Xuân trong tâm, hay niềm an lạc phát xuất từ tâm thanh tịnh, trí sáng suốt giúp cho hành giả luôn luôn có được mối giao hòa với cảnh sống thiên nhiên một cách tự tại, tiếp nhận được sự tương thông mật thiết giữa mình với thiên nhiên, giữa mình với Phật.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Chùa Vương Xá, đường Ngô Huy Diễn, P.5 Tp.Đà Lạt
Trong thế giới sinh diệt, tất cả mọi người đều phải trải qua bốn tướng vô thường của con người là sinh, già, bệnh, chết và thời tiết trong trời đất cũng lần lượt đổi thay với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, trổ hoa xinh tươi, khí trời ấm áp, bừng lên sức sống vui tươi cho vạn vật và con người, nên mùa này được người đời gọi là chúa Xuân.
Chữ Xuân trong văn hóa Trung Quốc được kết hợp bằng ba chữ là tam, nhân và nhật, nghĩa là ba người đồng hành dưới ánh nắng mặt trời cùng vui Xuân. Nói cách khác, con người hội tụ, quây quần để cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp của vạn vật trong mùa Xuân, sau ba tháng chịu đựng cái giá rét của mùa Đông[1].
Tuy nhiên, trước cảnh thiên nhiên vui tươi như vậy mà cũng có những người chẳng những không hòa được cùng niềm vui của đất trời; trái lại, tâm hồn họ ảm đạm, buồn bả. Tâm sự u buồn này thể hiện qua câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: “Xuân sang mà vẫn là Thu trong lòng”[2].
Vì sao họ không thưởng ngoạn được cảnh Xuân như thế. Với người bình thường, phong cảnh bên ngoài vui thì lòng họ vui theo. Nhưng người không bình thường, vì tâm hồn đang sầu não quá mức, mùa Xuân vui tươi cũng trở nên tàn úa như mùa Thu. Hoặc người mãi mê đuổi theo danh lợi, được mất, chẳng có thì giờ vui Xuân, cái tâm tính toán làm cho cặp mắt họ bị mờ đi trước cảnh Xuân xinh tươi, nói chi đến tiếp nhận được nguồn vui Xuân.
Hoặc người bất mãn, bực tức, thì gió Xuân mát dịu cũng không hưởng được, vì họ đang lao mình vào cảnh hừng hực nóng bức của mùa Hạ. Đó là những tâm trạng vui buồn của người đời đối trước mùa Xuân của vạn vật.
Riêng hành giả bước theo dấu chân Phật, làm chủ được tâm mình, không bị sự tác động của ngoại cảnh. Nói cách khác, dù cảnh vật bên ngoài không còn là Xuân, mà đang là Đông giá buốt hay Hạ nóng bức, hoặc Thu ảm đạm, hành giả vẫn có cho riêng mình mùa Xuân của đức Phật.
Thật vậy, sống với mùa Xuân của đức Phật, từng bước chân đi nở hoa sen, tức cảnh vui bên ngoài hiện hữu theo bước chân hành đạo, mà đó cùng là đóa hoa thanh tịnh đã nỡ ra trong tâm hành giả. Hai niềm vui này hỗ tương cho nhau. Từ đó, an trú trong cảnh Xuân theo Phật, mùa Đông lạnh lẽo, hành giả vẫn luôn cảm thấy ấm áp như mùa Xuân. Khi phiền não lắng yên, hoàn cảnh khắc nghiệt bên ngoài như thế nào, hành giả vẫn có được niềm hỷ lạc.
Xuân trong tâm, hay niềm an lạc phát xuất từ tâm thanh tịnh, trí sáng suốt giúp cho hành giả luôn luôn có được mối giao hòa với cảnh sống thiên nhiên một cách tự tại, tiếp nhận được sự tương thông mật thiết giữa mình với thiên nhiên, giữa mình với Phật. Chính sự gắn bó vô hình này đã tạo cho tôi sức mạnh vô biên, khiến cho từng bước chân đi trong tuyết lạnh cảm thấy hỷ lạc như đang dạo chơi trong rừng hoa anh đào rực thắm.
Mùa Xuân thiên nhiên luôn đổi thay theo định luật vô thường, hoa nở rồi tàn, cảnh đẹp rồi úa, muôn vật không thể nào giữ mãi sức sông tươi trẻ. Còn mùa Xuân của thế nhân cũng không hơn gì, bên ngoài luôn chịu sự chi phối của ngoại cảnh, bên trong luôn bị bức bách ràng buộc bởi tâm tham vọng, mê mờ, chấp chước.
Vì thế, người đời hết vui đến buồn, không thể an vui lâu dài; tâm trí giao động liên tục, sự thấy biết không thể chính xác, nên khổ đau cũng nối tiếp nhau triền miên. Chỉ có mùa Xuân của hành giả an vui trụ pháp Phật là vĩnh hằng bất tử, tiềm ẩn nguồn sống an lạc bất tận từ Pháp giới cho đến hiện hữu an lành, hỷ lạc ngay trong cuộc sống ở cảnh ta bà này. Thiền sư Bổn Tịnh có nói bài kệ:
Một năm xuân trọn một năm xuân, Hoa nội cỏ đồng tươi mấy lần. Trời sáng chẳng do chuông trống động, Trăng lên đâu bởi khách đi đêm[3].
Trời sáng thì trong chùa thường đánh chuông trống, nhưng có phải là trời sáng để chùa đánh chuông trống không? Đúng thời tiết nhân duyên thì trời sáng. Cũng vậy, không phải trăng cố ý sáng để soi rọi cho người đi đêm mà đúng thời tiết nhân duyên thì trăng sáng. Khi mùa xuân về thì hoa nở, đó cũng là đúng thời tiết nhân duyên, chứ không phải đợi hoa nở mới có xuân.
Qua bốn câu thơ đó, Thiền sư Bổn Tịnh chỉ cho chúng ta thấy phải dứt hết chấp ngã sở, tức bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào mình. Trong nhà Phật dùng danh từ chuyên môn “pháp nhĩ như thị” tức là các pháp như vậy. Các pháp không thuộc vào ai hết, không bị cái gì chi phối, nó là nó, nếu bắt nó lệ thuộc là điều không thể.
Chúng ta biết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa có là do sự xoay vần của trái đất chớ không phải vì chúng ta mà có. Bốn mùa là thiên nhiên sẵn như vậy chớ không phải vì chúng ta. Chúng ta biết làm việc sao cho phù hợp với bốn mùa, đó là chúng ta khôn ngoan biết sống.
Người thế gian thì thích tuổi thanh xuân, thích cái nắng ấm và sức sống của mùa xuân, không mấy ai thích cái nóng bức của mùa hè, cái tàn úa của mùa thu và sự lạnh lùng khi Đông đến. Chính vì vậy mà vui khi xuân đến, buồn khi xuân đi. Đó chính là chỗ con người đánh mất đi cái giá trị sống của mình.
Hầu hết con người chúng ta thường rơi vào những trường hợp tương tự, đợi thời gian qua đi rồi mới hối tiếc, vậy tại sao ngay hiện tại, ngay khi đang sống đây lại không chịu sống một cách thực sự có ý nghĩa mà chỉ nhớ về cái đã qua.
Cái gì qua thì đã qua rồi, ngay lúc này, ngay chỗ này nên sống cho trọn vẹn để sau này không tiếc nuối. Chính vì để mất đi giá trị sống ngay lúc thực tại mà chúng ta bị những cái xoay vần của cuộc đời làm cho xao động mãi không yên.
Nhưng đối với người tu học, nếu có cái nhìn đúng về mùa xuân, về sự đến đi biến thiên của cuộc đời thì ngay nơi con người học đạo của chúng ta sẽ có được một thiên đường đủ rộng, đủ lớn, dung chứa được tất cả những nỗi niềm của cuộc đời, có được một mùa xuân thực sự an vui, miên viễn, chứ không phải chỉ có mùa xuân của đất trời đến đi sinh diệt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thể hiện rõ sự vươn lên khỏi thời còn mê chưa giác ngộ:
“Thuở bé chưa từng rõ sắc không Xuân về hoa nở rộn trong lòng Chúa xuân nay bị ta khám phá Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng” [4].
Không phải chỉ có mùa xuân bên ngoài của đất trời mà còn đây một mùa xuân không động nơi tự tính mỗi chúng ta. Ngay đó, chúa xuân đang hiển hiện, bàng bạc khắp tất cả chỗ. Lâu nay, mình cứ từ chỗ này sang chỗ khác đi tìm những đạo lý siêu huyền, trăn trở bao năm để tìm đạo giác ngộ giải thoát, nhưng không ngờ cuối cùng giác ngộ lại ngay cái đang thấy, đang nghe, đang nói đây.
Đi muôn dặm trường để tìm một cái mà khi hay ra, cái ấy lại ở ngay dưới chính gót chân mình. Đời Đường, có Thiền sư ni, hiệu là Mai Hoa Ni có làm bài thơ xuân:
“Cả buổi tìm xuân chẳng thấy xuân Giầy gai đạp nát, đỉnh mây vần Trở về cười ngất hương mai rộ Xuân ở đầu cành rõ mười phần”[5].
Suốt ngày đi tìm xuân ở chỗ này, chỗ kia, tìm đến rách giầy, sờn áo mà vẫn không thấy. Khi mệt mỏi, tình thức dừng bặt, dứt hết chỗ tìm rồi thì mới hay ra, ngay trong vườn nhà mình hương mai đang rộ, sắc xuân đang ngập tràn khắp tất cả mọi nơi chưa từng thiếu vắng bao giờ. Sống bằng tâm xuân thì thấy cái gì cũng xuân, xuân ngay tự tính, không phải do tìm, do tạo tác mà được. Đâu đâu chúa xuân cũng đang hiển hiện, cảnh nào cũng là cảnh xuân.
Là người hiểu đạo, chúng ta không chấp nhận dừng lại ở chỗ cảm nhận mùa xuân của đất trời sinh diệt bên ngoài. Chúng ta ai ai cũng có một mùa xuân bất diệt, vượt không gian và vượt cả thời gian. Chỉ cần khéo nhận lại thì quanh năm khắp chốn, đâu đâu cũng thắm đượm sắc xuân. Dù rằng các cảnh đang trôi, tuy động, nhưng không rời một thể tịnh thì nó vẫn lặng lẽ trong cái đang lặng sáng của mình.
Không kẹt vào một điểm dừng nào thì có thời gian nào trong đó, nên ngay đây, thấy biết vượt cả thời gian. Sống bằng cái thấy biết này thì chỗ nào không phải là tâm, chỗ nào mà không sáng. Ngay đó, chúa Xuân hiển hiện bàng bạc khắp mọi nơi chưa hề thiếu vắng bao giờ. Quanh năm khắp chốn đều là mùa xuân thì chúng ta còn chờ mùa xuân nào nữa. Biết được vậy thì thảnh thơi, không bận lòng trước cảnh đến đi.
“Mai vàng đua nở xum xuê Khách thiền đâu bận xuân về hay chưa”[6].
Đối với những hành giả sống với thế giới nội tâm yên tĩnh, trầm mặc, thanh tịnh, giải thoát, thì những nỗi buồn phiền sầu khổ không bao giờ có thể đến với họ. Vì vậy, dù đang đối diện với mùa Đông giá lạnh hay mùa Thu tàn úa của đất trời, trước mắt họ vẫn hiện hữu mùa Xuân tươi đẹp đầy sức sống. Với những tâm hồn phóng khoáng vượt ngoài sự tác động của sinh diệt thì Thu sang mà vẫn là Xuân trong lòng.
Đức Phật dạy rằng Phật pháp bất ly thế gian giác; vì vậy, có thể nói Xuân trong đạo Phật cũng là Xuân trong cuộc đời; từ đó nhìn thẳng vào cuộc sống mà tìm được mùa Xuân và sự an lành cho chúng ta. Với tinh thần xây dựng trên nền tảng đạo Phật gắn bó mật thiết với sự sống của con người, cho nên người ta thường nói đạo Phật và nhân loại, đạo Phật và dân tộc.
Khi tâm an vui, sức khỏe tốt, môi trường sống sạch sẽ, an lành, thì đó là mùa Xuân, mùa Xuân do chính họ tự tạo ra. Xây dựng trong lòng an vui, nhà cửa sạch đẹp, xã hội an toàn; thực hiện được tinh thần này thì trong cả bốn mùa, chúng ta đều có mùa Xuân và Xuân trong lòng là quan trọng nhất theo đạo Phật, vì Phật dạy rằng tâm ảnh hưởng đến vật bên ngoài.
Đối với người tu, cảnh bên ngoài là Thu, là Đông, hay là Hạ, lòng hành giả vẫn là Xuân tươi vui. Mãn Giác Thiền sư tu hành ngộ đạo, nhận ra mùa Xuân bất tử và đắc ý cảm tác hai câu thơ rằng:
“Đừng bảo Xuân tàn, hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành Mai”[7].
Hoa Mai tiêu biểu cho chúa Xuân vẫn nở thắm ngoài sân, dù mùa Xuân của trời đất đã qua đi. Bởi đóa hoa Mai đang nở rộ trong lòng Ngài tương ưng với đóa hoa Mai bên ngoài một cách sâu sắc. Còn hoa Mai bên ngoài đang khoe sắc, mà trong lòng chúng ta đang giá rét thì không nên.
Thiền sư Chân Không ở giữa đời Lý có bài kệ:
“Xuân đến, Xuân đi ngỡ Xuân hết, Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân”[8].
Ngài quan niệm tu là một mùa Xuân, không phải chỉ mùa Xuân trong ba tháng mà mùa Xuân muôn đời muôn kiếp. Thấy có Xuân đến Xuân đi vì chúng ta nhìn Xuân qua bốn mùa của thời gian. Nhưng ở đây Thiền sư không nói Xuân của thời gian mà nói Xuân của tất cả người thoát khỏi cái sinh diệt của thời gian. Thường người đời thấy Xuân qua ngỡ là Xuân hết, song đối với người tu xuất thế thì Xuân lúc nào cũng sẵn ở lòng mình, ngày nào tháng nào năm nào cũng là Xuân, nhìn đâu cũng tươi đẹp, nhìn đâu cũng an vui.
Tất cả sự vật đều bị thời gian chi phối, có đó rồi hoại đó. Thân chúng ta cũng vậy, theo thời gian mà bại hoại. Nếu chúng ta không biết trở về với thể chân thật của chính mình thì khi sắc thân bại hoại chúng ta đau khổ vô ngần. Thế nên sống được với thể chân thật không sinh không diệt thì ngày nào cũng là Xuân, lúc nào cũng là miên viễn là Xuân.
Thiền sư Tịnh Thử am có làm bốn câu kệ nói lên mùa Xuân:
“Nước tuôn xuống núi nào có ý Mây bay về động vốn không tâm Người đời nếu được như mây nước Cây sắt trổ hoa khắp chốn xuân”[9].
Sở dĩ chúng ta không được mùa Xuân vĩnh cửu là vì chúng ta chỉ thấy Xuân qua tâm niệm sinh diệt. Thấy cây cỏ tươi tốt trổ hoa đâm chồi, chúng ta vui mừng cho đó là Xuân. Như vậy chúng ta vui mừng theo cảnh, theo thời gian là cái vui mừng của tâm sinh diệt. Khi cảnh tàn, thời gian qua thì cái vui cũng hết. Xuân như thế là mùa Xuân hữu hạn. Cái Xuân của thời gian thì biến đổi, cái Xuân của ngoại cảnh thì suy vi.
Nếu chúng ta hoạt động như bao nhiêu người, nhưng vô tâm như mây bay nước chảy, trong khi hoạt động ta không bị vọng tưởng làm chủ là hằng sống với tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đó nó lặng lẽ trong trẻo chẳng khác nào như cây sắt.
Nhưng trong cái lặng lẽ trong trẻo đó không phải nó không có gì. Chính trong cái lặng lẽ, trong trẻo đó nó phát ra trí tuệ sáng suốt. Đây dụ như cây sắt trổ bông. Trong cái thanh tịnh lặng lẽ đó tưởng chừng như không có gì hết, nhưng không ngờ lại có trí tuệ diệu dụng bất tư nghì. Cho nên đây ví dụ như cây sắt trổ bông là việc tưởng như không bao giờ có, cây sắt trổ bông rồi sẽ thấy khắp bầu trời đều là Xuân không cùng tận.
Nhìn sự vật, nhìn vũ trụ bằng tâm thanh tịnh, không còn tâm sinh diệt nữa, nên vũ trụ theo đó mà thanh tịnh. Tất cả đều là an lành đều là vĩnh cửu, lúc đó mới gọi là “biến giới Xuân”, Xuân khắp bầu trời. Như vậy muôn người muôn cảnh, đều là Xuân, thời gian nào cũng đều là Xuân.
Được mùa Xuân như thế là sau khi tâm chúng ta giống như mây bay nước chảy. Lúc đó chúng ta hoạt động tất cả mà không có vọng tưởng, nếu còn vọng tưởng là mùa Xuân có hạn có chừng. Ai muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc, thì đừng lệ thuộc vọng tưởng sinh diệt, đó mới là mùa Xuân chân thật.
Dứt mê lầm chấp ngã bắt ngoại cảnh và tứ đại lệ thuộc vào mình, lúc đó chúng ta hưởng được mùa Xuân an lành tự tại. Bặt hết vọng tưởng điên cuồng, dùng tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn vạn vật, chúng ta sẽ hưởng mùa Xuân vĩnh cửu bất sinh bất diệt. Thiền sư Thiền Lão đã nói đến mùa Xuân đó dù không đề cập đến chữ Xuân. Khi vua Lý Nhân Tông hỏi Ngài ở núi được bao lâu, Ngài trả lời:
“Chỉ biết ngày tháng này Ai rành xuân thu trước”[10].
Như vậy ngày nào chỗ nào chẳng phải là Xuân. Nếu tâm chúng ta không còn lệ thuộc vào thời gian quá khứ hiện tại vị lai, lúc đó chúng ta an nhiên tự tại thanh tịnh. Đó là cái tâm bất sinh bất diệt của chúng ta. Sống với cái tâm bất sinh bất diệt đó để nhìn sự vật thì cái nào chẳng đẹp, cái nào chẳng thanh tịnh, vì đâu cũng là Chân tâm biến hiện, đâu đâu cũng là cảnh đẹp của mùa Xuân.
Tóm lại muốn hưởng một mùa Xuân Di-lặc thì không gì hơn: trước hết chúng ta phá cái chấp u mê bản ngã, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc về mình; kế đó chúng ta phải lặng hết vọng tưởng, sống với tâm thanh tịnh.
Như vậy chúng ta thấy cõi đời này đều an lành tự tại, thế gian này là thế giới của chư Phật chớ không phải của phàm phu nữa. Đó là BỐN MÙA ĐỀU XUÂN vĩnh cửu trường tồn nơi mỗi chúng ta. Cầu mong tất cả mọi người cảm nhận được mùa Xuân nở hoa trên từng bước chân, trên từng tâm niệm hướng đến cảnh giới thường trú của đức Phật.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Chùa Vương Xá, đường Ngô Huy Diễn, P.5 Tp.Đà Lạt *** TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]Thích Trí Quảng (2011), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển III), Nxb. Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.271. [2]Thích Trí Quảng (2011), Mùa Xuân Vĩnh Hằng, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.272. [3]Thích Tâm Hạnh (2013), Dụng Tâm Tu Thiền, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.273. [4]Thích Thanh Từ (2010), Sơ Tổ Phái Trúc Lâm, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.333. [5]Thích Tâm Hạnh (2013), Dụng Tâm Tu Thiền, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.302. [6]Thích Tâm Hạnh (2013), Không Chỉ Là Xuân Của Đất Trời, Nxb.Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.307. [7]Thích Trí Quảng(2011), Xuân Trong Đạo Phật, Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.8. [8]Thích Thanh Từ (2010), Thiền Sư Chân Không, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.169. [9] Thích Thanh Từ, Xuân Trong Cửa Thiền, tr.2-3. [10] Thích Thanh Từ (2010), Thiền Sư Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.63.
Bình luận (0)