Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ

1. Lược sử về ngôi chùa

Chùa Serey Odom tọa lạc tại ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cổng chùa nằm sát mặt tiền bên trái Quốc lộ 13, theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Lộc Ninh. Phía sau chùa là khu vực cư trú đông đúc của đồng bào Khmer.

Trong tiếng Khmer chữ Serey nghĩa là phước báu, Odom là lòng cao thượng. Cũng giống như các chùa Khmer ở miền Tây Nam Bộ, pháp hiệu bằng tiếng Khmer hoặc tiếng Pali thường gặp khó khăn khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Vì vậy, người dân có xu hướng dùng tên địa danh để gọi tên chùa, do chùa Serey Odom nằm tại xã Lộc Hưng nên được gọi tên là chùa Lộc Hưng.

Năm 1960, chùa được xây dựng đơn giản theo lối kiến trúc kiểu nhà sàn Khmer, mái tranh, khung gỗ, trên phần đất do ông Lâm Cong cúng dường. Sư Thạch Sol, người Khmer gốc huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng được Phật tử thỉnh đến làm trụ trì đầu tiên của chùa. Đến năm 1969 chùa được xây dựng lại khang trang hơn với phần chánh điện và nhà tăng xá. Năm 1991, sư Danh Giàu từ Kiên Giang lên trụ trì chùa Serey Odom, sau khi sư Thạch Sol hoàn tục đã lâu nhưng chùa vẫn chưa có trụ trì. Năm 1992, sư Danh Giàu đi làm trụ trì một ngôi chùa khác ở nước ngoài nên chùa Serey Odom lại vắng bóng trụ trì. Đến năm 2014, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử Đại đức Thạch Danh (sinh năm 1977), quê quán ấp No Rè A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh về xã Lộc Hưng làm trụ trì chùa Serey Odom. Tính đến nay chùa Serey Odom đã có lịch sử tồn tại gần 60 năm và trải qua ba đời sư trụ trì không liên tục.

2. Kiến trúc của chùa

Khuôn viên chùa Serey Odom có tổng diện tích khoảng 8.000 m2. Kiến trúc cũ của chùa đã bị hư hại theo thời gian và hoàn cảnh chiến tranh. Các công trình kiến trúc ngày nay được xây dựng lại khoảng từ 2011. Ngoài các công trình kiến trúc, phần sân chùa và hai bên lối đi trồng nhiều cây thốt nốt, cây dầu, cây sao và cây sala.

* Cổng chùa

Cổng chùa được trang trí theo lối kiến trúc Khmer truyền thống, bao gồm hai cột trụ lớn dựng lên hai bên vệ đường với chức năng nâng đỡ phần cấu kiện kiến trúc bên trên được xây theo mẫu hình ngọn núi Tu Di cùng hai mái tháp xếp lớp nằm chồng lên nhau theo thứ tự từ thấp lên cao. Mặt trước cổng chùa có bảng hiệu song ngữ ghi tên và địa chỉ của chùa bằng tiếng Khmer và tiếng Việt. Bốn góc của tháp cổng trang trí hình tượng tiên nữ (Kày No Rey) hai tay giơ cao đỡ mái tháp. Hai dãy hàng rào trước cổng chùa, trang trí hình tượng rắn thần Naga (Niệk) đầu vươn lên cao, thân nằm trải dài từ phía cổng dẫn ra Quốc lộ 13. Mặt sau của cổng dẫn vào khuôn viên chùa là con đường rộng 5 m, dài khoảng 200 m, hai bên có hàng rào ngăn cách với khu vực nhà dân. Ở mỗi đoạn tường rào cách nhau 5 m đều có đặt một cột trụ, đỉnh cột trang trí hình tượng chiếc đầu của thần Preak Prum (Phạm Thiên) với bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng, biểu trưng cho sự vĩnh cửu của Phật giáo Nam tông và ngôi chùa.

* Chánh điện

Chánh điện chùa Serey Odom nằm giữa trung tâm của khuôn viên chùa, có diện tích khoảng 100 m2. Sư cả Thạch Danh nhờ kiến trúc sư ở Trà Vinh vẽ kiểu nên về đặc điểm kiến trúc vẫn theo khuôn mẫu của các chùa Khmer về “tam quy ngũ điểm”. Trung tâm của chánh điện bố trí ngọn tháp hình núi Tu Di biểu trưng cho ngọn Phật sơn trung tâm của vũ trụ, nơi cư ngụ vĩnh hằng của Đức Phật Thích Mâu Ni. Tháp núi Tu Di được thiết kế năm tầng cao vút lên giữa nền trời xanh, thân tháp được xây rộng theo bốn hướng, trang trí bằng mái ngói xếp lớp chồng lên nhau. Sau cùng là phần mái chánh điện, xếp thành ba lớp ngói theo kiểu giật cấp trải rộng bao trùm chánh điện theo hướng từ thấp lên cao.

Chánh điện có 64 cột trụ gồm 54 cột nằm bên ngoài và 10 cột nằm bên trong. Chúng có chức năng vừa đỡ mái chùa vừa làm cột trụ để trang trí hình tượng Krut (đại bàng) và Kày No Rey (tiên nữ nửa người nửa chim) với đôi tay giơ cao đỡ lấy mái chùa. Hình tượng Kày No Rey hiện diện xung quanh chánh điện của các ngôi chùa Khmer mang ý nghĩa vừa biểu trưng cho sự thánh thiện, tinh khiết qua tiếng hót của các nàng tiên nữ có nguồn gốc từ loài chim, vừa thể hiện cho tình yêu thủy chung của nữ giới Phật giáo trong đời sống gia đình. Hình tượng chim Krut có nguồn gốc từ chim thần Garuda hay loài đại bàng, được dùng làm vật cưỡi của thần Vishnu trong thần thoại Bà la môn giáo, mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh bảo vệ chánh pháp của nhà Phật. Chim Krut dùng đôi tay lực sĩ đỡ lấy mái nhà của ngôi chánh điện mang ý nghĩa về ngọn Phật Tu Di luôn bay lơ lửng trên không trung. Chánh điện chùa Serey Odom chưa hoàn thành nên chưa dựng các lá Xây-ma (sima) và trang trí bằng những bức tranh vẽ tường như đặc điểm văn hóa truyền thống của các chùa Khmer Nam Bộ.

* Miếu Neak Tà

Trước mặt tiền chánh điện chùa Serey Odom là một ngôi miếu nhỏ lợp mái ngói, tường gạch tráng xi măng, dùng thờ cúng Neak Tà hay ông Tà. Bên trong miếu đặt hai tảng đá lớn biểu trưng cho ông Tà, một bát hương và ba chiếc ly bằng nhựa dùng đựng nước cúng cho ông Tà mỗi khi có người đến chiêm bái. Neak Tà là tín ngưỡng dân gian của người Khmer nhằm thờ cúng những vị thần cai quản xóm làng, đất đai và ruộng rẫy. Tuy nhiên, khi dung hòa vào Phật giáo Nam tông thì người Khmer đã tạo ra chức năng của ông Tà ở chùa là giữ gìn ngôi tự viện nên họ mới gọi tên ông Tà thờ trong khuôn viên chùa là Tà Wat, tức ông Tà chùa (chùa/wat).

* Tháp cốt

Phía trước mặt tiền chánh điện có dựng hai tháp cốt nằm đối xứng nhau. Tháp được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, kiến trúc giật cấp năm tầng, bên ngoài trang trí hoa văn kiểu Angkor, các góc tháp trang trí đầu rắn Naga vươn lên cao. Lòng tháp rộng chia thành nhiều ngăn để chứa các hũ tro cốt. Hiện nay, Phật tử người Khmer đã gửi di cốt người quá cố vào thờ trong hai tháp cốt này. Việc đưa di cốt hỏa táng vào chùa Serey Odom đã cho thấy vai trò ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông trong đời sống tinh thần của người Khmer. Vì trước đây phong tục tang ma của người Khmer ở xã Lộc Hưng và huyện Lộc Ninh nói chung đều theo lối địa táng.

* Nhà tăng xá và trường học

Chùa Serey Odom đang trong quá trình xây dựng nên một số hạng mục công trình đã được hoàn thành hoặc còn đang xây dựng. Trường học dùng để dạy tiếng Khmer và tiếng Pali đã được hoàn thành với mặt tiền trang trí bằng hình tượng Krut và Kày No Ray. Nhà tăng xá (sala) đang trong quá trình xây dựng thêm tầng lầu. Hiện tại chánh điện tạm thời được đặt trong nhà tăng xá để Phật tử thuận lợi khi đến chiêm bái và cúng dường cho chư tăng. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào được trang trí đầy đủ với hình tượng các linh vật và tranh vẽ tường như quy chuẩn của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ.

* Tượng Phật

Hiện nay bên trong chánh điện đã dựng được một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Phía trước chánh điện có dựng một bệ thờ, bên trên đặt pho tượng Phật Thích Ca ngồi lộ thiên không có mái che. Đặc biệt, các gia đình Phật tử ở địa phương hiện đã cúng dường cho chùa nhiều tượng Phật Thích Ca bằng đá hoặc bằng thạch cao. Đặc biệt bộ tượng Thích Ca bằng đá được tạo tác bằng lối điêu khắc tinh tế và thẩm mỹ cao, thể hiện hình tượng Đức Phật theo bốn tư thế: ngồi, đứng, đang đi và nằm. Ý nghĩa của bốn pho tượng này là nhằm ghi lại dấu ấn kỷ niệm về bốn giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đạt đạo (ngồi), thuyết pháp (đứng), hành đạo (đi) và nhập niết bàn (nằm). Bốn pho tượng này nằm chung trong một bộ tượng Phật do một gia đình Phật tử đặt làm bên Campuchia mang về cúng dường cho chùa Serey Odom.

* Công việc xây dựng hiện nay

Chùa Serey Odom được khởi công xây dựng lại từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành toàn diện vì thiếu kinh phí. Sư trụ trì có đăng thông tin trên các website Phật giáo kêu gọi Phật tử hảo tâm đóng góp tịnh tài, tịnh vật để chùa có thể hoàn thành các hạng mục công trình đang xây dựng dở dang. Công việc xây dựng hiện nay do Sư cả Thạch Danh và Phật tử người Khmer ở địa phương đảm trách. Chỉ có những phần kiến trúc mang tính kỹ thuật và mỹ thuật cao như ngọn tháp trên mái chánh điện, Sư cả mới nhờ đến thợ xây chuyên nghiệp. Phần tạo tác hoa văn trang trí, nhà chùa cũng tự mua khuôn về đúc, rồi tự trang trí vào bờ tường của chánh điện, tháp cốt và nhà tăng xá (sala). Phần điêu khắc các hình tượng linh vật như sư tử, Krut, Kày No Rey, chim Hăng… đòi hỏi kỹ thuật đổ khuôn thật tinh vi và trang trí mỹ thuật cao, nhà chùa không thể tự làm nên đã đặt mua từ các công xưởng ở thành phố Trà Vinh mang lên.

3. Ngôi chùa trong đời sống cộng đồng cư dân

Chùa Serey Odom được xem là trung tâm tôn giáo - văn hóa của người Khmer xã Lộc Hưng. Do chùa nằm trên địa bàn ấp 4, là nơi cư trú tập trung của đồng bào Khmer tại địa phương. Phía sau cổng chùa là con đường dẫn vào khu dân cư của người Khmer nên việc kết nối giữa ngôi chùa và người dân luôn được duy trì xuyên suốt. Do chùa được xây dựng từ năm 1960 nên cộng đồng người Khmer ở ấp 4 đã quen thuộc với hình ảnh của Phật giáo. Từ năm 2011 đến nay, chùa đã duy trì lại hoạt động tu học dành cho thanh thiếu niên người Khmer xuất gia tu báo hiếu cho ông bà, cha mẹ trước khi trưởng thành ra đời tìm việc làm. Bên cạnh đó, chư tăng chùa Serey Odom cũng tổ chức các buổi thuyết pháp hàng tháng, làm lễ cầu an, cầu siêu theo nghi thức Phật giáo Nam tông Khmer dành cho các gia đình Phật tử.

Hàng năm chùa Serey Odom tổ chức bốn lễ hội lớn dành cho đồng bào Khmer xã Lộc Hưng, bao gồm: lễ mừng năm mới hay còn gọi là Tết cổ truyền của người Khmer (Chol Chnam Thmay), lễ dâng y (Kathin), lễ báo hiếu tổ tiên, ông bà (Sen Đôn-ta) và lễ cúng trăng (Ok Om Bok). Trong số đó, lễ mừng năm mới được xem là lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer xã Lộc Hưng được chùa Serey Odom tổ chức kéo dài trong ba ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Tư dương lịch với các hoạt động văn nghệ chào mừng, múa Lâm thôn và biểu diễn nhạc Ngũ âm Khmer. Đặc biệt, sáng ngày 15 tháng Tư hàng năm, đông đảo bà con Khmer tập trung về hội trường nhà tăng xá để Sư cả Thạch Danh thuyết pháp, nói chuyện về ý nghĩa của ngày Chol Chnam Thmay và chúc Tết cho bà con Khmer. Sau cùng là nghi lễ tắm Phật và đắp núi cát với sự tham gia của hàng trăm Phật tử Khmer tại địa phương và các xã lân cận.

Trong những năm gần đây, kinh tế của đồng bào Khmer xã Lộc Hưng ngày càng phát triển nhờ mô hình nghề trồng lan rừng được chính quyền địa phương nhân rộng. Một số công trình xây dựng của chùa Serey Odom được định hình cũng nhờ vào sự đóng góp nhiệt thành của các hộ Khmer có thu nhập cao tại ấp 4. Dọc theo bờ tường hàng rào chùa và các công trình kiến trúc đều có những bảng hiệu nhỏ ghi công đức cúng dường của những người Khmer. Đặc biệt, bộ tượng Phật bằng đá có giá trị nhất trong chùa Serey Odom là do một gia đình Phật tử tại địa phương cúng dường cho chùa. Những gia đình Khmer khác không có điều kiện đóng góp tài chính thì đến chùa làm công quả bằng cách tham gia xây dựng chánh điện và nhà tăng xá. Phụ nữ Khmer thường đến chùa quét dọn hoặc nấu cơm cho chư tăng và công nhân xây dựng.

Nhờ tinh thần hoạt động tích cực, kết hợp giữa đạo và đời của chư tăng chùa Serey Odom, ngôi tự viện đã từng bước hình thành qua các công trình kiến trúc. Một số đồng bào Khmer tại địa phương trước đây không theo đạo Phật hoặc đi theo những tôn giáo mới đã quay về với tôn giáo truyền thống là Phật giáo Nam tông Khmer. Từ 5 năm trở lại đây, khi có hoạt động tang ma hay nghi lễ vòng đời, người Khmer đều đến chùa tham vấn chư tăng và ông Achar (người phụ trách nghi lễ của chùa). Vì vậy mà cộng đồng người Khmer tại xã Lộc Hưng không còn duy trì phong tục địa táng nữa mà thực hiện nghi lễ hỏa táng người quá cố rồi gửi tro cốt vào chùa Serey Odom như truyền thống của đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ.

Nhìn chung, chùa Serey Odom đang từng bước hoàn thành ngôi tự viện, đồng thời kết hợp với công tác hoằng pháp nhằm xây dựng lại đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer xã Lộc Hưng. Chư tăng chùa Serey Odom luôn nêu cao tinh thần hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết hợp: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ