Tác giả: Thích Thiện Mãn Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Đặt vấn đề: Từ ngàn xưa đến nay, quan hệ giữa thầy và trò là một trong những mối quan hệ căn bản của con người trong xã hội. Thông qua mối quan hệ nhân văn này, người học trò được kế thừa và phát triển nhiều tri thức của bậc tiền nhân, trau dồi những phẩm chất đạo đức tự thân, rèn luyện năng lực và tính cách chính mình,… góp phần phát triển nhân loại. Người thầy và trò không ngừng nỗ lực hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức, bổn phận và trách nhiệm của tự thân, ngõ hầu thắt chặt quan hệ thầy và trò ngày càng vững bền và tỏa sáng. Tag: ba vị thầy, thầy giáo, thầy thuốc, thầy tâm linh.
NỘI DUNG 1. Tổng quan về ba vị thầy đáng kính 2. Chuẫn mực đạo đức và trách nhiệm của người thầy 3. Phát huy giá trị nhân văn trong đạo nghĩa thầy - trò
1. TỔNG QUAN VỀ BA VỊ THẦY ĐÁNG KÍNH
Thứ nhất là thầy giáo, cha mẹ hoặc người thân trong gia đình là người thầy đầu tiên của chúng ta khi cất tiếng khóc chào đời. Chính vì thế, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết nên bài hát Cô và mẹ như sau: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô đấy hai mẹ hiền”[1]. Lớn lên, con trẻ được học tập rất nhiều kiến thức qua các môn học, trau dồi những phẩm chất đạo đức, học cách ứng xử, rèn luyện thân thể,... từ sự dạy dỗ của mẹ cha cùng nhiều vị thầy trong trường lớp và ngoài xã hội đã tạo nên sự vững chãi tri thức cho bản thân. Tiêu biểu như Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được sống trong sự yêu thương và giáo dục từ người cha của mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc, đã ra nước ngoài học hỏi những kinh nghiệm để cứu nước,…
Thứ hai là thầy thuốc, bệnh tật khi trái gió trở trời, từ trẻ đến già đều phải đến gặp thầy thuốc để chữa trị. Thời Phật còn tại thế, danh y Kỳ Bà (Jīvaka Komārabhacca) không những chữa bệnh trong hoàng cung mà còn chăm lo sức khỏe và bệnh tật của tăng đoàn. Nếu ở Trung Quốc có Hoa Đà, Đổng Phụng, Biển Thước, Trương Trọng Cảnh,… là những vị danh y nổi tiếng thì ở Việt Nam cũng có bảy vị thầy thuốc nổi tiếng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam như thiền sư Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung[2].
Chính nhờ y đức của những người làm công tác y tế, với khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”[3] đã chữa lành bệnh tật của biết bao con người từ trẻ em đến người lớn. Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đội ngũ bác sĩ, y tá và những tình nguyện viên đã xung phong tuyến đầu, hy sinh thầm lặng đêm ngày chăm lo cho nhiều bệnh nhân mắc phải dịch bệnh.
Thứ ba là vị thầy tâm linh, trong sử liệu Phật giáo, hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa từ nhỏ được vua cha Tịnh Phạn (Suddhōdana) cho mời các vị thầy bậc nhất kinh thành vào hoàng cung dạy bốn bộ kinh Vệ Đà (Veda)[4], luyện võ, học văn,… Chứng kiến và đau lòng trước những cảnh khổ nơi trần thế, Tất Đạt Đa (Siddhārtha) đã vượt thành xuất gia, đến học đạo với hai vị đạo sĩ lỗi lạc là Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Cả hai vị đạo sư này đều rất hoan hỷ trước sự học đạo và chứng đắc của Tất Đạt Đa; đồng thời khuyên thái tử ở lại cùng họ lãnh đạo đồ chúng tu học. Nhưng sự chứng đắc tầng thiền Vô Sở Hữu Xứ (Akicancayatanam) và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaĩĩànàsaĩĩàyatana) vẫn còn bị luân hồi, cho nên Tất Đạt Đa đã rời khỏi hai vị đạo sư này, đi tìm con đường giải thoát khổ đau và diệt tận ái dục[5].
Bằng nỗ lực tự thân, Tất Đạt Đa đã chứng thành Phật quả dưới cội Bồ đề. Sau khi Ngài thành đạo, có hai vị thương buôn là Sa Lệ Phú Ba (Tapussa) và Bạc Lê Ca (Bhallika) đến cúng dường, xin quy y đức Phật và chính pháp. Về sau, Tăng đoàn được thành lập, trong đó chư Tăng đầu tiên là năm anh em Kiều Trần Như được đức Phật hóa độ tại vườn Nai, dẫn đến hình thành Tam bảo. Qua đó, đức Phật đã dạy Ma Ha Nam (Mahànàma) về cửa ngõ đầu tiên để xác tín là người đệ tử Phật: “Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người nam cư sĩ”[6]. Chính vì thế, để trở thành người cư sĩ hoặc trước khi thế phát tu học trong chốn thiền môn, chư Tăng Ni đều có thiết lễ truyền trao tam quy này.
Bằng tình thương và trí tuệ, đức Phật Thích Ca đã hóa độ chúng xuất gia và tại gia tu tập giải thoát khổ đau bằng những pháp môn tu tập nên Ngài được hậu thế tôn xưng là Bổn sư. Ngoài ra, trong Phật giáo có hình ảnh đức Phật Dược Sư là vị thầy thuốc tâm linh với mười hai đại nguyện hóa độ chúng sinh tu tập thiện pháp, vượt thoát các ách nạn như “bị bịnh dịch, bị nước khác xâm lăng, bị nội loạn, hay bị nạn tinh tú biến ra nhiều điềm quái dị, nạn nhựt thực, nguyệt thực, mưa gió trái mùa, hay bị nạn quá thời tiết không mưa,...”[7]. Chính điều đó, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) và trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi tăng, ni và phật tử toàn quốc đồng loạt trì tụng Kinh Dược Sư trực tuyến cầu nguyện đại dịch Covid-19 tiêu trừ, mọi sự an lành đến với với nhân dân và đất nước[8].
2. CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI THẦY
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”[9]. Theo tác giả Nguyễn Thị Minh Yến trong bài viết “Chuẩn mực đạo đức của nghề dạy học trong xã hội hiện nay” đã nêu ra năm yếu tố cần thiết của một giáo viên như sau:
1. Phẩm chất chính trị vững vàng, tin tưởng và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
2. Lối sống trong sáng, lành mạnh, đoàn kết, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người; sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng và lịch sự với tất cả mọi người xung quanh.
3. Lòng yêu nghề, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ bản thân và phải đối xử công bằng, minh bạch với tất cả học sinh của mình.
4. Ý thức tổ chức và tính kỷ luật cao.
5. Giữ gìn và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo[10].
Là một kỹ sư tâm hồn trong việc giáo dục, mô phạm đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo đóng vai trò rất lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Nếu ở Trung Quốc có Khổng Tử được tôn xưng là “vạn thế sư biểu” thì ở Việt Nam có nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An. Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi về thầy giáo Chu Văn An rằng: “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ... Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ”[11].
Đối với người thầy thuốc, vào ngày 06/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ về 12 điều y đức của người làm công tác y tế như sau:
1. Lương tâm và trách nhiệm cao, rèn luyện đạo đức, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng vượt khó và bảo vệ sức khỏe mọi người.
2. Tôn trọng pháp luật và tuân thủ quy định ngành y.
3. Tôn trọng quyền được khám và chữa bệnh của người dân.
4. Tiếp xúc bệnh nhân và gia đình bệnh nhân phải niềm nở; trang phục chỉnh tề và sạch sẽ.
5. Kịp thời chẩn đoán và xử trí khi cấp cứu, không đùn đẩy người bệnh.
6. Kê đơn đúng và bảo đảm thuốc an toàn, không vì lợi ích cá nhân.
7. Tận tình theo dõi và xử trí kịp thời diễn biến của người bệnh.
8. Dặn dò và hướng dẫn người bệnh khi xuất viện.
9. Với người bệnh tử vong, người làm công tác y tế phải cảm thông, chia buồn; đồng thời hướng dẫn và giúp đỡ họ hoàn thành một số thủ tục cần thiết.
10. Trung thực, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong công tác y tế.
11. Khi sai sót phải biết nhận lỗi và sửa đổi.
12. Tích cực tham gia các công tác tuyên tuyền của ngành y tế như phòng chống dịch bệnh, môi trường trong sạch,…[12].
Vào ngày 09/12/1999, Bộ trưởng Bô Y Tế Đỗ Nguyên Phương cũng ban hành Quyết định số 3923/QĐ-BYT đã y theo “9 điều y huấn cách ngôn” trong tác phẩm Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để làm quy định đạo đức cho ngành y dược cổ truyền:
1. Tranh thủ thời giờ nhàn rỗi mà nghiên cứu sách thuốc xưa nay.
2. Khi thăm bệnh, xét mức độ cần kíp và không phân biệt giàu hay nghèo.
3. Xem bệnh cho người nữ cần phải có người nhà, tránh sự nghi ngờ và hậu quả tà dâm.
4. Luôn nghĩ đến việc giúp người.
5. Đối với bệnh nguy cấp, cần phải thông báo rõ cho gia đình người bệnh biết rồi điều trị.
6. Thuốc điều trị thuộc loại tốt.
7. Đối với đồng nghiệp, luôn có thái độ khiêm tốn, kính cẩn, hòa nhã và giúp đỡ nhau.
8. Với gia đình khốn khó, những người mồ côi, những người sống nhân hậu,… cần quan tâm giúp đỡ hơn so với gia đình giàu có hoặc những người sống phóng đãng. 9. Giữ tiết khí, tích âm đức[13].
Ngoài ra, Hiệp hội Y khoa Thế giới (World Medical Associtation) cũng đã liệt kê 12 nhiệm vụ chung, 7 trách nhiệm với người bệnh và 3 trách nhiệm với đồng nghiệp đối với người làm công tác y tế trong bài viết “The WMA International code of medical ethics” (Quy ước của Hiệp hội Y khoa thế giới về đạo đức ngành y)[14] nhằm xây dựng những nguyên tắc đạo đức trong y khoa, bảo vệ sức khỏe người bệnh, và cải thiện đời sống trong cộng đồng.
Trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (số 31) thuộc Kinh Trường Bộ, đức Phật đã dạy Thi Ca La Việt (Singàlaka) về năm cách mà bậc sư trưởng đối với đệ tử như sau:
1. Khéo huấn luyện những gì mình đã được.
2. Khéo bảo trì những gì mình đã được.
3. Dạy thuần thục nghề nghiệp.
4. Khen đệ tử với bạn bè của mình.
5. Bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử[15].
Đồng thời, vị thầy tâm linh (Sa môn, Bà La Môn,…) cũng cần phải có năm trách nhiệm đối với tín đồ đệ tử: “Ngăn họ làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời”[16]. Về mặt đạo đức, theo Kinh Tăng Chi Bộ, người thầy cần phải “sống chế ngự của giới bổn Pattimokka, đầy đủ uy nghi chính hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp; nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, cất chứa điều được nghe;… có khả năng đoạn trừ đúng pháp ác tác khởi lên,…”[17]. Bên cạnh đó, bậc đạo sư cần phải “khiến cho các đệ tử xa lìa những điều ác, tăng trưởng các điều thiện, chí tâm dạy bảo như con một, không cầu báo đáp ơn nghĩa, không mong cầu tiếng khen, lợi dưỡng; cũng không cầu cho mình được an vui”[18]. Vì căn tánh của các học trò rất đa dạng, nên vị thầy tâm linh sẽ có những cách thức dạy bảo khác nhau. Tiêu biểu như đức Thế Tôn quan tâm đến sức khỏe và đời sống Tăng đoàn như y áo, sàng tọa, dược phẩm,… nhưng cũng có lúc dùng hình thức đuổi đi để thức tỉnh Tỳ kheo Vakkali. Điều này được Kinh điển Bắc truyền khẳng định rằng: “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không giáo dục là một trọng tội”[19].
3. PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG ĐẠO NGHĨA THẦY - TRÒ
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”[20]. Cho nên, vị thầy trần thế hay tâm linh phải là người kiện toàn đạo đức, tri thức, tình thương,… để dạy dỗ người học trò hay đệ tử của mình. Đồng thời, người học trò phải có tinh thần hăng hái học tập, trau dồi tri thức và kiện toàn đạo đức tự thân. Hình ảnh Tôn giả Ananda trong suốt 25 năm thị giả đức Thế Tôn không có chút nào lơ là hay bất kính: “Ananda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỳ kheo đệ nhất về năm phương diện: đa văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì, và sự hầu hạ chu đáo”[21].
Một số hình ảnh tiêu cực như giáo viên nhậu nhẹt rồi ẩu đả nhau, thầy cô và học trò đánh nhau, bạo lực của các học sinh, thầy cô nâng điểm thi, giáo viên gạ gẫm học trò của mình, các em chơi game online,… là mối lo ngại hiện nay cần khắc phục. Người học trò cần được thầy cô quan tâm dạy dỗ đúng mực. Tặng phẩm lớn nhất trong ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) là những món quà gửi gắm sự biết ơn. Và trong Phật giáo cũng đề cao tinh thần tri ân và báo ân của người học trò đối với người dạy dỗ mình.
Tóm lại, trong dòng chảy phát triển tri thức của nhân loại, quan hệ thầy và trò mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Ba vị thầy đáng kính: thầy giáo, thầy thuốc và vị thầy tâm linh không ngừng phát triển những chuẩn mực đạo đức tự thân, tri thức hay trí tuệ, và tình thương bao la, đã thắp lên ánh sáng cho bao thế hệ học trò, rất nhiều người bệnh và tất cả chúng sinh. Đồng thời, người học trò cần phải nỗ lực hoàn thiện đạo đức và bổn phận của mình trong quá trình học tập hoặc học đạo. Việc duy trì, phát triển bền vững tình thầy - trò góp phần tỏa sáng học đường, hoặc chốn thiền môn,… đào tạo thế hệ tương lai tiếp bước cho Phật giáo nói riêng và đất nước nói chung từ ngàn xưa cho đến mãi về sau.
Tác giả: Thích Thiện Mãn Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM --------------------CHÚ THÍCH: 1. Nguyên Khôi (đăng năm 2010), “Cô và mẹ”, Lời bài hát. Truy cập 01/11/2021, từ http://www.lyrics.vn 2. Nhung Dương (9/2021), “7 Danh y kiệt xuất trong lịch sử y học Việt Nam”, Tạp chí Đông Y. Truy cập 01/11/2021, từ https://www.tapchidongy.org. 3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1954-1955), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 343. 4. Bốn bộ kinh Vệ-đà: Rig-Veda (các bài ca tụng), Sama-Veda (những bài ca vịnh khi hành lễ), Yajur-Veda (một số nghi thức tế lễ), Atharva-Veda (các bài chú nguyện). 5. Nārada Maha Thera (2020), Đức Phật và Phật pháp (tái bản lần thứ mười hai), Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 29-38. 6. ĐTKVNNT (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Thích Tử Mahànàma, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 340. 7. Pháp sư Huyền Trang (Hán dịch), Thích Huyền Dung (Việt dịch) (2015), Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 99. 8. Diệu Nghiêm (7/2021), “6g sáng mai 27-7, Trung ương GHPGVN kêu gọi các chùa đồng loạt tụng kinh Dược Sư”, Giác Ngộ online. Truy cập 01/11/2021, từ https://giacngo.vn. 9. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1959-1960), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 286. 10. Nguyễn Thị Minh Yến (9/2020), “Chuẩn mực đạo đức của nghề dạy học trong xã hội hiện nay”, Trường Mầm non Song Khê. Truy cập 01/11/2021, từ http://mnsongkhe.tpbacgiang.edu.vn. 11. Nhiều tác giả (2001), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 263. 12. Đỗ Nguyên Phương (11/1996), “12 điều y đức - Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế”, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế. Truy cập 01/11/2021, http://kcb.vn/y-duc. 13. Phan Công Tuấn (dịch) (02/2013), “Y huấn cách ngôn”, Đà Nẵng online. Truy cập 01/11/2021, từ https://baodanang.vn. 14. World Medical Association (10/2006), “The WMA International Code Of Medical Ethics”, Hiệp hội Y khoa Thế giới. Truy cập 01/11/2021, từ https://www.wma.net. 15. ĐTKVNNT (2018), Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 628. 16. ĐTKVNNT (2018), Sđd., tr. 629. 17. ĐTKVNNT (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Mười pháp, phẩm Upali và Ananda, Kinh Cụ Túc Giới, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 581-82. 18. Pháp sư Đàm Vô Sấm (Hán dịch), Linh Sơn Pháp Bảo (Việt dịch) (2019), Kinh Ưu Bà Tắc Giới, quyển 3, phẩm 13: Thâu giữ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 103. 19. Thích Trí Thủ (2006), Yết ma yếu chỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 82. 20. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1959-1960), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 269. 21. ĐTKVNNT (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 2, Trưởng lão Tăng kệ, chương Mười bảy: phẩm Ba mươi kệ, Kinh Ananda, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 472
Bình luận (0)