Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinh của Nam tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÍNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa môn, Bà La Môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sinh, sinh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sinh khác sống ở đây". Bốn lần vi diệu đó là lúc Bồ Tát nhập thai (Rằm tháng 6), Bồ Tát Đản sinh (Rằm tháng 4), Bồ Tát thành Đạo vô thượng CHÍNH ĐẲNG GIÁC (Rằm tháng 4) thấu triệt hoàn toàn 4 THÁNH ĐẾ. Để để rồi 2 tháng sau đó (Rằm tháng 6) Ngài CHUYỂN PHÁP LUÂN, tức là lúc bắt đầu ban bố giáo Pháp 4 THÁNH ĐẾ cho thế gian và thành lập tăng đoàn đầu tiên. Trong 4 lần vi diệu đó thì hết 2 lần đều có liên hệ đến 4 THÁNH ĐẾ. Đó là lúc Bồ tát thành Đạo và Chuyển Pháp Luân. Hai lần kia, lúc Bồ tát nhập thai và Đản sinh, thì cũng chỉ là những dấu hiệu cho thấy trước một đấng cứu khổ đang đến thế gian để hiển thị một giáo pháp có uy lực xóa tan mọi khổ đau mà không có một giáo lý nào khác có thể làm được chuyện đó (cũng như cái hào quang vi diệu chiếu đến mọi nơi tăm tối mà không một ánh sáng nào có thể chiếu tới). Giáo pháp ngoại đạo hoặc triết lý nhân gian, chỉ có thể làm vơi những đau khổ, hoặc tạo AN VUI TẠM BỢ nhưng không có khả năng tận diệt đau khổ như 4 THÁNH ĐẾ.

XÓA TAN KHỔ ĐAU CỦA THẾ GIAN CHÍNH LÀ UY LỰC VÔ SONG CỦA 4 THÁNH ĐẾ.

Cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, mặt trăng, mặt trời không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám, không thể phân biệt đêm và ngày, không thể phân biệt tháng và nửa tháng, không thể phân biệt thời tiết hằng năm.

Cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, mặt trăng, mặt trời hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Và có sự phân biệt đêm ngày, có sự phân biệt tháng và nửa tháng, có sự phân biệt thời tiết hằng năm.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, cho đến khi nào Như Lai, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, không có hào quang lớn. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám. Cho đến khi ấy, không có sự tuyên bố, không có sự thuyết giảng, không có sự trình bày, không có sự thiết lập, không có sự khai diễn, không có sự phân tích, không có sự hiển thị 4 Thánh đế.

Cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, Như Lai, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Cho đến khi ấy, có sự tuyên bố, có sự thuyết giảng, có sự trình bày, có sự thiết lập, có sự khai diễn, có sự phân tích, có sự hiển thị 4 Thánh đế. Khi chưa có 4 THÁNH ĐẾ, thế gian ngập chìm triền miên trong đêm đen VÔ MINH ĐAU KHỔ. Sự đau khổ chỉ có thể xóa tan khi ánh sáng trí tuệ của 4 THÁNH ĐẾ được chiếu sáng. Cho nên 4 THÁNH ĐẾ là giáo lý vi diệu không có gì sánh bằng. Chư Phật CHÍNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC vĩ đại và Vô Thượng như nhau cũng chỉ vì các ngài đều cùng giác ngộ như nhau giáo lý cao, rộng và sâu của 4 THÁNH ĐẾ. Nhưng đáng ngạc nhiên thay giáo lý bao la này lại được đức Bổn Sư Thích Ca giới thiệu một cách rất ngắn gọn và dễ hiểu:

"Này các Tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử... Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt 4 SỰ THẬT:

1) KHỔ ĐẾ: SỰ THẬT về KHỔ (đế có nghĩa là sự thật)

2) TẬP ĐẾ: SỰ THẬT về NGUYÊN NHÂN của KHỔ

3) DIỆT ĐẾ: SỰ THẬT về NIẾT BÀN (lúc khổ tận diệt)

4) ĐẠO ĐẾ: SỰ THẬT về CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN

mọi khổ đau đều sẽ chấm dứt.

Nghe như vậy thì những người Trí đều hiểu được rằng phương cách chấm dứt khổ đau của đạo Phật chẳng khác gì cách chữa bệnh của ngành Y KHOA chứ không phải cầu nguyện tha lực từ bên ngoài như các ngoại đạo. Ví như khi một xã hội bị một loại dịch bệnh hoành hành, hết người này chết đến người khác theo nhau chết. Rồi có một vị y sĩ tài ba đến tìm hiểu và nghiên cứu cách chữa trị. Sau khi ông ta đã tìm ra chính xác tất cả bốn sự thật này: 1) Dịch bệnh này là loại dịch bệnh gì? 2) Dịch bệnh này do đâu ra? 3) Dịch bệnh này có thể chấm dứt được và 4) Cách chữa lành dịch bệnh này phải như thế nào? thì dĩ nhiên người y sĩ kia đã có đầy đủ khả năng để cứu sống được mọi người qua khỏi cơn dịch bệnh. 4 SỰ THẬT: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, của 4 THÁNH ĐẾ chữa trị mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi cũng cùng một logic như vậy.

Sau khi tuyên bố về 4 THÁNH ĐẾ, đức Phật bắt đầu thuyết dạy cách phát triển Trí Tuệ để giác ngộ 4 Sự Thật mà Ngài đã đưa ra. Dù Ngài đã thuyết ra đến 84.000 bài pháp nhưng tất cả đều nằm trong 4 THÁNH ĐẾ. Từ KHỔ ĐẾ Ngài chia chẻ ra nhiều loại khổ đau, nhiều cảnh giới khổ đau mà chúng sinh có thể gặp phải. Từ TẬP ĐẾ Ngài khai triển ra 12 NHÂN DUYÊN tạo nên vòng xoáy nhấn chìm chúng sinh mãi trong dòng sinh tử đau khổ. Từ DIỆT ĐẾ Ngài diễn tả sự thật nào mà các bậc giải thoát mỗi khi giác ngộ (khám phá) được thì đau khổ được tận diệt. Từ ĐẠO ĐẾ Ngài khai triển con đường đi đến DIỆT ĐẾ bằng 8 sự hiểu biết chân chính gọi là BÁT CHÍNH ĐẠO, rồi từ BÁT CHÍNH ĐẠO Ngài khai triển sâu hơn thành những pháp tu tập THIỀN ĐỊNH, THIỀN QUÁN như TỨ NIỆM XỨ, TỨ CHÍNH CẦN, TỨ NHƯ Ý TÚC, 5 CĂN 5 LỰC, 7 GIÁC CHI…

Như vậy thấu triệt 4 THÁNH ĐẾ cũng có nghĩa là thấu triệt luôn 12 NHÂN DUYÊN, BÁT CHÍNH ĐẠO, TỨ NIỆM XỨ, THẤT GIÁC CHI… từ gốc cho đến ngọn. Để học đầy đủ phần lý thuyết căn bản của 4 THÁNH ĐẾ, người phật tử cần từ 1 tuần đến 1 tháng. Khoảng thời gian này là khoảng thời gian quí báu và cần thiết nhất trong sự tu học. Nếu một người phật tử không đi qua thời gian căn bản này thì sự tu học về sau sẽ mất rất nhiều thì giờ, mà vẫn không chắc có kết quả thiết thực trước khi cuộc đời chấm dứt. Cũng như một sinh viên y khoa, nếu chưa nắm vững lý thuyết y khoa mà đã vội vàng muốn chữa bệnh thì không những khó chữa lành được ai, mà còn có thể giết nhiều người bệnh là đằng khác. Tu học chính là học làm bác sĩ để chữa BỆNH KHỔ cho mình, rồi cho người. Nếu không nắm vững 4 THÁNH ĐẾ ngay từ đầu, chắc chắn sẽ không có sự chấm dứt khổ đau. Mà lại còn có thể lạc vào TÀ KIẾN lâu dài qua vô vàn kiếp sống.

Trong kinh, Phật hay nhắc đi nhắc lại câu này: Kẻ “VÔ VĂN PHÀM PHU” không nghe pháp của bậc Thánh, không tu tập pháp của bậc Thánh, không thuần thục pháp của bậc Thánh… cho nên không ra khỏi Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não”. Nhưng Pháp của bậc Thánh là pháp gì? Đó chính là giáo pháp để chấm dứt khổ đau cho chúng sinh. Đó chính là giáo pháp mà đức Thích Ca đã khẳng định: “Từ xưa tới nay, Như Lai chỉ nói Khổ và Diệt Khổ”. Đó chính là giáo pháp 4 THÁNH ĐẾ mà chư Phật CHÍNH ĐẲNG GIÁC 3 đời đều tuyên thuyết như nhau sau mỗi lần thành đạo. Đó chính là 4 SỰ THẬT cần phải học đầy đủ, cần phải nhớ đầy đủ, cần phải tư duy để hiểu sâu cho đầy đủ, cần phải tu tập thuần thục và chứng nghiệm. Khi tất cả 4 SỰ THẬT đó chưa được hiểu biết đầy đủ cả bề rộng và bề sâu, thì con đường đi đến chấm dứt khổ đau sẽ vẫn mờ mịt. Đó còn gọi là hạng VÔ MINH, PHÀM PHU, do chưa nghe, chưa biết pháp của bậc Thánh, hoặc chưa tu tập pháp của bậc thánh, hoặc chưa thuần thục pháp của bậc Thánh.

Lý do xưa nay nhiều người tu Phật, mặc dù cũng có được sự AN VUI HIỆN TẠI, nhưng khi gặp khổ đau lớn lao ập đến thì không chịu đựng nổi. Bởi đa số chỉ tu pháp cầu AN VUI TẠM BỢ mà không tu hiểu đầy đủ 4 THÁNH ĐẾ để có thể chấm dứt khổ đau. Cho nên tu sai là không tu theo 4 THÁNH ĐẾ hoặc đã học sai về 4 THÁNH ĐẾ. Cũng như một người bị bệnh, chữa hoài mà không lành, thì chỉ vì toàn gặp mấy thầy thuốc chưa học đầy đủ 4 loại kiến thức cần thiết để chữa lành bệnh nhân: 1. Kiến thức để xác định bệnh một cách chính xác; 2. Kiến thức để xác định nguyên nhân của bệnh một cách chính xác; 3. Kiến thức để biết chính xác bệnh sẽ lành như thế nào; 4. Kiến thức để xác định chính xác phương cách chữa lành bệnh. Nếu không có đầy đủ 4 loại kiến thức đó thì làm sao có thể chữa bệnh được. Cho nên đức Phật đã nói rất rõ rằng muốn gọi là TU HÀNH CHÂN CHÍNH thì phải tu 4 THÁNH ĐẾ.

Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỳ kheo, đã chân chính xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Những thiện nam tử nào trong thời vị lai, này các Tỳ kheo, sẽ chân chính xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy sẽ làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Những thiện nam tử nào trong thời hiện tại, này các Tỳ kheo, chân chính xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

Nếu mang danh là bậc tu hành mà không hiểu chính xác (như thật rõ biết) về 4 THÁNH ĐẾ thì chưa được đức Phật chấp nhận là đệ tử của Ngài: Những Sa môn hay Bà La Môn nào, này các Tỳ kheo, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt", không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", thời này các Tỳ kheo, các vị Sa môn hay Bà La Môn ấy không được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hàng Sa môn, hay Bà La Môn trong các hàng Bà La Môn.

Tuy Phật đã nói rõ như thế mà qua nhiều thế hệ lại có rất nhiều Thầy Tổ dạy cho phật tử rằng: Chúng ta tu hành phát tâm VÔ THƯỢNG BỒ ĐẾ, nguyện chứng ngôi CHÍNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC, nên không tu pháp TỨ ĐẾ thấp kém của Thanh Văn TIỂU THỪA. Hoặc có người phát nguyện nghe rôm hơn cả đức Bổn Sư Thích Ca: Tôi tu hạnh BỒ TÁT, thệ nguyện ĐỘ TẬN CHÚNG SINH nên không nhập Niết Bàn, không tu pháp TỨ ĐẾ của TIỂU THỪA. Chừng nào hết thảy chúng sinh thành Phật, tôi mới thành Phật. Nghe rất là cao cả. Nhưng những lời đó đối với Phật thì lại là lời của hạng “VÔ VĂN PHÀM PHU”: Tức là hạng không nghe lời của bậc Thánh (Phật) nói, không thực hành pháp của bậc Thánh dạy. Chứ nếu họ có nghe được những lời này của Phật thì họ đã không dám tuyên bố huênh hoang như trên:

"Này hỡi các Tỳ kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, bà la môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Đến khi, này hỡi các Tỳ kheo, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức, đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, bà la môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác” (Kinh Chuyển Pháp Luân).

Những bậc A La Hán, Chính đẳng Chính giác nào trong thời quá khứ, này các Tỳ kheo, thật sự là bậc Chính Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy đã như thật chính đẳng chính giác bốn Thánh đế. Những bậc A La Hán, Chính đẳng Chính giác nào trong thời vị lai, này các Tỳ kheo, thật sự là bậc Chính Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy sẽ chính đẳng chính giác bốn Thánh đế. Những bậc A La Hán, Chính đẳng Chính giác nào trong thời hiện tại, này các Tỳ kheo, thật sự là bậc Chính Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy hiện đang chính đẳng chính giác bốn Thánh đế.

Này các Tỳ kheo, ai nói như sau: “Không cần như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không cần như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không cần như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không cần như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta vẫn chân chính đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra. (Tương Ưng bộ kinh).

Theo như những lời Phật đã nói trên thì Chư Phật 3 đời muốn thành CHÍNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC (Vô Thượng Bồ Đề) phải thấu triệt 4 THÁNH ĐẾ. Muốn ĐỘ TẬN CHÚNG SINH thì cũng phải thấu triệt 4 THÁNH ĐẾ, nếu không thì làm sao có thể cứu khổ chúng sinh được? Ví như với một kẻ chưa biết rành rẽ 4 loại kiến thức để chữa bệnh mà gặp bệnh nhân nào cũng đòi “độ tận”, thì chỉ là loại lang băm giết bệnh nhân chết sớm mà thôi. Những ai không rành rẽ 4 THÁNH ĐẾ mà đòi hướng dẫn người khác tu hành, thì chắc chắn không thể giúp người hết khổ mà chỉ đưa người ta vào các ngả TÀ KIẾN rất lâu dài. Do sự nguy hiểm đó mà Phật mới thẳng thắn tuyên bố rằng: Những kẻ đó “KHÔNG ĐƯỢC TA CHẤP NHẬN” là hàng sa môn của ta.

Một người học Phật có hệ thống, sau khi nắm vững 4 THÁNH ĐẾ sẽ có khả năng nhận biết đường tu nào là đường tu đúng, đường tu nào là đường tu sai. Đó cũng như trình độ của một người đã thấy được vàng thật và không còn có thể bị các thứ vàng giả hấp dẫn đánh lừa được nữa. Trình độ này gọi là trình độ ĐẠO/PHI ĐẠO TRI KIẾN TỊNH. Tức đã thấy rõ sự sai khác rõ ràng giữa CHÍNH ĐẠO và TÀ ĐẠO chứ không còn hoang mang, nghi ngờ, hay lẫn lộn được nữa. Dĩ nhiên nhiều người, kể cả ngoại đạo, họ cũng có thể tuyên bố như thế, nhưng khi đụng độ KHỔ ĐAU thực sự, họ mới biết cái mà họ đang có là thật hay giả?

Tu học đạt đến trình độ ĐẠO/PHI ĐẠO TRI KIẾN TỊNH sẽ được vô cùng an lạc, vì cũng như người từ lâu hoang mang giữa vạn nẻo đường, bây giờ đã tìm ra lối đi và biết chắc chắn lối này sẽ đi tới nơi tới chốn, không thể không đến. Hoặc cũng như một người bệnh, lâu nay chữa qua nhiều thầy nhiều thuốc nhưng vẫn chẳng đi đến đâu. Hôm nay tìm ra đúng thầy đúng thuốc, biết bệnh mình trước sau cũng sẽ lành, không thể không lành, nên sung sướng vô cùng. Người tu hành nắm vững giáo lý TỨ ĐẾ cũng đạt sự an lạc lớn lao như vậy. Biết rõ ngày chấm dứt khổ đau sẽ đến trong một thời gian không xa nữa. Bởi với những người này DIỆT ĐẾ, cái đích để đến và ĐẠO ĐẾ, con đường đến đó, đều đã thấy được rõ ràng.

Cũng bởi lý do vững chắc như thế mà đức Thế Tôn đã tuyên bố như sau: Này các Tỳ kheo, ví như, một cột đá dài đến mười sáu khuỷu tay và tám khuỷu tay được chôn dưới đất từ bàn tọa và tám khuỷu tay ở phía trên. Nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, không thể làm cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển, nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, không thể làm cho cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa cột trụ được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỳ kheo, cũng vậy, nếu Tỳ kheo nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Nếu từ phương Ðông có vị Sa môn hay Bà La Môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: "Ta sẽ tranh luận", vị ấy có thể làm cho Tỳ kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có vị Sa môn hay Bà La Môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: "Ta sẽ tranh luận", vị ấy có thể làm cho Tỳ kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Vì sao? Vì bốn Thánh đế đã được khéo thấy, này các Tỳ kheo.

Trong phần kế tiếp 4 SỰ THẬT của 4 THÁNH ĐẾ sẽ được trình bày sơ lược. Mặc dù sẽ không được khai triển ra chi tiết với 12 NHÂN DUYÊN, 8 CHÍNH ĐẠO, 4 NIỆM XỨ, 7 GIÁC CHI... nhưng cũng đủ cơ sở CHÍNH KIẾN để cho một người có Trí Tuệ có thể so sánh và nhận ra được sự sai lạc của nhiều pháp tu ra ngoài 4 THÁNH ĐẾ như thế nào. Rồi cũng sẽ hiểu được tại sao đức Thế Tôn thường nhắc đi nhắc lại câu: “Kẻ VÔ VĂN PHÀM PHU”, không nghe pháp của bậc THÁNH, không tu tập pháp của bậc Thánh, không thuần thục pháp của bậc Thánh… nên không ra khỏi Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não.”

SƠ LƯỢC VỀ SỰ THẬT CỦA 4 THÁNH ĐẾ

1. KHỔ ĐẾ: Đây là sự khẳng định cuộc đời có Khổ đau thực sự hiện diện. Cụ thể là 8 tình trạng thường tạo ra khóc than rên siết cho con người. Đó là Sinh, Lão, Bệnh, Chết, Muốn mà không được, Thương mà phải sống xa nhau, Ghét mà phải sống gần nhau, Luân hồi sinh tử đời này qua đời khác để lặp lại mọi khổ đau không bao giờ chấm dứt. Với khổ đau của Bệnh, có thể kể thêm trường hợp khổ khi thân xác bị vua quan hay kẻ thù tra tấn, hành hạ. Với những ai không công nhận sự thật KHỔ ĐẾ thì cũng như một người bị ung thư, mà không tin mình bị bệnh, thì chỉ chờ chết mà thôi, không có cơ hội được bác sĩ chữa trị để hưởng một cuộc sống hoàn toàn an lành khỏe mạnh.

Cho nên người có Trí Tuệ cần giác ngộ KHỔ ĐẾ trước hết. Không có gì để sợ mà phải trốn tránh. Dám đối mặt để biết rõ cách chấm dứt nó. Dù khổ nhiều hay khổ ít thì vẫn không thể nói là KHÔNG KHỔ. Cũng như một cái áo, dù chỉ dính một chút dơ hôi thối thì vẫn không thể nói là áo sạch được nữa, mà cần phải giặt cho hoàn toàn sạch. Như vậy muốn có cơ hội đạt đến Niết Bàn, phải giác ngộ KHỔ ĐẾ không chút nghi ngờ. Ngoài ra phải biết cuộc đời này là vô thường, dù hôm nay đang sống trong hạnh phúc an lành, nhưng hạnh phúc nào cũng hứa hẹn đau khổ khi đến ngày chấm dứt. Như vậy, nếu cứ đắm mê theo đuổi hạnh phúc thế gian, hết cái này qua cái khác, thì sẽ không bao giờ có cơ hội tu học để đạt đến hạnh phúc bền vững của Niết Bàn.

Ngoài ra, nếu giác ngộ được KHỔ ĐẾ thì phải biết sự nguy hiểm khi luân hồi vào các đọa xứ, ví dụ nếu bị sinh vào loài động vật, sẽ không còn cơ hội để học hỏi, để tu học, sẽ không còn cơ hội để thực hành thiện pháp, do đó không biết đến bao giờ mới có thể tiến hóa lên làm người để tu học trở lại. Gặp trường hợp xui xẻo như thế, đức Phật ví thời gian để trở lại làm người, còn lâu hơn một con rùa ở dưới đáy biển, 100 năm nổi lên một lần, mà lọt vào được lỗ thủng của một tấm ván trôi mênh mang trên mặt đại đương. Người nào có trí tuệ lớn phải thấy nguy hiểm trong trường hợp này. Nhờ vậy mới lo tinh tấn tu hành đúng pháp 4 THÁNH ĐẾ để phát triển trí tuệ thấy rõ con đường đi đến Niết Bàn trước khi chết. Để kiếp sau không thể rơi vào đọa xứ.

Giác ngộ KHỔ ĐẾ cũng bao gồm sự hiểu biết rằng dù bây giờ chúng ta đang là một “con người có đạo đức cao quí”, nhưng trong vô số kiếp quá khứ, vì từng sống trong các cõi thấp kém của hàng động vật ăn nuốt lẫn nhau. Bởi chúng sinh thường tiến hóa từ thấp lên cao, cũng như những bậc trung học, đại học cũng từ tiểu học hay mù chữ mà đi lên. Do đó trong tiềm thức của chúng ta còn vô số THAM, SÂN, SI, THỤY, MIÊN (ngủ ngầm), chúng có thể nổi lên dễ dàng vào giờ phút lâm chung, khi thân xác bị quằn quại đau đớn. Và mỗi khi các THAM, SÂN, SI, THỤY, MIÊN đó nổi lên, thì chúng có thể kéo chúng ta rớt xuống trở lại các cõi xứ thấp kém đau khổ. Ngay như ông CẤP CÔ ĐỘC, một đời tạo dựng vô số công đức phước báu với Phật và Thánh Chúng. Nhưng vào giờ phút lâm chung ông đã không chịu nổi các cơn đau đớn quằn quại. Nếu không có Ngài Xá Lợi Phất vào lúc đó hướng dẫn ông ta thiền quán, thì chắc ông ta cũng đã bị đọa rồi (xem kinh giáo giới Cấp Cô Độc, Trung Bộ 143).

Cho nên, chỉ có bậc đã thuần thục giáo pháp 4 THÁNH ĐẾ mới chắc chắn sẽ không rơi vào đọa xứ, chứ người thực hành nhiều Thiện Pháp, hoặc các Công Đức… sẽ không chắc 100% khi chết được tái sinh lên cõi trên. Phật cũng đã xác nhận như thế: Ở đây, này Ananda, Sa môn hay Bà La Môn nào nói như sau: "Chắc chắn có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh". Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy. Và vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho... có chính kiến; sau khi thân hoại mạng chung, tôi thấy người ấy sinh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như vậy, Ta cũng chấp nhận cho vị ấy. Còn nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho... tất cả sau khi thân hoại mạng chung; họ đều sinh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này"; như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy".

Nói tóm lại, những người Trí Tuệ, rất cần hiểu biết sâu xa và đầy đủ về KHỔ ĐẾ, để sẽ tìm đủ mọi cách tu hành đúng pháp và sẽ tinh tấn tu hành không phóng dật, để sớm thấu triệt tất cả 4 THÁNH ĐẾ. Có như thế mới hết nghi ngờ giáo pháp và thể nhập được các thánh quả, ít nhất là TU ĐÀ HOÀN, để không còn bị rơi vào đọa xứ, để còn cơ hội tiếp tục tu hành cho đến ngày hoàn toàn giải thoát. Những kẻ chỉ ham tạo dựng phước đức, mà không lo tu đúng pháp, thì cũng như nhà giàu cả tin vào thầy chữa bệnh không đúng cách, vẫn có thể bị chết thảm như thường.

2. TẬP ĐẾ: Đây là sự xác định về NGUYÊN NHÂN của KHỔ. Xác định TẬP ĐẾ phải thật sự chính xác giống như Phật đã chỉ dạy thì mới có thể tận diệt được đau khổ. Cũng ví như một sinh viên y khoa học chữa bệnh, phải đạt được khả năng xác định nguyên nhân của bệnh một cách chính xác đúng như các vị bác sĩ giỏi đã dạy cho anh ta, thì mới có thể ngăn chặn, không để bệnh tiếp tục phát triển hay tái phát trở lại sau khi lành. Rất nhiều người tu hành theo đạo Phật mà không thấy giảm bớt được đau khổ bởi vì đã học và hiểu sai về TẬP ĐẾ. Muốn biết sai như thế nào để sửa chữa thì phải học kỹ Phật dạy như thế nào về sự thật TẬP ĐẾ.

TẬP ĐẾ được đức Phật chỉ dạy theo 3 cấp trình độ khác nhau. Trình độ ở mức hạn chế và dễ chứng nghiệm nhất về nguyên nhân của khổ, chính là lòng THAM ÁI. Không có khổ nào là không do tham ái cả. Có lần một ông thôn trưởng đến hỏi Phật do đâu cuộc đời này có khổ đau? Đức Phật hỏi ông, nếu như thôn làng của ông ta bị cơn tai biến (ví dụ hỏa hoạn chẳng hạn) thì ông ta có khổ hay không? Ông ta trả lời có thể khổ có thể không. Nếu trong cơn tai biến đó mà có thân nhân của con chết, thì con rất đau khổ, bằng như không có thân nhân con chết thì con vui mừng. Ngay đó đức Phật chỉ nguyên nhân của khổ đau là sự DÍNH MẮC.

Tuy nhiên, đi sâu hơn nữa thì do đâu có sự DÍNH MẮC? Đó là do có một BẢN NGÃ tức là cái TA. Do có TA cho nên mới có sự dính mắc đến những gì liên quan đến Ta. Vì dính mắc vào TA cho nên mới có THAM, SÂN, SI. Những gì lợi cho ta thì THAM thật nhiều, những gì hại cho ta thì SÂN thật nhiều, rồi cũng vì 2 cái THAM và SÂN đó mà trí tuệ bị lu mờ mà ta càng SI mê hơn. Trên trời dưới đất không ai quan trọng hơn cái TA của mình. Đừng tưởng THƯỢNG ĐẾ quan trọng hơn TA. Bởi khi TA cầu nguyện THƯỢNG ĐẾ điều gì mà không được như ý thì TA cũng có thể “lay off ”, sa thải THƯỢNG ĐẾ như thường. Dù cho TA có hy sinh gì cho ai đi nữa thì đó vẫn chỉ là cách do TA quyết định và ta thấy bằng lòng nhất với cách đó.

Nhưng mà cái BẢN NGÃ do đâu ra? Đây là mức độ phân tích sâu sắc nhất về TẬP ĐẾ. Đức Phật dạy có 12 NHÂN DUYÊN tạo ra BẢN NGÃ và duy trì BẢN NGÃ. Muốn thấu triệt và chứng nghiệm được TẬP ĐẾ đến mức độ này, phải có quyết tâm đi sâu vào đạo Phật, phải có đầy đủ cả pháp HỌC lẫn pháp HÀNH. Phải học đầy đủ giáo lý 4 THÁNH ĐẾ và thực hành THIỀN ĐỊNH và THIỀN QUÁN chuyên sâu để khảo sát, tìm hiểu cái BẢN NGÃ của mình. Rồi sẽ thấy 12 NHÂN DUYÊN đã tạo nên BẢN NGÃ và duy trì BẢN NGÃ như thế nào? Đó cũng là lúc sẽ thấy THỰC TƯỚNG của BẢN NGÃ là VÔ NGÃ. Sự thật VÔ NGÃ này sẽ được bàn đến trong phần DIỆT ĐẾ tiếp theo.

3. DIỆT ĐẾ: Xin nhắc lại, ĐẾ có nghĩa là SỰ THẬT và DIỆT ở đây là tiêu diệt đau khổ. Như vậy DIỆT ĐẾ là một sự thật mà những ai chứng ngộ được rồi, sẽ không bao giờ còn bị mê lầm để bị khổ đau nữa. Đây là sự thật khó hiểu và dễ hiểu lầm nhất ở trong 4 THÁNH ĐẾ nên tôi sẽ viết về sự thật này dài hơn 3 sự thật kia. Xưa nay các giảng sư thường nói rằng đích đến của người tu hành là NIẾT BÀN (NB). Nhưng NB là gì thì không ai nói ra rõ ràng cả? Thậm chí có vị tránh né sự giải thích, khuyên đừng nghĩ tưởng đến NB và lấy ví dụ NB cũng như cảnh giới mà con rùa khi lên mặt đất thấy được, còn con cá ở dưới nước không bao giờ có thể hình dung ra nổi thì đừng cố biết làm gì. Nhưng theo câu nói của Phật: “Từ xưa tới nay Như Lai chỉ nói KHỔ và DIỆT KHỔ”, thì ít lắm đích đến, hay NB là sự DIỆT KHỔ. Đức Phật lại còn khẳng định DIỆT KHỔ là một SỰ THẬT, gọi là DIỆT ĐẾ. Nếu đã là một SỰ THẬT thì phải diễn tả ra rõ ràng, nếu cứ mơ hồ, thì làm sao người ta có thể thấy để đồng ý đó là SỰ THẬT? Cho nên khi đức Phật dùng 2 chữ DIỆT ĐẾ, có ý nhấn mạnh nghĩa SỰ THẬT, là Ngài đã hàm ý nhắn nhủ người phật tử, phải thấy và phải chứng thực được nó một cách rõ ràng, không thể mơ hồ. Sự hiểu biết rõ ràng về sự thật DIỆT ĐẾ rất quan trọng bởi đây là sự thật để cho ĐẠO ĐẾ (đường tu hành) nhắm đến. Nếu DIỆT ĐẾ không được xác định rõ ràng thì cũng như người di dân vượt biển, vượt biên, ra đến biển mà không biết đi hướng nào, đi về đâu thì chẳng thà đừng đi còn hơn. Người tu hành mà không rõ DIỆT ĐẾ là sự thật gì, thì đường tu hành lấy gì bảo đảm là tu đúng đường? Khi định hướng không biết rõ ràng thì rất dễ bị lạc vào các đường tu TÀ KIẾN, để rồi về sau rất khó trở về CHÍNH ĐẠO. Chuyện đó đang xảy ra đầy rẫy trong đạo Phật. Cũng do từ xưa tới nay DIỆT ĐẾ không được xác định rõ ràng.

Có người cho rằng DIỆT ĐẾ là trở về BẢN TÂM THANH TỊNH, do đó cần phải tu pháp VÔ NIỆM không để khởi niệm phân biệt CHÍNH/ TÀ, thậm chí không chấp vào lời Phật dạy (về CHÍNH NIỆM và 8 CHÍNH ĐẠO). Nhưng thử hỏi, nếu TÂM từ xưa đã thanh tịnh thì lý do gì mà lại sinh ra ĐỘNG? Và khi trở về được TỊNH rồi, thì lấy gì để bảo đảm nó không sinh ra ĐỘNG trở lại? Không lẽ đã đến Niết Bàn rồi lại còn quanh quẩn tới lui trong vòng luân hồi nữa sao? Có vị giảng sư lại giải thích DIỆT ĐẾ là diệt hết mọi sự đam mê và Niết Bàn là khi “CHÁN CHƯỜNG ĐẾN ĐỘ CÙNG TỘT” không còn đam mê cái gì nữa. Nếu thiệt như vậy thì không lẽ mấy người chán đời, muốn TỰ TỬ, sẽ dễ vào Niết Bàn hơn ai hết sao? Nếu như vậy thì nên đổi tên ĐẠO TRÍ TUỆ của đạo Phật thành ĐẠO CHÁN ĐỜI.

Sự thật DIỆT ĐẾ có thể nói rõ được nhưng rất khó cho thế gian thấu hiểu và chấp nhận, bởi hoàn toàn ngược với những gì mà con người thấy hằng ngày. Nó còn gây sốc hơn cả sự thật mà ông Galileo tuyên bố với loài người trước đây. Nhớ ngày xưa khi Galileo chứng minh quả đất quay tròn xoay quanh mặt trời (cũng là lý thuyết của Copernicus trước đó nhưng chưa chứng minh) thì khó ai chấp nhận được. Bởi hằng ngày người ta vẫn thấy mặt trời quay quanh quả đất, từ phương Đông đi về phương Tây. Riêng đối với đức Giáo Hoàng và Tòa thánh Vatican hồi đó, lại còn bị sốc hơn nữa. Bởi Thánh kinh Cựu Ước, chương Sáng Thế Kỷ, đã dạy họ rằng: Đức Chúa Trời tạo ra ngày đêm trước (ngày thứ nhất) rồi tạo mặt trời sau (ngày thứ 4). Thế mà với lý thuyết của Galileo thì không thể có chuyện ngày/ đêm có trước mặt trời có sau. Bởi ngày là do mặt trời chiếu sáng và đêm là do quả đất quay khuất ánh mặt trời.

Ngoài ra theo Galileo thì cũng không thể có chuyện tất cả loài người có chung ngày và đêm như Thánh kinh nói. Bởi quả đất tròn và quay, chứ không phải là một mặt phẳng để toàn thể loài người nhận ánh sáng và bóng tối cùng một lúc, cùng một ngày, cùng một đêm. Bởi cái lý thuyết quá gây sốc đó mà Galileo đã bị Giáo hội Vatican giam vào nhà đá, bắt phải sửa lại, nhưng ông ta cứng đầu không chịu, ông trả lời rằng dù ông có sửa đổi gì đi nữa thì vẫn không thể sửa đổi được sự thật của thiên nhiên. Tôi đem câu chuyện Galileo ra nói trước để chứng minh rằng có nhiều cái ta thấy sờ sờ hằng ngày mà nó lại không thực. Có kinh nghiệm đó rồi mới có thể tin và lắng nghe sự thật DIỆT ĐẾ mà đức Phật tuyên bố. Sự thật này đã và sẽ mãi mãi làm cho loài người bị sốc hơn cả sự thật mà ông Galileo khám phá. Bởi Phật tuyên bố rằng chúng ta không thực sự hiện hữu để chịu đựng khổ đau. Trong khi chúng ta vẫn thấy hằng ngày chúng ta hiện hữu với THÂN XÁC để đi đứng và TÂM THỨC để suy nghĩ.

Sự thật DIỆT ĐẾ chính là SỰ THẬT VÔ NGÃ. Một sự thật rất khó cho kẻ phàm phu chấp nhận. Nhiều người bị sốc khi nghe VÔ NGÃ, với cái TA không hiện hữu, là một SỰ THẬT. Thông thường người ta chỉ hiểu VÔ NGÃ như là một ĐỨC TÍNH, ví dụ như sự hy sinh, từ bi, vị tha, nhẫn nhịn, không kiêu mạn… Nhưng đó vẫn chỉ là những đức tính của một BẢN NGÃ, một cái NGÃ có lý tưởng cao hơn các NGÃ phàm phu khác mà thôi, chứ chưa thiệt là SỰ THẬT VÔ NGÃ để tận diệt khổ đau. SỰ THẬT VÔ NGÃ có nghĩa là không có một nhân vật để chịu đựng đau khổ, tức “không THỌ GIẢ” (THỌ là cảm thọ, GIẢ là người). Khi chứng thực được SỰ THẬT VÔ NGÃ rồi sẽ có khả năng độc lập với tất cả những đau đớn của THÂN XÁC và những khổ sầu của TÂM THỨC. Do đó mà tất cả 8 loại khổ đau đã trình bày trong KHỔ ĐẾ đều trở thành là những thứ ở ngoài ta và không còn ảnh hưởng gì đến ta nữa.

Sau đây là sự xác định DIỆT ĐẾ VÔ NGÃ được minh chứng qua các kinh Phật, chứ không phải là tư kiến của tác giả. Cách chấm dứt khổ đau bằng chứng ngộ sự thật VÔ NGÃ đã được diễn tả qua rất nhiều kinh như: Kinh VÔ NGÃ TƯỚNG, kinh BÁT NHÃ, kinh KIM CANG, kinh TIỂU BỘ (phẩm Bồ Đề, khi Phật giáo giới ông Bàhiya)...

KINH VÔ NGÃ TƯỚNG: Này các Tỳ kheo, cho nên sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào, dù trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa, các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi. Các ngươi nên nhận thức chân lý ấy bằng chính trí, đúng theo thực tướng như vầy: Đó chẳng phải là của ta, chẳng phải là ta, chẳng phải là tự ngã của ta.

Này các Tỳ kheo, bậc Thanh văn được nghe và thấy như thế rồi liền sinh tâm nhàm chán (tức không còn dính mắc) đối với sắc, đối với thọ, đối với tưởng, đối với hành, đối với thức. Do nhàm chán vị ấy ly tham. Do ly tham tâm được giải thoát. Khi tâm được giải thoát vị ấy chứng đắc tuệ giải thoát và biết rõ sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm và không còn trở lui trạng thái (vô minh) này nữa.

KINH BÁT NHÃ: Bồ tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu, bát nhã ba la mật, bỗng soi thấy 5 uẩn, đều không có tự tính. Chứng thực điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả, mọi khổ đau ách nạn.

KINH KIM CANG: “Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tức không phải Bồ Tát.” Hoặc: “Bồ tát độ vô số chúng sinh vào Niết Bàn mà thực sự không có chúng sinh nào vào Niết Bàn cả”. Bởi chứng Niết Bàn là chứng VÔ NGÃ, thì đâu có ai để vào!

KINH TIỂU BỘ: Vậy này Bàhiya, ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe (pháp do duyên sinh, hội đủ duyên thì thành, chẳng do ai). Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri". Như vậy, này Bàhiya, ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không ở chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, ông không ở đời này, không ở đời sau, không ở đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.

Đến trình độ VÔ NGÃ thì hoàn toàn TỊCH TỊNH, kể như không hiện hữu. Do đó các đức Như Lai đều nói: “NHƯ LAI KHÔNG TỪ ĐÂU ĐẾN, NHƯ LAI CHẲNG ĐI VỀ ĐÂU”. Tuy thế cũng đừng sợ ta hoàn toàn “mất tiêu”. Bởi ta vẫn có sự giác biết (awareness) để biết được mọi chuyện xấu tốt xảy ra. Chính sự giác biết cho ta biết ta hiện hữu. Ta không hiện hữu trong PHÁP HỮU VI (có sinh có diệt, có hợp có tan) nhưng luôn luôn hiện hữu trong PHÁP VÔ VI bất sinh bất diệt. THÂN XÁC có thể chết, nhưng ta không chết. Bởi THÂN XÁC đâu phải là ta. Như vậy có nghĩa là ta có sự sống BẤT TỬ bởi ta ở ngoài mọi pháp hữu vi. THÂN XÁC, TÂM THỨC có tan hợp nhưng ta không có tan hợp. Trái lại ta luôn có khả năng thấy được mọi sự tan hợp của vật chất cũng như của tâm thức.

Câu chuyện đối đáp sau đây giữa Phật và một vị Tỳ kheo có thể giúp bạn hiểu rõ thêm về DIỆT ĐẾ VÔ NGÃ. Có một lần ở tại Savatthi đức Thế Tôn nói lên lời cảm hứng như sau:

Nếu trước, Ta không có, Thời nay không có Ta, Không tạo nhân sẽ có, Tương lai sẽ không Ta. Tỳ kheo quyết tâm vậy, Hạ phần kiết sử đoạn.

(Giải thích: Bởi trong mọi thời cái gọi là Ta, chỉ là một đám mây Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do duyên sinh mà vần vũ lại với nhau. Ta không thực sự có. Khi thường sống trong Chính Kiến, đúng với Sự Thật như thế thì 5 hạ phần kiết sử: Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ, Dục Ái, Sân Hận, sẽ chấm dứt. Đó là đi vào trình độ chứng ngộ của một bậc thánh A NA HÀM)

Ðược nghe nói vậy, một Tỳ kheo bạch Thế Tôn làm thế nào được như vậy? Đức Phật trả lời tóm tắt như sau:

- Ở đây, này Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu không tu tập pháp các bậc Thánh; không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, nên quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, quán thọ, quán tưởng, quán các hành, quán thức... đều như vậy. Đo đó mà không như thực rõ biết 5 uẩn là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Hữu Vi, Biến Diệt. Trái lại bậc Ða văn Thánh đệ tử, tu tập pháp các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Chân nhân không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, không quán thọ, không quán tưởng, không quán các hành, không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy mà như thực rõ biết 5 uẩn là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Hữu Vi, Biến Diệt. Nhờ vậy mà chứng thực được những lời cảm hứng trên (đoạn được 5 hạ phần kiết sử).

Rồi vị Tỳ kheo lại hỏi thêm:

- Dù cho quyết tâm như vậy, bạch Thế Tôn, vị Tỳ kheo có thể cắt đứt hạ phần kiết sử. Nhưng bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?

(Tức làm thế nào dứt nhanh chóng luôn cả 5 Thượng Phần Kiết Sử còn lại là: Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Trạo Cử, Ngã Mạn và Vô Minh, để hoàn tất quả vị A LA HÁN)

Câu trả lời của đức Thế Tôn được tóm tắt ở đây là đừng sợ mất đi cái TA. Bởi khi sợ mất đi cái Ta, kẻ vô văn phàm phu sẽ tiếp tục ái thủ 5 uẩn rồi Ngã Thức sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng. Trái lại nếu không sợ mất đi cái Ta, hoàn toàn sống với sự thật VÔ NGÃ, thì sẽ đạt đến sự TỊCH TỊNH rồi biết mình “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm và không còn trở lại trạng thái (vô minh) này nữa”. Xem chi tiết sự đối đáp giữa Phật và vị Tỳ kheo đó ở Tương Ưng Uẩn, đoạn III, LỜI CẢM HỨNG.

Đến đây bạn đã có thể cảm nhận được phần nào về sự thật DIỆT ĐẾ VÔ NGÃ chưa? Nếu chưa thì tôi tin rằng khi tinh tấn thực hành ĐẠO ĐẾ, sẽ được trình bày trong phần tiếp theo, bạn có thể chứng nghiệm được DIỆT ĐẾ VÔ NGÃ.

4. ĐẠO ĐẾ: Là sự thật về CON ĐƯỜNG đưa đến sự chứng nghiệm DIỆT ĐẾ “VÔ NGÔ như đã bàn ở trên. Đây là con đường phát triển trí tuệ để có sự hiểu biết và thực hành đúng trong 8 lĩnh vực, gọi là 8 CHÍNH ĐẠO (Eight Fold Path), để tránh khỏi những lầm lẫn gây ra đau khổ. Tuy nhiên để vấn đề được ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thử nghiệm, tôi chỉ đề cập đến lĩnh vực HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH là quan trọng nhất, mà người phật tử thường thiếu sót để không chứng nghiệm được DIỆT ĐẾ VÔ NGÃ. Trong lĩnh vực này bạn phải thường xuyên thực hành THIỀN ĐỊNH và THIỀN QUÁN, tức THƯỜNG TRỰC QUAN SÁT CHÍNH MÌNH lúc tịnh cũng như lúc động (lúc thiền định cũng như lúc sinh hoạt trong đời thường). Khi năng lực quan sát này được phát triển đến độ sâu sắc (hành thâm bát nhã, minh sát) thì bạn sẽ khám phá được SỰ THẬT VÔ NGÃ.

Có rất nhiều lợi ích thiết thực khi thường quan sát mình. Trước hết là bạn sẽ thường thấy rõ được những thói quen tật xấu của mình ở trong các hành động (thô kệch), trong các lời nói (thô lỗ), hay trong các ý nghĩ (bất thiện) để có thể giảm bớt hay sửa đổi, làm cho con người của mình được hướng thượng hơn. Thứ hai bạn sẽ được an vui hơn, bởi không bị ngoại cảnh lay động nhiều, bởi tâm mình đã chú ý đến mình nhiều hơn là bận tâm với ngoại cảnh. Bớt bận tâm với ngoại cảnh cũng có nghĩa là bớt THAM, SÂN, SI. Rồi càng quan sát chính mình, bạn sẽ càng khách quan, càng độc lập với những cảm thọ đau khổ của thân và tâm. Rồi sẽ thấy hoàn toàn giải thoát khi nhận ra được cái THỰC TƯỚNG VÔ NGÃ. Xin giải thích rõ thêm kết quả này như sau:

Từ xưa đến nay chúng ta thường đồng hóa THÂN và TÂM đều là TA. Do đó khi THÂN ĐAU ta liền nói TÔI ĐAU! Khi TÂM KHỔ ta liền nói TÔI KHỔ! Nhưng sau một thời gian thường trực quan sát chính mình bạn sẽ tự nhiên tạo ra một khoảng cách đối với THÂN và TÂM, cùng các CẢM THỌ của chúng, thấy tất cả đều như những đối tượng ở bên ngoài. Do đó không còn bị lôi cuốn và phản ứng ngay tức khắc khi những cảm thọ đau khổ xảy ra. Như vậy là bạn có khả năng bình tĩnh hơn để tiếp tục quan sát tìm hiểu cảm thọ và thân tâm của mình. Rồi càng quan sát, khả năng KHÁCH QUAN càng phát triển, cho đến một lúc bạn sẽ cảm nhận được sự ĐỘC LẬP đối với những gì xảy ra cho THÂN TÂM của mình. Đó là lúc bạn thực nghiệm được sự GIẢI THOÁT của TRÍ TUỆ VÔ NGÃ, chấm dứt vô minh chấp ngã, chấm dứt dính mắc, chấm dứt tham ái và chấm dứt khổ đau.

Dù bạn chưa tin, thì thực sự THÂN và TÂM đã là VÔ NGÃ từ xưa nay. Bạn thử xét xem trong cái thân của bạn cái gì thực sự là bạn hoặc là của bạn? 75% thân xác là nước, nước không phải là bạn, không là của bạn. Phải vậy không? Những thứ còn lại của thân xác thì cũng chỉ là những hợp chất vô cơ, hữu cơ, cũng đâu phải là bạn hay là của bạn. Bạn ẩn núp ở đâu trong cái thân chỉ có thịt xương máu mủ từ trên xuống dưới? Còn cái gọi là TÂM THỨC thì cũng là tập hợp của Kiến thức, Sở thích, Thói quen, Tập quán... tất cả đều là những thứ từ bên ngoài ta mà vào: Từ sách vở, từ sự giáo dục, từ tập quán sống theo xã hội, môi trường, truyền thống... tất cả những thứ đó đâu phải hoàn toàn do bạn tạo ra. Nói tóm lại mọi cái làm thành “TA” đều do những thứ “KHÔNG TA” tạo thành. Cho nên VÔ NGÃ thực sự là một SỰ THẬT còn cái NGÃ chỉ là một ảo tưởng, cho dù chúng ta thấy nó hiện hữu hằng ngày, hằng giờ.

Muốn chấp nhận và sống được với SỰ THẬT VÔ NGÃ bạn phải phát triển SỨC MẠNH của TRÍ TUỆ, tức phải làm giàu CHÍNH KIẾN và phải tôi luyện CHÍNH TƯ DUY. Nếu Trí Tuệ không đủ mạnh thì sẽ bị TẬP KHÍ (thói quen) của NGÃ THỨC/THAM ÁI làm chủ. Và khi sống theo THAM ÁI/NGÃ CHẤP thì sẽ tiếp tục bị đau khổ. Câu chuyện sau đây minh chứng điều đó phần nào. Ví dụ có một anh chàng có một người bạn tốt cho mượn một số tiền lớn để vượt qua được những khốn khó trong lúc ngặt nghèo. Nhưng qua một thời gian lâu vì người bạn tốt chưa cần đòi tiền lại nên không đòi. Thế rồi vì bận bịu cuộc sống cả hai người đều quên về món nợ đó trong một thời gian dài. Cho đến lúc anh bạn tốt bị thất cơ lỡ vận, lúc đó rất cần tiền, mới nhớ lại món nợ đã cho anh bạn kia mượn nên mới đến đòi. Người bạn mượn nợ lúc đó có thể có 2 tình huống xảy ra, tùy theo sống theo THAM ÁI hay sống theo TRÍ TUỆ. Nếu anh ta là loại người có lòng THAM ÁI mạnh hơn TRÍ TUỆ, thì anh ta sẽ rất bực bội khi phải bỏ ra một món tiền lớn để trả nợ, mà anh ta từ lâu tưởng người kia đã quên.

Còn nếu người mắc nợ là người có SỨC MẠNH TRÍ TUỆ, tức có khả năng chấp nhận SỰ THẬT, không bao giờ bực mình vì SỰ THẬT, và thích sống theo SỰ THẬT, không thích sống với sự dối trá, thì anh ta sẽ rất vui vẻ trả nợ. Bởi biết chuyện trả nợ là một SỰ THẬT phải làm và đáng lẽ phải làm từ lâu. Hơn nữa với người có Trí Tuệ, hiểu biết bạn mình là người quá tốt, nên mình phải đền ơn bằng cách trả lại nhiều tiền hơn, cả vốn cộng thêm tiền lời mới đúng lẽ phải. Như vậy anh ta tuy mất nhiều tiền trả nợ mà vẫn vui vẻ sung sướng trả nợ, chứ không đau khổ gì cả. Người có SỨC MẠNH TRÍ TUỆ thì đối với SỰ THẬT VÔ NGÃ cũng như vậy. Thấy VÔ NGÃ không sai ở chỗ nào thì phải chấp nhận và vui vẻ sống đúng với sự thật đó. Cho nên người nào dứt khoát sống theo TRÍ TUỆ, sống theo SỰ THẬT, thì người đó sẽ chứng đạt SỰ THẬT VÔ NGÃ một cách dễ dàng và do đó đạt đến GIẢI THOÁT cũng một cách dễ dàng. Còn người cứ quen sống với THAM ÁI/ NGÃ CHẤP thì chuyện chứng ngộ VÔ NGÃ khó lắm. Nhiều khi họ đã lỡ tham ái (dính mắc) theo TÀ KIẾN nào đó rồi, họ còn cố chống lại SỰ THẬT VÔ NGÃ hoặc mỉa mai những ai đề cao SỰ THẬT VÔ NGÃ nữa là đằng khác.

Và thế nào là sống đúng với SỰ THẬT VÔ NGÃ. Đó là khi thân bị đau bạn phải nói TÔI THẤY THÂN ĐAU chứ không phải TÔI ĐAU (bởi THÂN không phải là bạn) và khi tâm buồn bạn phải nói TÔI THẤY TÂM BUỒN chứ không phải TÔI BUỒN (bởi TÂM cũng không phải là bạn). Sống như vậy gọi là sống đúng với ĐẠO TRÍ TUỆ, ĐẠO SỰ THẬT, đạo không để VÔ MINH che lấp trí tuệ và do đó sẽ đi đến sự GIÁC NGỘ VÔ NGÃ nhanh chóng. Cốt lõi của sự thực hành ĐẠO ĐẾ để tiến tới DIỆT ĐẾ, là thực hành TỨ NIỆM XỨ (con đường độc nhất đi đến Niết Bàn). Liên tục theo dõi quan sát, tìm hiểu cái BẢN NGÃ của mình, một cách khách quan, cho đến lúc chứng nghiệm được SỰ THẬT VÔ NGÃ. Lúc đó mới có thể bứt ra khỏi sự cột buộc vào NGÃ CHẤP. Không đạt được điều này thì sự tu hành vẫn chỉ loanh quanh mãi trong vòng đau khổ của NGÃ CHẤP mà thôi. Ví như tình trạng một con chó bị bị giữ bởi một sợi giây, cột vào một thân cây:

Ví như, này các Tỳ kheo, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững chắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, quán thọ như là tự ngã, quán tưởng như là tự ngã, quán các hành như là tự ngã, quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc, thọ, tưởng, các hành... Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc, thọ, tưởng, các hành... người ấy chạy theo vòng theo, chạy tròn xung quanh thức; người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sinh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: "Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau".

Tác giả: Như Không

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2018

----------------------

Tương Ưng Uẩn: http://budsas.net/uni/u- kinh-tuongungbo/tu3-22f.htm.