Tác giả: Đại đức Thích Thiện Xuân Uỷ viên TT Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN
Tóm tắt: Hơn 2000 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, lịch sử Phật giáo là lịch sử “hộ quốc, an dân” đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo vốn là một tôn giáo chứa đựng trong nó một hệ thống giá trị đạo đức nhân bản, hướng con người tới chân lý sống bình đẳng, tri túc, vô ngã, vị tha, tương thích với chuẩn mực đạo đức dân tộc. Hiện thực quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo của Đảng, tác giả luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về giá trị đạo đức Phật giáo đối với đạo đức dân tộc, trên cơ sở đó đề xuất những khuyến nghị hướng tới việc phát huy nguồn lực đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay.
ĐẶT VẤN ĐẾ
Trong những năn gần đây ở Việt Nam, khái niệm nguồn lực và phát huy nguồn lực tôn giáo được xã hội bàn nhiều trên cả bình diện lý luận và thực tiễn. Việc tiếp cận tôn giáo ngày một đúng đắn, cởi mở giúp xã hội biết đến các giá trị của tôn giáo nhiều hơn, theo đó tôn giáo được tiếp cận đa chiều với tư cách là nguồn lực xã hội. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”[1]. Hiện thực đường lối của Đảng, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn phát huy giá trị đạo đức Phật giáo nhìn từ phương diện nguồn lực tinh thần ở nước ta hiện nay.
1. Những giá trị đạo đức Phật giáo
Đạo đức với tính cách là một hình thái ý thức xã hội có thể được xem là toàn bộ những quan niệm về thiện ác, tốt xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng và những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với chính bản thân mình. Phật giáo sinh ra đã là một tôn giáo chứa đựng trong nó một hệ thống giá trị đạo đức nhân bản, hướng con người tới chân lý sống bình đẳng, tri túc, vô ngã vị tha. Đạo đức Phật giáo phù hợp với căn tính người Việt; truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức dân tộc. Những giá trị đạo đức Phật giáo bao gồm một hệ thống quan niệm về từ, bi, hỉ, xả, lẽ công bằng bình đẳng, lòng khoan dung và đức hiếu sinh...
Giá trị “từ, bi, hỉ, xả” là một trong những phạm trù cốt lõi của đạo đức Phật giáo. “Từ” là lòng lành giúp ích cho người, lòng thương yêu, mong ước cho tất cả con người đều được an lành vui vẻ, ngược lại với tâm từ là lòng “sân hận”. “Bi” là lòng thương xót cứu khổ, hay lòng nhân ái, biểu thị sự rung động nhân tâm, lòng trắc ẩn cao thượng trước cảnh khổ của người khác. Đồng thời, “Bi” là vị thuốc có thể tiêu trừ bệnh hung bạo, tàn ác; giúp con người không ngần ngại hy sinh, vị tha, sẵn sàng giúp người mà không bao giờ mong đền ơn, đáp nghĩa. “Hỉ” là một trạng thái bình tĩnh và hạnh phúc của chân tâm trước niềm vui, hạnh phúc của người khác. Hỷ đối nghịch ưu phiền não có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ, đố kỵ. “Xả” là không bám chấp chặt vào bất cứ điều gì; là từ bỏ tham lam ích kỷ, vị kỷ, coi mình là trung tâm; bình thản trước sự coi thường, phỉ báng, nguyền rủa là có chính niệm và chính định, thản nhiên trước sự tráo trở của tình người vì biết vọng tâm này luôn biến đổi, vẫn ung dung không bận lòng trước hoàn cảnh thuận nghịch vì biết mọi hiện tượng luôn chuyển biến theo quy luật.
Quan niệm “Từ, Bi, Hỉ, Xả” trong Phật giáo có sự phù hợp với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thương yêu giúp đã lẫn nhau, “một điều nhịn, chín điều lành” của đại đa số người dân Việt Nam. Phải chăng, đó là dấu ấn của tư tưởng “Từ, Bi, Hỉ, Xả” trong đời sống đạo đức dân tộc mà ngày nay vẫn còn hiện diện và trở thành phạm trù chính yếu, làm nên những đặc trưng đạo đức dân tộc Việt Nam.
Phật giáo còn mang đến giá trị của lẽ công bằng, sự bình đẳng, lòng khoan dung và cái thiện, đây là những tiêu chuẩn luân lý quan trọng trong đối nhân, xử thế giữa con người với con người mà nhân loại đang đeo đuổi. Lẽ công bằng là phạm trù nhắc nhớ từng cá nhân thấu hiểu sự bình đẳng trong cuộc sống, là quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi hưởng thụ, là sự cho và sự nhận với tinh thần hoan hỷ công đức. Giá trị công bằng và bình đẳng bao giờ cũng có mối quan hệ hai chiều sòng phẳng giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội, thậm chí một người cũng phải chịu sự chi phối sòng phẳng của luật Nhân quả. Giá trị công bằng và bình đẳng của Phật giáo còn kéo theo cả trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của con người trong mối quan hệ ứng xử với người khác, với xã hội.
Phật giáo đã xây dựng tấm lòng khoan dung rộng lớn, mà cơ sở trực tiếp là tinh thần vô ngã, vô chấp, vị tha và tứ vô lượng tâm. Khác với những tôn giáo khác, với Phật giáo, lẽ công bằng và sự bình đẳng được mở rộng ra giữa Phật và chúng sinh trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) nói chung. Mặt khác, Phật giáo chủ trương chúng sinh bình đẳng đã vượt ra khỏi cái vòng chật hẹp của giai cấp trong xã hội, hướng xây dựng nền đạo đức phi giai cấp. Vì thế, lòng khoan dung của Phật giáo không phải là sự thương hại, không chỉ bó hẹp trong cõi người mà là sự cảm thông, tôn trọng chúng sinh nói chung. Ngoài ra, Phật giáo còn đề cao giá trị “đức hiếu sinh”, coi đó là đạo cao thượng của Bồ tát, sự xoa dịu nỗi đau thương, cứu giúp người cùng khổ, người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, người yếu thế trong xã hội.
2. Vai trò đạo đức Phật giáo đối với đạo đức dân tộc
Đạo đức Phật giáo chứa đựng nhiều giá trị tích cực, có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa đạo đức dân tộc. Hiện nay, sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức dân tộc vẫn tiếp diễn ở nhiều phương diện như: tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức, ý thức đạo đức và hành vi đạo đức, góp phần xây dựng một nền đạo đức mới, hoàn thiện nhân cách cho con người trong điều kiện mới.
Trong thời kỳ hội nhập, trước những biến động nhanh chóng và phức tạp của nền kinh tế, kéo theo sự biến động mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự sự dịch chuyển về thang giá trị đạo đức. Bối cảnh xã hội làm cho con người có nhu cầu sống chậm lại, muốn tìm về và trải nghiệm những khoảng lặng, an yên nơi cõi Phật để hồi tưởng, trở về cái chân tâm, thực tướng của bản ngã. Triết lý sống từ bi, hỉ xả, ngũ giới, thập thiện, bố thí, cứu khổ, nhân quả, luân hồi của đạo Phật đã thực sự chiếm ưu thế và hiện diện nhiều hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những giá trị cốt lõi, làm cho đạo Phật trở nên gần gủi và thân thiện với mọi người, theo đó, Phật giáo ngày một được người dân dành tình cảm và sự mến mộ nhiều hơn.
Trước những biến động của đời sống kinh tế, bên cạnh sự phát triển về chất lượng cuộc sống, vẫn còn những cảnh đời khốn khó của nhiều người dân. Tư tưởng đạo đức Phật giáo đã cung cấp một triết lý sống nhân bản, tích cực, bảo vệ con người, vì con người. Việc thực hành đạo đức Phật giáo còn đem lại cho con người niềm tin mang màu sắc tôn giáo linh thiêng; tin vào sự che chở, xoa dịu nỗi đau trần thế của đức Phật, khiến cho người dân cảm thấy được “an ủi”, giúp họ loại trừ bớt cảm xúc tiêu cực, hướng ý thức và hành vi của mình đến những việc thiện, tránh xa điều ác.
Lý tưởng sống của Phật giáo đã góp phần khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, khuyến khích người dân làm thiện tránh ác. Triết lý “vô thường” phần nào đã thức tỉnh người dân, giúp họ không sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, sẵn sàng thiện tâm, bố thí, cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của người khác; đồng lòng giúp sức cùng với xã hội thế tục giải quyết công việc trần thế. Đạo đức Phật giáo xác định rõ cá nhân là chủ nhân tạo nên nghiệp, đồng thời là kẻ thừa hưởng nghiệp của chính mình, từ đó có tác dụng khuyến thiện, trừ ác cho người dân, khích lệ tinh thần đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái đạo đức trong xã hội.
Đạo đức Phật giáo không áp đặt, trừng phạt mà chỉ hướng con người về hệ quả của chính việc làm của mình, chịu trách nhiệm về nhận thức và hành động của cá nhân mình. Ngoài ra, triết lý sống của Phật giáo còn dạy người dân biết yêu thương sự sống, tình yêu không chỉ bó hẹp đối với con người mà còn bao trùm lên cả muôn loài. Từ đó, mỗi người dân còn được khuyên nhủ thực hành 4 ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhân loại. Thực hiện bốn ân này là làm tròn nhiệm vụ, bổn phẩn của một con người có đạo đức. Những tư tưởng về đạo đức Phật giáo như những mầm thiện gieo vào trong tư duy, ý thức của người dân, giúp họ nhận biết thiện và ác, tốt và xấu, lương tâm và tránh nhiệm… nhắc nhở họ biết kiềm chế, điều tiết ham muốn, dục vọng của cá nhân trước những cám dỗ của mặt trái nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Như vậy, đạo đức Phật giáo giúp cho con người hiện nay hướng đến một mẫu người lý tưởng, một xã hội lý tưởng với một lẽ sống cao đẹp. Trên phương diện cá nhân, đó là những con người có phong cách đạo đức từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, tinh tấn, phát huy năng lực cá nhân. Trên phương diện xã hội, hướng đến một trật tự xã hội công bằng, bình đẳng, tương thân, tương ái, tinh thần chia sẽ, đoàn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.
3. Những khuyến nghị ban đầu phát huy giá trị đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội
Xu hướng phát triển của thời đại, của dân tộc đòi hỏi đạo đức Phật giáo tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn, nhân đạo, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Phát triển giá trị đạo đức tích cực của Phật giáo trong đời sống xã hội là nhu cầu cấp thiết của cả xã hội và giáo hội, để phát huy tối đa nguồn lực tinh thần của Phật giáo ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi nhà nước và các tổ chức xã hội cần:
Một là, Xã hội cần có cái nhìn thấu đáo về Phật giáo. Khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử “hộ quốc, an dân”. Đặt Phật giáo trong mối quan hệ với dân tộc, lấy đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” làm điểm tương đồng của cả Giáo hội và xã hội cùng hướng tới. Xem cộng đồng Phật giáo là một cộng đồng đức tin, đồng thời là cộng đồng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, từ đó giải quyết các vấn đề nảy sinh từ hoạt động Phật giáo trên cơ sở pháp luật dân sự.
Hai là, Chú ý khai thác những gặp gỡ, tương đồng trong triết lý nhân sinh, đạo đức Phật giáo với truyền thống, đạo đức, văn hóa dân tộc; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Khuyến khích phật tử tham gia tích cực hơn vào sự thăng tiến các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực Phật giáo có nhiều kinh nghiệm như: Từ thiện xã hội; giáo dục đạo đức; bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh...
Ba là, Chính sách tôn giáo cần hướng tới việc tôn trọng, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo; coi đạo đức Phật giáo là một trong những nguồn lực để xây dựng đất nước. Rà soát, loại bỏ các văn bản trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo trong đó có Phật giáo.
Bốn là, Xây dựng kế hoạch dài hạn, hướng tới bảo tồn và khai thác hợp lý không gian văn hóa Phật giáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam. Tiếp tục xây dựng chính sách cho phép các tổ chức từ thiện tôn giáo tham gia sâu hơn vào các hoạt động: Giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo... quản lý những hoạt động này bằng pháp luật dân sự.
Năm là, Phát huy giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo đi đôi với chủ động đấu tranh chống hiện tượng lợi dụng Phật giáo hoạt động trái pháp luật làm phương hại uy tín của Giáo hội và trật tự an toàn xã hội. Giáo hội và xã hội tăng cường công tác quản lý hoạt động phật sự, hoạt động thế tục của Phật giáo. Phát huy các giá trị tích cực, nguồn lực tinh thần của đạo đức Phật giáo trong giáo dục đời sống gia đình, xây dựng quan hệ xã hội lành mạnh tiến bộ.
Những vấn đề luân lý và thực tiễn trên đây cần được nhìn nhận đúng đắn, nhằm phát huy hơn nữa những nguồn lực đạo đức Phật giáo ở Việt Nam trong đời sống xã hội hiện nay.
Tác giả: Đại đức Thích Thiện Xuân Uỷ viên TT Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN ***[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tr171.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tr171. 2. Trần Văn Bính (2011), Xây dựng văn hóa đạo đức, lối sống của người Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 3. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 4. Đoàn Trung Còn (2003), Đạo lý nhà Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 5. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
Bình luận (0)