TS.Thích Nữ Thanh Quế & TS.Thích Hạnh Tuệ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023

Quốc tộ hay Đáp Quốc vương quốc tộ chi vấn là tên của một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Thiền sư Pháp Thuận (914-990), đời tiền Lê.

Nếu nói Nam Quốc Sơn Hà là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta thì Quốc tộ là bản tuyên ngôn độc lập; bản tuyên ngôn trị quốc an dân theo tinh thần Phật giáo đầu tiên của Việt Nam ta.

Bài thơ này là 4 câu ứng khẩu của Đại sư Pháp Thuận trả lời câu hỏi của nhà vua Lê Hoàn (941-1005) khi mới lên ngôi, thù trong giặc ngoài đầy rẫy, trong lòng hoang mang lo lắng không biết mệnh trời ở đâu, vận nước thế nào. Nguyên văn chữ Hán:
國祚 國祚如藤絡, 南天裏太平。 無為居殿閣, 處處息刀兵。

Phiên âm Hán Việt:
Quốc tộ
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa văn xuôi:
Vận nước
Vận nước như những dây leo
quấn quanh cây cổ thụ
Trời Nam mở ra nền thái bình thịnh trị
Dùng pháp Vô vi ở nơi cung đình
Thì nơi nơi chốn chốn đều dứt hết đao binh.

Dịch thơ:
Vận nước
Vận nước như dây quấn
Nước Nam được thái bình
Vô vi ngự điện báu
Chốn chốn hết đao binh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 7.2023 Tuyen Ngon Tri Quoc Theo Tinh Than Phat Giao Cua Dai Su Phap Thuan Thoi Tien Le 1
Chùa Bích Động, Ninh Bình - Ảnh: St

Từ trước đến nay không ít các bậc cao tăng trong Phật giáo cũng như các học giả nhà nghiên cứu bàn bạc luận giải về các phương diện nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của tác phẩm Quốc tộ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến lý giải khác nhau về một số vấn đề cốt yếu của bài thơ như: "Vô vi rốt cuộc nghĩa là gì; Ý nghĩa vô vi được dùng trong bài thơ là theo Phật giáo, Đạo giáo hay Nho giáo?; "Đằng lạc là gì, có phải chỉ cho sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc không? Có phải bài thơ là tinh thần trị quốc theo quan điểm của Phật giáo hay là Nho giáo…?

Quốc tộ là vận nước chỉ vận mệnh của đất nước do nhà vua nắm quyền và chi phối toàn bộ cuộc sống con người thời quân chủ. Cho nên quốc tộ cũng nghĩa là quốc vận nước nhà, là ngôi vua. Các vị vua anh minh thường thỉnh mời những bậc cao Tăng làm cố vấn và thường hỏi họ những vấn đề quan trọng của vận nước như thế nào?

Vua nào mà chẳng muốn biết, đất nước mình đang làm chủ là tốt hay xấu, có biến cố hay không có biến cố, vận nước suy hay thịnh ra sao.

Bài Quốc tộ ra đời trong lúc thượng triều vua Lê Đại Hành hỏi Đại sư Pháp Thuận về vận nước như thế nào.

Câu mở đầu bài Quốc Tộ:
Quốc Tộ như đằng lạc
國祚如藤絡

Ý nghĩa hình tượng cây đằng lạc, cây này tự thiên nhiên trong rừng rậm sinh ra, từ lâu được gọi là đằng lạc hoặc dằng lạc. Chúng là những dây leo quấn bám vào cây cổ thụ cao to, vươn lên cao mấy chục mét, có khi nó quấn trùm bốn phía một cây cổ thụ lớn. Đáng chú ý là ngọn và là đằng lạc thường vươn lên cao. Vận nước như những dây mây leo đan xen nhau quấn quanh cây cổ thụ hướng lên, vươn ra. Nhiều sách cổ đã miêu tả cây đằng lạc tung hoành, vươn cao, giống như đang ở thế thịnh vượng.

Ở một phương diện khác đằng lạc lại là cây có dược tính khá quý hiếm có công hiệu về hoạt huyết dưỡng tinh thông kinh lạc. Ai thường dùng sẽ có tác dụng khí huyết lưu thông, thân thể mạnh khỏe cường tráng tráng kiện, phương phi thọ mạng diên trường,

Cho nên câu mở đầu: "Quốc tộ như đằng lạc" của đại sư Pháp Thuận vô cùng sâu xa, tuyệt diệu không những chỉ ra vận mệnh đất nước sẽ lâu bền vững mạnh khi vua quan triều đình hoà hợp nhất ý, toàn dân đoàn kết một lòng; mà cũng là câu khánh chúc cho vua Lê Đại Hành, cho đất nước vạn thọ vô cương, miên miên trường cửu

Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh hùng hồn lời vàng ngọc của đại sư Pháp Thuận là vô cùng chuẩn xác.

Nam Thiên lí thái bình
南天裏太平

Đất nước ta hoàn toàn thái bình thịnh trị. Khi lên ngôi hoàng đế năm 980, Lê Đại Hành đã dẹp yên nội loạn, giết gian thần Đỗ Thích ở kinh đô Hoa Lư, chém Đinh Điền tại Ái Châu, trảm thủ Nguyễn Bặc, bắt sống Phạm Hạp tại Bắc Giang, nhấn chìm Ngô Nhật Khánh ở cửa biển, đánh Tống, bình Chiêm Thành năm 983.

Như thế nhờ tài năng đức độ của vua Lê Đại Hành cộng với sự đoàn kết vua tôi một lòng, dân chúng tin theo nên đất nước được thái bình thịnh trị.

Vô vi cư điện các.
無為居殿閣,

Hoàng đế (ở đây chỉ vua Lê Đại Hành), cùng quan lại triều đình điều hành đất nước ta theo tinh thần vô vi.

Chùa Nhất Trụ, Ninh Bình - Ảnh: St

Trong bài thơ này có thể nói câu: "Vô vi cư điện các" là thần cú; còn từ "Vô vi" là nhãn tự. Toàn bộ nội dung quan trọng nhất của bài thơ là ở đây, quan điểm trị quốc theo tinh thần của Phật giáo cũng ở đây; bài thơ gây nhiều tranh luận cũng ở đây.
Vô vi là một khái niệm, thuật ngữ có ở cả ba học thuyết quan trọng nhất của các quốc gia nằm trong sự ảnh hưởng của ba hệ tư tưởng lớn Phương Đông: Phật, Lão Trang và Nho. Trong cả ba hệ tư tưởng này đều có thuật ngữ vô vi, song mỗi tôn giáo, học thuyết đều dùng chữ vô vi theo một ý nghĩa khác nhau. Nhưng, rõ ràng Đại sư Pháp Thuận nói với vua Lê Đại Hành rất đàng hoàng: Vô vi cư điện các. Điện các là cung điện của hoàng đế, là nơi điều hành, quyết định mọi sự kiện của đất nước.
Trong Đạo đức kinh Lão Tử định nghĩa Vô vi là “làm cái không làm tức chẳng điều gì mà không sửa sang” (vi vô vi tác vô bất trị) hoặc đạo thường vốn không làm gì nhưng chẳng việc gì là nó không làm. Nếu bậc Hầu vương nào giữ được đạo như thế, muôn loài sẽ tự biến hóa đổi thay” (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa).
Như vậy, cách hiểu vô vi của Đạo Lão là không can thiệp, không áp đặt mà thuận theo tự nhiên. Con người cần phải “nương theo tự nhiên” mà hành động ứng xử, coi vô là trên hết, là cội nguồn đáng quý trọng hơn cả - Lão Tử chủ trương “thượng vô” (quý trọng cái vô).

Nguyễn Đăng Na khẳng định rằng: Đây không phải là khái niệm vô vi của nhà Phật, cũng không phải thuộc vô vi của Đạo gia. Nho gia chủ trương chọn người hiền, giao chức tước cho người tài đức. Bởi vậy, vô vi của nhà Nho lấy đức để giáo hóa con người. Việc lấy đức để giáo hóa con người, chọn và giao chức tước cho người tài đức sẽ đưa đất nước tới đích an bình thịnh trị".

Lê Mạnh Thát thì nhận định: Vô vi là một phạm trù lớn và thường được coi là dịch từ chữ asamskrta của tếng Phạn. Nội dung của vô vi theo hướng này thường được quy định trong giới hạn của bản thể luận và nhận thức luận. Song ảnh hưởng của kinh Lục độ tập kinh đối với Phật giáo nước ta lúc ấy, ta thấy truyện 81 của kinh này có một định nghĩa của vô vi như sau: “Cẩn thận, không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi.

Theo chúng tôi thì khái niệm "vô vi" ở đây bao hàm cả ý nghĩa vô vi của cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Điều này rất dễ hiểu, vì để tập trung tinh hoa sức mạnh toàn dân tộc thì phải làm cho nhân sĩ trí thức của cả Phật Đạo Nho thấy có phần mình trong đó mà ra sức góp phần vệ quốc an dân.

Nội hàm khái niệm vô vi theo Phật giáo sử dụng rất rộng và sâu:

Vô vi nghĩa là chân lý, là thực tính của vạn pháp, là bản chất của mọi sự vật hiện tượng

Vô vi nghĩa là Niết bàn, là cảnh giới giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Vô vi cư điện các được hiểu là những người đứng đầu đất nước là những người thông đạt chân lý, thấu suốt thực tính của vạn pháp, có trí tuệ sáng suốt, năng lực tự tại, có đạo đức cao thượng trị quốc, giáo hóa dân chúng theo tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo.

Khi hiểu khái niệm vô vi theo tinh thần cả Phật Đạo Nho thì hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa hình tượng "đằng lạc" ở câu trên.
Xứ xứ tức đao binh.

處處息刀兵。

Đây là câu cuối cùng của bài thơ, cũng là điều đại sư Pháp Thuận khẳng định với vua Lê Đại Hành, cũng là mong muốn ngàn đời, ước vọng vĩnh cửu của nhân dân ta, dân tộc ta. Còn gì mong muốn hơn khi khắp nơi hát khúc thái bình, chấm dứt việc đao binh, chấm dứt việc chiến tranh máu đổ đầu rơi, trẻ già ly tán. Sự ước muốn đó càng mãnh liệt hơn, càng ý nghĩa hơn đối với một dân tộc đã từng bị đô hộ ngàn năm, thường phải đối đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ giang sơn xã tắc.

Cho nên, nếu nói rằng Quốc Tộ của đại sư Pháp Thuận là tuyên ngôn độc lập, vừa là tuyên ngôn trị quốc đầu tiên của dân tộc ta theo tinh thần của Phật giáo cũng là hợp tình hợp lý vậy.

Nhìn lại ý nghĩa câu 3 và câu 4, chúng ta thấy lý giải của đại sư Pháp Thuận về cách trị quốc an dân theo tinh thần của Phật giáo rất rõ ràng: những người đứng đầu lãnh đạo đất nước mà thông đạt chân lý, có từ bi trí tuệ và đạo đức viên mãn (vô vi), trị vì đất nước, giáo hóa muôn dân theo tinh thần đạo đức trí tuệ của Phật giáo thì đất nước sẽ lớn mạnh, văn minh, không nước nào dám nhòm ngó xâm lược, sẽ mãi được thanh bình thịnh trị, muôn dân an hưởng thái bình, chốn chốn không còn loạn lạc binh đao chiến tranh chém chết nữa.

Cho nên nói Quốc tộ là bản tuyên ngôn độc lập, tuyên ngôn trị quốc vô tiền khoáng hậu theo tinh thần đạo đức trí tuệ của Phật giáo là hoàn toàn có cơ sở. Tinh thần này được hiện thực hóa vào thời Lý Trần, nhất là được minh chứng xác thực ở thời huy hoàng của lịch sử Việt Nam dưới sự lãnh đạo của vị vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

TS.Thích Nữ Thanh Quế & TS.Thích Hạnh Tuệ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Mạnh Thát ( 2010), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1,2,3. Nxb Tổng hợp TP HCM
  2. Nhiều tác giả (2000), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1. Nxb KHXH HN.
  3. Thích Hạnh Tuệ (2018), Văn học PGVN - một hướng tiếp cận. Nxb KHXH HN
  4. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH HN
  5. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022), Thiền học Việt Nam. Nxb Phụ nữ Việt Nam.
  6. Nhiều tác giả (2012), Từ điển văn học. Nxb Văn học.