DẪN NHẬP

Giáo dục Phật giáo không còn là đề tới mới mẻ nhưng đến nay đề tài này vẫn còn sức hút mạnh mẽ với các nhà nghiên cứu. Bởi lẽ, ngày nay, xã hội đang nổi lên một số vấn đề, các tệ nạn xảy ra liên miên và có dấu hiệu trẻ hóa, sự lo ngại này bây giờ không còn là của cá nhân ai, một gia đình hay một tổ chức, mà cả toàn xã hội. Trong một bối cảnh như vậy, người ta bắt đầu tìm về các các giá trị đạo đức, tâm linh và Phật giáo là một trong những tôn giáo có thể cung cấp các giải pháp để giải quyết những vấn đề xã hội.

Khi đào sâu vào trong kho tàng kinh điển chúng ta dễ dàng bắt gặp những giá tri đạo đức, những tư tưởng mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, ứng dụng trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, cũng không phải dễ để có thể bóc tách ra hết những giá trị đó nếu không phải là những chuyên gia, hay người có thời gian và thực tập, đó cũng chính là lý do tại sao có những người khi tiếp xúc với đạo Phật một cách đơn thuần, quy y với Phật, đi chùa một thời gian mà họ vẫn chưa cảm nhận được gì từ đạo Phật! Và đó là lỗi của những người tu sĩ truyền giáo.

Việc nghiên cứu và phân loại các giá trị đạo đức, những lời Phật dạy theo những cấp độ khác nhau, những phương diện ứng dụng và đối tượng tiếp nhận khác nhau là một việc làm vô cùng cần thiết, để khi đối diện với các trường hợp trong xã hội chúng ta dễ dàng áp dụng và hướng dẫn họ hóa giải những khúc mắc khó khăn trong lòng, đó được hiểu là khế cơ trong Phật giáo.

Tag: Phật giáo, giải pháp, các vấn đề xã hội, giáo lý đạo Phật, giáo dục Phật giáo, ứng dụng phật giáo, kinh Trung Bộ,…

NỘI DUNG

1. Các khái niệm

1.1. Giáo dục Phật giáo

Trước hết ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm giáo dục, theo lời của Dissanayake Mudiyanselage Kasun Dharmasiri thì hiện nay có rất nhiều khái niệm về thuật ngữ giáo dục nhưng không có từ nào đầy đủ ý nghĩa và chính xác cho thuật ngữ này cả, ông cũng đã liệt kê một số khái niệm về thuật ngữ giáo dục từ các tác giả khác như: “Giáo dục là một nỗ lực, được phát triển để khắc sâu những ý tưởng cao cả vào tâm trí trẻ em…. Việc đào tạo những vai trò hữu ích và hiệu quả cho học sinh là giáo dục… . Giáo dục là đang đào tạo về văn minh … . Giáo dục là để hướng học sinh tiến đến những mục tiêu mơ ước… . Giáo dục cố gắng chuyển hóa hành vi thông qua quá trình học tập…”.[1]

Giáo dục theo nghĩa chữ Hán thì giáo là giáo hóa; dục là nuôi dưỡng. Điều đó hàm nghĩa rằng giáo dục chính là sự nuôi dưỡng về thể chất và rèn luyện về tinh thần, tức là học tập, phẩm giá, đạo đức, tri thức, ….

Vậy thì, giáo dục Phật giáo nghĩa là đem những lời Phật dạy để giáo hóa, hướng dẫn họ trên con đường nhận thức, tư duy, bên cạnh đó là rèn luyện thể chất. Nuôi dưỡng một con người có đầy đủ tinh thần minh mẫn, sáng suốt, hướng thiện, yêu thương và giúp đỡ trong một thân xác khỏe mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội để giúp được bản thân, gia đình và xã hội “Giáo dục Phật giáo rất giàu nhân bản, nhân văn, luôn luôn hướng đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình thịnh vượng”[2]. Vì mục tiêu cơ bản cũng là cuối cùng của giáo dục Phật giáo là: “Giáo dục Phật giáo hướng đến mục tiêu cơ bản đó là giải thoát khổ đau cho những người đang lầm than, khổ cực”.[3] Nhận định trên đã được đức Phật nói trong kinh “Ví Dụ Con Rắn” trong kinh Trung Bộ: “Chư Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[4].

Lời dạy của Phật chỉ có một mục đích là tháo gỡ những khổ đau trong tâm chúng sanh, giúp chúng sanh nhận thức và tự giải thoát ra những khổ đau trong kiếp sống chính mình. Truyền bá lời Phật dạy chính là một hình thức ban tặng sự nhận thức, tư tưởng cao quý trong cuộc đời, để mỗi khi rơi vào những khổ đau tuyệt vọng con người có thể tự cứu mình ra khỏi nỗi khổ niềm đau.

Ảnh St

1.2. Tính khế cơ trong Phật giáo

‘Khế cơ’ có nghĩa là phù hợp với căn cơ, trình độ mỗi người, rộng hơn nữa là vùng miền, quốc độ, tư tưởng, quan điểm, môi trường sống, lối sống, hoàn cảnh, giới tính, tuổi tác,… và hôm nay là thời đại. Tính khế cơ trong Phật giáo chính là tùy vào hoàn cảnh, trình độ,… đối tượng khác nhau mà có cách truyền trao lời Phật dạy khác nhau, trong Phật giáo thường gọi là ‘phương tiện’.

Sở dĩ trong giáo pháp có ‘phương tiện’ chính là vì chữ ‘khế cơ’ này. Chúng ta cần phải hiểu từ ‘phương tiện’ theo hai phương diện: một là giáo pháp của Phật thì rất cao sâu và không phải ai cũng có thể hiểu và tiếp nhận được nên phải dùng đến phương tiện để đi từ thấp lên cao, từ thô đến tế, từ đơn giản đến chuyên sâu….; thứ hai là giáo pháp của Phật là giáo pháp đi ngược lại với ham muốn trần tục của chúng sanh, mà những ham muốn đó là nguyên nhân của các đau khổ, nên muốn cho chúng sanh học theo giáo pháp ly tham thì buộc phải dùng các phương tiện để dẫn dụ họ lần lần, từ bỏ các ham muốn nhỏ, tu tập các pháp lành, dần dần có đủ phước đức và năng lực thì nói giáo lý giải thoát cho họ nghe.

Nhưng cho dù là phương tiện hay cứu cách thì cũng đều hướng đến một mục đích là giải thoát “ví như, này Pahārāda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahārāda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”[5]. Pháp và Luật của đức Phật chính là phương tiện, là con thuyền đưa chúng sanh sang sông bên kia chứ không phải để nắm giữ “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ ấy”[6]. Trách nhiệm của những người truyền bá Phật pháp chính là cần phải nắm cho vững những phương tiện này (pháp và luật của Phật) để tu hành và vận dụng một cách khéo léo trong truyền bá Phật pháp, để đúng người, đúng hoàn cảnh mang lại kết quả tốt đẹp.

2. Nội dung kinh Huấn Luyện Ngựa trong kinh Tăng Chi

Trong kinh Tăng Chi, chương 4 pháp, phẩm Kesi, Kinh Kesi[7] đức Phật đã dạy bài kinh có nội dung chính như vầy: Kesi là người đánh xe và điều phục ngựa. Một hôm đến đảnh lễ Thế Tôn, và được đức Thế Tôn hỏi về việc nhiếp phục ngựa như thế nào. Kesi đã đưa ra bốn trường hợp: Nhiếp phục ngựa bằng lời mềm mỏng; bằng lời thô ác; vừa mềm mỏng vừa thô ác; trường hợp thứ tư nếu dùng lời mềm mỏng, lời thô ác hoặc vừa mềm mỏng vừa thô ác mà không được thì đem giết đi. Sau đó Kesi đã thưa ngược lại Thế Tôn, hỏi Ngài nhiếp phục những ai đáng nhiếp phục? Và Thế Tôn cũng đã đưa ra 4 trường hợp: Nhiếp phục người bằng lời mềm mỏng (đức Phật chỉ ra 3 nghiệp thân, khẩu, ý làm việc thiện sẽ có quả báo thiện tương xứng với ba nghiệp; chỉ ra cảnh giới chư thiên, loài người ); bằng lời nói cứng rắn (đức Phật chỉ ra 3 nghiệp thân, khẩu, ý làm việc ác sẽ có quả báo ác tương xứng với ba nghiệp; chỉ ra cảnh giới địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ); vừa mềm mỏng vừa cứng rắn (đức Phật cũng sẽ nói về 3 nghiệp thân, khẩu , ý nhưng đan xen: thân làm thiện quả báo thân làm thiện, thân làm ác quả báo thân làm ác… chỉ ra tất cả các cảnh giới: Trời, người, địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ); trường hợp thứ 4 nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, lời nói cứng rắn, lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn thì Như Lai không nói đến, không giáo giới.

Trong kinh Pháp Hoa đức Phật có nói “Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”[8]. Chúng ta thấy rõ sự xuất gia thành đạo của đức Phật là một sự hi hữu, vì là người sẽ kế thừa vương vị vua cha, có tất cả mọi thứ trên trần đời nhưng lại xuất gia để tìm cầu chân lý. Chúng ta phải khẳng định lại rằng việc xuất gia này động cơ hoàn toàn là vì chúng sanh chứ không vì một nguyên nhân nào khác. Sau khi thành đạo, cả cuộc đời Ngài đã vân du khắp nơi để làm lan tỏa chân lý, ngay sau khi hóa độ 60 vị Tỳ kheo chứng quả xong Ngài đã tuyên bố: “Hỡi các Tỳ kheo, Ta đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian. Các người cũng vậy, hỡi các Tỳ kheo, cũng đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian. Hãy đi! Hỡi các Tỳ kheo, vì lợi lạc số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỳ kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh...”[9], điều đó cho chúng ta thấy rất rõ bổn hoài của Ngài chính là hóa độ chúng sanh nhiều nhất có thể.

Qua bài kinh chúng ta học được hai điều: Một là, phải tùy thuận mọi căn cơ trình độ chúng sanh mà hóa độ, không phải cứng nhắc một phương pháp, một bài kinh, một pháp môn hay một lời dạy nào cả vì “Này Ananda, hai thọ được ta nói tùy theo một pháp môn; ba thọ được ta nói tùy theo một pháp môn… một trăm lẻ tám thọ được ta nói tùy theo một pháp môn, này Ananda, pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn”[10]. Đó là lời dạy của đức Phật trong kinh Nhiều Cảm Thọ khi Ananda nghe cuộc đàm thoại giữa thợ mộc Pancakanga và tôn giả Udayi về việc Thế Tôn dạy có bao nhiêu thọ và không ai chịu ai. Rõ ràng tùy người, tùy căn cơ mà đức Phật dạy có khác; hai là đừng quá có tâm mong cầu việc phải độ cho ai đó, một người nào vì tất cả phải tùy duyên và nếu không có duyên thì không thể độ được, như trong kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Thiện Tri Thức Phật đã từng nói rằng: “Có hai hạng người, không thể khéo nói thuyết ngữ. Hai hạng gì? Thuyết về tín cho người không có tín, việc nầy thật khó. Thuyết về thí cho người tham lam keo kiết, đây cũng thật khó. Lại nữa, Tỳ kheo, thuyết về tín cho người không có tín, họ liền nổi sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại. Cũng như chó dữ thêm mũi lại bị thương, càng trở nên hung dữ. Các Tỳ kheo, đây cũng như vậy, thuyết về tín cho người không có tín, họ liền nổi sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại”[11], và trong bài kinh này đức Phật dùng từ ‘không nói đến, không giáo giới’.“Này các Tỳ kheo, thật là quá nhiều những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra”[12]. Điều này cho chúng ta thấy rằng đức Phật không nói những gì không cần nói và chỉ dạy những điều cần thiết:

“Này Vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy”[13].

Qua đó chúng ta biết những khi nào cần và không cần nói, biết cách ứng xử cũng như truyền đạo. Cần phải biết đâu là những đối tượng để đem chính pháp truyền bá một cách hiệu quả và nhẹ nhàng với những thành phần bất hảo, chống đối…

3. Ứng dụng bài Kinh trong giáo dục Phật giáo

Giáo pháp của phật không có mục đích nào hơn là giúp chúng sanh nhận ra ‘khổ’ và cách giải quyết những nỗi khổ niềm đau bằng những phương pháp rõ ràng và tương ứng, phù hợp tùy vào trường hợp, từ đó có thể gỡ bỏ những nội kết trong lòng để được thảnh thơi, hạnh phúc:

"Và này các Tỳ kheo, điều gì mà Ta nói ? 'Ðây là Khổ', này các Tỳ kheo, là điều Ta nói. 'Ðây là Khổ tập', là điều Ta nói. 'Ðây là Khổ diệt', là điều Ta nói. 'Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt', là điều Ta nói.

Nhưng tại sao, này các Tỳ kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỳ kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy”[14].

Ảnh St

Mặc dù giáo pháp là thế, nhưng tùy căn cơ mà mỗi người sẽ có cách cảm ngộ khác nhau, có cách hiểu và áp dụng lời Phật dạy khác nhau. Tuy nhiên, chỉ cần ứng dụng thì đều có kết quả dù là việc áp dụng rất ít, trong Kinh Pháp Hoa đức Phật dạy:

“Thí như trong cõi tam-thiên đại-thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam-thiên đại-thiên đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn. Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác”.[15]

Và điều này trong luật học gọi là ‘biệt giải thoát’ nghĩa là ai giữ được những điều đạo đức nào thì sẽ được an ổn và tránh được những điều đau khổ về sau. Chính vì lẽ đó, nếu chúng ta là người truyền bá giáo pháp thì phải nhạy bén trong vấn đề thấu hiểu được đối tượng, đồng thời phân chia các đối tượng ra những lớp khác nhau, để từ đó có những chương trình, những bài pháp, những lối giảng dạy và đào tạo khác nhau. Ở đây xin tạm ra bốn nhóm đối tượng mà ngày nay chúng ta thường gặp.

3.1. Nói pháp cho giới trẻ

Giới trẻ ngày nay đang trong một xã hội cực kỳ phức tạp với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với những cám dỗ nguy hiểm khôn lường, thật dễ để thấy những tệ nạn xảy ra hằng ngày trên các trang mạng. Phải làm sao để kéo trẻ em ra khỏi những trò giải trí trên mạng? Một câu hỏi tưởng chừng như bình thường, thì giờ đây nó đã trở thành vấn nạn của cả xã hội trên toàn cầu chứ không riêng gì Việt nam.

Là những nhà truyền bá Phật pháp, hơn ai hết đối với những người tu sĩ cần phải nắm bắt cho được tâm lý giới trẻ ngày nay, đồng thời tạo ra những sản phẩm Phật pháp mà giới trẻ ngày nay tiêu thụ được. Một trong những khiếm khuyết lớn của Phật giáo chúng ta ngày nay là bỏ qua lớp trẻ, không quan tâm đúng mực mà chỉ chú trọng đến những người già và những người đã mến đạo. Vậy những người không mến đạo, không thích đạo thì sao?

Đối với giới trẻ, việc đầu tiên là cần phải tạo ra một sân chơi cho chúng, cho mấy em cảm giác được thoải khi đến chùa chứ không phải đụng đâu cũng sợ tội như từ trước đến nay mấy em được nghe ông bà dạy lại. Thiết kế những chương trình như văn nghệ, trại hè, các khóa học kỹ năng cuộc sống, các game show… trong các chương trình đó chúng ta có thể mời các vị khách như ca sĩ, diễn viên, những người có tầm vóc để tạo sức hút, đồng thời qua các chương trình đó chúng ta lồng ghép các lời Phật dạy về hiếu thảo, đạo đức làm người, lối sống lành mạnh… để các em vừa cảm thấy vui vẻ, thoải mái, vừa cảm nhận được những giá trị cuộc sống.

Thứ hai chính là vấn đề giáo pháp, chúng ta cần phải thiết kế và chọn lọc những bài Kinh, những lơi dạy dành riêng cho giới trẻ. Chúng ta không thể dạy cho giới trẻ những bài Kinh về sự chết chóc, bệnh tật, cầu mong sau khi chết sẽ như thế này thế nọ… mà thay vào đó là những bài Kinh mang màu sắc vui tươi, hi vọng, thiết lập cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Đồng thời chuyển ngữ các lời Kinh, không dùng những ngôn ngữ ngày xưa, cô đọng khó hiểu mà thay vào đó là những ngôn từ hiện đại, gần gũi và dễ hiểu, được như vậy thì mới dễ phổ cập được.

Thứ ba chính là thái độ người truyền pháp. Đối với giới trẻ, cái cái chính ở chúng ta là làm gương, nhưng cái quan trọng không kém là chúng ta phải hòa đồng và gần gũi. Chúng ta không thể mãi là những ông Bụt hiền lành, ít nòi và nghiêm nghị được, mà thay vào đó một người vui vẻ như Phật Di Lặc và trẻ trung như A nan mới được. Với giới trẻ thân giáo ngoài sự uy nghi ra thì tướng mạo, ăn mặc, trẻ trung, vui vẻ, gần gũi… cũng là một điều quan trọng để có thể hóa độ tầng lớp này.

Qua đó cho chúng ta thấy, để có thể nói pháp cho giới trẻ không phải là chuyện đơn giản, mà phải cần rất nhiều yếu tố. Đặc biệt chúng ta cần phải có tâm và tầm thì mới làm được việc này.

3.2. Nói pháp cho giới tri thức

Giới tri thức được xem là nồng cốt của mọi quốc gia, là người định hình cho những xu thế phát triển của bất kỳ mọi tổ chức. Với một nền minh triết đồ sộ của đức Phật, những bài pháp cho vua Pasenadi (Như trong Kinh Tương Ưng có cả một chương III: Tương ưng Kosala để nói về những cuộc hội thoại giữa đức Phật và vua Pasenadi), Quan như đại thần Vũ Xá (Như bài Kinh Du Hành trong Trường A Hàm Phật giảng cho đại thần Vũ-xá nghe nhân ông hỏi về việc chinh phạt nước Bạt-kỳ), những nhà tri thức (các nhà ngoại đạo, các triết gia thời bấy giờ), những đại gia (Như Anāthapindika, Visākhā) vẫn còn nguyên giá trị và sức thuyết phục cho đến ngày nay.

Chúng ta cần tuyển tập và mổ sẻ các nội dung những bài Kinh này để áp dụng cho phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Từ những nội dung đó khi gặp những nhà tri thức khi hiểu các lĩnh vực họ đang làm, các vấn đề họ quan tâm như kinh tế, chính trị, xã hội… chúng ta có đủ kiến thức để thỏa mãn được sự quan tâm của họ.

Các bài Kinh đạo đức (Như Kinh Ưu-bà-tắc trong Kinh số 128, Kinh thiện sanh số 135 trong Trung A Hàm) cách sống và hành xử trong gia đình cũng vô cùng cần thiết… nói chung với những người có tri thức, họ sẽ không mấy quan tâm thậm chí là xem thường nếu chúng ta nói những vấn đề mang màu sắc tâm linh, huyền bí. Chúng ta cần thuyết phục họ với những sự thật mang tính lý luận, logic và khoa học. cho họ sự thực tập và cảm nhận những hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây trong giờ phút thực tại. Hãy dạy cho họ những phương pháp thực tập cụ thể, như bằng cách thở trong chánh niệm và cảm nhận sự tỉnh thức…

Nói pháp cho người tri thức chính là sự đấu trí, chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những ngoại đạo đến chất vấn đức Phật bằng những câu hỏi hóc búa, chúng ta cũng đã quá quen thuộc với những vấn đề mang tính chính trị mà đức Phật đã chủ trương và hóa giải… chúng ta ngày nay chỉ còn một việc là đọc lại và nghiền ngẫm những lời dạy ấy và truyền lại mà không cần phải kiếm đâu xa hay chế tạo gì cả. Nếu chúng ta làm được những điều như vậy thì chắc chắn những thành phần tri thức đến với đạo, hộ đạo và làm cho đạo pháp ngày càng phát huy những giá trị đạo đức muôn đời.

3.3. Nói pháp cho giới bình dân

Giới bình dân là đại đa số Phật tử Việt nam và xưa nay vẫn thế! Giới bình dân là tầng lớp đến với đạo Phật bằng niềm tin, đi liền với đó là sự cầu nguyện, mong muốn với những khao khát đời thường như: Bình an, sức khỏe, gia đình, con cái… vì họ đến với đạo Phật bằng niềm tin nên đừng bao giờ phá vỡ niềm tin đó của họ.

Một trong những điều nguy hại ngày nay chính là vấn đề thuyết giảng tràng lang trên mạng xã hội không kiểm duyệt, bên cạnh đó là sự khác nhau giữa các tư tưởng của những giảng sư để rồi từ đó đem lại sự hoang mang cho cộng đồng Phật tử. Từ ngày xưa đức Phật đã nói ra nhiều phương diện về các pháp tu, sau đó là các vị Tổ từ đó mà lập Tông (tịnh độ tông, mật tông, luật tông, pháp hoa tông, hoa nghiêm tông, câu xá tông…), mục đích cũng không có gì khác hơn chính là để phổ độ mọi tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta hay có thái độ chê bai và đánh đổ những niềm tin đã có sẵn từ ngàn đời như niềm tin về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà của đại bộ phận Phật tử để rồi họ bị rơi vào khủng hoảng niềm tin và mất phương hướng trong cuộc sống tu hành. Thiết nghĩ đã gọi là phương tiện ‘như chiếc bè’ thì có cái nào là đúng hay là sai và kinh Viên Giác Phật cũng đã dạy: “Kinh giác liễu nghĩa của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng, đủ thứ ngôn thuyết của tất cả Như Lai để khai thị cho Bồ Tát cũng là như thế”[16], cho nên chúng ta là những người truyền giáo cần phải hiểu những đối tượng khác nhau mà có những lời dạy khác nhau, để khi nghe họ có thể thực hành và không phải hoài nghi về những triết thuyết khác. Được như vậy thì đại đa số quần chúng mới là những người phụng sự và bảo hộ cho Phật pháp được. Một điều đáng lưu tâm ở dây là, trong những giai đoạn khó khăn nhất, những giai đoạn tưởng chừng Phật giáo không có thể tồn tại nữa thì chính tầng lớp ‘Phật giáo nhân gian’ này là người bảo tồn và lưu giữ Phật pháp. Chính vì lẽ đó chúng ta nên biết niềm tin đối với Phật tử là vô cùng quan trọng: “Tin là đạo nguồn, mẹ công đức. Nuôi lớn tất cả những pháp lành. Dứt trừ lưới nghi, khỏi vòng ái. Khai thị Niết Bàn, đạo vô thượng”[17] và cũng cần nhớ kỹ một điều màu sắc của tôn giáo chính là niềm tin, việc bào mòn niềm tin của Phật tử là góp phần hủy diệt Phật giáo.

Ảnh St

3.4. Nói pháp cho người tu tập giải thoát

Một trong những đối tượng dễ nhận biết nhất, dễ nói pháp nhất là những Phật tử muốn tu tập giải thoát. Ở những đối tượng này chúng ta không cần phải nói nhiều, càng không cần phải dung nhiều phương tiện chỉ cần chúng ta biết được trình độ tu tập, và ý muốn họ tu theo pháp môn nào, chúng ta theo đó mà hướng dẫn họ phương pháp để vào đạo: Những vị nào muốn niệm Phật hãy hướng dẫn họ đọc “Tịnh độ ngũ Kinh”[18]; ai muốn tu thiền thì hướng dẫn họ đọc những bài Kinh về thiền “Trong những bài giảng của Phật còn lưu lại, có bốn bài giảng được những người học Thiền ở nhiều quốc gia và nhiều thế hệ xem như bảo vật. Ba bài (Tứ niệm xứ, Thân hành niệm và Quán niệm hơi thở) Đức Phật nói về phương pháp và kết quả của Thiền, bài còn lại (Đại kinh Saccaka) nói về sự chứng ngộ của chính đức Phật”[19]…

Quan trọng trong giảng pháp cho đối tượng này chính là vấn đề kinh nghiệm. Chính vì vậy nếu như chúng ta không có kinh nghiệm trong pháo môn mà Phật tử đó đang quan tâm thì tốt nhất chúng ta nên chỉ qua một vị thầy khác, hoặc trong các buổi thuyết giảng chúng ta cần thỉnh mời các bậc chuyên tu để giảng giải thì kết quả sẽ cao hơn là mời những vị chưa có thâm tu và kinh nghiệm trong pháp môn đó.

KẾT LUẬN

Trong một bối cảnh xã hội như ngày nay, việc thiết lập lại một hệ thống giáo lý đức Phật là vô cùng cần thiết nếu muốn Phật pháp được lan tỏa một cách dễ dàng trong quần chúng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngoài những thuận lợi thì cũng có vô vàn thử thách nếu chúng ta không bắt kịp hoặc không thể kiểm soát.

Mỗi vị trụ trì, mỗi vị tăng, ni cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và có được những tầm nhìn trong tương lai để có thể phát triển được Phật giáo, làm tròn trách nhiệm xứ giả Như lai hoằng dương chính pháp. Ngoài những việc như đã phân tích ở trên thì khi ra làm đạo ở các địa phương, vùng miền khác nhau chúng ta cần nhanh chống đọc được những vấn đề ở địa phương đó, để từ đó đưa ra những kế hoạch và các cách làm đạo cho phù hợp. Nhanh chống phân loại thành phần Phật tử, dân số địa phương so với dân số phật tử, các tư tưởng hiện hữu, các tín ngưỡng địa phương… chúng ta cần có những khảo sát khoa học như vậy để khi bắt đầu phát thảo chương trình làm đạo đạt được kết quả nhanh và bền vững.

Việc hoằng dương Phật pháp không phải là việc dễ dàng, cần nhất là trách nhiệm của mỗi vị tăng, ni, nếu như chúng ta không dốc lòng vì đạo thì ngay cả việc tu còn khó thành tựu, tự lợi còn không xong thì lấy đâu lợi tha. Bên cạnh đó chính là làm việc có khoa học và phương pháp, điều này chúng ta có thể học. Thiết nghĩ trong tương lai, các trường đào tạo tại các học viện hoặc cao hơn nên có chương trình thực tế khi ra trường, để tạo cơ hội cho tăng, ni trẻ có thể làm quen với việc tiếp xúc với thực tế. Đồng thời nhà trường kết hợp với Giáo hội có những chương trình tài trợ cho những sinh viên đi dấn thân ở vùng sâu vùng xa truyền đạo. Các trường có thể thành lập thành từng nhóm sinh viên đi thực tập và hoằng pháp ở các tỉnh thành chưa có Phật giáo, hoặc nhà trường bảo hộ cho những nhóm, câu lạc bộ sinh viên tại trường có nhu cầu hoặc tâm huyết khi làm đạo… Nếu được như vậy, chắc hẳn Phật giáo sẽ ngày càng lang tỏa nhanh chóng và tăng, ni sẽ không bị “thất nghiệp” khi ra trường.

Thích Tâm Ý - Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM ------------------ CHÚ THÍCH: [1] Dissanayake Mudiyanselage Kasun Dharmasiri Vai trò của đạo đức Phật giáo trong giáo dục trong Phật giáo và giáo dục đạo đức toàn cầu, Nxb Hồng Đức, 2019, tr.39. [2] HT.TS. Thích Gia Quang Giáo dục đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với xã hội trong Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb Hồng Đức, 2019, tr.6. [3] HT.TS. Dương Quang Điện ,Ý nghĩa của giáo dục Phật giáo cho hình thành nhân, cách lối sống cho thế hệ trẻ trong Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb Hồng Đức, 2019, tr.5. [4] ĐTKVN, kinh Trung Bộ I, kinh Ví Dụ Con Rắn, VNCPHVN, 2012, tr 185. [5] ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ II, chương 8 pháp, đại phẩm, kinh A-Tu-La Pahārāda, VNCPHVN, 2018, tr 329. [6] ĐTKVN, kinh Trung Bộ I, kinh Ví Dụ Con Rắn, VNCPHVN, 2012, tr 179. [7] ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4 pháp, phẩm Kesi, kinh Kesi, VNCPHVN, 2018, tr 458-460. [8] HT. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương Tiện thứ 2, Nxb.Hồng Đức, HN, 2019, tr.80-81. [9] Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn : Sưu tập & giới thiệu, Đức Phật Thích Ca Đã Xuất Hiện Như Thế, 4. Lịch Sử Đức Phật Thích Ca, Nxb.Văn Hóa, SG, 2009. [10] ĐTKVN, kinh Trung Bộ I, kinh Nhiều Cảm Thọ, VNCPHVN, 2012, tr.488. [11] https://thienphatgiao.org/kinh-tang-nhat-a-ham-tdt-p20/ .Truy cập ngày 10/3/2021. [12] ĐTKVN, kinh Tương Ưng Bộ II, Tập V, Thiên Đại Phẩm, Kinh Phẩm Rừng Simsapa, VNCPHVN, 2013, tr.798. [13] ĐTKVN, kinh Trung Bộ I , kinh Vương Tử Abhada, VNCPHVN, 2012, tr.484. [14] ĐTKVN, kinh Tương Ưng Bộ II, Tập V, Thiên Đại Phẩm, kinh Phẩm Rừng Simsapa, VNCPHVN, 2013, tr.798. [15] HT.Thích Trí Tịnh dịch, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ thứ 5, Nxb.Hồng Đức, HN, 2019, tr. 228-229. [16] https://thuvienhoasen.org/p16a771/4/kinh-vien-giac. Truy cập ngày 16/3/2021. [17] HT.Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập - Tập 1 - Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Hiền Thủ Thứ Mười Hai, Nxb.Tôn giáo, HN, 2011, tr.499. [18] Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Thủ Lăng Nghiêm chương Đại Thế Chí niệm Phật viên thông. [19] http://www.phattuvietnam.net/ngoi-thien-theo-loi-pha/. Truy cập ngày 13/3/2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dissanayake Mudiyanselage Kasun Dharmasiri, Vai trò của đạo đức Phật giáo trong giáo dục trong Phật giáo và giáo dục đạo đức toàn cầu, Nxb. Hồng Đức, HN, 2019. 2. TS. Dương Quang Điện ,Ý nghĩa của giáo dục Phật giáo cho hình thành nhân, cách lối sống cho thế hệ trẻ trong Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb.Hồng Đức, HN,2019. 3. Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn : Sưu tập & giới thiệu, Đức Phật Thích Ca Đã Xuất Hiện Như Thế, 4. Lịch Sử Đức Phật Thích Ca, Nxb.Văn Hóa, SG, 2009. 4. ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ I, VNCPHVN, 2018. 5. ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ II, VNCPHVN, 2018. 6. ĐTKVN, kinh Trung Bộ I, VNCPHVN, 2012. 7. ĐTKVN, kinh Tương Ưng Bộ II, VNCPHVN, 2013. 8. TS. Thích Gia Quang, Giáo dục đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với xã hội trong Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb Hồng Đức, 2019. 9. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb.Hồng Đức, HN, 2019. 10. Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn tập, tập 1,Nxb.Tôn giáo, HN, 2011. 11. https://thuvienhoasen.org/p16a771/4/kinh-vien-giac. Truy cập ngày 16/3/2021. 12. https://thienphatgiao.org/kinh-tang-nhat-a-ham-tdt-p20/ .Truy cập ngày 10/3/2021. 13. http://www.phattuvietnam.net/ngoi-thien-theo-loi-pha/. Truy cập ngày 13/3/2021.