Vai trò của ni giới trong giáo lý đạo Phật

Chúng ta có thể thấy rằng, các tôn giáo ra đời đều gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định và chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử. Phật giáo không nằm ngoài quy luật trên. Ở Ấn Độ vào thế kỷ XIII trước Tây lịch, bộ lạc Aryan tràn từ các cánh đồng Urals, miền ranh giới hai châu Âu Á ngày nay, xuống Ấn Độ, lập nên nền văn minh Vệ Đà (Vedas). Bà la môn giáo lấy Vedas làm căn bản, đã thiết lập một trật tự chặt chẽ gồm bốn đẳng cấp: Bà la môn (Bràhmana); Sát đế lợi (Khattiya);

Tỳ xá (Vessa); Thủ đà la (Sudda). Chế độ đẳng cấp này đã thể hiện trên tất cả các mặt của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Người phụ nữ thời kỳ này không có bất kỳ một vị thế nào từ trong gia đình đến ngoài xã hội, họ chỉ là “một cái bóng” tồn tại một cách mờ nhạt bên người đàn ông. Phật giáo ra đời với mong muốn khắc phục thực tại của xã hội hiện thời nói chung, trong đó có đề cao vị thế của người phụ nữ. Để khẳng định vị thế của người phụ nữ Phật giáo đã bắt đầu từ việc tìm hiểu bản tính của họ. Phật giáo cho rằng, nơi người nữ vốn tiềm ẩn nhiều đức tính tốt như thông minh, ôn hòa, bao dung, độ lượng, yêu hoà bình, v.v… Phật giáo đã chỉ rõ rằng: “nếu thế giới không có phụ nữ thì thế giới không còn là thế giới” bởi vì ½ dân số của thế giới là phụ nữ và họ là một nhân tố quan trọng để tạo ra thế giới. “Phật giáo cho rằng, những người phụ nữ như: Người độc thân, có chồng, góa phụ thì không có giới hạn về quyền và bổn phận của họ đối với việc sinh con hay nuôi con, và họ là một phần không thể tách rời của xã hội”. Phụ nữ có chức năng làm mẹ, làm vợ do vậy họ là đối tượng cần được kính trọng. Phật giáo cho rằng, người phụ nữ có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội; do vậy, Phật giáo đề cao phụ nữ và xem xã hội này như là “xã hội những bà mẹ”. “Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”. Phật giáo cho rằng, vị thế của người phụ nữ trong gia đình là ngang hàng với người đàn ông, cũng như cỗ xe chở người, bất luận nam hay nữ. Cũng thế, chiếc xe chánh pháp chờ đón họ thẳng tới Niết bàn. Tuy nhiên, do cơ thể của người phụ nữ thường yếu đuối hơn người đàn ông nên người đàn ông phải luôn bảo vệ và che chở cho họ. Tuy nhiên, vị thế của người phụ nữ trong gia đình phải ngang hàng với người đàn ông. “Người phụ nữ là một thành viên dễ mến trong gia đình, nắm giữ nhiều mối quan hệ, và được các đứa con yêu quý của mình kính trọng và thương yêu. Đức Phật cho rằng giới tính không quan trọng trong các vấn đề như nhân cách và vai trò trong xã hội, thậm chí, người phụ nữ có thể cạnh tranh được với đàn ông” .

Phật giáo không chỉ đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình mà còn khẳng định vai trò của người phụ nữ không thua kém người đàn ông trong trong xã hội. “Với một sự hiểu biết sâu sắc, đức Phật xác định đặc điểm giá trị của nữ giới và đặt giá trị này một cách hài hòa vào trong cơ cấu xã hội” . Khi đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội Phật giáo đã nhấn mạnh đến quyền lợi và nghĩa vụ của nữ giới phải như nam giới. Rõ ràng trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội là điều rất khó khăn, bởi trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ người phụ nữ không có vị thế nào trong xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo đã bác bỏ điều đó khi cho rằng, khi vị thế của người phụ nữ bị xem thường thì xã hội đã phát triển một cách lệch lạc, “một khi vị thế của phụ nữ trong xã hội bị xem thường thì xã hội đó đang nằm trong bóng đêm đen tối”. Chính vì thế Phật giáo khuyên rằng: “Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ”. Phật giáo cho rằng, vai trò của phụ nữ trong xã hội phải được bắt đầu từ gia đình. Khi và chỉ khi họ có vai trò trong gia đình thì vị thế ngoài xã hội sẽ được nâng lên. Phật giáo cho rằng, nữ giới không thua kém gì so với nam giới do vậy những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được điều này được thể hiện trong câu chuyện sau: “... Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”. Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa gia chủ, sau khi gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, này gia chủ, là người khi mệnh chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu luyến ái.

Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác”. Này gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành phạm hạnh như thế nào...

Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn đến yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng”. Thưa gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi ta mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn...”. Như vậy, cho thấy vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã được nhắc đến trong giáo lý Phật giáo một cách khá rõ nét.

Vai trò của nữ giới trong giáo đoàn: Khi bàn đến vai trò của nữ giới trong giáo đoàn thì chúng ta phải thống nhất với nhau rằng; tăng hay ni đều có quyền bình đẳng như nhau, điều này được thể hiện ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Khi mà trong xã hội Ấn Độ đang tồn tại sự phân chia giai cấp khắc nghiệt, ở đó người phụ nữ bị xem thường thì đức Phật tiến hành thành lập giáo hội Tỳ kheo ni. Việc làm này đã tạo điều kiện cho phụ nữ nói chung và ni giới nói riêng quyền được tiếp thụ giáo lý đạo Phật để phát huy bản chất cao quý của họ. Theo giới đàn ni, “Nói về giáo phẩm, nếu bên nam giới có Hòa Thượng, Đại đức thì phía nữ có Hòa Thượng Ni, Đại đức ni” chữ “ni” ở đây dùng để chỉ giới tính chứ không phải là phân biệt. Về đệ tử nếu tăng có hai vị đại đệ tử là Sàriputta và Moggallàna, thì ni cũng có hai vị đại đệ tử là Khema và Uppalavannà. Trên quan điểm giải thoát không dành riêng cho ai, kể cả đức Phật: “Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, chúng được quả dị thục tối thượng” . Vai trò của người phụ nữ không chỉ được đề cao trong gia đình, xã hội, trong giáo đoàn mà cả trong giải thoát. “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả” . Phật giáo cho rằng, việc giải thoát của ni không chỉ dành cho thực tại mà nó còn được thể hiện trong tương lai. “Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”.

Từ quá trình trên cho thấy, vai trò của người phụ nữ trong giáo lý Phật giáo được đề cao. Người phụ nữ không chỉ được đề cao trong gia đình đến ngoài xã hội mà ngay trong cách tu tập và giải thoát cũng có một vị thế nhất định, họ được đặt ngang hàng với nam giới trong mọi lĩnh vực. Trong giáo lý của đạo Phật, nữ giới đã có một vị thế xứng đáng với vai trò của họ.

Vai trò của ni giới ở Khánh Hoà

Chúng ta có thể thấy rằng, ngay từ khi ra đời cho đến nay Phật giáo đã có tầm ảnh hưởng nhất định đối với xã hội. Vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo cũng đã góp phần vào việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội và trong tu tập. Từ xa xưa, nữ giới tu hành từ thời kỳ đức Phật tại thế, cho đến mẫu người phụ nữ được ghi lại trong kinh điển Đại thừa đã thể hiện sự trong sáng, năng lực siêu việt, đạo hạnh đáng kính. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nữ Phật giáo ở Khánh Hoà đã đóng góp một phần tâm huyết trong việc bảo vệ tự do tín ngưỡng và tinh thần dân tộc, trong số 7 người tử vì đạo pháp và dân tộc tì có 4 người là nữ giới Phật giáo bao gồm: Thích Nữ Diệu Quang, Thích Nữ Diệu Tri, Thích Nữ Thông Huệ và Phật tử Đào Thị Yến Phi. Trong bốn người này có hai vị xuất thân từ gia đình phật tử là: Ni sư Thích Nữ Diệu Quang, nguyên là Đoàn sinh gia đình Phật tử Thiện Đạo, tự thiêu tại thị trấn Ninh Hoà ngày 15/8/1963; Cố Huynh trưởng Đào Thị Yến Phi, nguyên là trại sinh trại Lộc Uyển khoá đầu tiên tại Khánh Hoà, nguyên là Đoàn phó Đoàn Oanh vũ nữ gia đình Phật giáo Chánh Quang (Nha Trang) đã biến thân mình thành ngọn đuốc cúng dường Chánh Pháp vào ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức 26/01/1965) ngay tại bờ biển cạnh toà hành chánh cũ (nay là UBND tỉnh Khánh Hoà). Quá trình biến mình thành ngọn đuốc thể hiện sự hy sinh cho đạo pháp và phản đối quá trình xâm lược của kẻ thù khi xâm lược dân tộc Việt Nam. “Người Phật tử Việt Nam như đã gặp được cơ duyên để kế tục truyền thống phục vụ Dân tộc”. Hưởng ứng phong trào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Phật giáo Khánh Hoà đã sát cánh cùng phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh công khai chống Mỹ và chính quyền tay sai đòi tự do tín ngưỡng và tự do dân tộc. Khi đất nước khó khăn, đạo pháp lâm nguy, nhiều Ni sư, Sư trưởng sẵn sàng thiêu đốt thân mình thành ngọn lửa để phản đối chính sách tàn bạo của kẻ thù và đòi quyền độc lập cho dân tộc. Các Ni sư, Sư trưởng đã không biết mệt mỏi khi dấn thân mình cho đạo pháp cho dân tộc.

Sau khi đất nước được thống nhất, Ni giới Khánh Hoà tiếp tục kế thừa những tấm gương sáng như: một lòng hướng Phật và gắn đạo với đời để tiếp tục tỏa sáng. Ngày 14 tháng 9 năm 2009 Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà đã quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hoà số; 063-QĐ/BTS. Trong thời kỳ này số chư ni toàn tỉnh có 338 vị, trong đó có 10 ni trưởng, 48 ni sư.

Cũng như Ni giới trong cả nước, Ni giới Khánh Hoà cũng nhận thấy mối tương quan giữa Phật giáo và dân tộc, sự hưng vong của Phật giáo đều phụ thuộc vào sự hưng vong của dân tộc. Khi đất nước thanh bình thì Phật giáo càng có điều kiện để phát triển hơn, ngày nay trong xu thế hội nhập ni giới phải tận dụng nó cho việc tu tập. Ni giới ở Khánh Hoà đã dùng tâm huyết của mình phục vụ chúng sinh. Chư ni đã tham gia vào các hoạt động xã hội với quan điểm “nhân quả đồng thời”, trong tinh thần từ thiện của Ni giới Khánh Hoà lấy sự hành xử của mọi người hằng ngày lan toả khắp mọi nơi theo tinh thần Tứ nhiếp pháp, “giáo hoá chúng sinh rồi lần nhiếp hoá đến hạ tầng cơ cảm”. Giống như một đứa trẻ cho em bé cô nhi bình sữa với sự nâng niu thì bé sẽ lớn khôn trong đạo đức tình người. Chư ni Khánh Hoà đã và đang đóng góp khá nhiều trên các lĩnh vực như: giúp con em nghèo vùng nông thôn xoá mù với những lớp tình thương và dạy nghề, tiêu biểu như: lớp tình thương ở chùa Kim Sơn (tại xã Vĩnh Lương, Nha Trang); lớp tình thương chùa Lộc Thọ (Ngọc Hội, Nha Trang) và hai lớp tình thương thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, Nha Trang, tất cả các lớp này đều do các Phật tử đảm trách. Tại Ninh Hòa, Nha Trang còn có 02 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, người khuyết tật. Ngoài việc đồng hành cùng Ban từ thiện xã hội của giáo hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Chư Ni tại các chùa trong tỉnh còn thường xuyên cứu trợ bão lụt, giúp đỡ bà con nghèo, tàn tật các vùng sâu vùng xa. Giúp bếp ăn từ thiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh viện tâm thần Diên Phước với tổng chi cho việc làm từ thiện năm 2015 là 2.150.313.000đ. Chư Ni Khánh Hòa có đời sống tu tập trong tinh thần lục hòa theo tinh thần Phật dạy, đó là hòa hợp, đoàn kết trong mọi hoạt động dưới sự chỉ đạo của giáo hội. Các Chư Ni ở Khánh Hòa đã phát huy vai trò của mình trong xã hội, trong mỗi môi trường khác nhau thì chư ni có vai trò hoạt động riêng. Ví dụ như: nếu Chư Ni ở thành thị thì tham gia vào các hoạt động xã hội như mở lớp mẫu giáo tư thục, mở các quán ăn chay, tham gia vào các phong trào như văn hoá, giáo dục,v.v; nếu Chư Ni ở nông thôn thì tham gia vào các hoạt động làm rẫy, làm nông, làm nhang, tham gia giảng dạy các lớp tình thương, v.v. Quá trình hoạt động này Chư Ni không chỉ tham gia vào các hoạt động văn hoá xã hội mà còn tham gia vào các hoạt động kinh tế để cải thiện đời sống. Bằng những hoạt động của mình Chư Ni ở Khánh Hòa đã chứng minh cho sự đúng đắn của giáo lý đạo Phật khi đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình. “Này Gotami, hãy thể hiện thần thông để đập tan những tư tưởng sai lầm của những kẻ ngu si đang nghi ngờ về khả năng chứng đắc Thánh quả của nữ giới”. Phật giáo đã chỉ rõ, nếu không có người phụ nữ thì sẽ không có những người đàn ông, bởi họ chính là mẹ của những người đàn ông. Chính vì thế, phụ nữ phải được trọng vọng, được đề cao chứ không phải là để khinh thường. Phụ nữ là những người giáo dục con cái trưởng thành, họ là những đầu mối quan trọng để dung hoà các mối quan hệ từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Hoà chung với sự giải phóng của đất nước, Chư Ni ở Khánh Hòa cũng luôn đề cao sự giải phóng cho bản thân. Ni giới Khánh Hòa đã chứng minh rằng, phụ nữ không có gì thua kém nam giới ở mọi lĩnh vực xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, v.v… những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được. Giáo lý đạo Phật giáo đã cho rằng, con đường đến với tự do thực sự phải là tự do hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức của ràng buộc. Người phụ nữ chỉ có thể đạt được do nếu có sự phát triển tinh thần đúng cách và thanh tịnh tâm của chính mình - tẩy sạch tất cả những dấu vết của tham sân si. Sự tự do chỉ có thể đạt được do chuyên cần của chính mình và sự chú ý vào việc tu tập thường xuyên để khai phóng tư tưởng hằn sâu trong tiềm thức họ, đó là xoá bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Kế tục tinh thần đó trong những năm qua Chư Ni ở Khánh Hoà đã không ngừng tự giải phóng mình bằng cách nâng cao trình độ. Ở Khánh Hoà hiện nay có 03 lớp sơ cấp và 01 lớp trung cấp Phật học. Lớp trung cấp Phật học ni cơ sở đặt tại Ni Viện Diệu Quang, số 38B đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Có khoảng gần 20 vị ni tham gia công tác trong ban giám hiệu nhà trường. Trong trường có giảng dạy các môn như Phật học, Ngoại Ngữ và các lớp giáo lý cho cư sĩ Phật tử tại thành phố Nha Trang và các huyện ở Khánh Hòa Chư Ni đều có đại diện tham gia vào các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ, Hội đồng Nhân dân, Hội chữ thập đỏ, v.v.

Chư Ni ở Khánh Hoà đều cho rằng phải gắn đạo với đời, việc giải phóng của các nhân phải gắn với dân tộc. Chư Ni đã áp dụng tư tưởng giải phóng phụ nữ trong giáo lý đạo Phật vào xã hội hiện thực thông qua các hoạt động nhằm thức tỉnh lương tri trong mỗi con người. Các Chư Ni ở Khánh Hoà sống hoà hợp yêu thương, sống đời phạm hạnh, có phẩm chất đạo đức, trang trải tình thương đến mọi người. Các Chư Ni cũng thường xuyên ngồi lại với nhau để tìm ra những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề căn bản được xã hội đặt ra. Tất cả các hoạt động của Chư Ni ở Khánh Hoà đều đúng theo tinh thần Phật dạy và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Chư Ni ở Khánh Hoà luôn phấn đấu thành những người gương mẫu, dẫn dắt các thế hệ Chư Ni trẻ sống tốt đời, đẹp đạo.

THAY LỜI KẾT

Từ sự tìm hiểu trên cho thấy, trong giáo lý của Phật giáo đã đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội và trong giáo đoàn. Như vậy, trong giáo lý Phật giáo đã trình bày vị thế của người phụ nữ trên mọi phương diện. Phật giáo ra đời trong hoàn cảnh lịch sử Ấn Độ có sự phân biệt giai cấp hết sức khắt khe, ở đó vị thế của người phụ nữ không được coi trọng. Trước thực trạng đó, tư tưởng Phật giáo “đã cất lên tiếng chuông đầu tiên đối với việc giải phóng phụ nữ”. Tại Khánh Hòa, vai trò của Chư Ni đã phát huy được khả năng của mình không chỉ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn được thể hiện trong xã hội hiện nay. Chư Ni ở Khánh Hòa đã luôn gắn đạo với đời trong hoạt động của mình nhằm minh chứng cho giáo lý đạo Phật về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Tác giả: TS. Võ Văn Dũng, ThS. Đinh Thị Thuý Hải Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2016 ------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đại hội Phật giáo lần thứ 2, Tuyên ngôn của Đại hội văn hoá Phật giáo toàn quốc, tr. 77. 2. Đại kinh Vacchagotta, Trung Bộ Kinh II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.236. 3. Kinh Báo Ân, Kinh Tâm Địa Quán, Phúc Điền THPGTPHCM, 1995, tr.93. 4. Kinh Bộ Tăng Chi II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.295-296. 5. Kinh Trung A Hàm III, HT Thích Thiện Siêu, THPGTPHCM, tr. 266. 6. Phẩm Thứ hai, Kinh Tương Ưng Bộ, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1993, tr.194. 7. Phẩm Sứ giả của trời, Tăng Chi Bộ Kinh I, HT Thích Minh Châu, Viện NPHVN, 1988, tr.147. 8. Phẩm Sumana, Kinh Bộ Tăng Chi, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.39. 9. Phẩm Gotamì, Kinh Bộ Tăng Chi III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.114. 10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2009), Lễ ra mắt phân ban đặc trách ni giới tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ I (2009- 2014), tr. 35. 11. Dhirasekera, Jothiya, “Women and the Religious Order of the Bud-dha” Sambhāsā. 1991, pp. 297. 12. Quoted by Dhirasekera, Sambhāsā, 1991, pp. 299. 13. Horner, I.B. Women under Primitive Buddhism, London, 1930; pp 3.