Thích Nữ Liên Thảo Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Đặt vấn đề: Nhân sinh quan và vũ trụ quan là vấn đề các nhà triết học luôn quan tâm. Nhận thức của con người có ý nghĩa quan trọng quyết định hành động. Chính vì lẽ đó mười bốn vấn đề siêu hình được đặt ra. Siêu hình là cái ngoài khả năng nhận thức của con người trong khi khổ đau là cái thực tế đang hiện hữu. Xã hội Ấn Độ xuất hiện nhiều hệ tư tưởng nhưng vẫn rối tung trong các yếu tố siêu hình. Hình như con người quên thực tại mà luôn hướng đến tương lai? Đức Phật giữ thái độ im lặng trước mười bốn vấn đề siêu hình. Nhưng đối diện trước vấn đề siêu hình, các giai đoạn phát triển của lịch sử Phật giáo đã có những lý giải như thế nào về thế giới siêu hình? Tag: Kinh A Hàm, siêu hình, đức Phật, Ấn Độ, triết học, lịch sử,…

1. Bối cảnh xã hội thời đức Phật

Đức Phật giác ngộ trong bối cảnh tôn giáo và xã hội có nhiều biến động. Bà La Môn giáo dần dần mất đi vị trí thống trị của mình bởi sự suy đồi của các vị Tỳ kheo cúng tế. “Các vị Tỳ kheo cúng tế này đạo mạo cao thượng khuyên người làm thiện, nhưng thực tế thì lại tham ô thành thói quen, sống đời buông lung phè phỡn, xa xỉ dâm đãng, cho các vị Tỳ kheo cúng ý thức không cam chịu c chảy chung trong một dòng sông ô hợp, họ trốn chạy vào chốn núi rừng, đào sâu suy nghĩ để tu tập, nghiên cứu ý nghĩa chân chính của “Tứ Phệ đà”, và có ý đồ cải cách Bà la môn giáo.”(1)

Bên cạnh đó, xã hội có nhiều biến động về chính trị và kinh tế. Chính trị tồn tại hai thể chế dân chủ cộng hòa và quân chủ. Thể chế dân chủ cộng hòa gồm các nước: Vajji, Malla, Licchavi, Sakya, các nước dọc theo sông Hằng và dãi Hymalayas cho đến đông Kosala và đông bắc Magadha. Thể chế quân chủ gồm nước Kosala và Magadha.(2)

Địa hình thuận lợi, đất đai màu mỡ kết hợp thời tiết nóng và lượng mưa tương đối nhiều đã giúp cho nền kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp phát triển mạnh. Nhiều khu đô thị mọc lên với tầng lớp trí thức được hậu thuẫn bởi sức mạnh kinh tế.(3)

Những biến động trên tạo ột bức tranh đa sắc màu từ tôn giáo, kinh tế, chính trị trong xã hội bấy giờ. Về tôn giáo có sự rạn nứt trong nội bộ Bà La Môn: một số thì đạo đức suy đồi không còn được sự tín nhiệm của người dân, một số thì có khuynh hướng nghi ngờ giáo lý nên tìm phương hướng cải cách. Chế độ chính trị thay đổi biểu hiện sức mạnh của giai cấp Sát Đế Lợi đang dần muốn vượt lên tôn giáo. Đồng thời hai chế độ song song tồn tại là điều kiện hợp pháp cho sự xuất hiện của các nhà tư tưởng mới. Bên cạnh sức mạnh kinh tế tư duy con người phát triển, một số trí thức không chấp nhận bị thống trị bởi tư tưởng đương thời, họ không chú trọng vào nghi thức tế tự mà có khuynh hướng tìm hiểu triết học để lý giải về tôn giáo. Chính những điều kiện trên, tầng lớp sa môn xuất hiện ngày càng nhiều với những phương pháp tu tập, lập trường triết học khác nhau có khi chống đối nhau. Sự xuất hiện phong trào tự do tư tưởng làm xã hội ngày càng rối ren, người muốn tìm đường giải thoát khổ đau không biết phải theo triết lý nào.

Sáu nhà tuyên phong trong việc phản kháng truyền thống đương thời được gọi là Lục sư ngoại đạo. Sáu vị này đưa ra các quan điểm khác nhau về tu tập và nhận thức được diễn tả qua kinh Sa Môn Quả trong Trường A Hàm:(4) Bất Lan Ca Diếp chủ trương sống lõa thể, phủ nhận đạo đức, phủ nhận nghiệp báo. Mạt Già Lê Câu Xá Lê chủ trương không có nguyên nhân, phủ định tất cả thiện ác, phủ định sự tồn tại của chúng, không có đời này đời sau. A Kỳ Đa Xá Khâm Bà La cho rằng con người là do bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió hình thành. Khi chết dù người trí hay ngu, giàu hay nghèo, tốt hay xấu đều rã thành đất nước gió lửa như nhau. Ba Phù Đà Già Chiên Diên chủ trương sự thanh tịnh hay nhiễm ô của chúng sinh không do nhân gì cũng không do duyên gì. Tán Nhã Tỳ La Lê Tử theo chủ nghĩa hoài nghi, không trả lời cụ thể mà chỉ lảng tránh bằng những phát biểu ngụy biện, không phủ định mà cũng không khẳng định. Ni kiền Tử tự xưng là bậc Nhất thiết trí, đưa ra lối sống khổ hạnh với năm giới cấm: không sát hại sinh mạng, không trộm cướp, không nói dối, không sở hữu bất kỳ tài vật nào kể cả quần áo(5). Sáu phái này đưa ra sáu chủ thuyết nhưng chung qui chỉ trong hai phương diện “thường hằng” “đoạn diệt”. Đây là hai cực đoan mà đức Phật luôn bác bỏ.

Xã hội Ấn Độ bấy giờ không chỉ giới tôn giáo nghiên cứu về triết lý đạo đức, triết lý nhân sinh, thế giới quan, vũ trụ quan mà ngay cả vua chúa và các tầng lớp khác trong xã hội cũng rất quan tâm. Có một vấn đề cần đặt ra trong kinh Sa Môn Quả đức vua hỏi các nhà tu tập về nhân quả nghiệp báo, đời này đời sau chẳng lẽ để tu học hay muốn trau dồi hiểu biết? Nhìn về lịch sử ta thấy, đây là thời kỳ chấm dứt đời sống du mục chuyển sang giai đoạn định cư với nền kinh tế phát triển. Tư duy của các nhà chính trị không muốn lệ thuộc vào thần linh, đồng thời muốn cũng cố quyền cai trị và mở rộng bờ cõi. Phải chăng các vị vua này muốn tìm một nhà lãnh đạo tôn giáo có chủ trương đem lại lợi ích cho chính sách cai trị của mình. Trong tầng lớp nhân dân những người có cuộc sống giàu sang thì hướng về triết lý để thỏa mãn sự tư duy, đồng thời tìm hướng thoát khỏi sự cai trị hệ tư tưởng đương thời. Những người nghèo khổ thì tìm con đường triết lý thoát khỏi sự thống trị bất công bởi sự phân chia gai cấp. Từ những yếu tố trên dần xuất hiện nhiều thành phần rời gia đình vào rừng tu tập.

Trong bối cảnh xã hội như trên, đức Phật xuất hiện với học thuyết “Duyên khởi”: “Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi có nghĩa là duyên vô minh nên có hành. Nói đầy đủ cho đến tập khởi thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn bị diệt.”(6) Triết lý này phủ nhận vai trò thần linh, cụ thể là phủ nhận vai trò sáng tạo của Phạm Thiên và sáu phái ngoại đạo. Chính vì thế mà gây sự chú ý cho những người theo truyền thống Bà La Môn và những nhà tư tưởng tự do. Giai cấp Bà La Môn theo cật vấn vì chủ trương của đức Phật gây bất lợi cho quyền lực thống trị của của họ. Những thành phần khác thì tìm hỏi vì muốn thỏa mãn sự hiểu biết, muốn thể hiện nhận thức của mình là đúng, số khác thì không xác định được con đường nào đúng nên hỏi để học tập. Vì thế mười bốn vấn đề siêu hình được đặt ra đối với đức Phật bởi những người ngoại đạo và cả hàng đệ tử trong tăng đoàn của Ngài.

2. Ứng xử của đức Phật về mười bốn vấn đề siêu hình

Đức Phật trước vấn đề siêu hình đã thể hiện tấm lòng từ bi và trí tuệ của Ngài đối với từng đối tượng. Mỗi trường hợp Ngài có cách ứng sử khác nhau. Dù hình thức khác nhưng đều cùng một mục đích là đem lại lợi ích cho không những người hỏi mà cả xã hội.

2.1. Thái độ của đức Phật khi đệ tử đề cập vấn đề siêu hình

Các vị Tỳ kheo tụ tập bàn về các vấn đề: “Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không.”(7) Đức Phật tuyên bố Ngài ra đời với một mục đích chỉ cho chúng sinh thấy được nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ. Theo Đức Thế Tôn các vấn đề siêu hình không đem lại lợi ích cho đời sống phạm hạnh, không làm phát sinh trí tuệ, không đưa đến giác ngộ. Ngài khuyên đệ tử chú tâm tư duy về “Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế”(8). Thời kỳ “Phật giáo Nguyên thủy”, đức Phật chú trọng vào giáo lý tu tập nên những vấn đề siêu hình Ngài không trả lời cho hàng đệ tử. Trường hợp vị Tỳ kheo tên Mang đồng tử đặt vấn đề với Thế Tôn nếu như không được trả lời các vấn đề trên thì vị ấy hoàn tục không theo Ngài tu tập nữa. Thái độ của đức Phật được diễn tả trong kinh Trường A Hàm, bài kinh Tiễn Dụ(9) là quở trách, Ngài đưa ra hình ảnh ví dụ về một người trúng tên độc không chịu sự giúp đỡ của người thân nếu như không biết được nguồn gốc người bắn cung và hình dáng xuất xứ chất liệu cung tên. Đối tượng đề cập các vấn đề vô ký là hàng đệ tử thì Phật vừa trách vừa khuyên bằng những hình ảnh ẩn dụ giúp họ quay về tu tập tự thân. Ngài chỉ họ thấy tác hại khi suy tư về những việc ngoài khả năng hiểu biết của họ chỉ thêm mất thời gian, sinh rối rắm và đưa đến tranh cãi vô ích cho đời sống tu học. Đồng thời Ngài khẳng định lý do không trả lời: “Vì điều đó không hợp nghĩa, không hợp pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.”(10). Còn đối với ngoại đạo thái độ ứng xử của Ngài khi được hỏi về mười bốn vấn đề siêu hình là sự im lặng. Tại sao lại có sự khác biệt này?

2.2. Nguyên nhân đức Phật im lặng khi ngoại đạo hỏi vấn đề siêu hình

Sự im lặng của đức Phật trước câu hỏi vô ký của ngoại đạo ẩn chứa nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Bởi lẽ không chỉ thời Phật các ngoại đạo đưa ra hoài nghi về trí tuệ của Ngài mà ngay cả một số đệ tử trong tăng đoàn cũng có sự nghi ngờ đó. Và thời đại ngày nay người học Phật cần hiểu một cách chính xác hơn những vấn đề này trong bối cảnh khoa học phát triển qua các cuộc thám hiểm của các nhà vũ trụ.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp giải thích lý do Phật không trả lời vấn đề siêu hình: “Nếu nói Như Lai đời sau có sinh tử, thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau không có sinh tử thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau vừa có sinh tử, đời sau vừa không có sinh tử, thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau chẳng phải có, đời sau chẳng phải không sinh tử, thì đó là sắc. Vì Như Lai, sắc đã dứt hết, tâm khéo giải thoát, nên bảo có sinh tử đời sau, thì đây là điều không đúng; hoặc đời sau không sinh tử; hoặc đời sau vừa có, đời sau vừa không; hay đời sau chẳng phải có, đời sau chẳng phải không sinh tử, thì điều này cũng không đúng. Vì Như Lai, đã dứt hết sắc, tâm khéo giải thoát sâu xa, rộng lớn vô lượng, vô số, Niết bàn vắng lặng.” (11)

Đức Phật giải thích việc không trả lời khi ngoại đạo hỏi về vấn đề siêu hình. Nếu trả lời theo các câu hỏi trên có hay không đều rơi vào hai cực đoan “thường hằng” và “đoạn diệt”: “Nếu Ta đáp là có ngã, sẽ làm tăng tà kiến có từ trước của kia. Nếu đáp rằng không ngã, thì sẽ làm cho nghi hoặc trước kia, há không tăng thêm nghi hoặc sao? Nói rằng trước có ngã, từ nay sẽ đoạn diệt. Nếu trước vốn có ngã, đó là thường kiến; mà nay đoạn diệt, đó là đoạn kiến. Như Lai lìa hai bên, thuyết pháp ở giữa.”(12). Trong khi Như Lai sắc đã diệt, tâm khéo giải thoát thì không còn rơi vào hai trạng thái thường hay diệt. Chính vì thế đức Bổn sư im lặng khi được hỏi về vấn đề này. Im lặng của đức Phật phải chăng vì Ngài không biết? Có sự khác biệt lúc thì im lặng lúc thì quở trách và khuyên dạy. Trước khi trả lời một vấn đề nào đó đức Phật luôn quán xét căn cơ, nguyên nhân người đó đưa ra câu hỏi. Ngoại đạo hỏi vì mục đích khoe khoang kiến thức, chống đối thì Phật im lặng. Người nào hỏi mà khả năng của họ có thể tiếp nhận lời Phật dạy thì Ngài khuyên và chỉ dạy nên từ bỏ những suy nghĩ vô ích đó. Những vấn đề vô ký dù Như Lai có nói chúng sinh vẫn không thể nào hiểu được.

Mặc khác ngôn ngữ thế gian không chuyển tải được những vấn đề siêu hình này. Ngoại đạo là những người chấp chặt vào thường và đoạn có nói sao họ cũng không chấp nhận mà còn tìm cách khác tiếp tục phản biện. Trả lời các vấn đề này vừa không lợi ích cho tu tập mà còn sinh rối ren cho họ nên im lặng là giải pháp tốt nhất của Phật. Một câu hỏi đặt ra: phải chăng đức Phật không biết về vấn đề siêu hình?

Đối diện trước những cật vấn về vấn đề vô ký đức Thế Tôn im lặng. Nhưng trong những trường hợp khác, bối cảnh khác, đối tượng khác Ngài đã gián tiếp trả lời qua sự thọ ký cảnh giới tái sinh của các hàng đệ tử. Trong “Tạp A Hàm”, “kinh Tỳ kheo bị bò húc chết” đức Phật dạy: “Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp, không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát niết bàn.”(13) Trong “kinh Du hành” đức Phật nói mười hai cư sĩ thôn Na Đà sau khi chết họ nhập Niết bàn và sẽ không trở lại cõi này nữa: “Mười hai cư sĩ kia, Già Già La,…, đã đoạn năm hạ phần kết nên mệnh chung sinh thiên; họ nhập Niết bàn ở đó chứ không trở lại cõi này nữa. Còn năm mươi người kia mạng chung, do đoạn trừ ba kết sử; tham dục, sân hận, ngu si đã vơi mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm, sẽ trở lại cõi này để dứt hết gốc khổ. Còn năm trăm người kia mạng chung, do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu Đà Hoàn, không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn thành đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ rồi thôi”(14).

Ngoài ra còn có năm mươi người khác sau khi chết sẽ trở lại cõi này bảy lần và chắc chắn sẽ thành đạo. “Kinh Xà Ni Sa” đức Phật tuyên bố sự tái sinh của các tín đồ tại các bộ lạc Kāsi, Kosala, Vajjī, Malla, Ceti, Vamsa, Kuru, Maccha, Surasena(15). Điều đó có nghĩa là “Những gì không thuộc phạm vi suy tư tìm hiểu của các Tỳ kheo hay đức Phật, lẽ tất nhiên Ngài không biết, không biết những việc vô ích này điều đó không đồng nghĩa không có khả năng hiểu biết.”(16)

Tóm lại, trong ứng xử với mọi đối tượng đức Phật dùng từ bi và trí tuệ của Ngài mà có thái độ khác nhau. Những lời nói của Ngài đều nhằm mục đích đem lại an lạc lợi ích cho tha nhân. Những gì nguy hại đến bản thân và tha nhân Ngài không nói. Khi nói nhằm mục đích sách tấn thì Ngài nói. Không vì khoe tài trí hay khuyến dụ người theo mình mà nói những điều không hướng đến sự giải thoát. Lời nói của Ngài luôn đúng với những gì Ngài đã làm đúng với “tri hành hợp nhất.” Đây là bài học mà hàng đệ tử xuất gia cần ghi nhớ trên bước đường “hoằng pháp độ sinh.” Sau khi đức Phật nhập diệt, các vấn đề siêu hình vẫn luôn thôi thúc trong các nhà triết học trong và ngoài tăng đoàn, thế thì Phật giáo sẽ làm gì? Chọn sự im lặng như đức Phật hay tìm câu trả lời.

3. Sơ lược sự lý giải của Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa về vấn đề siêu hình

Thái độ im lặng của đức Phật trước vấn đề siêu hình trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy mở ra nhiều thách thức cho Phật giáo sau khi Ngài nhập diệt. Giai đoạn Phật giáo Bộ phái đánh dấu quá trình phát triển về mặt tư tưởng của Phật giáo trước nhu cầu xã hội. Đối diện với vấn đề siêu hình được cật vấn bởi các nhà tư tưởng đương thời các bộ phái Phật giáo không im lặng như thời Phật tại thế. Theo “Dị Bộ Tông Luân Luận”(17) Độc Tử bộ là bộ phái đầu tiên đưa ra câu trả lời với thuyết “pudgala”. Họ giải thích chính “pudgala” thọ nhận quả báo di chuyển từ đời này sang đời khác hay “Ngã pháp hằng hữu”. Hóa Địa bộ chủ trương “Quá khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu” Trong khi đó “Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”(18) lại đưa ra “Tam thế thực hữu, pháp thể hằng tồn”(19) hay “Ngã không pháp hữu” cho rằng quá khứ hiện tại vị lai đều được chứa trong một “pháp” duy nhất. Phái này cho rằng “pudgala” không thật có. Điều này phủ nhận quan điểm của Độc Tử Bộ, đồng thời phản bác quan điểm của phái Hóa Địa Bộ và khẳng định bản chất các pháp là thật có. Đến thời “Phật giáo Đại thừa” Ngài Long Thọ đưa ra “Nhất thiết pháp không” và “Duyên khởi tính không” để trả lời. “Không” này được lý giải trong “Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ” không phải là không có mà nó mang hàm nghĩa: “Sự tồn tại của mọi vật như dòng chảy, không đứng yên, không có tướng nhất định. Trạng thái đó không thể gọi là “có” cũng không thể gọi là “không”; có nhưng cái có đó mang tính huyễn hóa, cho nên Bồ Tát Long Thọ(Nāgārjuna) gọi là giả danh (Prajñāpti); không nhưng không phải là không có, cho nên gọi là “không tánh” (S. Śānyatā, P. Suññatā).”(20) Các học thuyết trên đều xoay quanh vấn đề “vô ng㔓Phật giáo Nguyên Thủy” đưa ra.

Tuy sự lý giải của các bộ Phái có sự muân thuẫn lẫn nhau về tư tưởng nhưng không thể đưa ra ý kiến chủ quan là học thuyết nào đúng học thuyết nào sai. Nhìn về lịch sử, Phật giáo Nguyên Thủy không giải thích vấn đề này, vì đối với vấn đề siêu hình đức Phật giữ thái độ im lặng. Nói như vậy không có nghĩa các luận sư trong Phật giáo Bộ Phái hay Đại thừa Phật giáo giỏi hơn đức Phật. Bởi lẽ “Quan điểm “vô ngã” của Phật giáo Nguyên thủy không cường điệu phủ định chủ thể”(21) cũng không liên quan đến “ngã tối cao” trong “Áo Nghĩa Thư” nên không thích hợp đưa ra bàn luận. Cũng không thể nói Bộ Phái nào hơn bộ phái nào. Phải thấy rõ mỗi thời kỳ ứng biến với hoàn cảnh xã hội, văn hóa, phong tục khác nhau nên hình thành cách lý giải khác nhau là lẽ đương nhiên. Các thời kỳ Phật giáo được Kimura Taiken diễn tả qua hình ảnh cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân và phần ngọn gồm nhiều lá.

Kết luận

Tôn giáo và triết học là hai phương diện không thể cùng bàn, nếu lấy tôn giáo bàn về triết học hay lấy triết học giải thích tôn giáo thì chẳng khác nào muốn mặt trời chiếu sáng đêm đen. Chính vì thế đức Thế Tôn không bàn cũng không cho các đệ tử đề cập vấn đề siêu hình. Siêu hình không thể thực nghiệm trong hiện tại bởi trí tuệ phàm phu. Nó không đem lại sự an vui, không phải cứu cánh của nỗi khổ hiện tại. Đạo Phật là tôn giáo khác biệt các tôn giáo khác trên thế giới không chỉ về hệ thống triết lý mà còn ở phương diện vị lãnh đạo. Nếu các tôn giáo khác chủ trương niềm tin đối với vị giáo chủ hay thần linh thì đức Phật lại phủ nhận vai trò lãnh đạo của mình khi nói Ngài “chỉ là người dẫn đường.” Ngài đặt tâm từ bi lên trên các phương diện, không chỉ từ bi với những đệ tử của mình mà cả những người có ý định chống phá, đả kích Ngài cũng rộng lòng thương như nhau. Qua thái độ ứng xử trước các vấn đề siêu hình, im lặng của Bậc giác ngộ có giá trị không chỉ cho người đối diện mà còn là bài học vô giá cho thế hệ sau. Nếu như bốn mươi lăm năm thuyết giảng giáo lý giác ngộ giúp cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau thì những lần im lặng cũng là một phương cách cứu rỗi những linh hồn đang mất phương hướng. Vấn đề siêu hình không phải chỉ đặt ra trong thời Phật tại thế mà nó được tiếp nối qua các thời kỳ Phật giáo tồn tại cho đến ngày nay với hình thức khác nhau. Tương tự, ngày nay xã hội đề cập vấn đề việc cúng sao giải hạn, cầu an cầu siêu. Đó là những thách thức mà người xuất gia cần trang bị cho mình về phương diện giáo lý.

Thích Nữ Liên Thảo - Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021 -------------------------------- CHÚ THÍCH: (1) Tác giả: Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên Thủy”, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 48 – 49. (2) Youtube. Thích Nhật Từ. 23 thg 3 2019. “Hai thể chế chính trị thời đức Phật”. Truy cập ngày 06/03/2020. (3) Hirakawa Arika, Thích Nguyên Hiệp dịch, “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ”, Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM, 2018, tr. 23. (4) Tuệ Sỹ dịch, (2007), Kinh Trường A-Hàm, tập 1, Kinh Sa Môn Quả, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 520-525. (5) Ngoài sự khác nhau ở giới thứ năm so với Năm giới căn bản của Phật giáo thì phái Ni-kiền–tử có sự khác biệt về phương diện tư tưởng và hành trì bốn giới trước. Nhìn có vẻ bốn giới của Ni-kiền-tử giống bốn giới của Phật giáo nhưng tín đồ Kỳ-na giáo thực hiện các giới cấm một cách máy móc và cực đoan qua hành động luôn mang chuổi quét trên đường để không sát hại sinh vật. Đó cũng là kết quả của ý niệm giải thoát linh hồn khỏi thể xác vật chất. (6) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A-Hàm Quyển 14 Kinh 343. Phú - Di, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, tr. 1021-1022. (7) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Số 99- Kinh Tạp A- Hàm (II)- Tạp A- Hàm Quyển 16, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, tr. 4-5. (8) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Số 99- Kinh Tạp A- Hàm (II)- Tạp A- Hàm Quyển 16, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, tr. 3. (9) Tuệ Sỹ dịch, (2007), Kinh Trường A-hàm, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 928. (10) HT. Thích Đưc Trí tuyển dịch (2003), Kinh Trường A Hàm, Kinh Tiền Dụ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 327. (11) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 32, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, tr. 583. (12) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 34, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, tr. 672. (13) Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A - Hàm Quyển 12 - Kinh 283: Chúng Thọ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, tr. 964. (14) Tuệ Sỹ dịch,(2007), Kinh Trường A – Hàm, tập 1, Kinh Du Hành, Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 74. (15) Tuệ Sỹ dịch,(2007), Kinh Trường A – Hàm, tập 1, Kinh Xà-ni-sa, Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 169-170. (16) Thích Hạnh Bình,(2014), Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, Nxb. Phương Đông, TP.HCM, tr. 221. (17) Thích Hạnh Bình, (2016), “Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận”, Nxb. Phương Đông, tr. 78. (18) “Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ” còn được gọi là “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ” là một nhánh được tách ra từ phái “Hóa địa bộ”. Bộ phái này nổi tiếng với bảy bộ luận: A-tỳ đàm-bát-kiền-độ-luận, A-tỳ-đạt-ma-tập dị môn túc luận, A-tỳ-đạt-ma-pháp uẩn túc luận, A-tỳ-đạt-ma-thi thiết luận, A-tỳ-đạt-ma-thức thân túc luận, A-tỳ-đạt-ma giới thân túc luận, A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc uẩn. Các bộ luận của phái này đều được viết bằng tiếng Sanskrit. (19) “Tam thế thực hữu, pháp thể hàng tồn” là quá khứ, hiện tại, vị lai đều có, pháp tồn tại vĩnh viễn. (20) Thích Hạnh Bình (2009), “Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Phương Đông, TP.HCM, tr. 9. (21) Hoàng Tuấn Oai, Thích Hạnh Bình dịch, (2014), “Vô ngã và luân hồi”, Nxb. Phương Đông, tr. 24.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT. Thích Đức Trí dịch (2003), Kinh Trường A Hàm, Kinh Tiển Dụ, Nxb. Tôn Giáo. 2. Tuệ Sỹ dịch,(2007), Kinh Trường A – Hàm, tập 1, Kinh Du Hành, Tôn Giáo, Hà Nội. 3. Tuệ Sỹ dịch,(2007), Kinh Trường A – Hàm, tập 1, Kinh Xà-ni-sa, Tôn Giáo, Hà Nội. 4. Tuệ Sỹ dịch, (2007), Kinh Trường A-Hàm, tập 1, Kinh Sa Môn Quả, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. 5. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A - Hàm Quyển 12 - Kinh 283: Chúng Thọ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan. 6. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A-Hàm Quyển 14 Kinh 343. Phú - Di, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan. 7. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Số 99- Kinh Tạp A- Hàm (II)- Tạp A- Hàm Quyển 16, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan. 8. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 32, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan. 9. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, (2000), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI - Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 34, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan. 10. Hirakawa Arika, Thích Nguyên Hiệp dịch, (2018), Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ Từ Đức Phật Thích Ca Đến Đại Thừa Sơ Kỳ, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ, TP. HCM. 11. Hoàng Tuấn Oai, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Vô ngã và luân hồi, Nxb Phương Đông, TP.HCM. 12. Vu Lang Ba, Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch (2019), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, Nxb Hồng Đức. 13. Thích Hạnh Bình, (2016), Dịch Chú Và Đối Chiếu Các Bản Khác Nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận,Nxb Phương Đông, TP.HCM. 14. Thích Hạnh Bình, “Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Phương Đông, TP.HCM. 15. Thích Hạnh Bình, (2014), Nghiên cứu về 5 Việc của Đại Thiên, Nxb Phương Đông, TP.HCM. 16. Youtube. Thích Nhật Từ. 23 thg 3, 2019, Hai thể chế chính trị thời đức Phật, ngày truy cập 06/03/2020.

http://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-duyen-khoi-trong-bai-kinh-296-thuoc-trung-a-ham.html