Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ
1. Lược sử về ngôi chùa
Chùa Rajamahajetavana Rama còn có tên gọi theo địa phương là chùa Sóc Lớn, do chùa tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tên tiếng Pali của chùa mang ý nghĩa là chùa do Trưởng giả Cấp Cô Độc cùng Thái tử Kỳ Đà trong thành Ba La Nại (thuộc Ấn Độ xưa) xây dựng để dâng cúng Đức Phật tại Hoa viên của Thái tử Kỳ Đà.
Chùa do Hòa thượng Tốch Cháp cùng toàn thể tín đồ Phật tử Khmer ở đây xây dựng vào năm 1928 trên diện tích 4,8 ha do cộng đồng cúng hiến. Công trình đầu tiên được xây dựng là khu tăng xá - nơi để Hòa thượng và các sư thực hiện Phật sự, sinh hoạt, và cũng là nơi đặt điện thờ tạm khi chưa có chánh điện chính thức. Đến năm 1931, chánh điện được chính thức khởi dựng trên diện tích gần 1.000 m2, và được hoàn thành vào năm 1937. Nhưng vì khó khăn về kinh tế, nên đến năm 1954, lễ Kiết giới sây ma mới được tổ chức.
Năm 1972, do chiến tranh, chùa bị trúng bom, chánh điện và tăng xá bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại nền móng. Năm 1973, Phật tử Khmer trong khu vực đã dựng tạm ngôi nhà tranh trong khuôn viên đất chùa để làm nơi thờ tự và sinh hoạt tôn giáo, nhưng không có người trụ trì. Đến năm 1996, Thượng tọa Lý Sang (sinh năm 1920), quê Sóc Trăng, nhận trách nhiệm trụ trì ngôi chùa này và bắt đầu khởi công xây dựng giảng đường (sala) để làm nơi thờ tự và cũng là nơi sinh hoạt của chư tăng và Phật tử. Đến năm 2007, do tuổi cao sức yếu, Thượng tọa Lý Sang trở về Sóc Trăng và viên tịch tại đây. Sau đó, chùa do Đại đức Thạch Sa Thươl tiếp quản chăm sóc. Đến ngày 17/5/2009, Thượng tọa Thạch Nê (sinh năm 1972), quê Bạc Liêu, trú xứ tại chùa Pothivong, đến đảm nhiệm trụ trì chùa này cho đến nay.
Khi đảm nhiệm trụ trì từ năm 2009 đến nay, Thượng tọa Thạch Nê đã cùng cộng đồng tín đồ nơi đây xây dựng thêm nhiều công trình mới như giảng đường, trường học, tường rào chùa, tường rào nghĩa địa, chánh điện (đang xây dựng), và nhiều công trình phụ khác… trên tổng diện tích đất hiện nay là hơn 4,2 ha.
2. Kiến trúc của chùa
Dấu tích của ngôi chùa được tổ chức lễ Kiết giới sây ma vào năm 1954 hiện nay chỉ còn lại nền đất khoảng 1.000 m2 và một bệ thờ với những tượng thờ đã cũ. Các công trình hiện nay được nhìn thấy trong khuôn viên của ngôi chùa này là những công trình được xây dựng từ năm 1996 đến nay, gồm: cổng, sala cũ, sala mới, trường học, tháp thờ Đức Phật Thích Ca, tháp thờ chư thiên, chánh điện mới đang được xây dựng, tường rào xung quanh chùa.
* Cổng chùa
Cổng chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống của văn hóa Phật giáo Khmer Nam Bộ, với hai cột vuông được đúc bằng xi măng cốt sắt, và được trang trí theo lối họa tiết hoa văn Angkor ở bốn mặt. Nối liền phía trên hai đầu cột được đổ bằng bê tông, và được trang trí cũng với họa tiết chính vẫn là hoa văn Angkor, trong đó nổi bật là hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa vừa xuất thế, đứng trên tòa sen với tay phải chỉ trời và tay trái chỉ đất.
Từ cổng đi vào chùa là con đường đất đỏ rộng khoảng 8 m, dài khoảng 70 m, hai bên với hai hàng cột đèn được xây dựng theo lối đối xứng, mỗi hàng 10 cột. Kết cấu của cột được thiết kế theo phong cách rất đặc trưng với 5 phần: phần dưới đế hình vuông được trang trí theo lối hoa văn Angkor, phần kế tiếp đắp nổi 4 con rồng (Naga) theo phương thẳng đứng, tiếp nữa là trụ tròn, tiếp trên là bệ tròn và trên cùng là tượng Thiên nga (Hong).
* Nền chánh điện cũ
Từ cổng đi thẳng vào sẽ gặp nền của chánh điện cũ. Do trúng bom trong chiến tranh, nên chánh điện bị phá hủy, chỉ còn lại nền và bệ thờ. Nền chánh điện cũ được đắp đất cao hơn sân chùa, có bậc tam cấp đi lên. Phía trên là bệ thờ cũ - nơi đây còn để lại các tượng Phật đã cũ theo thời gian. Một số cây, cỏ cũng đã mọc lên trên nền chánh điện này và che phủ bệ thờ.
* Chánh điện mới
Chánh điện mới hiện đang được xây dựng cách nền chánh điện cũ khoảng 100 m về phía tay phải. Nguyên nhân là do diện tích đất thay đổi, từ 4,8 ha lúc ban đầu xuống còn 4,2 ha hiện tại, nên vị trí xây mới của chánh điện cũng phải thay đổi theo. Vì theo quan niệm của người Khmer, chánh điện phải luôn nằm ngay trung tâm của mảnh đất do chùa quản lý.
Chánh điện mới do Thượng tọa Thạch Nê cùng toàn thể tín đồ Khmer trong khu vực góp công xây dựng từ năm 2016 trên diện tích 2.763 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay, chánh điện mới đã được xây dựng gần xong phần thô. Hy vọng khi hoàn thành, ngôi chánh điện này sẽ là điểm nhấn quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc của văn hóa tôn giáo cộng đồng Khmer ở Bình Phước nói riêng và ở Nam Bộ nói chung.
* Sala cũ (giảng đường)
Từ nền chánh điện cũ nhìn sang phải sẽ thấy sala cũ. Sala này được Thượng tọa Lý Sang xây dựng năm 1996, khi ông về đây làm trụ trì. Ngôi sala này cũng chính là nơi đặt điện thờ Đức Thế Tôn kể từ khánh thành cho đến hiện nay. Ngôi sala này được xây dựng trên diện tích gần 200 m2, trong đó gồm có điện thờ, nơi thuyết giảng, và nơi nghỉ của trụ trì.
Kiến trúc của ngôi sala được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của người Khmer Nam Bộ, nhưng phía trước được xây dựng phỏng theo lối kiến trúc chùa, những họa tiết hoa văn đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ, với nhiều biểu tượng tiêu biểu trong kiến trúc chùa như Cày-no ở những đầu cột, Naga ở lối dẫn vào, Sư tử (Ria ja say) ở trước cửa… trên nóc cổng sala còn trang trí tranh đắp nổi với 5 vị Phật và bò thần.
Sala này đã tồn tại được hơn 20 năm, và dự kiến sẽ được dời đi sau khi chánh điện mới được hoàn thành, vì vị trí của nó đang nằm đối diện với ngôi chánh điện mới.
* Sala mới
Công trình này nằm phía sau sala cũ, do Thượng tọa Thạch Nê cùng toàn thể tín đồ Khmer góp công sức xây dựng từ năm 2012 trên diện tích 1.250 m2 (25 m x 50 m) đến nay đã gần hoàn thành. Công trình này rất đồ sộ, với giảng đường rộng, có nơi dành cho các vị tăng sư nghỉ ngơi, sinh hoạt, và các công trình phụ khác.
* Trường học
Đây là tòa nhà một trệt, một lầu được Thượng tọa Thạch Nê xây dựng vào năm 2010 theo đúng kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ trên diện tích 517 m2 (25 m x 47 m). Công trình được trang trí với nhiều biểu tượng và họa tiết hoa văn đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ như Cày-no, Naga, Ria ja say, hoa văn Angkor… Tòa nhà này được ngăn thành nhiều phòng, được dùng để làm phòng học, phòng đọc sách, phòng vi tính…
Hiện nay, tòa nhà này được xem là nổi bật nhất trong tổng thể các công trình kiến trúc của chùa Sóc Lớn, vì tính đặc sắc về biểu tượng và độ uy nghi của công trình.
* Tháp thờ Đức Phật Thích Ca và tháp thờ chư thiên
Một ngôi tháp nhỏ được xây dựng cũng theo lối kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ ở ngay gốc cây bồ đề - đối diện với trường học là nơi thờ tượng Đức Phật Thích Ca. Nơi đây, Phật tử hành hương cũng thường đến chiêm bái, cầu nguyện.
Phía sau ngôi tháp thờ Đức Phật Thích Ca là tháp thờ chư thiên, được xây dựng trên nền cao. Xung quanh nền có ba lối lên theo bậc thang. Xung quanh được trang trí biểu tượng Naga. Chính giữa là một tháp cao thờ chư thiên với họa tiết hoa văn và biểu tượng đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ.
* Tường rào
Tường rào quanh chùa cũng được xây dựng rất đặc sắc, với những họa tiết hoa văn đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ; trong đó biểu tượng đặc trưng nhất của tường rào ở đây là thần Hanuman và bánh xe luân hồi.
Tường rào được xây dựng bao bọc quanh chùa, và vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện.
Ngoài ra, xung quanh chùa, trong sân chùa còn được trồng nhiều loại cây, hoa để làm tăng thêm vẻ đẹp của ngôi chùa ở vùng nông thôn này.
3. Ngôi chùa trong đời sống cộng đồng cư dân
Người Khmer đã định cư lâu đời tại khu vực xã An Khánh, và ngôi chùa chính là trung tâm cố kết cộng đồng của người dân nơi đây. Đến nay, chùa Sóc Lớn đã trải qua các đời trụ trì như Hòa thượng Tốch Cháp trụ trì từ năm 1928 đến năm 1954. Hòa thượng Néc Kinh trụ trì từ năm 1954 đến năm 1973. Từ năm 1973 đến năm 1996, chùa không có người trụ trì. Sau đó, Thượng tọa Lý Sang đến trụ trì từ năm 1996 đến năm 2007. Từ năm 2007 đến đầu tháng 5 năm 2005, chùa được sự chăm sóc của Đại đức Thạch Sa Thươl. Từ ngày 17 tháng 5 năm 2009 đến nay, Thượng tọa Thạch Nê trụ trì ngôi chùa này.
Khi được tạo lập cho đến hiện nay, dưới sự đảm nhiệm của các sư trụ trì, chùa Sóc Lớn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo của cộng đồng Khmer ở khu vực này; và hiện nay, vai trò này cũng được phát huy mạnh mẽ.
Hiện nay, với hơn 700 hộ Khmer sinh sống tập trung ở ba ấp Sóc Lớn, Chà Đôn, Bàu Ven của xã An Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nên chùa Sóc Lớn chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo quan trọng của cộng đồng Khmer ở đây. Quản lý chùa hiện nay là trụ trì Thạch Nê cùng 15 tăng sư chuyên lo Phật sự và sinh hoạt nghi lễ tôn giáo trong cộng đồng như lễ Phật định (15/01 âm lịch), Tết Chol Chnam Thmay (14 - 16/4 dương lịch), lễ Phật đản (15/04 âm lịch), Đôn Ta (15/8 âm lịch), Ok Om Bok (15/10 âm lịch)… Ngoài ra, các tăng sư còn tham gia vào các nghi lễ tôn giáo trong gia đình và cộng đồng như cầu siêu, cầu an, hôn lễ, tang lễ, lễ hội Khai Bàu (lễ khai mùa) vào ngày 26/4 dương lịch hàng năm…
Trong chùa hiện nay còn mở các lớp học tiếng Khmer, tiếng phổ thông dành cho con em người Khmer trong cộng đồng. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trong mùa nhập hạ, tại chùa còn tổ chức thuyết pháp dành cho cộng đồng Phật tử Khmer trong vùng.
Người Khmer ở đây khi chết không hỏa thiêu thi thể mà thực hiện nghi thức chôn, nên có nghĩa địa riêng. Và chùa quản lý khu nghĩa địa này. Trong cộng đồng có người mất, Ban Quản trị chùa sẽ phụ trách việc bố trí địa điểm chôn. Các tăng sư trong chùa sẽ thực hiện nghi lễ tang ma theo quy tắc tôn giáo.
Chùa Sóc Lớn cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động cứu trợ, phát quà từ thiện cho cộng đồng. Nguồn kinh phí được quyên góp từ các nơi.
Tóm lại: Hiện nay, chánh điện của chùa Sóc Lớn tuy đang được xây dựng, nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo của cộng đồng Khmer ở xã An Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Chùa vẫn là nơi cố kết cộng đồng. Lãnh đạo chùa đã và đang giúp đỡ cộng đồng trên nhiều phương diện, từ kinh tế đến sinh hoạt văn hóa - xã hội trong suốt nhiều thập niên qua.
Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ
Bình luận (0)