Văn chương chữ Nôm để lại tác phẩm không nhiều, những dù là khuyết danh hay hữu danh thì những tác phẩm ấy đều là những tuyệt tác nghệ thuật tiêu biểu, chuẩn chỉnh về cả nội dung lẫn hình thức được kết tinh từ những tinh hoa văn học đời trước và làm mẫu mực cho văn học đời sau.
Tác giả: Thánh Nghiêm Học viên Thạc sĩ khóa II – Học viện PGVN tại Huế
Mở đầu
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam đã sáng tạo nên nhiều giá trị vật chất và tinh thần to lớn, đáng tự hào. Trong đó, sáng tạo chữ Nôm là một trong những thành tựu nổi bật của ông cha ta. Chữ Nôm có thể đã xuất hiện từ lâu nhưng văn chương chữ Nôm thì bắt đầu phát triển từ thế kỷ XIII và đạt đến đỉnh cao ở cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XIX.
Tuy có mặt sau văn chương chữ Hán nhưng lịch sử phát triển của văn học dân tộc cho thấy, các tác phẩm văn học chữ Nôm đã đạt được những thành tựu to lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn giá trị nghệ thuật.
Văn chương chữ Nôm tiếp nối dòng chảy của văn học dân gian, trở thành một bộ phận văn học quan trọng, đồng thời góp phần làm đa dạng thể loại của văn học Việt Nam. Với những thành tựu vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng của tác giả cũng như tác phẩm, văn chương chữ Nôm chính là niềm tự hào của văn học dân tộc.
1. Ngôn ngữ của văn chương chữ Nôm
Cùng với sự biến thiên của lịch sử, khi dân tộc ta giành được quyền tự chủ thì lòng tự tôn dân tộc đã thôi thúc ý niệm “thoát Trung” của người Việt càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, chữ Hán lúc này tỏ ra không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngôn ngữ của người Việt trong việc ghi tên người, tên địa danh…
Người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ thuần Việt, do người Việt sáng tác và được người Việt sử dụng theo âm Việt. Từ đây, văn học Việt Nam bước sang một trang mới, chữ Nôm trở thành phương tiện sáng tác văn học và văn chương chữ Nôm trở thành một bộ phận quan trọng của văn học viết trong hệ thống văn học Việt Nam.
Từ thời Lý, chữ Nôm đã xuất hiện trong các văn bản đơn thuần là những từ ghi tên người, tên ruộng, địa danh. Người đầu tiên đưa chữ Nôm vào sáng tác văn thơ là Nguyễn Thuyên với tác phẩm Văn tế cá sấu vào năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông. Càng về sau chữ Nôm càng phát triển thịnh hành và bắt đầu dùng trong ghi chép, trước thuật để tạo nên văn học chữ Nôm.
Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến bắt đầu suy tàn, mẫu người quân tử trong xã hội không còn lý tưởng nữa, văn học chữ Nôm phản ánh hiện thực xã hội đương thời và hướng đến con người cá nhân, nhất là những thân phận con người “thấp cổ bé họng” trong xã hội. Tác phẩm văn học chữ Nôm mang đầy đủ tinh thần dân tộc, là một loại tác phẩm chất chứa tình cảm sâu đậm của nhà văn, nhà thơ với thân phận con người, đặc biệt là phụ nữ.
Chữ Nôm và văn chương chữ Nôm ra đời là kết quả của lịch sử phát triển văn học dân tộc, là bằng chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng nền văn hiến độc lập của dân tộc ta. Bởi khi nói đến văn hiến của một dân tộc chính là nói đến con người và sản phẩm văn hóa, đặc biệt là từ kho tàng sách vở.
Sự phát triển của văn chương chữ Nôm gắn liền với những truyền thống lớn trong văn học trung đại như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực đồng thời phản ánh quá trình dân tộc hóa và dân chủ hóa của văn học Việt Nam. Văn chương chữ Nôm trải theo chiều dài lịch sử đã phát triển ngày càng rộng rãi trong đời sống văn học của xã hội, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của chữ Nôm trong lịch sử văn học dân tộc.
2. Văn chương chữ Nôm góp phần làm đa dạng về thể loại trong văn học dân tộc
Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là bước ngoặt lớn trong lịch sử ngôn ngữ văn tự của người Việt, đáp ứng đòi hỏi của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Mặc dù còn những khiếm khuyết, chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn học Việt, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Và trong những thành tựu đó có sự ra đời của các thể loại văn học dân tộc.
Thể loại văn học trong văn chương chữ Nôm khá phong phú. Ngoài những thể loại ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc như phú, văn tế… còn có sự xuất hiện của các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát; các thể loại văn học dân tộc như truyện thơ, ngâm khúc, hát nói…
Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Thể thơ này phát triển mạnh mẽ và được sử dụng nhiều trong thể loại truyện thơ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…
Song thất lục bát cũng là một thể thơ đặc biệt của người Việt, được các tác gia ưa chuộng trong suốt thời kỳ văn học trung đại Việt Nam với những tác phẩm tiêu biểu như Qua đèo ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du)…
Thể ngâm khúc đáp ứng nhu cầu đồng cảm với những thân phận rủi ro, mất mát, những khao khát tự do ở một mức độ nhất đinh, nói chung là đáp ứng nhu cầu được san sẻ nỗi niềm, được yêu thương, muốn đồng cảm của con người, điều mà văn học chữ Hán không làm được. Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm)… là những đại diện tiêu biểu cho thể loại này.
Đây là những thể loại mang đậm màu sắc người Việt mà chỉ có các tác phẩm văn chương chữ Nôm mới có thể lột tả hết. Do đó, các tác giả đương thời rất chú trọng đến việc sử dụng tiếng Việt và các thể loại văn học dân tộc trong sáng tác văn chương.
3. Đóng góp của các tác phẩm, tác giả văn chương chữ Nôm
Văn chương chữ Nôm đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm lớn như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân Quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Xuân Hương thi tập của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương… Trong đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du là đỉnh cao của văn chương chữ Nôm.
Truyện Kiều là tác phẩm truyện thơ Nôm gồm 3254 câu lục bát viết dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Qua Truyện Kiều, tác giả đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương thời.
Tác phẩm không chỉ là tiếng nói đề cao tình yêu đôi lứa mà còn ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…
Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.
Chính vì vậy mà Truyện Kiều có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân tộc, vượt mọi thời gian và không gian để vươn tầm thế giới, khẳng định vị thế tiếng Việt và văn chương Việt Nam trên trường văn học nhân loại. Từ những giá trị tốt đẹp ấy, Nguyễn Du được tôn xưng là Đại thi hào dân tộc và được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông là những áng văn Nôm được viết theo thể phú, gồm 10 hội viết về tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm. Song điều đáng chú ý nhất là tác phẩm này không chỉ có giá trị về mặt nội dung tư tưởng thiền học mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật sử dụng ngôn từ với rất nhiều từ Việt cổ mang đậm chất Việt Nam.
Tác phẩm này được xem là chuẩn mực cho việc sử dụng thể văn biền ngẫu trong thể phú và trở thành một trong những bài phú kinh điển trong sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn chương.
Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm khác như Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Hoa Yên tự phú của Huyền Quang, Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi, Tiều Ẩn Quốc ngữ thi tập và Tứ thư thuyết ước của Chu Văn An, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Nhị độ mai (khuyết danh), Phạm Tải Ngọc Hoa (khuyết danh), Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh)… là những tác phẩm tiêu biểu của văn chương chữ Nôm.
Trong bầu trời nghệ thuật sáng tác văn chương, nhiều tác phẩm Nôm như Cư trần lạc đạo phú, Truyện Kiều… trở thành đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn từ, làm quy chuẩn về thể loại trong sáng tác, đặc biệt là các sáng tác thuộc thể loại văn học dân tộc.
Văn chương chữ Nôm để lại tác phẩm không nhiều, những dù là khuyết danh hay hữu danh thì những tác phẩm ấy đều là những tuyệt tác nghệ thuật tiêu biểu, chuẩn chỉnh về cả nội dung lẫn hình thức được kết tinh từ những tinh hoa văn học đời trước và làm mẫu mực cho văn học đời sau. Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, văn chương chữ Nôm với những tác phẩm lớn đã là niềm tự hào của văn học dân tộc.
Kết luận
Sự ra đời của chữ Nôm đã đáp ứng được nhu cầu của dân tộc trong sự phát triển văn hoá, góp phần nâng cao địa vị tiếng Việt. Văn chương chữ Nôm có ý nghĩa thiết thực trong sự phát triển văn hóa dân tộc mà ngày nay dư âm mãi còn vang vọng. Suy cho cùng thì thơ văn là nơi để con người nói lên những tâm tư tình cảm của con người, khát vọng của dân tộc mình, mơ ước của nhân dân mình thì không một ngôn ngữ nào có thể đáp ứng đủ đầy và chuyển tải trọn vẹn như chữ Nôm.
Sáng tác văn chương là quá trình tư duy nghệ thuật, quá trình khám phá về nội dung, cũng là quá trình cách tân, phát minh về hình thức. Sự phát triển của văn chương chữ Nôm khẳng định ý thức dân tộc phát triển ngày càng cao, biểu hiện lòng tự hào, ý thức bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Các thể thơ dân tộc dù hình thành và phát triển muộn hơn nhưng dần dần tiến lên theo quá trình của lịch sử và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa.
Với sự đóng góp của những tác phẩm lớn, văn chương chữ Nôm thể hiện sức sống mãnh liệt, âm hưởng cảm xúc của ngôn ngữ dân tộc, tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ, nhà văn tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn học chữ Nôm và là niềm tự hào của văn học dân tộc.
Tác giả: Thánh Nghiêm Học viên Thạc sĩ khóa II – Học viện PGVN tại Huế ***TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (1975), Chữ Nôm, nguồn gốc – cấu tạo – diễn biến, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Đại học Huế (2011), Tổng quan văn chương Việt Nam, Nxb. Đại học Huế, TP.Huế.
3. Nguyễn Quang Hồng (2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
4. Nguyễn Ngọc San (2003), Lý thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội.
5. Trần Đình Sử (2018), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội.
6. Viện văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bình luận (0)