Ngày 11/6/1963, tại các ngã tư đường Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Sài Gòn đúng 10 giờ sáng, một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo ca sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, tự biến mình thành một bó đuốc. Ngọn lửa Quảng Đức làm chấn động dư luận quốc tế và rung chuyển cả chế độ Ngô Đình Diệm.
Ths.Nguyễn Đắc Tùng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
Tóm tắt: Phong trào Phật giáo Việt Nam (PGVN) năm 1963 là một sự kiện đỉnh cao trong phong trào đấu tranh đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo của phong trào Phật giáo tại Việt Nam. Phong trào đó đã dẫn tới sự sụp đổ của chính chính quyền Ngô Đình Diệm, gây tiếng vang lớn tại Việt Nam và trên quốc tế và có ảnh hưởng to lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như trong lịch sử tôn giáo và lịch sử chính trị Việt Nam. Bài viết phân tích về nguyên nhân và diễn biến của phong trào PGVN năm 1963 từ đó rút ra một số nhận xét, đánh giá về phong trào này. Từ khóa: Phong trào Phật giáo Việt Nam, Phật giáo, Ngô Đình Diệm, biến cố Phật giáo năm 1963, đấu tranh tôn giáo..
Mở đầu:
Trong suốt hơn hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như trong những năm 1950-1960 của thế kỷ thứ XX.
Cách đây 60 năm, khởi đầu bằng một mùa hè Phật đản tang thương và kéo dài cho đến mùa đông năm 1963, tại Việt Nam đã xảy ra một sự kiện làm chấn động thế giới, để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
1. Nguyên nhân diễn ra phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, hiệp định Geneve về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 21/7/1954. Hiệp định Geneve đã chia cắt tạm thời đất nước Việt Nam thành hai, lấy vĩ tuyến 17, dọc sông Bến Hải, làm giới tuyến quân sự tạm thời, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956.
Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve nêu rõ: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín.
Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7/1956, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban giám sát và kiểm soát quốc tế đã nói trong hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20/7/1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”(1).
Phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thực hiện các điều khoản của Hiệp định Geneve, tuy nhiên, phía Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên đã vi phạm các điều khoản của Hiệp định Geneve. Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn của Mỹ đã phá hoại Hiệp định Geneve, ngăn chặn hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam(2). Bên cạnh đó, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành lập ấp chiến lược, đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, ban hành Luật 10/59,... nhằm phá hoại sự thống nhất của dân tộc Việt Nam.(3)
Từ năm 1960 trở đi, phong trào dân tộc ở miền Nam đã chuyển theo xu thế mới với những cuộc nổi dậy khởi nghĩa từng phần nổ ra đồng loạt ở nhiều vùng nông thôn và rừng núi miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã tập hợp tất cả các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp, giai cấp, đảng phái, đoàn thể, cùng thực hiện một mục tiêu chung của dân tộc là giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Từ đó đồng bào các tôn giáo, các dân tộc, công nhân và nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức và nhiều tầng lớp khác ở thành thị và nông thôn miền Nam đã liên tục đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Đối với Phật giáo, Phật giáo từ lâu trong lịch sử dân tộc nhưng đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, phân biệt, đối xử. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm mâu thuẫn xã hội biểu hiện qua “lăng kính tôn giáo” rất đậm nét: “Ngô Đình Diệm lợi dụng Công giáo, gắn chiêu bài và xúi giục người Công giáo chống cộng. Bắt người Lương và Phật tử phải theo đạo Thiên Chúa, nhận rửa tội và gia nhập đạo Công giáo sẽ được ra khỏi trại giam”. Cùng vấn đề này, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm viết: “Đối với dân gian từ năm 1954 đến năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã giết chết, bắt giam, tra tấn Phật giáo đồ; dụ dỗ cải đạo, cấm phật tử đi lễ chùa”(4).
Đạo dụ số 10 do thực dân Pháp ép Bảo Đại ký năm 1950 là một trong biện pháp họ đặt ra để kiểm soát các hội Phật giáo trong nước.
Đạo dụ nói trên đã kiến tạo nên rất nhiều bất mãn trong giới Phật giáo, Cao Đài và Hòa Hảo đối với chính quyền Bảo Đại(5). Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế từ năm 1955 nhưng Đạo dụ số 10 do ông ký năm 1950 vẫn được chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành theo, bởi vì Đạo dụ này không ràng buộc Công giáo vào thể chế hiệp hội và cho phép kiềm chế các tôn giáo khác. Ngoài sự chèn ép các tổ chức Phật giáo, chế độ còn khủng bố những tăng sĩ và cư sĩ đang hoạt động đắc lực tại các chi hội Phật giáo địa phương, ép uổng người phật tử bỏ đạo để theo Công giáo(6).
Học giả Neil Sheehan nhận xét: “Dòng họ Ngô tiến tới áp đặt trên miền Nam Việt Nam cái tín ngưỡng Kito ngoại lai của họ, đảng Công giáo bảo thủ từ ngoài Bắc vào, và từ quê hương của họ ở miền Trung. Diệm và gia đình bổ nhiệm những sỹ quan chỉ huy đơn vị, những nhân viên hành chính vàcảnh sát là những người Công giáo miền Bắc, miền Trung mà ông ta tin tưởng. Những nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phát hiện ra mình bị cai trị bởi những tỉnh trưởng, huyện trưởng, hạng viên chức hành chính ngoại lai và thường tỏ ra cao ngạo, tham nhũng”(7).
Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra lệnh loại bỏ ngày Phật Đản ra khỏi số ngày nghỉ chính thức trong năm. Hành động này của chính quyền cho ta một ý niệm rõ rệt về mức chèn ép và đàn áp Phật giáo của chế độ, phật tử rất phẫn uất trước sự chèn ép đó. Lệnh loại bỏ ngày Phật Đản 1957 là một trong những động lực thúc đẩy phật tử cương quyết củng cố kiện toàn tổ chức của họ(8). Ngoài ra, những đàn áp, bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu, những cuộc bầu cử gian lận, những cuộc giam giữ trái phép đối với mọi thành phần đối lập đã làm cho quần chúng thù ghét chế độ Việt Nam Cộng hòa. Điều này giải thích tại sao, tăng, ni, phật tử đã cùng với nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam liên tục tiến hành đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, mà đỉnh cao là phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963(9).
2. Diễn biến của phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963
Trong bối cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành một cuộc khủng bố, đàn áp đẫm máu Phật giáo Việt Nam: “Chính quyền Ngô Đình Diệm không những không chịu từ bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo, mà còn sẽ có những biện pháp khác để đàn áp, trả thù… trong thời gian tới và quyết định tiếp tục đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày Phật Đản 8/5/1963. Tổng hội Phật giáo miền Trung trước và trong ngày 8/5/1963 khi đưa ra yêu cầu đòi được treo cờ Phật trong ngày Phật đản đã chủ trương sách lược đấu tranh với chính quyền Diệm theo hình thức: Bất bạo động; Phản đối chính sách bất công về tôn giáo; Không chống chính phủ; Không chống đạo Thiên Chúa; Tự do tín ngưỡng Phật giáo; Bình đẳng tôn giáo”(10). Sáng ngày 8/5/1963 (ngày Phật Đản), quần chúng phật tử Huế biểu tình đòi: “Tự do tín ngưỡng”; “Đả đảo những kẻ chống lại tôn giáo”; “Phật giáo bất diệt”(11). Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động xe tăng và binh lính đến đàn áp làm 8 phật tử thiệt mạng(12).
Trong bối cảnh Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, ngày 10/5/1963, các vị lãnh đạo Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm, Huế hoạch định đường lối và phương pháp tranh đấu bảo vệ Phật giáo và đòi hỏi công bình xã hội. Một bản Tuyên Ngôn được soạn thảo, nêu ra năm nguyện vọng của Phật giáo đồ. Bản Tuyên Ngôn này được gửi tới Tổng thống Ngô Đình Diệm qua trung gian ông đại biểu chính phủ Trung Nguyên Trung Phần. Năm nguyện vọng là: (i) yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ Phật giáo, (ii) yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10, (iii) yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo, (iv) yêu cầu cho tăng, ni, phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo, (v) yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng(13).
Bản Tuyên Ngôn nói trên mang chữ ký của thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thiền sư Mật Nguyện, đại diện Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, thiền sư Trí Quang, đại diện hội Phật Giáo Thừa Thiên và thiền sư Thiện Siêu, đại diện Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên(14).
Ngày 30/5/1963, 352 vị tăng, ni đã tổ chức biểu tình, xuất phát từ chùa Ấn Quang, Sài Gòn diễu hành tới trụ sở Quốc hội tại Sài Gòn gặp các đại biểu Quốc hội và gửi tới chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ lá thư của Hòa thượng Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên Phái, yêu cầu Quốc hội xác định lập trường đối với những nguyện vọng của Phật giáo; đồng bào phật tử các địa phương miền Nam, đặc biệt là sinh viên, hưởng ứng và tham gia biểu tình, tuyệt thực lên án chính quyền chính Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo(15).
Ngày 21/5/1963, lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ thảm sát tại Huế được tổ chức khắp nơi trên toàn quốc, theo lệnh đại lão thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Trước đó, bộ trưởng Công Dân Vụ là Ngô Trọng Hiếu đã tìm mọi cách để ngăn cản việc tổ chức lễ cầu siêu và yêu cầu phật tử đợi đến ngày rằm tháng Bảy năm 1963 rồi hãy tổ chức. Nhưng toàn quốc đã cử hành lễ này một cách long trọng đúng ngày thiền sư Tịnh Khiết chỉ định. Riêng tại Sài Gòn, một số lượng tăng, ni tập trung tại chùa Ấn Quang để hành lễ đã lên tới một ngàn vị; tín đồ cư sĩ đứng chật trong ngoài. Một cuộc diễu hành của tăng, ni để rước linh vị các nạn nhân về chùa Xá Lợi đã được tổ chức sau đó, và một ngàn vị tăng, ni mặc áo ca sa vàng đã nghiêm trang diễu hành trên nhiều đường phố giữa những hàng rào cảnh sát có cả thiết giáp túc trực và dưới mắt quần chúng thủ đô đông đặc hai bên vệ đường. Trong khi đoàn này đang diễn hành, một đoàn tăng, ni khác gồm 350 vị xuất phát từ chùa Xá Lợi, bắt đầu cuộc diễu hành khác, trang nghiêm và lặng lẽ, hướng về trụ sở Quốc Hội.
Tại chùa Từ Đàm Huế, ngay sau khi lễ Cầu Siêu, toàn thể tăng, ni có mặt bắt đầu một cuộc tuyệt thực. Hơn hai ngàn người trong số đó có nhiều giáo sư và sinh viên Viện Đại Học Huế, tham dự cuộc tuyệt thực này(16). Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 30/5/1963, để chuẩn bị cho cuộc tuyệt thực, 352 vị tăng, ni đã tổ chức biểu tình, xuất pháp từ chùa Ấn Quang, diễn hành tới trụ sở Quốc hội và yêu cầu được gặp các đại biểu Quốc hội. Đồng thời một lá thư của thiền sư Tâm Châu, chủ tịch Ủy Ban Liên Phái, được gửi tới chủ tịch Quốc hội là Trương Vĩnh Lễ, yêu cầu Quốc hội xác định lập trường đối với những yêu sách của phật tử. Tại Huế, trước giờ tuyệt thực, Đoàn Sinh Viên Phật Tử tung ra một bức thư kêu gọi sinh viên học sinh toàn quốc siết chặt hàng ngũ sau lưng giới lãnh đạo Phật giáo để tranh thủ cho lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng. Tại Sài Gòn và các tỉnh thị, cuộc tuyệt thực đã được rất đông tăng ni và quần chúng tham dự. Tại các tỉnh, phong trào quần chúng dâng lên ào ạt: những cuộc biểu tình và diễn hành được tổ chức khắp nơi(17).
Trước khi thế đấu tranh đó, chính quyền tăng cường các lực lượng phòng thủ và tấn công. Tại Sài Gòn, chiều 30/5/1963 các lực lượng cảnh sát, công an và mật vụ được dàn ra bố trí trên các nẻo đường bao quanh chùa Xá Lợi. Tại Huế, cảnh sát chiến đấu và mật vụ bao vây các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang. Ngày 3/6/1963, Cảnh sát chiến đấu, lính nhảy dù và biệt kích, vũ trang đầy đủ, án ngữ các nẻo về chùa, chận đứng làn sóng người từ thành phố kéo lên. Cảnh sát chiến đấu mang mặt nạ, súng cắm lưỡi lê, đứng cản đường quần chúng(18).
Ngày 11/6/1963, tại các ngã tư đường Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Sài Gòn đúng 10 giờ sáng, một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo ca sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, tự biến mình thành một bó đuốc. Ngọn lửa Quảng Đức làm chấn động dư luận quốc tế và rung chuyển cả chế độ Ngô Đình Diệm. Chiều hôm 11/6/1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra lệnh phong tỏa các chùa, nhất là chùa Xá Lợi ở Sài Gòn, nơi di thể của thiền sư Quảng Đức được an trí. Cảnh sát dàn khắp mọi nẻo đường dẫn đến chùa Xá Lợi để ngăn chặn những làn sóng người đổ xô về chùa này. Bất chấp những lực lượng cảnh sát này. Đồng bào ùa đến chùa Xá Lợi như thác đổ để nghiêng mình trước di thể thiền sư Quảng Đức. Ban đầu cảnh sát đàn áp và bắt giữ những người tới chùa nhưng sau đó cảnh sát bị làn sóng người tràn ngập(19).
Tuy nhiên ông Ngô Đình Nhu, cố vấn tối cao của chính phủ Ngô Đình Diệm, quyết tâm diệt trừ phong trào Phật giáo. Ngày 18/6/1963, văn phòng tổng thống đánh mật điện cho đại biểu chính phủ các miền, các vị tổng giám đốc và các vị tư lệnh vùng chiến thuật, ra lệnh tạm thời nhún nhường trước phong trào Phật giáo và chuẩn bị dư luận để đợi phản công lại phong trào này. Bức mật điện mang số 1432/ VP/TT, do Đổng lý văn phòng Phủ Tổng Thống là Quách Tòng Đức ký ngày 19/6/1963, một bản sao của mật điện lọt vào tay của Ủy Ban Liên Phái. Nguyên văn bức điện như sau: “Để tạm thời làm êm dịu tình hình và khí thế tranh đấu quyết liệt của bọn tăng ni Phật giáo phản động, Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu ra lệnh tạm thời nhún nhường họ - các nơi nhận hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh - Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gửi đến sau - ngay từ giờ hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới - hãy theo dõi điều tra thanh trừng những phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp kể cả sĩ quan và công chức cao cấp”(20).
Sáng 21/8/1963 lệnh thiết quân luật được ban bố ở các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Xe phóng thanh của chính quyền Ngô Đình Diệm loan tin “chính phủ Việt Nam cộng hòa đã diệt xong bọn phản động”. Truyền đơn và hiệu triệu của chính quyền bay đầy đường(21). Tuy nhiên, ngày 22/8/1963, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố không tán thành chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuyên bố có đoạn: “Căn cứ vào các tin loan đi từ Sài Gòn, rõ ràng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp nghiêm khắc những lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của Chính phủ Việt Nam vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Mỹ phiền trách các hành động đàn áp loại này”(22).
Ngày 24/8/1963, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Cabodge Lodge gửi về Washington D.C một bức Mật điện 243 báo cáo, ông Ngô Đình Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chính của một số tướng lĩnh. Sau khi đọc bức Mật điện 243 của Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Cabodge Lodge đã soạn và ký tên chuyển cho Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk. Cả Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đều đồng ý cho gửi bức mật điện này đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Nội dung mật điện viết: “Cố vấn Ngô Đình Nhu chịu trách nhiệm về sự tấn công đàn áp chùa chiền. Đại sứ Mỹ phải minh danh: Chính lực lượng đặc biệt của ông Ngô Đình Nhu, chứ không phải quân đội tham dự. Mỹ không thể tha thứ cho tình trạng chính quyền nằm trong tay Ngô Đình Nhu. Tổng thống Ngô Đình Diệm được dành một cơ hội để loại trừ Ngô Đình Nhu và tay chân, phải thay thế họ bằng những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng nhất... Nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn ngoan cố, thì người Mỹ sẽ đi tới chỗ không thể tiếp tục ủng hộ ông ta nữa. Ông Đại sứ có thể loan báo cùng các vị tư lệnh quân sự liên quan rằng, chúng ta sẽ trực tiếp yểm trợ cho họ trong mọi trường hợp tạm thời gián đoạn của một chính quyền trung ương”(23). Tại Sài Gòn, trong một cuộc tiếp xúc với Ngô Đình Diệm, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Cabodge Lodge đã yêu cầu loại bỏ Ngô Đình Nhu, nhưng Ngô Đình Diệm từ chối. Ngày 01/11/1963, anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đảo chính giết chết(24).
3. Một số nhận xét, đánh giá về phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963
Thứ nhất, phong trào PGVN năm 1963 là một phong trào dân tộc có qui mô rộng lớn nhằm mục tiêu là phản đối chính sách kỳ thị, đàn áp tôn giáo, cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đó, phong trào PGVN năm 1963 đã đi tiếp đến mục tiêu phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Phong trào PGVN năm 1963 góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm đã góp phần trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến sự cáo chung của chính quyền đệ nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, bước đầu làm phá sản chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ ở Việt Nam và mở đường cho sự độc lập và thống nhất đất nước năm 1975. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn đã đánh giá tác động của PGVN năm 1963 đối với cách mạng Việt Nam như sau “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch,làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn… Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”(25).
Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, phương pháp đấu tranh “bất bạo động” (Satyagraha) đã được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống lại một chế độ chính trị. “Bất bạo động” là một phương pháp cốt lõi của Phật giáo được giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam chọn làm phương pháp chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo.(26) Bất chấp sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, phong trào Phật giáo năm 1963 vì chính nghĩa của dân tộc đã thu hút hàng triệu người tham gia bao gồm các tầng lớp tôn giáo, trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân tham gia bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, vai trò to lớn của Phật giáo và quần chúng nhân dân cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là những động lực tích cực giúp cho phong trào Phật giáo năm 1963 đạt được sự thành công.
Thứ ba, phong trào PGVN năm 1963 tạo được tiếng vang rộng lớn trên bình diện khu vực quốc tế. Chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây nên làn sóng phẫn nộ toàn miền Nam và miền Trung, dư âm ra khu vực và thế giới, thúc đẩy phong trào Phật giáo Việt Nam lên đỉnh cao.
Tại khu vực châu Á: Tại Campuchia, ngày 13/6/1963, ông Trần Văn Được, Hội trưởng Hội Việt kiều Phật giáo tại Campuchia đã gửi thư cho Quốc trưởng Campuchia, “lên án sự đàn áp đẫm máu và ngược đãi tàn tệ các phật tử của Chính phủ Việt Nam” và thỉnh cầu Quốc trưởng Campuchia yêu cầu Liên Hiệp quốc can thiệp. Cùng ngày 13/6/1963, Tổng trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia đã trao thư cho Đại diện Việt Nam Cộng hòa tại Phnôm Pênh để chuyển về Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa. Trong thư, Bộ Ngoại giao Campuchia tỏ lòng công phẫn của Chính phủ và nhân dân sở tại trước các vụ ngược đãi tôn giáo ở miền Nam, kêu gọi sự hiểu biết của chính phủ Ngô Đình Diệm để vấn đề kỳ thị Phật giáo sớm được giải quyết. Ngày 16/6/1963, hơn 5.000 Việt kiều, trong đó có 200 nhà sư, biểu tình trước Tòa Đại diện của Việt Nam Cộng hòa tại Phnôm Pênh.(27)
Tại Sri Lanka, ngày 16/6/1963, Bộ Ngoại giao Sri Lanka trong một bản thông cáo, loan báo bà Bandaranaike, Thủ tướng Sri Lanka, rất xúc động trước sự ngược đãi tôn giáo tại Việt Nam, và bà kêu gọi các cộng đồng Phật giáo tại châu Á ủng hộ Sri Lanka trong việc yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc can thiệp về vấn đề đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.(28) Ngày 4/9/1963, 14 nước bao gồm Afghanistan, Algeria, Campuchia, Ceylon, Guyana, Ấn Độ, Indonesia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Rwanda, Sierra Leone, Somalia, Trinidad và Tobago đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp quốc với nội dung cáo buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa vi phạm các nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp quốc.(29)
Tại Mỹ: Ký giả David Halberstam của tờ báo New York Times viết trên tờ New York Times: “rất nhiều bài bất lợi cho chế độ Sài Gòn, chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị nhân dân ghét bỏ, và vấn đề lật đổ chính quyền Diệm chỉ là vấn đề thời gian”(30). Thượng nghị sĩ Mỹ Wayne L. Morse tuyên bố ngày 19/7/1963 rằng “ông không đồng ý cho Mỹ viện trợ thêm một đồng nào nữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm”(31). Tờ báo Washingtin Post đã viết những bài bình luận sau đây ngày 19/6/1963: “Cuộc tranh chấp không còn là một biến động có tính cách địa phương nữa. Vì chế độ Ngô Đình Diệm liên hệ mật thiết quá đối với Mỹ, nên cái nguy cơ Phật giáo đồ ở khắp châu Á sẽ có cảm tưởng rằng dù sao Mỹ cũng dung túng trước sự kỳ thị tôn giáo. Tuy đó là một cảm nghĩ sai lầm nhưng dù sao đồng minh của một chế độ độc tài và áp bức cho nên Mỹ cũng bị ảnh hưởng”(32).
Kết luận
Có thể thấy, phong trào PGVN năm 1963 góp phần quan trọng vào sự lung lay chế độ Việt Nam Cộng hòa và tạo ra nguyên cớ dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chế độ chính quyền Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1963, “nền đệ nhất cộng hòa” bị sụp đổ. Anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa ám sát ngày 1/11/1963. Phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963 bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi năm 1975.
Trải qua phong trào Phật giáo năm 1963, Phật giáo Việt Nam ngày càng siết chặt đoàn kết đội ngũ, củng cố, phát triển tôn giáo đúng tinh thần truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.
Ths.Nguyễn Đắc Tùng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng (2011). Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nxb. Văn học, tr. 333, 334. 2. FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES, 1961-1963, VOLUME III, VIETNAM, JANUARY-AUGUST (1963), 274. Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State (1963), https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/ d274, ngày truy cập 20/5/2023. 3. Lê Cung, Trần Thị Đông Thi, Yếu tố tôn giáo trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1/11/1963), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2019, tr. 32, 35. 4. Lê Thành Nam, Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2019, tr. 55. 5. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 775, 776, 790-795, 798, 799, 801, 802, 803, 810, 811, 813, 814, 830. 6. Neil Sheehan (1989). A bright Shining Lie, Vintage Books, New York, p.143. Nguyễn Trọng Phúc (2014), Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, https://www. tapchicongsan.org.vn/truyen-thong-hien-tai/-/2018/28977/cuoc-dau-tranh-thi-hanh-hiep-dinh-gio-ne-vo-nam-1954-ve-lap-lai- hoa-binh-o-viet-nam.aspx, ngày truy cập 18/5/2023. 7. Nguyễn Văn Vịnh (1961), Cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân ta đã tiến lên một bước mới, https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=1343, ngày truy cập 23/5/2023. 8. Trích hồi ký Bác sĩ Erich Wulff, Minh Nguyệt (dịch) (2011), https://web.archive.org/web/20141022222618/http:// todinhtudamhaingoai.org/vn/?15659=5&596=14&759=1771&59615=4, ngày truy cập 30/5/2023.
CHÚ THÍCH: (1) Nguyễn Trọng Phúc (2014), Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, https:// www.tapchicongsan.org.vn/truyen-thong-hien-tai/-/2018/28977/cuoc-dau-tranh-thi-hanh-hiep-dinh-gio-ne-vo-nam-1954-ve-lap- lai-hoa-binh-o-viet-nam.aspx, ngày truy cập 2/5/2023. (2) Nguyễn Văn Vịnh (1961), Cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân ta đã tiến lên một bước mới, https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=1343, ngày truy cập 3/5/2023. (3) Nguyễn Trọng Phúc (2014), Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, https:// www.tapchicongsan.org.vn/truyen-thong-hien-tai/-/2018/28977/cuoc-dau-tranh-thi-hanh-hiep-dinh-gio-ne-vo-nam-1954-ve-lap- lai-hoa-binh-o-viet-nam.aspx, ngày truy cập 2/5/2023. (4) Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nxb. Văn học, 2011, tr. 333, 334. (5) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 775-776. (6) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 790. (7) Neil Sheehan, A bright Shining Lie, Vintage Books, New York, 1989, p.143. (8) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 790-795. (9) Lê Cung, Phan Văn Hoàng (2010), Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Đấu Tranh Chống Chính Quyền Ngô Đình Diệm Trước năm 1963, https://thuvienhoasen.org/a13479/phong-trao-phat-giao-mien-nam-dau-tranh-chong-chinh-quyen-ngo-dinh-diem-truoc- nam-1963-le-cung-phan-van-hoang, ngày truy cập 6/5/2023. (10) Trích hồi ký Bác sĩ Erich Wulff, Minh Nguyệt (dịch) (2011), https://web.archive.org/web/20141022222618/http:// todinhtudamhaingoai.org/vn/?15659=5&596=14&759=1771&59615=4, ngày truy cập 10/5/2023. (11) Trích hồi ký Bác sĩ Erich Wulff, Minh Nguyệt (dịch) (2011), https://web.archive.org/web/20141022222618/http:// todinhtudamhaingoai.org/vn/?15659=5&596=14&759=1771&59615=4, ngày truy cập 10/5/2023. (12) Lê Thành Nam, Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào PhẢậnt hgi:áSot miền Nam Việt Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8-2019, tr. 55. (13) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 798-799. (14) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 798-799. (15) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 802-803. (16) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 801. (17) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 801. (18) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 802-803. (19) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 810-811. (20) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 813-814. (21) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 830. (22) Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn 1963, bản Ronéo 1984, tr.333. (23) Lê Cung, Trần Thị Đông Thi. Yếu tố tôn giáo trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1/11/1963), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2019. tr. 32. (24) Lê Cung, Trần Thị Đông Thi. Yếu tố tôn giáo trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1/11/1963), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2019. tr. 35. (25) Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Sự thật, Hà Nội, tr. 248. (26) Lê Cung (2012), Bàn thêm về phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963 trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” ở bậc Đại học vàcao đẳng, https://thuvienhoasen.org/a14588/ban-them-ve-phong-trao- phat-giao-mien-nam-nam-1963-trong-giao-trinh-lich-su-viet-nam-hien-dai-o-bac-dai-hoc-va-cao-dang, ngày truy cập 9/5/2023. (27) Lê Thành Nam, Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2019, tr. 59. (28) Lê Thành Nam, Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2019, tr. 59. (29) Hà Minh Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Thu (2013), Phong trào Phật giáo năm 1963 - Một cách tiếp cận, https://chuaxaloi.vn/thong- tin/phong-trao-phat-giao-nam-1963/3007.html, ngày truy cập 11/5/2023. (30) Lê Thành Nam, Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2019, tr. 59. (31) Tuệ Giác (1964). Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, tr. 211. (32) Xuân Thâm, Cuộc đấu tranh của Phật giáo đang làm cho chế độ Mỹ-Diệm khủng hoảng trầm trọng. Báo Thống Nhất, số 322, 23-8-1963.
Bình luận (0)