát Nhã và Hoa Nghiêm. Trong quá trình phát triển ở Việt Nam, các thiền sư đã tiếp thu tư tưởng của một số kinh văn Đại thừa khác nhưng chủ yếu vẫn là các kinh văn thuộc văn hệ Bát Nhã như kinh Kim Cương, Trung Luận, kinh Tượng Đầu Tinh Xá… Những tư tưởng thiền học chính của thiền phái phải kể đến như "siêu việt ngôn ngữ văn tự", "siêu việt hữu vô", "siêu việt sinh tử" và ảnh hưởng của yếu tố Mật giáo, thuật phong thủy, sấm vĩ vào đời sống tu tập và hành đạo. Ở bài viết này, tác giả trình bày tư tưởng "siêu việt sinh tử" – một vấn đề của nhân sinh mà Phật giáo rất quan tâm.

Nhân sinh quan Phật giáo cho rằng hết thảy chúng sinh hữu tình đều trôi lăn trong biển luân hồi sinh tử, và thiền gia coi việc giải thoát sinh tử luân hồi làm mục đích căn bản của việc tu tập, tức là "liễu sinh thoát tử", hay nhà thiền còn gọi là "siêu việt sinh tử". Các thiền sư thuộc thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi đều rất quan tâm đến vấn đề "sinh tử" và có một cái nhìn tương đối nhất quán, họ cho rằng trong cái vô cùng vô tận, sinh và tử là tuy là đối lập nhưng lại thống nhất, tương tức với nhau. "Sinh""tử" chỉ là hai mặt gắn liền với nhau trong một chỉnh thể thống nhất đó, vì vậy cần phải vượt lên quan niệm về sinh tử thông thường để đi đến cái "nhậm vận", tiêu dao, tùy duyên tự tại. Ta có ý niệm về "sinh" là vì ta có một ý niệm về "tử" và ngược lại. Nếu ý niệm về "sinh" xuất hiện thì ngay đó ý niệm về "tử" cũng đồng thời xuất hiện, chúng nương nhau như hai mặt của một tờ giấy. Một khi thấy được bộ mặt thật của "sinh tử", chỉ là khái niệm do ta đặt ra trong thế giới tục đế duyên sinh, thì cả ý niệm sinh và tử đều phải siêu xuất.

Bài kệ thị tịch của Thiền sư Trì Bát (1049 - 1117), thế hệ thứ 12 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi đã phản ánh nhận thức về lẽ sinh tử. Đứng trên bình diện thế tục đế, về thế gian pháp thì ta thấy có sinh, có tử, nhưng trên bình diện chân đế, xuất thế gian pháp thì vạn hữu như như, bất sinh bất diệt.

“Hữu tử tất hữu sinh Hữu sinh tất hữu tử Tử vi thế sở bi Sinh vi thế sở hỉ Bi hỉ lưỡng vô cùng Hỗ nhiên thành bỉ thử Ư chư sinh tử bất quan hoài Án tô rô, tô rô tất rị.”(1) Tạm dịch: Có sinh ắt có tử Có tử ắt có sinh Sinh thì người đời vui Tử thì người đời buồn Buồn vui đều vô cùng Vần xoay thành bỉ thử Sinh tử chẳng để lòng Án tô rô tô rô tất rị.

Về nhận thức thế gian, rõ ràng ta còn thấy có sinh, có tử, có sắc, có không, có bỉ, có thử... Vì còn phân biệt nên còn buồn vui, xuống lên, trôi lăn theo những vần xoay thế tục. "Sinh thì người đời vui""Tử thì người đời buồn". Đây là lẽ thường. Vì còn mắc kẹt vào sinh tử nên người đời tham sống sợ chết, nhiều đạo sĩ Đạo giáo đi tìm thuốc luyện đan cầu trường sinh bất lão, cầu trẻ mãi mà không già, không chết. Nếu chuyện sinh tử chẳng để lòng (bất quan hoài) thì "Án tô rô tô rô tất rị". Sinh tử là chuyện lớn, làm sao có thể để chẳng để lòng? Vì với con mắt thiền quán và trí tuệ vô phân biệt, sinh và tử vốn không khác. Khi nhân duyên hòa hợp tạo thành một đám mây, từ trạng thái không đến có ta tạm gọi là sinh. Khi nhân duyên ly tán, ta không thấy hình tướng của đám mây nữa, ta tạm nói là diệt, khi đó đám mây trở thành cơn mưa rơi xuống đại dương, xuống lòng sông hồ, thấm vào lòng đất, rồi một mai lại bốc hơi về trời, nhân duyên hội đủ ta lại có những đám mây với những hình thái biểu hiện khác. Bản chất cái sinh và cái diệt vốn chỉ là do nhân duyên hội tụ hay ly tán. Vậy nên thiền sư ngộ đạo đối diện với sinh tử mà không phiền lòng, không phải là người đó không còn sinh và tử theo nhận thức thế tục, mà trong vòng xoay sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không của tạo hóa, nó là lẽ thường, ta không thể thay đổi được quy luật của tạo hóa thì tại sao ta phải phiền lòng bận tâm đến nó. Hơn nữa xét đến ngọn nguồn, sự sinh diệt chẳng qua chỉ là sự hội hợp hay ly tán của vô vàn nhân duyên, thấu rõ được bộ mặt của nó rồi nên có thể "Án tô rô tô rô tất rị". Nghĩa là tự tại thong dong, dứt bặt mọi tư duy, mọi ý niệm phân biệt ham sinh ghét tử, giải thoát khỏi sinh tử chỉ trong một niệm mà không cần đến thuốc trường sinh.

Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

Thiền sư Thuần Chân (? - 1011), thế hệ thứ 12 dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, thuở nhỏ học Nho, tinh thông kinh sử, nhân gặp thiền sư Pháp Bảo ở chùa Quang Tịnh, chỉ nghe một lời nói mà lĩnh hội được yếu chỉ. Trước khi thị tịch, đệ tử là Bản Tịch vào xin chỉ giáo, thiền sư liền đọc bài kệ chỉ rõ rằng: việc sinh tử theo cách hiểu của thế gian chỉ giới hạn trong sắc thân vật chất, trong các pháp hữu vi; còn pháp tính, chân tính vô vi thì có sinh diệt bao giờ:

“Chân tính thường vô tính Hà tằng hữu sinh diệt Thân thị sinh diệt pháp Pháp tính vị tằng diệt.”(2) Tạm dịch: Chân tính thường vô tính Có sinh diệt bao giờ Thân là nguồn sinh diệt Pháp tính vẫn như như.

Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1025), thế hệ thứ 12 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, một người đã cống hiến trọn cuộc đời cho nền độc lập dân tộc và kiến lập một triều đại vững bền, trước khi thị tịch gọi môn đồ đến và nói bài kệ về lẽ thường sinh tử, thịnh suy, được mất ở thế gian:

"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô."(3) Ngô Tất Tố dịch thơ: "Thân như bóng chớp có rồi không Cây cối xuân tươi thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông."

Vạn Hạnh miêu tả sắc thân vật chất như "điện", như "ảnh", đây là hình ảnh ví von đặc thù của kinh Kim Cương khi nói về tính chất "huyễn hữu" của các pháp. Ta thấy các pháp là "hữu", nhưng là "huyễn hữu", nghĩa là không bền chắc, duyên hợp duyên tan, sinh rồi lại diệt, có sống phải có chết, như cây cối mùa xuân thì xanh tươi, mùa thu thì khô héo. Mọi sự ở đời cũng nào có khác gì sắc thân tạm bợ này. Thiền sư đã sử dụng hình ảnh so sánh rất tinh tế, lẽ sinh tử, được mất ở đời vốn như một hạt sương mai long lanh đọng trên đầu ngọn cỏ, tuy ta vừa thấy đó, nhưng thoáng chốc sẽ tan biến ngay khi bình minh lên, tức là khi trí tuệ xuất hiện, trí tuệ thấu rõ bản chất vô sinh bất diệt của chư pháp thực tướng, tất cả chẳng qua chỉ là những hiện tượng duyên sinh giả hợp tạm bợ mà được gán cho trò chơi sinh tử. Thiền giả thấu rõ được nó với sự thể nhập chứ không phải chỉ bằng hiểu biết của ý thức, thì sẽ đạt được trạng thái "nhậm vận" như trong bài kệ đã nói. Đó là thái độ của một thiền giả đạt đạo đối với sinh tử, "nhậm vận" mà sống tự nhiên, sống hết lòng, sống vô tư, vô cầu. Ấy cũng chính là tinh thần tự do của Thiền.

Thiền sư Giới Không (? - ?), thế hệ thứ 15 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, trước khi thị tịch, thiền sư khuyến hóa môn đồ chớ chấp trước vào chuyện sinh tử, chớ có tham sống mà sợ chết:

"Ngã hữu nhất sự kì đặc Phi thanh hoàng xích bạch hắc Thiên hạ tại gia xuất gia Thân sinh ố tử vi giặc Bất tri sinh tử dị lộ Sinh tử chỉ thị thất đắc Nhược ngôn sinh tử dị đồ Trảm khước Thích Ca, Di Lặc Nhược tri sinh tử, sinh tử Phương hội lão tăng xử nặc Nhữ đẳng hậu học môn nhân Mạc nhận bàn tinh quỹ tắc.”(4)

Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch:

"Ta có việc này kì quặc Chẳng xanh vàng đỏ trắng đen Cả người tại gia, xuất gia Tham sinh ghét tử là giặc Chẳng hay sống chết khác nẻo Sinh tử chỉ là được mất Bảo rằng sinh tử khác đường Lừa dối Thích Ca, Di Lặc Biết sinh tử là sinh tử Mới hiểu nơi ta ẩn nấp Môn nhân hậu học các ngươi Chớ nên nhỏ hẹp lầm chấp” [6, 211- 212].

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, thiền chú trọng đến sự trực ngộ, sự thể nhập mà không phải là sự hiểu biết giáo nghĩa dù là hiểu biết rất rõ ràng minh bạch. Như thiền sư Hòa Sơn Tuệ Phương (禾山慧方, 629 - 695) đã nói: "Song, tông phái của năm nhà, tông phong không thể không có. Cho dù có thể phân biệt rất mực rõ ràng minh bạch đi nữa, thì vẫn chỉ là việc làm bên ngoài như thể đuổi hình bắt bóng mà thôi. Nếu muốn mang sự hiểu biết minh bạch về tông phong kia để chống chọi với sinh tử, thì hai cái đó vẫn cách xa nhau một trời một vực. Lại nữa, câu nói "siêu việt sinh tử" ấy nghĩa là gì?"(5)

Đây cũng là một trong những lí luận "minh lí" của Giáo tông và "thể lí" của Thiền tông. Giáo tông "minh lí", tức hiểu rõ giáo nghĩa, nhưng không thể nhập được, đến khi đối diện với sinh tử mới thấy những mớ kiến thức biện giải kia chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nên siêu việt sinh tử, phải là siêu việt từ trong nhận thức với sự thể nhập qua công phu thiền quán chứ không phải sự liễu giải trên bình diện ngôn ngữ văn tự.

Ni sư Diệu Nhân (1042 - 1113), vị thiền sư ni duy nhất đắc đạo và được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh, thuộc đời thứ 17 dòng Tì Ni Đa Lưu Chi; ni sư cũng có một cái nhìn thống nhất với quan điểm siêu việt sinh tử đã được phân tích ở trên:

“Sinh lão bệnh tử Tự cổ thường nhiên Dục cầu xuất ly Giải phược thiêm triền Mê chi cầu Phật Hoặc chi cầu Thiền Thiền Phật bất cầu Đỗ khẩu vô ngôn.”(6)

Tạm dịch:

Sinh, lão, bệnh, tử Xưa nay lẽ thường Muốn cầu xuất ly Càng thêm trói buộc Mê mới cầu Phật Lầm mới cầu Thiền Thiền, Phật chẳng cầu Mím miệng ngồi im.

Ni sư cho rằng, việc sinh tử trên thế gian từ xưa đến nay vốn dĩ là lẽ thường, là quy luật tất yếu của nhân sinh, chúng là pháp hữu vi, là pháp sinh diệt. Muốn thoát ly khỏi cái quy luật tự nhiên ấy là điều không thể, ngược lại càng muốn thoát li càng bị phiền não trói buộc. Hành giả tu tập đừng khởi những ý niệm phân biệt chấp trước vào chuyện sinh tử làm gì, đến cả khái niệm Phật, Thiền, hay Tổ cũng cần phải buông bỏ. Vốn dĩ trong bản môn, ta chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt. Khi đạt đến cảnh giới tuyệt đối đó thì mọi ý niệm phân biệt đều dứt bặt, nên "đỗ khẩu vô ngôn" (mím miệng ngồi im), mà Tam tổ Tăng Xán trong Tín tâm minh nói là "tuyệt ngôn tuyệt lự 绝言绝虑" (dứt nói dứt nghĩ) nhưng lại "vô xứ bất thông无处不 通" (chỗ nào cũng thông).

"Siêu việt sinh tử" là một trong những tư tưởng thiền học quan trọng của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và cũng là mục đích chung mà bất cứ một hành giả Thiền tông nào cũng cần đạt đến. "Siêu việt sinh tử" vốn dĩ được khởi nguồn từ hệ tư tưởng Bát Nhã. Người đời vốn tham sinh ghét tử nên mãi lao đao trong vòng xoay sinh tử, các thiền sư dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi thấy rõ sinh tử chỉ là trò chơi được tạo dựng trên tâm phân biệt bỉ thử nên vượt lên cái sinh tử theo nhận thức của thế gian để tiêu dao tự tại trong bản môn, đến đi tự do, không chút dao động và sợ hãi. Từ đó mới có những thiền sư như Định Không (730 - 808), La Qúy An (852 - 936), Thiền Ông (902 - 979), Pháp Thuận (925 - 990), Vạn Hạnh (? - 1025)… tích cực dấn thân nhập thế để giành lại nền độc lập cho dân tộc trong bối cảnh bi đát của đất nước, rồi lại vì một nền văn hóa tự chủ và sự phát triển lâu bền, thịnh vượng của đất nước mà cống hiến tài năng và trí tuệ.

Thích Nữ Mai Anh - Học viên Cao học Khóa I, Học viện PGVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021 --------------------

CHÚ THÍCH: (1) 有死必有生,有生必有死。死為世所悲,生為世所喜。悲喜两無穷,互然成彼此。於諸生死不関懷,庵蘇噜蘇噜悉哩。 [1, 57a] (2) 真性常無性,何曾有生滅。身是生滅法,法性未曾滅。[1, 57b] (3) 身如電影有還無,萬木春榮秋又枯。任運盛衰無怖畏,盛衰如露草頭鋪。[1, 52b] (4) 我有一事奇特,非青黄赤白黑。天下在家出家,亲生恶死为贼賊。不知生死異路,生死只是得失。若言生死異途,赚却釋迦弥 勒。若知生死生死,方会老僧處匿。汝等后学門人,莫認盘星軌則。 [1, 63a] (5) 然五家宗派,門庭施設則不無。直饒辯得倜儻分明去,猶是光影邊事。若要抵敵生死,則霄壤有隔。且超越生死一句作 麼生道。《五燈會元》卷18. (6) 生老病死,自古常然。欲求出離,解缚添纏。迷之求佛,惑之求禅。禅佛不求,杜口無言。 [1, 67b]

TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1].《禅苑集英》bản in đời Lê, khoảng năm Vĩnh Thịnh (1715). [2].《大方廣佛華嚴經》大正藏第09 No. 278. [3].《景德傳燈錄》大正藏第51 冊 No. 2076. [4]. Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3, NXB. TP. HCM. [5] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (toàn tập), Công ty sách Thời Đại & NXB Văn học. [6] (1990), Thiền uyển tập anh, NXB Văn học, Hà Nội, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích).

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ: http://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tuong-thien-phai-ty-ni-da-luu-chi-voi-phat-giao-viet-nam-duong-dai-ky-1.html http://tapchinghiencuuphathoc.vn/ban-ve-triet-ly-tinh-do-trong-he-tu-tuong-thien-phai-ty-ni-da-luu-chi.html