Tác giả: Thích Nữ Huệ Quang Học viện PGVN tại Tp.HCM

Y kinh giải nghĩa tam thế phật oan là quan điểm của Phật giáo Đại thừa. Quan điểm này có 2 vế.

Thứ nhất Y KINH GIẢI NGHĨA: tức y cứ theo lời dạy trong kinh luật mà giảng giải, hành trì, ý này đồng với quan điểm y pháp bất y nhân của Phật giáo Nguyên thuỷ.

Thứ hai: TAM THẾ PHẬT OAN:  đây chính là tư tưởng của Phật giáo Đại thừa đưa ra, mang tính phủ nhận vế trước: y kinh giải nghĩa, cũng chính là phủ nhận y pháp bất y nhân. Nói như vậy không phải Phật giáo Đại thừa phê phán, bác bỏ giáo pháp mà chủ yếu muốn phê phán thái độ chấp trước vào pháp, trong khi đức Phật đã từng nói: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy.[1] Để hiểu rõ tại sao “y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” hay nói một cách khác y lời phật dạy mà giảng giải sẽ là một sự vu oan cho ba đời chư Phật, trước tiên chúng ta tìm hiểu qua về quan điểm y pháp bất y nhân của Phật giáo nguyên thuỷ.

Như chúng ta biết đức Thế Tôn trước lúc nhập diệt, thấy A nan buồn rầu vì lo sợ khi Phật nhập diệt sẽ không còn ai chỉ dạy, Thế Tôn bảo: “Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: "Lời nói của bậc Đạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Đạo sư (giáo chủ)". Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ngươi”[2]

Trong cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất Diệp, A Nan được giao nhiệm vụ trùng tuyên Kinh và Ưu Bà Li trùng tuyên Luật, kể từ đó pháp được hiểu mặc định là Kinh Luật, là những lời dạy của đức Phật trong suốt 49 năm hay 45 năm thuyết pháp, bao gồm tất cả những bài giảng của Phật cho giới phật tử tại gia lẫn xuất gia. Đến 200 năm sau Phật giáo Bộ phái ra đời, các luận sư bắt đầu trước tác những bộ luận để giảng giải lời Phật dạy trong kinh luật theo lập trường quan điểm của mình. Các bộ luận cũng đều căn cứ trên lời dạy của Phật nên luận cùng với Kinh Luật trở thành Tam tạng (Tripitaka). Từ đó, người học Phật dựa vào Tripitaka là pháp để học hỏi, hành trì. Đức Phật cũng khuyên các đệ tử “Hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ai khác. Lấy Chính pháp làm ngọn đèn, lấy Chính pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác”.[3]

Trong câu kinh này, đức Phật cũng khuyên các đệ tử phải lấy Chính pháp để làm nơi nương tựa và soi sáng cho chính mình, ngọn đèn Chính pháp ấy là do tự mình thắp lên từ chính mình chứ không phải nương tựa hay tìm cầu ở bất kỳ một ai khác. Tuy nhiên, để có thể nương tựa vào Chính pháp nơi mình, trước tiên cần phải hiểu rõ ý nghĩa Chính pháp mà Đức Phật nói và phân biệt được đâu là Chính pháp, đâu là Tà pháp hay Tương tợ pháp. Khi hiểu rõ được chính pháp rồi, có khả năng thắp lên ngọn đèn chính pháp nơi bản thân thì ta mới có thể nương tựa vào chính mình mà không bị thiên chấp lầm lạc.

Trong nhà thiền có câu “khi mê thầy độ khi ngộ tự độ” tức là khi chúng ta còn sơ cơ, chưa biết sâu thì chúng ta đi tìm những vị thầy để học đạo, để được hướng dẫn, vị thầy đó như một người chuyên viên giới thiệu, hướng dẫn Phật pháp cho mình, còn bản thân mình khi đã có được một sự hiểu biết rõ ràng về Phật pháp thì không còn nương vào thầy nữa mà bằng cái thấy biết đúng đắn của mình mà quyết định cho việc tu tập của mình từ việc chọn pháp môn nào tu tập, nên làm gì, không nên làm gì. Vì Giáo pháp của Phật mỗi người khi luận giải sẽ theo chỗ học, khả năng hiểu biết của mình mà giảng nghĩa nên có người nói đúng, có người nói sai, cũng có khi vị thầy hướng dẫn cho mình nói hay mà làm dở…

Tuy nhiên, Pháp là chân lý, mình theo học pháp để biết cách thực hành pháp chứ không phải theo ông thầy. Có những trường hợp các phật tử đi chùa, quy y vì ngưỡng mộ vị thầy ở hảo tướng, giọng tụng kinh hay sự nổi tiếng của ông thầy…đến lúc ông thầy có vấn đề gì nghịch ý thì liền bỏ đạo. Do đó, là một người học Phật cần phải sáng suốt, có tư duy đúng đắn và lập trường vững chắc để chọn cho mình một pháp tu phù hợp và có một đời sống chân chính theo pháp của Phật dạy để hưởng được hương vị an lạc của giáo pháp, không để mình trở thành một tên “nô lệ tư tưởng” bị dẫn dắt, quay cuồng bởi hết vị thầy này, pháp môn này đến vị thầy khác, pháp môn khác. Chỉ có bản thân mình mới hiểu rõ từng điều kiện, hoàn cảnh và trình độ của mình mà có sự thực hành phật pháp một cách hiệu quả. Đó  là nương tựa vào “pháp của chính mình”, chính là y pháp “Y pháp bất y nhân”.

 Đức Phật đã nhập diệt hơn 25 thế kỷ. Những người muốn học Phật không còn được sự chỉ dạy trực tiếp của Ngài mà phải học hỏi giáo lý từ chúng tăng, từ việc đọc tụng kinh điển. Vậy sao lại nói y kinh giải nghĩa là oan uổng cho 3 đời chư Phật?

1. Pháp mà đức Phật dạy là pháp tính:

Chính pháp mà đức Phật dạy chúng ta nương tựa, lấy để làm thầy không đơn thuần là lời thuyết giảng của Phật được kết tập trong Kinh Luật mà đó là pháp tính của vũ trụ vạn hữu, là chân lý của nhân sinh. Dù chư Phật có ra đời hay không thì Chính pháp ấy vẫn tồn tại, chi phối tất cả mọi thứ trên đời. Trong Kinh, đức Phật đã nói “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”.[4]

Vì hết thảy các pháp trên thế gian này không tự nhiên sinh ra mà từ nhân duyên hoà hợp nên nó được biểu hiện, bởi duyên hợp nên luôn chịu sự biến đổi của vô thường, dù muốn hay không chúng ta vẫn phải chấp nhận. Đó được xem là nguyên tắc của cuộc sống, nếu chúng ta nhìn rõ bản chất và chấp nhận thì sẽ không bị đau khổ khi có sự đổi thay, bằng ngược lại sẽ bị khổ đau, phiền não trói buộc bởi đi ngược lại sự vận hành của nguyên tắc ấy. Y pháp bất y nhân còn có nghĩa là y vào pháp tính này mà tu tập, đó là cốt lõi dù chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai ra đời hay không ra đời thì nó vẫn vậy.

2. Phật thuyết pháp tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh:

Tuỳ theo hạng người mà có những bài pháp khác nhau để người đó có thể lãnh hội được đầy đủ ý nghĩa lời Phật dạy. Do đó, đôi khi cùng một vấn đề nhưng có nhiều bài kinh đức Phật nói khác nhau. Ví dụ như, khi nói về sự sai khác giữa người với người trên đời về dung mạo, sắc đẹp, tuổi thọ... Đối với chàng thanh niên Subha Todeyyaputta, là một người ít học, kém hiểu biết, anh ta không thể hiểu chữ Nghiệp mà đức Phật nói nên Phật đã lấy những hình ảnh cụ thể theo phạm trù nhân quả để giải thích sự sai khác giữa người với người cho Todeyyaputta hiểu trong kinh tiểu nghiệp phân biệt. [5] Cũng vấn đề này trong kinh Đại nghiệp Phân biệt [6], để dạy cho các tỳ kheo, đức Phật nhấn mạnh về trí tuệ, sự tu tập phòng hộ thân, khẩu, ý.

3. Đức Phật sử dụng ngôn ngữ địa phương để thuyết pháp:

Trên cuộc hành trình của mình, khi đến mỗi vùng đất nhau, đức Phật thuyết pháp cho dân chúng bằng ngôn ngữ vùng miền đó: “Trong các chuyến du hóa của Phật tại Vương Xá, Xá Vệ, Ba La Nại, Tỳ Xá Ly, Kiều Thưởng Di... Phật giảng dạy các thánh đế bằng ngôn ngữ thông dụng của từng địa phương. Với tín đồ Vương Xá Ngài nói tiếng nước Ma Kiệt Đà. Với tín đồ Xá Vệ Ngài nói tiếng nước Kiều Tát La. Với tín đồ Ba La Nại Ngài nói tiếng Ca Thi. Với tín đồ ở Tỳ Xá Ly Ngài nói tiếng Bạt Kỳ. Với tín đồ ở Kiều Thưởng Di Ngài nói tiếng Bạc Sa...”[7]  chưa kể đến việc mỗi vùng đất có truyền thống tín ngưỡng văn hoá riêng, thì bài pháp của Phật giảng phải làm sao phù hợp tín ngưỡng nơi đó nhưng lại thuyết phục được người nghe tin và thực hành theo lời phật dạy. Đức Phật sử dụng vốn ngôn ngữ đa dạng như vậy trong khi các đệ tử của Ngài không phải ai cũng có khả năng nghe hiểu ngôn ngữ, văn hoá của các địa phương như phật nên việc nắm bắt ý nghĩa từ lời Phật dạy chắc chắn sẽ có ít nhiều sự sai lệch.

4. Lời Phật dạy được khẩu truyền từ trí nhớ:

Chúng ta biết, khi đức Phật còn tại thế, bấy giờ chữ viết chưa có nên không có bản ghi chép nào sớm nhất cụ thể và chính xác nhất từng lời dạy của Phật. Từ phương diện lời nói đến biên tập thành văn điển là một quá trình mà trong đó có nhiều vấn đề cần thảo luận như có những bài pháp không ai hỏi mà Phật tự thuyết, có bài pháp do một người tuỳ chỗ sở nghi của mình hỏi mà Phật giải thích chung cho cả chúng nghe, cũng có khi chỉ nói cho một người, lúc lại nói cho cả đại chúng. Một điều nữa là sau thời pháp lời dạy của Phật đã thuộc về quá khứ, chỉ còn lưu lại trong lòng thính chúng, thính chúng sẽ tuỳ khả năng ghi nhớ và chỗ kiến giải của mình mà có sự lưu giữ lời phật hiểu lời Phật một cách khác nhau, từ đó nếu khi truyền đạt lại thì sẽ có sự sai khác giữa người này với người kia. Cũng giống như chuyện cô điệu vào phiên trị nhật, sư phụ nói “chùa còn muối không con, lấy bỏ thêm nữa đi”. Thế là hôm sau, cô điệu nấu ăn liền cho nhiều muối hơn hôm qua vì cô nghe lời sư phụ nói bỏ thêm nữa mà không biết ý sư phụ là hôm nay nấu mặn quá, cần điều chỉnh lại. Ngay thời Phật tại thế vẫn có những trường hợp Phật thuyết giảng nhưng bị người nghe hiểu sai ý như vậy. Điển hình là tỳ kheo Ariṭṭha, xưa làm nghề huấn luyện chim ưng, sau khi nghe pháp đã nói với các tỳ kheo khác rằng: “Theo như ta hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, khi thọ dụng những pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp, thật sự không có chướng ngại gì”[8]. Trong khi, các thời pháp cho các hàng đệ tử xuất gia, đức Phật luôn tìm mọi phương tiện để nói lên sự nguy hiểm của các dục lạc và người tu tập muốn đạt được giác ngộ, giải thoát thì cần phải viễn ly. Ý này Kinh Pháp hoa diễn tả: “như một trận mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc, Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ đặng sinh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sinh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.[9] Nhân sự việc của Ariṭṭha Phật có lời dặn dò: “hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng và thọ trì như vậy. Nếu có ai không hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng, thì ở nơi đây, các ông hãy hỏi Ta hay hỏi những bậc Tỳ kheo trí thức”[10].

Đó là một trong rất ít trường hợp hiểu sai lời Phật dạy được Ngài biết và có lời chỉ dạy, đính chính lại nhưng làm sao tránh khỏi có những tỳ kheo khác có một suy nghĩ không đúng nhưng không được phát hiện thì khi được vị ấy giảng lại cho mọi người thì sẽ thế nào. Nhiều người có niềm tin tuyệt đối ở Phật, họ không cần thẩm định đúng sai, chỉ cần nghe nói Phật dạy thì liền cẩn cẩn tin theo. Ngyà nay chúng ta dễ thấy trên các mạng xã hội hay đăng nhiều câu nói triết lý nghe có vẻ có lý, hay, rồi đề là Phật dạy nhưng thực sự nếu hỏi Phật dạy điều này ở đâu, trong kinh nào thì thật sự hoàn toàn không tìm thấy.

Đức Phật cũng dạy trong kinh Kalama: “chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình.”[11] Điều này không đồng nghĩa với lòng hoài nghi mà là sử dụng trí tuệ của chính mình để biết đâu là chân lý, nên tín thọ hành trì để có được lợi lạc và ngược lại.

5. Quá trình kiết tập:

Sau khi Phật nhập diệt, để bảo tôn lời Phật dạy mà các cuộc kiết tập đã được thực hiện. Hình thức kiết tập theo truyền thống Phật giáo là mở một đại hội tăng già, cùng nhau đọc tụng và đưa ra ý kiến thống nhất xác nhận lời Phật dạy. không phải do một cá nhân nào hay một nhóm người nào tự tiện kiết tập: “Thời bấy giờ hoàn toàn chưa có chữ viết ghi chép lại để làm cơ sở. Tất cả Phật pháp được kiết tập đều do các Thánh đệ tử dựa vào ký ức của mình mà đọc tụng lại”[12]

Theo truyền thuyết, Trong lần thứ nhất, 3 tháng sau khi Thế tôn nhập diệt, 500 vị a la Hán được triệu tập dưới sự chủ trì của ma Ha ca diếp, A Nan người được mệnh danh là “đa văn đệ nhất” được chỉ định trùng tuyên kinh, Ưu-ba-li “trì luật đệ nhất” trùng tuyên luật. 2 vị này sẽ theo trí nhớ của ình mà đọc tụng lời phật dạy và trong đại chúng sẽ hỏi những vấn đề liên quan nếu có sau đó cùng đồng ý xác nhận lời trùng tuyên ấy là lời Phật sẽ thông qua, kết quả của lần kiết tập này là 5 bộ Nikaya. 100 năm sau, đại hội kiết tập kinh điển lần 2 được tổ chức ở Vesali với sự tham dự của 700 vị La Hán cũng bằng hình thức khẩu truyền như lần 1, sau cuộc kiết tập đã có sự phân chia bộ phái. Cuộc kiết tập lần thứ 3 được tổ chức 218 năm sau Phật Niết Bàn, dưới thời trị vì của vua Asoka do trưởng lão Moggalliputta Tissa chủ trì tại Hoa Thị thành (pàtaliputta) với 1000 vị tăng cũng bằng hình thức khẩu truyền. Vậy từ khi đức Phật nhập diệt đến thời vua Asoka, hơn 200 năm, lời Phât dạy được lưu truyền bằng phương pháp thuộc lòng và bằng sự ghi nhớ, truyền thừa cho người sau, cứ như thế qua nhiều thế hệ. Vấn đề đặt ra là liệu trong quá trình ghi nhớ, truyền đạt ấy có chính xác 100 phần trăm như lần truyền trao đầu tiên hay có sự nhớ, quên và đôi khi người thầy tuỳ căn tính của đệ tử mà rút gọn hoặc mở rộng thêm lời dạy ấy, đây là điều không thể tránh khỏi.

Chính điều này dẫn đến sự biến mất của giáo lý về sau: “Ở đây, này các Tỳ kheo, các Tỳ kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỳ kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất… Lại nữa, này các Tỳ kheo, đối với những Tỳ kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A Hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy không nói lại kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, kinh bị cắt đứt tại gốc rễ, không có chỗ y cứ. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.[13]

Như vậy, rõ ràng đức Phật cũng nhận thấy có sự sai lệch trong sự truyền thừa giáo lý của Ngài, mỗi ngày một ít thì đến một lúc nào đó khi những lời truyền đạt giáo lý cho nhau không còn giữ được ý nghĩa nữa vì các tỳ kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, không kính trọng lời giáo giới, tỳ kheo nghe nhiều, thông hiểu nhưng không truyền dạy cho người sau sẽ khiến pháp Phật hỗn độn và biến mất. Trải qua một thời gian kinh điển truyền khẩu đến khi có chữ viết ghi lại, rất có thể ít nhiều đã bị “tam sao thất bổn” hoặc trong quá trình kiết tập kinh điển bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thời đại. Như trong kinh Tăng Chi đề cập về sự tu tập của người nữ: “A Nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói rằng nữ nhân được thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế Thích, Ma vương hay Đại Phạm thiên, điều này nhất định không thể có.”[14]  Trong khi ở các bản kinh khác rất nhiều lần Đức Phật xác nhận quả vị tu tập của người nữ: “Này Ànanda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A La Hán quả.[15]

Qua ví dụ trên chúng ta thấy ý 2 đoạn kinh trên có sự mâu thuẫn với nhau nhưng Đức Phật không thể nào nói lời mâu thuẫn, vậy đâu mới là lời Phật dạy và đâu là ý kinh bị thêm vào bởi những người kiết tập về sau hay vì lý do, ý nghĩa thâm sâu nào khác bấy giờ mà Thế Tôn có lời nói như vậy. Điều này đòi hỏi người học Phật cần có sự tìm hiểu rõ ràng, để tránh tình trạng khi đọc đến những bài kinh này liền chấp vào một bên rồi sinh ra cự cãi, tranh luận mãi không ngừng.

Ngài Đạo An, vị cao tăng của Phật giáo Trung Quốc thời kỳ đầu, trong quá trình làm công tác nghiên cứu, phiên dịch kinh điển đã sớm nhận ra những hạn chế này mà đúc kết thành “ngũ thất bản tam bất dị” được nêu trong bài tựa của bộ “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Sao” vào năm 312 nên hiệu Kiến Nguyên thứ 18. Ngũ thất bản tức 5 trường hợp làm sai lệch ý nghĩa, tư tưởng kinh đó là:

1. Về văn phạm khi dịch phải phù hợp với ngữ pháp Hoa văn; 2. Về văn chất, sử dụng yếu tố văn chương để phù hợp với tập quán tiếp nhận văn bản của người Hoa; 3. Kinh điển Tây Trúc sau phần trường hàng có phần trùng tụng, khi dịch sang hán văn Lược bớt những phần trùng; 4. Kinh tiếng Hồ có phần kệ tụng, lúc dịch đã bỏ bớt phần rườm rà của kệ tụng; 5. Cắt bỏ phần đã nói của vấn đề trước được lặp lại khi nói đến vấn đề sau.[16] Ngũ thất bản tam bất dị đã trở thành những nguyên tắc nổi tiếng của những người khi chấp bút làm công tác phiên dịch kinh điển nói riêng và cũng có thể được xem là “cần lưu ý” khi đọc vào kinh điển để không hiểu sai lời Phật dạy.

Phật thuyết pháp trong 45 năm, lời dạy nhiều vô kể, khi ngài còn tại thế, vấn đề nào còn khúc mắc, chưa thông suốt các tỳ kheo sẽ đến hỏi trực tiếp để Phật chỉ dạy. Sau khi Phật nhập diệt chỉ có thể y cứ vào kinh điển được kết tập mà hành trì. Do đó, người học Phật thường có thói quen chấp vào ngôn ngữ, văn tự mà theo đó thực  hành rồi cho rằng pháp tu của mình là nhất, là hơn hẳn cá pháp môn khác nên dẫn đến tình trạng tông phái này chê bai tông phái kia làm cho mầm mống chia rẽ xuất hiện và ngày càng lớn dần trong nội bô Phật giáo, tạo điều kiện để các thế lực lợi dụng chống đối mà quên mất rằng hình thức tu tập, ngôn ngữ giảng giải cũng chỉ là phương tiện giống như ngón tay chỉ mặt trăng, cái chúng ta cần nhìn thấy là mặt trăng chứ không phải ngón tay.

Thế Tôn đã dạy “Ai thấy Ta (Như Lai) là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Ta”[17], pháp chính là pháp tính, là duyên khởi, là chân lý vũ trụ. Từ ý nghĩa này mà nói thì nếu cứ bám chặt vào pháp tu như niệm phật, ngồi thiền, trì chú… mà không hiểu được pháp tính thì người tu cũng không khác gì một người máy, chỉ cần lên dây cót là có thể nói ra rả cả ngày một câu, một kệ, một niệm đã được cài đặt mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa. Tu như vậy cả đời cho là mình có thâm niên tu tập nhưng thật uổng phí. Cũng vì điểm này mà thiền tông chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. Đó cũng là nguyên nhân trong giai đoạn của Phật giáo Đại thừa pháp tứ y được hình thành: y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức, trong khi Phật giáo Nguyên thuỷ chỉ có y pháp bất y nhân.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Quang Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

CHÚ THÍCH: [1] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1: 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.179. [2] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.663. [3] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2: 26. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.354. [4] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1: 28. Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, NXB: Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr 243. [5][5] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2: 135. kinh Tiểu nghiệp phân biệt, NXB: Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 539-543 [6] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2: 136.. kinh Đại nghiệp phân biệt, NXB: Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 539-543 [7]  Cao Hữu Đính, Văn Học Sử Phật Giáo, NXB.Thuận Hóa, 1996, tr. 35-36. [8] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1: 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.173. [9] H.T Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Ba - Phẩm Dược Thảo Dụ Thứ Năm, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.188 [10] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1: 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.178 [11] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1: Chương III Ba Pháp VII. Phẩm Lớn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.338. [12] H.T Ấn Thuận, thích Phước Sơn & Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử Biên tập Thánh điển nguyên thuỷ, NXB. Phương Đông, 2015, tr.44. [13] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương IV Bốn Pháp XVI. Phẩm Các Căn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 95. [14] Tuệ Sỹ dịch, Trung A Hàm, NXB. Tôn giáo Hà Nội, 2008, tr 861. [15] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi bộ 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.653 [16] Lữ Trưng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc,  NXB. Hồng Đức , 2018, tr. 122 - 124 [17] H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1982, tr.144.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh,1991. 2. H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1: 28. Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, NXB: Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 3. H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996. 4. H.T Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1982. 5. Tuệ Sỹ dịch, Trung A Hàm, NXB. Tôn giáo Hà Nội, 2008. 6. Cao Hữu Đính, Văn Học Sử Phật Giáo, NXB.Thuận Hóa, 1996. 7. H.T Ấn Thuận, thích Phước Sơn & Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử Biên tập Thánh điển nguyên thuỷ, NXB. Phương Đông, 2015. 8. Lữ Trưng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, NXB. Hồng Đức 2018.