Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ
1. Lược sử về ngôi chùa
Chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang, còn được gọi là chùa Nước Vàng ở cách xa Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc tại đường ĐH502, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Chùa được thành lập theo Quyết định số 6103/UBND-VX ngày 17 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Quyết định số 027/ QĐ-BTS của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương ngày 20 tháng 3 năm 2019 trên phần đất có diện 3.804 m2 do gia đình đại thí chủ Thái Oanh - Nguyễn Thị Tâm Phượng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Thành (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cúng dường Hòa thượng Danh Lung (đương vị Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trụ trì chùa Candaraṅsī - số 164/235, đường Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu (phường 7 cũ), quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).
09 giờ 30 phút sáng ngày 10 tháng 5 năm 2020 nhằm ngày 18 tháng 4 năm Canh Tý, chư tăng và Phật tử chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình sinh hoạt tạm. Buổi lễ do Hòa thượng Danh Lung chủ trì và tham dự của chư tăng chùa Candaraṅsī (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Pothiwong (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) và chùa Sirīvaṅsa (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).
Xã An Bình, huyện Phú Giáo là địa phương có số đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 225 hộ và 938 nhân khẩu. Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được từ những người Khmer lớn tuổi đang sinh sống ở xã An Bình cho biết, trước đây ông bà của họ sống trong rừng dọc theo những con suối lớn thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay. Do sống trong địa hình đặc trưng rừng núi nên người Khmer thích nghi với cuộc sống kinh tế nương rẫy theo hình thức quảng canh. Cuộc sống nay đây mai đó, du canh du cư từ vùng núi này qua vùng đất khác nhằm thích ứng với môi trường sống lúc bấy giờ. Trong thời Pháp nhiều người Khmer bỏ trốn theo phong trào Việt Minh, nhưng phần lớn bị Pháp bắt đưa về vùng An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương ngày nay. Tại đây, Pháp lập thành làng riêng, rào hết lại để kiểm soát. Cũng trong thời điểm này thực dân Pháp bắt đầu đặt họ cho người Khmer để quản lý hộ tịch. Pháp đặt họ theo từng làng, từng khu vực: những người Khmer trong làng An Bình (kể từ ruộng An Bình lên Phùm Me) mang họ Ngưu. Người Khmer làng Thành Công (khu vực từ suối Cuông, suối Mía đến suối Tà Ink) mang họ Kim; làng Cẩm Sô (từ suối Triết, Phùm (Phum) Cốc, đồng Tra) họ Thạch; làng An Trang (khu vực từ đồng Triêng vào tới sông Mã Đà) mang họ Trị. Sau này trong xã còn nhiều nhất là những người họ Ngưu, họ Kim, họ Thạch. Những người họ Trị do tập quán sống ở sâu trong rừng nên dân số ngày càng giảm dần do bệnh tật. Trong cả cộng đồng người Khmer tại xã An Bình hiện nay chỉ còn trên dưới 10 hộ mang họ Trị. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Pháp không kiểm soát làng Khmer An Bình nữa, một số người Khmer tiếp tục ở lại làng, một số lại vào làm ruộng rẫy rồi sinh sống tại đó như ruộng Cuông, ruộng Triết, ruộng suối Mía, ruộng Phùm/Phum Cốc.
Từ những năm 1959, ở khu vực Nước Vàng (xã An Bình, huyện Phú Giáo hiện nay), Mỹ dựng thành hàng rào ấp chiến lược rồi lấy toàn bộ dân làng An Bình (Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước ngày nay) đưa về đây. Mỹ lập lại sổ hộ tịch, quản lý, cấp thẻ cho từng người. Ban đầu, Mỹ cấp đủ thực phẩm để nuôi trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm. Mỗi gia đình được chia cho một khoảnh đất 40 m x 40 m dọc theo đường lộ (Quốc lộ 13 ngày nay). Bất cứ người dân Khmer nào kê khai hộ tịch thì được chia đất. Khi đó toàn bộ làng chỉ khoảng hơn 30 hộ gia đình (sau giải phóng làng An Bình cũng chỉ có 37 hộ người Khmer, 62 hộ người Kinh). Từ đó đến nay, người Khmer sống cộng cư cùng với người Kinh tại xã An Bình, cư trú tập trung ở các ấp Nước Vàng, Tân Thịnh và rải rác ở các ấp còn lại trong xã.
Từ những năm sau giải phóng, người Khmer tại xã An Bình có cuộc sống khó khăn, chủ yếu là sống du canh du cư nay đây mai đó, phát rừng làm rẫy, nhiều gia đình không có chỗ ở ổn định, con cái không được đi học, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Những năm 1999 trở lại đây, theo chính sách mới của Đảng và Nhà nước, người Khmer An Bình không du canh nữa, họ chuyển sang định canh và chuyển từ trồng lúa sang trồng tiêu, trồng điều và một vài năm gần đây chuyển sang trồng cao su; vào mùa nông nhàn, một bộ phận lớn người Khmer đi làm thuê, làm thợ hồ. Với sự hỗ trợ của máy móc, việc làm rẫy đã đỡ vất vả hơn cùng với việc học hỏi kỹ thuật trồng cấy từ các kỹ sư nông nghiệp, cây trái cho lợi ích kinh tế cao hơn. Các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước như hỗ trợ đất sản xuất, cho mượn tiền, cung cấp giống cây trồng vật nuôi và hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất từ đó người dân Khmer ở xã An Bình dần ổn định cuộc sống, định canh sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên có thu nhập cao, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, đời sống của người Khmer dần dần ổn định và khởi sắc, con cái họ được đến lớp học với số lượng ngày càng đông…
Có thể thấy người Khmer tại xã Bình An trong quá trình sinh sống cộng cư với người Kinh đã tiếp thu văn hóa của người Kinh và mất dần bản sắc văn hóa của họ. Quá trình hội nhập diễn ra mạnh mẽ khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người bị mai một và biến mất. Có thể quan sát thấy là cùng với sự đan xen cộng cư với người Kinh, cùng với quá trình hội nhập vào xã hội trong quá trình sinh tồn và phát triển, sự thay đổi về những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra trong từng ngôi nhà, trong cộng đồng của người Khmer tại xã An Bình.
Trong sinh hoạt văn hóa như thực hành các nghi lễ, tập tục trong hôn nhân, tang ma, sinh nở đến việc sử dụng ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực… của người Khmer tại xã An Bình hiện nay đều theo người Kinh. Người dân tộc Khmer nơi đây dần hòa tan vào bản sắc văn hóa của người Kinh. Vấn đề cốt yếu cần được quan tâm chính là thế hệ trẻ hiện nay cũng ít quan tâm đến bản sắc và văn hóa của chính dân tộc mình, dẫn đến quá trình mai một bản sắc dân tộc diễn ra một cách nhanh chóng. Việc giữ gìn chữ viết Khmer cũng là vấn đề nan giải đối với đồng bào Khmer tại An Bình vì thực chất ngay cả nhiều người lớn tại đây cũng không biết viết chữ Khmer mà chỉ biết trao đổi thông tin với nhau bằng tiếng Khmer trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng có quá nhiều từ ngữ cần phải vay mượn tiếng Việt vì họ không biết phải gọi chữ đó như thế nào bằng ngôn ngữ của họ. Chẳng hạn như cái muỗng, cái ly, đọt mây, v.v... Quá trình đứt gãy văn hóa của đồng bào Khmer tại đây diễn ra trong một giai đoạn quá dài, mà đến bây giờ khi kể lại nhiều người lớn tuổi cư trú tại xã An Bình cũng không thể nào nhớ rõ, những ngày lễ tết cổ truyền của người Khmer cũng không hề được diễn ra trong hơn một đời người. Do vậy, nếu muốn thực hành lại những nghi thức văn hóa cổ truyền, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc khó đánh động vào lòng tin và niềm tin dân tộc trong mỗi người Khmer tại đây.
Trong văn hóa của người Khmer, ngôi chùa có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của họ, là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tộc người để truyền lại cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, người Khmer ở An Bình không có chùa để sinh hoạt tôn giáo và văn hóa. Những gì biết về phong tục tập quán chỉ tồn tại trong tâm thức của những người lớn tuổi, khi nghe bố mẹ họ kể lại. Chính vì vậy, người Khmer ở Bình Dương do quá trình di cư và cộng cư xen kẽ với người Kinh đã ảnh hưởng mạnh mẽ văn hóa của người Kinh. Điểm quan trọng dẫn đến người Khmer mất bản sắc văn hóa tộc người so với người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do ở những khu vực họ di cư đến để sinh sống không có chùa để họ duy trì và thực hành các nghi lễ tôn giáo, cũng như thực hành văn hóa. Những người Khmer ở đây cũng không biết chữ của dân tộc mình, con cái họ sinh ra cũng không được học ngôn ngữ dân tộc Khmer mà chỉ được học tiếng Việt tại trường. Khi nhắc đến sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ tết, lễ hội của người Khmer thì họ cảm thấy rất mơ hồ, có chăng thì chỉ tồn tại trong tiềm thức của một số người lớn tuổi trước đây nghe ông bà, cha mẹ họ kể lại. Những thế hệ người Khmer sinh ra và lớn lên sau những năm 1970 chưa bao giờ được đến chùa, chưa tham dự các lễ hội, cách thực hành văn hóa của dân tộc Khmer. Thực trạng này chỉ diễn ra đối với người Khmer tại xã An Bình nhưng thực trạng đó đang có tác động rất lớn tới các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, làm mất đi tính sáng tạo văn hóa, đặc trưng văn hóa, một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một số người lớn tuổi tại xã An Bình cho biết, lần đầu tiên họ đến chùa để tham dự một lễ hội của người Khmer là vào năm 2012 khi ngôi chùa Sirīvaṅsa được xây dựng tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Từ đó đến nay hàng năm có khoảng chục hộ gia đình người Khmer ở An Bình vẫn duy trì tham dự các lễ hội lớn tại đây, đặc biệt là lễ tết của dân tộc mình. Cũng từ đó những hộ gia đình người Khmer có đời sống kinh tế khá giả hơn họ bắt đầu tìm tòi, ý thức về nguồn gốc văn hóa của tộc người mình. Hàng năm vào các dịp lễ lớn họ cùng nhau thuê chung một chiếc xe xuống Sóc Trăng, Trà Vinh… để tham dự lễ, tìm về cội nguồn nơi có những giá trị văn hóa tộc người rất phong phú. Từ đó họ ao ước có một ngôi chùa trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống. Nhận thấy nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và văn hóa của người Khmer ngày càng cao, nên các sư ở chùa Candaraṅsī mà đứng đầu là Hòa thượng Danh Lung đã đệ đơn lên chính quyền địa phương để xin được xây dựng một ngôi chùa tại cộng đồng Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của người dân tại đây.
2. Vai trò của chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang trong việc tái tạo bản sắc cộng đồng của người Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Như đã đề cập ở trên, cộng đồng người Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương do bị thoát ly môi trường tộc người, trải qua một thời gian dài không được tiếp cận với chùa chiền, lễ hội, phong tục truyền thống của tộc người Khmer nên họ chịu ảnh hưởng đậm nét của người Kinh ở khu vực cộng cư sinh sống. Trước tình hình đó, việc khôi phục lại bản sắc tộc người tại một cộng đồng gần như mất đi hoàn toàn yếu tố văn hóa đặc trưng của tộc người là một nhiệm vụ khó khăn. Việc xây dựng một ngôi chùa tại cộng đồng Khmer ở An Bình, huyện Phú Giáo với mục đích tái tạo lại bản sắc văn hóa tộc người đã bị lãng quên suốt mấy mươi năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu tìm về nguồn cội của một bộ phận cư dân Khmer tại xã An Bình. Đó là mong muốn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương nói chung và cộng đồng Khmer tại xã An Bình nói riêng nhằm xây dựng một cộng đồng người Khmer mang dấu ấn riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ khi thành lập chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang đã tổ chức các nghi lễ tôn giáo cho người dân Khmer tại xã An Bình và những người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương tham gia sinh hoạt tôn giáo. Cụ thể đó là Lễ An cư kiết hạ được tổ chức vào tháng 7 năm 2020. Trước ngày lễ diễn ra nhà chùa gửi giấy mời đến các hộ gia đình người Khmer và người Kinh cư trú trên địa bàn xã An Bình tham dự. Số lượng tham dự khoảng 150 người Khmer và 50 người Kinh. Lễ dâng y được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 năm 2020. Số lượng tín đồ và khách tham dự hơn 2.000 người. Sự tham gia với phần đông số lượng tín đồ đến từ các nơi khác, đặc biệt là công nhân Khmer làm việc ở các khu công nghiệp Bình Dương đã tạo ra một sự lan tỏa đến người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng Khmer. Ngoài ra chùa còn tổ chức lễ Sen Đôn-ta, Ok Om Bok (lễ cúng trăng), tại chùa với mục đích để người dân Khmer từng bước thích nghi với các lễ hội truyền thống của dân tộc mình đã bị quên lãng. Bên cạnh đó, vào mỗi buổi chiều hàng ngày các Phật tử đến chùa để tụng kinh bái tam bảo, nghe các sư thuyết giảng về giáo lý của đạo Phật. Số lượng người dân tham gia vào các buổi chiều khoảng 20 - 30 người và thu hút hàng trăm công nhân đến thăm viếng vào dịp chủ nhật hàng tuần. Mỗi ngày nhà chùa cũng có các Phật tử trong địa phương đến cúng dường, thỉnh chư tăng cầu an (cầu bình an), cầu siêu (cầu cho những người đã mất).
Nhiều hoạt động từ thiện được diễn ra kể từ khi thành lập chùa như là tổ chức các đợt phát quà cho các hộ dân trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn, với mỗi đợt là 200 suất quà, mỗi suất trị giá 400 ngàn đồng. Đợt phát quà lần đầu vào lễ An cư kiết hạ, đợt thứ 2 vào lễ Sen Đôn-ta. Trong mỗi đợt nhà chùa và Ủy ban nhân dân xã phân theo tiêu chí không phân biệt thành phần dân tộc. Bên cạnh đó, chùa cũng tổ chức trao học bổng cho các em học sinh với 22 phần học bổng vào dịp lễ cúng trăng (Ok Om Bok rằm tháng 10). Mỗi suất học bổng trị giá 500 ngàn, không phân biệt cấp học. Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa đối với cộng đồng người Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Qua những hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang trong suốt thời gian qua kể từ khi thành lập bước đầu đã đánh động và lan tỏa văn hóa của người Khmer đến một bộ phận người dân tại xã An Bình. Trước đây người Khmer tại đây chưa biết đi chùa, chưa biết tham dự các nghi lễ, tập trung đọc kinh, lễ bái Tam bảo là gì thì hiện nay họ đang từng bước tiếp cận và thích nghi với bản sắc văn hóa tộc người, thứ mà trước đây ông bà họ đã được thực hành trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, số hộ dân Khmer tham gia sinh hoạt tại chùa vẫn còn ít, chỉ khoảng 50 - 60 hộ dân tham gia sinh hoạt thường xuyên trong tổng số 225 hộ dân người Khmer sinh sống tại xã An Bình. Chính vì vậy, trong thời gian tới nhà chùa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Nhà chùa tập trung việc tạo dựng và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng người Khmer tại xã An Bình. Bên cạnh đó, trang bị kiến thức cho thanh thiếu niên người Khmer, duy trì, phát triển tiếng nói và chữ viết cho cộng đồng nhằm tái tạo bản sắc cộng đồng của người Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
3. Tiểu kết
Việc tái tạo bản sắc văn hóa của cộng đồng Khmer tại xã An Bình không chỉ là trọng trách của những người đứng đầu chùa Sirīsuvaṇṇavaṅsā Tông Kim Quang, ngôi chùa đầu tiên tại nơi đây; mà hơn hết, đây là nhiệm vụ cần có sự chung tay từ nhiều phía, trước hết, cần nhắc đến chính là chính quyền địa phương. Chùa là nơi tổ chức và thực hành, tái diễn lại văn hóa cổ truyền, còn chính quyền địa phương chính là đại diện cho tiếng nói, tiếng lòng của cộng đồng Khmer tại An Bình, là yếu tố hỗ trợ vận động, tuyên truyền và thúc đẩy tinh thần dân tộc, tìm về với cội nguồn của cộng đồng Khmer. Không riêng gì người Khmer, mà những dân tộc anh em đang sinh sống cộng cư với người Khmer tại An Bình, thông qua những hoạt động của chùa cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với một nền văn hóa Khmer hội tụ đầy đủ những yếu tố của chân - thiện - mỹ được tái tạo trong chính không gian sinh hoạt của mình. Có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cố kết cộng đồng các dân tộc bản địa.
Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ
Bình luận (0)