Khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã được người Việt tiế nhận, biến đổi và nhanh chóng trở thành một bộ phận quan trọng trong lịch sử tư tưởng, văn hóa dân tộc.
1. Tiếp nhận và biến đổi các yếu tố của Phật giáo
Phật giáo được truyền vào nước ta trước hết thuộc về các nhà sư Ấn Độ, một số người Trung Á, Trung Quốc, trong đó có sự đóng góp nhiều mặt của các nhà sư Việt Nam. Ngay từ đầu Công nguyên, các nhà sư Ấn Độ đã đến nước ta và Luy Lâu đã sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Tại đây, hoạt động truyền giáo của Khâu Đà La (Ksudra đến Luy Lâu trong khoảng các năm 168-189), đã xuất hiện truyền thuyết Phật giáo Việt Nam đầu tiên với Thạch Quang Phật và Man Nương Phật mẫu. Từ trung tâm Phật giáo Luy Lâu, đã có những nhà sư Ấn Độ. Khoảng thế kỷ thứ IV-V, Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa bắt đầu ảnh hưởng vào nước ta. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc với các tín ngưỡng bản địa truyền thống của dân tộc. Có thể nhận thấy trên nhiều phương diện, Phật giáo đã được người Việt Nam tiếp nhận và biến đổi cho phù hợp.
Trong sách Lý hoặc Luận (bàn luận về cách xử lý những điều còn lầm lẫn, mê hoặc) do Mâu Bác (người Trung Hoa, sinh khoảng 165 - 170) viết tại Giao Châu bằng tiếng Trung Hoa đã trở thành cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Phật giáo. Sách Lý hoặc Luận viết: “Phật giáo đã du nhập vào Giao Châu trực tiếp từ Ấn Độ nên có cách trang phục, giao tiếp khác hẳn, khiến cho người Trung Hoa thắc mắc (tăng sĩ Giao Châu mặc áo cà sa đỏ, khi giao tiếp không quỳ”[1,453]. Đây là điểm khác biệt khá rõ trong cách trang phục, giao tiếp của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Trung Quốc. Một điểm nữa cũng cần chú ý là, Phật giáo ở Giao Châu thời kỳ này đã được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ cho nên từ Buddha (bậc giác ngộ) đã được người Việt phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn sang tiếng Việt thành Bụt. Trong con mắt người Việt, Bụt được coi như một vị thần luôn có mặt ở mọi nơi, luôn sẵn sàng xuất hiện để cứu giúp dân lành và trừng phạt kẻ xấu.
Hầu hết chùa Việt Nam bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu thần”, kết hợp với việc đưa các thần, các thánh, các Mẫu, các vị thành hoàng thổ địa, các vị Anh hùng dân tộc, vào thờ ở trong chùa. Điểm đặc biệt nữa và “có lẽ” chỉ ở Việt Nam đó là cũng có ngôi chùa không thờ Phật mà lại thờ các vị Anh hùng dân tộc. Ở miền Nam, có dòng Tiểu thừa và Đại thừa kết hợp chặt chẽ với nhau, có chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Thích Ca, sư mặc áo vàng, nhưng lại tu theo giáo lý Đại thừa), bên cạnh tượng Phật Thích Ca vẫn có nhiều tượng Phật nhỏ khác, bên cạnh sư mặc áo vàng vẫn có sư sử dụng đồ nâu và lam.
Khởi nguyên của Phật giáo chỉ có tăng (nam giới) trong Giáo hội, thì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cả ni (nữ giới). Có những chùa Mường (Việt Nam) còn giữ nguyên tên gọi nguyên sơ của nó như: Bụt đực - Bụt cái. Nàng Man, cô gái làng Dâu - Hà Bắc, một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo đã trở thành Phật Mẫu Việt Nam, đứa con gái của nàng hóa thân vào đá để trở thành Phật tổ (tương truyền nàng Man sinh vào ngày 8/4). Ngoài ra, còn có những Phật bà khác nữa như: Phật bà chùa Hương (tức Bà chúa Ba, hay Quan Âm Diệu Thiện), Quan Âm Thị Kính (trong các chùa gọi là Quan Âm Tống Tử ). Lại còn nhiều các bà Phật, bà Bồ tát vô danh như Bà Trắng (chùa Dâu).
Nước ta có khá nhiều chùa mang tên các bà: Hệ thống Tứ Pháp ở Thuận Thành (Bắc Ninh ngày nay) với các chùa mang tên bà như: Bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp Vũ), Bà Giàn (Pháp Lôi), Bà Tướng (Pháp Điện). Các bà được thần tượng hóa, có sức mạnh như thần, có thể gây ra mây, mưa, sấm, chớp tưới cho ruộng đồng, đáp ứng lòng mong mỏi của cư dân. Các chùa này còn nói lên uy tín to lớn của người phụ nữ trong đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Riêng Hà Nội có 6 chùa mang tên các Bà: chùa Bà Đá, Bà Đanh, Bà Nành, Bà Ngô, Bà Già, Bà Móc. Đại đa số các phật tử tại gia là các bà, các cô. Trẻ vui nhà, già vui chùa (tục ngữ) là nói cảnh các bà, các cô.
2. Phật giáo Việt Nam dung hòa các hệ phái
Theo các tài liệu hiện có cho biết, từ thế kỷ thứ VI, Phật giáo Trung Hoa ảnh hưởng nhiều đến văn hóa nước ta. Một trong số những ảnh hưởng ấy trước hết phải nói đến phương pháp và mục đích giác ngộ của Phật giáo Trung Hoa. Tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma là sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa. Bồ Đề Đạt Ma vốn là người Ấn Độ sang Trung Quốc vào đời Lương Vũ Đế (thế kỷ thứ VI), tiếp đó là Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn. Như vậy, phải đến Huệ Năng Thiền tông mới chia thành hai phái: Bắc tông và Nam tông. Đại biểu cho Bắc tông (tiệm ngộ) là Thần Tú và đại biểu cho Nam tông (đốn ngộ) là Huệ Năng. Nguyên nhân xuất hiện khuynh hướng đốn ngộ và tiệm ngộ là do sự “bất đồng cố hữu” trong phương pháp tu hành.
Khác với phương pháp và mục đích giác ngộ của Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam lại dung hòa các phương pháp giác ngộ (đốn ngộ và tiệm ngộ), kết hợp chặt chẽ với các tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống như Nho giáo, Đạo giáo. Đại biểu cho tư tưởng trên, trước hết phải nói đến Trần Thái Tông. Điểm nổi bật trong tư tưởng của Trần Thái Tông (1218 - 1277) là kết hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ tông, đốn ngộ và tiệm ngộ, sự giải thoát của bậc thượng trí và bậc hạ trí, song chủ yếu là sự dung hoà giữa Nho và Phật. Trần Thái Tông không chỉ nhìn thấy vai trò, ảnh hưởng của các đạo đối với xã hội phong kiến đương thời, mà còn tìm cách chỉ cho mọi người thấy tác dụng của các tôn giáo, tín ngưỡng đó đối với xã hội. Trong Khoá hư lục, Trần Thái Tông viết: “Chưa rõ thì chia làm ba giáo, hiểu rồi thì cùng ngộ một tâm” (Chưa minh người rối chia ba đạo, biết hết được cùng cóc một lòng) [4,43]. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Trần Thái Tông đã xây dựng được một hệ thống lý luận Thiền học khá hoàn chỉnh, làm cơ sở cho sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm.
Phật giáo coi sự tu hành là một phương tiện giúp cho con người đi đến giác ngộ, khi ngộ rồi thì hãy quên những cái đó đi, cũng như người đi đường, khi đã đến nhà rồi (chỉ trạng thái giác ngộ) thì không hỏi đường nữa. Khi nói về pháp sinh diệt, Tuệ Trung đã sử dụng các Công án thiền nhằm gợi mở cho học trò. Rõ ràng, trong giác ngộ, Tuệ Trung không phủ nhận giáo lý, trái lại, hình như ông theo rất sát giáo lý nhà Phật. Đó là lý do giải thích tại sao Tuệ Trung dẫn nhiều kinh Phật trong quá trình dẫn dắt người học đến với đạo.
Qua nghiên cứu mười ba Công án ta thấy, dụng ý của Tuệ Trung là bắt người học đạo không nên dựa vào giáo lý Kinh điển mà phải hiểu, trực cảm được cái chân lý thiền ẩn đằng sau những mệnh đề phi lý ấy, nhưng không phải bằng con đường mạch lạc của trí tuệ, mà bằng con đường nung đốt của tình cảm, dồn ép của tâm trạng, ngưng tụ của tinh thần. Trên cơ sở đó, Tuệ Trung khơi mở tâm lý thiền trong lòng người học đạo theo những cách thức riêng. Phương pháp nhận thức thông qua thiền, mà Tuệ Trung sử dụng là đẩy người học đạo đến mức bị dồn ép và bùng nổ về tâm lý, con người nhảy sang một trạng thái cảnh giới khác tức ngộ đạo.
So sánh các phương pháp giác ngộ, mục đích giác ngộ của Phật giáo Trung Hoa với Việt Nam ta thấy, các thiền sư Việt Nam tuy đề cao vai trò trực giác trong giác ngộ, song họ đã không đi đến tuyệt đối hóa nó. Đó là cơ sở để Phật giáo Việt Nam thực hiện chủ trương không chỉ giác ngộ cho mình mà còn giác ngộ cho mọi người. Về điểm này Tuệ Trung viết: “Giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người vượt khỏi đường mê” (Giác tha, giác tự bất mê đồ)[8,286].
Bên cạnh việc kết hợp đốn ngộ và tiệm ngộ, giác ngộ cho mình và cho người, dung hòa chặt chẽ hai phương pháp giác ngộ là tự lực và tha lực (thiền và giáo), Phật giáo Việt Nam là sự tổng hợp của các tông phái. Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì pha trộn với cả Mật giáo, nhiều thiền sư (nhất là thời Lý) như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không... đều nổi tiếng là giỏi pháp thuật, có tài thần thông biến hóa. Những đóng góp nói trên giúp cho Phật giáo Việt Nam có sắc thái riêng.
3. Phật giáo Việt Nam kết hợp chặt chẽ việc đạo với việc đời
Phật giáo vốn là một tôn giáo xuất thế, nhưng ở Việt Nam Phật giáo lại rất nhập thế. Các cao tăng thường được triều đình mời tham chính hoặc cố vấn trong những việc hệ trọng. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng phong cho Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống. Thời Tiền Lê, đại sư Khuông Việt và pháp sư Đỗ Thuận được giao việc tiếp sứ thần nhà Tống. Trước khi xuất binh đánh quân Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành đã hỏi ý kiến sư Vạn Hạnh. Thời Lý, thiền sư Vạn Hạnh trở thành cố vấn về mọi mặt cho vua Lý Thái Tổ… Thời Trần, các nhà sư như Đa Bảo, Viên Thông đều tham gia chính sự. Sự gắn bó giữa đạo với đời mật thiết tới mức, không chỉ có các nhà sư tham gia vào chính sự, mà vào thời Lý - Trần còn có khá nhiều vua quan quý tộc đi tu (nhiều nhất là phái Thảo Đường và phái Trúc Lâm). Sử gia Ngô Thời Sỹ đã nói: Thời đại Lý - Trần, thiên hạ bán vi tăng. Thời đại mà nửa dân số là tăng, ni, phật tử,…Thời Lý - Trần, các nhà sư không chỉ là một thiền sư mà còn là nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà quân sự... Các nhà thiền học uyên thâm như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sỹ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, vào lúc vận nước nguy nan, đều trở thành những anh hùng lập nhiều chiến công hiển hách.
Triết lý gắn việc đạo với việc đời còn thể hiện tầm nhìn, sự kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của các nhà tư tưởng. Đại biểu cho các nhà tư tưởng thời kỳ ấy trước hết phải nói đến các vị vua triều Trần. Các vua nhà Trần, trong khi ngưỡng mộ Phật giáo nhưng vẫn nhìn thấy dân vừa là cơ sở, vừa là gốc để giải quyết việc đời cũng như việc đạo. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam, viết: “Tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc, mà sau này chúng ta thấy biểu hiện trong những lời nói của Trần Nhân Tông, của Trần Hưng Đạo, thì đã gặp trong lời quốc sư Trúc Lâm dặn Trần Thái Tông năm 1236”[ 9,215].
Trần Thái Tông là vị vua tiêu biểu của sự kế thừa, vận dụng tư tưởng “thân dân, lấy dân làm gốc” trong sự nghiệp của mình. Trong Khoá hư lục, Trần Thái Tông viết: “Phàm người làm vua, lấy ý muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình” [10,114]. Vì vậy, nhà Trần đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển trong sự dung hòa với Nho giáo. Trần Thái Tông viết: “Cho nên đại giáo của đức Phật ta là phương tiện để dẫn dụ mọi bầy mê hoặc, là đường tắt để tỏ rõ mọi lẽ tử sinh. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, đó là trọng trách của tiên thánh... Nay trẫm há có thể không thể lấy trách nhiệm của đấng thánh xưa làm trách nhiệm của mình, không lấy lời dạy của đức Phật ta làm lời dạy của mình được sao!” [11,112]. Kế thừa thành tựu văn hóa nói chung, Phật giáo nói riêng, mà trực tiếp là tư tưởng của Tuệ Trung (anh ruột của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm - vợ vua Trần Thánh Tông và là mẹ của vua Trần Nhân Tông), Trần Nhân Tông đã lập ra Thiền Trúc Lâm (năm 1299). Mặc dù, Tuệ Trung không phải là một trong ba vị Tổ của phái Trúc Lâm, nhưng ông vẫn được tôn xưng là Trúc Lâm sư tổ – người trực tiếp truyền yếu chỉ thiền cho Trần Nhân Tông. Việc lập ra phái Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Trần Nhân Tông đã thống nhất được tất cả các phái Thiền đã có ở nước ta về một mối.
Về phía nhà nước phong kiến, do thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo trên các mặt của đời sống xã hội nên đã sử dụng Phật giáo để giải quyết một số nhu cầu thời đại đặt ra. Tác giả Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, viết: “Phật giáo là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng ở Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu thế kỷ XIV. Nó đã đáp ứng được nhu cầu củng cố địa vị của giai cấp phong kiến Việt Nam, đã được giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng để thu phục nhân tâm và ổn định trật tự xã hội. Đó cũng là công việc không thể thiếu được trong những bước đi đầu tiên của công cuộc dựng nước và giữ nước”[12,tr.219].
Phải chăng, nhờ những đóng góp ấy mà trong Hội thảo, tác giả bài Tuệ Trung Thượng Sĩ với tư tưởng và sức mạnh văn hiến Việt Nam đã viết: “Trong khi Trung Hoa cắm cúi lo chuyện kỷ cương tôn ty trật tự ở mặt đất, Ấn Độ mải ngước nhìn trời suy tư về sắc không và bàn chuyện luân hồi về giải thoát thì Việt Nam mình lo bảo nhau bám chắc lấy hiện tại hôm nay rồi từng bước vững tiến về tương lai - không ngừng tăng cường tinh thần “học tập đội bạn” nhưng tuyệt đối không sao chép, không rập khuôn. Thuyền mình mình lái, đường mình mình đi. Sao chép, rập khuôn thường dẫn đến sai lầm hoặc thất bại đau đớn”[13, tr.43].
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đang tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước, chẳng hạn, Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ngày 13-11, tại chùa Trình, Yên Tử, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an- toan-giao-thong/hang-nghin-nguoi-tuong-niem- nan-nhan-tu-vong-vi-tngt-339459.html).
Đại diện thân nhân các nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trao quà tại Đại lễ cầu siêu.
Hoặc, Lễ đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người. Tối 27-11, chương trình do Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) phối hợp với chùa Giác Ngộ (Quận 10, Tp.HCM) tổ chức lễ đăng ký hiến mô tạng để cứu người và hiến xác cho y học khi chẳng may qua đời (http://congan.com.vn/doi-song/hon-400-tang- ni-phat-tu-dang-ki-hien-tang-mo-tang-cuu- nguoi_29949.html).
Kết luận
Phật giáo Việt Nam tiếp thu và ảnh hưởng nhiều tư tưởng Phật giáo Trung Hoa Ấn Độ, song đã có sự phát triển sáng tạo. Trong khi Phật giáo Trung Hoa đề cao tuyệt đối hóa vai trò của đốn ngộ, tập trung sự giải thoát cho cá nhân nhiều hơn, thì Phật giáo Việt Nam lại vận dụng tổng hợp các phương pháp cụ thể: thiền, “Vong nhị kiến”, “Phá chấp” với việc học tập, chú ý đến lợi ích cho mọi người, cho cộng đồng. Có thể khẳng định, bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam là dung hòa giữa đốn ngộ và tiệm ngộ, thiền kết hợp với giáo, đạo gắn với đời. Triết lý ấy giúp cho Phật giáo Việt Nam khắc phục sự xa lánh của con người (giới tăng, ni, phật tử) với hiện thực đất nước. Đó cũng là quá trình “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nêu lên, quá trình mở rộng tâm mình ra tâm vạn pháp. Con đường này không tách rời đạo với đời, mà gắn liền với thế giới trần tục, với quê hương đất nước. Con đường dẫn tới đạo đức cao thượng bằng việc phục vụ mọi người, trong quá trình ấy, tâm con người càng mở rộng bao nhiêu, từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu thì càng tiến dần đến bờ giác. Ở góc độ lịch sử Phật giáo Việt Nam hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn - Trung, vì đó là con đường cứu dân độ thế, đạo gắn chặt với vận mệnh dân tộc. Ở góc độ này, Phật giáo đã có đóng góp vào văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần hình thành tính cách dân tộc, chống lại xu thế đồng hóa văn hóa của các thế lực ngoại bang.
Tác giả: Nguyễn Đức Diện - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trường đại học Y Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017
----------
Tài liệu tham khảo: [1,2]. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM. [3]. DAISETZTE ITARO Suzuki (1994), Thiền luận (Trúc Thiên dịch), quyển Thượng, Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb Tp Hồ Chí Minh. [4,10,11]. Trần Thái Tông (1974), Khoá hư lục, (Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [5,6,7,8]. Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý - Trần, t.2, quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [9]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [12]. Nguyễn Tài Thư (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [13]. Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam (1993), Trung tâm nghiên cứu Hán - Nôm.
Bình luận (0)