Thích Nữ Diệu Hạnh Nghiên cứu sinh Học viện PGVN tại Tp.HCM
1. DẪN NHẬP
Phá thai là một chủ đề gây tranh luận trong suốt quá trình phát triển xã hội loài người, liên quan đến tôn giáo, đạo đức, luân lý, thực tiễn và chính trị. Phá thai ở giới trẻ vị thành niên đang có xu hướng tăng đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tâm lý, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vô sinh, hiếm muộn. Thực trạng đó đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đạo Phật không phản đối việc sử dụng các biện pháp y học hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai, nhưng cũng không ủng hộ việc phá thai. Theo quan niệm của đạo Phật, sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thọ thai. Vì thế, bào thai là một mầm sống, một sinh mạng cần được bảo vệ. Vì một lý do nào đó mà người nữ lại bỏ đi một sự sống đang nảy nở trong cơ thể của mình. Hiển nhiên, tất cả đều có lý do hợp lý cho từng hoàn cảnh, tuy vậy, việc phá thai là một vấn nạn gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội, là hành động phi đạo đức, là tội ác giết người theo quan niệm của các tôn giáo, đối với Phật giáo là một chuỗi mắt xích của Nhân quả - Báo ứng.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là kinh Tạng Phật giáo và những tài liệu liên quan học viên tổng hợp được. Phương pháp logic được sử dụng chủ yếu trong bài viết này để tiến hành nghiên cứu, phân tích, so sánh đối chiếu nhằm đưa ra nhận xét, đánh giá vấn đề một cách khách quan để có những giải pháp thiết thực.
2. NỘI DUNG
2.1 Thực trạng vấn đề phá thai ở nữ tuổi vị thành niên
Theo báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (2020) nhân ngày Tránh thai thế giới (26/9/2020), quốc gia có tỷ suất phá thai ở nữ VTN cao nhất là Cu Ba (91%), Mỹ (30% - 44%), thấp nhất là Đức, Hà Lan (dưới 10%). Một nghiên cứu thống kê cho rằng trong số 500 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 15 – 19 trên thế giới có quan hệ tình dục có khoảng 1,1 triệu có thai ngoài ý muốn, trong số này có 38% nạo phá thai, 13% sẩy thai, dưới 50% số bé gái sinh con[1]. Cũng tại sự kiện này, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới, mỗi một phút, có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có một ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hằng năm, khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó, 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, 68,000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển[2].
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng Cục Dân Số - Kế hoạch hóa Gia đình (GOPFP) mới nhất, tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam khoảng 300,000 ca/năm, trong tổng số các ca phá thai, có 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19[3]. Tình trạng phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trên khu vực và phá thai tuổi vị thành niên vẫn đang là vấn đề đáng báo động ở nước ta. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, đứng đầu Đông Nam Á, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam phá thai 2,5 lần trong đời. Ước tính có khoảng 70,000 ca phá thai/năm ở lứa tuổi vị thành niên và người trẻ chưa lập gia đình. Số thiếu niên nhóm tuổi 14 – 17 đã quan hệ tình dục chiếm 36%, đề cập đến vấn đề phá thai không an toàn thì có đến 70% số ca phá thai là các em tuổi vị thành niên[4]. Mặc dù đã có nhiều biện pháp nâng cao nhận thức về việc nạo phá thai cho giới trẻ, tuy nhiên con số này vẫn còn xu hướng gia tăng.
2.2 Đạo Phật và vấn đề phá thai
2.2.1 Phá thai là vấn đề của toàn xã hội
2.2.1.1 Quy định về vấn đề phá thai của pháp luật Việt Nam
Hiện nay, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định rõ: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa”[5]. Ở Việt Nam, pháp luật theo hướng tôn trọng lựa chọn của người mang thai, đây được đánh giá là nền tảng cho sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi (Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP). Quyết định số 4620/QĐ-BYT, ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, ghi nhận các phương pháp phá thai an toàn đến hết tuần thứ 22. Như vậy, có thể kết luận rằng tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là không an toàn, không được pháp luật cho phép. Tội phá thai trái phép quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt người thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác mức phạt tù cao nhất đến 15 năm. Như vậy, nạo phá thai là quyền của người phụ nữ, nhưng là quyền có điều kiện.
2.2.1.2 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá thai tuổi vị thành niên
Khi bàn luận về vấn đề phá thai tuổi VTN – một giai đoạn chuyển đổi quan trọng từ thiếu niên sang người lớn. Theo các nhà Xã hội học, Tâm lý học cho rằng đây là giai đoạn chịu tác động rất lớn bởi những yếu tố kinh tế, vǎn hóa, xã hội, phong tục tập quán[6]. Tuổi VTN có những đặc tính chung như tính tò mò, ảnh hưởng của bạn đồng lứa đối với các vấn đề tình dục, sự thiếu hiểu biết về thụ thai và sinh sản cũng như tránh thai. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là những yếu tố ảnh hưởng đến mang thai VTN. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh gia đình khác nhau thì sự ảnh hưởng của những yếu tố này đến VTN cũng khác nhau[7].
Theo trào lưu văn hóa – xã hội, có nhiều nguyên nhân giới trẻ không muốn giữ lại thai nhi, với thiển ý của người viết xuất phát từ ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, xuất phát chính từ trẻ VTN, do tính tò mò, hoặc thiếu kiến thức, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Giới trẻ đang ‘chạy’ theo trào lưu nền văn hóa Tây Phương du nhập - một nền văn hóa tự do thỏa mãn tình dục. Vì điều này đã đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Á Đông, đó là tôn trọng ‘lễ nghĩa gia phong’, ‘nam nữ thọ thọ bất tương thân’, nét đẹp của người con gái là ‘thùy mị nết na’. Con số nạo phá thai của trẻ VTN đặc biệt tăng nhanh sau các kỳ nghỉ tết, Quốc tế lao động, Quốc khánh và cuối học kỳ của năm học, sinh nhật…
Thứ hai là gia đình, do sự phát triển của xã hội, cha mẹ ‘cuồng say’ với công việc nên ít có thời gian để chăm sóc, quan tâm con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Định kiến xã hội truyền thống vẫn còn, nên đó là lý do cha mẹ thậm chí nhà trường cũng ngại chia sẻ kiến thức giới tính trẻ VTN, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ.
Nguyên nhân thứ ba là từ xã hội, với định hướng giáo dục sai lầm về nguồn gốc loài người trong xã hội, có những kiến thức xem thai nhi trong giai đoạn hình thành và phát triển không phải là con người. Hơn thế nữa, lấy sự hình thành của thai nhi trong các giai đoạn so sánh với các loài động vật khác, điều này đã dẫn đến những tư duy không lành mạnh của con người. Ngoài ra, các chương trình giảm sinh, kế hoạch hóa, tuyên truyền triệt sản, thậm chí doạ dẫm sa thải, đuổi việc, cách chức v.v... đã làm gia tăng tệ nạn nạo phá thai. Định kiến xã hội vẫn còn, nữ giới chưa có gia đình không được mang thai, dư luận xã hội lên án cả họ hàng, hoặc xã hội còn lên án nữ giới nuôi con một mình (mẹ đơn thân), dù pháp luật cho phép. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ về hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân như các nước phát triển, hàng loạt cơ sở y tế tư nhân ‘mọc’ lên khắp nơi, thậm chí ngay tại các bệnh viện phụ sản cũng coi chuyện phá thai là chuyện rất bình thường.
Tóm lại, ý thức sai lầm do các đường lối giáo dục sai lầm và hệ thống luật pháp vừa lỏng lẻo vừa chệch hướng, sẽ tồn tại rất lâu trong tâm thức con người, càng làm cho xã hội trở nên rối ren hơn và tha hóa nhân cách hơn.
2.2.2 Phá thai qua góc nhìn của Phật giáo
2.2.2.1 Điều kiện hình thành bào thai
Ngang qua kinh điển Phật giáo, trong kinh Trung bộ đề cập đến bốn hình thức thọ sinh đó là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh[8]. Con người là chủng loại điển hình cho hình thức thai sinh. Chính vì sự biến hóa của bốn loại sinh trên là nguyên nhân làm chúng sinh trôi lăn theo mức độ cảm ứng nghiệp của mình. Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh, tùy nghiệp đồng và thích ứng của mỗi loài mà cảm ứng. Thai nhơn tình mà có, noãn do tưởng mà sinh. Thấp bởi hợp mà cảm. Hóa vì ly mà ứng. Tình, tưởng, hợp, ly luôn luôn vận động đổi thay theo nghiệp sở hành mà cảm thọ, khi đi lên, lúc đi xuống, xoay vần trong sáu nẻo.
Đề cập đến vấn đề thọ thai, trong Kinh Trung Bộ đề cập: “Này các Tỳ kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỳ kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình”[9].
Như vậy, đã gọi là “mang thai”, tức yếu tố nghiệp thức đã có mặt. Những nhân duyên đó là hành động hay Nghiệp của ta tích tụ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, chính là điều kiện hình thành, nuôi dưỡng bào thai. Khi thọ thai, chính Nghiệp là dinh dưỡng, nguồn sống của bào thai, chính Nghiệp đã kiến tạo nên những sắc thái tâm linh, sinh thể trong một hiện tượng vật lý gồm tinh trùng và noãn của cha mẹ để hình thành một con người.
Trong kinh Trường bộ, đức Phật dạy A Nan (Ānanda) rằng, nếu thức không đi vào trong bụng người mẹ, thời danh sắc không thể hình thành trong bụng bà mẹ, nếu thức đi vào trong bụng mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc cũng không thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc không thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được. Như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của danh sắc, tức là thức[10]. Trong kinh Tương Ưng đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thân thể này không phải của các ông, không phải của người khác. Thân này, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ”[11]. Tiếp tục nghiên cứu trong kinh Đại Bảo tích, đức Phật dạy: “Thân ca la lã (trung ấm) đều từ nhân duyên thứ đệ sinh trưởng mà chẳng được đồng thời tất cả các căn đều đầy đủ. Thế nên phải biết dầu từ cha mẹ mà có thân ấy, nhưng tìm trong các duyên đều không có, do sức hòa hiệp mà có thọ sinh”[12]. Trong Kinh Mi Tiên (Milinda panha) đưa ra ví dụ cụ thể: Ví như cây đèn đốt cháy đầu hôm cho đến sáng, đầu hôm thì đầy dầu, sáng thì cạn dầu. Nó chỉ là một cây đèn ấy được cháy đỏ liên tục đầu hôm đến sáng. Tất cả chúng sinh cũng y như thế đó. Danh và sắc đầu tiên kết hợp thành thân và tâm này tạo nên một sinh mạng, một đời sống hữu tình; tuy thân và tâm đều vô thường, thay đổi nhưng nó vẫn duy trì sinh mạng cho đến lúc chấm dứt tuổi thọ. Già lão có thay đổi nhưng vẫn là một con người ấy mà thôi[13]. Trong bài pháp đức Phật thuyết về vấn đề nhập thai có đề cập: “… có loài không tỉnh giác nhập mẫu thai, không tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ nhất. Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, không tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ hai. Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ ba. Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, tỉnh giác trú mẫu thai, tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ tư”[14].
Tóm lại, sự sống từ một bào thai đến tượng hình người hoàn chỉnh là một quá trình dòng chảy liên tục biến đổi dù là sự sống của thân, sự sống tiềm thức hay sự sống vô thức. Trong toàn bộ quá trình này, không có một chủ thể nào giống như một linh hồn cả. Chỉ có dòng chảy tiềm thức đã ghi lại mọi hành động và kinh nghiệm quá khứ của chúng ta, từ một thời điểm vô thủy nào không rõ, và kéo dài vô cùng vô tận. Trong tiến trình này: Danh – sắc phát sinh cùng một lúc với thức tái. Hành và thức thuộc về hai kiếp, quá khứ và hiện tại của một chúng sinh. Thức và danh sắc, trái lại, cùng phát sinh trong một kiếp sống[15].
2.2.2.2 Hành vi phá thai
Trong Rig Samhita (trong số những kinh điển cổ nhất của người Ấn, có thể trước 1200 tr.TL), thần Vishnu được đề cập như là ‘người bảo vệ trẻ tương lai’. Atharva thể hiện thái độ tương tự đối với trẻ chưa sinh, với hàm ý thêm rằng phá thai được liệt vào trong số những tội ác ghê tởm nhất[16]. Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi trả lời về vấn đề này cho các nhà khoa học phương Tây đã khẳng định: “Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người”[17]. Sát sinh nói riêng hoặc làm một việc bất thiện khác nói chung, có mối liên hệ mật thiết với tác ý và và mức độ hiểu biết của đương sự. Do đó, để đánh giá một hành động sát sinh ở mức độ nào, cần phải chia thành nhiều cấp độ để dễ đánh giá. Theo giáo lý đạo Phật, có năm yếu tố cấu thành hành vi phạm giới sát được phân tích cho hành vi phá thai như sau[18]:
(1) Đối tượng bị giết là một chúng sinh. Khi vừa mới hành thành bào thai thì Đạo Phật đã xem đó là một sự sống mới hình thành. Và sự sống đó là một chúng sinh thực thụ;
(2) Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh. Sau khoảng 2-4 tuần, người mẹ đã nhận diện được sự có mặt của bào thai trong cơ thể mình.
(3) Sản phụ có tác ý giết thai nhi. Khi ấy người mẹ khởi lên ý niệm loại bỏ thai nhi này bằng nhiều cách.
(4) Người sát sinh phải có một cố gắng giết bằng mọi biện pháp. Là khi người mẹ áp dụng nhiều biện pháp làm mất đi sự sống của bào thai như: Uống thuốc phá thai, nạo thai bằng y học, tác động mạnh đến thai.
(5) Khi bào thai đã chết thì hành đông nạo phá thai là hành động sát sinh.
Chung quy lại, Phật giáo cho rằng sự sống bắt nguồn từ khi thọ thai, việc phá thai sau đó sẽ liên quan đến việc cố ý hủy hoại sự sống, hoặc đồng tình để người khác sát sinh cũng phạm tội. Thậm chí đức Phật dạy trong Đại Phương Quảng Thập Luân Kinh, nếu người xuất gia mà cố làm hại chúng sinh hoặc phá thai cũng phạm tội “…nếu người nào xuất gia trong pháp của Ta mà cố hại mạng của kẻ phàm phu, chúng sinh ấy; nếu dùng thuốc độc hoặc phá thai của họ thì gọi là tội căn bản chứ chẳng phải tội nghịch”[19].
2.2.2.3 Hậu quả của việc phá thai
Đức Phật dạy rằng “tự phá thai mình” là một tội, phải chịu quả báo hết sức nặng nề và kéo dài. Trong kinh Tạp A-hàm có đề cập: “Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Lặc-xoa-na: ‘Giữa đường tôi thấy một chúng sinh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt, đi trong hư không, bị quạ, diều, kéc, kên kên, dã can chó đói rượt theo cấu xé để ăn; hoặc moi nội tạng ra khỏi xương sườn để ăn, thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Tôi liền nghĩ: chúng sinh này đã phải mang cái thân như vậy, mà sao còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy?”…
Phật bảo các Tỳ kheo: “Chúng sinh này thời quá khứ ở thành Vương Xá, tự phá thai mình. Do tội này nên rơi vào địa ngục trong trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ, tội báo kia còn sót lại nên nay vị ấy phải mang cái thân như thế, và tiếp tục chịu khổ”[20].
Phá thai là hành vi không những ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người nữ, tạo nhân xấu cho mẹ và con mà còn làm mất đi cơ hội làm người, cơ hội tiến hóa tâm linh, cơ hội được tái sinh của một sinh linh. Trong kinh Tương Ưng: “Không dễ tái sinh làm người cũng giống như đất dính trên đầu ngón tay so với quả đất, còn rất nhiều chúng sinh phải tái sinh ra ngoài loài người”[21]. Kinh Trung bộ có ví dụ một khúc gỗ có một cái lỗ trên biển, bị gió thổi tứ phương và một con rùa mù ngàn năm mới trồi lên một lần. Con rùa ấy khó có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây, nếu có thì chỉ một lần trong thời gian rất lâu và trở lại thân người còn khó hơn việc ấy nữa một khi người ngu rơi vào đọa xứ[22]. Hơn thế nữa, phá thai làm tổn hại lòng từ bi, giá trị đạo đức và chịu chi phối bởi luật nhân quả, trong Kinh Trung bộ nêu rõ: Có người đàn bà hay đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đã thương, tâm không từ bi với các loài chúng sinh. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, nếu không sinh vào cõi dữ mà đi đến loài người, thời chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải đoản mạng[23].
Trong kinh Trường thọ diệt tội cũng dẫn chứng về một Ưu-bà-di tên Điên Đảo đã mang thai tám tháng, vì gia qui nghiêm ngặt nên uống thuốc phá thai. Ngài Phổ Quảng Chính Kiến Như Lai dạy Ưu-bà-di Điên Đảo rằng: “Ở đời năm việc, khi đã làm xong, sám hối khó dứt tội: một là giết cha, hai là giết mẹ, ba là giết thai nhi, bốn là làm thân Phật chảy máu, năm là phá hòa hiệp Tăng. Các nghiệp xấu ác như vậy, dù có sám hối cũng khó hết sạch”[24]. Kinh dạy Tội giết thai nhi bị đọa vào địa ngục: “Ở trên lửa hực xuống dưới, ở dưới lửa bốc lên trên, bốn bề có tường sắt vây quanh, trên dưới đều có lưới sắt bao phủ. Bốn cửa Đông Tây, có lửa nghiệp cực mạnh. Mỗi mỗi người tội, thân hình biến tràn 8 vạn do tuần tràn khắp địa ngục. Có rắn sắt to lớn, phun ra lửa độc thiêu đốt người tội đau nhức vô cùng. Hoặc từ miệng vào, hoặc từ mắt, tai thường phun lửa mạnh bao phủ người tội cả trăm ngàn kíếp. Lại có chim ưng sắt phanh thây xẻ thịt, hoặc có chó sắt nhai ngấu người tội, ngục tốt đầu trâu mặt ngựa tay cầm binh khí la hét vang trời tợ như sấm sét”[25].
Giết hại thai nhi mắc phải tội báu như vậy. Quả dữ của nghiệp sát sinh là mạng yểu, bệnh hoạn, buồn rầu. Đau khổ vì nạn chia ly và lo sợ[26]. Tóm lại, đạo Phật dựa vào chân lý của nhân quả nghiệp báo, nên hành vi phá thai đã phạm vào giới sát sinh, từ đó ân thù báo oán sẽ được hình thành giữa người mẹ và đứa trẻ. Đạo Phật là đạo từ bi (mettā-karunā), trí tuệ (jnana-prajna) cho nên hành động phá hủy bào thai đáng lên án.
2.3 Những giải pháp ngăn ngừa và hạn chế vấn đề phá thai theo quan niệm Phật giáo
2.3.1 Giải pháp ngăn ngừa vấn đề phá thai
Để ngăn ngừa vấn đề phá thai một cách hiệu quả ở trẻ VTN, những giải pháp được đề xuất như sau:
Thứ nhất, việc quan trọng trước hết là xây dựng một nhận thức đúng đắn trong chính tự thân VTN. Các bạn trẻ cần trang bị cho mình kiến thức về giới tính qua trường lớp, sách vở không nên tự tìm hiểu qua bạn bè, qua những thước phim không lành mạnh và cũng không nên xem thường việc giáo dục giới tính. Nếu cần thiết, chúng ta có thể đến các trung tâm tư vấn có uy tín hoặc nhờ những người hiểu biết giúp đỡ. Đồng thời, các bạn nên giữ ranh giới với người khác phái, nhất là các bạn đang yêu nhau. Hơn nữa, các em nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh và nói không với việc nạo phá thai.
Thứ hai, giáo dục về luật nhân quả. Người đệ tử Phật phải đều dựa trên trí tuệ hiểu biết về nhân quả. Giáo dục trẻ VTN nhận thức rằng tất cả chúng ta không bao giờ chạy ra khỏi nhân quả. Mỗi một lời nói, mỗi một tính toán, mỗi một chương trình kế hoạch, mỗi một việc làm của ta không cho một giây phút nào rời khỏi cái suy tư, cái tư duy về Luật nhân quả. Khi làm bất cứ điều gì, nói gì đều cân nhắc xem mức độ Thiện Ác của nó như thế nào. Nếu xét thấy rằng nơi câu nói này tạo thành TỘI thì không nói. Còn nói câu này tạo thành PHÚC thì ta nói để cho người được lợi ích. Với vấn đề phá thai phạm giới sát, một trong giới đầu tiên đức Phật chế ra nhằm răn phật tử tại gia cũng như xuất gia. Phạm giới này thì phải chịu quy luật nhân quả luân hồi nhiều đời nhiều kiếp như đã được đề cập ở phần trên. Hơn thế nữa trong ngôi nhà Phật giáo, cha mẹ có trách vụ quan trọng, là ‘người bạn đồng hành’ của con trong tiến trình phát triển. Là người con Phật, cha mẹ hướng con trở về quy y tam bảo, hiểu luật nhân quả báo ứng mục đích dạy con ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện[27]… Đức Phật khuyên các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo cho các con về phương diện vật chất mà cả phương diện tinh thần, nhân cách đạo đức. Chỉ có sự chăm sóc và giáo dục toàn diện như thế mới mong giúp con trở thành những người con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt, hữu ích cho xã hội, thương con không đồng nghĩa dung dưỡng, bao che những lỗi lầm của con, nhiều trường hợp phải có những hình phạt chừng mực.
Thứ ba, các cơ sở tôn giáo nhận rõ được bổn phận giáo dục trẻ VTN, nhằm góp phần giúp giới trẻ sống có ‘tôn giáo’, đảm bảo trật tự đạo đức xã hội. Khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về chính niệm, sự từ bi, trí tuệ qua các bài Pháp thoại, Khóa tu, Chương trình công tác xã hội… nhằm giúp trẻ VTN biết được hậu quả của việc phá thai, sát sinh. Khi biết được hậu quả, trẻ VTN sẽ biết cách bảo vệ cho mình. Đồng thời, các bạn cũng sẽ đưa ra được những quyết định hợp lý, phù hợp với lương tâm, tạo đức. Những nghiệp báo bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết cũng vì thế mà không sinh ra.
Tiếp theo, đối với các em VTN là phật tử nên là người đi đầu trong việc tuyên truyền và giáo dục giới tính cũng như phòng, ngừa thọ thai ngoài ý muốn. Các hội, nhóm Gia đình Phật tử tổ chức các chương trình sinh hoạt nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và bình đẳng giới. Tư vấn tâm lý cũng như các phương tiện giáo dục giới tính. Theo đó sự giáo dục và giúp đỡ cần được thực hiện, bao gồm việc khuyến khích và tạo môi trường để tránh việc lạm dụng tình dục trong giới trẻ VTN, đặc biệt nữ giới. Hướng dẫn về sức khỏe phụ sản, sức khỏe tiền hôn nhân, mổ xẻ tính chất đạo đức của việc ngừa thai, phổ biến tinh thần bình đẳng giới tính, cung cấp phương pháp và phương tiện ngừa thai an toàn, miễn phí.
Cuối cùng, các cơ sở giáo dục cần tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường, vào sinh hoạt vui chơi. Cần có sự kết hợp giữa đơn vị giáo dục và tôn giáo, các tổ chức công tác xã hội nhằm giúp cho trẻ VTN có một cái nhìn rộng mở có chiều sâu, trưởng dưỡng đạo đức, phát triển lòng từ, bi và tin sâu nhân quả. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần ngăn chặn các cơ sở y tế tư nhân hành nghề nạo phá thai trái phép. Đó sẽ là một ‘lá chắn’ quan trọng trong việc đưa các em thoát khỏi viễn cảnh phải làm mẹ sớm.
2.3.2 Giải pháp cho vấn đề phá thai
Đạo Phật dứt khoát không chấp nhận việc giết và bảo người khác giết hại mọi sinh vật, thì việc loại trừ thai nhi, tước đi sự sống của một người sơ sinh, là điều không thể chấp nhận. Một hành động bất thiện có chủ ý, biết rõ những gì đang làm, nhưng không nhận ra đó là hành động sai lầm. Đối với trẻ VTN thì sự “vô tư” cần được răn đe, giáo dục đúng cách. Từ góc nhìn của đạo Phật, ngoài việc ngăn ngừa sự việc xảy ra thì cần có những giải pháp thiết thực cho sự việc đã xảy ra, với khía cạnh này người viết có ba tư kiến như sau:
Thứ nhất, ‘đủ yêu thương, từ bi và bao dung’. Với những trẻ VTN mang thai ngoài ý muốn, các phật tử cần hết sức hỗ trợ, không nên kỳ thị hay chỉ trích: “Không nên nhìn lỗi người/Người làm hay không làm/Nên nhìn tự chính mình/Có làm hay không làm”[28]. Trong xã hội hiện đại này, việc mang thai ngoài ý muốn cũng vấp phải nhiều chỉ trích do định kiến xã hội bao đời. Trẻ VTN mang thai lúc này sẽ chịu đau khổ và áp lực nặng nề dễ dẫn đến quyết định phá thai hoặc tự tử. Lúc này, các em cần được quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Chúng ta là người con Phật, cần giúp trẻ VTN mang thai ngoài ý muốn cần phải ý thức rằng sự sống rất quý giá. Có con đó là nhân duyên, phước báu. Trong xã hội có những người sẵn sàng, khao khát nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Họ sẽ chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ dù cho chúng có khiếm khuyết hay không toàn vẹn. Do đó, không nên tước đoạt quyền được sống của một con người. Thay vào đó, bạn nên cho chúng một cơ hội để đến với cuộc đời này. Dù là hạnh phúc hay khổ đau cũng là do nhân quả, hãy để chúng được sống. Khi giúp đỡ cho một sinh linh, chúng ta đã tạo nên một nhân duyên tốt đẹp: “Không làm mọi điều ác/Thành tựu các hạnh lành/Tâm ý giữ trong sạch/Chính lời chư Phật dạy”[29].
Thứ hai, ‘hiểu, tin và yêu Phật’. Tâm lý người thế gian yêu một người ‘yêu cả đường đi lối về’, đặc biệt trẻ VTN ngày nay ‘yêu cuồng, tin vội’ đang là một vấn đề nan giải của xã hội. Giả sử, nếu tình yêu này các bạn trẻ giành cho ‘Phật’ thì như thế nào? Trẻ VTN là phật tử, sẽ là phật tử hay chưa là phật tử chỉ cần bản thân đặt niềm tin vào tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thì các em sẽ có một trải nghiệm tâm linh vững chắc, giúp các em nuôi dưỡng tâm từ, tâm bi, trải lòng yêu thương đến vạn loài. Khi hiểu rồi sẽ tin và sẽ yêu – một thứ tình yêu vững chắc nơi Phật pháp sẽ là ‘đòn bẩy’ giúp các em phát triển trí tuệ thông qua chuyên tu tập hành trì Giới – Định – Tuệ theo lời Phật dạy. Đây là ba môn học được xem như một mành lưới phủ trùm cho tất cả các giáo lý nhà Phật. Nương tựa chính pháp là mang lại nhiều lợi ích, chính pháp không phải là một cái gì đó trừu tượng, mù quáng, tối tăm vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, mà đó là một thực tại và bất cứ một người nào cũng có thể đạt đến. Đức Phật dạy: “Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”[30]. Giữa biển cả mênh mông thì hòn đảo là nơi bình yên để thuyền neo đậu. Giữa cõi ta bà rộng lớn, vô vàng cám dỗ này thì chính pháp như là hòn đảo, còn ta như là con thuyền lênh đênh trên biển cả để tìm chỗ tựa nương.
Thứ ba, ‘sám hối, chuyển nghiệp’. Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa. Vậy nên, trẻ VTN đã phá thai, việc đầu tiên cần phải làm đó là sám hối – nhận lỗi về mình, phải ăn năn, hối hận, sau đó quyết không để phạm lại, không gây thêm tội lỗi mới. Trong chính văn có bài kệ tán thán công đức sám hối, đại ý như thế này: Sám vừa cử lên/Tội lỗi tiêu liền; Giải được oan trái/Trừ được tai ương/Thoát khỏi khổ nạn/Phước đức vô biên.Văn Thủy Sám cũng nói: Lúc nghiệp báo đến, tội nhân không thể rúc vào núi đá, lặn xuống đáy nước, bay lên không gian hay ẩn núp đâu được. Duy chỉ có nhờ phương pháp sám hối mả thoát được tai nạn mau chóng hơn hết, độc nhất vô nhị. Sám hối lợi cho mình, lợi cho người, cho tất cả tam đồ, lục đạo pháp giới chúng sinh[31]. Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy: “Người ta có những sự lầm lỗi mà chẳng biết tự hối, dứt bỏ ngay đi, thì tội lỗi tích tụ nơi thân mình, như nước đổ về biển, mỗi ngày lại càng thêm sâu rộng. Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành, thì tội tự tiêu diệt; như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm”[32]. Để làm giảm cũng như tiêu trừ ‘tội sát thai nhi’ ở trẻ VTN nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung như sau:
(1) Sám hối với tam bảo, sám hối với thai nhi: tham gia các khóa lễ cầu siêu, cúng dường trai phạn, trai tăng hồi hướng công đức cho thai nhi. Nếu xem tội từng tạo là một cái thùng muối hột mặn, thì giờ cần tạo ra một dòng sông công đức phước báu là nước ngọt để pha loãng chúng. Thùng muối nếu đổ vào cái ao nước nhỏ, hoặc giữ nguyên thì mới còn vị mặn. Chứ nếu chúng được đổ vào dòng sông nước ngọt rộng muôn trùng thì sẽ chẳng còn thấy đâu nữa cả.
(2) Phát nguyện, học hạnh lành: Phát nguyện làm vô số công đức và phước báu để pha loãng tội lỗi đã tạo như quy y Tam Bảo phát nguyện thọ trì năm giới. Tham gia các hoạt động hòa bình, bảo vệ sự sống và quyền được sống như phóng sinh, ăn chay, cúng dường bố thí, làm đường xây cầu, chia sẻ Phật Pháp đúng để giúp con người sống hướng thiện, chăm sóc sức khỏe cho người khác bằng cách hoạt động tình nguyện và hồi hướng công đức cho thai nhi.
(3) Thường gần gũi bậc thiện tri thức, siêng nghe thuyết pháp đúng mỗi ngày, và phải giữ thời khóa công phu tu hành đều đặn, chép kinh tạng. Song song với việc học Giáo Pháp, chúng ta cần phải siêng năng trong việc công phu tu tập như ngồi thiền, đi thiền hành, lễ Phật, niệm Phật, trì chú, lễ Phật nhiều....
(4) Hưởng ứng việc ăn chay, kêu gọi giữ gìn môi trường sinh thái, giữ gìn sự cân bằng sinh thái, không giết hại hoặc tuyệt chủng các loại hình sự sống của động vật để cho hành tinh này được bền vững hơn. Tham gia vào việc trường chay là ‘anh hùng bảo vệ môi trường’ thì đây là những việc trực tiếp để chuyển hoá nghiệp sát sinh ở trong quá khứ.
3. KẾT LUẬN
Thiết nghĩ chúng ta nên nhìn hành vi phá thai của trẻ VTN với tâm đáng thương hơn đáng trách. Hạnh phúc hay đau khổ của con người là tự con người quyết định lấy. Quy luật chân lý đã chỉ cho chúng ta thấy: Muốn có hạnh phúc thì phải hy sinh, còn thoả mãn hưởng thụ sẽ phải chuốc lấy phần hậu quả khôn lường trong hối tiếc. Tất cả bắt nguồn từ con người cách hành xử trong cuộc sống khi nhận thức một sự việc nào đó. Vậy, lời khuyên cho trẻ VTN hãy chọn cho mình một cách để sống và hành xử. Ước mong rằng giới trẻ chúng ta nhận ra những điều này và cương quyết không để ‘ma quỷ’ cám dỗ.
Nhân loại này có hạnh phúc hay không, trái đất này được xanh tươi màu mỡ hay không, tuỳ thuộc rất lớn vào mỗi người đặc biệt thế hệ trẻ - mầm non của đất nước. Trong vòng sinh tử vô tận, vô số những người thân của ta, nay trở thành thân hoặc sơ,.. đã tích lũy những tập nghiệp đáng sợ. Do đó, mỗi Phật tử chúng ta nói chung trẻ VTN nói riêng nên hoà thuận, biết sống san sẻ, thương yêu kẻ khác là gieo nhân hoà bình, tránh làm những điều cấm mà tôn giáo không cho phép đem lại nguồn an vui và thịnh lạc cho mỗi người và cho toàn thể xã hội: “Hận thù diệt hận thù/Đời này không có được/Từ bi diệt hận thù/ Là định luật ngàn thu”[33].
Sống phải có trí tuệ, đừng giống như hai người cầm một khúc củi cháy đỏ, người không biết nó nóng sẽ bị phỏng nhiều hơn người biết rõ nó nóng như thế nào. Vì người trí, khi phạm một lỗi lầm, có thể khởi lên tâm ân hận, ăn năn hối lỗi, hoặc làm các việc phước thiện để bù lại, còn người ngu thì không biết đó là tội, thế là làm hoài, các nghiệp ác làm nhân làm duyên cho nhau, thế là mãi miết làm ác và chịu quả báo đau khổ triền miên[34].
Thích Nữ Diệu Hạnh Nghiên cứu sinh Học viện PGVN tại Tp.HCM
***[1] Huỳnh Thanh Hương. (2005). Các yếu tố nguy cơ của phá thai to ở tuổi vị thành niên. Đại Học Y Dược Tp.HCM, Hồ Chí Minh. [2] WHO (2020), Annual Report on Health Research 2020. https://www.unicef.org. Truy cập 20/7/2022. [3] GOPFP (2020), Báo cáo điều tra dân số quý 1 năm 2020. http://gopfp.gov.vn/so-lieu. Truy cập 20/7/2020. [4] WHO (2020), Annual Report on Health Research 2020. https://www.unicef.org/vietnam. Truy cập 20/7/2022. [5] Quốc Hội (1989), Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Điều 44 (luật số 21-LCT/HĐNN8). [6] Persell, Caroline Hodges. 1990. Understanding Society: An Introduction to Sociology. Third Edition. New York: Harper & Row, p.237. [7] Bộ Y tế & SIDA. (2006). Điều tra quốc gia về vị thành niên, thanh niên Việt Nam. Báo cáo chuyên đề: Một số vấn đề sức khỏe tình dục và sinh sản của vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY). [8] Kinh Trung Bộ I, Sư Tử Hống Tr.106. [9] Kinh Trung Bộ I, Đại kinh Đoạn tận Ái, tr. 582. [10] Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Duyên, tr.511. [11] Kinh Tương Ưng II, Không Của Phải Ông: Natumha, tr. 412. [12] Kinh Đại Bảo Tích (1999), Pháp hội – Phật Thuyết Nhập Thai Tạng, tập IV, tr.7. [13] Thitasila Mahathera (2015), Mi Tiên Vấn Đáp, tr.123 [14] Kinh Trường Bộ II, Kinh Phúng Tụng, tr.567. [15] Narada Mahathera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Nxb Hồng Đức, tr.420. [16] Harold G. Coward, Julius J. Lipner, & Katherine K. Young, Hindu Ethics: Purity, Aboriton, and Euthanasia, New York, State University of New York Press 1989, tr.43. [17] Beyond Dogma (1996), HH the Dalai Lama. Rupa & Co.,. tr.11. [18] Peter Harvey (2000), Introduction to Buddhist Ethics: Foundations, Values and Issues. Cambridge: Cambridge University Press, 2000, p. 53-55. [19] 《大方廣十輪經》卷3:「何者為根本罪非逆罪?若人在我法中出家,如是凡夫,眾生故害其命,若以毒藥或墮其胎,是名根本罪非逆罪也;」(CBETA 2022.Q3, T13, no. 410, p. 694c18-21). [20] 《雜阿含經》卷19:「此眾生者,過去世時,於此王舍城自墮其胎,緣斯罪故,墮地獄中已百千歲,受無量苦,以餘罪故,今得此身,續受斯苦。」(CBETA 2022.Q3, T02, no. 99, p. 136b1-4). [21] Kinh Tương Ưng, Kinh Đầu Ngón Tay, Tập 1, tr.607. [22] Kinh Trung Bộ, Kinh Hiền Ngu, tập II, tr. 495. [23] Kinh Trung Bộ, Tiểu kinh nghiệp Phân biệt, tập II, tr. 539. [24] Phật thuyết kinh diệt tội trường thọ và thần chú bảo hộ thai nhi (2006), tr.5. [25] Sđ d, tr.7. [26] Narada Mahathera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Nxb Hồng Đức, tr.362. [27] Kinh Trường Bộ, II, Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, NXB. TPHCM, 1991, tr.541 – 542. [28] Kinh Pháp Cú, kệ 50. [29] Kinh Pháp Cú, kệ 185. [30] Kinh Tương Ưng bộ, Phẩm Ambapali, tr. 386. [31] Kinh Lương Hoàng Sám, tr.21. [32] Đoàn Trung Còn và cộng sự dịch (2010), Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 5. [33] Kinh Pháp cú, kệ số 5. [34] Kinh Tỳ-kheo Na-tiên, tr.95.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 《大方廣十輪經》卷3:「何者為根本罪非逆罪?若人在我法中出家,如是凡夫,眾生故害其命,若以毒藥或墮其胎,是名根本罪非逆罪也;」(CBETA 2022.Q3, T13, no. 410, p. 694c18-21) 2. 《雜阿含經》卷19:「此眾生者,過去世時,於此王舍城自墮其胎,緣斯罪故,墮地獄中已百千歲,受無量苦,以餘罪故,今得此身,續受斯苦. (CBETA 2022.Q3, T02, no. 99, p. 136b1-4). 3. Claudia Dreifus (1993). “New York Times Interview with the Dalai Lama”. New York Times. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2022. 4. Đoàn Trung Còn và cộng Sự (2009), Kinh Tỳ kheo Na-tiên, Nxb Tôn giáo. 5. Đoàn Trung Còn và cộng sự dịch (2010), Kinh Di Giáo, Nxb Tôn giáo. 6. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Trung Bộ I, II VNCPHVN ấn hành. 7. ĐTKVN, Thích Minh Châu Việt dịch (1991), Kinh Trường Bộ I, II, VNCPHVN ấn hành. 8. ĐTKVN, Thích Minh Châu Việt dịch (1993), Kinh Tương Ưng Bộ I, II, VNCPHVN ấn hành. 9. Huỳnh Thanh Hương. (2005). Các yếu tố nguy cơ của phá thai to ở tuổi vị thành niên. Đại Học Y Dược Tp.HCM, Hồ Chí Minh. 10. Narada Mahathera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Nxb Hồng Đức. 11. Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Mỹ Hương, Daniel Weitranb & Meredith Caplan. (1999). Khảo sát kiến thức thái độ hành vi của thiếu niên Hải Phòng với các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Ủy Ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. 12. Thích Thiện Siêu, Thích Thanh Từ (1994), Kinh Tạp A Hàm, Kinh số 512, tập II, VNCPHVN ấn hành năm. 13. Thích Trí Tịnh dịch (1999), Kinh Đại Bảo Tích, Nxb. Ban Văn Hóa Thành Hội, TP. HCM, tập IV. 14. Thích Viên Giác (1960), Lương Hoàng Sám, Nxb Tôn giáo. 15. Thitasila Mahathera (2013), Mi Tiên Vấn Đáp, Vô Môn Thiền Tự Ấn tống. 16. Walpola Rahula (2011), Phật Pháp Tinh Yếu, Nxb Thời Đại. 17. WHO (2020), Annual Report on Health Research 2020. https://www.unicef.org. Truy cập 20/7/2022.
Bình luận (0)