Tác giả: Thích Nữ Thuần Giới Học viên Thạc sĩ Khóa 4, Học viên PGVN tại Tp.HCM

Trong 10 đại đệ tử của đức Phật, đều là những bậc xuất trần thượng sĩ, có đầy đủ đức hạnh, trí tuệ hơn người. Trong thực tế, hoàn cảnh xuất thân của mỗi người là không giống nhau, có người thuộc dòng dõi cao quý, có người thuộc hạng nghèo khổ cùng đinh. Dù thế nào, thì hoàn cảnh xuất thân của mỗi người chẳng thể quyết định được sự thành tựu Phật đạo mà quan trọng nhất là chí nguyện tu hành.

Trong các đại đệ tử của đức Phật, có một vị xuất thân trong dòng trưởng giả, những đã từ bỏ phú quý, vợ đẹp, giữ thân trong sạch xuất gia tu hành cầu đạo quả đã viên thành đạo quả, được tôn danh hiệu đầu đà đệ nhất đó là Trưởng lão Ca Diếp.

Từ khóa: Trưởng lão Ca Diếp, đức Phật, đệ tử, cầu đạo, xuất gia…

Hình tượng Trưởng lão Ca Diếp. Ảnh: St

NỘI DUNG

Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, trong gia đình Bà la môn tại làng Mahatittha thuộc vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), bá hộ Kapila và bà Sumanadevi hạ sinh một người con trai, do tính khí luôn trầm tĩnh nên đặt tên Pipphali Kassapa. Ngay từ khi ra đời, ông hội tụ đủ tướng tốt của bậc vĩ nhân, với trí thông minh hơn người, ông nhanh chóng tinh thông các môn học thiên văn, địa lý, toán học…

Khi đến tuổi trưởng thành, ông vâng lời cha mẹ kết hôn với người con gái tên Bhaddakapilani con gái của trưởng giả Kosiya ở thị trấn Sagala, vùng Maddalklj, nhưng cả 2 chỉ trên danh nghĩa vợ chồng, vì họ đều có chung chí hướng xuất trần, giữ phạm hạnh trong sạch. Vào ngày cưới, cả hai đem tràng hoa đến đặt ở giữa chiếc gường của họ và thỏa thuận: “Bên nào có tràng hoa bị héo thì được xem là có khởi tâm tham dục,… hai tràng hoa nằm như vậy mà không bị héo. Ban ngày họ cư xử như anh em thậm chí một cái nhìn tình ái cũng không có”. Cả hai tuy sống trong nhung lụa, phú quý nhưng luôn giữ tâm trong sạch, không màng dục vọng, lợi lạc thế gian. Mười hai năm sau, khi cha mẹ qua đời, Pippali giao hết tài sản cho vợ, tự mình xuất gia làm sa môn, Bhadda cũng tự mình trở thành nữ đạo sĩ sau khi bố thí hết tất cả của cải. Trước khi từ biệt Pippali, nàng chấp tay đưa lên trán nói rằng: “Tình yêu và sự thân thiết của chúng ta trong quan hệ vợ chồng suốt một trăm đại kiếp, từ đây chấm dứt”. Liền đó, đại địa rúng động, cũng có nghĩa, sự xuất gia của họ sẽ thành tựu viên mãn, chấn động đất trời.

Lúc bấy giờ, đức Phật đang ngụ trong Hương phòng tại tịnh xá ở thành Rajagaha, nghe âm thanh của đại địa chấn động, Ngài liền quán chiếu và biết rằng: “Do năng lực và phước đức của họ, chàng thanh niên Pappali và thiếu nữ Bhaddakapilani, trở thành ẩn sĩ sau khi dứt khoát từ bỏ tài sản vô song của họ, cống hiến cuộc đời của họ cho ta. Sự chấn động của đại địa xảy ra tại chỗ mà họ chia tay nhau”. Đức Phật biết nhân duyên đã đến, Ngài tự mình đi đến đợi Pippali, ngồi kiết già dưới gốc cây Banyan, phát ra hào quang rực rỡ chiếu sáng một khoảng xa tám mươi hắc tay để tạo tín tâm cho Pippali. Khi nhìn thấy sự uy phong, hảo tướng của đức Phật, Pippali liền đến đãnh lễ và nhận mình là đệ tử của Ngài rồi bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là đạo sư của con! Con là đệ tử của Ngài!”[1]. Nghe rồi, đức Phật chỉ đạo hướng dẫn Ca Diếp phương pháp tu tập, cùng sự tinh tấn hành trì, đến ngày thứ 8, Ca Diếp chứng quả A La Hán và xin đức Phật được thực hành 13 hạnh đầu đà:

“1. Hạnh mặc y phấn tảo. 2. Hạnh chỉ mặc ba y. 3. Hạnh sống bằng khất thực. 4. Hạnh khất thực theo thứ lớp. 5. Hạnh nhất tọa thực. 6. Hạnh chỉ ăn một bát. 7. Hạnh không ăn đồ dư tàn. 8. Hạnh ở rừng. 9. Hạnh ở gốc cây. 10. Hạnh ở giữa trời. 11. Hạnh ở nghĩa địa. 12. Hạnh nghĩ chỗ nào cũng được. 13. Hạnh ngồi không nằm” [2].

Đây được xem là những điều khó làm, dễ rơi vào khổ hạnh ép xác mà đức Phật đã từng thực hành trên đường tìm đạo. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của đức Phật, Ca Diếp đã thực hiện tốt hạnh nguyện của mình và làm được điều khó ai làm được. Hình ảnh một vị tăng sĩ lớn tuổi, khoác trên mình chiếc y phấn tảo, đi chân đất, bưng bình bát đến khất thực từng nhà, từng ngỏ hẻm, có lẽ là hình ảnh quen thuộc, khả kính đối với những người nghèo khổ:

“Từ trú xứ bước xuống, Ta vào thành khất thực, Ta cẩn thận đến gần, Một người cùi đang ăn. Với bàn tay lỡ loét, Nó bỏ vào một muỗng, Khi bỏ vào muỗng ấy, Ngón tay rời rơi vào. Dựa vào bức tường thành Ta thọ miếng ăn ấy Khi ăn và ăn xong Tâm không cảm ghê tởm”[3]

Nếu người xuất gia bình thường, tâm có vững chắc, kiên định được như Ca Diếp. Lòng đại bi của ngài quá rộng lớn, đủ định lực tìm đến những nơi như thế để những người nghèo khổ có cơ hội gieo trồng phước điền. Qua đó cũng cho thấy, Ngài đối với thức ăn không sinh tâm phân biệt, ngài đưa bình bát đến khất thực người bị bệnh cùi cùng khổ, vì ngài biết người này nghiệp chướng nặng nề, thiếu phước. Điều họ cần bây giờ là tình người, đến với họ từ những điều bình dị nhất, xem họ là một con người. Bởi lẽ, xã hội Ấn Độ vốn phân biệt giai cấp nặng nề, những người bần cùng lại bệnh hoạn như vậy sẽ bị mọi người xa lánh, hất hủi. Chỉ có tinh thần từ bi của đạo Phật mới không từ bỏ họ, điển hình là bóng dáng khả kính của Ca Diếp.

Dù khó khăn, cao thượng là vậy, nhưng hạnh nguyện đầu đà của Ca Diếp từng được đức Phật khuyên nên ngừng lại khi tuổi đã về già, sức khỏe yếu kém, việc sống ở mồ mã, rừng núi rất vất vả, nguy hiểm. Tuy vậy, trước đại chúng, Đức Phật vẫn ca ngợi Ca Diếp là một tỳ kheo sống đời gương mẫu và thiểu dục tri túc: tri túc với bất cứ loại y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men v.v..[4]. Có thể nói, Ca Diếp tượng trưng cho giới luật tròn đầy, khổ hạnh bền bỉ, là tấm gương sáng ngời trong đại chúng.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Ca Diếp cùng 500 vị tỳ kheo đi từ thành Pava về Kusinara, gặp một Bà la môn cầm trên tay một đóa sen lớn, thường những sự kiện lớn trong cuộc đời đức Phật thì chư thiên rải hoa cúng dường, thấy sự bất thường, Ca Diếp hỏi cư sĩ từ nơi nào tới và được tin đức Phật đã nhập Niết Bàn. Trong số các vị tỳ kheo, người chưa chứng quả thì than khóc: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm”, những người chứng quả chính niệm suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy”. Lúc đó, có đại đức Subhadda liền nói: “Thôi các hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than, chúng ta đã được thoát khỏi hoàn toàn vị Đại Sa Môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: Làm như thế này không hợp với các ngươi. Làm như thế này hợp với ngươi. Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, những gì chúng  ta không muốn, chúng ta không làm”[5], Ca Diếp dùng thần lực của mình của hãm âm thanh đó lại không cho lan ra, rồi liền nghĩ đến việc phải nhắc lại lời Phật dạy. Nếu xét về mặt tiêu cực, câu nói của Subhadda rất bại hoại nhưng đứng ở mặt tích cực, ông chính là người đánh thức Ca Diếp có ý nghĩ nên làm gì sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Sau buổi lễ trà tỳ, Ca Diếp mở Đại hội kết tập kinh điển đầu tiên gồm 500 thầy tỳ kheo đã chứng A La Hán, nhưng chỉ có 499 vị. Liền mời Kiều Phạm Ba Đề ở trên cung trời xuống tham dự, nhưng khi nghe đức Phật và thầy của mình là Xá Lợi Phất đã nhập Niết Bàn thì ông cũng xin nhập Niết Bàn theo. Ngoài việc Anan chưa chứng quả để đủ tư cách tham gia đại hội, bên cạnh còn nhiều sự bàn tán không tốt về Anan, nhưng đại hội không thể thiếu Anan. Vì không ai đủ khả năng thay thế Anan, bởi lẽ, Anan từng khẳng định:

“Ta nhận từ đức Phật, Tám mươi hai ngàn pháp, Còn nhận từ Tỳ kheo, Thêm 2000 pháp nữa, Tổng cộng tám tư ngàn, Là pháp ta chuyển vận.”[6]

Cũng có thể khẳng định, đức Phật nói gì Anan đều thuộc hết. Do đó, trước khi đưa Anan vào dự Đại hội, Ca Diếp phải giải quyết những lỗi Anan trước đại chúng, điều này được chư thiên lên tiếng ca ngợi Ca Diếp. Qua đó, không thể phủ nhận rằng Ca Diếp rất khó tính, giữ giới nghiêm mật nhưng cũng rất khéo léo trong việc làm an lòng đại chúng, giải quyết sự hiềm nghi của đại chúng đối với Anan một cách hoàn hảo, nên đại hội diễn ra tốt đẹp không có bất kỳ hậu ngôn nào.

Trước đó, đức Phật cũng nhiều lần thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho Ca Diếp. Khi Ca Diếp đang đắp y phấn tảo, ngồi dưới gốc cây, nhìn thấy đức Phật đi đến, Ca Diếp cởi y ra xếp lại thỉnh đức Phật ngồi. Đức Phật ngồi tĩnh tọa rồi bảo: “y của ông đáng bỏ đi, ta ngồi mà ta đau, ta cho ông y mới”. Lúc đó, đức Phật có cho Ca Diếp y nhưng chỉ đơn thuần vì lo y Ca Diếp quá thô cũ không đảm bảo cho sức khỏe liền dạy rằng: “Ông nay đã già, các căn suy yếu, mặc y phấn tảo nặng, y của ta nhẹ tốt, nay ông có thể ở trong chúng mặc áo nhẹ hoại sắc do cư sĩ cúng”[7], dù vậy, Ca Diếp vẫn giữ y của mình. Do đó, mới xảy ra câu chuyện đức Phật truyền y cho Ca Diếp rồi dặn đợi sau khi Phật Di Lặc ra đời để truyền lại. Một lần khác, đức Phật đến thăm khi Ca Diếp bệnh, hỏi thăm sức khỏe và dạy Ca Diếp an trú trong Thất giác chi, nhân dó, bệnh khổ được đoạn tận.[8]

Ngoài ra, khi đức Phật ở giảng đường Lộc Mẫu, Ca Diếp đi đến với y phục rách rưới, râu tóc dài lết bết, bước đi khập khiễng, một số tỳ kheo tỏ thái độ khinh thường, chê bai. Thấy vậy, đức Phật dạy rằng: “Đại Ca Diếp, hãy đến đây. Ta chia nửa tòa ngồi cho Ca Diếp cùng ngồi”. Điều này có thể thấy đức Phật dành sự ưu ái đặc biệt cho Ca Diếp, Ngài hoàn toàn có thể dùng lời nói để chỉ dạy đại chúng, nhưng lại dùng hành động gọi Ca Diếp đến ngồi cùng[9]. Cho thấy, tâm tư ngài đối với Ca Diếp rất lớn, một mặt dẹp tan thái độ chế nhiễu của đại chúng, sự chứng đắc các thiền định của Ca Diếp cũng giống với đức Phật, mặt khác, ngầm nói lên tầm quan trọng của Ca Diếp trong tăng đoàn.

Điều đáng nói hơn khi được đức Phật quan tâm, Ca Diếp chưa bao giờ sinh tâm ngã mạn, tự đắc, luôn giữ vững tâm thái của bậc xuất trần thượng sĩ:

“Không cống cao, không động, Thận trọng căn chế ngự, Chói sáng với tấm y Được lượm từ đóng rác, Chẳng khác con sư tử, Trong hang động núi rừng.”[10]

Nói một cách chính xác, Ca Diếp luôn được đại chúng tôn trọng chẳng phải vì ngài là đệ tử lớn của đức Phật hay có địa vị trong xã hội. Giống như Đức Phật, Ca Diếp từ bỏ cuộc sống phú quý, vợ đẹp xuất gia tu khổ hạnh. Ngài phát nguyện tu hạnh đầu đà hóa độ những người nghèo khổ thiếu phước, sự tu tập, phẩm hạnh của ngài mấy ai làm được. Thoạt nhìn, Ca Diếp như một tăng sĩ già nghèo khổ, bị mọi người xem thường nhưng hành động của ngài rất cao thượng, đáng được kính trọng, đúng với câu nói trong kinh Tương ưng: Không phải với cái thấp hèn có thể đạt được cái cao thượng. Phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng[11].

KẾT BÀI

Cuộc đời của Đại trưởng lão Ca Diếp tuy không rực rỡ như các vị đệ tử khác, nhưng khiến hậu thế kính ngưỡng. Một con người xuất thân phú quý, từ bỏ tất cả nguyện sống đời khổ hạnh, thực hành hạnh đầu đà, giúp người nghèo gieo trồng ruộng phước. Có thể tứ sự cúng dường đối với tăng sĩ ngày nay là điều không thể thiếu, nhưng với ngài chỉ là phương tiện tiếp cận mọi người. Ngài có sự kiên định vững hơn núi Thái Sơn mới có thể hòa mình vào đời sống của những con người cùng khổ. Từ đó, tạo cho họ niềm tin về Phật pháp, về phước lành và niềm tin từ chính con người của họ.

Tác giả:  Thích Nữ Thuần Giới Học viên Thạc sĩ Khóa 4, Học viên PGVN tại Tp.HCM

CHÚ THÍCH: [1] Mingun, Tỳ kheo Minh Huệ dịch, “Đại Phật sử”, tập 6A, NXB Hồng Đức, 2019, tr 85. [2] HT Phước Sơn, “Thanh tịnh đạo luận toản yếu”, NXB Phương Đông, 2010, tr32. [3] HT Thích Minh Châu dịch, Trưởng lão tăng kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ, NXB Tôn giáo, 2001, tr 469. [4] HT Thích Minh Châu dịch, “Tương Ưng bộ II, Thiên nhân duyên”, NXB Tôn giáo, 1991, tr337. [5] HT Thích Minh Châu dịch, “Trường bộ I, phẩm Đại Bát Biết Bàn”, NXB Tôn giáo, 1991, tr 677. [6] HT Thích Minh Châu dịch, “Trưởng lão tăng kệ, chương XVII, phẩm 30 kệ”, NXB Tôn giáo, 2001, tr459. [7] Sa môn Thích Tịnh Hạnh, “Tạp A hàm số 2, quyển 41, kinh 1141”, NXB Phương Đông, 2000, tr 947. [8] HT Thích Minh Châu dịch, “Tương Ưng bộ V, Đại phẩm”, NXB Tôn giáo, 1991, tr126. [9] Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên Thủy”, NXB Hồng Đức, 2019, tr406. [10] HT Thích Minh Châu dịch, “Trưởng lão tăng kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ”, NXB Tôn giáo, 2001, tr475. [11] HT Thích Minh Châu dịch, “Tương Ưng bộ V, Đại phẩm”, NXB Tôn giáo, 1991, tr128.

THƯ MỤC THAM KHẢO 1. HT Thích Minh Châu dịch, “Trưởng lão tăng kệ”, NXB Tôn giáo, 2001. 2. HT Thích Minh Châu dịch, “Tương Ưng bộ”, NXB Tôn giáo, 1991. 3. HT Thích Minh Châu dịch, “Trường bộ I”, NXB Tôn giáo, 1991. 4. Sa môn Thích Tịnh Hạnh, “Tạp A hàm số 2”, NXB Phương Đông, 2000. 5. HT Phước Sơn, “Thanh tịnh đạo luận toản yếu”, NXB Phương Đông, 2010. 6. Mingun, Tỳ kheo Minh Huệ dịch, “Đại Phật sử”, tập 6A, NXB Hồng Đức, 2019. 7. Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên Thủy”, NXB Hồng Đức, 2019.