Tác giả: Giáp Nguyên Phi Pháp danh: Thích Trung Quý

Học viên Thạc sĩ khóa VI, khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tóm tắt

Quá trình mở cõi của Chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong ngày càng rộng lớn, cương giới đến đâu thì Phật giáo xứ Đàng Trong phát triển đến đó. Phật giáo mang các yếu tố chính trị và văn hóa góp phần giúp hình thành, ổn định và phát triển đất nước. Phật giáo trong giai đoạn này vừa mang yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Có thể nói rằng, Phật giáo Đàng Trong trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh có sự phát triển rực rỡ và được sự hộ trì của các chúa Nguyễn.

Từ khóa: Phật giáo Đàng Trong; Trịnh- Nguyễn phân tranh; chúa Nguyễn; Đàng Trong; thế kỷ 17-18.

Dẫn nhập 

Phật giáo xứ Đàng Trong là cách nói riêng biệt để chỉ cho hai vùng đất Phật giáo mà người Việt định hình dần theo chiều dài của lịch sử, nó được định dạng với vai trò trấn giữ và mở rộng xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, cách gọi riêng biệt này nhằm để phân biệt với Phật giáo Đàng Ngoài. 

Bởi chịu sự cai trị của tập đoàn chính trị họ Nguyễn, lại được hình thành theo làn sóng di dân mở mang bờ cõi của các chúa nên các yếu tố về tầm nhìn chính trị và tư tưởng văn hóa xã hội đã tác động rõ nét lên sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đàng Trong.

Với mục đích làm rõ các yếu tố đó, đề tài được người viết lựa chọn đó là: “Các yếu tố chính trị và văn hóa xã hội góp phần hình thành và phát triển Phật giáo Đàng Trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh”, qua đó, mong muốn làm nổi bật các yếu tố ngoại tại đã tác động đến tinh thần cũng như biểu hiện của vùng Phật giáo tính từ phía Nam sông Gianh trở vào thời bấy giờ.

1. Đàng Trong trong tiến trình định hình và mở rộng xuống phía Nam

Giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh được xác định mốc thời gian từ 1627 đến 1777, đây là mốc lịch sử đau thương và điêu tàn của dòng lịch sử của nước ta. Cuộc nội chiến kéo dài qua hai thế kỉ được xuất phát từ những bất đồng về lợi ích chính trị của hai tập đoàn chính trị - quân sự của chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong). Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần thì từ sau năm 1627, hai bên đã lấy sông Gianh làm giới tuyến để chia cắt lâu dài...

Ảnh chụp sông Gianh từ trên cao, sưu tầm
Ảnh chụp sông Gianh từ trên cao. Nguồn: St

Khác với Đàng Ngoài, đất Đàng Trong ngày càng được mở rộng. Về tên gọi Đàng Trong, theo tác giả Li - Tana nhận định là do người ở phía nam tạo ra vào thập niên 1620 (1), vậy có cơ sở cho rằng tên gọi Đàng Trong có thể đã có từ thập niên 1620.

Trong Việt sử xứ Đàng Trong, theo Phan Khoang nhận định năm 1615, các giáo sĩ Gia tô đến xứ Đàng Trong, ở đây họ lập giáo hội đầu tiên, vì cần tìm một tên gọi cho vùng đất mới, bấy giờ họ chỉ biết hai tên là Tokin và Cochinchine, trong khi Tokin chỉ cho nhà Lê, hò bèn dùng tên sau chỉ cho xứ Đàng Trong (2). Từ đó về sau, xứ Đàng Trong được người nước ngoài gọi là Cochinchine.

Chúng ta biết rằng, cương thổ nước Việt được định vững chắc từ khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán để mở ra một thời trị toàn trị cho người Việt, từ thế kỷ X đến đầu thời kì phân tranh Trịnh – Nguyễn, phần lớn cương thổ hình chữ S hiện nay chưa thuộc chủ quyền của các triều đại quân chủ người Việt. Nói vậy, để thấy rằng, vai trò của các chúa Nguyễn đối với vùng đất từ Thuận Hóa trở xuống bán đảo Cà Mau là cực kì to lớn và đặc biệt.

Lịch sử ghi nhận, bằng những mưu tính chính trị, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Từ nơi mà Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả là: “Hoành Sơn một dãy, dung thân vạn đời”, từ đó mà chúa Nguyễn Hoàng dần bành trướng ảnh hưởng xuống phía Nam qua các cột mốc lịch sử và được kế thừa qua các đời chúa sau. 

Kể từ lúc trấn giữ trấn Thuận Hóa vào năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng đã vượt qua bao hiểm nguy gian khó để dần dần gây dựng xứ Đàng Trong trở nên hùng mạnh, rồi từ đó, bước chân của các hậu chúa dần dần mở cõi về phương Nam trong hơn hai thế kỷ trị vì.

Với công trạng của chúa Nguyễn Hoàng khi đã lần lượt thành lập các dinh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát rồi thành lập phủ Phú Yên, có thể nói rằng cương vực xứ Đàng Trong thời kì đầu của chúa đã được mở rộng đến gần hết vùng Nam Trung bộ hiện nay, sự mở rộng này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tập đoàn chính trị chúa Nguyễn khi đã góp phần cũng cố sức mạnh chính trị, tiềm năng quân sự hùng mạnh cho phủ chúa cũng là tiền đề cho sự phát triển của văn hóa xã hội người Việt ở các vùng đất mới thâu tóm được.

Đến các vị chúa tiếp sau, cương thổ Đàng Trong ngày càng kéo dài về phía Nam trên cơ sở vua Champa chuyển giao quyền kiểm soát các cùng đất của mình cho chúa Nguyễn. Bên cạnh đó, chúa Nguyễn đặt quan hệ bang giao với triều đình Chân Lạp được thể hiện bằng cuộc hôn nhân chính trị năm 1620, giữa Công chúa Ngọc Vạn với Vua Chân Lạp Chey Chetta II, từ cuộc liên hôn này đã đặt nền móng cho người Việt hiện diện vào sinh sống và khai phá vùng đất phương Nam còn nhiều hoang hóa mà như mô tả trong Chân Lạp Phong Thổ kí (3) của Chu Đạt Quan thì xứ Chân Lạp với rừng thấp cây rậm, cổ thụ rậm rạp với cảng rộng sông dài,…

Có thể nhận định, quyền lực của vua Chân Lạp bấy giờ không đủ khả năng ảnh hưởng quyền cai trị hết toàn cõi của nước mình nên đã tạo điều kiện cho quyền lực của chúa Nguyễn đã ảnh hưởng một phần đến vùng đất này, cùng với việc, chúa Nguyễn đã hai lần đưa quân giúp Chân Lạp đẩy lùi sự xâm lược của quân Xiêm La, nên được sự tin cậy và thần phục của người dân Chân Lạp.

Với sự kiện năm 1658, Nặc Ông Chân đem quân đánh vùng Mô Xoài (Bà Rịa) khu vực Prei Ko (Sài Gòn). Cuộc chiến thất bại, chúa Nguyễn bắt được Nặc Ông Chân nhưng tha cho phục chức cũ, làm chư hầu với bổn phận cống phẩm hằng năm. Rồi sự kiện năm 1679, có đoàn của các tướng Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên về cùng người dân bản địa khai phá vùng đất Đông Phố (nay là Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay).

Vùng Mang Khảm (tức vùng Hà Tiên – Rạch Giá) có viên Tướng Mạc Cửu khai phá từ khoảng cuối của thế kỷ XVII. Trong khi chúa Nguyễn ngày càng gia tăng uy tín và thể hiện rõ sự nổi trội cho nên Mạc Cửu đã quyết định nương tựa vào chúa Nguyễn tạo mối quan hệ hòa hảo và thần phục chúa Nguyễn.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đã thành lập huyện Phước Long và dựng Dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn và chính thức sát nhập vào lãnh thổ thuộc Đàng Trong từ năm 1698. 

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Đàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn phụ thuộc. Trong đó, vùng đất Nam bộ có 3 dinh là Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Trấn Hà Tiên. Đến năm 1708, Mạc Cửu chính thức là viên tướng dưới trướng của chúa Nguyễn, được giao cho chức Tổng binh trấn Hà Tiên, tước là Cửu Ngọc Hầu.

Từ đó, người Hoa phần nhiều đã tìm đến những vùng đất ở phía Nam để định cư sản xuất và mua bán. 

Cuộc mở cõi của chúa Nguyễn kết thúc vào năm 1757, khi đó, với sự kiện Nặc Nguyên mất, người chú họ là Nặc Nhuận xin chúa Nguyễn sắc phong thì bị người con rể giết và cướp ngôi. Chúa Nguyễn đem quân thu phục và cho lập Nặc Tôn con Nặc Nhuận làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh) để tạ ơn, lại dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ.

Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản.

Như vậy, quá trình mở cõi của chúa Nguyễn đã đưa cương thổ của xứ Đàng Trong ngày càng rộng lớn đủ tiềm lực đối trọng với chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Sự kiện này có ý nghĩa quyết định đến thế giằng co và áp chế nhau của hai tập đoàn chính trị lớn nhất nước ta bấy giờ.

Cùng với việc mở rộng cương thổ của Đàng Trong, Phật giáo Đàng Trong cũng có cơ hội hình thành và chuyển mình tích cực, tạo dấu ấn rõ nét trong dòng chảy lịch sử dân tộc và còn mãi đến sau này.

2. Phật giáo Đàng Trong trong tiến trình định hình và mở rộng xuống phía nam

Song song với các mục tiêu chính trị của mình là mở rộng bờ cõi, khai thác sản xuất và xây dựng binh lực để tạo dựng quyền ly khai và tự chủ đối với vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn còn chú trọng hết lòng quan tâm phát triển khía cạnh văn hóa xã hội mà Phật giáo trong văn hóa xã hội Đàng Trong đã được chúa Nguyễn hết lòng sùng mộ và ra sức xiển dương.

Bản thân các chúa cũng quy y Phật pháp, thọ Bồ tát giới như Nguyễn Hoàng được gọi là Chúa Tiên, Nguyễn Phúc Nguyên còn được gọi là Chúa Sãi hay Chúa Phật, Nguyễn Phúc Lan gọi là Chúa Thượng, Nguyễn Phúc Tần còn gọi là Chúa Hiền và Nguyễn Phúc Trăn được gọi là Chúa Nghĩa, riêng Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là người thọ giới Bồ tát có hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân và được xưng tụng là Minh Vương, Nguyễn Phúc Chú (Trú) được xưng tụng là Ninh Vương,…

Theo nhà nghiên cứu Trương Thúy Trinh nghiên cứu trong Đại Nam Nhất Thống Chí, thời kỳ này có 77 ngôi chùa trải dài từ vùng Thuận Hóa đến vùng Nam bộ. Trong đó, phủ Thừa Thiên có nhiều nhất với 19 ngôi chùa, Quảng Ngãi có 6 ngôi chùa, Quảng Bình có 4 ngôi chùa, Quảng Nam có 4 ngôi chùa, Bình Định có 4 ngôi chùa, Phú Yên có 3 ngôi chùa, Khánh Hòa có 3 ngôi chùa, Hà Tiên có 5 ngôi chùa, Biên Hòa có 15 ngôi chùa, An Giang có 3 ngôi chùa, Gia Định có 4 ngôi chùa, Vĩnh Long có 1 ngôi chùa, Định Tường có 1 ngôi chùa. (4)

Ảnh chụp từ trên cao chùa Thiên Mụ, sưu tầm
Ảnh chụp từ trên cao chùa Thiên Mụ. Nguồn: St

Như vậy, có thể thấy rằng, Phật giáo được truyền vào nước Việt vốn từ đầu Công nguyên, vốn có chiều sâu về tín ngưỡng trong quần chúng với bao phen thịnh suy đã được trùng hưng mạnh mẽ vào thời kì của các chúa Nguyễn.

Dù chịu chung cảnh ly loạn của đất nước bị phân tranh song Phật giáo xứ Đàng Trong luôn được tính ổn định lâu dài bởi sự ủng hộ tuyệt đối từ các chúa. Đây cũng là nền tảng cho Phật giáo người Việt truyền xuống phía Nam sau này. Thời kì mà Phật giáo vùng Thuận Hóa đã theo những bước chân mở cõi của quân đội chúa Nguyễn tiến vào vùng đồng bằng phía nam.

Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Đàng Trong thời bấy giờ ngoài sức mạnh nội tại của Phật giáo thì các yếu tố ngoại tại như tư tưởng chính trị và văn hóa xã hội đã là các tác nhân không thể thiếu trong mạch khí hưng phát đó.

3. Các yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội góp phần hình thành và phát triển Phật giáo Đàng Trong

Khi nhận định về các nguyên nhân ngoại tại đưa đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Đàng Trong thì các yếu tố chính trị và văn hóa xã hội là các tác nhân trọng yếu. Ở đây, trong bối cảnh lịch sử bấy giờ thì tầm nhìn chính trị và tư tưởng văn hóa, xã hội xứ Đàng Trong có những nét khác biệt so với Đàng Ngoài.

Yếu tố tư tưởng chính trị

Về mặt vai trò chính trị, hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn không phải là hai quốc gia độc lập, bởi vai trò quân chủ của nhà Lê vẫn chưa bị triệt tiêu hoàn toàn, vậy nên quan điểm phù Lê luôn là một cái cớ hoàn hảo để chúa Trịnh và chúa Nguyễn xây dựng thế lực của mình ngày một lớn mạnh và độc lập với vua Lê về mặt thực tế.

Chính vì sự phân chia cát cứ của hai tập đoàn chính trị này đã ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm chính trị và quan điểm văn hóa của người dân hai xứ.

Trong bài nghiên cứu này, đối tượng được bàn đến là Phật giáo xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, nhưng nếu điểm qua bối cảnh chính trị - văn hóa của của cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài là điều rất cần thiết, bởi lẽ, chưa bao giờ đất nước ta rơi vào một cuộc nội chiến mà quy mô quân sự lớn cùng với quỹ thời gian dài như vậy kể từ cuộc “loạn 12 Sứ Quân”.

Ở Đàng Ngoài của chúa Trịnh, phủ chúa đặt cạnh cung vua nhưng quyền lực thì vượt xa tầm với của thiên tử.

Nhưng cũng chính vì vai trò của nhà Lê vẫn còn về mặt hình thức nên tư tưởng xã hội của Đàng Ngoài vẫn thượng tôn Nho giáo, phủ chúa thay cung vua quản lí đất nước nên chúa Trịnh có một vị thế và uy tín rất lớn, để đảm bảo cho quyền lực của mình, các tư tưởng của Nho giáo càng cần phải được củng cố, đó cũng chính là nguyên nhân chúa Trịnh đã có trong tay quyền lực vượt xa thiên tử nhưng lại không lật đổ triều Lê để lập ra triều đại của riêng mình.

Ở Đàng Trong, ảnh hưởng của Nho giáo vốn không sâu sắc mà ngược lại Phật giáo lại được coi trọng hơn. Chúa Nguyễn cố gắng duy trì lễ nghi Nho gia đồng thời phục hồi và phát triển Phật giáo. Chúng ta biết rằng, nguyên nhân vào Đàng Trong của chúa Nguyễn là để tránh xa mối nguy hiểm của tập đoàn họ Trịnh, vậy nên tuy lấy cớ vào trấn giữ vùng đất Thuận – Quảng cho thiên tử song tư tưởng của chúa Nguyễn đã vạch sẵn con đường li khai ra khỏi vua Lê và chúa Trịnh.

Và với tư tưởng như vậy, rõ ràng Nho giáo chính là hệ tư tưởng không phù hợp với chúa Nguyễn và tập đoàn chính trị của mình, theo nhà sử học Li - Tana thì việc chúa Nguyễn sử dụng Nho giáo làm thanh kiếm quyền lực tư tưởng sẽ là trực tiếp mâu thuẫn với những mưu tính của họ, và có thể bị quần chúng xem như là một chế độ ly khai và nổi loạn với triều đình. (5)

Quan điểm này của Li Tana hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử của xã hội Đàng Trong thời bấy giờ.

Để thực hiện tham vọng củng cố quyền tự trị, tự quyết và hướng đến độc lập của mình, các chúa Nguyễn luôn chú trọng về ba vấn đề trọng điểm, đó là quy mô quân đội, phạm vi lãnh thổ và tư tưởng văn hóa xã hội mà tín ngưỡng tôn giáo là đặc trưng trong đó.

Chính trị thời chúa Nguyễn ngoài củng cố và hoàn thiện tổ chức quan chế và quân đội, các chúa Nguyễn còn trọng dụng các tăng sĩ bảo hộ trên bề mặt tinh thần, xây dựng các ngôi sắc tứ (quốc tự) và hình thành mô thức Phật giáo cung đình.

Các chúa Nguyễn còn quy y Tam bảo, thọ Bồ tát giới và có đạo hiệu. Một số chúa Nguyễn có pháp danh, như: Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (pháp danh là Hưng Long), Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là Tư tế Đạo nhân. Các chúa Hiền, chúa Nghĩa trọng dụng các tăng sĩ Trung Hoa như Nguyên Thiều, chúa Minh phong Thiền sư Hưng Liên làm Quốc sư, trọng dụng Thiền sư Thích Đại Sán, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát trọng dụng tăng sĩ người Việt là Thiền sư Liễu Quán,…

Đặc biệt dưới thời chúa Minh, chúa sùng tín Phật giáo muốn xây dựng một chính quyền Phật giáo; rằng, “Ta sẽ thống suất quyền thuộc, các quan văn võ, ai có tín tâm, đều xin làm đệ tử, chịu Bồ tát giới…” (6)

Các ngôi tự viện được cấp biển ngạch và sắc tứ, với vai trò là quốc tự được sự chu cấp của chính quyền chúa Nguyễn rất nhiều, tiêu biểu có thể kể đến như chùa Thiên Mụ, chùa Long Quang ở kinh đô, chùa Báo Quốc, chùa Quốc Ân ở Thuận Hóa, chùa Bảo Quang, Cảnh Tiên, Hoằng Phúc ở Quảng Nam, chùa Diệu Giác, Long Hưng ở Quảng Ngãi,… tại các ngôi sắc tứ như vậy thường có câu đối, bài minh có gắn biển chữ vàng “Quốc chúa đề ngự”.

Với việc hình thành các ngôi chùa gắn với quyền lực của chúa, các chúa Nguyễn muốn đề cao vai trò của Phật giáo trong đời sống quần chúng, một phần là vì muốn xây dựng phong hóa quốc gia đặc sắc, phần vì lí do Phật giáo đối với tư tưởng tinh thần chính trị của các chúa Nguyễn là không thể nào phù hợp hơn như đã bàn ở trên.

Theo lý thuyết Tính Hợp pháp (Legitimacy) thì các thể chế chính trị sẽ phải trải qua một quá trình hợp pháp hóa (Justification) để khẳng định được tính hợp pháp của nó. Và để thực hiện thành công quá trình hợp pháp hóa đó, các thể chế chính trị hoặc dùng quyền lực cứng như pháp luật hay quyền lực mềm như luân lí và đức tin.

Lịch sử chính trị thế giới đều được ghi nhận đầy đủ hai quyền lực này trong tay các nhà đứng đầu bộ máy lãnh đạo đất nước, trong hoàn cảnh của xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn thi hành đồng thời hai quyền lực này. Đó là xây dựng kỉ cương phép nước, chế độ quan lại theo pháp trị nhưng cũng đồng thời dùng Phật giáo chiếm số đông quần chúng làm chỗ dựa tinh thần để có cơ hội thu phục lòng dân, chính các chúa cũng quy y Phật pháp để tăng thêm sức mạnh thế quyền và thần quyền cho các chúa.

Đặc biệt là dù áp dụng quyền lực cứng hay mềm thì mục đích cần đạt được chính là sự ủng hộ của số đông quần chúng. Và sự thật có thể thấy rằng, chính quyền chúa Nguyễn nhờ tôn sùng Phật giáo mà có thể nhanh chóng thu phục lòng dân, và Phật giáo Đàng Trong cũng nhờ sự bảo hộ của các chúa mà được tiến sâu vào đời sống quý tộc lẫn bình dân và tạo ảnh hưởng đáng kể trong đó.

Đây là lợi ích cơ hữu giữa tôn giáo và tập đoàn chính trị họ Nguyễn. Vậy nên, dù muốn hay không thì Phật giáo Đàng Trong được định hình và phát triển rực rỡ thì yếu tố thuận lợi đầu tiên chính là sự ủng hộ của giai cấp thống trị, mà ở đây chính là chính quyền chúa Nguyễn.

Yếu tố văn hóa xã hội

Trong tâm thức của người Việt, Phật giáo đã trở thành một nền văn hóa lớn của dân tộc và cũng là một tín ngưỡng quan trọng đối với giới trí thức, quý tộc lẫn tầng lớp bình dân, bởi Phật giáo truyền vào hồn dân Việt và lưu giữ khoảng hơn 16 thế kỉ tính đến thời phân tranh Trịnh – Nguyễn, đó là một cuộc lưu chuyển lâu dài và gắn kết cùng văn hóa xã hội người Việt.

Vậy nên, khi người Việt thay đổi môi trường sinh sống ở Đàng Trong và sau đó nối dài xuống phương Nam, vẫn luôn có nhu cầu duy trì, bảo lưu và phát triển các giá trị Phật giáo trong lòng văn hóa xã hội bên cạnh các giá trị văn hóa xã hội của cộng đồng dân tộc khác cùng cộng cư ở xứ Đàng Trong.

Như đã phân tích về tầm quan trọng của Phật giáo trong hệ thống quyền lực, chúa Nguyễn cho xây dựng hoặc sửa chữa các chùa, số người theo Phật giáo ngày càng đông. Các chúa, quan lại, quý tộc bỏ tiền, ruộng đất cúng dường cho nhà chùa hoặc xây dựng chùa mới hoặc đúc chuông, tô tượng nhưng bên cạnh đó, vai trò của quần chúng nhân dân đối với Phật giáo cũng vô cùng quan trọng, bởi trong quá trình mở cõi, tên đất, tên làng được người dân mang theo vào miền đất mới cũng gắn liền với Phật giáo, ngay từ vùng đất đầu tiên là xứ Thuận Hóa, với cách đặt tên làng Ưu Đàm - huyện Quảng Điền, hay làng Phù Trà (Phù Đồ) - huyện Hương Trà.

Các yếu tố Phật giáo không chỉ gắn liền với tên làng mà còn là tên núi, tên sông, cồn bãi. Tập tục đi lễ đầu năm, ngày 1, 15 được người dân Việt đến nay phần nào vẫn còn lưu giữ. Các chúa Nguyễn dẫn dắt đời sống sinh hoạt trong Phật giáo dân chúng, chú trọng đến hoằng pháp cho dân chúng được đời sống an lành, hạnh phúc.

Để tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển trong dân chúng, phủ Chúa trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều sinh hoạt thực hành Phật giáo: Thụ giới quy y, học kinh Phật, tụng kinh, giảng kinh pháp, cúng dường v.v… Các hoạt động này góp phần nuôi dưỡng niềm tin và các thực hành nghi lễ Phật giáo trong dân chúng khiến cho đời sống Phật giáo có nhiều khởi sắc.

Phật giáo Đàng Trong rõ ràng đã thể hiện sự kết hợp cao những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, sự khoan hòa và thâu hóa sáng tạo, mang tinh thần thống nhất trong đa dạng và thực sự trở thành động lực phát triển cho mảnh đất Đàng Trong. Phật giáo vẫn là nơi nương tựa vững chắc về mặt tinh thần, giúp họ sớm an cư lạc nghiệp.

Trong quá trình đó, Phật giáo đã tác động đến đời sống cư dân vùng đất mới, đồng thời kết hợp với yếu tố bản địa để sinh ra những nét đặc trưng riêng. Các ngôi chùa ở Đàng Trong trong hai thế kỷ XVII - XVIII, hoặc do dân chúng tạo lập, hoặc do các chúa Nguyễn chủ trương xây dựng.

Ảnh chụp từ trên cao chùa Thiên Mụ, sưu tầm
Ảnh chụp từ trên cao chùa Thiên Mụ. Nguồn: St

Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hóa (1602), chùa Long Hưng (1603-1606), chùa Bửu Châu (1607) ở Quảng Nam, chùa Kinh Thiên (1609) ở Quảng Bình.

Chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên có công lớn trong việc mời các vị thiền sư Trung Hoa đến hoằng truyền Phật pháp và lập các chùa như: Chùa Vĩnh Hòa (1667), chùa Thập Tháp - Di Đà (1677), chùa Hà Trung (1683), chùa Quốc Ân (1684).

Chúa Nghĩa - Nguyễn Phước Trăn trùng tu chùa Vĩnh Hòa (1688).

Chúa Minh - Nguyễn Phước Châu (cư sĩ Hưng Long - Thiên Tung Đạo Nhân) xây dựng chùa Mỹ An (1691) sau khi lên ngôi, trùng tu chùa Thiên Mụ (1714), trùng tu chùa Kình Thiên (1716), xây dựng chùa Giác Hoàng (1721).

Ninh Vương Nguyễn Phước Trú (Vân Tuyền Đạo Nhân) ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc (1734).

Chúa Võ Vương- Nguyễn Phước Khoát (Từ Tế Đạo Nhân - Cư Sĩ Phật Tâm) trùng tu chùa Thiên Mụ (1738-1744) và thỉnh Đại Tạng kinh về tại chùa, sắc tứ chùa Thập Tháp - Di Đà (1761) và nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong. (7)

Tính đa sắc diện của Phật giáo Đàng Trong còn thể hiện ở sự gặp gỡ và hỗn dung tông phái: Tịnh – Thiền – Mật; sự hòa hợp giữa Phật giáo quý tộc và Phật giáo bình dân.

Bên cạnh được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, thì Phật giáo Đàng Trong bấy giờ còn là nơi giao thoa giữa các tư tưởng Phật giáo khác nhau, trong đó Phật giáo của người Chăm đã được định hình từ lâu trên vùng đất còn như mới mẻ của chính quyền chúa Nguyễn, hay Phật giáo người Hoa được truyền vào và được ổn định bằng những phương pháp ngoại giao của chúa Nguyễn.

Dù ở trong môi trường nhiều tư tưởng Phật giáo nhưng nhờ được chính quyền chúa Nguyễn cai trị, các tư tưởng đó chỉ góp phần làm đa sắc diện Phật giáo Đàng Trong chứ không dấy lên mâu thuẫn hay xung đột bởi xuất phát điểm của Phật giáo luôn mang trong mình tư tưởng bất hại và yêu chuộng hòa bình lại được cai trị với một chính quyền chuộng Phật giáo.

Tóm lại, với đặc trưng của văn hóa xã hội người Việt từ ngàn xưa đã yêu chuộng Phật giáo, vậy nên, theo từng dấu chân mà người Việt đi mở cõi luôn luôn có sự hiện diện về mặt tinh thần là Phật giáo, chính Phật giáo nuôi dưỡng tâm hồn và văn hóa Việt ở Đàng Trong và cũng chính văn hóa Việt nâng tầm vị thế của Phật giáo ở Đàng Trong.

Đây là yếu tố thuận lợi để Phật giáo phát triển bền vững trong thời kì nội chiến đau thương giữa hai tập đoàn chính trị Trịnh – Nguyễn, bởi Phật giáo Đàng Trong bấy giờ đã hợp nhất được tư tưởng của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, nói khác hơn là Phật giáo Đàng Trong trong sứ mệnh tồn tại và phát triển của mình đã trên được lòng quân chủ, dưới phù hợp với niềm tin nhân dân.

Có thể thấy từ những mô tả trên, từ nhiều công trình Phật giáo được tôn tạo, từ số lượng tín đồ đông đảo và được quyền lực quân chủ bảo hộ đến sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đây là giai đoạn mà Phật giáo Đàng Trong được định hình và phát triển rõ nét, tạo tiền đề cho Phật giáo của vương triều Nguyễn sau này tiếp tục được trọng dụng và phát huy vai trò chính trị lẫn văn hóa xã hội.

Kết luận

Phật giáo Đàng Trong trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn vốn phân tranh được xem là giai đoạn bất ổn nhất về mặt địa chính trị. Song, Phật giáo ở Đàng Trong đã có bước định hình và phát triển rực rỡ trên phương diện sức mạnh tôn giáo của mình.

Có thể thấy rằng, các chúa rất mộ đạo Phật và từng bước tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, đây là giai đoạn mà các vị thiền sư đã có tiếng nói mang tính ảnh hưởng lên chính quyền cai trị họ Nguyễn; là giai đoạn quần chúng nhân dân hưởng ứng tinh thần quân chủ mà quy y tin nhận rộng rãi tư tưởng Phật giáo.

Để có được bước định hình và chuyển mình mạnh mẽ đó, ngoài sức mạnh nội tại của hệ tư tưởng sâu rộng của Phật giáo. Cần phải nói đến vai trò thúc đẩy, là dẫn lực quan trọng đến từ tầm nhìn tư tưởng chính trị và tư tưởng văn hóa xã hội của quần chúng nhân dân dưới quyền cai trị của các đời chúa Nguyễn, chính các yếu tố quan trọng này đã góp phần giúp Phật giáo xứ Đàng Trong trong sứ mệnh tồn tại và phát triển, như đã được phân tích ở trên.

Tác giả: Giáp Nguyên Phi Pháp danh: Thích Trung Quý

Học viên Thạc sĩ khóa VI, khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM

CHÚ THÍCH

1. Theo Li – Tana (2013), Xứ Đàng trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.16.

2. Theo Phan Khoang (2017), Việt sử: Xứ Đàng Trong, Nxb. Khoa học - Xã hội.

3. Theo Chu Đạt Quan (2017), Chân Lạp Phong Thổ kí, Hà Văn Tấn dịch, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr.45-46.

4. Trương Thúy Trinh, “Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong”, Nghiên cứu tôn giáo, 11 (179), 2018, tr.14.

5. Dẫn theo PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Góp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ, NXB. Khoa Học Xã Hội, TP.HCM.

6. Thích Đại Sán (2015), Hải Ngoại Kỷ Sự, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, tái bản theo bản in năm 1963, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 81-82.

7. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr 21-39.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2006), Đại Nam Nhất Thống Chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

2. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực Lục, Nxb. Giáo Dục, Quảng Nam.

3. Thích Đại Sán (2015), Hải Ngoại Kỷ Sự, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, tái bản theo bản in năm 1963, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Chu Đạt Quan (2017), Chân Lạp Phong Thổ kí, Hà Văn Tấn dịch, Nxb. Thế Giới.

5. Li – Tana (2017), Xứ Đàng trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb.Trẻ, TP. HCM.

6. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM.

7. Phan Khoang (2017), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Khoa học - Xã hội, Hà Nội.

8. Trần Hồng Liên (2019), Góp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ, NXB. Khoa Học Xã Hội, TP.HCM.

9. Trương Thúy Trinh, Chính quyền Chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (giai đoạn 1558 - 1777), Nghiên cứu tôn giáo, số 11 (179), 2018, 12-30.

10. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-diem-va-chinh-sach-phat-giao-cua-chua-nguyen-va-vuong-trieu-tay-son.html. 7:16 PM, 05/04/2024.

11. https://chuaxaloi.vn/thong-tin/cac-chua-nguyen-va-phat-giao/2886.html. 7:50 PM, 05/04/2024.