Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận xuất bản năm 2017, dày 328 trang, được biên soạn công phu, tập hợp tư liệu nhằm giới thiệu các Chư tổ khai sơn, Chư vị danh tăng, các Tổ đình, Thiền viện, Chùa, Niệm Phật đường, Tịnh xá, các vị tiền bối có công với Phật giáo ở tỉnh, mục đích chung là để người đọc biết cụ thể về từng vị chư tăng, từng chùa… Vì vậy, có thể đánh giá cuốn sách rất hữu ích cho tín đồ, những người quan tâm, tìm hiểu về Phật giáo Ninh Thuận.

Ở phần A của Chương II nói về quá trình hình thành và phát triển Phật giáo qua các thời kỳ (ở Ninh Thuận) và phần Phụ lục: Tổ đình Thiền Lâm và vai trò lịch sử của nó của tác giả Thích Hạnh Bình, tôi xin trình bày một vài ý kiến nhỏ hầu có thể xác định thêm về diện mạo, lịch sử, địa danh liên quan Phật giáo ở tỉnh Ninh Thuận.

Về diện mạo Phật giáo: Khi trình bày về thời kỳ Vương quốc Chăm Pa, Ban Biên soạn viết: “Từ những bi kí trên (bi kí Võ Cạnh, bi kí ở Phú Quý và Bakul Chung Mỹ, ĐH) cho thấy Phật giáo đã có ảnh hưởng nhất định và sâu sắc đến xứ Panduranga mà Ninh Thuận có thể được xem là trung tâm lớn thứ hai sau Nha Trang…”, “Từ đó sự phát triển Phật giáo tại vùng đất phía Nam Chăm Pa này ngày được phát triển đến thế kỷ X-XII”1.

Dường như vấn đề dấu ấn Phật giáo thời kỳ này ở Ninh Thuận chưa xác định rõ ràng cứ liệu cho lắm, nhất là chưa có nhiều chứng cứ về khảo cổ tại chỗ, bởi vì chỉ có thể từ hiện vật khảo cổ mới bảo đảm đi đến kết luận chính xác. Các nhà nghiên cứu về Chăm Pa cũng đã tranh luận hàng thế kỷ qua, trong đó có tranh luận về bi kí Võ Cạnh, vẫn chưa ngã ngũ Phật giáo hay Bà La Môn giáo, có hay không có sự tồn tại của Phật giáo ở vùng Nha Trang? Vấn đề Phật giáo của Chăm Pa cho đến nay rõ ràng nhất là ở Quảng Nam với di tích Phật viện Đồng Dương, các tỉnh khác chỉ có dấu ấn mờ từ những phát hiện vài bức tượng thuộc Phật giáo mà thôi. Ngay cả công trình nghiên cứu mới nhất là công trình Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận cũng chỉ ghi nhận như thế2.

Do đó, chúng ta đưa vào sách nhận định rằng: “…cho thấy Phật giáo đã có ảnh hưởng nhất định và sâu sắc đến xứ Panduranga mà Ninh Thuận có thể được xem là trung tâm lớn thứ hai sau Nha Trang…”, có thể hơi sớm, ở cuối trang 11 chú dẫn nguồn chỉ trừ http://www... dau-tich – phat-giao- panduranga…, người đọc có thể hiểu đây là quan điểm của Ban Biên soạn.

Giai đoạn 1693 – 1802, Ban Biên soạn dẫn lại kết luận của sách Chùa Ninh Thuận: “Có thể nói rằng đây là thời điểm giao thoa, hội nhập giữa văn hóa Việt và Chăm ở Ninh Thuận. Bước chân những cư dân khẩn hoang tiến dần về phương Nam như là một gạch nối quan trọng tiếp nối mạch sống của Phật giáo Chăm Pa (Phật giáo bản địa) trên vùng đất mới với phương châm hoằng dương chính pháp, khai mở đạo tâm cho cư dân đến khẩn hoang. Từ đó tạo cho Phật giáo Ninh Thuận một bản sắc riêng biệt. (Chùa Ninh Thuận – TTK trang 16-17)”3. Với phương diện người đọc, thời điểm trước năm 1693 một hai thế kỷ, giới nghiên cứu tôn giáo, sử học, khảo cổ chưa phát hiện bất kỳ một tư liệu gì chứng minh người xứ Pandurangga đang tồn tại Phật giáo, vì vậy cũng khó nhận định: “Bước chân những cư dân khẩn hoang tiến dần về phương Nam như là một gạch nối quan trọng tiếp nối mạch sống của Phật giáo Chăm Pa (Phật giáo bản địa) trên vùng đất mới…”, và không hình dung Phật giáo Ninh Thuận có một bản sắc riêng biệt là bản sắc gì, khác những nơi khác điều gì.

Về lịch sử: chưa chính xác về thời điểm lịch sử, sách viết: “Năm 1069, Lý Thánh Tông đánh Chăm Pa và chiếm cứ thủ đô Chà Bàn; Năm 1470, Lê Thánh Tôn đánh chiếm toàn bộ khu vực trung tâm Vijaya và Kauthara. Chính hai sự kiện này đã đẩy nhà nước Chăm Pa dần lui về phương Nam để xây dựng và phát triển trung tâm Panduranga”4.

Năm 1470, 1471, vua Lê Thánh Tôn chỉ đến vùng Vijaya (Bình Định), gần 2 thế kỷ sau, năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần mới tiến đến vùng Kauthara (Khánh Hòa – Nha Trang), do đó không có sự kiện vua Lê Thánh Tôn đến Kauthara (Nha Trang): “Năm 1470, Lê Thánh Tôn đánh chiếm toàn bộ khu vực trung tâm Vijaya và Kauthara” như sách viết.

Về những tồn nghi đối với Tổ Khai sơn Liễu Minh, hiệu Đức Tạng, qua những dẫn chứng tài liệu trong sách Phật giáo Ninh Thuận, (cũng có luận cứ phản bác như của Nguyễn Hiền Đức trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong), tôi nhận thấy vấn đề đã nghiên cứu rõ ràng hơn một bước so với sách Chùa Ninh Thuận của Thông Thanh Khánh xuất bản trước đó.

Tuy nhiên cần hoàn thiện luận cứ một cách vững chắc hơn khi Ban Biên soạn tìm hiểu theo hướng: “Tác phẩm ‘Thích Song Tổ Ấn tập" của Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh in năm 1923 cũng cho rằng Tổ Liễu Minh hiệu Đức Tạng là người khai sơn chùa Thiền Lâm vào năm Ất Sửu - tức năm 1805” cách biệt 16 năm 17895. Vậy chúng ta thử suy nghĩ quyển “Nam Thổ Bảo đàn kinh” in lại năm 1917, (dù in lại vẫn trước “Thích Song Tổ Ấn tập” 1923 là 6 năm), vì sao Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh không đề cập đến chùa Thiền Lâm? Nên Hòa thượng Huyền Tân đã viết một đoạn bổ sung về Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm. Hơn nữa đoạn “chí Gia Long tứ niên khải hành Long Khánh đình tự” sao không thấy Ban Biên soạn dịch luôn và tìm hiểu Long Khánh đình tự ở địa điểm nào vào năm Gia Long thứ tư6? Biết đâu có thể tìm thêm manh mối.

Về tên gọi hành chính: tiến trình lịch sử vùng Nam Trung bộ có nhiều bộ sử ghi chép, ở sách này cũng viết như sau: “Làng Thuận Hòa qua mấy lần đổi tên. Người Việt lần đầu tiên đến định cư ở đây vào năm 1692, đời Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Vua Chiêm là Bà Tranh khởi loạn. Chúa sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp, bắt được Bà Tranh đem về Phú Xuân. Từ đó phần đất phía tây Sông Dinh được sát nhập vào Phan Thiết và được đổi tên là Phủ Thuận Thành”7. Đúng ra chỉ có trấn Thuận Thành, không có phủ, trong sách nhiều trang đều ghi trấn, như ở trang 12.

Về địa danh, sách Phật giáo Ninh Thuận viết: “Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Thuận phủ nội phủ biệt tải cảm lãm8 thuộc An Hòa thôn, Bà Tiên điếm di tự trụ Ma Nương điếm, Đắc Nhơn ấp, Bồ Đề tự trụ phụng”9, dịch từ bộ Kinh Pháp Hoa (lưu tại chùa tỉnh Bình Thuận), theo nghiên cứu của tôi có mấy địa danh cần được thảo luận, kiểm chứng: An Hòa thôn, Bà Tiên điếm, Ma Nương điếm, xin cung cấp thêm như sau:

- Thôn An Hòa nơi chở gỗ cảm lãm về làm chùa: tôi xác định là vùng Phú Thọ, An Thạnh, Tuấn Tú, xã An Hải hiện nay, xưa là địa phận thôn An Hòa rộng lớn, vùng cửa sông Phan Rang giáp biển và vùng sông Lu. Tác giả Nguyễn Đình Đầu miêu tả trong Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Bình Thuận, như sau: “An Hòa thôn. Đông giáp bờ biển. Tây giáp thôn Từ Tâm (tổng Phú Quý, huyện Tuy Phong) và thôn An Long (tổng Kinh Dinh), đều có lập cột gỗ, cột đá làm giới. Nam giáp động cát và thôn Từ Tâm (tổng Phú Quý, huyện Tuy Phong) có lập cột gỗ, cột đá làm giới. Bắc giáp sông và thôn Tấn Lộc và thôn Đông Giang (đều thuộc tổng Kinh Dinh), lấy giữa sông làm giới”10. Đương nhiên sông ở đây là sông Dinh Phan Rang.

- Bà Tiên điếm: Bản dịch từ bộ Kinh Pháp Hoa là Bà Tiên điếm (quán Bà Tiên), năm 1806, tác giả Lê Quang Định, đời vua Gia Long biên soạn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có miêu tả chi tiết với tên là chợ Lầu Điếm: “Sông lớn [sông Dinh], sông rộng 75 tầm, nước sông trong và ngọt, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông vì mưa lụt nên chỉ có thuyền mới qua được. Đi lên 2.750 tầm đến đập Nha Trinh, 73.279 tầm đến đầu nguồn hai núi Tà Trú và Sâm Rí, đi xuống 7.640 tầm đổ ra cửa biển Phan Rang, sông này chảy đến Chợ Lầu điếm ở thôn An Hòa thì dừng”11. Như vậy địa danh theo bộ sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là Chợ Lầu điếm (quán Chợ Lầu), có thể Bà Tiên điếm và Chợ Lầu điếm là một điểm nhưng do viết sai, dịch sai, cũng có thể là hai điếm khác nhau thuộc thôn An Hòa. Tuy nhiên, kết hợp các tư liệu, chúng ta đã dễ dàng tìm vị trí thôn An Hòa, trong đó có Chợ Lầu điếm, Bà Tiên điếm; do đó trong ấp Đắc Nhơn không thể có điếm Bà Tiên như miêu tả: “ấp Đắc Nhơn, điếm Bà Tiên”, tại trang 304.

- Ma Nương điếm (dịch quán Ma Nương): dịch từ bộ Kinh Pháp Hoa, ở các trang khác cũng viết địa danh Ma Nương: “cách chùa chừng 500 m là dòng sông Dinh bắt nguồn từ Sông Pha, được bao bọc bởi lũy tre xanh, làm bức tường che chắn cho dòng nước lũ vào mùa mưa bão. Dòng sông này còn có tên lịch sử là sông Ma Nương, vì nó ở vùng đất Ma Nương”12. Tôi không rõ từ đâu địa danh Ma Nương xuất hiện trong nhiều tài liệu, thậm chí chiếc cầu vừa mới xây dựng trên quốc lộ 27 đi Đà Lạt ghi bảng là cầu Ma Nương, chúng ta còn nhớ vài chục năm trước, khi còn cầu cũ ghi là cầu Mai Nương. Theo tôi chỉ có địa danh Mai Nương, một tài liệu có ghi Mai Nương xứ chỉ cả vùng rộng lớn Đắc Nhơn. Sau đây thử liệt kê địa danh trong sách Đại Nam nhất thống chí: “Núi Tà Trú: ở phía tây huyện, trên dưới có khe tức là nguồn của sông Mai Nương”, “Sông Phan Rang: có tên nữa là sông Mai Lang, ở phía bắc huyện Yên Phước, nguồn ra tự hai núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía nam 14 dặm đến xã Đắc Nhân gọi là sông Mai Lung, lại 19 dặm đến thôn Phước Khánh. Có sông Ma Nãi từ trong sách Man ra, chảy về phía bắc làm sông Cai Gia, chuyển về phía đông làm sông Tà Thang, lại chảy về phía nam làm sông Tà Na Sũng, chảy qua cầu thôn Tăng Lộc, gồm 32 dặm đến hợp vào, lại chảy 10 dặm đến rừng thôn An Hòa. Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía đông bắc 37 dặm đến hợp vào lại chảy về phía nam 3 dặm mà đổ ra cửa biển Phan Rang”, “Trạm Thuận Mai: ở chợ Mai Nương và Đắc Nhân”, “Chợ Mai Nương“, “Bến đò Mai Nương“, “Đập Mai Nương: ởẢnxhã: SĐt ắc Nhân, huyện Yên Phước do dân Kinh và dân Thổ đắp để tưới ruộng"13. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: “đến chợ xã Đắc Nhân, tục gọi là chợ Mai Nương... đến quán nghỉ cũ trạm Mai Nương, hai bên dân cư rất trù mật, ở đây có nhiệm sở của đạo Phan Rang”14. Sách Non nước Ninh Thuận ghi: “Sông Dinh còn gọi là sông Cái, hay sông Phan Rang, ngày xưa mang tên là sông Mai Nương”15. Có lẽ nên trả lại tên địa danh là Mai Nương. Ban Biên soạn sách Phật giáo Ninh Thuận hy hữu có viết: Đắc Nhơn - Mai Nương tại trang 312, có lẽ không chủ ý.

Đính chính thêm vài sai sót: trong sách Phật giáo Ninh Thuận, tại trang 260 viết: Năm 1948, nhằm đời vua Tự Đức thứ nhất, nếu đúng là 1848, thứ tự đoạn văn này cũng phải đưa ra trang trước, hoặc nếu năm 1948 thì bỏ đoạn: “nhằm đời vua Tự Đức thứ nhất". Tại trang 304 viết 2 lần: “chùa Thiền Lâm nằm bên trái quốc lộ 14, đường đi từ Phan Rang lên Đà Lạt”, trước năm 1975 là quốc lộ 11, sau đổi là quốc lộ 27, một đoạn khác viết: “cách chùa chừng 500 m là dòng sông Dinh bắt nguồn từ Sông Pha", thực tế sông bắt nguồn từ sông Tô Hạp ở phía xã Phước Bình và Khánh Sơn, Khánh Hòa.

Nói về tế thần đình làng Đắc Nhơn, sách có viết: “Trong các vật phẩm cúng Thần, ngoài việc giết bò dê, lúc nào cũng kèm theo một mâm lễ vật...", trang 308. Thực ra, Thần Thành hoàng đình làng Đắc Nhơn là vị vua Po Klaong Girai, đạo Bà La môn, người dân Đắc Nhơn không bao giờ giết bò, chỉ chọn giết dê đực, heo đực, vịt, tất cả tuyền màu lông, không lốm đốm... (Xem thêm: Đi tìm danh tính vị Thần Hoàng ở đình làng Đắc Nhơn, Ninh Thuận trong sách Bản sắc một vùng đất, tác giả Đình Hy, xuất bản năm 2008, lưu trữ tại Thư viện tỉnh Ninh Thuận).

Hy vọng những ý kiến này sẽ góp giúp điều gì đó bổ sung cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận nhằm nâng cao giá trị lịch sử của cuốn sách, như Lời tựa đầu sách đã viết: mong được độc giả góp ý, bổ sung.

Tác giả: Đinh Hy - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 7/2019

-------------------

CHÚ THÍCH: 1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) Phật giáo Ninh Thuận, trang 10. 2. Xem thêm: Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu: (2014) Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận, NXB Nông nghiệp. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 12. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 303. 5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 306. 6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 307. 7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 263. 8. Cảm lãm: theo tìm hiểu của tôi, tiếng Hán – Việt, cảm lãm là tên gọi khác của cây trám, người Nam bộ gọi cây trám là cà na, người Khmer gọi là kana, người Mã Lai gọi là kanari, đưa ra để tìm hiểu thêm loại gỗ này đưa về làm chùa Thiền Lâm. 9. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 298. 10. Nguyễn Đình Đầu: (1996) Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Bình Thuận, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 11. Lê Quang Định: (2005) Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. 12. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận: (2017) sđd, trang 304. 13. Đại Nam nhất thống chí: (2006) tập 3, NXB Thuận Hóa, trang 155 đến 172. 14. Lê Quang Định: (2005) sđd, trang 58. 15. Nguyễn Đình Tư: (2003) Non nước Ninh Thuận, NXB Thanh niên, trang 30.