Từ khóa: Từ bi, yêu dân, thân dân, Phật giáo, Việt Nam Phân loại ngành: Triết học

Mở đầu:

Từ những ngày đầu du nhập vào nước ta, triết lý của đạo Phật đã được người Việt tiếp nhận và biến đổi cho phù hợp. Những “tiếp nhận và biến đổi” thể hiện trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán, thế giới quan, nhân sinh quan. Vì vậy, ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa dân tộc với văn hóa Phật giáo đã in đậm trong các sinh hoạt xã hội. Quá trình tương tác giữa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc với tư tưởng từ bi đã góp phần làm phong phú tinh thần dân tộc, đồng thời tạo ra nét rất riêng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng. Nghiên cứu mối quan hệ giữa tư tưởng từ bi với triết lý yêu dân, thân dân của Phật giáo Việt Nam thêm khẳng định vai trò, những đóng góp của Phật giáo trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc. Bài viết làm sáng tỏ cội nguồn của triết lý yêu dân, thân dân trong Phật giáo Việt Nam.

1. Từ bi trong triết lý giác ngộ của Phật giáo

Khởi nguồn của tư tưởng “từ bi” từ trong quan niệm Tứ vô lượng tâm (hay bốn Vô lượng tâm, còn gọi là Tứ đẳng, Trí Phạm hạnh, Tứ thiền trong thập nhị thiền) của Phật giáo. Tứ vô lượng tâm gồm: 1. Từ vô lượng tâm là tâm có thể đem lại niềm vui sướng cho chúng sinh, 2. Bi vô lượng tâm là tâm có thể trừ khổ cho chúng sinh, 3. Hỉ vô lượng tâm là tâm vui mừng khi thấy người khác khỏi khổ được sướng, 4. Xả vô lượng tâm cũng như ba tâm trên, xả bỏ mà tâm chẳng còn chấp trước. Hơn nữa oán thân bình đẳng, xả oán xả thân. Bốn tâm này phổ duyên vô lượng chúng sinh, dẫn vô lượng phúc nên gọi là Vô lượng tâm. Bình đẳng lợi lạc hết thảy chúng sinh nên gọi là Bình đẳng tâm. Bốn tâm này dựa vào bốn thiền định mà tu hành. Tu bốn tâm này thì được sinh lên cõi trời. Phạm thiên câu Sắc giới, nên gọi là Tứ Phạm thiên. Luận cầu-xá, q.29. Vô lượng hữu tâm gồm: 1. Từ, 2. Bi, 3. Hỉ, 4. Xả [1, tr.1778]. Theo Từ điển Phật học Hán - Việt, thì Từ Bi là hai trong số Tứ vô lượng tâm. Thuật ngữ Từ Bi là “Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maitrya, maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi” [1, tr.1721].

Trong triết lý giác ngộ của Phật giáo có ba loại Từ Bi (tam chủng từ bi); “1. Chúng sinh duyên từ bi, còn gọi là Hữu tình duyên từ. Chúng sinh duyên từ bi tâm là bằng lòng từ bi rộng lớn coi chúng sinh trong thập phương ngũ đạo như cha, như mẹ, như anh chị em, con cháu, với tấm lòng luôn luôn suy nghĩ tới việc sao cho họ được sướng vui, diệt trừ khổ sở. Loại từ bi này phần nhiều khởi lên ở kẻ phàm phu hoặc người có học song chưa dứt bỏ hết phiền não. 2. Pháp duyên từ bi tâm là Thánh nhân hàng Tam thừa đã dứt bỏ hết phiền não, giác ngộ chân lý chư pháp là vô ngã mà khởi lòng từ bi. Đó là lòng từ bi của bậc Vô học (A la hán) và của hàng Bồ tát từ Sơ địa trở lên. 3. Vô duyên từ bi là lòng từ bi chỉ có ở chư Phật. Đó là lòng từ bi tuyệt đối bình đẳng khởi lên nhờ kiến giải xa lìa sai biệt và không có cái tâm phân biệt. Cái đó hạng phàm phu và nhị thừa không thể có được, nên gọi là Đại từ Đại bi” [2, tr.1721].

Căn cứ vào cội nguồn ở trên cho thấy, Từ là tâm yêu thương luôn đem lại niềm vui, an lạc cho tất cả chúng sinh. Bi là tâm luôn cảm thông với nỗi khổ của chúng sinh, từ đó tìm cách sẻ chia bớt nỗi đau của chúng sinh. Hỉ là tâm vui mừng khi thấy người khác hết đau khổ. Xả là tâm không chấp (vô chấp) cả những hành vi tốt đẹp đã làm vì chúng sinh.

Khi đạo Phật phát triển và lan tỏa đến nhiều vùng miền, tư tưởng từ bi đã có sự tiếp biến khác nhau nhưng vẫn giữ được tinh thần của Phật.

Từ là mang lại niềm vui, sự an lạc cho mọi người. Nếu chúng ta sống mà không mang lại sự an lạc cho người xung quanh thì chưa đạt được tâm Từ. Tuy nhiên, khái niệm Từ không dừng lại ở đó mà còn trải rộng theo tinh thần “vô duyên đại từ”, nghĩa là mang niềm vui không chỉ cho những người yêu thương ta, những người thuận duyên mà phải đem niềm vui cho những kẻ ghét ta, nghịch duyên với ta. Còn Bi là diệt trừ khổ não, giúp mọi người thoát khỏi sự phiền não trong cuộc sống. Mở rộng ra là “đồng thể đại bi”, xem nỗi khổ của chúng sinh như nỗi khổ của chính mình. Từ bi theo tinh thần của đạo Phật là mở rộng lòng đại bi đến với tất cả chúng sinh dù vô tình hay hữu tình. Đúng như lời Phật dạy trong lần thuyết pháp cho các đệ tử: “Ngày trước khi khổ hạnh trong non Tuyết, thỉnh thoảng ta cũng nhớ cha mẹ, vợ con, nhớ những cảnh xa hoa lộng lẫy trong cung điện, nhưng vì lòng nghĩ đến sự đau khổ của chúng sinh, ta đã cương quyết vượt qua tất cả”.

Ngoài một số quan niệm trên, cũng có học giả lại cho rằng, Từ bi là trí tuệ, là mảnh đất màu mỡ để trí tuệ nảy sinh. Trong Phật giáo, tuệ (PrajNa) còn gọi là trí tuệ bát nhã, trí tuệ sáng suốt. Trí tuệ này không phải do học mà có, nó là kết quả của quá trình giữ giới, thiền định. Quan hệ giữa định với tuệ là bình đẳng, như ngọn đèn và ánh sáng. Có đèn thì sáng, không đèn thì tối. Đèn là thể tính của sáng, còn sáng là chỗ dụng của đèn. Định và tuệ tên gọi tuy hai mà thể vốn là một. Định là thể tính của tuệ, còn tuệ là chỗ dụng của định.

Từ bi còn có nghĩa không có sự sân hận và đố kỵ trong cuộc sống để dẫn đến những mâu thuẫn, bạo lực. Từ bi cũng được được hiểu là hòa bình. Từ bi là lòng thương người và ban vui. Thực tiễn cho thấy, mọi xung đột trên thế gian này trong quá khứ, vị lai, hiện tại đều bắt đầu từ tư tưởng, suy nghĩ. Bởi vậy, ngay từ đầu cần phải xây dựng “thành lũy” từ bi từ trong tư tưởng cho tất cả mọi người. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì mọi oán hận bắt đầu từ tam độc: tham, sân, si (bắt đầu từ suy nghĩ), cho nên phải rèn luyện đức từ bi. Do đó, từ bi là cách hóa giải của mọi chiến tranh xung đột. Không ai có lòng từ bi mà muốn gây chiến tranh để mang đau khổ cho nhân loại.

Từ bi là lòng nhân hòa, hiền dịu, luôn hướng thiện và không toan tính, nhằm mang đến niềm vui và hạnh phúc tối thượng cho mọi người.

Từ bi là sự cảm hóa tâm ác. Từ bi là hòa bình, sự hoàn thiện bản thân và cải thiện xã hội. Khi con người có tâm từ bi và phát triển rộng khắp trong cộng đồng thì chắc chắn xã hội sẽ an lạc. Vì vậy, Phật dạy “Lấy oán báo oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”.

Ngày nay, khi đạo đức con người ngày càng xuống cấp bởi lối sống nhanh và vật chất, hình thức quá nhiều khiến lòng từ bi giảm dần. Do đó, phải tích cực giáo dục lòng từ bi trong mọi hoàn cảnh cho tất cả chúng sinh. Một khi tâm từ không được phát sinh thì đồng nghĩa rằng tự chúng ta đã đưa mình vào thế giới của sự vị kỷ, lo lắng và ích kỷ. Người đời có câu “Trước khi muốn thế giới thay đổi thì hãy thay đổi bản thân mình trước”. Chúng ta muốn sống trong thế giới từ bi thì bản thân chúng ta phải thực hành hạnh từ bi, hãy sống và làm theo lời Phật dạy “từ tâm quán chúng sinh, như mẫu niệm nhất tử. Vu thù bất truy ác, cánh sinh lân mẫn tâm”. Theo Phật, dùng tâm từ quán sát chúng sinh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sinh khởi tâm ác, ngược lại phải sinh tâm thương xót họ.

Con người chưa thể đạt được tâm từ bi vô lượng như các bậc Thánh nhân thì trước tiên hãy làm những gì nhỏ nhất, đơn giản nhất nếu có thể để mang đến niềm vui cho người khác. Khi đó, lòng từ bi lập tức trỗi dậy trong chúng ta. Bởi theo Phật, tất cả chúng sinh đều bình đẳng về tính Phật, ai cũng có tâm Phật, cũng có lòng từ bi. Tinh thần ấy phản ánh đúng tư tưởng của Phật khi còn tại thế. Phật dậy: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật” (Nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật tính), nghĩa là Phật và chúng sinh có cùng tính Phật, có cùng bản thể, đều có khả năng thành Phật.

2. Triết lý yêu dân, thân dân, vì dân trong Phật giáo Việt Nam

Nét độc đáo của văn hoá Việt Nam là, khi tiếp thu một hiện tượng văn hoá mới du nhập, nó không tiếp nhận nguyên cả hệ thống mà thường tiếp thu các yếu tố riêng lẻ của hệ thống đó, trên cơ sở ấy biến đổi các yếu tố khác rồi cấu tạo lại theo cách của riêng mình và lập nên một hệ thống mới với nhiều nét khác biệt. Phật giáo Việt Nam là một điển hình. Ngay từ những ngày đầu du nhập vào nước ta, Phật giáo đã tiếp xúc với các tín ngưỡng bản địa truyền thống của dân tộc và hoà quyện chặt chẽ với chúng để tạo ra Phật giáo mang đậm dấu ấn bản địa. Trong sách Lý hoặc Luận (luận về cách xử lý những điều còn lầm lẫn, mê hoặc) do Mâu Bác (người Trung Hoa khoảng 165 - 170) viết: “Phật giáo đã du nhập vào Giao Châu trực tiếp từ Ấn Độ nên có cách trang phục, giao tiếp khác hẳn, khiến cho người Trung Hoa thắc mắc (tăng sỹ Giao Châu mặc áo cà sa đỏ, khi giao tiếp không quỳ” [3, tr. 453]. Đây là điểm khác biệt rõ nhất trong trang phục cũng như cách giao tiếp của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Ấn Độ. Một điểm nữa cũng cần chú ý là, Phật giáo ở Giao Châu thời kỳ này được truyền trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) đã được phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn sang tiếng Việt thành Bụt. Và trong con mắt của người Việt, Bụt được coi như một vị thần dân dã toàn năng luôn có mặt ở mọi nơi, sẵn sàng xuất hiện để cứu giúp dân lành, trừng trị kẻ xấu.

Ở nước ta, có những chùa Mường còn giữ nguyên tên gọi nguyên sơ của nó như: Bụt đực, Bụt cái. Nàng Man, cô gái làng Dâu - Hà Bắc, một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo đã trở thành Phật Mẫu Việt Nam (tương truyền nàng Man sinh vào ngày 8/4). Đại đa số các phật tử tại gia là các bà, các cô. “Trẻ vui nhà, già vui chùa” (tục ngữ) là nói cảnh sinh hoạt Phật giáo vui vẻ của các bà, các cô. Đó là những tiếp biến của thời kỳ Phật giáo mới du nhập vào nước ta. Thời hiện đại, chúng ta còn thấy một sự biến đổi tuyệt với nữa, “có lẽ” chỉ có ở Việt Nam là: chùa vốn được dựng để thờ Phật, nhưng chùa lại để thờ các vị anh hùng dân tộc. Chùa Bộc (còn có tên là Sùng Phúc tự hay Thiên Phúc tự) xưa thuộc thôn Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), là nơi đã diễn ra trận chiến thắng oanh liệt của Quang Trung – Nguyễn Hệ đánh tan 29 vạn quân Thanh. Trước năm 1945, chùa Bộc trở thành nơi khai trường thuyết pháp và đào tạo các tăng ni khắp nơi trong nước do Hòa thượng Chính Công trụ trì. Chùa cũng là cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Nam rất có tiếng được mọi người khắp nơi biết đến. Ngày nay, nhiều người dân Hà Nội tìm đến chùa Bộc không chỉ để vãn cảnh chùa, hay tìm hiểu về những di vật liên quan đến trận chiến thắng Đống Đa lịch sử, mà còn để thấy lòng mình thanh thản hơn và cầu sức khỏe, bình an cho người thân.

Tư tưởng yêu dân, vì dân, thân dân trong Phật giáo Việt Nam thể hiện ở chỗ, nó luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ cuối thời Bắc thuộc, Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền của xứ “An Nam đô hộ phủ” tức nước ta ngày ấy. Trong dân tộc đã xuất hiện một tầng lớp cao tăng, những người này sang Ấn Độ, xuống Nam Dương, Trung Quốc học tập, hiểu rộng biết nhiều, kiêm thông ngôn ngữ Hán - Phạn để truyền bá giáo lý. Hầu hết những người này tự nguyện đến với đạo Phật, lấy giáo lý từ bi để tu luyện mình và giúp đỡ người khác. Trong số đó cũng có người như Lý Phật Tử đã lấy danh nghĩa phật tử tập hợp quần chúng chống lại sự áp bức của bọn phong kiến phương Bắc. Những nhà sư, các tín đồ đạo Phật này đã thực sự tham gia vào cuộc vận động, đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Trong cuộc đấu tranh ấy, ý thức dân tộc đã gắn bó chặt chẽ với ý thức đạo của các phật tử. Và cũng từ đây, uy tín, vai trò xã hội của đạo Phật được khẳng định.

Trong khi đạo Phật toả rộng và thấm dần vào đời sống nhân dân, Phật giáo được công nhận như một tôn giáo chính thức. Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi vua (năm 971) đã quy định các cấp bậc tăng đạo, đồng thời với các cấp bậc văn võ. Sư Ngô Chân Lưu giữ chức Tăng thống (quan đứng đầu Phật giáo) và được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Nhiều nhà sư trở thành cố vấn cho các ông vua về đường lối đối nội và đối ngoại. Các nhà sư này, tuy không trực tiếp tham gia vào bộ máy hành chính, nhưng ảnh hưởng của họ đối với nhà nước phong kiến là rất lớn. Một số thiền sư như Maha, Sùng Phạm, Vạn Hạnh nhiều lần được vua Lê Đại Hành mời vào cung để hỏi ý kiến về việc đạo cũng như việc đời. Thiền sư Vạn Hạnh còn được vua hỏi về kết quả của cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 980.

Đến thời Lý, người mở đầu triều đại này là Lý Công Uẩn (974-1028) đã trưởng thành từ trong nhà chùa và trong cuộc vận động lên ngôi, đã được sự ủng hộ nhiệt tình của giới phật tử. Có thể nói, tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Lý Công Uẩn là vì dân, mọi suy nghĩ đến hành động đều vì dân. Và Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) được Lý Công Uẩn ban bố (năm 1010) là sự thể hiện sinh động nhất, trung thực nhất tư tưởng vì dân. Trong 20 năm làm vua, Lý Công Uẩn đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, củng cố nền độc lập, tự chủ dân tộc. Một trong những đóng góp to lớn có ý nghĩa lịch sử của Lý Công Uẩn là việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long và đổi tên nước thành Đại Việt. Trong những năm làm vua, Lý Công Uẩn đã ban nhiều lệnh có lợi cho sự phát triển của Phật giáo: làm chùa trong cả nước, độ dân làm sư, sai sứ sang Trung Quốc xin kinh Tam tạng. Tinh thần ngưỡng mộ Phật giáo thời Lý không chỉ biểu hiện tinh thần “nhập thế” qua các sinh hoạt Phật giáo mà còn là một đặc điểm của văn hoá dân tộc.

Kế thừa những thành tựu do nhà Lý xây dựng hơn 2 thế kỷ, đặc biệt là sự tiếp nối tư tưởng “ý dân, lòng dân” mà Lý Công Uẩn đã nêu ra trong Chiếu dời đô, nhà Trần còn chú ý xây dựng đạo đức cho muôn dân như lòng biết ơn đến công lao to lớn của tổ tiên. Trần Thái Tông (1218 - 1277) đã viết: “Trẫm nghĩ: cha mẹ vỗ về nuôi nấng con không thiếu cách gì, con dù thịt nát xương tan cũng không đủ báo đền trong muôn một. Huống chi, đấng Hoàng khảo Thái tổ ta xây dựng cơ nghiệp rất mực gian nan, trị nước giúp đời lại càng khó nhọc. Người đem ngôi báu trao lại cho trẫm từ lúc ấu thơ, khiến trẫm đêm ngày lo sợ, không chút thảnh thơi. Trẫm tự bảo mình: trên đã không có cha mẹ để nương tựa, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào?” [4, tr.28].

Các vua Trần không chỉ giáo dục đạo đức cho muôn dân mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần, đến tín ngưỡng của các tầng lớp trong nhân dân. Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông viết: “Cho nên phải dựa cả hai, cả Phật cả ta. Tính căn phân biệt, ngu trí chia nhau, nếu trỏ một cửa thì khó giác ngộ mà vào, cho nên, đức Phật ta mở rộng trí lớn mà nguyện mở cửa phương tiện, tuỳ lối chỉ về, theo bệnh cho thuốc” [5, tr.108]. Quan tâm đến đời sống tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân được Trần Thái Tông lồng ghép thông qua giáo lý đạo Phật như: kết hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ tông, đốn ngộ và tiệm ngộ, sự giải thoát của bậc thượng trí và bậc hạ trí, song chủ yếu là dung hòa giữa Nho và Phật. Vì vậy, Trần Thái Tông đã viết sách Khóa hư lục, còn Trần Nhân Tông lập ra phái Thiền Trúc Lâm. Trong bài Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông viết: “Trẫm thấy Thái sư (Trần Thủ Độ) cùng các kỳ lão khăng khăng không chịu bỏ trẫm, liền đem lời ấy bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm nói: Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi. Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi” [6, tr. 29].

Trần Thái Tông, một con người không ham quyền, làm vua chỉ để đáp ứng lòng mong mỏi của muôn dân (vì dân). Tư tưởng vì dân, gần dân còn thể hiện khi Trần Thái Tông nói với quần thần: “Trẫm muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của muôn dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc” [7, tr.28]. Tư tưởng gần dân, “lắng nghe tiếng nói của muôn dân, xem xét lòng dân” của các vị vua từ triều Lý đến Trần, cho thấy tinh thần nhập thế của Phật giáo đã hòa cùng dòng chảy với văn hóa dân tộc để hình thành triết lý rất riêng: “thân dân, lấy dân làm gốc, đạo hòa với đời”.

Việc làm của hai vị vua Trần đã bộc lộ tư tưởng, sau khi giải phóng dân tộc, tiếp tục giải thoát con người khỏi những niềm đau, nỗi khổ khác của cuộc đời, cắt đứt cái nguồn gốc của các niềm đau khổ ấy. Và hạnh phúc của con người không ở quyền uy, phú quý [8, tr.27]. Có thể nói, triết lý “nhập thế” rất riêng của Phật giáo Việt Nam vừa đáp ứng đòi hỏi tất yếu của đời sống tôn giáo, của thực tiễn thời đại, vừa chỉ rõ mục đích tối thượng của Phật (Giác ngộ cho tất cả chúng sinh).

Theo các tài liệu hiện có cho biết, thời kỳ Phật còn tại thế, tư tưởng nhập thế đã được định hình trong văn hóa Ấn Độ. Khi Phật giáo trở thành phổ biến, tăng đoàn (sangha) ngày càng đông thì chính đức Phật đã khuyến khích mỗi người đi về một hướng để truyền bá đạo lý. Và, cùng với tăng đoàn, Phật cũng đi khắp lưu vực sông Hằng giáo hóa cho mọi người không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Theo Ngài, những ai có khả năng xuất gia tu hành và dìu dắt kẻ khác đều được thu nhận vào tăng đoàn. Những người muốn hướng thiện song còn bận bịu với gia đình và xã hội đều được chấp nhận làm phật tử tại gia. Phật phá bỏ những tín ngưỡng thần linh vu vơ, chỉ rõ sai lầm trong cách nhận định chân lý, cải tạo những tập tục xấu hại như giết súc vật để cúng tế, cầu đảo. Phật cũng mạnh dạn chống đối chế độ giai cấp lạ kỳ bất công có nguồn gốc từ kinh điển Bà la môn.

Chủ trương lồng ghép giáo lý nhà Phật trong giáo dục đạo đức cho muôn dân làm cho Phật giáo Việt Nam có sắc thái riêng. Vì vậy, thiền phái Trúc Lâm ra đời đã từng bước xây dựng một giáo hội thống nhất. Phái Trúc Lâm vừa biểu hiện của sự ý thức dân tộc, vừa thấm đậm tính nhân văn: vì con người, vì dân tộc. Đó cũng chính là triết lý vì dân, thân dân của Phật giáo Việt Nam, khác hẳn Phật giáo Trung Quốc. Bởi vậy, tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc, mà sau này chúng ta thấy biểu hiện trong những lời nói của Trần Nhân Tông, của Trần Hưng Đạo, thì đã gặp trong lời Quốc sư Trúc Lâm dặn Trần Thái Tông năm 1236” [9, tr.215]. Triết lý này hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật, càng không có trong Phật giáo Ấn – Trung. Đúng như tác giả: Sự khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc viết: “Phật giáo Trung Quốc tập trung sự giải thoát cho cá nhân, Phật giáo Ấn Độ thoát ly thế giới trần tục, thì Phật giáo Việt Nam lại hướng đến giải thoát cho mọi người, đạo gắn với đời. Triết lý ấy giúp cho Phật giáo Việt Nam khắc phục sự xa lánh của con người (giới tăng ni Phật tử) với hiện thực đất nước” [10, tr.59]. Triết lý ấy là sản phẩm của một sự dấn thân, nhập đời của các vị vua ngưỡng mộ Phật giáo. Vì thế, triết lý đạo gắn với đời đã trở thành đường hướng cho các vị vua anh minh sau này. Các tác giả Lịch sử tư tưởng Việt Nam viết: “Phật giáo là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng ở Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu thế kỷ XIV. Nó đã đáp ứng được nhu cầu củng cố địa vị của giai cấp phong kiến Việt Nam, đã được giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng để thu phục nhân dân và ổn định trật tự xã hội. Vả chăng, đó cũng là công việc không thể thiếu được trong những bước đi đầu tiên của công cuộc dựng nước và giữ nước” [11, tr. 219].

Triết lý “nhập” để mà “xuất” (khi cần), không nhập thì cũng không thể xuất đã thành lý tưởng, tiêu chuẩn của sĩ phu Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữa nước. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Các nhà thiền học uyên thâm như Thái Tông, Tuệ Trung, Thánh Tông, Nhân Tông, vào lúc vận nước nguy nan, đều trở nên những anh hùng lập nhiều chiến công hiển hách. Phật giáo thế kỷ XIII cũng vì thế mà trong sạch hơn và nhập thế hơn. Có thể nói, tinh thần dân tộc đã thổi một luồng sinh khí mới vào Phật giáo thời Trần” [12, tr.215].

Có thể nói, thời Lý - Trần, người Việt đã lấy văn hóa Ấn Độ (thực chất là văn hóa Phật giáo) làm lá chắn chống lại sự đồng hóa của văn hóa Trung Hoa. Vì vậy, sau ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, tinh thần dân tộc được nâng cao thêm, giúp cho văn hoá nói chung, trong đó có Phật giáo càng phát triển mạnh mẽ. Nếu như cuối thời Lý còn tình trạng hỗn loạn, cát cứ phong kiến thì nhà Trần đã thống nhất được toàn bộ đất nước. Quá trình đấu tranh giải phóng khỏi ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc, cũng như trong xây dựng nhà nước độc lập tự chủ, giai cấp phong kiến Việt Nam đã thấy được vai trò của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Do đó, Phật giáo đã đã phát triển mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn trên các mặt văn hoá tinh thần của đất nước. Suốt thời kỳ này, học thuật trong nước đều nằm trong tay các nhà sư và Phật giáo luôn luôn chi phối lĩnh vực này. Đề cập đến triết lý nhập thế đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, có ý kiến cho rằng: “Có lẽ trên hành tinh này không nơi nào có một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta tới 90% dân số đi theo đạo Phật mà sống và tu tập và hành động chẳng giống giáo lý của đạo Phật, thiền Trung Hoa, thiền Nhật bản và cả giáo lý của đạo Phật nguyên thủy Ấn Độ. Có dân tộc nào theo Phật giáo mà lại đánh giặc, giết giặc liên tục hết đời nọ đến đời kia như dân tộc ta. Đúng là có một đạo Phật Việt Nam mà chúng ta cần thảo luận, cần nghiên cứu để thấy rõ bản chất và các đặc điểm” [13, tr.14]. Phải chăng, do ảnh hưởng của Tam giáo, người Việt đã có sự nhất thể hóa trong quan niệm, tạo ra một nhân sinh quan tổng hợp. Nhân sinh quan tổng hợp đó đủ để đáp ứng sự sinh hoạt đa dạng trong xã hội, trong tâm hồn của nhiều tầng lớp người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Những quan niệm nhân sinh nói trên là tiền đề xuất phát cho các quan niệm nhân sinh ở thời kỳ sau: độc lập, tự chủ, thống nhất, đổi mới của đất nước. Thực tế đã chứng minh, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa đạo với đời làm nên những chiến công hiển hách và tạo bản sắc riêng. Triết lý vì dân, thân dân của Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm cho tôn giáo này trở thành tôn giáo dân tộc.

3. Kết luận:

Mục đích cao nhất của sinh hoạt Phật giáo là nuôi dưỡng tình cảm từ bi, phát triển trí tuệ phá chấp và bồi đắp tính khiêm nhường, cởi mở, bao dung. Triết lý ấy rất phù hợp với tâm thức của người Việt. Bởi vậy, ngay từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã nhanh chóng kết hợp với tín ngưỡng bản địa tạo nên một tôn giáo riêng. Những tư tưởng của Chiếu dời đô: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”, “Trẫm tự bảo mình: trên đã không có cha mẹ để nương tựa, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào?”, “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”, “Trẫm muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của muôn dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc”,…Triết lý ấy giúp cho Phật giáo Việt Nam khắc phục sự xa lánh của con người (giới tăng ni phật tử) với hiện thực đất nước,...Cội nguồn của triết lý yêu dân, thân dân vừa là sản phẩm của tư tưởng từ bi, vừa là sản phẩm của một sự dấn thân, nhập đời của các thế hệ người Việt. Những triết lý này chỉ có trong Phật giáo Việt Nam. Đó là cái riêng, cái đặc thù, sự kế thừa có chọn lọc của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Ấn - Trung. Vì vậy, có thể tóm tắt toàn bộ triết lý giác ngộ của Phật giáo Việt Nam trong công thức: “Từ bi - nhập thế - vì dân”.

Tác giả: PGs.Ts Nguyễn Đức Diện Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020 -------------------------------------------------

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1,2]. Kim Cương Tử (1994), Từ điển Phật học Hán-Việt, Tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, tr.1778,1721. [3]. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.453. [4,6,7]. Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý - Trần, Tập 2, Quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.28, 29, 28. [5].Trần Thái Tông (1974), Khoá hư lục, (Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.108. [8] Lê Sĩ Thắng (1994), Vấn đề giải phóng và giải thoát con người trong tư tưởng hai vua Trần, Tạp chí Triết học, số 1, tr.27. [9,11]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.215. [10]. Nguyễn Đức Diện (2017), Sự khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, tr.59. [12]. Nguyễn Tài Thư (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 219. [13]. Tuệ Trung Thượng Sỹ với Thiền tông Việt Nam (1993), Trung tâm Nghiên cứu Hán-Nôm, tr.14