DẪN NHẬP

Trong xã hội Ấn Độ, trước thời đức Phật, xuất hiện 4 giai cấp, trong mỗi giai cấp, người phụ nữ luôn bị xem như một bề tôi của người đàn ông, phải phục vụ thường nhật hết lòng cho người đàn ông, như qui định điều 148 Chương V bộ luật Manu của Ấn Độ: “Phụ nữ khi còn bé phải theo cha, lấy chồng rồi phải theo chồng, chồng chết phải theo con, phụ nữ không được sống độc lập”(1).

Ngay trong thời điểm nặng nề về tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội lúc bấy giờ, đức Phật khai phóng cho người nữ gia nhập tăng đoàn, trước bao nhiêu sự đối kháng, sự phản ứng của xã hội. Hơn thế, rất kinh ngạc cho các đạo giáo khác khi nghe Ni đoàn Phật giáo được thành lập, thể hiện “Bình đẳng giới tính” đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại mới.

Tag: Phụ nữ, kinh Nykaya, đức Phật, ni đoàn, giai cấp, giới,…

Người con gái, có nhan sắc, có tài sản, có đức hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, sinh con trai là phúc báu, người con trai hạnh phúc và thiêng liêng nhất khi được làm bạn đời với người nữ có phẩm hạnh, trong kinh đức Phật nêu:

“Và này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tính này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sinh con. Ðầy đủ năm đức tính này, này các Tỳ kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông”(2).

Nhưng ngược lại:

“Và này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tính này, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm?. Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, không lanh lợi, biếng nhác, không có sinh con. Ðầy đủ năm đức tính này, này các Tỳ kheo, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông”(3).

Đây là những mặt tích cực và tiêu cực của người phụ nữ được đức Phật nói trong Kinh. Đối với đức Phật, Ngài đã từ bỏ và ra đi bằng con đường đi tìm chân lý giác ngộ, không chỉ bản thân Ngài mà cho cả nhân loại. Khi thoạt nhìn công chúa Yāsodhara và đứa con Rāhula đang ngủ say, Ngài đã thầm nghĩ: “Rahu jato, bandhanam jitay!”, “Một Rahu đã ra đời, lại thêm một trói buộc!”(4).

Trong cuộc sống, có người đẹp, người xấu, mỗi người có nét đẹp riêng không ai giống ai. Vậy chỉ có người đẹp mới có thể làm chao đảo người đàn ông? Đối với người nữ, nếu chỉ được vẻ đẹp bên ngoài, không hội đủ phẩm hạnh của người mẹ, người vợ, người bà, giới hạnh chưa có vẫn chưa gọi là đẹp. Bởi trong cái đẹp tâm hồn có thể san bằng cái đẹp hình thức như ông bà xưa thường nói “Cái nết đánh chết cái đẹp” thì sao? Có rất nhiều khía cạnh khác để chúng ta có thể liệt kê ra để phân tích, bản tính của một con người nói chung, người nữ nói riêng tựu trung chia thành hai mặt: tích cực và tiêu cực.

1. Những điểm tích cực của người phụ nữ

“Điểm tích cực” ở đây là đề cập đến bản tính vượt trội của người nữ, như: có nhan sắc đẹp, có tài năng hơn người. Như trong kinh đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc; này các Tỳ kheo nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng; này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm. Với tám hình tướng, này các Tỳ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập"(5).

Người nữ sinh ra ít nhiều cũng có nhan sắc, lôi kéo cuốn hút người nam bằng sắc đẹp, tiếng cười, lời nói nhỏ nhẹ ngọt ngào, lời ca trầm bổng du dương, nước mắt, quần áo, vật tặng, xúc chạm… trói buộc như cái bẫy.

“Này các Tỳ kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh sắc đẹp, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. Này các Tỳ kheo, người đàn bà có đầy đủ năm sức mạnh này. Đầy đủ năm sức mạnh này, này các Tỳ kheo, người đàn bà sống ở nhà không có sợ hãi.” (6)

Phái nữ được tôn vinh là phái đẹp. Tuy nhiên, như thế nào là đẹp thì còn tùy thuộc quan niệm của mỗi người, mỗi thời, phong tục tập quán, các định chế xã hội… Vì thế, quan niệm về phái đẹp có muôn màu, muôn vẻ khác nhau. Thời Thế Tôn, một phụ nữ lý tưởng phải bao gồm năm yếu tố: có sắc đẹp, có sản nghiệp, có đạo đức, siêng năng lanh lợi và có thể sinh con. Người phụ nữ nào đầy đủ năm đức này là thần tượng để nam giới đeo đuổi, chinh phục và kết làm bạn đời.

Giới đức là thước đo nhân phẩm của con người, điểm tích cực của một người phụ nữ thế tục luôn có giới hạnh. Câu chuyện Vua Pasenadi nói về điểm mạnh của người nữ. Khi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: “Thưa Ðại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái”. Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ. Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Này Nhân chủ, ở đời, Có một số thiếu nữ, Có thể tốt đẹp hơn, So sánh với con trai, Có trí tuệ, giới đức, Khiến nhạc mẫu thán phục…” (7)

Bài kệ trên cho con hiểu, bậc vĩ nhân nào cũng từng là một đứa trẻ, bậc thánh nào cũng được sinh ra từ mẹ. Sự thành tựu rực rỡ huy hoàng của mỗi đứa con đều có hình bóng lặng thầm của mẹ. Tài hoa và đức hạnh rất đáng quý đối với một người, nhưng khả năng tự giác ngộ mới chính là điều tối quan trọng của một hành giả cần cầu giải thoát. Đặc biệt về sự kiện nổi bật nhất ở đây là vấn đề đức Phật đã cho phép phái nữ xuất gia được tham gia vào tăng đoàn. Vì tư tưởng xã hội Ấn Độ vào thời điểm ấy theo truyền thống triết lý Bà La Môn, xem phụ nữ là nguồn gốc của mọi rắc rối cho chính đấng sinh thành của họ, chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng, xoay quanh quyền lực của nam giới để trang điểm và phục vụ nam giới mà không có bất kỳ sự kính trọng nào.

Kỳ Na Giáo cho rằng: ‘Phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn tới cánh cửa địa ngục’. Hoặc khi được hỏi về bản chất phụ nữ, Thánh St. Jerome của Thiên Chúa giáo trả lời rằng: ‘Phụ nữ là cánh cửa dành cho quỷ dữ đi vào, là con đường dẫn tới tội lỗi là nhân tố khiến nam giới sa đọa’(8).

Ngoài việc địa vị nữ giới được tôn trọng và bình đẳng trong lĩnh vực xuất thế như vừa trình bày ở trên, đức Phật đã trả lại đúng vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất mà nữ giới dành lại được trong cuộc cách mạng tư tưởng này là họ có thể quyết định vị trí của họ trong từng hoàn cảnh cụ thể, đặt biệt sau khi lập gia đình. Lúc này, phụ nữ đã có thể làm vợ theo đúng bổn phận và quyền lợi của người vợ, làm mẹ theo đúng nghĩa của người mẹ, được phép trông nom, kiểm soát gia đình, bao gồm của cải, con cái…

Khi đặt nữ giới lên một vị trí có thể nói ngang hàng với nam giới, đức Phật đã đắn đo và quan sát xem phản ứng của xã hội cũng như thái độ của nam giới như thế nào mới có sự quyết định, khi không thấy chống đối gắt gao và để xoa dịu bản tính cao ngạo của nam giới khi cho người nữ xuất gia Thế Tôn đặt ra Bát kỉnh pháp buộc Ni-giới phải chấp hành?

Ngày nay cũng có những người nghiên cứu lịch sử tôn giáo và Phật giáo cho rằng đức Phật không công bằng khi áp dụng Bát kỉnh pháp nhưng thử nghĩ lại vào thời ấy, người nữ không là gì Ngài đã đưa họ vào Tăng đoàn bằng Bát Kỉnh Pháp cũng xem như là phái nữ phải lệ thuộc và thua nam giới. Nhưng Bát kỉnh pháp lại là quyền lợi của ni, đức Phật đã tế nhị đưa quyền lợi của người nữ vào Bát kỉnh Pháp đó là “Tỳ kheo ni không có thể an cư tại chỗ không có Tỳ kheo”. Vì sao? Vì thời này trộm cướp, hiếp dâm phụ nữ xảy ra hằng ngày ngay cả trong thành phố, mà chư ni lại ở trong rừng sâu tu tập, vì sự thanh khiết trinh bạch, an toàn của ni chúng Ngài đã âm thầm bắt buộc chư tăng phải bảo vệ an toàn cho Ni giới. Mọi điều lệ trong Bát kỉnh pháp đều là quyền lợi của phụ nữ sống trong Tăng đoàn được an lạc, bình yên để có thể an tâm tu tập.

Còn một nhận định khác vào thời Phật người Ni xuất gia đầu tiên là dì của Phật, bà thuộc dòng dõi vua chúa. Như vậy các Tỳ kheo tăng ắt sẽ kính trọng Bà, làm mất tôn ti trật tự, không còn bình đẳng nữa. ‘Nghĩa là từ chỗ sợ dì đức Phật, người tăng sẽ có truyền thống tôn kính người ni’. Phật muốn tránh tình trạng như vậy nên đã quy định rằng dù lớn tuổi hạ hơn nhưng người ni vẫn kính trọng người tăng. Đây chính là một triết lý nhân bản của đạo Phật trong quá trình hình thành tăng đoàn.

Đức Phật dạy cho người nữ xuất gia tu tập theo Chính pháp được tăng trưởng với năm sự tăng trưởng:

“Tăng trưởng về lòng tin, tăng trưởng về giới hạnh, tăng trưởng về nghe nhiều (sutena), tăng trưởng về thí xả, tăng trưởng về trí tuệ. Này các Tỳ kheo, được tăng trưởng với năm sự tăng trưởng này, này các Tỳ kheo, một nữ Thánh đệ tử được tăng trưởng trong Thánh tăng trưởng, nắm giữ được những lõi cây (căn bản, tinh vi), nắm giữ được những điểm tốt đẹp nhất về thân”(9).

Có những người con gái không xinh đẹp hưng có đức hạnh nên sinh ra những người con trai tài giỏi trị vì cả thiên hạ thái bình, thịnh vượng, nhân dân an cư lạc nghiệp. Lại có những phụ nữ có tài hơn cả nam giới như nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên cai trị một giang sơn rộng lớn, lòng mộ đạo sâu sắc, bà đã đưa Phật giáo thành quốc giáo, hưng thịnh một thời. Với tài năng trị nước của bà đã làm cho cánh mày râu phải e thẹn, cúi mình. Điển hình ngay thời đức Phật, trong giáo đoàn tấm gương sáng ngời, dẫn đầu ni chúng là di mẫu Mahapajapati tự cạo tóc đắp y đi bộ một khoảng đường dài độ hai trăm cây số cùng các mệnh phụ dòng họ Thích xin Phật cho xuất gia. Đức Phật từ chối ngay lần đầu. Đến lần thứ ba, vì lòng trắc ẩn, Anan xin Phật cho người nữ xuất gia.

Để thấy rõ chí khí và khát khao muốn tu tập giải thoát của người nữ đến mức cao độ, Phật thử thách đến ba lần, và khẳng định khả năng chứng Thánh của họ:

“Này Vacchagotta không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm… mà còn nhiều hơn thế nữa, những Tỳ kheo ni, đệ tử của Ta đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.”(11)

Đức Phật đã xác định điều này, chứng minh hùng hồn hơn những tôn ni đắc đạo đã thể hiện cho xã hội thấy rằng nữ giới có nhiều năng lực đặc biệt lớn lao mà nam giới chưa chắc có được. Đức Phật đã xác định điều này khi ngài A Nan hỏi Phật: “Không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình... có thể chứng được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai hay quả A la hán không? Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả”(12).

Nếu bên Tăng có thập đại đệ tử của đức Phật tu chứng đến A La Hán thì bên ni cũng có thập đại đệ tử ni chứng A La Hán. Điển hình đầu tiên là nữ tôn giả: Mahaprajapati Gotamì, Khema, Uppalàvana, Kìsagotamì, Sonà, Bhadda Kundalakesa, Patacara, Dhanmadinnà, Sumànà, Ubirì,… các nữ tôn giả trên, xuất thân từ nhiều thành phần, dòng dõi hoàng tộc cũng như thường dân, giàu có cũng như nghèo khổ, già cũng như trẻ, đều được đức Phật đã tán dương những phụ nữ thể hiện khả năng lãnh đạo của mình khi đức Phật còn tại thế. Người phụ nữ nổi tiếng nhất thời đó là Mahaprajapati Gotamì, người sáng lập ra Ni đoàn Phật giáo. Ngoài ra, Patacara nổi tiếng về sự nghiêm trì giới luật, Khema được ngợi ca về sự sáng suốt. Dhanmadinnà xuất sắc về thuyết pháp. Sonà nổi tiếng về sự cần mẫn. Bhadda Kundalakesa được ca tụng về trực giác của mình(13). Đại sư Ấn Quang nói: “Nếu anh có một người mẹ đạo hạnh khi còn nhỏ và có một người vợ đức hạnh, khi lớn lên thì chính anh sẽ dễ trở thành người đạo đức”(14). Đây chính là chìa khóa cho một quốc gia hòa bình và thịnh vượng.

2. Những điểm tiêu cực của người phụ nữ

Tuy nhiên, theo tâm sinh lý của người nữ quá mềm yếu lại có 84 thói mê hoặc người, khiến họ khó đắc đạo như thói: “Người nữ ưa vuốt mi mắt, trang sức bản thân”; thói thứ 31: “Người nữ dễ sinh ngã mạn, cô đơn yếu đuối, lấy sức thắng người”; thói thứ 60: “Người nữ ưa hành tham dục, ra oai tự lập, toan nắm giữ Chính pháp, qua mặt bậc trượng phu…”(15)

Năm điểm mà làm cho người nữ trở nên yếu đuối đau khổ riêng biệt

1- Phải chịu kinh kỳ mỗi tháng 2- Phải theo chồng 3- Phải hầu hạ đàn ông 4- Phải mang thai 5- Phải sinh con.(16)

Đối với những người phụ nữ bị xúc động thái quá và đau khổ cùng tột khi bị mất đi người thân yêu. Đây là điểm yếu đuối nhất của người phụ nữ. Đức Phật đã dạy đối với bà Visākhā, bị quá xúc động đến độ tâm mất quân bình điên loạn vì lòng thương yêu đứa cháu gái, đức Phật đã an ủi bà như sau:

Do ái sinh sầu ưu, Do ái sinh sợ hãi, Ai thoát khỏi tham ái, Không sầu, đâu sợ hãi?(17)

Ngoài ra, người nữ còn gặp năm chướng ngại. Trong kinh Kinh Tăng Chi Bộ 1, đức Phật dạy: “… Một phụ nữ không có thể là bậc A La Hán; không có thể là vị Chuyển Luân Vương; không có thể là vị Đế Thích (Sakka)... không là Ác Ma... không là Phạm Thiên...”(18) giữa người nữ và người nam chỉ khác nhau về giới tính.

Có thể nói người nữ không bị chướng ngại trên con đường tu đạo, chúng ta có thể lấy những vị Thánh Tỳ kheo ni của đức Phật là một minh chứng thiết thực nhất, như câu chuyện Tỳ kheo ni Somà.

Tại rừng Andha ở Sàvatthi, lúc Tỳ kheo ni Somà đang Thiền định, ác ma liền đi đến Tỳ kheo ni Somà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỳ kheo ni Somà:

Địa vị khó chứng đạt, Chỉ Thánh nhân chứng đạt, Trí nữ nhân hai ngón, Sao hy vọng chứng đạt?

Tỳ kheo ni Soma biết được:

“Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Nữ tính chướng ngại gì,

Khi tâm khéo Thiền định,

Khi trí tuệ triển khai,

Chính quán pháp vi diệu?

Ai tự mình tìm hỏi: Ta, nữ nhân, nam nhân, Hay ta là ai khác? Xứng nói chuyện Ác ma, Ác ma thật cân xứng. Ác ma biết được:

Tỳ kheo ni Somà đã biết ta, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.”(19)

Con đường tìm cầu quả vị Thánh, không đòi hỏi giới tính, nam hay nữ, khi muốn lìa những dục lạc để ngộ đạo, làm chủ được sinh tử, đến đi tự tại trong tam giới là điều mong muốn ở mỗi người, chớ không chỉ dành riêng ai.

Giáo lý nhà Phật là tôn giáo bình đẳng nhất, không phân biệt màu da, đẳng cấp giới tính trong dòng máu đỏ và vị mặn của nước mắt cũng như hương vị, mục đích giải thoát của đạo Phật. Trong sự bình đẳng ấy, đức Phật thừa nhận sự bình đẳng trong khả năng trở thành Phật, trong khả năng giác ngộ những chân lý tối thượng của nam và nữ. “Dầu cho các loại hữu tình nào, không có chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A La Hán, chính đẳng giác được xem là tối thượng, chứng được quả dị thục tối thượng”(20).

Năm điều chướng ngại của người nữ được đức Phật nhắc đến trong Kinh, đối với người thế tục, là một điều bất lợi. Nhưng ngược lại đối với người nữ xuất gia, chính chướng ngại này làm cho nữ giới biết thúc liễm bản thân, sống trong kỷ luật chế ngự của Giới luật và phát triển trên cơ sở “Chính pháp trụ và Chính pháp diệt”(21). Nếu không có giới luật làm cương lĩnh thống nhiếp, xây dựng nền tảng giải thoát thì Phật giáo sẽ sớm tan rã: “Tỳ ni tạng thị Phật pháp chi thọ mạng” (22) (Giới luật chính là thọ mạng của Phật pháp). Như vậy, Chính pháp cửu trụ lâu dài hay ngắn ngủi mất đi, há có quy vào việc do sự có mặt của Ni đoàn trong Giáo hội không? Tất nhiên là không phải hoàn toàn, vì có 2 trường hợp trụ diệt của Chính pháp: Trụ diệt theo thời hạn định số; Trụ diệt khi có người hành trì hoặc không có người hành trì(23). Quan trọng nhất Chính pháp cửu trụ vẫn là do tăng sĩ có giữ gìn Giới luật hay không, mà tăng thì bao gồm cả ni giới. Hơn nữa, nên xét lại dòng lịch sử Ấn Độ, đức Phật lúc đầu không cho người nữ vào tăng đoàn là có nhiều lý do: xã hội thời đó không chấp nhận địa vị người nữ, đức Phật phải dùng phương pháp đánh động xã hội, để xã hội thấy được giá trị, tài năng, quả vị tu chứng sánh bằng nam giới của người nữ, rồi sau đó mới cho người nữ gia nhập giáo đoàn. Thêm nữa, đời sống tăng sĩ thời Phật là du cư, nếu người nữ xuất gia thì chỗ ở khó khăn hơn nam giới. Đức Phật vì lòng từ bi nên nghĩ sâu xa cho người nữ hơn.

Kết luận

Tóm lại, nhân loại giữa người nam và người nữ chỉ khác biệt bởi giới tính, thể xác vật chất, nhưng tâm và còn quả vị tu chứng thì đồng đẳng như nhau. Dưới ánh sáng trí huệ của Phật pháp không có bất kỳ sự kỳ thị nào.

Đức Phật dạy: “Các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chính hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chính lãnh thọ và học tập các học giới.” (24)

Mục đích tự độ, độ tha và duy trì mạng mạch Phật pháp cửu trụ, chính là đời sống của chư Phật ba đời và cũng là lý tưởng sống của một Tỳ kheo ni.

Thích Nữ Chơn Ngọc - Chùa Dược Sư, quận Bình Thạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021 -------------------

CHÚ THÍCH: (1) Thích Nữ Như Khương, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, Tập I, 2009, trang 71 (2) HT Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ IV, Chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Viện NCPHVN, 2001, trang 382 (3) Ibid, trang 383 (4) Xem Buddhist Legends, phần I, trang 219 (5) HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ III, Chương VIII. Tám Pháp II. Phẩm Lớn, Viện NCPHVN, 2005, trang 555 (6) HT Thích Minh Châu , Kinh Tương Ưng Bộ IV, Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần III, Phẩm III, VNCPHVN, 1991, trang 393. (7) HT Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh 1. Tương Ưng Kosala. Phẩm Thứ Hai. Phần Người Con Gái”, Viện NCPHVN, 1991, trang 194 (8) Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, trang 134 (9) Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Kinh 4, Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Các Sức Mạnh, Phần Tăng Trưởng, Viện NCPHVN, 1991, trang 394 (10) Phạm Kim Khánh, Đức Phật và Phật pháp, NXB Tổng Hợp TpHCM, 2013, trang 157 (11) HT Thích Minh Châu, Trung Bộ kinh II, Đại kinh Vaccahagotta, Viện NCPHVN, 2000, trang 236 (12) HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ III, Phẩm Gotami, Viện NCPHVN, 1998, trang 114 (13) Karma Lekse Tsomo, “Ni giới Phật giáo làm lãnh đạo”, Các bài tham luận Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 (từ ngày 28- 12- 2009 đến ngày 03- 01- 2010), tập 1, trang 20 (14) Thích-Nữ Diệu-Nghiêm, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, tập II, trang, 104. (15) Kinh Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni, 84 điều, trang, 66. (16) HT Thích Minh Châu, Tương Ưng 4, trang 385. (17) Kinh Pháp Cú, số 212 (18) HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi I, Chương I, Một Pháp XV, Phẩm Không Thể Có Được, Viện NCPHVN, 1996, trang 60. (19) HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Chương V Tương Ưng Tỷ-Kheo-Ni, Viện NCPHVN, 2014, trang 210-211. (20) HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi I, Chương V Năm Pháp, Phẩm Sumana, Viện NCPHVN, 2015, trang 634 (21) Thích-Tuệ-Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban tu thư Phật học, 2001, trang 82 (22) Thích-Phước-Sơn, Một số vấn đề Giới Luật, NXB Phương Đông, 2006, trang 20 (23) Thích-Tuệ-Sỹ, Thắng Man giảng luận, trang 82 (24) HT Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Kinh Đại Niết Bàn, Viện NCPHVN, 2003, trang 79

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. “Kinh Pháp Cú”, kệ 103. 2. HT Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh IV. Chương Tám Pháp. Phẩm Ngày Trai Giới. Phần Ở Đời Này. 3. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Chương V Tương Ưng Tỳ kheo-Ni, Viện NCPHVN, 2014. 4. HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ III, Chương VIII. Tám Pháp II. Phẩm Lớn, Viện NCPHVN, 2005. 5. HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ III, Phẩm Gotami, Viện NCPHVN, 1998. 6. HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi I, Chương I, Một Pháp XV, Phẩm Không Thể Có Được, Viện NCPHVN, 1996. 7. HT Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi I, Chương V Năm Pháp, Phẩm Sumana, Viện NCPHVN, 2015. 8. HT Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ IV, Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần III, Phẩm III, VNCPHVN, 1991. 9. HT Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Kinh 4, Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Các Sức Mạnh, Phần Tăng Trưởng, Viện NCPHVN, 1991. 10. HT Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh 1. Tương Ưng Kosala. Phẩm Thứ Hai. Phần Người Con Gái”, Viện NCPHVN, 1991. 11. HT Thích Minh Châu, Tăng Chi VIII. Kinh Mahàpajàpati Gotamì, Viện NCPHVN. 12. HT Thích Minh Châu, Tương Ưng 4. 13. HT Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ IV, Chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Viện NCPHVN, 2001. 14. HT Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Kinh Đại Niết Bàn, Viện NCPHVN, 2003. 15. HT Thích Minh Châu, Trung Bộ kinh II, Đại kinh Vaccahagotta, Viện NCPHVN. 16. Karma Lekse Tsomo, “Ni giới Phật giáo làm lãnh đạo”, Các bài tham luận Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 (từ ngày 28- 12- 2009 đến ngày 03- 01- 2010), tập 1. 17. Kinh Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni, 84 điều. 18. Phạm Kim Khánh, Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tổng Hợp TpHCM, 2013, trang 157 19. Thích Nữ Như Khương, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, Tập I, 2009, trang 71 20.Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận. 21. Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận. 22.Thích-Nữ Diệu-Nghiêm, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, tập II. 23. Thích-Phước-Sơn, Một số vấn đề Giới Luật, NXB Phương Đông, 2006. 24.Thích-Tuệ-Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban tu thư Phật học, 2001.