Tư tưởng nhập thế hộ quốc an dân: Đây là tư tưởng xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam nói chung, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng. Tư tưởng quan trọng này, chúng ta dễ dàng nhận thấy thông qua bài kệ truyền thừa do ngài Minh Hải Pháp Bảo biệt kệ lập nên trong Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh. Đương nhiên, bài kệ truyền thừa này ít nhiều đã khẳng định được tâm ý, tư tưởng của Thiền phái luôn gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc, đất nước “Chúc thánh thọ thiên cửu, Kỳ quốc tộ địa trường, nghĩa là Cầu Thánh quân tuổi thọ, Chúc đất nước vững bền”. Điều này, tất nhiên phù hợp với bối cảnh lịch sử, đất nước bấy giờ. Một đất nước yên bình, thịnh trị, đời sống nhân dân ấm no sung túc về mọi mặt cũng có nghĩa do sự lãnh đạo của các bậc vua chúa chính quyền mang lại. Vì thế, sự đồng hành giữa các vị thiền sư Phật giáo cùng với dân tộc, đất nước trong tinh thần“hộ quốc an dân”, chính là sự kết nối giữa đạo pháp và dân tộc, giữa các vị Tăng sĩ với tín đồ quần chúng mà từ đó Thiền phái đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đạo Phật không những ngày càng được thấm nhuần trong đời sống nhân dân mà còn thể hiện qua sự mến mộ, tôn kính của các chúa Nguyễn bấy giờ đối với Phật giáo. Song, ngoài việc tu hành chứng ngộ tâm linh, các thiền sư của Thiền phái còn chủ trương tinh thần nhập thế tích cực với ý niệm vô nhiễm, vô chấp. Điều này được thể hiện qua cuộc đời của thiền sư Pháp Chuyên- thế hệ thứ 3 dòng thiền Chúc Thánh, thiền sư Vĩnh Gia- thế hệ thứ 6 của dòng thiền Chúc Thánh… đều là những nhân vật tiêu biểu cho tinh thần phụng sự của Thiền phái đối với đạo pháp, dân tộc. Đặc biệt, tiếp nối gương sáng của các bậc cổ đức, các thế hệ tăng đồ dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh luôn nỗ lực nhiệt tâm tham gia vào các phong trào đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho dân tộc. Hình ảnh Bồ tát Quảng Đức, một vị đệ tử thuộc Thiền phái tự thiêu để phản đối chính sách độc tài tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm là một minh chứng cụ thể cho tinh thần này. Và đương nhiên, dù ở trong thời đại hay bất cứ hoàn cảnh ra sao thì tinh thần nhập thế đồng hành cùng với quần chúng nhân dân của Thiền phái Chúc Thánh vẫn luôn được duy trì và không ngừng phát triển. Các công tác từ thiện, phúc lợi xã hội…. được thực hiện, tổ chức trong Phật giáo hiện nay, đâu đó vẫn có sự đóng góp của thế hệ con cháu của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Pháp tu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Căn cứ chính để bàn đến phương pháp tu tập của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là tư tưởng chủ đạo cũng như đời sống sinh hoạt thiền môn của Tăng Ni trong hệ thống tự viện thuộc thiền phái. Dưới đây là những phương pháp tu tập phổ biến nhất của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Học thiền, tu thiền, tọa thiền theo tông chỉ tông Lâm Tế: Có thể thấy rằng, phương thức tu tập này khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt thiền môn của các ngôi chùa thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không những ở những giai đoạn trước đây, mà hiện nay hình thức và pháp tu này vẫn còn được duy trì và phát triển theo tông chỉ của dòng Lâm Tế. Tựu trung, vấn đề cốt yếu trong sự tu tập cá nhân của một người xuất gia là làm chủ được tâm ý và thân tâm của mình trong đời sống hằng ngày, nghĩa là kiến tính, ngộ đạo, thấy được bản tánh chân thật, sáng suốt của tâm thức mình mà bừng sáng trí tuệ chứng ngộ. Muốn vậy, phương thức tu niệm của vị hành giả không gì khác hơn ngoài tinh thần thực tập giáo lý thiền học thể hiện qua các hành động cụ thể như hành, trụ, tọa, ngọa (đi, đứng, nằm, ngồi), nhất quyết đều biểu hiện được nội dung ý nghĩa cương yếu của phương pháp tu tập này. Mục đích cuối cùng là đốn ngộ tự tâm, thông suốt Phật lý.

Kết hợp tọa thiền niệm Phật (Thiền Tịnh song hành): Phương pháp thực tập này không gì khác hơn chính là sự kết hợp đan xen giữa yếu tố Thiền học và triết lý Tịnh độ trong tu niệm hằng ngày của các hành giả như ngồi thiền niệm Phật đếm từ 1 đến 10. Điều này, chúng ta dễ dàng có thể thấy, được từ sự tu tập của các vị thiền sư lúc bấy giờ trong Thiền phái và hiện nay trong các ngôi chùa thuộc môn phong Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, đều cósự kết hợp hài hòagiữayếu tố Thiền định và Tịnh độ theo tinh thần chủ trương Thiền-Tịnh song tu trong tinh thần tu tập tự thân và tổ chức hướng dẫn đạo tràng, khóa tu,… Nhờ đó, sự vận dụng kết hợp giữa các yếu tố Thiền-Tịnh này đã đem lại sự lợi lạc cho các hành giả và tha nhân. Về tự thân, các Thiền sư đạt được sự an lạc do thiền định đem lại, thân tâm an lạc, nội lực tăng trưởng nên thấy rõ thật tướng của mọi sự, mọi việc hay nói cách khác là kiến tính, ngộ đạo. Đối với tha nhân và các tầng lớp tín đồ, phật tử chính là sự tương thích phù hợp căn cơ tu đạo của chính mình trong tu niệm; từ đó mà thanh lọc được thân tâm, chuyển hóa tâm ý để bình an, lợi lạc theo mong ước tự thân.

Tụng kinh niệm Phật kinh hành (Thiền giáo tịnh hành): Pháp tu niệm này được các Thiền sư trong Thiền phái thể hiện một cách cụ thể qua các phương thức chính yếu như tụng đọc kinh văn (bao hàm Kinh văn của cả Phật giáo Nguyên thủy lẫn Đại thừa), trì chú, lạy Phật sám hối nghiệp căn theo triết lý pháp môn Tịnh độ, đồng thời thực tập thiền định, tham thoại đầu, công án, vấn đạo, …để thấu rõ tâm ý kiến tính ngộ đạo nhưng cũng cần cầu thầy mình ấn chứng sở đắc theo truyền thống Thiền tông. Đặc biệt, sau các thời khóa Tịnh độ hay thực tập thiền tọa, trong các thiền môn của Thiền phái đều có tổ chức kinh hành niệm Phật theo phương cách niệm thành tiếng hoặc thiền hành niệm Phật nhẹ nhàng. Đó đều là những cách tu niệm mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các đạo tràng, tự viện hiện nay của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Thọ trì tuân giữ giới Luật: Truyền thống tu tập trong Thiền môn của Phật giáo Trung Hoa luôn chú trọng tinh thần thượng tôn giới luật do Đức Phật chế định. Chính vì thế, mặc dù trong hệ thức tư tưởng tu tập của giới xuất gia cũng như tại gia, dù phân chia thành các Tông phái khác nhau trong vấn đề tư tưởng nhưng giữa các tông phái này đều chủ trương tính thiết yếu của giới luật đối với đời sống tu niệm tự thân và giáo hóa tha nhân. Do đó, chúng ta cũng không lấy gì lạ khi trong dòng kệ truyền thừa của Thiền phái, ngài Minh Hải Pháp Bảo, đặc biệt chú trọng đến tinh thần giữ giới và hành trì luật nghi trong thiền phái Giới luật nêu trước tiên. Điều này, tất nhiên phù hợp với lộ trình tu chứng của một vị hành giả được thể hiện qua đạo lộ giới- định- tuệ, tam vô lậu học trong Phật giáo, bởi tâm ý của một vị hành giả rất dễ buông theo các ngoại duyên trần cảnh, đắm nhiễm các dục; vì thế việc thực hành giữ gìn các giới điều đã thọ lãnh chẳng những bảo hộ đời sống xuất gia lẫn tại gia của hành giả tu tập được trọn vẹn và đầy đủ phạm hạnh mà còn tuân thủ nếp sống thanh tịnh, hòa hợp trong đồ chúng Tăng đoàn Phật giáo. Đương nhiên, tinh thần này trong Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được biểu hiện rất cụ thể qua đời sống tu đạo và hành đạo của các vị Thiền sư. Tiêu biểu nhất có thể nhắc đến ngài Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm cùng đệ tử Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài đều là những vị tiêu biểu về công hạnh hành trì giới luật nổi tiếng trong thiền phái Chúc Thánh bấy giờ. Đặc biệt, những trước tác liên quan đến giới luật cũng như việc giảng dạy về giới luật cho đồ chúng lúc bấy giờ của các vị Thiền sư đều rất được chú trọng cho các vị đệ tử xuất gia lẫn tại gia, năm Kỷ Dậu (1789), bấy giờ có thầy Hữu Nguyện và những người khác xin giảng Sa Di oai nghi tăng chú. Đến năm Ất Mão (1795), người ta lại xin giảng tỳ ni sa di oai nghi cảnh sách. Như thế, ngài Pháp Chuyên xem như vị thiền sư có công lao xiển dương giới luật qua việc giảng dạy và đương nhiên Thiền sư Toàn Nhật là bậc trước tác, chú giải luật nghi qua các tác phẩm Sa di oai nghi tăng chú giảo nguy tự tiểu thiên, Giới hành đồng từ,…đều đại diện tiêu biểu cho tinh thần chú trọng giới luật Phật chế trong Thiền phái lâm Tế Chúc Thánh được các vị thiền sư chú trọng giữ gìn và xiển dương giáo hóa.

Tụng kinh, trì chú, cầu nguyện (Mật giáo tịnh hành): Phương pháp tu tập này, chúng ta rất dễ thấy trong các ngôi tự viện ngày nay qua các khóa lễ, nghi thức sinh hoạt thiền môn hằng ngày. Đa phần trong các thời khóa tụng luôn có sự kết hợp giữa các yếu tố Mật giáo và triết lý Tịnh độ, hồi hướng cầu nguyện… Đây được xem như là phương pháp chính thống và thiết yếu nhất để vị hành giả thông qua ý nghĩa tu tập mà có sự kết hợp, cộng hưởng được niềm tin sức mạnh giữa tinh thần tự lực của chính mình và sự gia hộ chở che của oai thần tha lực biểu đạt qua ý nghĩa tụng kinh, trì chú trong Phật giáo chủ trương. Cụ thể, mỗi cá nhân phải luôn nỗ lực tinh cần thực hành lời Phật dạy thông qua hình thức trì tụng kinh văn, ghi nhớ những lời Phật dạy trong kinh để chuyền hóa thân tâm, thanh lọc tâm ý và hơn hết là trừ diệt phiền não cấu nhiễm nơi tâm ý để được lợi lạc an ổn trong đời sống hằng ngày. Tâm ý của chúng sinh luôn vọng động, thay đổi không ngừng trong từng sát na sinh diệt, do đó việc tụng kinh, trì chú được chú trọng thực hành tu tập chính là phương cách hữu hiệu nhất để vị hành giả chuyên tâm chính niệm thông qua việc trì tụng kinh chú và hồi hướng cầu nguyện. Chính vì thế, những phương thức tu niệm này đương nhiên rất dễ dàng thích hợp với nhiều đối tượng để thực hành tu tập, cốt yếu vẫn là giúp vị hành giả từng bước thực tập, làm chủ được tâm ý của mình thông qua ba nghiệp, thân ngồi trang nghiêm ngay thẳng, miệng trì tụng lời kinh, và ý chuyên nhất vào câu kinh, mật chú đó để chính niệm tịnh hóa tự thân.

Tạm kết

Từ lúc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được Tổ Minh Hải Pháp Bảo khai tông lập phái đến nay đã trải qua khoảng thời gian hơn ba thế kỷ, tôn chỉ tư tưởng và yếu nghĩa hành đạo, tu đạo của Thiền phái vẫn luôn được chú trọng duy trì và ngày càng xiển dương phát triển. Đương nhiên trong sự vận hành, biến thiên của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mỗi giáo phái, dòng thiền tất yếu cũng đều sẽ chịu chung quy luật biến đổi, tồn sinh để thích ứng với thời đại, xã hội, con người và văn hóa Việt Nam. Song Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vẫn luôn đứng vững cùng với đạo pháp, dân tộc và đất nước Việt Nam, góp phần bảo lưu, gìn giữ những giá trị tốt đẹp từ công đức của các bậc Tổ sư khai sơn, truyền pháp, Thiền phái Chúc Thánh qua nhiều thời kỳ lịch sử; nhất là về phương diện tư tưởng thiền học và pháp môn tu tập tiêu biểu của Thiền phái được biểu hiện không những qua thời gian đầu lập phái mà đến ngày hôm nay vẫn còn được duy trì và phát triển hưng thịnh. Đóng góp tích cực vào sự truyền bá Phật pháp không những tại Quảng Nam mà còn ảnh hưởng lan tỏa đến các vùng đất khác. Ở một phương diện nhất nhất định, có thể nói dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh có sự truyền thừa và ảnh hưởng không nhỏ đối với sinh hoạt của Phật giáo các tỉnh miền Trung, khu vực miền Nam cũng như lan rộng đến nhiều nước trên khắp năm châu bốn biển. Vì thế, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống về Tư tưởng và phương pháp tu hành của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là rất cần thiết.

Kỳ II, tiếp theo Tạp chí NCPH số 168 Thích Tâm Chánh - Học viên Cao học Khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021 --------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập II, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2. Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Tập I, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM. 3. Viện Văn học (2019), Nghiên cứu Phật học, Hà Nội. 4. Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, Tập II, Nxb. Giáo dục. 5. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, (Bản thảo). 7. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam (1993), Nghi lễ Phật giáo.