Bài và ảnh: Khánh Văn

LTS: Từ Tp.Hà Tĩnh đi theo quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 30km đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ đây, rẽ trái đi về hướng Tây theo quốc lộ 8A khoảng 30km đến ngã ba Nầm rồi rẽ phải qua cầu treo Sơn Ninh, đi qua xã Sơn Hà đến xã Sơn Thịnh ta sẽ đến Di tích Quốc gia Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá ở xóm Thịnh Nam (Nay là thôn Đức Thịnh, xã An Hoà Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Giá trị văn hoá, nghệ thuật Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá:

Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá là một di tích kiến trúc nghệ thuật mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, được xây dựng không quá xa hay cách biệt với khu dân cư, không gian kiến trúc không quá âm u tĩnh mịch. Địa điểm xây dựng thoáng đãng gây được ấn tượng về cảm giác linh thiêng. Khi nhìn vào địa điểm và cách bố trí mặt bằng tổng thể của Di tích Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá, chúng ta thấy tính đăng đối hài hoà của công trình với môi trường tự nhiên. Nghệ thuật kiến trúc của Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá, mỗi công trình có một dạng cấu trúc khác nhau với các kiểu kiến trúc khác nhau. Ví dụ, nhà Hạ điện cấu trúc hai vì đầu đốc có 4 cột (2 cột cái, 2 cột quân), hai vì giữa có 3 cột (1 cột cái, 2 cột quân). Hai đầu hồi có 2 cột con làm giá đỡ cho mái đốc. Trên tất cả các cột quân có kẻ chuyền, chạm trổ công phu.

Nhà Trung điện hai đầu hồi xây tường bịt đốc, ở hai đầu nhà xây dựng cột hiên bằng gạch trát vôi vữa. Nhà Thượng điện bố trí kiến trúc theo chiều dọc, chiều cao thấp hơn Hạ điện và Trung điện. Kết cấu bên ngoài hai bên đều đỡ lấy phần mái. Xung quanh nhà thưng ván và bố trí cửa ra vào hai bên, chính giữa cũng có cửa nhưng không dùng cho việc ra vào. Phía trước trên hai cột hiên được tạo tác bằng vật liệu gạch trát vôi vữa có câu đối:

“Sơn chi thời khí địa linh an sắc lĩnh thần tại Phụng tử huynh lưu khí tỏa thanh đồng phủ siêu hạng”.

Nghĩa là:

“Mảnh đất này linh thiêng, khí hậu trong lành an cư lập nghiệp Tình huynh đệ ghi ơn và được lưu truyền mãi mãi ngàn sau”…

Chùa Thịnh Xá tuy không lớn nhưng được tạo tác rất công phu với những nét chạm lộng, chạm khắc tinh tế hài hoà và đăng đối. Gác chuông với cấu trúc trùng diêm 2 tầng, 8 mái cong mềm mại tạo không gian cao vời vợi và uyển chuyển. Đây là một trong những Gác chuông tồn tại còn tương đối nguyên vẹn ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho đến ngày nay.

Về nghệ thuật trang trí, Đền Bạch Vân là một trong những di tích được chạm khắc rất công phu và rất nghệ thuật trên chất liệu gỗ truyền thống là gỗ mít với cách bài trí đăng đối hài hoà. Các chủ đề trang trí phản ánh đồi sống văn hoá dân gian truyền thống như rồng, phượng, cá chép hoá rồng, voi, ngựa, con quốc, rùa, hươu, những cây cảnh quen thuộc như trúc, mai, sen…Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ, các nghệ nhân xưa đã triệt tận dụng để chạm khắc cảnh vật vô cùng dí dỏm và sinh động. Phải nói rằng, cũng bằng những đề tài trang trí truyền thồng ấy, nhưng ở Đền Bạch Vân, các nghệ nhân đã nâng tầm giá trị kiến trúc và nghệ thuật trang trí lên đến đỉnh cao, đóng góp vào kho tàng kiến trúc đình, đền Việt Nam những giá trị không nhỏ về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền ngày càng phong phú và vô giá, làm cho nền kiến trúc Việt Nam giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Cũng như Đền Bạch Vân, Chùa Thịnh Xá được chạm trổ rất công phu với các đề tài dân gian như lá sen, hoa sen, rùa…Đặc biệt là các đầu dư gian giữa của chùa, các nghệ nhân đã tạo tác công phu một cách có chủ định nhằm tạo ra cho chùa có nét đặc sắc riêng và tươi tắn thông qua nghệ thuật chạm lộng về đề tài đầu rồng thể hiện sự thanh cao của đấng minh quân. Trên các thượng lương, kẻ ngồi, kẻ bẩy, xà dọc, xà ngang cũng được chạm trổ cầu kỳ với các đề tài đầu dơi, chim phượng, ngựa, đầu rồng…

Về ý nghĩa lịch sử, Đền Bạch Vân không chỉ là di tích kiến trúc nghệ thuật, mà còn là nơi tưởng niệm những nhân vật lịch sử học hành đỗ đạt cao có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Đây là bằng chứng về đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đức tính hiếu học của người dân Hương Sơn nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Thông qua những câu chuyện hư hư thực thực về sự gặp gỡ trong giấc mơ giữa vị thần Hương cống Trần Toản và Tiến sĩ Đinh Nho Công, chúng ta thấy tình bạn thuỷ chung giúp nhau lúc thi cử, không quên trả ơn nhau khi thành danh là nghĩa cử cao đẹp của tình bằng hữu, đồng thời là tấm gương về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” để người đời sau noi theo và ngưỡng mộ.

Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá kêu cứu

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá là một di sản văn hoá ở vùng quê miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Do nhiều nguyên nhân khách quan nên trong một thời gian dài Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá bị bỏ hoang không có ai trông nom chăm sóc. Từ năm 1977 đến năm 1994, Đền Bạch Vân được là trụ sở làm việc của UBND xã Sơn Thịnh (nay là xã An Hoà Thịnh), Hương Sơn, Hà Tĩnh. Các hiện vật trong Đền Bạch Vân đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, sắp xếp lộn xộn không tuân thủ theo quy tắc nào. Nhà cửa bị mối mọt tàn phá ngày cảng hư hỏng nặng và có nguy cơ mất dần các mảng chạm khắc hoa văn tinh tế cùng những mảng màu sơn son thếp vàng. Đặc biệt, có một trong hai con ngựa gỗ có tỷ lệ 1:1, thì một con đã hư hỏng hoàn toàn, còn một con đã hư hỏng nặng. Các kiệu rồng đang gác trên xà ngang nhà Trung điện, đồ phục vụ tế lễ đều để trong nhà Trung điện do nhà cất đồ lễ đã bị dỡ bỏ đang làm mất thẩm mỹ của đền. Cổng chính của đền gồm hệ thống cột nanh, tắc môn, cột cờ đều đã mất. Hàng rào phía trước đền đã hư hỏng xuống cấp, hàng rào phía sau đền chưa có, hàng rào phía Chùa Thịnh Xá còn tạm bợ.

Chùa Thịnh Xá và Gác chuông tuy đã được nâng cấp năm 2004, nhưng đến nay đã xuống cấp, nhiều phần gỗ bị hư hỏng nặng. Tượng phật trong chùa hầu như chưa có, chưa đáp ứng được yêu cầu nội thất tương xứng với tầm vóc và kiến trúc của một di tích Quốc gia. Nền nhà chùa cần phải nâng cao để tránh ngập lụt…

Với ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hoá và kiến trúc nghệ thuật của Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá, chúng tôi đè nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm bố trí ngân sách kết hợp huy động nguồn vốn xã hội hoá để trùng tu, nâng cấp Đền Bạch Vân, Chùa Thịnh Xá nhằm bảo tồn giá trị và gìn giữ di sản văn hoá vật thể có một không hai độc đáo này.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã An Hoà Thịnh cho biết, hiện nay trên địa bàn của xã có “Đền Bạch Vân, Chùa Thịnh XᔓSở ấn loát tài chính Trung bộ” đã được Di tích Quốc gia đang rất cần được đầu tư nâng cấp nhưng không có kinh phí để triển khai.

Xuất phát từ giá trị kiến trúc nghệ thuật của Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá ngày 23/8/2008, Bộ Văn Hoá Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 72/2008/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích Quốc gia cho Công trình kiến trúc nghệ thuật Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá ở xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Năm 2011, trong chương trình mục tiêu Quốc gia, Bộ Văn Hoá Thể thao và Du lịch đã phê duyệt dự án trùng tu nâng cấp Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh với tổng kinh phí 11,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên dự án này chỉ thực hiện được các hạng mục như: Nâng cấp nền nhà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện; nâng cấp nhà khách 7 gian (nhà Nghĩa thương); tôn tạo lại mặt bằng khuôn viên Đền Bạch Vân với số tiền 4,2 tỷ đồng. Còn các hạng mục khác đều dừng lại do không bố trí được vốn đầu tư.

Hiện nay, Di tích Quốc gia Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá có các hạng mục cần tôn tạo, phục chế, trùng tu như: Phục chế và nâng cấp 40 hiện vật trong Đền Bạch Vân đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng; xây dựng tường bao bảo vệ khu di tích; nâng cấp và khôi phục cổng đền bằng đá ở phía Tây; nâng cấp trùng tu Chùa Thịnh Xá và Gác chuông; phục hồi toàn bộ số tượng Phật đã bị mất, trùng tu nâng cấp nhà khách 3 gian (bái đường) Chùa Thịnh xá; nâng cao nền Chùa Thịnh Xá; nâng cao nền nhà khách 3 gian (bái đường) Chùa Thịnh Xá; nâng cấp khuôn viên Chùa Thịnh Xá…bằng ngân sách Nhà nước kết hợp huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá là Di sản Văn hóa vật thể đặc sắc không chỉ của Hương Sơn, Hà Tĩnh mà giờ đây đã trở thành tài sản của Quốc Gia. Vì vậy, việc bảo vệ di tích này là một yêu cấp cấp thiết không chỉ riêng nghành văn hóa mà còn là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với những di sản do ông cha để lại, cũng chính là để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Đừng để quá khứ lên tiếng, xin đừng thờ ơ vô trách nhiệm trước di sản vô giá Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá – Một Di tích Quốc gia đang bị thời gian tàn phá.

Bài và ảnh: Khánh Văn Hết

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-tich-den-bach-van-o-huong-son-ha-tinh-ky-1.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/kien-truc-nghe-thuat-den-bach-van-va-chua-thinh-xa-ky-2.html