Trong những năm đầu thế kỷ XX, thiền sư Ledi Sayadaw đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa toàn bộ nền Phật giáo Myanmar. Ngài đã phục hưng phương pháp thực hành Thiền Minh Sát, quán sát sự vận hành của các dòng tâm, một phương pháp thực hành không chỉ dành cho tăng, ni, mà hầu hết các thành phần trong xã hội từ những chủ doanh nghiệp, các kỹ sư phần mềm, nhà giáo, học sinh tới những người nông dân đều có thể tiếp cận và thực hành được. Những phương pháp tu học mà Ngài truyền trao đã thắp lên ánh lửa, đặc biệt chú trọng tới người cư sĩ như là một phương tiện để trì giữ truyền thống Phật giáo trước sự đe dọa của thực dân Anh.

Ledi Sayadaw là một Thiền sư trứ danh, ngài đã hoằng dương và phục hưng Phật giáo tại Myanmar trong suốt giai đoạn đất nước bị người Anh đô hộ. Hơn một thế kỷ trước, khi người Anh đô hộ Myanmar, Thiền sư Ledi Sayadaw đã quan tâm tới những đe dọa ngày một lớn về truyền thống Phật giáo tôn quý của đất nước. Ngài tin tưởng rằng người Myanmar vẫn chưa biết cách để bảo vệ quốc bảo của mình trước ách đô hộ của thực dân và ngài cũng chứng kiến Giới luật của chư tăng, ni, những người chịu trách nhiệm trì giữ mạng mạch Phật pháp, khi ấy đang ngày một bị suy đồi nghiêm trọng. Ledi Sayadaw đã phát nguyện hoằng dương chính pháp, đặc biệt các phương pháp thực hành thiền Minh Sát bằng trí tuệ và sự tu chứng của mình.

Thiền sư Ledi Sayadaw chính là bậc thầy phục hưng phương pháp thực hành thiền Minh Sát, quán sát sự vận hành của các dòng tâm, một phương pháp thực hành không chỉ dành cho tăng, ni, mà còn dễ tiếp cận với hầu hết các thành phần xã hội, từ giới tri thức tới cả những người thợ săn, người nông dân và người làm nghề chài lưới. Những pháp thực hành này cũng đang được thực hành trong gần như tất cả các truyền thống Phật giáo tại các nước như Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản… và trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình nghiên cứu khoa học, khoa học thực nghiệm, khoa học tâm lý, thần kinh học và triết học phương Tây.

Ledi Sayadaw sinh ra tại một ngôi làng cách Mandalay 80 dặm vào năm 1846. Thời điểm đó Mandalay vẫn còn là thủ đô của một vương quốc độc lập, chiếm hơn một nửa diện tích đất nước Myanmar ngày nay. Vào thời điểm đó, trong tín ngưỡng Phật giáo Myanmar có một niềm tin phổ biến rằng Phật pháp có thể bị biến mất trên thế giới này và không xuất hiện trở lại trong nhiều kỷ sau đó. Và vào thời điểm bị ách thống trị của thực dân Anh, niềm tin ngày càng được củng cố trong người dân và phật tử Myanmar.

Ledi Sayadaw khát ngưỡng trở thành một tu sĩ, dành trọn vẹn cuộc đời tu hành. Vào tuổi 20, ngài rời ngôi làng để tới Mandalya ở Thanjaun, một trong những ngôi tự viện nổi tiếng nhất ở Myanmar bấy giờ. Bất kỳ tu sĩ nào muốn được chấp nhận tu học tại đây đều phải ngồi bên ngoài cổng, đọc thuộc chính xác toàn bộ giới luật của tu sĩ. Chư tăng tại tự viện Thanjaun có ảnh hưởng rất lớn tại Myanmar. Trụ trì tự viện là cố vấn thân cận nhất của nhà vua, ngài và các tăng sĩ khác trong tự viện đều thuộc hội đồng cố vấn quốc gia.

Ledi Sayadaw nhanh chóng được chấp thuận vào tự viện bởi ngài trụ trì nhanh chóng chú ý tới một vị tăng trẻ có trí nhớ đặc biệt. Ngài có giọng tụng đầy uy lực và đặc biệt, có trí nhớ vượt trội so với mọi người. Ngài tu học dưới sự hướng đạo của thầy trụ trì và chư tăng cao cấp trong tự viện. Tại đây, chương trình tu học chú trọng tới học thuật. Chư tăng phải học, ghi nhớ và tranh biện kinh, luật, luận mà ít dành thời gian cho hành thiền.

Với năng lực của mình, Ledi Sayadaw sớm được giao trọng trách làm giảng sư dự thính, rồi giảng sư chính thức. Tuy nhiên trong thời gian này ngài tự thấy bản thân không có thành tựu bất cứ pháp thực hành nào. Thực sự không có văn bản nào ghi lại rằng ngài đã tham thiền nghiêm ngặt trong suốt những năm tháng tại Mandalay, từ 1867 tới 1883. Ngài tập trung vào việc học thuật, chủ yếu đọc kinh văn bằng ngôn ngữ Pali, đặc biệt các bản kinh văn triết học trừu tượng như Vi diệu pháp. Những bản kinh văn này mô tả thực tại từ phương diện tuyệt đối. Ở hệ thống này, tất thảy vạn pháp đều được quán chiếu trong một chuỗi tiến trình hiện khởi, tác động, trôi chảy và biến mất trong từng khoảnh khắc của dòng tâm. Những kẻ phàm phu thì lại thấy thế giới tương đối này là có thực và có bản chất cố hữu.

Trước những biến cố đó của đất nước, ngài quay trở lại ngôi làng nơi mình sinh ra, kiến lập một ngôi tự viện gần làng và Pháp danh Ledi, “bậc thầy tôn quý của Rừng” cũng bắt đầu từ đó. Vào thời gian này, ngài nhiệt thành tham thiền, sử dụng các lý thuyết mà mình đã tu học để thực hành. Những năm tiếp theo, ngài dành trọn thời gian chỉ tham thiền, tới năm 1900, ngài đã hoàn toàn rời bỏ trọng trách trụ trì tự viện và chuyển tới thực hành nghiêm mật trên những hang động ở vùng núi cao gần bờ sông Chindwin. Trong một cuốn tiểu sử về ngài kể lại rằng, có một lần người thị giả tới hộ thất, đã hữu duyên chứng kiến ngài trong lần nhập định, thân hình bay lơ lửng trên không trung! Cho dù những lời kể lại trên có đúng hay không, thì những luận giảng của ngài trong thời gian này cũng chia sẻ về những thành tựu trong việc khai triển những năng lực của dòng tâm. Trong một tài liệu mà ngài chia sẻ như sau: “Khi truyền thống Phật giáo bị suy đồi, nhưng đã có nhiều người hữu duyên tìm cầu tới ta, người cất cao ngọn cờ của sự tinh tiến vĩ đại và vô song! Ta đã thực hành trọn vẹn tất cả các pháp thiền. Ta đã thành tựu con đường trí tuệ, thuần thực và thành tựu được năm loại trí tuệ siêu việt”.

Thông thường các bậc thầy rất hiếm hiển lộ những thành tựu tu tập của mình, đặc biệt đối với một tăng sĩ truyền thống Theravada. Nhưng Ledi Sayadaw là một bậc thầy vô song. Ngài chia sẻ đôi chút những thành tựu của mình, có lẽ cũng là phương tiện để cảm hóa nhiều thành phần trong xã hội.

Với nhiều năm tham thiền trên những hang động trên núi cao, Thiền sư Ledi Sayadaw thấy đã tới lúc nhập thế hoằng dương chính pháp. Những năm tiếp theo, ngài đã dành trọn thời gian, đi tới khắp các vùng miền trong đất nước, tới những vùng xa xôi, vùng núi cao để hoằng dương giáo pháp. Ngài giảng dạy giáo pháp những nơi mình tới, viết luận, thơ, luận giảng Phật giáo, thiết lập các trung tâm tu học cho chư tăng ni, cho phật tử, cư sĩ. Tầm ảnh hưởng của ngài lúc này vô cùng to lớn, rộng khắp đất nước. Một viên chức người Anh đã phải thốt lên: “Bất kỳ nơi nào ngài viếng thăm, có hàng ngàn đệ tử thành kính cung nghinh và đỉnh lễ dưới gót sen của bậc thánh tăng”. Một nhà văn Myanmar khi ấy đã tán thán rằng, thời gian này những “cơn mưa Pháp” đã tuôn tràn khắp mọi nơi trên đất Myanmar. Tham thiền cũng là một chủ đề quan trọng nhưng thường được trình bày trong văn cảnh của triết lý Vi diệu pháp.

Trước thời gian ngài truyền pháp, những người phật tử, những người dân bình thường hầu như chưa bao giờ được lắng nghe về giáo pháp đức Phật, về Vi diệu pháp một cách đầy đủ, sâu sắc và có hệ thống; những giáo pháp này được coi là quá khó cho những người thường. Nếu bạn là một người phật tử, cách tốt nhất là tập trung vào các vấn đề đơn giản như giữ làm việc thiện lành, học cách làm người tốt, cúng dường, bố thí bên ngoài. Nhưng ngài đã thành công khi truyền trao Vi diệu pháp một cách sâu rộng. Ledi Sayadaw lo lắng rằng Phật giáo sẽ bị suy đồi nếu mỗi người không thực hành, thể nghiệm những chân lý mà đức Phật đã truyền trao, người phật tử cũng đã thấu hiểu rằng với việc tu học Vi diệu pháp, chính họ cũng là những ngọn đuốc giúp trì giữ được những giáo pháp tôn quý.

Bên cạnh việc giảng dạy các kỹ thuật tham thiền, Thiền sư Ledi Sayadaw cũng rất chú trọng vấn đề giới luật cho các phật tử thực hành. Trong các buổi thuyết pháp và các bài luận mà ngài trước tác đều rất chú tới giới cấm uống rượu, sử dụng các chất gây nghiện, ăn thịt bò và nhiều chất cấm khác, những thứ mà ngài thường cho rằng người Anh lại đang khuyến khích sử dụng tại đất nước mình. Ngài từng dạy rằng: Tôi chắc chắn Chính phủ sẽ ủng hộ những chia sẻ của tôi. Tất nhiên sẽ có nhiều ngành nghề trong xã hội ví như nấu rượu, buôn bán chất gây nghiện cần phải bị hạn chế và cấm sau những buổi thuyết pháp của tôi. Chỉ như vậy mới đảm bảo đời sống đạo đức cho người dân.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, Thiền sư Ledi Sayadaw đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa toàn bộ nền Phật giáo Myanmar. Các hành giả cư sĩ, bao gồm cả người nam và người nữ đều đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo, những phương pháp tu học mà ngài truyền trao đã thắp lên ánh lửa, đặc biệt chú trọng tới người cư sĩ như là một phương tiện để trì giữ truyền thống Phật giáo trước sự đe dọa của thực dân Anh.

Trước đây nhiều người quan niệm rằng, sự chứng nghiệm các trạng thái của tâm thường chỉ dành cho những ai hiến dâng trọn cuộc đời hoặc phải dành nhiều năm tháng ẩn cư mới có thể đạt tới thì nay với phương pháp của ngài, những người bận rộn ở đời sống thế tục vẫn có thể tham thiền và chuyển hóa được các dòng tâm phiền não của mình. Các phương pháp ngài truyền trao vẫn là chuẩn mực của các phương pháp thiền tập ở Myanmar ngày nay.

Thiền sư Ledi Sayadaw đã truyền trao giáo pháp theo hướng kết hợp giữa tu và học, kết hợp giảng dạy triết lý với thực hành, đưa các phương pháp thiền Minh Sát tới quảng đại quần chúng. Trong nhiều trước tác của mình, ngài đã nhiều lần luận giảng rằng, người phật tử, cư sĩ tu học, dù ở mức độ sơ khởi đi hay chăng nữa thì vẫn tạo một nền móng cho những bước thiền quán sâu sắc hơn về sau. Ngài khích lệ mọi người tu tập, quán chiếu một cách chi tiết về tứ đại, đất, nước, gió, lửa và tin tưởng rằng mọi người đều có thể thấu hiểu và trải nghiệm được các tri kiến này. “Nếu có sự thấu hiểu thì những thiền quán sâu sắc về vô thường sẽ thành tựu được ngay khi đang lắng nghe pháp thoại hoặc ngay trong đời sống thường nhật. Bất kỳ ai nếu được dạy về các phương pháp của thiền Minh Sát đều cũng có thể quan sát, điều phục và chuyển hóa dòng tâm trong đời sống thường nhật của mình.”

Những giá trị của cách tiếp cận này vượt xa trong phạm vi phương pháp thiền quán Minh Sát. Với con đường thực hành được khởi nguồn từ ngài thì một hành giả Phật giáo tại gia có thể trở thành bậc trì giữ giáo pháp, bảo hộ và nắm giữ mạch giáo pháp. Ledi Sayadaw luận giảng rằng, con đường này có thể được gọi là “những thầy tu trong đời sống thế tục". Những “thầy tu” này không chỉ giữ những giới luật bên ngoài mà cả những kỷ luật nghiêm mật của các phương pháp hành thiền. Tri kiến này đã làm thay đổi quan niệm về vai trò của người cư sĩ và hành giả tại gia trong truyền thống.

Trước khi viên tịch vào năm 1923, Thiền sư Ledi Sayadaw đã dạy thiền tập cho hàng ngàn người dân Myanmar, truyền trao dòng truyền thừa thực hành cho thế hệ các đệ tử, những hành giả vẫn tiếp tục hoằng dương phương pháp hành trì rộng khắp trên thế giới. Thế hệ các đệ tử của ngài đã tiếp tục kế thừa mạch pháp chú trọng tu học, hành trì quán sát, chuyển hóa dòng tâm, thiết lập nhiều trung tâm Phật giáo không chỉ tại Myanmar mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Một trong những đệ tử xuất sắc của ngài là Thiền sư, cư sĩ Thetgyi, ngài Thetgyi là bậc thầy của cư sĩ U Ba Khin, từng là một viên chức chính phủ Myanmar. Ngài U Ba Khin là bậc thầy của nhiều Thiền sư suất sắc trên thế giới ngày nay như ngài Daw Mya Thwin, Ruth Denison, Robert Hover, John Coleman và S.N Goenka. Riêng ngài Goenka đã thiết lập hơn 120 trung tâm thiền Minh Sát trên toàn thế giới và ngài chính là bậc thầy của hai Thiền sư chính niệm có sức ảnh hưởng lớn tại các quốc gia phương Tây hiện nay là Sharon Salzberg và Joseph Goldstein. Ngài Migun Sayadaw là đệ tử tăng xuất sắc của ngài Ledi Sayadaw. 24 năm sau khi ngài Ledi viên tịch, ngài Mingun Sayadaw đã truyền trao các phương pháp thiền tập đặc biệt cho Thiền sư Mahasi Sayadaw, người có sức ảnh hưởng to lớn tới các quốc gia phương Tây ngày nay. Những phương pháp thiền tập của ngài Mahasi Sayadaw được coi là phương pháp chuẩn mực của nhiều trung tâm thiền Minh Sát trên toàn thế giới, được nhiều học giả, hành giả phương Tây học hỏi, kế thừa, đặc biệt có ảnh hưởng to lớn tới các chương trình tu học, ứng dụng Phật giáo trong các lĩnh vực đời sống xã hội, ví như chương trình Mindfulness-Based Stress Reduction Program của Jon Kabat-Zinn.

Tác giả: La Sơn Phúc Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2018