Hai tấm bia ghi việc xây dựng cầu đá làng Thanh Liễu – Hải Dương có niên đại rõ ràng và nội dung của văn bia có thể giúp ích cho việc xác định tên làng Hồng Liễu hay Thanh Liễu. Bên cạnh đó giá trị của văn bia còn giúp xác định vai trò tầm quan trọng của hệ thống cầu đá xưa.
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Huy Khuyến & Nguyễn Thị Hồng Vân
Văn bia ghi chép về việc xây dựng cầu đường tại các địa phương là một loại hình tư liệu quan trọng dùng để nghiên cứu những thông tin liên quan đến việc xây dựng cầu đường.
Qua văn bia có thể biết thông tin tên cầu, vị trí xây dựng, những người tham gia đóng góp xây dựng và vai trò của cây cầu trong việc kết nối các địa phương hoặc các khu vực với nhau để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, so với văn bia tại các di tích như đình, chùa, đền, miếu thì loại hình văn bia cầu ít được quan tâm nghiên cứu. Cũng bởi vì đa số văn bia cầu sau khi dựng cầu xong thì người xưa dựng bia ngay tại cây cầu vừa xây dựng. Có thể cây cầu ở ngoài cánh đồng hoặc cũng có bia ở trong làng, ven làng….trải qua thời gian có nhiều sự thay đổi vị trí, cầu cống được mở rộng, nhiều bia bị mất hoặc di dời, từ đó khiến cho nhiều bia đã bị mất hoặc không được quan tâm nghiên cứu.
Theo sách Thư mục thác bản văn bia thì tỉnh Hải Dương có một số thác bản được sưu tầm như: Thạch kiều bi kí/Bao Trung xã Vô Lượng thôn 石橋碑記/褒中社無量村Kí hiệu:12936/12937/12938/12939. Thác bản bia ở thôn Vô Lượng xã Bao Trung huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng 下洪府嘉福縣褒中社無量村, sưu tầm tại chùa Quang Huy thôn Vô Lượng xã Bao Trung tổng Bao Trung huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Ghi việc năm Quí Sửu (1733) dân xã hưng công xây cầu đá thôn Vô Lượng để việc đi lại được dễ dàng. Ghi họ và tên những người đóng góp tiền của để xây dựng cầu, như: Đồng tri phủ Bao Lộc nam Nguyễn Huy Dật, tăng lão Phạm Phú Nhuận, Sinh đồ Vũ Đăng Lang.
Văn bia Kính chúc hoàng triều vạn vạn tuế/Mậu Ngọ niên/Thủy tạo thạch kiều bi ký 敬祝皇朝萬萬歲/戊午年/始造石橋碑記 Kí hiệu: 13221/13222/13223/13224. Thác bản bia xã Nho Lâm huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng 下洪府四岐縣四岐下社弄溪村, sưu tầm ở chùa Diên Khánh xã Nho Lâm tổng Tất Lại huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương.Hai chiếc cầu gỗ của xã được dựng từ lâu, nay bị đổ nát. Dân làng góp tiền làm lại cầu mới bằng đá, gồm 7 gian ở xứ cửa chùa, 8 gian ở xứ Cầu Bạc để tiện việc đi lại. Ghi họ và tên các vị hưng công, hội chủ và nhưng người cúng tiền của xây cầu, để biểu dương công đức cho muôn đời sau.
Thạch kiều bi 石橋碑, Kí hiệu: 13426/13427 Thác bản bia thôn Hạ La xã La Giang huyệnTứ Kỳ phủ Hạ Hồng 下洪府四岐縣羅江社下羅村, sưu tầm ở miếu xã La Giang tổng Toại An huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương. Thôn Hạ La Xã La Giang vốn có cây cầu gỗ được làm từ xa xưa trải qua năm tháng đã bị hư hỏng nặng, Nay một số thiện tín đã đóng góp tiền của xây cầu đá. Công việc hoàn tất, bèn dựng bia ghi họ và tên các vị hưng công, hội chủ, thiện nam, tín nữ đã cúng tiến tiền của xây dựng cầu để biểu dương công đức lưu truyền cho muôn đời.
Về hai tấm bia làng Thanh Liễu tức vùng Hồng Lục xưa (ngày nay tên thường gọi là làng Cự Linh) theo ghi nhớ của các bậc cao niên trước đây làng có 6 tấm bia cầu rất đẹp, có niên đại thời Lê. Tuy nhiên, hiện nay làng chỉ còn giữ được 2 tấm bia. Trong đó có 1 tấm bia khắc cả 4 mặt ghi tên Hồng Lục thạch kiều bi kí 紅蓼石橋碑記,1 tấm bia khắc hai mặt tên bia là Bản Khê thạch bi, mặt sau khi Hoàng đế vạn tuế 板溪石碑, 皇帝萬歲bằng chữ Hán, cả hai tấm bia này đều dựng ở ngoài đồng không có nhà bia che mưa nắng.
Đặc biệt, bia 2 mặt tên hiện đang tọa lạc trên một hố nước đầy rác thải nằm cạnh khu thu gom rác, khi mưa lớn thì một nửa tấm bia ngập trong nước bẩn, hôi thối. Tấm bia này có niên đại Chính Hòa năm thứ 19 (1698), đây là tấm bia khắc lại việc dân làng làm cầu Đồng Ván. Tấm bia 4 mặt ghi niên hiệu năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708) đời Vua Lê Dụ Tông. Tấm bia này được người dân dựng bên dòng kênh, xung quanh lát gạch và có đặt bát hương để phụng thờ, bia khắc việc dân làng làm cầu Sọ. Cả hai tấm bia này đều được trang trí hoa văn họa tiết ở trán bia và diềm bia. Nếu xét về mặt di sản thì có thể nói hai tấm bia này còn nguyên về cả nội dung và hình thức. Mặc dù trải qua hơn 300 năm chịu mưa nắng nhưng chữ trên văn bia vẫn rất sắc nét, dễ đọc.
Về giá trị của bia cầu, theo các bậc tiền nhân xưa có nói: “Phúc điền có tám thứ, trong đó việc xây cầu là quan trọng nhất”. Bia Hưng tạo Thiên Đông kiều bi ký, dựng năm Đoan Thái 3 (1587) nhà Mạc đã ghi: “Cầu có quan hệ đến vương chính. Mất cầu mà có người làm thay, có âm công tất được dương báo rõ rệt”. Bia Trùng tu Quỹ kiều bi ký, tạo năm Hoằng Định 17 (1617) cũng ghi: “Từng nghe rằng, cầu rường là một mối của vương chính, mở đầu mối tốt lành, làm việc chính sự tốt lành, nếu chẳng phải người tốt lành có sức lực thì chẳng thể làm được vậy”. Bia Bồng Lai xã thạch trụ kiều bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh 15 (1719) cũng viết: “Thường thấy nói Vương chính không gì to bằng việc làm cầu, thiền giáo Tam thừa, cần trước nhất là việc tế độ…”
Đối với 2 văn bia này, hiện nay vẫn chưa được dịch thuật và nghiên cứu cụ thể. Dân làng cũng chỉ biết hai tấm bia này có từ lâu đời chứ cũng chưa biết nội dung bia như thế nào. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ in rập và dịch thuật để cung cấp nội dung tấm bia cũng như làm sáng tỏ công lao của những người tham gia công đức, xây dựng cầu.
Theo Đại đức Thích Giác Thành, trụ trì chùa Linh Ứng thôn Cao Dương cho biết: Hai tấm bia này rất đẹp, có niên đại rõ ràng và nội dung của văn bia có thể giúp ích cho việc xác định tên làng Hồng Liễu hay Thanh Liễu. Bên cạnh đó giá trị của văn bia còn giúp xác định vai trò tầm quan trọng của hệ thống cầu đá xưa. Người xưa cũng nói “trăm năm bia đá cũng mòn”, vì vậy hy vọng các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng nhà bia để bảo quản tránh mưa nắng, bên cạnh đó là tôn tạo hoặc di dời văn bia 2 mặt để tránh bị ngâm nước bẩn mỗi khi trời mưa.
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Huy Khuyến & Nguyễn Thị Hồng Vân
Bình luận (0)