Con đường thực hành trong Phật giáo không phải là một hành trình trừu tượng, thần bí mà là một quá trình chuyển hóa sâu sắc những yếu tố tồn tại ngay trong tâm mỗi người để hướng tới sự giác ngộ. Nhưng làm thế nào để sự chuyển hóa sâu sắc như thế có thể diễn ra?
Tám thức trong Duy Thức tông
Năm thức thứ nhất là năm thức giác quan. Các giác quan hay gọi là các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân không thể phân biệt âm thanh, màu sắc mà các thức giác quan chỉ là cánh cửa của nhận thức. Chính các thức giác quan mới phân biệt các đối tượng, hình ảnh. Thức thứ nhất là nhãn thức. Thức thứ hai là nhĩ thức có chức năng nghe âm thanh. Thức thứ ba là tỷ thức liên quan tới căn mũi trên cơ thể và có chức năng phân biệt các mùi. Thức thứ tư là thiệt thức. Khi nếm một vị, không phải lưỡi phân biệt được các vị mà chính là thiệt thức thực hiện chức năng này. Thức thứ năm là thân thức, liên quan tới xúc giác của thân và nhận thức về sự tiếp xúc. Nhận thức không diễn ra ở các căn mà ở tâm. Năm giác quan với các thức tương ứng gọi là bên ngoài và có thể dễ dàng thấu hiểu được bởi vì các giác quan này có thể nhìn, cảm thấy và mô tả. Thức thứ sáu được gọi là ý thức hay “thức ở bên trong” vì liên quan đến các trải nghiệm cá nhân như buồn vui, hạnh phúc hay khổ đau. Một số người cho rằng tất cả các tư tưởng, trí nhớ, ký ức, hình ảnh về tương lai đều diễn ra trong bộ não. Nhưng trên thực tế việc lưu chứa quá khứ, phản ánh hiện tại và lên kế hoạch tương lai với hạnh phúc, khổ đau, bất mãn đều diễn ra ở thức thứ sáu. Mỗi thức có một chức năng riêng. Ví như, nhãn thức tiếp nhận hình ảnh đối tượng, nhĩ thức tiếp nhận âm thanh. Mỗi giác quan và mỗi thức tương ứng có một chức năng riêng. Các giác quan và các thức tương ứng không có chức năng phân biệt và đánh giá nhận thức. Nhãn thức chỉ thuần túy nhìn những sự vật có hình sắc, tỷ thức chỉ ngửi mùi mà không có năng lực phân biệt giữa các mùi. Chính thức thứ sáu mới có khả năng phân biệt, đánh giá vì vậy thức thứ sáu còn được gọi là “có suy nghĩ”. Thức thứ bảy hay còn được gọi là Mạt na thức là “tâm gây đau khổ”. Dù một người đang thức hay ngủ, hạnh phúc hay khổ đau, tâm luôn đi kèm với cảm giác có một cái tôi đang tồn tại và thực thể này luôn gắn chặt với mọi thứ diễn ra xung quanh bất kể trải nghiệm hay bất kể thời gian nào. Thức này giống như một cầu nối giữa thức thứ sáu và thức thứ tám. Nó trải nghiệm và luôn giả định có một cái ngã tồn tại thực sự. Thức thứ tám được ví như kho lưu chứa mà từ đó tất cả các thức khác phát sinh, khi gặp hoàn cảnh phù hợp. Thức thứ tám được phân thành hai loại theo khả năng: thứ nhất, nhận biết mọi việc đang diễn ra; thứ hai, lưu giữ và ghi lại tất cả chủng tử, tập khí được tích chứa qua các hành động của thân và tâm. Thức thứ tám còn được gọi là thức nền tảng hay tạng thức bởi đây là nền tảng mà tất cả các thức khác khởi sinh. Chức năng của thức thứ tám là lưu trữ tất cả chủng tử tiềm tàng cho thức thứ sáu tạo ra. Nếu một người làm việc thiện, lợi ích thì sẽ được lưu giữ trong thức thứ tám là những chủng tử thiện ẩn tàng sau này tạo ra những quả báo là các thiện nghiệp. Ngược lại nếu làm việc xấu ác như sát sinh, trộm cắp, sẽ gieo những chủng tử bất thiện, tạo ra các khuynh hướng nghiệp tiêu cực cho bản thân không chỉ hiện đời mà nhiều đời kế tiếp. Là chúng sinh phàm tình, con người nhận thức mọi sự vật thông qua tám thức nhưng do bị chi phối bởi các phiền não nên dẫn tới những hiểu biết lầm sai về thế giới và bản thân. Bản chất của các thức là bất tịnh, gây nên khổ đau, đặc biệt thức thứ tám là nguồn cội của luân hồi. Giáo pháp Duy thức khẳng định cần có trí tuệ hiểu biết và chuyển hóa tám thức thành năm trí tuệ trên các đạo lộ tu tập.Đại viên cảnh trí
Khi thức thứ tám được chuyển hóa, Đại Viên cảnh trí sẽ hiển lộ, khi ấy bản thân mỗi người và môi trường bên ngoài sẽ được nhận thức một cách khách quan giống như sự phản chiếu trong gương. Do bản chất của thức thứ tám, thế giới bên ngoài dường như hiển diện một cách chắc thực, mãi mãi như vậy. Thêm nữa thức thứ tám cũng làm hiển khởi các đối tượng bên trong của tâm, coi chúng như là các phần cố hữu của bản ngã, đây là nhân khởi sinh các phiền não trong tâm như tham ái, sân hận. Nhưng khi thức này được chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí thì sẽ không còn các hiển khởi của luân hồi nữa. Trạng thái này được mô tả giống như một chiếc gương phản chiếu một cách sinh động, đa dạng, đầy đủ rõ ràng mọi sự vật mà không có sự bám chấp của bản ngã. Không có sự bám chấp, hiện khởi tư tưởng về cái tôi và sở hữu của tôi, cho nên mọi sự vật, hiện tượng được hiện khởi một cách chân thực và rõ ràng. Bất kể đối tượng có là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai chính theo bản chất của các vật đó. Nó sẽ không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng tán thán bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu kia. Không có sự phản chiếu nào trong chiếc gương gắn liền vào nó, cũng không có sự phản chiếu nào khước từ nó. Chiếc gương luôn giữ được sự tĩnh tại, bất biến dù trong bất kỳ hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi. Đại viên cảnh trí là trạng thái tự do khỏi các ảo tưởng, thấy biết các kinh nghiệm, khát ngưỡng, mong cầu của mọi chúng sinh rõ ràng giống như được phản ánh trong gương. Thông thường con người chỉ có thể nhìn thấy những gì ở phía trước mình nhưng trí tuệ này cho phép hành giả thấy biết mọi vật ở tất cả phương diện, góc độ mà không chút sai lầm bởi mọi góc cạnh và phương diện đều được soi chiếu rõ ràng. Nếu như Thành sở tác trí có sự biến đổi vì phụ thuộc vào nhu cầu, căn cơ chúng sinh thì Đại viên cảnh trí không có sự biến đổi mà bất biến, liên tục hiện diện và vĩnh hằng giống như tính chất của thức thứ tám – thức nền tảng. Bất kỳ sự vật nào dù là lợi lạc, có hại hay không đều hiện khởi trước trí tuệ này một cách rõ ràng, liên tục và bình đẳng không có bất kỳ chút ý niệm phân biệt ta với người, chủ thể với khách thể.Trí tuệ Bình đẳng
Bình đẳng tính trí là kết quả của Thức thứ bảy được chuyển hóa. Thức thứ bảy sở hữu khả năng chấp ngã vi tế, tạo sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Sự phân chia này tạo nên những tham muốn cho bản ngã. Khi bị chi phối bởi bám chấp vào niềm tin rằng bản ngã tồn tại chắc thật thì mọi thứ trở nên đáng sợ và con người trở nên nhút nhát. Thậm chí nếu một hòn đá nhỏ bay về phía họ, ngay lập tức sợ hãi khởi hiện. Đó là bởi vì sự bám chấp vào bản ngã và sợ hãi bản ngã bị làm tổn thương. Tham muốn cái tôi phải có được những thứ bất chấp điều kiện bên ngoài là thế nào tạo ra những phiền não như sân hận, ganh tỵ và ngã mạn. Con người muốn bảo về bản thân mình nên dẫn tới sân hận và bất mãn. Họ muốn khám phá rằng người khác, đặc biệt những người họ cảm thấy không tốt đẹp, cao quý bằng mình, nhưng lại đang sở hữu những thứ họ mong muốn và như thế ganh tỵ hiện khởi. Cuối cùng sự chia tách này làm họ cảm thấy rằng mình luôn cao quý hơn, tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn người khác và điều này dẫn tới ngã mạn. Thức thứ bảy là nhân dẫn tới những tranh đấu không ngừng trong luân hồi. Khi những tư tưởng trên được tịnh hóa, trí tuệ bình đẳng sẽ thành tựu và không còn tư tưởng bám chấp bản ngã với đối tượng bên ngoài, không còn sự phân biệt giữa tốt-xấu, thù-bạn, cao quý-thấp hèn. Khi ấy mọi sự vật, hiện tượng sẽ hiện khởi một cách bình đẳng và thuần tịnh, vắng bặt những phiền não, những phân biệt nhị nguyên như hạnh phúc với khổ đau, luân hồi và Niết bàn. Mặc dù vậy năng lực này không có nghĩa là người thực hành không thấy biết được tốt và xấu, khổ đau và hỷ lạc, phiền não và an lạc. Bước chuyển hóa này diễn ra ở ngôi vị Bồ tát bát địa và thành tựu qua định lực vô úy, phẩm chất này được so sánh với sư tử, một loài vật không bị khuất phục bởi bất kỳ loài động vật nào.Diệu quan sát trí
Thức thứ bảy có hai phương diện: phương diện nhiễm ô và trung gian. Như đã phân tích ở trên, phần Thức nhiễm ô chuyển hóa thành Bình đẳng tính trí ở Địa thứ tám, tuy nhiên phương diện trung gian cùng với Thức thứ sáu chuyển hóa thành Diệu quan sát trí. Diệu quan sát trí là năng lực thấy biết được mọi đặc điểm, phẩm chất riêng biệt của mỗi sự vật, hiện tượng trong tính đa dạng của tổng thể pháp giới. Thức thứ sáu đưa ra quyết định, phân biệt tốt với xấu, và các cảm giác vô ký, tư tưởng hy vọng, sợ hãi. Tất cả các tư tưởng này khởi hiện trong Thức thứ sáu. Khi sự si mê của Thức này được tịnh trừ, tri thức về bản chất chân thực của thế giới và tri thức về sự vận hành của mọi sự vật, hiện tượng sẽ được hiện khởi. Trí tuệ này cho phép thấy biết đặc điểm, chi tiết và bản chất của từng sự vật, hiện tượng. Tất cả các kinh nghiệm của sáu Thức đều được thấy biết một cách chi tiết, rõ ràng và chân thực. Lấy lông con công làm ví dụ. Với các Thức giác quan, sẽ rất dễ phân biệt màu xanh, màu trắng, màu vàng và hình dạng lông con công. Nhưng nếu đặt câu hỏi tại sao lông con công có màu sắc đẹp đẽ như thế thì không thể có câu trả lời chính xác được. Nhưng với Diệu quan sát trí, sẽ cho phép nhận biết chính xác đặc điểm, bản chất từng sự vật và những nhân tạo nên những đặc điểm đó.Thành sở tác trí
Thành sở tác trí là trí tuệ thành tựu các Phật hạnh hay nói cách khác là thành tựu những công hạnh lợi lạc cho chúng sinh ở vô số các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt năng lực điều phục mọi chướng ngại bên ngoài và bên trong tâm để thành tựu tất thảy các mục đích của giáo pháp. Khi Thức của năm giác quan được hoàn toàn tịnh hóa, Thành sở tác trí sẽ hiển lộ. Trí tuệ này đạt được ở địa Bồ tát thứ nhất và tiếp tục hoàn thiện qua các thứ lớp địa tiếp theo. Trí tuệ này cho phép thấu hiểu được căn cơ, trình độ của mỗi chúng sinh và cần phải làm gì để hướng đạo cho họ trên đạo lộ giải thoát. Trên thực tế, các giác quan và các thức tương ứng rất giới hạn. Ví dụ khi một người ở trong một căn phòng, các giác quan của anh ta có thể cho anh ta biết những gì đang diễn ra trong căn phòng nhưng không thể thấy được những gì diễn ra ngoài căn phòng. Cũng như vậy khi nhìn vào mọi người, chúng ta không thể biết hết được tất cả các tâm nguyện, mong muốn và năng lực của từng người, như vậy sẽ rất khó làm lợi lạc cho họ một cách tối đa. Tuy nhiên khi các giác quan và các thức tương ứng được chuyển hóa, Thành sở tác trí hiển lộ. Trí tuệ này cho phép thấy biết được bản chất thực sự của vạn pháp và thấy bản chất người khác, thấy trạng thái tâm của họ, mong muốn, khát vọng, căn cơ của họ và thấy biết được cần phải giúp họ như thế nào để lợi lạc nhất. Trí tuệ này cho phép ta giải thích vì sao đức Phật có năng lực thấy biết một cách đầy đủ năng lực của các đệ tử, các phương pháp giáo hóa cần thiết với từng đối tượng, như thế Ngài có thể tự nhiên thành tựu các tâm nguyện lợi ích chúng sinh.Trí tuệ Pháp giới
Thức thứ tám có năng lực trải nghiệm khoảnh khắc hiện tiền và có năng lực lưu chứa các tập khí, thói quen tích lũy được bởi các thức khác. Phương diện thứ hai của Thức thứ tám là lưu chứa các thói quen. Bất kỳ làm việc gì, nó phản ứng với các hành động trong quá khứ được lưu chứa trong thức nền tảng. Khi thức này được chuyển hóa, người thực hành không còn phản ứng với các khuynh hướng này nữa, khi ấy trí tuệ pháp giới hiển lộ. Bản chất thức thứ tám là phiền não, si mê, không phải bản chất chân thực của thực tại. Nó là kho lưu chứa mọi khuynh hướng hiện khởi luân hồi. Nếu như thức thứ tám là nguồn gốc của tất thảy hiện cảnh lầm sai của thế giới thì Trí tuệ pháp giới là nguồn gốc khởi sinh các trí tuệ khác. Pháp giới bởi có nghĩa là nền tảng, không thoái thất, vững bền, không phải là một trạng thái hư vô, thiếu sức sống mà thực chất hàm chứa tất cả các phẩm chất thiện lành, tình thương, lòng bi mẫn, bình đẳng... Trí tuệ pháp giới không phải là trạng thái thờ ơ, vô cảm mà năng lực thấu hiểu bản chất chân thực của vạn pháp, từ đó khởi sinh năng lực của từ bi, bình đẳng, lợi tha và an lạc. Như vậy khi tâm còn chịu sự chi phối bởi các phiền não, con người vẫn sẽ phải mãi lang thang trong sáu đạo luân hồi khổ đau. Vậy họ có thể vượt thoát được những khổ đau này không? Giáo pháp Duy thức đã khẳng định rõ ràng nếu không hiểu tám thức và năm loại trí tuệ, người thực hành sẽ không thể biết cách thức thực hành, mục tiêu sẽ đạt tới và như thế sẽ lại trôi lăn trong luân hồi. Nhưng một khi tám thức được chuyển hóa, năm loại trí tuệ sẽ hiện khởi, những khổ đau, bất tịnh sẽ được chuyển hóa thành an lạc, thanh tịnh, Niết bàn, người thực hành chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu trên các đạo lộ thập địa và dẫn tới quả vị Phật. Vậy bằng cách nào có thể chuyển hóa tám thức thành năm trí tuệ trên con đường đạo. Câu trả lời là phải biết nuôi dưỡng các dòng tâm thanh tịnh, điều phục các dòng tâm bất tịnh. Trước hết người thực hành nuôi dưỡng niềm tin kính nơi giáo pháp của đức Phật, ở mức độ ban đầu, cần tích lũy trí tuệ và công đức, thấu hiểu sự vận hành của các dòng tâm. Biết lắng nghe, tư duy về giáo pháp là nhân dẫn tới Đại viên cảnh trí; thiền định, làm lợi ích chúng sinh mà không phân biệt thân hay sơ, bạn hay thù sẽ giúp khai phát Bình đẳng tính trí; chia sẻ giáo pháp với động cơ từ bi và mong nguyện lợi lạc chúng sinh giúp khai phát Diệu quan sát trí; thành tựu các công hạnh lợi tha là nhân của Thành sở tác trí. Cùng với đó là thiền định về bản chất đích thực của thế giới và cái tôi là nhân để có được Pháp giới thể tính trí. Cần nhất tâm, tinh tiến trên những thực hành căn bản đó, dần dần hành giả sẽ trải nghiệm và thể nhập sâu sắc hơn những năng lực trí tuệ trên con đường chân lý mà đức Phật đã chỉ dạy. Tác giả: La Sơn Phúc Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 11/2018TÀI LIỆU TỔNG HỢP: 1. Duy thức học, HT.Thích Thiện Hoa dịch, Hương Đạo xuất bản, 1962. 2. Thích Thắng Hoan, Khảo nghiệm Duy thức học, Tâm lý học thực nghiệm (quyển I), 1998. 3. Thích Thắng Hoan, Khảo nghiệm Duy thức học, Tâm lý học thực nghiệm (quyển II), 2002. 4. Thrangu Rinpoche Geshe Lharampa, The Five Buddha Families and The Eight Consciousnesses (Translated by Peter Roberts), Pub. the Namo Buddha Seminar, 1998. 5. The Dalai Lama, Consciousness at the Crossroads (edited by Zara Houshmand, Robert Livingston, and B. Alan Wallace translations by Geshe Thupten Jinpa and B. Alan Wallace), Snow lion Pub., 1999. 6. The Third Karmapa, Luminous Heart: The Third Karmapa on Consciouness, Wisdom and Buddha Nature (trans by Karl Brunnholzl), The Nitartha, 2009.
Bình luận (0)